ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 30 tháng 7 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN TUYỂN CHỌN TRƯỞNG PHÒNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG; CẤP TRƯỞNG, CẤP PHÓ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC CẤP SỞ, UBND CẤP HUYỆN; CẤP TRƯỞNG, CẤP PHÓ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TRỰC THUỘC PHÒNG CHUYÊN MÔN THUỘC UBND CẤP HUYỆN CỦA TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;
Căn cứ Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức và miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý;
Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Công văn số 750/SNV-TCBM&BC ngày 04/8/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Phê duyệt Đề án thực hiện tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện của tỉnh Bắc Giang, với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Nhằm đổi mới căn bản công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, tương đương và cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
2. Thực hiện tuyển chọn những người thực sự có tài năng, có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng để bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện và cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
3. Việc thực hiện tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện và cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đảm bảo chất lượng, tránh hình thức.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA DỰ TUYỂN
1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:
a) Phạm vi áp dụng: Tất cả các phòng, ban chuyên môn, chi cục QLNN, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện; các trường học (Mầm non, tiểu học, THCS, PTCS) trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện; Trung tâm Văn hóa Thể thao trực thuộc Phòng Văn hóa Thông tin, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp huyện.
Đối với các phòng, cơ quan chuyên môn và các chi cục QLNN: Trước mắt, từ nay đến năm 2011, thực hiện thí điểm ở các chi cục QLNN thuộc cấp sở; cuối năm 2011 tổ chức sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, sau đó triển khai ra diện rộng đến các phòng chuyên môn thuộc cấp sở và UBND cấp huyện.
b) Đối tượng áp dụng: Cấp trưởng và cấp phó các cơ quan, đơn vị nêu trên. Riêng đối với trường mầm non, chỉ thực hiện tuyển chọn hiệu trưởng.
2. Đối tượng tham gia dự tuyển:
a) Công chức, viên chức trong và ngoài ngành, trong tỉnh có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh tuyển chọn có đơn tự nguyện đăng ký tham gia dự;
b) Công chức, viên chức do tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý (cấp trưởng, cấp phó) giới thiệu người trong quy hoạch của cơ quan, đơn vị mình tham gia dự tuyển;
c) Công chức, viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh tuyển chọn được người đứng đầu cơ quan khác giới thiệu tham gia dự tuyển;
d) Công chức, viên chức do thường trực UBND tỉnh giới thiệu tham gia dự tuyển.
III. NGUYÊN TẮC TUYỂN CHỌN VÀ TRÚNG TUYỂN
1. Đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo và trực tiếp quản lý được thể hiện từ việc xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm tuyển chọn và các bước triển khai thực hiện kế hoạch; quy trình tuyển chọn đều phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và được sự thống nhất của cấp ủy Đảng;
2. Đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, minh bạch và có cạnh tranh trong tuyển chọn;
3. Nội dung các tiêu chí nhận xét, đánh giá, tuyển chọn phải cụ thể hóa và công khai rộng rãi để các đối tượng biết và tham gia dự tuyển chọn;
4. Người trúng tuyển là người được tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển chọn đánh giá, nhận xét về “Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị” bằng hình thức bỏ phiếu kín (đạt từ 50 % số phiếu trở lên tán thành) và được Hội đồng tuyển chọn xem xét, bỏ phiếu (đạt tổng số phiếu cao nhất) đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm;
5. Sau một năm bổ nhiệm phải tổ chức nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được phân công; nếu không hoàn thành chức trách nhiệm vụ, xếp loại yếu kém trong 02 năm liên tục thì đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, có thể miễn nhiệm theo quy định;
6. Không được gây khó khăn, trù dập người làm đơn tự nguyện tham gia dự tuyển nhằm khuyến khích những công chức, viên chức trẻ, có năng lực thực sự tham gia dự tuyển vào một chức danh lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị khác có nhu cầu.
IV. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN
1. Đối với cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý:
a) Phải có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác rõ ràng; kết quả, hiệu quả công tác qua các năm được xác định bằng số lượng và chất lượng cụ thể;
b) Trách nhiệm, quyền hạn của từng vị trí chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý như: trưởng phòng, phó trưởng phòng, chi cục trưởng, phó chi cục trưởng; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; giám đốc, phó giám đốc;…được phân công, phân định rõ ràng;
c) Tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị ổn định; số lượng biên chế, kinh phí đảm bảo cho việc triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đạt kết quả, hiệu quả cao;
d) Công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất; đồng tình, ủng hộ việc tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý;
đ) Dự đoán vị trí, chức danh tuyển chọn có nhiều đối tượng tham gia dự tuyển và sau khi trúng tuyển sẽ thỏa mãn yêu cầu chức danh đó.
