TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số : 802-LN/QĐ | Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 1965 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH TẠM THỜI KHAI THÁC NHỰA THÔNG TA
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 140-CP ngày 29 tháng 9 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Lâm nghiệp.
Theo đề nghị của một số Ty Lâm nghiệp, Công ty công nghiệp rừng ở các tỉnh có rừng thông mở cho khai thác lấy nhựa, của Cục Bảo vệ rừng và Công ty Đặc sản lâm nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bàn Quy trình tạm thời khai thác nhựa thông ta áp dụng thống nhất cho tất cả các khu rừng của Nhà nước mở cho khai thác lấy nhựa trên toàn miền Bắc.
Điều 2. – Các ông Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Bảo vệ lâm nghiệp, Chủ nhiệm Công ty Đặc sản, các ông Trưởng Ty Lâm nghiệp, Chủ nhiệm công ty công nghiệp rừng, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY TRÌNH TẠM THỜI
KHAI THÁC NHỰA THÔNG TA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 802-LN/QĐ ngày 20-9-1965 của Tổng cục Lâm nghiệp).
Điều 1. - Để tái sản xuất mở rộng nhựa thông, thúc đẩy việc hợp lý hóa sản xuất cái tiến kỹ thuật nhằm giải quyết một cách toàn diện và cân đối các mặt khai thác, chế biến nhựa thông, cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tiết kiệm, tu bổ, bảo vệ rừng và tái sinh rừng thông, quy trình này quy định các việc phải làm, cách làm, tiêu chuẩn kỹ thuật, chế độ trách nhiệm trong từng khâu của công tác khai thác nhựa thông ở các rừng của Nhà nước mở cho khai thác lấy nhựa.
Quy trình này áp dụng đối với tất cả các tổ chức khai thác nhựa thông thuộc ngành lâm nghiệp và các hợp tác xã có sơn tràng khai thác nhựa thông.
Chương 2:
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 2. - Ở những khu rừng thông của Nhà nước mở cho khai thác lấy nhựa, việc khai thác nhựa phải tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà tổ chức theo một hoặc hai hình thức sau đây:
1. Hình thức lâm trường thuộc ngành lâm nghiệp.
2. Hình thức sơn tràng thuộc hợp tác xã nông nghiệp quản lý, ký hợp đồng khai thác theo kế hoạch của lâm trường.
Điều 3. – Căn cứ vào điều kiện rừng thông thiên nhiên và rừng trồng, tình hình rừng và kỹ thuật khai thác nhựa thông của nước ta hiện nay, tạm thời áp dụng hai phương thức khai thác là khai thác chọn và khai thác tất cả.
Điều 4. – Khai thác chọn là chọn cây đủ tuổi để khai thác, phương thức này áp dụng đối với những rừng thiên nhiên, sinh trưởng không đồng đều. Khai thác tất cả là khai thác tất cả những cây cùng tuổi, phương thức này áp dụng đối với loại rừng trồng, rừng thông ta cũng như rừng thông đuôi ngựa.
Điều 5. – Khai thác chọn hay khai thác tất cả đều phải bài cây, bài hướng, mở máng và phân bố số lượng máng đối với từng cây được mở, đồng thời phải bài để giữ lại không khai thác một số cây đủ tiêu chuẩn làm cây gieo giống và bài để loại trừ những cây sâu bệnh và số cây không có khả năng nhựa, nhằm đảm bảo yêu cầu tái sinh tốt và cải thiện tổ thành của rừng.
Số lượng cây được khai thác lấy nhựa không được quá 50% trữ lượng của rừng, trừ trường hợp đặc biệt được phép khai thác nhiều hơn.
Tuyệt đối không được khai thác lấy nhựa cây non. Trường hợp riêng biệt, đối với một số thông mọc thiên nhiên rải rác lẻ tẻ, việc tiến hành khai thác lấy nhựa không nhất thiết phải chặt cây, điều tra tuổi mà có thể do đường kính đủ 25cm, kết hợp với cách đếm cành để ước tuổi.
Điều 6. - Số lượng cây khai táhc hàng năm của các khu rừng không được vượt quá sản lượng khai thác đã được duyệt. Trường hợp cá biệt, cần phải khai thác vượt quá số lượng đã được duyệt thì phải được Tổng cục cho phép.
