ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ: 79/2001/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP KHÔNG TRÁT TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TẠI HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 17/200/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Biên bản nghiệm thu ngày 06/5/1998 và ngày 26/3/1999 của Hội đồng Khoa học Thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1008/TT-SXD ngày 12/9/2001,
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thi công và nghiệm thu kết cấu bê tông cốt thép không trát trong xây dựng công trình tại Hà nội.
Điều II: Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, Nghành có liên quan phổ biến, hướng dẫn áp dụng và quản lý thực hiện thống nhất trên địa bàn Thành phố.
Điều III: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông Công chính, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học Công nghệ và môi trường; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
|
QUY ĐỊNH
VỀ THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP KHÔNG TRÁT TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TẠI HÀ NỘI
(Ban hành theo quyết định số 79/2001/QĐ-UB.Ngày 24 tháng 9 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà nội)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi áp dụng.
Quy định này quy định các điều kiện kỹ thuật, hướng dẫn thi công và nghiệm thu các kết cấu bê tông không trát trong xây dựng công trình tại Hà nội, nhằm mục đích:
+ Đảm bảo chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.
+ Làm cơ sở để giao dịch giữa hai đơn vị sản xuất và sử dụng.
+ Kiểm tra, đánh giá chất lượng kết cấu bê tông không trát.
+ Tiến hành nghiên cứu, xác lập định mức, đơn giá thi công các cấu kiện bê tông và bê tông cốt thép không trát, áp dụng cho các công trình xây dựng tại Hà Nội.
Điều 2: Khái niệm.
1. ”Bê tông không trát” dùng trong quy định này để chỉ các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép có yêu cầu cao về hoàn thiện bề mặt, nhưng không trát vữa lên bề mặt bê tông.
2. Theo hình thức sử dụng, bề mặt bê tông được phân chia thành các dạng sau:
+ Bề mặt kết cấu ở nguyên dạng bê tông: phẳng nhẵn, có gờ, có hình hoặc phù điêu.
+ Bề mặt kết cấu bê tông có lớp phủ mỏng (phủ sơn, dán giấy ....)
3. Bề mặt bê tông không trát đề cập đến trong tài liệu là các mặt bê tông tiếp xúc với ván khuôn như: bề mặt của tường cột, các mặt bên và mặt dưới của dầm, sàn, vòm v.v...
4. Bê tông không trát có yêu cầu cao về:
+ Thẩm mỹ kiến trúc, về hoàn thiện bề mặt bê tông ở mức cao.
+ Có khả năng bền vững, chống xâm thực cao do bề mặt bê tông tiếp xúc trực tiếp với môi trường nóng ẩm.
+ Chịu được tác động của các lực va đập nhỏ mà không làm hỏng bề mặt bê tông.
5. Kết cấu bê tông không trát thuộc công trình có yêu cầu đặc biệt. Việc hoàn thiện bề mặt bê tông không trát được xếp vào hoàn thiện cấp cao (theo TCVN 5724-1993) khi lập đơn giá, dự toán và nghiệm thu thanh quyết toán công trình
Điều 3: Tiêu chuẩn áp dụng.
Ngoài các chỉ dẫn trong quy định này mang tính chất đặc trưng cho bê tông không trát, các yêu cầu kỹ thuật chung về vật liệu để sản xuất bê tông cũng như điều kiện kỹ thuật tối thiểu thi công và nghiệm thu kết cấu bê tông và bê tông cốt thép phải đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng sau đây:
