ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/2006/QĐ-UBND | Bình Chánh, ngày 27 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ HUYỆN VÀ TỔ QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ XÃ, THỊ TRẤN
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH CHÁNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
Căn cứ Quyết định số 160/2006/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về kiện toàn tổ chức bộ máy và ban hành Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị quận - huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị phường - xã, thị trấn;
Theo đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ và Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Bình Chánh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 07 ngày, kể từ ngày ký.
Bãi bỏ Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn được ban hành kèm theo Quyết định số 567/2004/QĐ-UB ngày 18 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Bình Chánh.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng Phòng Nội vụ, Trưởng Phòng Tư pháp, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ HUYỆN BÌNH CHÁNH, TỔ QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ XÃ, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích và phạm vi áp dụng
1.1. Nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị các xã, thị trấn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng và trật tự đô thị, bảo đảm cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện thực hiện các quyền và nghĩa vụ đúng theo quy định của pháp luật.
1.2. Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị các xã, thị trấn trong việc thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và thi hành các quyết định cưỡng chế tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhưng không tự giác chấp hành quyết định.
Chương 2:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA ĐỘI QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ HUYỆN BÌNH CHÁNH
Điều 2. Chức năng
Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Bình Chánh trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện quản lý Nhà nước về các lĩnh vực được quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy chế này đúng với chính sách, luật pháp và quy định của Nhà nước.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện
3.1. Tổ chức kiểm tra; phát hiện lập biên bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đình chỉ ngay các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực: về quản lý xây dựng; vệ sinh môi trường; trật tự lòng lề đường, nơi công cộng trên địa bàn huyện.
3.2. Giúp Ủy ban nhân dân huyện trong việc phối hợp với các ngành chức năng liên quan xử lý đối với người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn huyện theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
3.3. Tham mưu, đề xuất các hình thức xử lý vi phạm hành chính về quản lý xây dựng; vệ sinh môi trường; trật tự lòng lề đường, nơi công cộng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xem xét quyết định; theo dõi việc thực hiện các quyết định đã ban hành, đôn đốc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực thi hành; đề xuất biện pháp cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện không tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3.4. Phạm vi thi hành các quyết định hành chính bao gồm: Quyết định giải quyết tranh chấp nhà, đất của cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật; quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hình thức phạt bổ sung (trừ trường hợp có quyết định tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35, Điều 42 của Luật Khiếu nại, tố cáo); quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện, của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính ở Trung ương có hiệu lực thi hành tại địa bàn huyện.
3.5. Giúp Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về hoạt động của Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn; hỗ trợ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện quyết định cưỡng chế khi có yêu cầu.
3.6. Ngoài những nhiệm vụ nêu trên, Đội Quản lý trật tự đô thị huyện còn thực hiện thêm một số nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quy định cụ thể bằng văn bản.
Chương 3:
CƠ CẤU TỔ CHỨC, SỐ LƯỢNG CỦA ĐỘI QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ HUYỆN
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện
4.1. Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Bình Chánh do Đội trưởng phụ trách và có từ 01 đến 02 Đội phó giúp việc.
Đội trưởng, Đội phó do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh bổ nhiệm, miễn nhiệm. Đội trưởng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện hoặc Phó Chủ tịch (phụ trách khối) về toàn bộ công tác của Đội, đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở ngành về hoạt động liên quan.
Đội phó là người giúp việc cho Đội trưởng, được Đội trưởng phân công phụ trách một số công việc cụ thể và chịu trách nhiệm trước Đội trưởng về những phần việc được phân công phụ trách và được ủy quyền thực hiện một số công việc khi Đội trưởng đi vắng.
4.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đội trưởng:
- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự đô thị; quyết định cưỡng chế thi hành quyết định.
- Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tổ chức triển khai, thực hiện cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính đã có hiệu lực thi hành.
- Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đội bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đội; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện những vấn đề phức tạp, phát sinh khi thi hành quyết định.
- Ký các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đội theo quy định.
4.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đội phó:
Đội phó có nhiệm vụ giúp Đội trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quy chế này và thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Đội trưởng.
