ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 793/2008/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 19 tháng 5 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 9 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 207/TTr-KHCN ngày 03 tháng 4 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 606/UB-QĐ-KHCN ngày 30 tháng 5 năm 1997 về quản lý đề tài, dự án khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 793/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, bao gồm: các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở (sau đây gọi tắt là đề tài/dự án).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
- Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ: là các đề tài nghiên cứu khoa học; nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm; nghiên cứu và phát triển công nghệ; điều tra cơ bản; tổng kết thực tiễn thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên - kỹ thuật công nghệ, xã hội và nhân văn.
- Dự án khoa học và công nghệ: là các dự án ứng dụng công nghệ mới; dự án sản xuất thử nghiệm; dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ, sản phẩm mới trước khi đưa ra sản xuất đại trà.
- Đề tài/dự án cấp tỉnh: là loại đề tài/dự án trọng điểm do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cho tổ chức/cá nhân chủ trì thực hiện; có mức đầu tư kinh phí lớn để tập trung giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính liên ngành, quy mô lớn phục vụ trực tiếp và quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của địa phương.
- Đề tài/dự án cấp cơ sở: là các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt để giải quyết các vấn đề khoa học đặc thù của các ngành, huyện, thị; có quy mô nhỏ (giá trị nhỏ hơn 100 triệu đồng).
Các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ do các ngành, đơn vị thực hiện không sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh sau khi kết thúc có kết quả tốt được đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ nghiệm thu và đăng ký kết quả nghiên cứu theo quy định này. Tuỳ theo kết quả và khả năng ứng dụng có thể xem xét hỗ trợ kinh phí.
Khuyến khích các đơn vị trong tỉnh vận dụng Quy định này để quản lý các đề tài/dự án không sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.
Điều 3. Yêu cầu chung về đề tài/dự án, cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài
1. Đề tài/dự án phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong từng giai đoạn của tỉnh trên cơ sở đề xuất của các tổ chức, cá nhân và yêu cầu của lãnh đạo; có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
2. Cơ quan chủ trì thực hiện đề tài/dự án (cơ quan chủ trì): là các tổ chức có tư cách pháp nhân, có chức năng phù hợp với lĩnh vực khoa học và công nghệ của đề tài/dự án; có đủ tiềm lực (nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính…), có đủ năng lực tổ chức liên kết để thực hiện đề tài/dự án và có đóng góp quan trọng trong việc tạo ra kết quả nghiên cứu của đề tài/dự án; khoa học và công nghệ
3. Chủ nhiệm đề tài/dự án (chủ nhiệm) là cá nhân có trình độ từ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực khoa học và công nghệ của đề tài/dự án, phải là người đề xuất ý tưởng chính khi xây dựng thuyết minh đề tài/dự án, có kinh nghiệm và năng lực tổ chức nghiên cứu khoa học; phải đảm bảo đủ thời gian để thực hiện đề tài/dự án; là người tham gia và đóng góp chính trong việc tạo ra kết quả của đề tài/dự án;
4. Các tổ chức, cá nhân không được thực hiện đề tài/dự án mới khi chưa hoàn thành đúng hạn việc nộp báo cáo kết quả nghiên cứu, quyết toán kinh phí hoặc chưa hoàn trả kinh phí thu hồi của các đề tài/dự án đã thực hiện theo quy định.
5. Mỗi cá nhân không đồng thời làm chủ nhiệm 02 đề tài hoặc 02 dự án, nhưng có thể đồng thời làm chủ nhiệm 01 đề tài và 01 dự án. Mỗi tổ chức được phép đồng thời chủ trì thực hiện nhiều đề tài/dự án nếu đủ điều kiện theo quy định
Điều 4. Trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện đề tài/dự án
1. Cơ quan chủ trì
- Phân công cá nhân làm chủ nhiệm; tổ chức xét duyệt thuyết minh đề tài/dự án tại cơ sở; phân công và chỉ đạo bộ phận tài chính - kế toán của đơn vị phối hợp với chủ nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện đề tài/dự án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền;
- Đảm bảo các điều kiện về nhân lực, thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện đề tài/dự án;
- Cùng với chủ nhiệm ký hợp đồng nghiên cứu khoa học và chịu trách nhiệm đối với các điều khoản ghi trong hợp đồng;
- Kiểm tra, giám sát, xác nhận và báo cáo tình hình thực hiện đề tài/dự án: nội dung, tiến độ, kết quả, kinh phí thực hiện đề tài/dự án; quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về kết quả khoa học của đề tài/dự án;
- Giao nộp đầy đủ kết quả thực hiện đề tài/dự án;
- Có trách nhiệm nộp đầy đủ kinh phí thu hồi và các tài liệu khác có liên quan cho Sở Khoa học và Công nghệ;
- Tạo điều kiện thuận lợi để các ngành chức năng kiểm tra, giám sát.