Điều 7. - Đối với những rừng thông ta, chỉ được chích nhựa trên những cây đủ 30 tuổi. Trong điều kiện hiện nay, vì nhu cầu đòi hỏi nhiều, có thể bắt đầu chích trên những cây 25 tuổi.
Đối với rừng thông đuôi ngựa thì:
1. Nếu lấy nhựa trong rừng phòng hộ thì cây 35 tuổi mới bắt đầu được chích sau khi Tổng cục cho phép.
2. Nếu chích nhựa tận dụng trong rừng dã có quy hoạch khai thác lấy gỗ thì không căn cứ vào tuổi.
Chương 2:
ĐIỀU KHOẢN ÁP DỤNG CHO LÂM TRƯỜNG VÀ HỢP TÁC XÃ KHAI THÁC NHỰA THÔNG
Điều 8. – Các khu rừng giao cho lâm trường hoặc hợp tác xã khai thác nhựa thông phải có quy hoạch và phải được khai thác theo đúng quy hoạch.
Điều 9. - Ở những khu rừng đã có quy hoạch thì việc khai thác phải theo đúng quy hoạch chính thức.
Nếu khu rừng giao cho lâm trường hoặc hợp tác xã chưa có quy hoạch chính thức thì cơ quan điều tra quy hoạch phải lập một quy hoạch tạm thời trong đó có ghi rõ:
1. Diện tích khu rừng được khai thác lấy nhựa.
2. Địa giới khu rừng có đóng mốc rõ ràng.
3. Trữ lượng cây thông đã và sắp đủ tuổi khai thác.
4. Phương thức khai thác.
5. Phân khoảnh và trình tự khai thác các khoảnh.
6. Sản lượng nhựa khai thác hàng năm.
7. Những công tác tu bổ, bảo vệ phải tiến hành trong khai thác.
Kèm theo bản quy hoạch tạm thời có một sơ đồ khu rừng được quy hoạch.
Điều 10. – Quy hoạch tạm thời của các lâm trường quy mô lớn do Tổng cục Lâm nghiệp duyệt theo đề nghị của Ty Lâm nghiệp chủ quản.
Quy hoạch tạm thời của các lâm trường hoặc hợp tác xã quy mô nhỏ do Ủy ban hành chính tỉnh duyệt theo đề nghị của Ty Lâm nghiệp.
Bản quy hoạch tạm thời đã được Ủy ban hành chính tỉnh duyệt phải gửi hai bàn về Tổng cục Lâm nghiệp để báo cáo.
Điều 11. - Cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch tạm thời có thể cho phép tiến hành khai thác lấy nhựa trước khi hoàn thành quy hoạch trong một thời gian không quá ba tháng.
Điều 12. - Trước ngày 31 tháng 8 hàng năm, các lâm trường, hợp tác xã khai thác nhựa thông phải làm xong kế hoạch khai thác của năm sau và đề nghị giao khoảnh khai thác. Việc giao khoảnh khai thác cho năm sau phải làm xong chậm nhất là ngày 30 tháng 9 năm trước.
Điều 13. – Nơi đã có quy hoạch chính thức hay tạm thời thì theo đúng quy hoạch và kế hoạch khai thác. Trưởng hạt hoặc Trưởng trạm theo chỉ thị của Trưởng ty Lâm nghiệp đứng ra giao khoảnh khai thác cho lâm trường hoặc hợp tác xã quy mô nhỏ trong phạm vi Ty. Giám đốc lâm trường quy mô lớn và trung bình, ủy nhiệm cho cán bộ phụ trách quản lý rừng thông, giao khoảnh khai thác lấy nhựa hàng năm cho cán bộ khai thác.
Nơi chưa có quy hoạch. Các Ty, lâm trường sẽ chỉ định khu vực khai thác tạm thời.
Điều 14. – Khi cắt khoảnh khai thác đã giao cán bộ giao khoảnh phải thực hiện các việc sau đây:
1. Chuẩn bị các khoảnh để giao kịp thời hạn đã định. Trước tiên phải mở đường ranh giới phân khoảnh. Tại các góc và các điểm đường ranh giới đổi hướng phải chôn các mốc (đường kính từ 12 đến 16cm, dài 2m), chôn nổi lên mặt đất là 1m30. Trên cọc mốc phải đẽo một mặt phẳng để ghi bằng sơn số hiệu của khoảnh, diện tích, năm giao nhận.