4.4. Nhiệm vụ của các thành viên:
- Chấp hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đội, chấp hành sự phân công, phân nhiệm của Đội trưởng và Đội phó.
- Kiểm tra, kịp thời phát hiện, lập biên bản xử lý theo quy định và tham gia triển khai thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 5. Số lượng của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện
Số lượng nhân sự của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Bình Chánh được Ủy ban nhân dân huyện giao hàng năm theo yêu cầu công tác của địa phương.
Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị căn cứ vào số lượng nhân sự được giao để tổ chức phân công cán bộ thực hiện các nhiệm vụ của Đội.
Trong các đợt công tác cao điểm, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện huy động thêm nhân sự (kể cả các Tổ Quản lý đô thị xã, thị trấn) để phục vụ công tác.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn: Theo quy định chung của Nhà nước, nhân viên của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện ít nhất phải tốt nghiệp phổ thông trung học và Trung cấp chuyên nghiệp, có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chương 4:
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA ĐỘI QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ HUYỆN
Điều 6. Chế độ làm việc, hội họp, báo cáo
6.1. Chế độ làm việc:
a) Thực hiện theo quy định chung của Nhà nước và theo quy định của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh.
b) Đội trưởng điều hành toàn bộ hoạt động của Đội và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về hiệu quả công tác của Đội. Đội trưởng phân công công việc cho Đội phó và các thành viên của Đội, tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra địa bàn.
c) Thành viên của Đội có chức danh, nhiệm vụ cụ thể, phải mặc trang phục và đeo thẻ, bảng tên khi làm nhiệm vụ theo quy định.
d) Từng thành viên phải có tác phong làm việc tận tụy, thái độ lịch sự, khiêm tốn, trung thực; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Đội, của đồng nghiệp, của tổ chức và nhân dân trong quan hệ công tác.
6.2. Chế độ hội họp, báo cáo:
a) Hàng tuần tổ chức họp Đội để kiểm tra, đánh giá, nhận xét thực hiện công việc trong tuần qua và triển khai nhiệm vụ tuần tới. Hàng tháng tổ chức giao ban với các Tổ trưởng Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, kinh nghiệm công tác và phổ biến các chủ trương, kế hoạch, biện pháp mới của Nhà nước và Ủy ban nhân dân huyện nhằm nâng cao kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Đội có thể tổ chức họp đột xuất hoặc họp các Tổ trưởng Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn để triển khai các công việc cần thiết cấp bách theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân huyện.
b) Hàng tuần, tháng, quý, 06 tháng và cuối năm, Đội báo cáo sơ, tổng kết công tác và thống kê tình hình thực hiện các quyết định hành chính cho Ủy ban nhân dân huyện.
Điều 7. Mối quan hệ công tác
7.1. Đối với Sở, ngành thành phố có liên quan:
Đội Quản lý trật tự đô thị huyện chịu sự thanh tra, kiểm tra của các Sở, ngành về chuyên môn nghiệp vụ theo quyết định của Giám đốc Sở; được hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và chính sách, quy định mới của Sở, ngành có liên quan; phối hợp với tổ chức Thanh tra xây dựng thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng theo quy định.
7.2. Đối với Ủy ban nhân dân huyện:
Đội Quản lý trật tự đô thị huyện chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân huyện. Đội trưởng trực tiếp nhận chỉ đạo của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và phải thường xuyên báo cáo với Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch về kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị huyện có trách nhiệm báo cáo hoặc giải trình những vấn đề có liên quan trong kỳ họp của Hội đồng nhân dân huyện khi Hội đồng nhân dân huyện có yêu cầu.
7.3. Đối với Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện:
Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn; cung cấp các thông tin, tài liệu về xây dựng, về quy hoạch xây dựng, lộ giới, chỉ giới, các loại hành lang an toàn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho Đội Quản lý trật tự đô thị huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
7.4. Đối với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện:
Phòng Tài chính - kế hoạch có trách nhiệm hướng dẫn về kinh phí và chế độ liên quan (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, trích thưởng…) bảo đảm cho Đội hoạt động có hiệu quả.