2. Đối với người dự tuyển:
a) Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất, đạo đức tốt; có lịch sử chính trị rõ ràng; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
b) Tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, trung học trở lên theo chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện tuyển chọn; có ít nhất một chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B và chứng chỉ tin học trình độ A để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành;
c) Tuổi đời đối với người tham gia tuyển chọn:
Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 4 (đối với cấp trưởng) và điểm a khoản 3 điều 5 Quy định về tiêu chuẩn trưởng, phó phòng và tương đương,... ban hành kèm theo Quyết định số 114/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 của UBND tỉnh Bắc Giang, cụ thể như sau:
- Đối với chức danh cấp trưởng: Nam không quá 50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi.
- Đối với chức danh cấp phó: Không quá 45 tuổi (đối với cả nam và nữ).
d) Có đủ sức khoẻ (do cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận) để đảm nhận nhiệm vụ mới;
đ) Không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế; đang áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành theo quy định của pháp luật
V. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ TUYỂN CHỌN
Người tham gia dự tuyển phải có Đơn đăng ký dự tuyển;
2. Văn bản đồng ý cho công chức, viên chức tham gia dự tuyển và thuyên chuyển công tác (khi trúng tuyển, được bổ nhiệm chức vụ mới) của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đang công tác và ý kiến nhận xét về phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác của người có thẩm quyền quản lý công chức, viên chức đó;
3. Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý;
4. Sơ yếu lý lịch (có chứng thực của cơ quan, đơn vị đang công tác);
5. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ (có chứng thực);
6. Phiếu khám sức khỏe (của cơ sở y tế cấp huyện trở lên và trong thời gian không quá 6 tháng trước ngày nộp hồ sơ dự tuyển);
Hồ sơ đựng trong bì cỡ 22cm x 32cm.
Cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển chọn có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ của người dự tuyển thuộc thẩm quyền quyết định bổ nhiệm của cấp mình; phối hợp với Sở Nội vụ thẩm tra hồ sơ đối với người dự tuyển thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh.
VI. QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TRÚNG TUYỂN VÀ ĐƯỢC BỔ NHIỆM CHỨC VỤ
1. Quyền lợi:
a) Được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đang công tác tạo điều kiện thuận lợi để người trúng tuyển bàn giao công việc và lập các thủ tục thuyên chuyển đến nhận công tác tại đơn vị mới;
b) Cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ cần tuyển;
c) Được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nhanh công việc, phát huy tài năng trong việc tổ chức hoạt động; quản lý, điều hành đơn vị và triển khai Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị;
d) Sau 5 năm giữ chức vụ, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ và mức độ phát triển của đơn vị, có nhận xét, đánh giá để đề nghị bổ nhiệm lại. Nếu có thành tích xuất sắc, có thể được xem xét bổ nhiệm hoặc tuyển chọn chức vụ cao hơn;
đ) Trường hợp sau 5 năm giữ chức vụ mà không được bổ nhiệm lại thì có quyền lựa chọn một trong hai cách giải quyết như sau:
- Trở về công tác tại cơ quan, đơn vị cũ;
- Được tiếp tục bố trí, phân công công tác khác tại cơ quan, đơn vị hoặc điều động đến cơ quan, đơn vị khác trong cùng sở, ngành, huyện, thành phố;
e) Có quyền từ chức theo quy định tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nghĩa vụ:
a) Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của cấp ủy và lãnh đạo cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp và của cơ quan, đơn vị nơi công tác;
b) Hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao;
c) Triển khai thực hiện Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị đã được bảo vệ trước Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị dự tuyển và trước Hội đồng tuyển chọn; sau 01 (một) năm công tác, phải báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Chương trình hành động của mình;
d) Xây dựng, củng cố, kiện toàn cơ quan, đơn vị vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; tổ chức thực hiện tốt, có kết quả cao các nhiệm vụ công tác được giao;
đ) Người được bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý thông qua tuyển chọn không được đồng thời giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mà có vợ, chồng, cha, mẹ, con giữ chức danh quản lý, điều hành tại cơ quan, đơn vị đó.