2. Định trật tự khai thác trong khoảnh, chọn hướng tiến hành khai thác.
Điều 15. - Để định giá trị các khoảnh đã giao, cán bộ giao khoảnh phải tiến hành điều tra trữ lượng, sản lượng (điều tra tăng trưởng và tuổi thông đại diện nếu là rừng thiên nhiên), kết hợp đo đường kính ngang ngực của từng cây bắt đầu từ cây có đường kính 10cm trở lên, phân thành từng cấp đường kính, tính sản lượng nhựa những cây đủ 25 tuổi trên khoảnh khai thác. Khi đo đếm có thể dùng dao, rìu vạc vỏ cây đánh dấu, nhưng không được vạn sâu vào gỗ để nhựa chảy ra lãng phí.
Điều 16. - Khi giao nhận khoảnh khai thác, cán bộ giao khoảnh và đại diện cơ quan khai thác nhựa thông đến tại chỗ xác nhận:
1. Đường phân ranh giới khoảnh có đóng mốc rõ ràng.
2. Diện tích khoảnh, trữ lượng cây, sản lượng nhựa.
3. Phương thức khai thác nhựa.
4. Những công tác tu bổ, tái sinh, tu giặm phải tiến hành trong khai thác.
Hai bên phải lập biên bản giao nhận đầy đủ. Sau khi đã giao nhận thì không ai được tự ý sữa đổi lại khoảnh trừ trường hợp có quyết định sửa đổi của cấp trên.
Nếu trong khi giao nhận có những điểm không thống nhất, mỗi bên ghi ý kiến của mình vào biên bản gửi về Ty Lâm nghiệp chủ quản. Giám đốc Công ty công nghiệp rừng, Trưởng ty Lâm nghiệp, Giám đốc lâm trường sẽ làm trọng tài giải quyết:
- Hoặc cho tiến hành điều tra để xác minh lại.
- Hoặc có ý kiến kết luận.
Điều 17. – Khi giao khoảnh khai thác lấy nhựa, cán bộ giao khoảnh cấp giấy phép khai thác và chuyển giao hồ sơ có liên quan đến khoảnh khai thác đó cho cơ quan khai thác lấy nhựa hoặc hợp tác xã khai thác lấy nhựa. Bắt đầu từ khi nhận khoảnh, cơ quan khai thác lấy nhựa hoặc hợp tác xã có thể tiến hành các công tác chuẩn bị khai thác.
Điều 18. – Khi đã tiếp nhận khoảnh khai thác phải tiến hành các công tác chuẩn bị sau đây trước khi bắt đầu chích nhựa:
1. Chia khoảnh ra từng dài hay lô nhỏ và định trình tự khai thác lấy nhựa từng giải, từng lô. Một dải hay lô không quá 5 hécta nếu là khai thác lấy nhựa đồng loạt đối với rừng trồng, không quá 10 hécta nếu là khai thác lấy nhựa chọn cây đối với rừng thiên nhiên.
2. Làm các đường cho công nhân và sơn tràng đi chích nhựa thu hoạch và vận chuyển nhựa về giao chế biến.
3. Làm bể chứa nhựa dự trữ trong rừng nếu không thể vận chuyển, giao nhanh nhựa cho chế biến được, nhưng không được dữ trự quá 5 ngày ở bể để tránh nhựa bị bốc mất chất dầu, chế biến bị bao nhiêu, tỷ lệ dầu thấp.
4. Quy định biện pháp kỹ thuật khai thác lấy nhựa.
5. Xây dựng chỉ tiêu, năng suất chích nhựa.
Điều 19. - Việc chuẩn bị khai thác nhựa thuộc trách nhiệm của:
1. Cơ quan khai thác trong các lâm trường quy mô lớn và trung bình dưới sự hướng dẫn của giám đốc kỹ thuật.
2. Cán bộ phụ trách lâm trường quy mô nhỏ và công trường hợp tác xã dưới sự hướng dẫn của Ty Lâm nghiệp. Ty Lâm nghiệp có thể ủy nhiệm cho hạt, trạm lâm nghiệp hướng dẫn và đôn đốc việc chuẩn bị khai thác lấy nhựa của các lâm trường hay hợp tác xã khai thác nhựa thông trong phạm vi hoạt động của hạt, trạm mình.
