ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/2003/QĐ- UBBT | Phan Thiết, ngày 15 tháng 12 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2003 - 2010.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước;
- Căn cứ Nghị định số 51/1999/QĐ-TTg ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước;
- Căn cứ Quyết định số 167/2001/QĐ-TTg ngày 26/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa thời kỳ 2001-2010;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 1678/SNN-CS ngày 24/11/2003 về việc đề nghị ban hành Quy định một số chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2003 - 2010,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2003 - 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Công nghiệp, Cục trưởng Cục Thuế Tỉnh, Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Giám đốc Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bình Thuận, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2003 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 83 /2003/QĐ-UBBT ngày 15 tháng 12 năm 2003 của UBND tỉnh Bình Thuận).
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định một số chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đáp ứng một phần tiêu dùng sữa và sản phẩm sữa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân và đa dạng hóa các sản phẩm tiêu dùng cho xã hội.
Điều 2. Đối tượng và phạm vi thực hiện chính sách này bao gồm: cá nhân, hộ gia đình, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài Tỉnh (gọi chung là người chăn nuôi) đầu tư chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi bò cái nền để sản xuất giống bò sữa; trồng cỏ thâm canh chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi bò cái nền sản xuất giống bò sữa; dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho phát triển chăn nuôi bò sữa như: phối giống, sơ chế bảo quản sữa, chế biến sữa; tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò sữa gồm: sữa bò, giống bò sữa tại Bình Thuận.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Địa bàn khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa:
Khuyến khích chăn nuôi bò sữa gắn với cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến sữa ở các xã vùng ven thành phố Phan Thiết, các thị trấn và các xã thuộc vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa.
Khuyến khích phát triển trồng cỏ và chăn nuôi bò nền sản xuất giống bò hướng sữa ở những nơi có điều kiện thuận lợi trên địa bàn Tỉnh.
Điều 4. Một số chính sách hỗ trợ:
Người chăn nuôi đầu tư chăn nuôi bò sữa và sản xuất giống bò hướng sữa được Nhà nước hỗ trợ:
4.1. Tiêm phòng miễn phí cho đàn bò sữa, bò nền sản xuất giống bò hướng sữa trong thời gian thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Thuận.
4.2. Cấp miễn phí tinh bò sữa, nitơ lỏng và chi phí vận chuyển tinh, nitơ để phối giống cho những bò cái nền tạo bò lai hướng sữa và bò sữa; Hỗ trợ tiền công phối giống 15.000đ/lần phối có chửa, trong thời gian thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Thuận.
4.3. Hỗ trợ 400.000 đồng/con bê đực lai hướng sữa F1 (bê đực đẻ ra do phối tinh bò sữa với bò cái nề lai nhóm Zebu) trong 3 năm đầu kể từ ngày triển khai Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Thuận.
4.4. Người chăn nuôi chưa có bò cái nền lai nhóm Zebu, được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để mua bò cái nền (có hợp đồng sản xuất giống bò hướng sữa với cơ quan thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa của Tỉnh), cụ thể:
- Hỗ trợ lãi suất với mức vốn vay là 3.000.000 đồng/con.
- Thời gian hỗ trợ lãi suất tiền vay là 3 năm kể từ khi mua bò.
4.5. Hỗ trợ 50% tiền mua cỏ giống theo giá thời điểm để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa, bò nền sản xuất giống bò sữa (chỉ hỗ trợ trồng mới và một lần).
4.6. Miễn các loại phí kiểm dịch, vận chuyển sữa.
4.7. Các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến sữa được hỗ trợ về xúc tiến thương mại gồm: hỗ trợ 50% chi phí tham gia hội chợ, triển lãm lần đầu, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng cho một lần tham gia Hội chợ triễn lãm.
4.8. Riêng, đối với hộ gia đình mua bò sữa, được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay với quy định:
- Hỗ trợ lãi suất với mức vốn vay là 5.000.000 đồng/con.
- Thời gian hỗ trợ lãi suất tiền vay là là 3 năm kể từ khi mua bò.
- Hỗ trợ không quá 5 con/hộ.
- Chỉ hỗ trợ cho 500 con bò sữa đầu tiên, kể từ khi thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Bình Thuận.
Điều 5. Chính sách về đất để đầu tư chăn nuôi bò sữa:
5.1. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa trên diện tích đất quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa, đất quy hoạch trồng cỏ tập trung, được Tỉnh giao đất, cho thuê đất trên cơ sở quỹ đất hiện có, khả năng quản lý và năng lực đầu tư của người chăn nuôi.
5.2. Miễn tiền thuê đất:
Ngoài chính sách miễn, giảm theo quy định của Chính phủ, còn được hưởng chính sách hỗ trợ miễn tiền thuê đất thực hiện theo Quyết định số 50/2003/QĐ-UBBT ngày 01/8/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
5.3. Được giảm tiền thủy lợi phí 50% cho diện tích đất trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, bò nền sản xuất giống bò sữa trong thời gian 3 năm theo dự án được cơ quan thẩm quyền chấp thuận.
5.4. Người chăn nuôi có đất là đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả được UBND tỉnh khuyến khích chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò sữa, bò nền sản xuất giống bò sữa, được hưởng những ưu đãi của chính sách này.
