BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8350/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI THI “GIAI ĐIỆU TUỔI HỒNG” TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII - 2009
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/ 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 về việc phê duyệt đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà nội và Đại lễ kỷ niệm.
Căn cứ Thông tư số 18/1994/TTLB – VHTT-GD&ĐT ngày 18/3/1994 giữa Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin trong trường học”;
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 12/2008/NQ-BGDĐT -TƯĐTN giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc “Tăng cường công tác học sinh, sinh viên và xây dựng Đoàn, Hội, Đội trong trường học giai đoạn 2008 – 2012”;
Căn cứ Kế hoạch liên ngành số 7575//KHLN/BGDĐT – BVHTTDL – TƯĐTN ngày 19/8/2008 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008-2013;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên và được sự thoả thuận của các cơ quan hữu quan,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Điều lệ Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” lần thứ VIII năm 2009 dành cho học sinh phổ thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị hữu quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐIỀU LỆ
HỘI THI “GIAI ĐIỆU TUỔI HỒNG” TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII – 2009
(Ban hành kèm theo Quyết định số 8350/QĐ- BGDĐT ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. “Giai điệu tuổi hồng” là hội thi tiếng hát học sinh phổ thông toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc lần thứ VIII-2009 là hoạt động văn hóa trọng tâm của tuổi trẻ học đường cả nước thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các nhà trường.
2. Hưởng ứng phát động của Thủ tướng hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2009 và thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2008 - 2009.
3. Hội thi được phát động, tổ chức từ các trường, các tỉnh, thành phố tới chung khảo cấp toàn quốc.
II. QUY ĐỊNH.
1. Tên hội thi: Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc lần thứ XIII-2009 (viết tắt là “ GĐTH-2009”).
2. Chủ đề là: “Hướng về nguồn cội”
3. Đối tượng tham gia :
3.1.Đối với thí sinh:
- Thí sinh tham gia Hội thi là học sinh hiện đang học tập tại các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học (THPT, THCS và TH) trong năm học 2008-2009 trong cả nước.
- Các em học sinh hiện đang theo học văn hoá hệ phổ thông tại các Nhạc viện, các trường Văn hoá nghệ thuật Trung ương không là đối tượng dự thi.
- Học sinh TH và THCS chủ yếu tham dự Hội thi ở cấp cơ sở và cấp tỉnh.
3.2. Tổ chức đoàn dự thi cấp toàn quốc:
- Thành phần của các đoàn tham gia vòng thi chung khảo toàn quốc (theo quy định tại điều 3.1) là những thí sinh đã đạt thành tích tại các cuộc thi cấp cơ sở, xếp loại học tập từ trung bình trở lên và xếp loại hạnh kiểm từ loại khá trở lên.
- Tổng số thí sinh của mỗi đoàn tham gia dự thi không quá 20 người (kể cả phụ hoạ, dẫn chương trình). Dàn nhạc (chỉ đệm nhạc) và các thành phần khác (không tham gia biểu diễn) không tính trong tổng số người nói trên. Nếu có học sinh THCS tham gia Hội thi cấp toàn quốc thì số lượng không quá 1/3 tổng số thí sinh dự thi. Học sinh TH không tham gia Hội thi cấp toàn quốc.
- Việc thành lập các đoàn tham gia thi chung khảo toàn quốc được quy định như sau:
+ Các Sở GD&ĐT thành lập đoàn từ sự lựa chọn tiết mục ở các trường của địa phương thông qua Hội thi cấp tỉnh.
+ Các trường THPT có điều kiện có thể thành lập đoàn thi riêng nhưng phải tham gia Hội thi cấp tỉnh và phải có xác nhận đồng ý dự thi cấp toàn quốc của Giám đốc Sở GD&ĐT.
4. Thể loại dự thi:
4.1. “GĐTH – 2009” vòng chung khảo toàn quốc bao gồm các thể loại chính: Đơn ca, Song ca, Tốp ca.
- Các bài hát dự thi phải thể hiện bằng tiếng Việt phổ thông. Các thí sinh hát các bài hát bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số thì phải có ít nhất một lần hát bằng tiếng Việt phổ thông (hoặc thuyết minh phần lời dịch ra tiếng Việt).