Điều 20. - Trước khi giao nhận các khoảnh khai thác lấy nhựa phải bài cây đủ tuổi (25 tuổi). Những cây chừa lại làm giống phải đánh dấu riêng bằng sơn hoặc bằng phương pháp nào không làm hại đến thân cây.
Sau khi giao nhận khoảnh khai thác, nhất thiết phải bài cây, bài mặt khai thác đúng hướng quy định rồi mới được khai thác.
Nội dung công tác bài cây, bài mặt khai thác lấy nhựa và phương pháp tiến hành sẽ được quy định cụ thể trong bản quy tắc kỹ thuật chích nhựa thông.
Điều 21. – Cơ quan quản lý rừng chịu trách nhiệm bài cây và phân bổ các mặt chung quanh thân cây. Cán bộ kỹ thuật quản lý rừng của ty hoặc của lâm trường phải trực tiếp đến tại chỗ tiến hành bài cây và phân bố các mặt, cơ quan và hợp tác xã khai thác nhựa thông có trách nhiệm cung cấp nhân lực, phương tiện cần thiết cho việc bài cây và phân bổ các mặt.
Sau khi bài cây và phân bổ các mặt phải lập biên bản ghi rõ:
1. Số cây được chích nhựa và số cây phải giữ lại phân thành từng cỡ tuổi, cỡ đường kính.
2. Số lượng mặt được mở trên mỗi cây và tổng số mặt được mở toàn khoảnh.
Điều 22. - Kỳ hạn khai thác của lâm trường quy mô lớn là 10 năm, của lâm trường quy mô nhỏ hoặc hợp tác xã là 5 năm. Nếu quá hạn nói trên mà khai thác tốt sẽ gia hạn khác.
1. Không được mở mặt thông khai thác lấy nhựa ra ngoài khoảnh giao nhận, chỉ được khai thác lấy nhựa trên những cây đã có đánh dấu bài cây đủ tuổi và có bài hướng mặt thông. Những cây được bài đó cần phải đánh dấu rõ ràng bằng sơn hay bằng bảng con bằng kẽm, có ghi số cây thứ tự, đóng tương đối cao trên thân cây và ở chỗ không đẽo nhựa đến (ví dụ ở cành to).
2. Tuyệt đối không được chừa lại cây khó khai thác để chỉ khai thác cây dễ khai thác.
3. Không được khai thác lấy nhựa trên những cây chừa lại làm giống.
4. Phải khai thác gọn từng khoảnh, không được khai thác lấy nhựa bỏ dở khoảnh, bỏ dở chiều cao. Khai thác đến đâu phải thu hoạch và bảo quản nhựa và vận chuyển hết nhựa giao cho chế biến đến đó. Trước khi khai thác lấy hết nhựa của một cây thông (khai thác diệt, khai thác kiệt dần, cũng như khai thác nuôi dưỡng) phải chuẩn bị kế hoạch sử dụng cây, cành, lá và rễ cây thông. Nếu có điều kiện chế biến được hết hoặc một phần cây thông còn lại bằng cách tận thu được một số hóa chất khác có giá trị kinh tế cao (như dầu tùng tiêu, dầu thông, tùng hương v.v…) thì phải lập kế hoạch xin kinh phí chế biến. Nếu không có điều kiện làm như thế, phải lập kế hoạch khai thác cây thông làm gỗ, hoặc giao lại cho cơ quan khai thác gỗ, củi.
5. Nếu khoảnh rừng đã được lấy nhựa không có cây đủ tuổi khai thác nữa, phải báo cáo cho cơ quan bảo vệ rừng biết, hai bên cùng chuẩn bị kế hoạch thời gian giao nhận lại khoảnh rừng ấy và lập biên bản giao nhận.
Mục 6.
TU BỔ, BẢO VỆ RỪNG THÔNG ĐANG KHAI THÁC LẤY NHỰA.
