ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 798/QĐ-UBND | Quy Nhơn, ngày 18 tháng 11 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp thuê; Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số điều của Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg , Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại văn bản số 614/SXD-QLN ngày 21/9/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2009 – 2015 theo Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Giao Sở Xây dựng (là cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đạt mục tiêu, đối tượng và tiến độ đề ra; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện và những vướng mắc cho UBND tỉnh để chỉ đạo.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 18/11/2009 của UBND tỉnh)
Phần Thứ Nhất
MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. CƠ SỞ LẬP KẾ HOẠCH:
- Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29/11/2005;
- Căn cứ Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
- Căn cứ Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến 2010 và 2020;
- Căn cứ Chỉ thị số 34/2006/CT-TTg ngày 26/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở;
- Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị;
- Căn cứ Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê;
- Căn cứ Quyết định số 96/2009/QĐ-TTg ngày 22/72009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg , Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
- Căn cứ Thông tư số 10/2009/TT-BXD ngày 15/6/2009 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp;
- Căn cứ Thông tư số 13/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về việc Hướng dẫn việc cho thuê, quản lý vận hành nhà ở sinh viên và nhà ở công nhân khu công nghiệp;
- Căn cứ công văn số 366/BXD-QLN ngày 12/3/2009 của Bộ Xây dựng về việc triển khai xây dựng chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân KCN, ký túc xá cho sinh viên;
II.THỰC TRẠNG VÀ NHU CẦU NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH:
Theo số liệu sơ bộ điều tra các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh, do điều kiện phát triển công nghiệp trong những năm trước đây chưa mạnh, sức hút lao động từ vùng nông thôn và các nơi khác về các đô thị và các khu công nghiệp chưa cao, do đó vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân thuê trên địa bàn tỉnh chưa được xem như là vấn đề cấp bách để có một cơ chế phát triển riêng cho loại hình này. Vì vậy Quỹ nhà ở dành cho đối tượng này hầu như không nhiều, cho nên hầu hết các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (sau đây gọi chung là nhà ở công nhân khu công nghiệp) trên địa bàn tỉnh đều giải quyết vấn đề lao động bằng giải pháp ưu tiên tuyển dụng phần lớn công nhân làm việc là người địa phương để giảm áp lực về nhà ở cho công nhân, số còn lại đến từ các địa phương khác phải tự túc lo về nhà ở, doanh nghiệp hầu như không có khả năng giải quyết được nhu cầu này, nhất là các doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn.
Những năm gần đây, sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, khu kinh tế Nhơn Hội đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực. Điều này đã tạo điều kiện thu hút một lực lượng khá lớn công nhân lao động tại các khu công nghiệp, dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân thuê, đặc biệt là lực lượng công nhân đến từ địa phương khác.
Theo số liệu tổng hợp được, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 02 khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ( giai đoạn 1), khu kinh tế Nhơn Hội đã tạo việc làm cho gần 28.000 lao động. Hiện tại khả năng đáp ứng nhà ở tập trung cho công nhân do các doanh nghiệp xây dựng chỉ chiếm 2,2% so với nhu cầu thuê nhà ở của hơn 5.000 công nhân tại các khu công nghiệp. (Nguồn: Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định)
Theo Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp như: Phú Tài, Long Mỹ, Hòa Hội, Nhơn Hòa, Cát Trinh, khu kinh tế Nhơn Hội với lực lượng lao động khoảng 114.000 người, kéo theo nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động tại các khu công nghiệp sẽ tăng cao.
III. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP:
Nhà ở là vấn đề bức xúc hiện nay ở tỉnh ta, đặc biệt là nhu cầu chỗ ở của các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp, nhà ở cho sinh viên v.v…, giải quyết tốt vấn đề nhà ở là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao mức sống của nhân dân, từng bước ổn định xã hội, tạo sự tác động tích cực trong việc duy trì và phát triển quỹ nhà ở. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và chiến lược phát triển lâu dài quỹ nhà ở của tỉnh, việc xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở nói chung và nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Mục đích của kế hoạch là:
1. Phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng cho khoảng 50% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.
2. Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở theo phương thức xã hội hóa.
3. Đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển mạng lưới các khu công nghiệp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao, nhằm tạo môi trường sống văn hóa và lành mạnh; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ.
Phần Thứ Hai
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
I. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG VÀ XÂY DỰNG NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP:
1. Đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân (chủ đầu tư cấp I)
- Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định hoặc doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân (chủ đầu tư cấp I).
- Chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải tổ chức xác định nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đồng thời tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân gắn với khu công nghiệp đó.
- Chủ đầu tư tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp
2. Đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng khu nhà ở công nhân.
- Chủ đầu tư cấp I có thể tự đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê.
- Nếu chủ đầu tư cấp I không đủ điều kiện thực hiện thì được chuyển giao đất đã có hạ tầng để các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở (chủ đầu tư cấp II) đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cho công nhân thuê.
II. QUỸ ĐẤT DÀNH ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP:
1. Đối với các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành, Chủ đầu tư cấp I tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở công nhân khu công nghiệp. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân được phân bổ vào giá thuê đất tại khu công nghiệp.
2. Đối với các khu công nghiệp đã hình thành được bố trí theo nguyên tắc sau:
a. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch, tổ chức thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất mới để giao cho Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại;
b. Sử dụng quỹ đất 20% dành xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê, nếu quỹ đất đó phù hợp với quy hoạch được duyệt;
c. Giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tổ chức lập quy hoạch khu nhà ở công nhân và làm chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp. Khi quy hoạch khu nhà ở công nhân, Ủy ban nhân tỉnh xem xét, cho phép sử dụng một phần quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại, tạo nguồn bù đắp chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu nhà ở công nhân.
III. TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ VÀ GIÁ CHO THUÊ NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP:
1. Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp:
a. Tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp được thiết kế tối thiểu là 5m2/người; chỉ tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân theo Quy chuẩn xây dựng hiện hành;
b. Khi tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với Quy chuẩn xây dựng hiện hành, không khống chế số tầng, phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Giá cho thuê nhà ở:
Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phê duyệt giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp, theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của Nhà nước, không tính các khoản chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân khu công nghiệp (đã được phân bổ vào giá thuê đất khu công nghiệp) vào giá thuê nhà và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa 10%, với thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm.
IV. TỔ CHỨC QUẢN LÝ VIỆC SỬ DỤNG, VẬN HÀNH KHAI THÁC QUỸ NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP:
1. Quỹ nhà ở công nhân khu công nghiệp phải được duy trì và quản lý chặt chẽ trong quá trình vận hành, không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc bảo trì công trình phải tuân theo quy định của pháp luật về xây dựng. Quy chế quản lý việc sử dụng, vận hành khai thác quỹ nhà ở công nhân khu công nghiệp, mẫu hợp đồng cho thuê nhà ở áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
2. Chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp được phép thuê, ủy thác cho đơn vị có chức năng kinh doanh dịch vụ quản lý nhà ở hoặc thành lập tổ chức dịch vụ nhà ở để quản lý, vận hành quỹ nhà ở do mình đầu tư. Đơn vị quản lý vận hành quỹ nhà ở công nhân khu công nghiệp được phép kinh doanh các dịch vụ khác trong khu nhà ở theo quy định của pháp luật để tạo nguồn bù đắp chi phí quản lý vận hành, bảo trì nhằm giảm giá cho thuê nhà ở.
3. Đơn vị quản lý vận hành quỹ nhà ở công nhân khu công nghiệp phải xây dựng nội quy sử dụng nhà ở công nhân, công bố công khai để công nhân thuê nhà và các đơn vị, cá nhân liên quan biết, thực hiện.
V. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC THUÊ NHÀ Ở CÔNG NHÂN:
1. Đơn vị quản lý vận hành quỹ nhà ở công nhân chịu trách nhiệm cho thuê đúng đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp; ưu tiên đối với các trường hợp công nhân ngoài tỉnh có hợp đồng lao động tại khu công nghiệp nơi có dự án nhà ở công nhân, công nhân có thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm bợ.
2. Công nhân khu công nghiệp có nhu cầu thuê nhà phải làm đơn, có xác nhận của doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp và ký hợp đồng thuê nhà ở với đơn vị quản lý vận hành quỹ nhà ở công nhân khu công nghiệp.
3. Công nhân khu công nghiệp thuê nhà ở phải trả tiền thuê nhà đầy đủ, tuân thủ nội quy sử dụng nhà ở do đơn vị quản lý vận hành quỹ nhà ở công nhân khu công nghiệp quy định; không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê, nếu vi phạm sẽ bị hủy hợp đồng hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
VI. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP
1. Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các văn bản hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành).
2. Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp phải được tổ chức tư vấn kiểm định chất lượng độc lập đánh giá phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng.
Phần Thứ Ba
NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. NHU CẦU NHÀ Ở VÀ QUỸ ĐẤT XÂY DỰNG NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP:
Theo số liệu báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định, số công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện tại có nhà ở và dự kiến đến năm 2015 được tổng hợp ở bảng sau:
Giai đoạn 2009 - 2012 | Giai đoạn 2013 - 2015 | ||||||||
Tổng số công nhân | Số CN có nhu cầu thuê nhà | Khả năng đáp ứng | Quỹ đất QH xây dựng nhà ở công nhân (ha) | Tổng số công nhân | Số công nhân có nhu cầu thuê nhà | Khả năng đáp ứng | Quỹ đất QH xây dựng nhà ở công nhân (ha) | ||
Nhà ở tập trung do địa phương, doanh nghiệp xây dựng (%) | Nhà ở riêng lẻ do công nhân tù xây dựng (%) | Nhà ở tập trung do địa phương, doanh nghiệp xây dựng (%) | Nhà ở riêng lẻ do công nhân tự xây dựng (%) | ||||||
27.778 | 5.133 | 2,2 | 2,2 | 10,6 | 113.725 | 45.524 | 35,80 | 14,2 | 35,0 |
II. QUY MÔ VÀ SỐ DỰ ÁN NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP DỰ KIẾN TRIỂN KHAI:
1. Giai đoạn 2009 - 2012:
a. Số dự án đầu tư: 05 dự án, gồm khu nhà ở cho công nhân 02 khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ.
- Số lượng công nhân có nhu cầu thuê nhà ở được giải quyết: 3.900 công nhân.
- Số m2 sàn xây dựng: 29.400m2. Nhu cầu đất tối thiểu: 10,6 ha.
b. Tổng mức đầu tư: Suất đầu tư 4.200.000 đồng/m2 x 29.400m2 = 123 tỷ đồng (kể cả đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và các dịch vụ khác trong phạm vi dự án).
c. Quỹ đất để xây dựng:
+ 4,2 ha quỹ đất sạch tại khu tái định cư phường Trần Quang Diệu và 2,5 ha ở khu tái định cư phường Bùi Thị Xuân thuộc khu tái định cư khu công nghiệp Phú Tài.
+ Chuyển đổi một phần mục đích sử dụng đất từ quỹ đất của khu tái định cư phường Trần Quang Diệu ( 5,3 ha) sang xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp (đã giải phóng mặt bằng, chưa san nền).
+ Khu đất nằm trên khu đất phía Đông Quốc lộ 1A và Khu công nghiệp Phú Tài, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, khu đất này trước đây đã giao cho Doanh nghiệp tư nhân Dệt may Thương mại Vạn Phát làm khu xử lý nước thải nay thu hồi lại để quy hoạch xây dựng khu chung cư phục vụ cho công nhân khu công nghiệp Phú Tài. Diện tích đất quy hoạch xây dựng chung cư: 42.386m2.