1. TCVN 5574-91 Tiêu chuẩn thiết kế bê tông cốt thép.
2. TCVN 2737-90 Tiêu chuẩn thiết kế tải trọng và tác động.
3. TCVN 4453-95 Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu kết cấu bê tông toàn khối.
4. TCVN 5724-93 Điều kiện kỹ thuật tối thiểu thi công và nghiệm thu kết cấu bê tông và bê tông cốt thép.
5. TCVN 2682-99 Xi măng poóc lăng-Yêu cầu kỹ thuật và 6260-97 Xi măng poóc lăng hỗn hợp -Yêu cầu kỹ thuật.
6. TCVN 1770-86 Cát xây dựng-Yêu cầu kỹ thuật.
7. TCVN 1771-86 Đá dăm, sỏi, sỏi dăm dùng trong xây dựng- Yêu cầu kỹ thuật.
8. TCVN 4506-87 Nước cho bê tông và vữa-Yêu cầu kỹ thuật.
9. TCVN 5592-91 Bê tông nặng-Yêu cầu bảo dưỡng ẩm tự nhiên.
10. TCVN 3105-93 Lấy mẫu, chế tạo và bảo dưỡng mẫu.
11. TCVN 3106-93 Bê tông nặng, phương pháp thử độ sụt.
12. TCVN 3118-93 Bê tông nặng, phương pháp xác định cường độ nén.
13. TCVN 3119-93 Bê tông nặng, phương pháp xác định cường độ chịu kéo khi uốn.
14. TCVN 162-87 Bê tông nặng, phương pháp không phá hoại xác định cường độ nén bằng súng bật nẩy.
15.TCXD 199-97 Nhà cao tầng-Kỹ thuật chế tạo bê tông mác 400-600.
16. TCXD 200-97 Nhà cao tầng-Kỹ thuật về bê tông bơm.
17. Chỉ dẫn kỹ thuật-Chọn thành phần các loại bê tông Hà Nội-1998.
18. 20 TCN 28-66 Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng công trình.
Chương 2:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4: Yêu cầu về trạng thái bề mặt bê tông.
+ Đồng đều màu sắc
+ Độ gồ ghề khi kiểm tra bằng thước áp lên mặt kết cấu không được vượt quá 3mm, trừ trường hợp có yêu cầu riêng của thiết kế.
+ Độ rỗ, xước xác định bằng quan sát bề mặt bê tông ở khoảng cách xa 2m đạt yêu cầu khi trông thấy vết rỗ hoặc có vết rỗ kích thước dưới 10mm, chiều sâu vết rỗ không quá 3mm và mật độ không quá 25 vết/1m2 bề mặt bê tông.
Sau khi dỡ cốp pha, phải kiểm tra, đánh dấu các vị trí khuyết tật như rỗ sâu quá 3mm, vết rỗ dài quá 10mm, gồ ghề quá 3mm.
Điều 5: Các điều kiện kỹ thuật tối thiểu của công nghệ chế tạo hỗn hợp bê tông dùng cho bê tông không trát.
1. Trạm trộn bê tông:
Chế tạo hỗn hợp bê tông phải thực hiện tại các trạm trộn bê tông thương phẩm chuyên dùng, hoặc tại các trạm bê tông tại chỗ, nhưng phải có đủ điều kiện chế tạo được bê tông theo cấp phối chỉ định, đảm bảo mác thiết kế, độ sụt hỗn hợp bê tông yêu cầu.
2. Hồ sơ chế tạo bê tông:
Đơn vị chế tạo bê tông phải lập đủ hồ sơ chế tạo bê tông với các nội dung quy định tại bảng (5.2).
BẢNG 5.2
STT | Hồ sơ chế tạo bê tông |
1 2
3
4
5 6 7
8 9 10
11 | Mác bê tông thiết kế, độ sụt hỗn hợp bê tông yêu cầu. Cát: Nguồn gốc, khối lượng, phiếu phân tích chất lượng theo TCVN 1770-86. Đá dăm hoặc sỏi: Nguồn gốc, khối lượng, phiếu phân tích chất lượng theo TCVN 1771-86. Xi măng: Loại, mác, nơi sản xuất, số lô hàng, phiếu phân tích chất lượng theo TCVN 2682-1999. Phiếu phân tích nước trộn bê tông nếu không phải nguồn nước sinh hoạt. Liều lượng vật liệu của thành phần chế tạo (cấp phối) bê tông. Nguồn gốc, chứng chỉ chất lượng và hướng dẫn sử dụng phụ gia, chất độn của nơi sản xuất. Khối lượng bê tông sử dụng. Phiếu kiểm tra cường độ mẫu bê tông thí nghiệm. Tên, địa chỉ trạm chộn cấp bê tông của trạm bê tông thương phẩm (nếu dùng bê tông thương phẩm). Loại phương tiện vận chuyển bê tông. |
3. Mác bê tông và xi măng:
- Cần sử dụng bê tông có cường độ chịu nén từ 300 daN/nm2 (mác 300) trở lên, có thể sử dụng mác 400-600.