Điều 23. – Các lâm trường, công trường, sơn tràng, hợp tác xã khai thác nhựa thông chịu trách nhiệm vạch kế hoạch tu bổ rừng trong phạm vi khai thác lấy nhựa theo đúng quy định và chị thị hướng dẫn của cấp trên, cung cấp nhân lực cần thiết để tu bổ, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện.
Cơ quan và hợp tác xã khai thác lấy nhựa có trách nhiệm thực hiện các công tác tu bổ trong quá trình khai thác dưới sự hướng dẫn của cơ quan quản lý rừng.
Công tác tu bổ rừng thông trong khai thác lấy nhựa gồm có các công việc sau đây: Luỗng rừng trước khi khai thác, thu dọn các cây, chặt cành nhánh, dây leo, bụi rậm, tra giặm hoặc lợi dụng gieo hạt thiên nhiên ở những nơi cần thiết, chặt hết những cây bị sâu bệnh không thể trừ sâu được và những cây không tương lai (già cũng như non), tu giặm cây non thay thế vào theo đúng kỹ thuật.
Điều 24. - Từ ba đến sáu tháng trước khi khai thác lấy nhựa phải chặt phát dây leo, bụi rậm trên toàn diện tích trong một phạm vi rộng ít nhất bằng tán lá cây, ngoài ra sẽ luỗng phát theo từng ô đường kính tứ 5 đến 10 mét rải rác trên diện tích khai thác gần nơi có cây gieo hạt.
Trong khi phát luỗng, cần chú ý bảo vệ những cây thông con đã tái sinh và những cây đặc sản khác nếu thấy để những cây ấy lại không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thông.
Điều 25. – Sau khi đã khai thác chế biến hết toàn bộ cây thông, phải thu dọn hết các cành, nhánh còn lại để đảm bảo tái sinh thiên nhiên.
1. Trong những khoảnh cần tra giặm thêm hạt sẽ nói ở điều 27, nếu còn cành nhánh phải cắt ra từng khúc nhỏ xếp thành hàng, giữa hai hàng cần để trống một luống sạch sẽ để tra giặm hạt, nếu là rừng bằng hay rừng dốc không quá 50 thì phải xếp theo đường đồng mục, nếu độ dốc từ 50 đến 200 thì hàng nọ cách hàng kia từ 7 đến 10 mét, nếu độ dốc cao hơn thì hàng nọ cách hàng kia từ 3 đến 5 mét.
2. Trong những khoảng không cần tra giặm thêm hạt cành nhánh nhỏ đường kính dưới 10 cm phải cắt ra từng khúc và rải đều trên mặt đất để tăng độ ẩm cho đất.
3. Trường hợp khai thác lấy nhựa tất cả các cây và chặt trắng để trồng lại rừng thì giao trả lại rừng cho bộ phận trồng rừng phụ trách trồng lại.
Điều 26. - Phải tra giặm ở những rừng sau khi khai thác có nhiều khoảng trống lớn trên 100 mét hoặc rừng thiếu cây gieo hạt thiên nhiên.
Phải đào lỗ nhỏ và cạn để tra giặm hạt, gieo hạt tự nhiên từng thời vụ. Nên chọn hạt giống và bảo quản tốt.
Những nơi có điều kiện thuận lợi có thể làm vườn ươm tự nhiên dưới tán cây giống để lấy cây con giặm vào những khoảnh khai thác lấy nhựa bị trống.
Điều 27. – Trong rừng đang khai thác, rừng già cũng như rừng non, rừng thiên nhiên cũng như rừng trồng, rừng thông nhựa cũng như rừng thông đuôi ngựa, nếu mật độ cây quá đông đặc, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều ngang của cây thông, việc tỉa thưa cây phải được tiến hành kịp thời theo từng lứa tuổi, đúng cự ly tỉa thưa của từng lứa tuổi và tiến hành làm nhiều đợt trong quá trình tu bổ, đợt cuối cùng tỉa thưa chỉ để lại từ 450 đến 500 cây thành thục trên một hécta.