2. Chủ nhiệm
- Xây dựng thuyết minh đề tài/dự án; xây dựng kế hoạch triển khai;
- Cùng với cơ quan chủ trì ký hợp đồng nghiên cứu khoa học và chịu trách nhiệm các điều khoản ghi trong hợp đồng;
- Tổ chức, thực hiện đúng nội dung, tiến độ theo thuyết minh đề tài/dự án;
- Báo cáo trung thực, chính xác kết quả thực hiện đề tài/dự án;
- Chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Xác định danh mục đề tài/dự án khoa học và công nghệ
1. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương và căn cứ vào hướng dẫn xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi văn bản hướng dẫn cho các sở, ban, ngành, huyện, thị, các doanh nghiệp và các tổ chức đề xuất đăng ký thực hiện các đề tài/dự án khoa học và công nghệ;
2. Căn cứ các đề xuất của các sở, ban, ngành, huyện thị, các doanh nghiệp và các tổ chức, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp danh mục các đề tài/dự án, giao cho các Tiểu ban khoa học và công nghệ chuyên ngành để sơ tuyển, phân loại ưu tiên đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp cơ sở;
3.Trên cơ sở các ý kiến của các Tiểu ban khoa học và công nghệ, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh xem xét nhất trí, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp danh mục đề tài/dự án trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với đề tài/dự án trọng điểm cấp tỉnh;
4. Các đề tài/dự án cấp cơ sở giao cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn bố trí vào kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm.
Điều 6. Tuyển chọn, xét duyệt
1. Tuyển chọn
Đối với các đề tài/dự án có tính phức tạp về chuyên môn, cần huy động nhiều nguồn lực tham gia hoặc đề tài/dự án có từ hai đơn vị đăng ký trở lên thì thực hiện theo phương thức tuyển chọn.
Sau khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các đề tài/dự án; Sở Khoa học và Công nghệ thông báo danh mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; thành lập Hội đồng tuyển chọn cho từng nhiệm vụ để xem xét đánh giá chấm điểm hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài/dự án.
Trên cơ sở kết quả của Hội đồng tuyển chọn, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo tổ chức, cá nhân trúng tuyển và yêu cầu bổ sung những kiến nghị của Hội đồng tuyển chọn để hoàn thiện bản thuyết minh đề tài/dự án đồng thời tổ chức, cá nhân được tuyển chọn lập dự toán kinh phí gửi Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định và phê duyệt theo quy định
2. Xét duyệt thuyết minh đề tài/dự án
Đối với các đề tài/dự án giao trực tiếp, Sở Khoa học và Công nghệ thành lập các Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành để xét duyệt thuyết minh cho từng đề tài/dự án.
Trên cơ sở biên bản của Hội đồng xét duyệt, Sở Khoa học và Công nghệ quyết định nội dung nghiên cứu của đề tài/dự án, bao gồm:
- Lựa chọn Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm;
- Tên, mục tiêu, nội dung nghiên cứu và thời gian thực hiện đề tài, dự án.
Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài/dự án có trách nhiệm hoàn thiện thuyết minh đề tài/dự án theo Quyết định của Sở Khoa học và Công nghệ và nộp về Sở Khoa học và Công nghệ, số lượng 15 bản in và 01 bản ghi trên đĩa mềm, USB hoặc chuyển qua hộp thư điện tử.
3. Đối với các đề tài cấp cơ sở: Giao cho Sở Khoa học và Công nghệ xét duyệt và bố trí kinh phí trong kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm.
Điều 7. Thẩm định và phê duyệt kinh phí
Căn cứ Quyết định phê duyệt nội dung nghiên cứu đề tài/dự án của Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan chủ trì lập dự toán kinh phí gửi Sở Khoa học và Công nghệ để thẩm định. Số lượng 03 bản in và 01 bản ghi trên đĩa mềm, USB hoặc chuyển qua hộp thư điện tử.
Căn cứ dự toán kinh phí của cơ quan chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định kinh phí cho từng đề tài/dự án. Trong quá trình thẩm định, nếu phát sinh các vấn đề tồn tại, Sở Khoa học và Công nghệ có thể mời cơ quan chủ trì tới để thống nhất hoặc mời các chuyên gia có chuyên môn để tham khảo.