Điều 6. Chính sách về thuế:
Thực hiện ưu đãi về thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khóa XI, kỳ họp thứ 3, thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2003; các quy định hiện hành của Chính phủ, các Bộ Ngành có liên quan và Quyết định số 50/2003/QĐ-UBBT , ngày 01 tháng 8 năm 2003 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Điều 7. Chính sách về tín dụng:
7.1. Được Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển:
- Cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đối với các dự án chăn nuôi bò sữa không phân biệt địa bàn cho vay.
- Cho vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đối với các dự án xây dựng điểm thu mua sữa, chế biến sữa trên các địa bàn thuộc các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình.
- Thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư, không phân biệt địa bàn đầu tư cho các dự án chăn nuôi bò sữa có quy mô trang trại trở lên; xây dựng điểm thu mua, chế biến sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, trong trường hợp chủ đầu tư vay vốn ở các tổ chức tín dụng thương mại để đầu tư dự án, đã hoàn thành đưa vào sử dụng và trả nợ vay theo hợp đồng tín dụng.
7.2. Các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại:
Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu đầu tư mua bò cái nền lai Zebu, bò sữa và các vật tư, phương tiện chế biến, bảo quản, tiêu thụ sữa được vay vốn. Thực hiện chính sách tín dụng Nhà nước có liên quan đến người vay và thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất của Tỉnh cho các đối tượng vay được quy định tại điểm 4.4 và 4.8 Điều 4 của bản quy định này.
Phối hợp Quỹ hỗ trợ phát triển thực hiện cho vay, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án chăn nuôi bò có quy mô trang trại.
Điều 8. Chính sách về khuyến nông:
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò sữa được hưởng các chính sách về khuyến nông như sau:
- Huấn luyện, đào tạo tay nghề, đào tạo kỹ thuật viên về chăn nuôi bò sữa.
- Tham gia thực hiện các điểm trình diễn kỹ thuật về bò sữa, thâm canh trồng cỏ, tham quan các mô hình sản xuất, điển hình trong và ngoài tỉnh.
- Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh trồng cỏ; giới thiệu các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao nuôi trồng phù hợp với từng địa bàn trên phạm vị toàn tỉnh.
- Thông tin về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, về thị trường, các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của các Ngành, các cấp, UBND Tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể như sau:
1/ Sở Nông Nghiệp và PTNT có trách nhiệm:
- Phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố quy hoạch các vùng phát triển chăn nuôi bò sữa; Xây dựng kế hoạch dài hạn, hàng năm và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa trên phạm vi toàn tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành (Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống vật nuôi, Chi cục Thú y) thực hiện chính sách về khuyến nông; về quản lý giống; tổ chức tiêm phòng và chữa trị bệnh cho đàn bò sữa.
- Phối hợp với Sở Thương mại - Du lịch, Sở Công nghiệp tổ chức hệ thống thu mua sữa, chế biến và tiêu thụ sữa.
- Hàng năm cân đối từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp của ngành để thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Bản quy định này.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá xây dựng các định mức liên quan đến các chính sách quy định tại quyết định này (số lần tiêm phòng một con/năm, định mức tinh bò sữa, nitơ lỏng cho mỗi lần phối giống có kết quả...); hướng dẫn thủ tục, trình tự cấp phát, thanh toán khoản kinh phí hỗ trợ theo quy định đảm bảo đơn giản, thuận lợi và đúng thủ tục hiện hành.
2/ Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi bò sữa trên phạm vi tỉnh Bình Thuận. Có trách nhiệm hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo quy định của Pháp luật.
Phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Phát triển thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.
3/ Sở Tài chánh - Vật giá:
- Hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh cân đối chi từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp để thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh theo quy định tại bản quy định này.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp&PTNT hướng dẫn thủ tục, trình tự cấp phát, thanh toán khoản kinh phí hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa theo quy định.
4/ Sở Khoa học và Công nghệ:
Ưu tiên kinh phí sự nghiệp Khoa học - Công nghệ để thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật phát triển chăn nuôi, lai tạo, nâng chất lượng đàn bò sữa; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho người chăn nuôi.
5/ Sở Công nghiệp:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản sữa, quan hệ các Doanh nghiệp chuyên ngành để xây dựng Nhà máy chế biến sữa tại Bình Thuận và các trạm trung chuyển bảo quản sữa để thu mua hết sữa bò sản xuất trên địa bàn.
6/ Cục Thuế:
Có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về các loại thuế theo quy định của Chính phủ và Quy định này.
7/ Các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại:
Hướng dẫn về điều kiện và hồ sơ thủ tục cho vay vốn đối với người chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi bò nền sản xuất giống bò sữa, bò hướng sữa, chế biến, tiêu thụ sữa, có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng.
8/ Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bình Thuận:
Hướng dẫn về điều kiện và hồ sơ thủ tục, thẩm định, cho vay vốn đầu tư và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư Trung ương theo quy định của pháp luật và quy định tại bản quy định này.
9/ UBND các Huyện, Thành phố có trách nhiệm:
- Chỉ đạo thực hiện kế hoạch chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn của huyện, thành phố.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phổ biến, tuyên truyền, vận động nông dân, công chức tích cực tham gia chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của Tỉnh.
- Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ đề nghị ưu đãi đầu tư của các nhà đầu tư trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 10. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai, phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tốt quy định về chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2003-2010.
Trong quá trình thực hiện Bản quy định này, nếu có những khó khăn, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.