Điều 28. - Nếu rừng có những cây bị sâu bệnh không có tương lai và những cây non, cây già không tương lai cũng cần phải chặt tỉa để dùng vào việc khác. Nhưng trước khi chặt, phải chích nhựa tận dụng những cây có khả năng cho nhựa trong một thời gian. Những cây không có nhựa, cần chặt tỉa càng sớm càng tốt, khi chặt tỉa cần chú ý tránh làm hại các cây khác đặc biệt chú trọng không làm gẫy hoặc chết cây con.
Điều 29. - Việc phát hiện có sâu bệnh phá hoại và phòng trừ sâu phá hoại phải làm kịp thời nhưng cần có biện pháp tiết kiệnm. Công tác chống xói lở cũng như công tác bảo vệ đất rừng, nhất là đất rừng thông ở dọc đường cái, phải tiến hành hàng năm để đảm bảo khỏi lở rừng, trốc rễ cây.
Điều 30. - Phải diệt trừ hết những cây gỗ mọc xen trong các rừng thông, nhất là những rừng thông chỉ kinh doanh lấy nhựa.
Điều 31. – Có thể áp dụng phương pháp chích diệt hoặc kiệt dần, không phải tiến hành công tác tu bổ trong trường hợp những cây hoặc những hóm cây mọc rải rác lẻ tẻ không thành rừng và cũng không có đất đai, địa thế tái sinh để thành rừng ở miền núi hay ở đồng bằng. Chủ trương chích diệt hay kiệt dần phải được. Tổng cục Lâm nghiệp cho phép.
Công tác bảo vệ.
Điều 32. - Cấm vào lượm lá thông để tăng chất phân cho đất, cấm thả trâu bò vào rừng thông để tránh làm gẫy chết cây con đồng thời tránh cho bô máng khỏi vỡ và nhựa khỏi mất. Việc cấm thả trâu bò và cấm cào lượm mất lá thông đối với những nơi có tập quán lâu đời, cần tiến hành thận trọng, từ thí điểm có kết quả tiến tới thực hiện trên toàn diện tích rừng thông như đã hướng dẫn trong Chỉ thị số 2696 – LN/KT tháng 8 năm 1962.
Điều 33. - Hạn chế và tiến tới cấm đi lại hoặc ra vào tự do trong rừng thông đang khai thác nhựa. Tuyệt đối không được đốt lửa trong rừng thông, chung quanh rừng thông, tuyệt đối cấm đốt lửa trên đầu ngọn gió. Chỉ được phép vỡ hoang tăng gia sản xuất cách rừng thông ít nhất là 500 mét.
Điều 34. - Phải tích cực kiên trì tuyên truyền giáo dục quần chúng bảo vệ rừng thông. Phải niêm yết nội qui bảo vệ rừng thông viết bằng sơn trên bảng đen bằng gỗ trồng ở các nơi công cộng gần rừng và cửa rừng.
Điều 35. – Không một cơ quan Nhà nước nào được tự tiện chặt phá rừng thông và sử dụng đất rừng thông. Muốn sử dụng rừng thông hoặc đất rừng thông phải xin phép Ty Lâm nghiệp địa phương và được Tổng cục Lâm nghiệp đồng ý trước từ ba đến bốn năm, trừ trường hợp đặc biệt, để có đủ thời gian chuẩn bị sử dụng tốt số tài sản của rừng và đất rừng thông trước khi giao cho cơ quan được phép sử dụng.
Điều 36. - Phải đặc biệt coi trọng công tác phòng cháy chữa cháy rừng thông. Trong việc tăng cường chỉ đạo, củng cố hệ thống phòng chống cháy rừng thông phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục bảo vệ lâm nghiệp với cơ quan lâm nghiệp địa phương, với lâm trường, xí nghiệp nhựa thông và ban quản trị hợp tác xã có sơn tràng khai thác nhựa thông.
Mục 7.
