BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/2008/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 12 tháng 12 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học có đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp đào tạo trình độ thạc sĩ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2008/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.
2. Văn bản này áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học bao gồm: các đại học; học viện; trường đại học; trường cao đẳng; viện nghiên cứu khoa học được Thủ tướng Chính phủ giao đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với các trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ.
Điều 2. Mục tiêu quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ
Quản lý của hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy quá trình khai thác, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ tài sản trí tuệ của cá nhân, tập thể, tổ chức và của chính cơ sở giáo dục đại học.
Điều 3. Tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học
Tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học là quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản khác (quyền đối với sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa trong giáo dục và đào tạo và các đối tượng khác) phát sinh từ các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ.
Chương 2.
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Điều 4. Các nội dung quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ
Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ gồm có các nội dung cơ bản sau:
1. Tổ chức bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học
2. Xây dựng quy trình, thủ tục phát hiện, khai báo tài sản trí tuệ; triển khai xác lập quyền và khai thác thương mại tài sản trí tuệ của cá nhân, tập thể, tổ chức và của chính cơ sở giáo dục đại học.
3. Xác định quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của cá nhân, tập thể, tổ chức và của chính cơ sở giáo dục đại học.
4. Xây dựng cơ chế và tỷ lệ phân chia thu nhập từ hoạt động khai thác thương mại tài sản trí tuệ.
5. Xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính cho hoạt động sở hữu trí tuệ.
6. Quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, giảng viên, người học và các chủ thể khác tham gia vào các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đối với quyền sở hữu trí tuệ và thi hành Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.
7. Kiểm tra việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.
8. Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp, khen thưởng và xử lý vi phạm.
Điều 5. Tổ chức bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ
1. Căn cứ nhu cầu và điều kiện phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cơ sở giáo dục đại học thành lập bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ. Bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ được tổ chức độc lập, trực thuộc Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học hoặc trực thuộc phòng khoa học công nghệ.
2. Bộ phận chuyên trách có chức năng giúp Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a. Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ;
b. Xây dựng văn bản quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
c. Tổ chức việc ghi nhận, khai báo, quản lý tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
d. Tổ chức, thực hiện việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ;
đ. Giám sát việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học;
e. Tổ chức khai thác thương mại tài sản trí tuệ;
f. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung trong Quy định của các tổ chức và cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học, định kỳ hàng năm và 5 năm tổ chức tổng kết, đánh giá công tác quản lý về hoạt động sở hữu trí tuệ để xây dựng định hướng, chiến lược phát triển trong 5 năm tiếp theo; thực hiện chế độ báo cáo, đề xuất mức độ và hình thức khen thưởng hoặc xử lý vi phạm.
g. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các nội dung trong văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Quy định phù hợp với sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học trong từng giai đoạn;
Điều 6. Phát hiện, khai báo, ghi nhận tài sản trí tuệ
1. Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ phải được các cá nhân, tổ chức có liên quan phát hiện và thông báo cho bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học.
2. Bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ ghi nhận, phát hiện, quản lý tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học và hỗ trợ các biện pháp xác lập kịp thời quyền sở hữu theo đúng quy định của pháp luật, nhằm hạn chế khả năng bỏ sót hoặc thất thoát tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học.
Điều 7. Xác định quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ
1. Quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ được xác định tương ứng với tỷ lệ đóng góp nguồn lực để tạo ra tài sản trí tuệ, nếu các bên không có thỏa thuận khác;
2. Cơ sở giáo dục đại học phải dành một phần quyền sở hữu cho tác giả tạo ra tài sản trí tuệ nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo.
3. Người học được hưởng một phần hoặc toàn bộ quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với khóa luận (đồ án), luận văn, luận án, công trình nghiên cứu khoa học trên cơ sở được người hướng dẫn khoa học, các cộng sự chấp thuận và được cơ sở giáo dục đại học xác nhận. Việc sử dụng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện khóa luận (đồ án), luận văn, luận án và công trình nghiên cứu khoa học tuân theo quy chế quản lý cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục đại học.
4. Nếu các tổ chức, cá nhân có đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện khóa luận (đồ án), luận văn, luận án của người học thì quyền sở hữu đối với khóa luận (đồ án), luận văn, luận án được xác định phù hợp với Khoản 1 của Điều này.
Điều 8. Xác định quyền công bố đối với tài sản trí tuệ
1. Quyền công bố đối với tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu được tạo ra trong hoạt động của cơ sở giáo dục đại học thuộc về cơ sở giáo dục đại học, không phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp nguồn lực tạo ra tài sản trí tuệ, trừ trường hợp các bên tham gia có thỏa thuận khác, và việc công bố không được làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại tài sản trí tuệ của chủ sở hữu.
2. Trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học không thực hiện việc công bố trong một thời hạn hợp lý do cơ sở giáo dục đại học quy định mà không có lý do thỏa đáng, tác giả của các kết quả nghiên cứu được thực hiện quyền công bố.
Điều 9. Bảo mật thông tin
Tập thể, cá nhân, bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học và những người tham gia hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ có nghĩa vụ bảo mật các thông tin liên quan trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ có khả năng ảnh hưởng đến quyền công bố, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và khai thác thương mại tài sản trí tuệ của đơn vị.
Điều 10. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ
1. Bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học là đầu mối tổ chức và thực hiện việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
2. Nghĩa vụ lưu giữ và bảo vệ các tài liệu, chứng cứ hỗ trợ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức và cá nhân được thực hiện theo văn bản quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học.
3. Đối với tài sản trí tuệ được xác định thuộc quyền của nhiều chủ sở hữu, kể cả chủ sở hữu bên ngoài cơ sở giáo dục đại học, bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ này.
