ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 84/2004/QĐ-UB | Đà Lạt, ngày 13 tháng 5 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/1l/2003;
- Căn cứ Luật Đất đai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 , năm 2001 ;
- Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
- Căn cứ Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC ngày 18/02/2003 của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Bản qui định về cơ chế đổi đất lấy hạ tầng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |
BẢN QUY ĐỊNH
CƠ CHẾ ĐỔI ĐẤT LẤY HẠ TẦNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/2004/QĐ-UB ngày 13/5/2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ ĐỔI ĐẤT LẤY HẠ TẦNG
Ngày nay đất đai đã trở thành nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, là nguồn tài chính tiềm tàng để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của các địa phương.
Dùng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là một biện pháp quan trọng để khai thác nguồn vốn to lớn từ đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng nhằm mục đích xác định các phương thức, qui trình, giải pháp cụ thể để các nhà đầu tư tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn và được thanh toán lại bằng giá trị đất hoặc quyền sử dụng đất.
Phần II
CÁC CƠ CHẾ ĐỔI ĐẤT LẤY HẠ TẦNG TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG
I. Các căn cứ pháp lý:
- Luật Đất đai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 , năm 2001 ;
- Luật Đất đai năm 2003;
- Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đã được ban hành;
- Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC ngày 18/02/2003 của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
II. Quy trình chung của cơ chế đổi đất lấy hạ tầng:
1. Căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh tiến hành lập qui hoạch quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh. (Đặc biệt ưu tiên qui hoạch trước quỹ đất công).
2. Lập qui hoạch xây dựng chi tiết các khu đất và công bố giá đất nguyên khai của các khu đất.
3. Lập dự án đầu tư và thiết kế dự toán các công trình hạ tầng kỹ thuật trên khu đất qui hoạch.
4. Tổ chức đền bù giải tỏa, tái định cư cho các đối tượng đang sử dụng đất trên khu đất qui hoạch.
5. Tổ chức đấu thầu xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo thiết kế được duyệt.
6. Đấu giá công khai đất để thu tiền.
- Số tiền thu được, dùng để trả cho các chi phí (đền bù, giải tỏa, xây dựng kết cấu hạ tầng...); số tiền còn lại tạo quỹ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chung của địa phương, không dùng cho mục đích khác.
III - Các phương thức áp dụng đối với tỉnh Lâm Đồng:
1. Phương thức 1: Nhà nước tự tổ chức thực hiện việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:
a) Phương thức thực hiện:
ủy ban Nhân dân tỉnh giao chủ đầu tư sử dụng vốn vay (vay Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại ...) để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng.
Chủ đầu tư lập qui hoạch xây dựng chi tiết, lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; tổ chức đền bù giải tỏa, tái định cư; tổ chức đấu thầu các công trình hạ tầng theo thiết kế được duyệt.
Sau khi xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư phân lô đấu giá đất và giao đất theo mục đích sử dụng mới.
Sử dụng tiền thu được để trả cho các chi phí (đền bù, giải tỏa, xây dựng kết cấu hạ tầng...). Số tiền còn lại được dùng cho việc tạo vốn từ quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
b) Phạm vi áp dụng:
Có thể áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
2. Phương thức 2: Thực hiện Thông báo 139/UB ngày 18/10/2002 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
a) Phương thức thực hiện:
Chủ đầu tư lập qui hoạch xây dựng chi tiết, lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bỏ vốn trước để Nhà nước tổ chức đền bù giải tỏa, tái định cư; tổ chức đấu thầu có điều kiện các công trình: Nhà thầu ứng vốn thi công trước, sau khi hoàn thành, bàn giao mới được thanh toán. Việc tổ chức thực hiện đấu thầu theo qui định của Nhà nước.
Sau khi xây dựng xong các công trình hạ tầng, chủ đầu tư thực hiện phân lô và đấu giá đất.
