ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/2006/QĐ-UBND | Biên Hòa, ngày 29 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH ngày 26/4/2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá;
Căn cứ Thông tư số 15/2004/TT-BTC ngày 09/3/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 về thẩm định giá;
Căn cứ Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30/01/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 1820/TTr-STC ngày 18 tháng 10 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về quản lý giá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số 2838/2005/QĐ-UBND ngày 04/8/2005 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định về quản lý giá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 3. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực hiện Quyết định và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp có liên quan.
Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Đồng Nai)
Chương I
THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Điều 1. UBND tỉnh được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền; Tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách, biện pháp giá và các quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Điều 2. Bình ổn giá thị trường
UBND tỉnh thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư phát triển.
Danh mục hàng hóa dịch vụ UBND tỉnh thực hiện và phối hợp với Trung ương thực hiện bình ổn giá bao gồm: Xăng, dầu, khí hóa lỏng, xi măng, sắt thép, phân bón, lúa, gạo, cà phê, bông hạt và bông xơ, mía cây nguyên liệu, muối, một số loại thuốc phòng, chữa bệnh cho người, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt.
Điều 3. Tài sản, hàng hóa, dịch vụ do UBND tỉnh quyết định giá sau khi Sở Tài chính trình hoặc có ý kiến thẩm định bằng văn bản.
1. Giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong thành phố, thị xã, khu công nghiệp.
2. Giá bán báo của các cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh.
3. Giá đất trên địa bàn tỉnh sau khi thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh, được sử dụng làm căn cứ để:
a) Tính thuế đối với việc sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
b) Tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất cho các trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật Đất đai năm 2003;
c) Tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trong các trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật Đất đai năm 2003;
d) Xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp Nhà nước khi doanh nghiệp cổ phần hóa, lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật Đất đai năm 2003;
e) Tính giá trị quyền sử dụng đất để thu lệ phí trước bạ chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
f) Tính giá trị quyền sử dụng đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế quy định tại Điều 39, Điều 40 của Luật Đất đai năm 2003;
g) Tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
4. Giá cho thuê đất có mặt nước và giá để thu tiền sử dụng đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.
5. Giá bán hoặc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách; giá bán hoặc giá cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước để làm việc hoặc sử dụng vào mục đích khác.
6. Giá bán điện đối với nguồn điện do địa phương quản lý không thuộc mạng lưới điện Quốc gia.
7. Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và hành khách thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách của địa phương và Trung ương và mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển.
8. Giá bán nước sạch cho sinh hoạt.
9. Giá bồi thường tài sản, hoa màu, nhà cửa, vật kiến trúc và tài sản khác; mức hỗ trợ các loại khi Nhà nước thu hồi đất.
10. Quyết định hoặc ủy quyền cho Sở Tài chính quyết định giá hàng hóa, dịch vụ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước thuộc vốn ngân sách không qua đấu thầu đấu giá theo Thông tư số 05/2004/TT- BTC ngày 30 tháng 01 năm 2004 của Bộ Tài chính.
11. Cước vận chuyển hàng hóa bằng ô tô để tính trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ nguồn ngân sách Nhà nước làm căn cứ xác định cước vận chuyển hàng hóa do Nhà nước đặt hàng mà không qua hình thức đấu thầu, đấu giá.
12. Giá nước thô.
13. Viện phí và dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế của Nhà nước thuộc tỉnh, huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
14. Phí và lệ phí thuộc danh mục phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương được phân cấp theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ.
15. Ngoài những tài sản, hàng hóa, dịch vụ nêu trên, trường hợp cần thiết UBND tỉnh xem xét đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh quyết định giá một số loại hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác có tác động đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhằm bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Điều 4. Kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chấp hành các quy định của pháp luật về giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến quản lý Nhà nước về giá tại địa phương; xử lý vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Chương II
THẨM QUYỀN CỦA SỞ TÀI CHÍNH
Điều 5. Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách về giá cả tại địa phương, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chính sách giá của Trung ương và địa phương.
Điều 6. Bình ổn giá thị trường
Khi giá hàng hóa, dịch vụ biến động bất thường theo quy định tại khoản 1 Mục I Thông tư 15/2004/TT-BTC ngày 09/3/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá, Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định và công bố thi hành các biện pháp bình ổn giá theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.
Điều 7. Lập, trình và thẩm định phương án giá
1. Sở Tài chính lập phương án giá và trình UBND tỉnh quyết định các loại giá sau khi thống nhất với một số Sở, ngành và cơ quan có liên quan:
a) Giá đất trên địa bàn tỉnh trên cơ sở khung giá của Chính phủ quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
b) Giá cho thuê đất có mặt nước và giá để thu tiền sử dụng đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.
c) Giá bồi thường tài sản, hoa màu, nhà cửa, vật kiến trúc và tài sản khác; mức hỗ trợ các loại khi Nhà nước thu hồi đất.