VII. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA “CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CƠ QUAN, ĐƠN VỊ” CỦA NGƯỜI DỰ TUYỂN
1. Đề ra phương hướng phát triển cơ quan, đơn vị trong thời hạn giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó theo quy định (5 năm) ở cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn;
2. Các biện pháp, giải pháp, đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển cơ quan, đơn vị trong thời gian giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó ở cơ quan đơn vị tổ chức tuyển chọn;
3. Kỹ năng điều hành và xử lý tình huống trong cơ quan, đơn vị (tự đặt mình với tư cách là trưởng phòng, phó trưởng phòng, chi cục trưởng, phó chi cục trưởng, giám đốc, phó giám đốc, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương của cơ quan, đơn vị).
Ngoài các nội dung chủ yếu nêu trên, căn cứ vào tính đặc thù, chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, khi xây dựng Kế hoạch tuyển chọn các sở, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố có thể điều chỉnh, bổ sung thêm các nội dung riêng để phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý.
VIII. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN
1. Hàng năm, cơ quan, bộ phận làm công tác tổ chức, cán bộ giúp lãnh người đứng đầu sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý (các chức danh nêu tại khoản 1, mục II, phần thứ hai Đề án này) của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đưa ra thảo luận, thống nhất trong tập thể lãnh đạo cùng cấp (riêng các chức danh thuộc quyền quản lý của Ban Thường vụ cấp uỷ cấp huyện, UBND cùng cấp báo cáo xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ cấp uỷ) để tổ chức, thực hiện. Kế hoạch tuyển chọn phải nêu cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, hồ sơ, thủ tục, kinh phí, nội dung “Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị”, chức danh, vị trí cần tuyển, thời gian, địa điểm nộp hồ sơ và thời gian tuyển chọn bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm của ngành, đơn vị;
2. Sau khi Kế hoạch thực hiện tuyển chọn được phê duyệt, thực hiện thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày thông báo, các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện tiến hành thu nhận, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt hồ sơ và thông báo cho các đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn được biết để chuẩn bị tham gia dự tuyển;
3. Các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các đơn vị thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia tuyển chọn tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin cần thiết, liên quan đến tình hình hoạt động của đơn vị. Thời gian nghiên cứu, tìm hiểu không qúa 15 ngày (ngày làm việc hành chính theo quy định);
4. Căn cứ nội dung quy định tại mục VII, phần thứ hai của Đề án này, trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày có thông báo của Hội đồng tuyển chọn, người dự tuyển phải xây dựng xong “Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị” nộp cho Thư ký Hội đồng tuyển chọn. Thời gian, địa điểm tổ chức tuyển chọn do Hội đồng thông báo cụ thể bằng văn bản;
5. Hội đồng tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý tổ chức hội nghị để người dự tuyển thuyết trình “Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị”, giải đáp các câu hỏi do các thành viên Hội đồng tuyển chọn và các cán bộ, viên chức cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn nêu; lấy phiếu đánh giá, nhận xét của tập thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn (bằng phiếu kín) về “Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị” của mỗi người (thí sinh) dự tuyển. Người đạt từ 50% số phiếu trở lên thì mới được Hội đồng tuyển chọn xem xét tiếp.
6. Căn cứ vào kết quả đánh giá, nhận xét của tập thể cán bộ, công chức, viên chức đơn vị tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý; Hội đồng tuyển chọn tổ chức họp nhận xét, đánh giá về kết quả tham gia của từng người (thí sinh) tại hội nghị tuyển chọn của cơ quan, đơn vị nêu tại khoản 5, mục II, phần thứ hai Đề án này và bỏ phiếu kín về “Chương trình hành động xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị” của mỗi người (thí sinh) dự tuyển để chọn 01 (một) người có số phiếu cao nhất trúng tuyển đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức vụ theo quy định. Trường hợp nhiều người trúng tuyển có tổng số phiếu đánh giá, nhận xét của Hội đồng tuyển chọn bằng nhau thì người trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý có bằng đào tạo chính quy để đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm;
7. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm giữ chức tưởng phòng, phó trưởng phòng, chi cục trưởng, phó chi cục trưởng, gíám đốc, phó giám đốc, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn phải đến nhận công tác. Trường hợp chưa thể đến nhận công tác thì phải có đơn xin gia hạn và được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn; thời gian gia hạn không quá 15 ngày kể từ ngày được gia hạn. Trường hợp không đến nhận công tác, thì tập thể cấp ủy và Ban lãnh đạo sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thành phố xem xét chọn người có số phiếu trúng tuyển xếp thứ 2 để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm.