Sử dụng tiền thu được từ đấu giá đất để thanh toán các chi phí, ưu tiên thanh toán chi phí xây dựng công trình cho nhà thầu; số tiền còn lại được dùng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.
b) Phạm vi áp dụng:
Tiếp tục áp dụng cho các dự án theo Thông báo 139/UB ngày 18/10/2002 của UBND tỉnh Lâm Đồng và mở rộng cho một số huyện và thành phố.
c) Các ưu đãi đối với nhà đầu tư.:
Để thanh toán giá trị công trình, ngoài trả bằng tiền thì nhà đầu tư được thanh toán một phần bằng đất đã có hạ tầng theo giá sàn (theo mục đích sử dụng mới để đưa ra đấu giá), với tỉ lệ khoảng 10 - 20% giá trị công trình. Tỉ lệ thanh toán bằng đất tùy theo tính chất và vị trí của khu đất; khu đất có giá trị cao, nhạy cảm với thị trường thì tỉ lệ thanh toán khoảng 10%, khu đất có giá trị thấp, ít hấp dẫn hơn thì tỉ lệ thanh toán cao hơn nhằm khuyến khích đầu tư.
3. Phương thức 3: Đấu thầu công trình và sử dụng quỹ đất trong phạm vi xây dựng công trình kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư theo giá trị tương đương.
a) Phương thức thực hiện:
Chủ đầu tư lập qui hoạch xây dựng chi tiết, lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; nhà đầu tư bỏ vốn trước để Nhà nước tổ chức đền bù giải tỏa, tái định cư; tổ chức đấu thầu công trình hạ tầng theo thiết kế đã được phê duyệt.
Nhà thầu ứng vốn thi công trước, sau khi hoàn thành và bàn giao, được thanh toán lại bằng quĩ đất đã có hạ tầng tại thời điểm, tương đương với giá trị công trình đã đầu tư.
Phần diện tích còn lại, chủ đầu tư phân lô và đấu giá đất để thu tiền trả cho các chi phí (đền bù, giải tỏa...) và tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhà thầu được trọn quyền sử dụng đất theo qui hoạch đã được duyệt trên diện tích được thanh toán.
b) Phạm vi áp dụng:
Có thể áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
c) Phương thức thanh toán:
Thanh toán cho nhà thầu bằng đất đã có hạ tầng. Tỉ lệ từng lô đất được xác định cụ thể trong từng phương án được phê duyệt.
4. Phương thức 4: Định giá và giao nguyên khu đất cho nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng theo qui hoạch được duyệt, sau khi hoàn thành, tổ chức đấu giá đất, Nhà nước và nhà đầu tư chia lợi nhuận từ đất theo tỉ lệ góp vốn.
a ) Phương thức thực hiện :
Uỷ ban Nhân dân tỉnh định giá trên cơ sở giá đất được xác định hàng năm để góp vốn và đấu thầu có điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.
Nhà đầu tư lập qui hoạch xây dựng chi tiết và lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trình UBND tỉnh phê duyệt.
Nhà đầu tư bỏ vốn trước để Nhà nước tiến hành đền bù giải tỏa, tái định cư Nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và xây thô nhà ở (đối với nhà phố liền kề) theo thiết kế đã được phê duyệt.
Sau khi hoàn thành và bàn giao công trình, tỉnh phân lô đấu giá đất.
Số tiền thu được, sau khi thanh toán các chi phí và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, Nhà nước và nhà đầu tư phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ vốn góp.
b) Phạm vi áp dụng:
Có thể áp dụng trong các lĩnh vực xây dựng khu dân cư đô thị.
5. Phương thức 5: Giao nguyên khu đất cho nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng theo qui hoạch được duyệt, sau khi hoàn thành nhà đầu tư giao lại cho địa phương một tỉ lệ diện tích đất đã có hạ tầng để tỉnh đấu giá đất
a ) Phương thức thực hiện :
ủy ban Nhân dân tỉnh lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để giao đất.
Nhà đầu tư lập qui hoạch xây dựng chi tiết và lập dự án đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trình UBND tỉnh phê duyệt.
Nhà đầu tư bỏ vốn trước để Nhà nước tiến hành đền bù giải tỏa, tái định cư và xây dựng các công trình hạ tầng theo thiết kế đã phê duyệt. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư giao lại cho địa phương một tỉ lệ diện tích đất đã có hạ tầng để Nhà nước đấu giá đất.