- Các tiết mục hát nếu dùng băng, đĩa cho phần nhạc đệm thì không được dùng băng, đĩa đã ghi sẵn phần lời hát (kể cả phần hát bè, hát phụ hoạ). Người ngoài sân khấu không được hát thay thí sinh đang biểu diễn.
4.2. Trong chương trình dự thi “GĐTH-2009” ở cấp cơ sở có thể có các thể loại ca, múa, nhạc và các hình thức khác, nhưng ở vòng thi Chung khảo toàn quốc, các tiết mục dự thi chủ yếu là hát như quy định ở mục 4.1. Nếu đoàn nào xây dựng chương trình có múa hoặc biểu diễn nhạc cụ thì có không quá 01 tiết mục múa hoặc 01 tiết mục biểu diễn nhạc cụ trong chương trình dự thi. Các tiết mục biểu diễn nhạc cụ (nếu có) không được dùng băng, đĩa đã ghi sẵn phần biểu diễn.
4.3. Thí sinh nếu thi đơn ca thì không được tham gia quá 1 tiết mục cùng thể loại trong chương trình.
4.4. - Khuyến khích các đoàn xây dựng chương trình có các tiết mục mang âm hưởng dân gian, dân tộc như: Hát múa đồng dao, mô phỏng các trò chơi, trò diễn dân gian… phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông.
- Khuyến khích sử dụng các tác phẩm đã tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành giáo dục năm 2008.
4.5. Các đoàn tự giới thiệu chương trình dự thi của mình.
5. Nhạc đệm và trang trí sân khấu của Hội thi:
5.1. Phần nhạc đệm của Hội thi gồm có:
- Dàn nhạc của Ban tổ chức (BTC).
- Dàn nhạc của các đơn vị (nếu có).
- Nhạc đệm bằng băng, đĩa của các đơn vị (nếu có).
5.2. Các đơn vị có nhu cầu sử dụng Dàn nhạc của BTC phải đăng ký trước (trong bản đăng ký tiết mục) và gửi kèm theo bản nhạc.
5.3. Trang trí sân khấu thêm (nếu có) trong phần biểu diễn dự thi của mỗi đoàn không được che khuất tiêu đề và lôgô chính trên sân khấu Hội thi.
6. Thời gian thứ tự biểu diễn:
- Thời gian biểu diễn của mỗi đoàn ở vòng chung khảo toàn quốc không quá 30 phút. Thời gian của mỗi đoàn được tính từ lúc đoàn tự giới thiệu chương trình dự thi của đoàn mình.
- Thứ tự biểu diễn dự thi của mỗi đoàn được xác định bằng cách rút thăm. BTC có quyền chọn đoàn biểu diễn đầu tiên của Hội thi.
- Nếu chương trình biểu diễn vượt quá thời gian quy định sẽ bị trừ điểm theo nguyên tắc cứ quá 01 phút thì bị trừ 01 điểm vào tổng điểm chương trình của các giám khảo.
7. Phương thức đánh giá điểm tiết mục, điểm chương trình điểm toàn đoàn.
7.1. Các tiết mục dự thi được chấm theo thang điểm 10, chính xác đến 0,1. Điểm tiết mục là điểm trung bình cộng của các giám khảo chấm cho tiết mục.
7.2. Điểm chương trình của mỗi đoàn được chấm theo thang điểm 10, chính xác đến 0,1 và được đánh giá căn cứ vào :
a. Mức độ bám sát chủ đề.
b. Sắc thái dân tộc, sắc thái địa phương.
c. Sự hồn nhiên, thân thiện, tươi trẻ của học sinh phổ thông.
d. Ấn tượng để lại cho người xem về mặt nghệ thuật, nét mới trong nội dung và hình thức biểu diễn. Sự kết cấu hài hoà giữa các tiết mục của toàn bộ chương trình.
7.3. Điểm toàn đoàn:
a. Bằng điểm trung bình cộng của các tiết mục nhân hệ số hai, cộng với điểm chương trình.
b. Đoàn có số điểm cao xếp trên; nếu số điểm bằng nhau đoàn nào có điểm chương trình cao hơn được xếp trên, sau đó sẽ xét đến số lượng huy chương vàng, bạc và giải ba.
c. Đối với các đoàn vi phạm Điều lệ Hội thi (Khoản 3, Điểm 4.1; 4.2 và 5.3) không được chấm điểm chương trình, không được xếp loại toàn đoàn và chỉ được tính giải các tiết mục.
