ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 782/2003/QĐ/UB-TC | Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 04 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;
Căn cứ Quyết định số 160/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh;
Căn cứ Thông tư số 13/1998/TT-TCCP ngày 30/12/1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ nay là (Bộ Nội vụ) hướng dẫn về công tác tổ chức và tiền lương của Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao;
Xét đề nghị của ông Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Chức năng:
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Hà Tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các Bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lĩnh vực quản lý các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện quản lý các KCN trên lĩnh vực được các Bộ, ngành Trung ương ủy quyền.
2. Xây dựng Điều lệ quản lý các Khu công nghiệp Hà Tĩnh trên cơ sở Điều lệ mẫu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Nghiên cứu xây dựng trình UBND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh; đồng thời lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, dự án khả thi các KCN trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, làm các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án sau khi được phê duyệt.
4. Quy hoạch bố trí ngành nghề trong Khu công nghiệp, quy hoạch đô thị và phát triển khu dân cư phục vụ Khu công nghiệp. Quản lý, chỉ đạo việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong Khu công nghiệp sau khi được duyệt.
5. Quảng bá, vận động đầu tư vào Khu công nghiệp và nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định và cấp giấy phép đầu tư cho các dự án hoạt động theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước thuộc thẩm quyền và các dự án đầu tư nước ngoài được ủy quyền.
7. Kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng giấy phép đầu tư, việc thực hiện chế độ, chính sách, hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp; xử lý các tranh chấp hành chính trong Khu công nghiệp theo thẩm quyền.
8. Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động trong việc kiểm tra, thanh tra các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, an toàn và vệ sinh lao động, tiền lương; Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đào tạo và cung ứng dịch vụ lao động cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp.
9. Quản lý các hoạt động dịch vụ trong khu công nghiệp.
10. Cấp, điều chỉnh và thu hồi các loại giấy phép, chứng chỉ thuộc thẩm quyền hoặc theo ủy quyền.
11. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình hoạt động và quản lý các Khu công nghiệp theo quy định của Nhà nước và yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ.
12. Thực hiện quản lý Nhà nước theo quy định hiện hành đối với các Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp. Chỉ đạo các Công ty phát triển hạ tầng kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp; định giá cho thuê lại đất gắn liền với công trình kết cấu hạ tầng đã xây dựng, các loại phí dịch vụ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
13. Thực hiện quản lý và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức; quản lý tài chính, tài sản v.v… theo quy định của nhà nước.
14. Thực hiện các nhiệm vụ khác được UBND tỉnh giao.
Điều 3. Cơ cấu, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý:
1. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh có Trưởng Ban và các Phó Trưởng Ban.
- Trưởng Ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
- Các Phó Trưởng ban do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm.
2. Bộ máy giúp việc của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh gồm các phòng, ban theo quy định của Nhà nước, trước mắt thành lập các phòng sau:
- Văn phòng
- Phòng Quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng và môi trường.
- Phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động
- Phòng Quản lý xuất nhập khẩu.
- Đại diện Ban quản lý tại các Khu công nghiệp.
3. Đơn vị trực thuộc Ban: Công ty phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp.
4. Biên chế của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm trong tổng biên chế của tỉnh được Chính phủ giao.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban TCCQ tỉnh, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, Ban, Ngành liên quan; Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã, căn cứ quyết định thi hành.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.