- Nếu sử dụng xi măng Poóc lăng hoặc xi măng Poóc lăng hỗn hợp PC-40, PCB-40 phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 2682-1999.
- Nếu sử dụng xi măng Poóc lăng nhập khẩu, phải thí nghiệm xác định các chỉ tiêu kỹ thuật tương ứng theo tiêu chuẩn Việt Nam khi thiết kế thành phần chế tạo bê tông.
- Để đảm bảo chất lượng thẩm mỹ bề mặt kết cấu bê tông không trát, lượng xi măng tối thiểu là 350 kg/m2 bê tông.
- Các kết cấu bê tông không trát trong một công trình hay hạng mục công trình nên dùng cùng một loại xi măng do một nhà máy sản xuất để đảm bảo độ đều màu sắc (trừ trường hợp có yêu cầu chỉ định riêng của thiết kế về màu sắc).
- Khi sử dụng bê tông mác 400-600, lượng xi măng tối đa cần được tham khảo thêm TCXD 199-1997-Nhà cao tầng-Kỹ thuật chế tạo bê tông mác 400-600; Chỉ dẫn kỹ thuật-Chọn thành phần bê tông các loại, do Bộ xây dựng ban hành năm 1998.
4. Cốt liệu và kích thước lớn nhất hạt cốt liệu:
- Kích thước lớn nhất hạt cốt liệu lớn tương ứng với kích thước cấu kiện và khoảng cách cốt thép quy định trong tiêu chuẩn thiết kế hiện hành theo (TCVN 4453-95 mục 5.4.2) nhưng không quá 40mm.
5. Sử dụng phụ gia hoặc chất độn mịn:
Khi sử dụng phụ gia và chất độn mịn (ở dạng trơ hoặc có hoạt tính) cho bê tông phải đảm bảo:
+ Không gây ăn mòn cốt thép.
+ Có khả năng phù hợp với công nghệ thi công.
+ Không làm biến đổi mầu của bê tông.
+ Phụ gia sử dụng phải có chứng chỉ kỹ thuật được kiểm nghiệm trước khi sử dụng, và phải được chủ đầu tư chấp thuận.
Chú ý:
+ Khi sử dụng phụ gia, chất độn mịn, có thể tiết kiệm xi măng nhưng phải đảm bảo lượng xi măng tối thiểu là 350kg/m3 bê tông.
+ Không dùng các loại phụ gia cuốn khí, tạo bọt, hoặc chứa ion Cl- để chế tạo bê tông không trát.
+ Nên sử dụng thêm chất độn mịn có hoạt tính sẽ làm tăng thêm thành phần hạt mịn cho bề mặt bê tông nhẵn đẹp hơn và còn cải thiện được mác bê tông.
6. Nước trộn bê tông:
Nước dùng cho bê tông phải đảm bảo yêu cầu của TCVN 4506-87 (Nước cho bê tông và vữa-Yêu cầu kỹ thuật).
7. Chế tạo hỗn hợp bê tông:
- Các thiết bị cân, đong, trộn hoạt động ổn định, có các điều kiện kỹ thuật để đảm bảo sai số cho phép nhỏ nhất khi cân đong không vượt quá theo số liệu ở bảng 5.7
BẢNG 5.7. SAI LỆCH CHO PHÉP KHI CÂN ĐONG VẬT LIỆU CHẾ TẠO BÊ TÔNG.
Loại vật liệu | Sai số cho phép, % theo khối lượng |
Xi măng, chất độn, phụ gia dạng bột khô Cát, đá dăm, sỏi Nước, phụ gia dạng lỏng | £ ±1 £ ±3 £ ±1 |
- Quy trình sản xuất hỗn hợp bê tông do nơi sản xuất bê tông chịu trách nhiệm để đảm bảo mác thiết kế, độ sụt, độ đồng nhất... (Theo hợp đồng thoả thuận giữa trạm trộn và đơn vị thi công).
- Độ sụt của hỗn hợp bê tông.