Căn cứ kết quả thẩm định, Sở Khoa học và Công nghệ ra quyết định phê duyệt dự toán kinh phí cho từng đề tài/dự án.
Điều 8. Phê duyệt kế hoạch kinh phí cho các đề tài/dự án
Căn cứ các Quyết định phê duyệt nội dung, kinh phí của từng đề tài/dự án; căn cứ Quyết định giao dự toán của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp và lập kế hoạch kinh phí của năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 9. Ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Trên cơ sở Quyết định phê duyệt kế hoạch kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo cho các cơ quan chủ trì và tiến hành thương thảo, ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học.
- Nội dung chủ yếu của Hợp đồng khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/ 2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoa học và Công nghệ;
- Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài/dự án tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ để triển khai thực hiện đề tài/dự án. Hợp đồng được ký cho toàn bộ quá trình triển khai thực hiện đề tài/dự án.
Điều 10. Chế độ báo cáo, kiểm tra, thanh tra
1. Chế độ báo cáo
- Báo cáo định kỳ: Trước ngày 30 tháng 06 hàng năm, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài/dự án phải lập báo cáo về nội dung, tiến độ thực hiện, kinh phí đã sử dụng gửi Sở Khoa học và Công nghệ.
- Báo cáo đặc thù: Đối với từng đề tài/dự án cụ thể, khi kết thúc các nội dung nghiên cứu quan trọng có ảnh hưởng lớn đến kết quả nghiên cứu, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài/dự án có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Khoa học và Công nghệ.
- Báo cáo đột xuất: Tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài/dự án có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý về tình hình triển khai, kết quả đạt được của đề tài/dự án khoa học và công nghệ.
2. Kiểm tra thực hiện
- Định kỳ 06 tháng và hết năm Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra (hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết) về nội dung, tiến độ, sử dụng kinh phí. Các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài/dự án chịu sự kiểm tra, thanh tra theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ;
- Kết quả kiểm tra được lập biên bản và có chữ ký của các bên tham gia kiểm tra. Biên bản kiểm tra đề tài/dự án là một bộ phận của hồ sơ nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài/dự án;
- Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài/dự án thực hiện không đúng nội dung nghiên cứu đã được phê duyệt, ký kết; sử dụng kinh phí không đúng mục đích thì Sở Khoa học và Công nghệ phải có biện pháp xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành;
- Việc điều chỉnh nội dung cho phù hợp với thực tế thì cơ quan chủ trì đề tài/dự án phải có văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ để xem xét, quyết định.
Điều 11. Quản lý, sử dụng, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí đề tài/dự án
1. Quản lý
Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm giao cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.
2. Cấp phát, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí
- Căn cứ dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ cấp phát kinh phí thực hiện các đề tài/dự án theo 2 hình thức sau đây:
+ Giao dự toán cho cơ quan chủ trì: Áp dụng đối với cơ quan chủ trì là các cơ quan hành chính, sự nghiệp trong tỉnh. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành;
+ Sở Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí từ tài khoản dự toán của Sở cho các cơ quan chủ trì: Áp dụng đối với cơ quan chủ trì là các cơ quan nghiên cứu ngoài tỉnh, các doanh nghiệp;
- Tạm ứng kinh phí: Các cơ quan chủ trì được tạm ứng kinh phí lần thứ nhất tối đa không quá 50% tổng mức dự toán được phân bổ trong năm cho 01 đề tài/dự án. Cơ quan chủ trì chỉ được tạm ứng kinh phí lần sau khi đã thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước được ít nhất là 2/3 số kinh phí tạm ứng lần đầu. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm căn cứ tiến độ thực hiện của từng đề tài/dự án để cấp kinh phí tạm ứng.
3. Sử dụng kinh phí
Cơ quan chủ trì có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, phù hợp với các nội dung nghiên cứu đã được phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
4. Thanh quyết toán
Kinh phí của đề tài/dự án phải được quyết toán theo tiến độ thực hiện, chứng từ phát sinh năm nào thì thanh quyết toán vào niên độ ngân sách năm đú theo đúng quy định hiện hành. Đối với các đề tài/dự án thực hiện trong nhiều năm, thì tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài/dự án quyết toán hàng năm theo niên độ ngân sách đối với số kinh phí thực nhận và thực chi. Khi kết thúc đề tài/dự án thì tổng hợp lũy kế quyết toán từ năm đầu thực hiện đến năm báo cáo. Kinh phí của các đề tài/dự án đang thực hiện được phép chuyển sang năm sau.