KINH PHÚ TU BỔ BẢO VỆ RỪNG THÔNG ĐANG KHAI THÁC LẤY NHỰA
Điều 37. – Kinh phí tu bổ bảo vệ rừng thông đang khai thác lấy nhựa sẽ lấy ở khoản tiền đã được tính vào trong giá thành của một tấn nhựa thông (résine) hàng năm khai thác là 50 đồng. Khoản tiền này sẽ được sử dụng cho toàn bộ công tác tu bổ, bảo vệ rừng thông nói trên, cụ thể như sau:
1. Mỗi lâm trường hay hợp tác xã khai thác nhựa thông phải lập kế hoạch tu bổ, bảo vệ rừng thông hàng năm của mình. Nơi nào không thực hiện hết kế hoạch tu bổ bảo vệ, Tổng cục sẽ điều động số kinh phí thừa sang cho nơi khác cần được bổ sung kinh phí.
2. Đặc biệt đối với việc phòng cháy, chữa cháy rừng thông, có thể trích một phần kinh phí để dùng vào việc khen thưởng bằng vật chất và tinh thần cho những cá nhân hoặc đơn vị đạt nhiều thành tích.
3. Nơi nào thiếu kinh phí, Tổng cục Lâm nghiệp có thể cấp thêm kinh phí sự nghiệp theo đề nghị của Ty Lâm nghiệp.
Điều 38. – Cơ quan quản lý rừng có nhiệm vụ kiểm tra công việc khai thác lấy nhựa, tu bổ và bảo vệ rừng của cơ quan và hợp tác xã khai thác nhựa thông để phát hiện những việc làm vi phạm quy trình, quy tắc kỹ thuật khai thác, có nhận xét kịp thời và yêu cầu cơ quan và hợp tác xã khai thác phải sửa chữa. Nếu cơ quan hay hợp tác xã khai thác cố ý không sửa chữa thì cơ quan quản lý rừng báo cáo lên cấp trên và đề nghị cách xử lý thích đáng.
Điều 39. – Trong vòng một tháng sau khi khai thác trên diện tích đã được quy định và vận chuyển nhựa xong, cơ quan và hợp tác xã khai thác phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ diện tích và bổ khuyết những thiếu sót. Sau đó, báo cáo cho cơ quan quản lý rừng biết và hai bên cùng định ngày kiểm tra.
Sau khi kiểm tra hai bên phải lập biên bản ghi rõ kết quả kiểm tra gồm có các điểm sau đây:
1. Tình hình khai thác lấy nhựa, thu hoạch vận chuyển nhựa, tu bổ dọn rừng cụ thể như số lượng cây đã khai thác lấy nhựa, số lượng nhựa đã thu hoạch và vận chuyển đi, diện tích đã tu bổ cải tạo (số lượng cây con tu giặm, số hạt gieo trồng và số cây tái sinh).
2. Tình hình vi phạm quy trình, quy tắc nếu có và các việc đã sửa chữa, ý kiến và lý do của đại diện cơ quan hay hợp tác xã khai thác. Cán bộ phụ trách mỗi bên phải ký vào biên bản kiểm tra, kèm theo giấy phép khai thác nhựa đã được cấp.
Sau đó, cơ quan quản lý rừng thu hồi rừng.
Chương 3:
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 40. - Những cá nhân, tổ chức khai thác nhựa thông có thành tích trong việc thi hành quy trình này sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung của Nhà nước.
Điều 41. - Những cá nhân, tổ chức vi phạm quy trình này, tùy theo lỗi nhẹ nặng sẽ bị phê bình hoặc xử lý theo luật lệ hiện hành.
Giám đốc lâm trường, Ban quản trị hợp tác xã khai thác nhựa thông, cán bộ phụ trách bộ phận khai thác nhựa thông do thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu hướng dẫn, kiểm tra để xảy ra những vụ vi phạm quy trình cũng phải chịu trách nhiệm cùng với người vi phạm.
Điều 42. – Giao trách nhiệm cho ông Chủ nhiệm Công ty đặc sản nghiên cứu xây dựng bản quy tắc kỹ thuật chích nhựa thông ta và chế độ thu hoạch bảo quản nhựa thông để hướng dẫn cụ thể việc thi hành quy trình này.
Điều 43. – Các ông Cục trưởng Cục Bảo vệ lâm nghiệp. Chủ nhiệm Công ty đặc sản, các ông Trưởng ty Lâm nghiệp, Chủ nhiệm Công ty công nghiệp rừng, Giám đốc lâm trường khai thác nhựa thông có trách nhiệm phổ biến rộng rãi, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành quy trình này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.