Do yêu cầu bề mặt bê tông không trát phải nhẵn, không bị rỗ, đồng đều màu sắc, nên hỗn hợp bê tông cần độ dẻo cao, dễ đổ khuôn. Độ sụt nên khống chế từ 6-18cm tuỳ thuộc vào từng kết cấu và thiết bị, công nghệ đổ bê tông.
Độ sụt của hỗn hợp bê tông xác định bằng dụng cụ côn tiêu chuẩn theo TCVN 3106-1993 (Bê tông nặng-Phương pháp thử độ sụt).
Điều 6: Thi công bê tông không trát.
1.Cốp pha đà giáo:
a. Yêu cầu về cốp pha đà giáo và công tác lắp dựng:
- Có đủ độ cứng, bề mặt tiếp xúc với bê tông không hút nước, phẳng nhẵn (trừ trường hợp có yêu cầu riêng của thiết kế về hình thức bề mặt của bê tông).
- Vật liệu làm cốp pha nên dùng bằng thép, bằng ván ép, hoặc bằng phíp có xử lý bề mặt. Không dùng cốp pha bằng gỗ ván ghép (trừ trường hợp có chỉ thị đặc biệt của thiết kế).
- Cốp pha cần được chế tạo định hình phù hợp với thiết kế, đảm bảo độ cứng của khung sườn, bề mặt cốp pha không bị biến dạng trong quá trình lắp dựng, thi công.
- Lắp dựng cốp pha, đà giáo phải chuẩn xác, ổn định và chắc chắn, tim trục định vị chính xác đảm bảo kích thước hình học.
- Bề mặt cốp pha trước khi đổ bê tông phải được phun, quét lớp chống dính mỏng bằng dầu chống dính chuyên dùng của các cơ sở sản xuất có đăng ký chất lượng sản phẩm. Sử dụng chất chống dính phải không làm ảnh hưởng đến chất lượng, cường độ, màu sắc bề mặt bê tông.
b.Tháo dỡ cốp pha đà giáo:
- Cốp pha đà giáo chỉ được tháo dỡ khi bê tông đạt cường độ cần thiết để kết cấu chịu được trọng lượng bản thân và các tải trọng tác động khác trong giai đoạn thi công tiếp theo.
- Khi tháo dỡ, cần tránh gây ứng suất đột ngột hoặc va chạm mạnh làm ảnh hưởng đến kết cấu và bề mặt bê tông.
Cốp pha đà giáo thành bên của dầm, cột, tường có thể tháo dỡ khi bê tông đạt cường độ trên 50 daN/cm2.
Cốp pha đà giáo chịu lực như đáy dầm, sàn, cột chống chỉ tháo dỡ khi bê tông đạt các giá trị cường độ ở bảng 6.1.b.
- Khi tháo dỡ cốp pha đà giáo, các tấm sàn bê tông đổ toàn khối của nhà nhiều tầng nên thực hiện như sau: giữ lại toàn bộ đà giáo cột chống ở tấm sàn nằm kề phía dưới tấm sàn sắp đổ bê tông; tầng dưới bắt buộc phải để lại một số cột chống (theo tính toán).
- Sau khi dỡ cốp pha đà giáo, chỉ được chất tải từng phần theo tính toán cường độ bê tông đã dạt, tránh gây hư hỏng kết cấu hoặc bề mặt bê tông
- Chỉ được chất tải toàn bộ lên kết cấu, dỡ cốp pha đà giáo khi bê tông đã đạt cường độ thiết kế.
BẢNG 6.1.B. CƯỜNG ĐỘ BÊ TÔNG TỐI THIỂU (% R28) ĐỂ THÁO DỠ CỐP PHA ĐÀ GIÁO CỦA KẾT CẤU CHỊU LỰC KHI CHƯA CHẤT TẢI
(áp dụng cho bê tông không phụ gia)
Loại kết cấu | Cường độ bê tông tối thiểu cần đạt để tháo dỡ cốp pha, %R28 | Thời gian bê tông đạt cường độ để tháo dỡ cốp pha ở miền Bắc
| |
Mùa hè | Mùa đông | ||
Bản, dầm, vòm có khẩu độ nhỏ hơn 2 m Bản, dầm, vòm có khẩu độ từ 2-8m. Bản, dầm, vòm có khẩu độ lớn hơn 8m | 50
70
90 | 4 ngày
8 ngày
21 ngày | 7 ngày
10 ngày
23 ngày |
Chú thích:
Khi sử dụng phụ gia cho hỗn hợp bê tông để thi công bê tông không trát, tháo dỡ cốp pha phải dựa vào kết quả cường độ nén bê tông kiểm tra thực tế và phải phù hợp với cường độ bê tông tối thiểu cần đạt cho trong bảng 6.1.b.