IX. THÀNH PHẦN HỘI NGHỊ TUYỂN CHỌN
1. Đối với tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn cấp sở và UBND cấp huyện:
a) Phòng chuyên môn cấp sở: gồm toàn bộ cán bộ, công chức thuộc biên chế khối văn phòng sở và cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị trực thuộc;
b) Phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện: gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của phòng, đơn vị sự nghiệp có chức danh thực hiện tuyển chọn và cấp trưởng, cấp phó các phòng, đơn vị trực thuộc UBND cùng cấp.
2. Đối với tuyển chọn cấp trưởng, cấp phó các chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp sở:
- Toàn thể công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển chọn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý;
- Đại diện cấp uỷ, UBND cấp huyện nơi cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn;
- Đại diện Hội phụ huynh học sinh các trường học, các trung tâm trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
3. Đối với tuyển chọn cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp thuộc phòng chuyên môn cấp huyện:
- Toàn thể cán bộ, viên chức của đơn vị tổ chức tuyển chọn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý;
- Đại diện cấp uỷ cấp địa phương nơi (xã, phường, thị trấn) nơi đơn vị đóng trên địa bàn;
- Đại diện Hội phụ huynh học sinh các trường học.
X. SỐ LƯỢNG, THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN
Hội đồng tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý có từ 5 - 7 người. Không cơ cấu cha, mẹ, vợ hoặc chồng, anh, chị, em ruột của người đăng ký dự tuyển vào Hội đồng tuyển chọn, cụ thể như sau:
1. Đối với chức danh lãnh đạo, quản lý do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Nội vụ làm chủ tịch Hội đồng;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc Sở, cơ quan, đơn vị có đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện tuyển chọn;
c) Thư ký: Trưởng phòng Tổ chức cán bộ hoặc Chánh Văn phòng hoặc Phó Văn phòng phụ trách công tác tổ chức cán bộ của sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Trưởng phòng Tổ chức, bộ máy và biên chế Sở Nội vụ làm đồng thư ký;
d) Các Uỷ viên:
- Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện Văn phòng UBND tỉnh;
- Mời một số chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giảng dạy ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng.
2. Đối với chức danh lãnh đạo, quản lý do giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh bổ nhiệm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh có đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổ chức tuyển chọn;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Một phó giám đốc sở hoặc phó thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
c) Thư ký: Trưởng phòng Tổ chức cán bộ hoặc Chánh Văn phòng hoặc Phó Văn phòng phụ trách công tác tổ chức cán bộ của sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh;
d) Các Uỷ viên: Một số chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giảng dạy ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành. Mời Trưởng phòng Tổ chức bộ máy và Biên chế Sở nội vụ tham gia.
Giám đốc Sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng.
2. Đối với chức danh lãnh đạo, quản lý do Chủ tịch UBND huyện, thành phố bổ nhiệm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có đơn vị tổ chức tuyển chọn; mời Trưởng ban Tổ chức cấp uỷ cùng cấp tham gia;
c) Thư ký: Trưởng phòng Nội vụ;
d) Các Uỷ viên:
- Đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Tài chính - Kế hoạch;
- Mời một số chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giảng dạy ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định thành lập Hội đồng.
XI. CƠ CHẾ LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN
Hội đồng tuyển chọn làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, công khai. Việc chấm điểm Chương trình hành động, thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Điều 2.Tổ chức thực hiện Đề án:
1. Sở Nội vụ
a) Tổng hợp kết quả thực hiện tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện để báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
b) Hướng dẫn, kiểm tra các sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố;
c) Đôn đốc các các sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện việc tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo đề án của UBND tỉnh;
d) Tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị về những phát sinh, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
2. Các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố:
a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý (đối tượng thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh) của các cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện gửi Sở Nội vụ thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch sau khi được phê duyệt;
b) Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý (đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định bổ nhiệm) sau khi có ý kiến thẩm định của Giám đốc Sở Nội vụ;
c) Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) về kết quả tổ chức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Đề án của UBND tỉnh; sơ kết rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả.
3. Các cơ quan thông tin, báo chí
Tuyên truyền, thông báo rộng rãi Đề án của UBND tỉnh về thực hiện tuyển chọn trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc cấp sở, UBND cấp huyện; cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trực thuộc phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện của tỉnh Bắc Giang để mọi người có điều kiện tìm hiểu, tham gia dự tuyển đạt kết quả.
Điều 3.Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.