8. Khen thưởng:
8.1. BTC căn cứ vào điểm toàn đoàn để tặng Bằng khen, cờ cho các đoàn nhất, nhì, ba và các giải khác.
8.2.Tặng Huy chương vàng, bạc và giải ba cá nhân cho các tiết mục đạt điểm cao nhất tính từ trên xuống, theo tỷ lệ số tiết mục từng thể loại trên tổng số tiết mục của hội thi.
8.3. Kết quả tham gia Hội thi “GĐTH – 2009” là một trong những căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá thi đua khen thưởng các mặt công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo.
9. Ban Giám khảo.
9.1. Ban Giám khảo Hội thi gồm các thành viên là các nghệ sỹ, các nhà chuyên môn của Trung ương và địa phương có trình độ chuyên môn cao, gần gũi và am hiểu phong trào văn nghệ của học sinh phổ thông.
9.2. Các thành viên Ban Giám khảo do BTC Hội thi mời đảm bảo công bằng, chính xác và khách quan.
III. CÔNG TÁC TỔ CHỨC:
1.Thời gian địa điểm: Vòng chung khảo toàn quốc dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 7/2009 tại TP. Hà Nội.
2. Các tỉnh, thành phố: Sở GD&ĐT phối hợp với Sở VHTTDL và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lập kế hoạch trình lãnh đạo tỉnh, thành phố để có kế hoạch hướng dẫn, tổ chức Hội thi theo phạm vi quản lý và vào thời điểm thích hợp.
3. Các đơn vị tham gia “GĐTH – 2009” phải lập danh sách thí sinh, danh sách đoàn có đóng dấu của cấp lãnh đạo có thẩm quyền, chương trình dự thi và gửi về Ban tổ chức Hội thi theo các hướng dẫn tiếp theo. Thí sinh dự thi phải xuất trình Học bạ và Chứng minh thư nhân dân (hoặc bản sao giấy khai sinh) ảnh 3x4 khi làm thủ tục nhân sự.
4. Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) và Ban Trường học (TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) là cơ quan thường trực tổ chức “GĐTH – 2009”. Trưởng BTC “GĐTH – 2009” là Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), các Phó trưởng Ban và các Uỷ viên là đại diện các bên có liên quan.
Thời gian, địa điểm chính thức và các quy định khác của Hội thi, BTC sẽ thông báo sau.
IV. KINH PHÍ:
1. Các Sở GD&ĐT phối hợp với các bên có liên quan lập kế hoạch, dự trù kinh phí trình lãnh đạo có thẩm quyền duyệt cấp kinh phí tổ chức Hội thi tại cơ sở và cử đoàn tham gia vòng chung kết toàn quốc.
Kinh phí dự kiến gồm:
- Tổ chức Hội thi tại cơ sở.
- Tập huấn cho đoàn tham gia thi khu vực và thi chung kết toàn quốc.
- Tiền đi lại, ăn, ở cho đoàn trong thời gian khoảng 7 ngày Hội thi
- Thẻ Hội thi.
- Tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá, tham quan, trao đổi nghiệp vụ trong thời gian diễn ra Hội thi.
- Quay và dựng video hoạt động của đoàn trong thời gian tham dự Hội thi.
2. Bộ GD&ĐT chịu kinh phí những phần cơ bản của vòng chung khảo Hội thi.
3. Các ngành, địa phương và các trường cần tranh thủ các nguồn tài trợ để tăng cường điều kiện tổ chức và giải thưởng cho Hội thi.
V. BÁO CÁO KẾT QUẢ VÀ ĐĂNG KÝ THAM GIA:
Các đơn vị sau khi tổ chức “GĐTH – 2009” ở cơ sở gửi báo cáo, đăng ký tham gia về Bộ GD&ĐT và liên hệ với BTC Hội thi theo địa chỉ:
Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Bộ GD&ĐT, 49 Đại Cồ Việt – Hà Nội. ĐT: (04) 8694.984. – Fax: (04) 8681.598– Email: patuan@moet.gov.vn.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.