2. Cốt thép:
- Gia công lắp đặt cốt thép phải đảm bảo chính xác theo thiết kế và phù hợp với yêu cầu TCVN 4453-1995.
- Phải có biện pháp (dùng con kê vữa XM/CV =1/2, các bộ giá) để đảm bảo cốt thép không tỳ vào mặt cốp pha khi thi công bê tông, không được làm lộ cốt thép ra bề mặt bê tông.
- Chiều dài tối thiểu của lớp bê tông bảo vệ cốt thép đối với kết cấu bê tông không trát là 20mm nếu sử dụng trong điều kiện bình thường, tối thiểu là 30mm nếu sử dụng trong môi trường ẩm ướt thường xuyên.
3. Thi công bê tông:
a. Vận chuyển hỗn hợp bê tông:
- Vận chuyển hỗn hợp bê tông từ trạm trộn tới chân công trình phải đảm bảo tránh phân tầng. Trong trường hợp dùng bê tông thương thẩm phải sử dụng các xe chuyên dụng có thùng quay để vận chuyển.
- Tính toán sự suy giảm độ sụt do thời tiết, thời gian vận chuyển, chờ đợi, để khi bắt đầu thi công hỗn hợp bê tông vẫn còn đảm bảo độ sụt theo yêu cầu của thiết kế.
- Trường hợp tổn thất độ sụt, không đảm bảo yêu cầu, có thể điều chỉnh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc giữ nguyên tỷ lệ N/X.
b. Đổ bê tông:
- Hỗn hợp bê tông phải đổ từ từ qua máng trút, ống vòi voi hay bơm bê tông và không được làm sai lệch vị trí cốt thép, cốp pha.
- Hỗn hợp bê tông khi cần san, gạt phải dùng xẻng, bàn cào. Cấm dùng thiết bị đầm để san.
- Với kết cấu dầm cột hay bản sàn có chiều dày lớn, phải bố trí để đổ bê tông liên tục theo từng lớp chiều dày 20-30 cm. Đổ tới đâu san gạt và đầm kỹ tới đó rồi mới tiếp tục đổ đầm lớp khác, thực hiện hoàn chỉnh từng bộ phận hay kết cấu theo quy định của thiết kế.
c. Đầm bê tông:
Bê tông không trát bắt buộc phải dùng đầm bằng máy. Thời gian đầm mỗi điểm nên là 10-20 giây kể từ lúc bắt đầu đầm tới khi bề mặt bê tông tiết nước xi măng và không nổi bọt khí, không thấy ngót. Phải tránh đầm lỏi, đầm thiếu và đầm quá.
Thiết bị đầm phải phù hợp với loại kết cấu, nên dùng đầm dùi khi đầm dầm cột và bản có chiều dày trên 12 cm. Các bản mỏng nên dùng đầm bàn, đầm xoa. Khi dùng thiết bị đầm điện một pha thời gian đầm cần lâu hơn thiết bị đầm điện 3 pha cùng công suất.
d.Mạch ngừng thi công:
Nên hạn chế mạch ngừng thi công. Trường hợp bắt buộc để mạch ngừng thi công phải thực hiện theo mục 6.4.TCVN 4453-95.
Kỹ thuật xử lý mạch ngừng khi đổ bê tông đợt sau:
· Trước khi đổ bê tông đợt sau phải dùng bàn chải sắt cọ sờm bề mặt bê tông cũ rồi lấy nước áp lực thổi sạch, nhưng không để nước đọng.