2. Sở Tài chính thẩm định phương án giá của các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan lập để trình UBND tỉnh:
a) Giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong thành phố, thị xã, khu công nghiệp.
b) Giá bán báo của cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh.
c) Giá bán hoặc cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách; giá bán hoặc giá cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước để làm việc hoặc sử dụng vào mục đích khác.
d) Giá bán điện đối với nguồn điện do tỉnh quản lý không thuộc mạng lưới điện Quốc gia.
đ) Mức trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và hành khách thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ ngân sách của địa phương và Trung ương; mức giá hoặc khung giá bán lẻ hàng hóa được trợ giá, trợ cước vận chuyển.
e) Giá bán nước sạch cho sinh hoạt.
f) Giá nước thô.
g) Viện phí dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế của Nhà nước thuộc tỉnh, huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
h) Giá hàng hóa, dịch vụ sản xuất theo đơn đặt hàng của tỉnh thuộc ngân sách địa phương.
i) Cước vận chuyển hàng hóa bằng ô tô để tính trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ nguồn ngân sách Nhà nước làm căn cứ xác định cước vận chuyển hàng hóa do Nhà nước đặt hàng mà không qua hình thức đấu thầu, đấu giá.
Điều 8. Tham gia Hội đồng định giá của tỉnh
1. Là Chủ tịch Hội đồng định giá của tỉnh định giá các loại tài sản, hàng hóa sau đây nếu không qua đấu thầu và thẩm định giá: Tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước; Tài sản của Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác; tài sản, hàng hóa tịch thu sung công xác lập quyền sở hữu Nhà nước.
2. Phối hợp với các ngành có liên quan tham gia Hội đồng định giá tài sản, hàng hóa khác khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Hiệp thương giá
Sở Tài chính tổ chức hiệp thương giá theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc theo đề nghị của bên mua, bán hoặc một trong hai bên mua, bán mà cả hai bên mua bán này có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ quan trọng có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là những hàng hóa, dịch vụ quan trọng có tính độc quyền mua, độc quyền bán không thuộc phạm vi Nhà nước định giá.
Hàng hóa, dịch vụ quan trọng có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán là hàng hóa, dịch vụ độc quyền được sản xuất ra trong điều kiện sản xuất, kinh doanh đặc thù mà trong quan hệ mua, bán các bên phụ thuộc lẫn nhau không thể thay thế được, không có cạnh tranh trên thị trường.
Kết quả hiệp thương giá do các bên thỏa thuận được Sở Tài chính ban hành để thi hành; trường hợp đã tổ chức hiệp thương giá mà các bên vẫn chưa thỏa thuận được mức giá thì Sở Tài chính quyết định giá tạm thời để các bên thi hành cho đến khi các bên thỏa thuận được mức giá nhằm kịp thời phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trình tự tổ chức hiệp thương, thành phần tham dự hội nghị hiệp thương do Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn.
Điều 10. Thông tin giá cả thị trường và kiểm soát giá vật liệu xây dựng
a) Tổ chức chỉ đạo và thực hiện công tác thông tin thị trường, giá cả. Thông báo kịp thời tình hình giá cả thị trường theo yêu cầu chỉ đạo của tỉnh, Trung ương và quy định của ngành.
b) Phối hợp với Sở Xây dựng thông báo giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định của ngành để kiểm soát giá vật liệu xây dựng và làm căn cứ xây dựng dự toán và thanh quyết toán các công trình xây dựng cơ bản.
Điều 11. Tổ chức chỉ đạo và thực hiện quyết định của UBND tỉnh về kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chấp hành các quy định của pháp luật về giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến quản lý Nhà nước về giá tại địa phương; xử lý vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Chương III
THẨM QUYỀN CỦA CÁC SỞ, NGÀNH CỦA TỈNH, UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ LONG KHÁNH, THÀNH PHỐ BIÊN HÒA VÀ CÁC ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN
Điều 12. Sở Giao thông Vận tải
1. Hướng dẫn các đơn vị vận chuyển bằng xe buýt lập phương án giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong thành phố, thị xã, khu công nghiệp để trình UBND tỉnh quyết định.
2. Lập phương án giá cước vận chuyển hàng hóa bằng ô tô để tính trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục được trợ giá, trợ cước vận chuyển chi từ nguồn ngân sách Nhà nước làm căn cứ xác định cước vận chuyển hàng hóa do Nhà nước đặt hàng mà không qua hình thức đấu thầu, đấu giá trình UBND tỉnh quyết định.
Điều 13. Sở Xây dựng
1. Giá bán hoặc giá nhà cho thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng tái định cư, đối tượng chính sách; giá bán hoặc giá cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước để làm việc hoặc sử dụng vào mục đích khác do Sở Xây dựng căn cứ vào khung giá hoặc giá chuẩn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để lập phương án giá trình UBND tỉnh quyết định.
2. Giá bán nước sạch cho sinh hoạt do đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch căn cứ vào khung giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính để lập phương án giá, Sở Xây dựng có ý kiến để trình UBND tỉnh.