+ Khu đất 1,1 ha nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Phú Tài mở rộng về phía Nam ( phường Bùi Thị Xuân).
2. Giai đoạn 2013 - 2015:
a. Số dự án dự kiến đầu tư: 06 dự án, gồm khu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội, Cát Trinh, khu kinh tế Nhơn Hội. Hầu hết quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp này trước đây chưa quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp thuê, cho nên cần quy hoạch bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp nói trên.
- Số lượng công nhân có nhu cầu thuê nhà ở được giải quyết: 16.000 công nhân.
- Số m2 sàn xây dựng: 104.000m2. Nhu cầu quỹ đất tối thiểu: 35 ha.
b. Tổng mức đầu tư: Suất đầu tư 4.200.000 đồng/m2 x 104.000m2 = 436,8 tỷ đồng ( kể cả đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và các dịch vụ khác trong phạm vi dự án).
c. Quỹ đất để xây dựng: Giai đoạn 2013 - 2015 sẽ triển khai khoảng 35,0 ha. Trong đó:
+ Quy hoạch bổ sung quỹ đất tại các phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân để bố trí xây dựng nhà ở cho công nhân 02 khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ: 10ha ( mỗi khu dự kiến khoảng 05 ha);
+ Khu kinh tế Nhơn Hội: 10 ha;
+ Các khu công nghiệp Nhơn Hòa, Hòa Hội, Cát Trinh: mỗi khu 05 ha: 3 x 5 = 15 ha.
d. Quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân giai đoạn sau năm 2015: Quy hoạch bổ sung tại Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, gồm:
- Khu kinh tế Nhơn Hội: từ 50 - 60 ha.
- Các khu công nghiệp Nhơn Hòa, Hòa Hội, Cát Trinh: mỗi khu dành từ 20 - 30 ha.
Chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân gắn với khu công nghiệp đó.
III. CƠ CHẾ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CHỦ ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG NHÀ Ở CÔNG NHÂN KHU CÔNG NGHIỆP:
Thực hiện theo các quy định của Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, cụ thể:
Chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp (bao gồm chủ đầu tư cấp I và chủ đầu tư cấp II) có đăng ký đầu tư với UBND tỉnh được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư sau đây:
a. Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án;
b. Các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở công nhân ( không thu tiền thuê hoặc có thu tiền thuê nhưng giá cho thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở xã hội theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh) và các doanh nghiệp thuê nhà cho công nhân ở thì được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý (tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp;
c. Được hỗ trợ tín dụng đầu tư từ các nguồn:
- Vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định;
- Vay từ Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh và các nguồn vốn vay ưu đãi khác (nếu có);
- Được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay (tùy theo khả năng ngân sách của tỉnh);
d. Được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thi công, xây lắp nhằm giảm giá thành xây dựng công trình; được áp dụng hình thức tự thực hiện nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định thầu đối với các hợp đồng tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị;
đ. Được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước).
IV. NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ:
Kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, bao gồm các nguồn vốn:
- Vốn tự có của doanh nghiệp;
- Vốn doanh nghiệp tự huy động;
- Các nguồn vốn vay ưu đãi khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Xây dựng:
- Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, tổng hợp tình hình và đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này;
- Chủ trì, phối hợp cùng Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định và các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp tập trung có nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho công nhân, qua đó tiến hành công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm;
- Theo dõi, đôn đốc và tổng hợp tình hình triển khai thực hiện kế hoạch này; đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với quy hoạch phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố có khu kinh tế, khu công nghiệp tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất cho các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4. Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các ngµnh có liên quan đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh để có cơ sở lập và triển khai các dự án phát triển nhà ở công nhân khu c«ng nghiÖp thuê.
- Chỉ đạo Chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân gắn với khu công nghiệp đó.
5. UBND các huyện, thành phố có khu kinh tế, khu công nghiệp:
Phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định và các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bổ sung quỹ đất cho các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp trên phạm vi địa bàn quản lý.
Trong quá trình thực hiện, Kế hoạch này được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.