· Lấy hỗn hợp bê tông mới đã gạt bỏ cốt liệu lớn, đổ một lớp bê tông dày 3-5cm, rồi mới được tiếp tục đổ bê tông theo đợt sau.
e.Bảo dưỡng bê tông:
Bê tông sau khi đổ cần tiến hành bảo dưỡng ẩm. Thời gian bảo dưỡng ẩm cần thiết không nhỏ hơn các trị số trong bảng 6.3.e.
BẢNG 6.3.E: THỜI GIAN BẢO DƯỠNG ẨM
Mùa | Tháng trong năm | Cường độ bảo dưỡng Rthbd (% R28) | Thời gian bảo dưỡng cần thiết Tctbd(ngày đêm) |
Hè | IV-IX | 50-55 | 3 |
Đông | X-III | 40-50 | 4 |
f.Hoàn chỉnh bề mặt bê tông không trát:
- Lớp mặt của kết cấu bê tông không trát có công dụng như mặt ngoài của bê tông thông thường nhưng yêu cầu thẩm mỹ cao và chỉ cho phép sửa hạn chế. Ngoài việc đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng về cường độ, độ chống thấm (nếu có), hình dáng kích thước, kết cấu bê tông không trát cần đáp ứng yêu cầu trạng thái bề mặt của bê tông, tại điều 4, quy định này.
- Trường hợp không đạt yêu cầu cần tiến hành hoàn chỉnh bằng các biện pháp thích hợp như mài, đục, bào hay xoa trát bằng vữa có cùng chủng loại và thành phần xi măng như vữa trong hỗn hợp bê tông cấu kiện. Nếu kết cấu bị rỗng rỗ sâu phải đục bỏ lớp bê tông rỗ, ghép cốp pha và bơm vữa không co ngót.
Điều 7. Kiểm tra và nghiệm thu.
1.Kiểm tra:
a. Kiểm tra công tác lắp dựng cốp pha đà giáo:
- Việc kiểm tra công tác lắp dựng cốp pha đà giáo phải được tiến hành cẩn thận, có biên bản tại hiện trường phù hợp với các yêu cầu kiểm tra cốp pha đà giáo như nội dung của mục 3.5 trong TCVN 4453-1995.
- Cốp pha phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng nêu trong khoản 1 điều 6 của Quy định này.
b. Kiểm tra công tác cốt thép:
Kiểm tra công tác cốt thép thực hiện theo nội dung chỉ dẫn mục 4.7 trong TCVN 4453-1995-Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu kết cấu bê tông toàn khối.
- Phải chú trọng kiểm tra việc thực hiện biện pháp để đảm bảo chiều dày tối thiểu của lớp bê tông bảo vệ cốt thép của bê tông không trát là 20mm. (30mm ở môi trường thường xuyên ẩm ướt).
- Sai lệch cho phép của chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép là ±3mm.
c. Kiểm tra bê tông:
- Nếu sử dụng bê tông thương phẩm, phải kiểm tra thực tế các loại vật liệu chế tạo bê tông. Chỉ được phép nhận bê tông nếu trạm trộn bê tông thương thẩm cung cấp chứng chỉ kiểm tra chất lượng vật liệu thành phần cấp phối thiết kế phù hợp yêu cầu thi công.
Khi giao nhận hỗn hợp bê tông thương phẩm tại công trường, phải tiến hành kiểm tra: độ sụt bê tông, tiến hành lấy mẫu thí nghiệm theo phương pháp thử, số lượng mẫu, cách bảo dưỡng mẫu phù hợp với yêu cầu thiết kế và tuân thủ theo hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam hoặc các tiêu chuẩn Quốc tế khác đã được Bộ xây dựng cho phép.
- Trường hợp sản xuất bê tông tại chỗ phải có đủ hồ sơ chế tạo bê tông như đã quy định tại khoản 2 điều 5, quy định này.
- Cường độ bê tông sau khi ép mẫu ở tuổi 28 ngày được coi là đạt yêu cầu thiết kế khi giá trị trung bình của tổ mẫu không nhỏ hơn mác thiết kế và không có viên mẫu nào có cường độ dưới 85% mác thiết kế (TCVN 4453-95. Điều 7.1.8).