3. Phối hợp với Sở Tài chính thông báo giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để kiểm soát giá vật liệu xây dựng làm căn cứ xây dựng dự toán và thanh, quyết toán các công trình xây dựng cơ bản.
Điều 14. Sở Y tế
Trên cơ sở quy định của Trung ương và tình hình khám chữa bệnh tại địa phương, Sở Y tế lập phương án viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế của Nhà nước thuộc tỉnh, huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa trình UBND tỉnh.
Điều 15. Sở Công nghiệp
Lập phương án giá đối với giá bán điện do địa phương quản lý không thuộc mạng lưới điện Quốc gia trình UBND tỉnh sau khi có ý kiến của các sở, ngành có liên quan.
Điều 16. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lập phương án giá nước thô để trình UBND tỉnh sau khi có ý kiến của các Sở, ngành có liên quan.
Điều 17. Ban biên tập báo của cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai
Lập phương án giá bán báo của cơ quan Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của các cơ quan liên quan.
Điều 18. Các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa
Tham gia ý kiến các phương án giá có liên quan trước khi trình UBND tỉnh quyết định và tham gia các Hội đồng định giá do UBND tỉnh thành lập.
Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá cả thị trường, lập phương án giá, hiệp thương giá, kiểm tra thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chấp hành các quy định của pháp luật về giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến quản lý Nhà nước về giá tại địa phương; xử lý vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Tổ chức theo dõi và báo cáo tình hình giá cả thị trường, giá vật liệu xây dựng tại địa phương theo quy định của Sở Tài chính.
UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chỉ đạo các phòng ban trực thuộc thực hiện các chính sách về giá của Trung ương và tỉnh, phòng Kế hoạch - Tài chính phải chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tài chính về công tác giá.
Điều 19. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngành hàng
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngành hàng lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ có liên quan thuộc danh mục Nhà nước định giá nêu ở Điều 3 Chương I, Điều 7 Chương II nêu trên trình UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Sở, ngành chủ quản và ý kiến thẩm định của Sở Tài chính.
Chương IV
THẨM ĐỊNH GIÁ
Điều 20. Tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá bao gồm:
1. Tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước.
2. Tài sản của Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác.
3. Tài sản của Doanh nghiệp Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể và các hình thức chuyển đổi khác.
4. Tài sản khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật phải thẩm định giá.
Điều 21. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước mua sắm tài sản theo quy định tại Điều 20 nếu không qua đấu thầu hoặc qua Hội đồng xác định giá được thành lập theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện thẩm định giá.
Điều 22. Giá trị tài sản phải thẩm định giá:
1. Tài sản có giá trị đơn chiếc trên 20 triệu đồng hoặc mua một lần cùng một loại tài sản với số lượng lớn có tổng giá trị trên 20 triệu đồng đối với tài sản mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Tài sản có giá trị từ 20 triệu đồng trở xuống không phải thẩm định giá nhưng đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của giá cả và chất luợng tài sản mua sắm.
2. Tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên đối với tài sản của Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác.
3. Tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên đối với tài sản của doanh nghiệp Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể và các hình thức chuyển đổi khác;
4. Tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên đối với các tài sản khác của Nhà nước.
Điều 23. Giá dịch vụ thẩm định giá:
1. Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 101/2005/NĐ-CP và được xác định theo sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng, được ghi cụ thể trong hợp đồng.
2. Các tài sản Nhà nước phải thẩm định giá quy định tại Điều 15 Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá. Giá dịch vụ thẩm định giá do ngân sách Nhà nước trang trải áp dụng như sau:
a) Đối với tài sản của Nhà nước có giá trị theo sổ kế toán hoặc giá dự toán từ 30 tỷ đồng trở lên; hoặc gói thầu dịch vụ thẩm định giá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên phải thực hiện hình thức đấu thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
b) Đối với tài sản của Nhà nước có giá trị theo sổ kế toán hoặc giá dự toán dưới 30 tỷ đồng; hoặc các gói thầu dịch vụ thẩm định giá có giá trị dưới 100 triệu đồng thì cơ quan Nhà nước có tài sản phải thẩm định giá có thể tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
Điều 24. Doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và hoạt động theo Nghị định 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá và Thông tư số 17/2006/TT-BTC ngày 13/3/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá thực hiện dịch vụ thẩm định giá.
Điều 25. Việc thẩm định giá các tài sản hình thành từ các nguồn vốn khác thực hiện theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 26. Sở Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước về giá của tỉnh, phối hợp với các Sở, ngành liên quan để tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giá tại địa phương, bố trí đủ cán bộ có đủ điều kiện hoàn thành các nhiệm vụ quản lý giá của tỉnh theo Pháp lệnh Giá.
Điều 27. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý giá theo thẩm quyền tại địa phương.
Điều 28. Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu có vướng mắc, các tổ chức và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Tài chính để Sở Tài chính tập hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.