4. Đối với tài sản trí tuệ tự xác lập quyền sở hữu (bí mật kinh doanh, tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình và các đối tượng khác) khi đáp ứng các điều kiện luật định, bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ tiến hành lưu giữ và bảo vệ các chứng cứ về việc phát sinh quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ này.
5. Đối với tài sản trí tuệ (phát minh, sáng chế, giống cây trồng và các đối tượng khác) phải xác lập quyền sở hữu theo cơ chế đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc đối với tài sản trí tuệ (tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình và các đối tượng khác) có thể đăng ký để giảm thiểu nghĩa vụ chứng minh quyền, bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học thực hiện việc đăng ký theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
6. Chi phí xác lập quyền sở hữu trí tuệ do các chủ sở hữu tài sản trí tuệ liên quan chi trả theo tỷ lệ quyền sở hữu tương ứng. Chi phí xác lập quyền sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học được hạch toán trong kinh phí quản lý hoạt động khoa học công nghệ hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.
7. Đối với tài sản trí tuệ bị bỏ sót không được ghi nhận lại cho đến khi đã nghiệm thu xong đề tài, dự án, đến thời điểm được phát hiện mà vẫn còn đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ, bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản này.
Điều 11. Đánh giá khả năng khai thác thương mại tài sản trí tuệ
Cơ sở giáo dục đại học thực hiện đánh giá khả năng khai thác thương mại tài sản trí tuệ theo các nội dung cơ bản sau:
1. Xác định các yếu tố có khả năng khai thác thương mại của tài sản trí tuệ.
2. Lập danh sách, phân tích và đánh giá đối tác tiềm năng có nhu cầu sử dụng tài sản trí tuệ.
3. Đánh giá hình thức khai thác thương mại khả thi.
Điều 12. Nguyên tắc khai thác thương mại tài sản trí tuệ
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định việc khai thác thương mại tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học theo các nguyên tắc sau:
1. Khai thác thương mại tối đa tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học với các điều kiện thuận lợi nhất;
2. Ưu tiên chuyển giao các đồng sở hữu và các bên đã cùng tham gia vào quá trình tạo ra tài sản trí tuệ;
3. Dành một tỷ lệ nhất định của thu nhập từ hoạt động thương mại tài sản trí tuệ để phát triển hoạt động sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học.
Điều 13. Kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ
1. Kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ được xây dựng trong kế hoạch khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học 5 năm và hàng năm, trên cơ sở định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học và kết quả hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ trước đó. Kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học cần phù hợp với định hướng chiến lược phát triển các lĩnh vực ưu tiên, sản phẩm, ngành công nghiệp chủ lực của địa phương, bộ ngành và các yếu tố khác.
2. Nội dung cơ bản của Kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Mục tiêu và chiến lược về sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
- Dự báo các tài sản trí tuệ được phát sinh và xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm cho các hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật quốc gia và quốc tế về sở hữu trí tuệ;
- Tổ chức hoạt động thông tin sở hữu trí tuệ: xây dựng cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ phục vụ công tác quản lý và đáp ứng nhu cầu về thông tin của các tổ chức, cá nhân của cơ sở giáo dục đại học; trang bị phương tiện tra cứu, cung cấp tin (máy tính, phần mềm tra cứu…) cho các tổ chức, cá nhân của cơ sở giáo dục đại học;
- Tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
- Tổ chức tiếp nhận khai báo, đánh giá sơ bộ khả năng bảo hộ và tiềm năng thương mại các tài sản trí tuệ;
- Tổ chức việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ; phân tích đánh giá thị trường thương mại tiềm năng; tổ chức đàm phán, ký kết chuyển giao tài sản trí tuệ;
- Xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học;
- Tổ chức phối hợp với các cơ quan khác trong việc thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Điều 14. Tài chính cho hoạt động sở hữu trí tuệ
Hàng năm, cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch tài chính cho hoạt động sở hữu trí tuệ trong kế hoạch khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học. Nguồn tài chính cho hoạt động sở hữu trí tuệ gồm:
1. Vốn cấp từ ngân sách nhà nước cho cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
2. Vốn tài trợ, vốn vay từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
3. Vốn thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước;
4. Vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
5. Vốn trích từ nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở giáo dục đại học.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy định này trong cơ sở giáo dục đại học như sau:
1. Chỉ đạo xây dựng chiến lược về sở hữu trí tuệ và kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
2. Tổ chức bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ;
3. Quy định cụ thể việc thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học;
4. Chỉ đạo các bộ phận liên quan trong cơ sở giáo dục đại học thực hiện và phối hợp với bộ phận chuyên trách thực hiện kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
5. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục đại học;
6. Quy định tỷ lệ phân phối lợi ích thu được do khai thác thương mại tài sản trí tuệ nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
7. Quy định việc chuyển giao quyền đăng ký, quyền khai thác thương mại tài sản trí tuệ của cơ sở giáo dục đại học;
8. Chỉ đạo xây dựng các biện pháp khuyến khích cá nhân, tập thể phát triển hoạt động sáng tạo để tạo ra tài sản trí tuệ và chuyển giao quyền đối với các tài sản này cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Kinh phí hỗ trợ, khuyến khích được dự toán trong kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ hàng năm.
9. Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát các hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Điều 16. Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ
1. Các tranh chấp về sở hữu trí tuệ được khuyến khích giải quyết bằng hòa giải.
2. Bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ là đầu mối tổ chức hòa giải các tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
3. Trường hợp hòa giải không thành, bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ đề xuất hướng xử lý cho thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.