- Nội dung các yêu cầu kiểm tra chất lượng bê tông bao gồm kiểm tra vật liệu, kiểm tra thiết bị, kiểm tra hỗn hợp bê tông tại công trình, kiểm tra quá trình thi công, bảo dưỡng và kiểm tra bê tông đã đông cứng phù hợp với nội dung bảng 19 trong TCVN 4453-1995.
d. Kiểm tra trạng thái bề mặt kết cấu bê tông không trát:
- Về màu sắc, độ gồ ghề, độ rỗ, xước theo yêu cầu của điều 4 quy định này. Về kích thước phải tuân thủ các trị số sai lệch của bảng 7.2.b.
2. Nghiệm thu:
a. Công tác nghiệm thu phải tiến hành tại hiện trường và phải có hồ sơ sau:
+ Chất lượng công tác cốt thép (biên bản nghiệm thu cốt thép).
+ Chất lượng bê tông (kết quả mẫu thử nén và quan sát bằng mắt tại hiện trường)
+ Kích thước, hình dáng, vị trí của kết cấu, các chi tiết đặt sẵn, khe co giãn so với thiết kế.
+ Bản vẽ hoàn công của từng loại cấu kiện.
+ Các bản vẽ thi công, bản vẽ thi công bổ sung nếu có kèm theo các văn bản cho phép thay đổi thiết kế trong thi công.
+ Chất lượng cốp pha đà giáo (biên bản nghiệm thu cốp pha đà giáo).
+ Sổ nhật ký thi công.
b. Sai số cho phép:
- Sai số kích thước công trình hoàn thành mặt ngoài cao cấp trong thi công kết cấu bê tông không trát lấy theo bảng 6.1 của TCVN 5724-1993. (bảng 7.2.b dưới đây)
BẢNG 7.2.B: CÁC SAI LỆCH CHO PHÉP KHI THI CÔNG BÊ TÔNG KHÔNG TRÁT
Số TT | Cấu kiện | Sai số cho phép | Ghi chú |
1 | Khoảng cách giữa hai bộ phận công trình kề nhau (2 tường, chiều cao tự do của một tầng...) | ±2cm | 1
2 |
2 | Kích thước mỗi bộ phận công trình (chiều dầy tường, chiều rộng dầm, chiều dầy sàn v.v...) | ±1cm | |
3 | Theo phương nằm ngang của mặt ngoài kết cấu (độ nằm ngang của bề mặt tấm đan trên một mặt ngang...) | £0,5cm/md £2cm | |
4 | Theo phương thẳng đứng mặt ngoài của một kết cấu (độ thẳng đứng của một cột, hoặc một tường, trên một chiều cao tầng nhà) a £ 15 cm 15 cm < a £ 30cm a > 30 cm | 0,5cm/md và/hoặc £1cm £a/15 £2cm | |
5 | Độ lệch giữa 2 tường hoặc 2 cột chồng lên nhau (đo trên trục) a £ 15 cm 15 cm < a £ 30cm a > 30 cm | 0,5cm/md và/hoặc £1cm £a/15 £2cm | 3 |
6 | Số đo vị trí của các công trình nhỏ (phễu-bể dự trữ-bộ phận lồng ghép v.v...) so với các kết cấu chịu lực (tấm đan, dầm v.v...) | ±2cm | |
7 | Kích thước của các công trình nhỏ | ±2cm |
Giải thích phần ghi chú:
§ 1) Độ lệch liên quan đến khoảng cách giữa hai bộ phận công trình thường được xem như tổng chênh lệch trên những khoảng cách giữa các mặt phẳng trung bình (hoặc đường trục) của công trình và độ lệch trên số đo kích thước của các công trình này so với những mặt phẳng trung bình của chúng (hoặc đường trục).
§ 2) a- Kích thước cắt ngang đo song song với độ lệch (chiều dầy tường hoặc cạnh cột).
§ 3) a- Kích thước cắt ngang nhỏ nhất của hai cấu kiện chồng lên nhau và đo song song với độ lệch.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7: Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 8: Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Giám đốc các sở có xây dựng chuyên ngành nghiên cứu, xây dựng định mức thi công bê tông không trát trên địa bàn Hà Nội, trình UBND Thành phố ban hành.
Điều 9: Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, giải đáp hoặc nghiên cứu đề xuất, báo cáo UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.