Chứng từ thanh quyết toán phải được Cơ quan chủ trì phê duyệt và có đầy đủ chữ ký của Thủ trưởng đơn vị và Kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán). Cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ, chứng từ thanh toán do mình phê duyệt.
Trong trường hợp phát sinh các nghiệp vụ kinh tế - tài chính không thống nhất được trong quá trình thanh toán với Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính thì chứng từ nghiệp vụ đó được phép chuyển sang năm sau để thanh toán (kể cả khi đề tài/dự án đã kết thúc). Đồng thời cơ quan chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.
Thời hạn thanh toán: Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và mục 2, Điều 76 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước, thời hạn thanh quyết toán cuối năm đối với các đề tài/dự án cụ thể như sau:
- Đối với các cơ quan chủ trì được giao dự toán:
+ Thanh toán với Kho bạc Nhà nước trước ngày 28 tháng 02 hàng năm.
+ Nộp báo cáo tài chính về Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 15 tháng 3 hàng năm.
- Đối với các cơ quan chủ trì được cấp kinh phí từ Tài khoản dự toán của Sở Khoa học và Công nghệ:
+ Nộp hồ sơ, chứng từ thanh toán tới Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 10 tháng 01 hàng năm.
+ Sở Khoa học và Công nghệ thanh toán với Kho bạc Nhà nước trước ngày 31 tháng 03 hàng năm.
+ Sở Khoa học và Công nghệ gửi báo cáo quyết toán năm tới Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 04 hàng năm.
- Sở Khoa học và Công nghệ xét duyệt quyết toán của các cơ quan chủ trì, tổng hợp và lập báo cáo quyết toán tổng thể gửi Sở Tài chính trước ngày 30 tháng 04 hàng năm.
- Sở Tài chính thẩm tra, xét duyệt quyết toán năm trước ngày 30 tháng 06 năm sau.
Điều 12. Thu hồi kinh phí
1. Cơ quan chủ trì thực hiện các đề tài/dự án có trách nhiệm nộp đủ kinh phí thu hồi, đúng thời gian theo hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết.
2. Trường hợp các đơn vị thực hiện đề tài/dự án không nộp đủ kinh phí thu hồi hoặc không đúng thời hạn, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thông báo, yêu cầu cơ quan chủ trì nộp kinh phí thu hồi. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo, nếu cơ quan chủ trì vẫn chưa chấp hành thì Sở Khoa học và Công nghệ thông báo lần hai. Nếu cơ quan chủ trì vẫn không thực hiện thì Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi kinh phí và tiến hành xử lý theo quy định của Pháp luật.
Kinh phí thu hồi nộp vào tài khoản của Sở Khoa học và Công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chuyển toàn bộ kinh phí thu hồi vào Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng.
Điều 13. Điều chỉnh, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng
1. Trong quá trình thực hịên, nếu phát sinh các nội dung khác ảnh hưởng đến nội dung và kết quả nghiên cứu, cơ quan chủ trì phải kịp thời báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định điều chỉnh và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nếu việc điều chỉnh dẫn đến vượt tổng mức kinh phí của đề tài/dự án thì Sở Khoa học và Công nghệ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp: đề tài/dự án không còn thích hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ; gặp rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh; tổ chức và cá nhân chủ trì không bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí đối ứng, thời gian thực hiện đề tài/dự án; thực hiện sai phương pháp, sử dụng kinh phí sai mục đích.
3.Tổ chức/cá nhân chủ trì bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng phải ngừng thực hiện các nội dung đề tài/dự án và phải báo cáo bằng văn bản cho Sở Khoa học và Công nghệ về những nội dung công việc đã triển khai, kinh phí đã sử dụng. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính xem xét giải quyết.
Điều 14. Đánh giá, nghiệm thu và công nhận kết quả nghiên cứu
1. Đánh giá, nghiệm thu
Sau khi kết thúc đề tài/dự án phải tổ chức nghiệm thu kết quả thưc hiện để đánh giá những kết quả đạt được về nội dung, tiến độ thực hiện, khối lượng công việc hoàn thành, chưa hoàn thành so với đề cương được duyệt.