Tỉ lệ diện tích nhà đầu tư giao cho tỉnh khoảng 30 - 40% diện tích khu đất, không tính diện tích dành cho các công trình công cộng. Tỉ lệ này được xác định tùy theo tính chất và vị trí của khu đất: Khu đất có giá trị cao, nhạy cảm với thị trường thì tỉ lệ giao khoảng 40%, khu đất có giá trị thấp, ít hấp dẫn thì tỉ lệ giao khoảng 30%; tỉ lệ diện tích và vị trí các lô đất giao được xác định cụ thể trong từng phương án được phê duyệt.
Nhà đầu tư được trọn quyền sử dụng đất theo qui hoạch được duyệt trên diện tích còn lại.
b) Phạm vi áp dụng:
Có thể áp dụng trong các lĩnh vực xây dựng khu dân cư đô thị.
IV. Các điều kiện ràng buộc đối với nhà đầu tư:
- Các nhà đầu tư tham gia đấu thầu công trình hoặc đấu giá đất phải đảm bảo tư cách pháp nhân và năng lực tài chính.
- Các đối tượng được giao đất phải sử dụng đất đúng mục đích, theo qui hoạch được duyệt và đầu tư đúng tiến độ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 38 của Luật Đất đai năm 2003 và phải nộp số tiền phạt có giá trị bằng số tiền đặt cọc tại cuộc đấu giá đất.
Phần III
CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Về qui hoạch :
Căn cứ vào kế hoạch qui hoạch sử dụng đất đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo các ngành quản lý chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố lập qui hoạch qũy đất trên phạm vi toàn tỉnh để làm cơ sở cho việc thực hiện phương án đổi đất lấy hạ tầng.
2. Về các biện pháp tổ chức thực hiện:
- Phổ biến công khai: Các qui hoạch được duyệt, quy chế đấu thầu công trình vàđấu giá đất phục vụ đổi đất lấy hạ tầng, quy chế đền bù giải tỏa, tái định cư phục vụ đổi đất lấy hạ tầng.
3. Đối tượng tham gia thực hiện đổi đất lấy hạ tầng:
Tất cả các tổ chức, đơn vị, cá nhân có tư cách pháp nhân và hội đủ các điều kiện theo qui định của Luật Đất đai của Nhà nước Việt Nam đều có quyền tham gia thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cơ chế này không áp dụng đối với các trường hợp giải quyết chính sách.
Thực hiện đền bù giải tỏa, tái định cư phục vụ đổi đất lấy hạ tầng phải đảm bảo nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt cho các đối tượng có đất bị thu hồi và nơi tái định cư phải có điều kiện sống tốt hơn nơi cũ.
4. Thành lập Ban Chỉ đạo quản lý khai thác quỹ đất tỉnh Lâm Đồng:
Thành lập Ban Chỉ đạo quản lý khai thác quỹ đất tỉnh Lâm Đồng để đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo quản lý khai thác quỹ đất gồm một Phó Chủ tịch làm Trưởng Ban, 2 Phó Trưởng ban là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Tài chính và một số thành viên là Giám đốc các Sở, ngành liên quan; Ban chỉ đạo có bộ phận cán bộ giúp việc chuyên trách thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Việc quản lý khai thác quỹ đất tạo vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng trên từng địa bàn các huyện, thị xã, thành phố do các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện, thị xã, thành phố thực hiện, có các nhiệm vụ:
- Lập qui hoạch quỹ đất trên phạm vi từng địa bàn để thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.
- Tiến hành đền bù, giải tỏa và tái định cư cho các đối tượng đang sử dụng đất
- Tổ chức đấu thầu công trình, đấu giá đất và lập các thủ tục cần thiết liên quan đến đất đai.
- Tổ chức giao đất cho người nhận đất (nhà đầu tư hoặc người dân).
- Tổ chức thu, chi và nộp vào ngân sách Nhà nước các khoản thu từ khai thác quỹ đất.
- Kiểm tra quá trình thực hiện dự án đã giao cho các nhà đầu tư và đề xuất cho UBND tỉnh các giải pháp xử lý các vi phạm.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.