Công tác nghiệm thu đối với đề tài/dự án cấp tỉnh được tổ chức theo hai cấp:
a) Nghiệm thu cấp cơ sở
Thủ trưởng Cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành và tổ chức nghiệm thu. Hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá xếp loại theo 2 mức “đạt” và “không đạt” lập thành biên bản. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm cùng với chủ nhiệm đề tài/dự án hoàn thiện báo cáo, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nghiệm thu cơ sở, nộp hồ sơ nghiệm thu (15 bộ) cho Sở Khoa học và Công nghệ gồm các tài liệu sau:
- Báo cáo tổng kết kết quả đề tài, dự án;
- Báo cáo tóm tắt;
- Báo cáo tài chính;
- Các quy trình kỹ thuật, công nghệ;
- Các tài liệu dịch, sơ đồ, bản đồ, ảnh tư liệu;
- Quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu cơ sở;
- Biên bản họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở;
- Công văn đề nghị nghiệm thu đề tài, dự án.
b) Nghiệm thu cấp tỉnh
Sở Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành và tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài/dự án. Số lượng thành viên Hội đồng từ 9-11 người, gồm Chủ tịch, 2 ủy viên phản biện và các thành viên khác. Thư ký khoa học do chủ tịch Hội đồng chỉ định trong số thành viên có mặt trong cuộc họp. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cử chuyên viên quản lý khoa học của Sở làm thư ký hành chính. Hội đồng gồm 2/3 là các nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực đề tài/dự án, 1/3 là nhà quản lý, doanh nghiệp. Đại diện cơ quan quản lý về ngành, lĩnh vực của đề tài/ dự án; Kế toán trưởng Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài chính được mời với tư cách là đại biểu.
Hội đồng nghiệm thu chính thức phải có mặt ít nhất 2/3 thành viên trở lên. Hội đồng đánh giá nghiệm thu theo phương thức bỏ phiếu đánh giá theo thang điểm và xếp loại theo 4 mức (xuất sắc, khá, đạt, không đạt);
Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng cụ thể phương thức và quy trình làm việc của Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài/dự án, tiêu chuẩn đánh giá chấm điểm trên cơ sở quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ (ban hành kèm theo Quyết định số 04/2007/QĐ-BKHCN ngày 19 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).
2. Giao nộp sản phẩm khoa học và công nghệ
Tổ chức/cá nhân chủ trì đề tài/dự án khoa học và công nghệ có trách nhiệm hoàn chỉnh các sản phẩm theo Hợp đồng đã ký để giao nộp cho Sở Khoa học và Công nghệ. Biên bản giao nộp sản phẩm khoa học và công nghệ và chứng từ nộp kinh phí thu hồi (nếu có) là cơ sở để thanh, quyết toán kinh phí và thanh lý việc thực hiện đề tài/dự án khoa học và công nghệ.
3. Công nhận kết quả nghiên cứu
Sau khi các sản phẩm khoa học và công nghệ được giao nộp đầy đủ, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành.
Điều 15. Xử lý đề tài/dự án không được nghiệm thu
Trường hợp đề tài/dự án không được nghiệm thu ở cấp tỉnh thì trên cơ sở báo cáo của Cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm đề tài/dự án về tình hình thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính xem xét, quyết định việc thanh toán khối lượng đạt được và thu hồi số kinh phí chưa sử dụng (nếu có).
Điều 16. Xử lý tài sản
Tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước phục vụ thực hiện các đề tài, dự án sau khi kết thúc được xử lý theo thông tư số 116/2005/TT-BTC ngày 19 tháng 12 năm 2005 của Bộ Tài chính về quản lý tài sản và xử lý tài sản và Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04 tháng 10 năm 2006 Hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Điều 17. Đăng ký và công bố kết quả
1. Các báo cáo kết quả thực hiện đề tài/dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh phải được đăng ký và lưu trữ tại Trung tâm tin học và thông tin khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm tin học và Thông tin khoa học và công nghệ cấp giấy xác nhận đăng ký kết quả thực hiện đề tài/dự án khoa học và công nghệ.
2. Công bố kết quả
Việc công bố kết quả thực hiện do Chủ nhiệm và Cơ quan chủ trì tiến hành, lựa chọn hình thức công bố phù hợp với dạng kết quả (trên các tạp chí, tập san, tuyển tập khoa học chuyên ngành, in sách phổ biến) theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Xuất bản, Luật Báo chí và các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Điều 18. Thanh lý hợp đồng
Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài/dự án tiến hành thanh lý hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ sau khi đề tài/dự án kết thúc và cơ quan chủ trì đã hoàn thành các công việc sau:
- Nộp báo cáo tổng kết đề tài/dự án sau khi đã hoàn thiện theo biên bản của Hội đồng đánh giá nghiệm thu chính thức;
- Thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài/dự án;
- Giao nộp các sản phẩm theo hợp đồng;
- Bàn giao tài sản;
- Nộp kinh phí thu hồi ( nếu có).
Điều 19. Ứng dụng kết quả đề tài, dự án
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Đăng tải thông tin về kết quả các đề tài/dự án đã được nghiệm thu trên tạp chí khoa học và công nghệ, phổ biến để các ngành, địa phương tham khảo, tra cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (trừ các đề tài/dự án khoa học và công nghệ được quản lý theo chế độ bảo mật).
- Chủ động đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh việc ứng dụng và đưa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp, liên kết với cơ quan chủ trì và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lập dự án sản xuất thử nghiệm hoặc dự án đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.
2. Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài/dự án
Sau khi đề tài/dự án được nghiệm thu, Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài/dự án phải có trách nhiệm tham mưu cho cấp trên, đồng thời tổ chức áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; hàng năm lập báo cáo đánh giá kết quả ứng dụng nghiên cứu các đề tài/dự án báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh(trong 3 năm liên tiếp).
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ là luận cứ khoa học để Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, vận dụng, xây dựng quy hoạch, hướng dẫn lập các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án đầu tư dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội được ưu tiên xem xét, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư.
4. Sở Tài chính
Hướng dẫn các sở, ban, ngành, điạ phương xem xét, ưu tiên bố trí các nguồn vốn để ứng dụng kết quả các đề tài/dự án phục vụ phát triển sản xuất và đời sống. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
5. Các cơ quan quản lý khác: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.
Điều 20. Trách nhiệm của các cấp và các cơ quan quản lý
1. Ủy ban nhân dân tỉnh
- Phê duyệt danh mục đề tài/dự án: Trước ngày 15 tháng 06 hàng năm phê duyệt danh mục các đề tài/dự án của năm sau;
- Phê duyệt kế hoạch kinh phí: Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm phê duyệt của năm sau;
- Xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch (danh mục, kinh phí các đề tài/dự án) trên cơ sở đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ;
- Tổ chức hội nghị tổng kết những đề tài/dự án có hiệu quả kinh tế và giao cho các ngành chuyên môn triển khai thực hiện trên cơ sở đề nghị của các ngành liên quan.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
- Trước ngày 01 tháng 6 hàng năm, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục đề tài/dự án năm sau;
- Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch kinh phí các đề tài/dự án năm sau;
- Phê duyệt nội dung, kinh phí cho từng đề tài/dự án;
- Thành lập các Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành: tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài/dự án; xét duyệt thuyết minh chi tiết; đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu;
- Ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ với các cơ quan chủ trì và chủ nhiệm;
- Phê duyệt các công việc phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của các đề tài/dự án: (sửa chữa, xây dựng kết cấu hạ tầng…); các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tại Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 25 tháng 11 năm 2005 và Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng đối với việc mua sắm trang thiết bị, vật tư,… phục vụ hoạt động nghiên cứu của các đề tài/dự án;
- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề tài/dự án;
- Quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh; cấp phát và quản lý kinh phí thực hiện các đề tài/dự án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền;
- Điều chỉnh nội dung và kinh phí của đề tài, dự án trong tổng mức kinh phí đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao;
- Lưu giữ, bảo mật các kết quả nghiên cứu khoa học.
3. Sở Tài chính
- Căn cứ quyết định giao dự toán và quyết định phê duyệt kế hoạch sự nghiệp khoa học và công nghệ, căn cứ phương án phân bổ dự toán của Sở Khoa học và Công nghệ, thẩm định và thông báo kết quả thẩm định phương án phân bổ kinh phí cho Sở Khoa học và Công nghệ.
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí của các cơ quan chủ trì thực hiện đề tài/dự án; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí liên quan đến các đề tài/dự án;
4. Kho bạc Nhà nước
Cấp phát và thanh toán kinh phí kịp thời, đảm bảo tiến độ cho các đơn vị chủ trì đề tài/dự án.
5. Các cơ quan khác
Các sở, ban, ngành và huyện thị có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện đề tài/dự án đối với các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Điều 21. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân chủ trì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức xét và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng, trao giải thưởng khoa học cấp tỉnh.
2. Chủ nhiệm đề tài/dự án vi phạm trong quá trình thực hiện sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 127/2004/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện quy định này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.