7.5. Đối với Công an huyện:
Đội Quản lý trật tự đô thị huyện phối hợp với Đội Cảnh sát trật tự cơ động huyện thực hiện chương trình, kế hoạch công tác liên quan trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông theo sự phân công của Ủy ban nhân dân huyện.
Được Công an huyện hỗ trợ, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự trong khi thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền.
7.6. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội huyện:
a) Đội Quản lý trật tự đô thị thường xuyên phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức và cá nhân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật, quy định của Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến trật tự xây dựng, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.
b) Khi các tổ chức trên có yêu cầu, kiến nghị những vấn đề thuộc chức năng của Đội, Đội trưởng có trách nhiệm trình bày, giải quyết hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết các yêu cầu đó theo quy định.
7.7. Đối với các ngành liên quan khác của huyện và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn:
Thực hiện mối quan hệ phối hợp và hỗ trợ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định.
Khi phối hợp giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đội phụ trách, nếu chưa nhất trí với ý kiến của các cơ quan và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Đội trưởng chủ động tập hợp các ý kiến và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định.
7.8. Đối với Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn:
Đội Quản lý trật tự đô thị huyện hướng dẫn, tập huấn, trao đổi về nghiệp vụ liên quan đối với Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn; hỗ trợ lực lượng, phối hợp tổ chức kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn xã, thị trấn theo thẩm quyền quy định.
Chương 5:
TỔ QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ XÃ, THỊ TRẤN
Điều 8. Tổ chức của Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn
8.1. Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn do Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tổ chức, chỉ đạo và quản lý trực tiếp. Tổ có Tổ trưởng, 01 Tổ phó và một số thành viên.
8.2. Số lượng thành viên Tổ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn đề xuất Ủy ban nhân dân huyện quyết định trên cơ sở bảo đảm trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Trong các đợt công tác cao điểm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có thể huy động thêm lực lượng theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn: Theo quy định chung của Nhà nước, nhân viên của Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn ít nhất phải tốt nghiệp phổ thông trung học và có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn
Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn có nhiệm vụ:
9.1. Giúp Ủy ban nhân dân xã, thị trấn kiểm tra, kịp thời phát hiện, lập biên bản, yêu cầu tổ chức và cá nhân chấm dứt ngay các hành vi vi phạm trên lĩnh vực có liên quan, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo dõi việc thực hiện các quyết định xử phạt. Trong trường hợp tổ chức và cá nhân không tự giác chấp hành, Tổ trưởng phải đề xuất tổ chức cưỡng chế thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
9.2. Phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết đối với người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn xã, thị trấn theo Quyết định số 104/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố.
9.3. Giúp Ủy ban nhân dân xã, thị trấn lập hồ sơ ban đầu về vi phạm hành chính trên lĩnh vực trật tự đô thị và chuyển hồ sơ về Đội Quản lý trật tự đô thị huyện đối với các hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn.
9.4. Thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp về:
a) Phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực liên quan theo đúng quy định.
b) Trong việc áp dụng các hình thức phạt bổ sung của quyết định xử lý vi phạm hành chính: tạm giữ phương tiện, công cụ, vật tư được dùng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính của tổ chức hoặc công dân; buộc tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình xây dựng vi phạm, công trình xây dựng không giấy phép.
Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn hoạt động độc lập nhưng có sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế này.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên
10.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng:
a) Chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Tổ, bảo đảm hoạt động của Tổ theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế về tổ chức và hoạt động; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn những vấn đề phức tạp, phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
b) Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể xã, thị trấn, Trưởng ban nhân dân ấp, khu phố, Tổ trưởng Tổ nhân dân, Tổ dân phố vận động người vi phạm tự giác thực hiện, trường hợp người vi phạm không chấp hành phải đề xuất thủ tục tiếp theo để cưỡng chế thi hành quyết định.
c) Hàng tháng dự họp giao ban với Đội Quản lý trật tự đô thị huyện báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và tiếp nhận kế hoạch, phương hướng công tác tháng tới làm cơ sở xây dựng kế hoạch công tác của Tổ.
10.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ phó:
Tổ phó có nhiệm vụ giúp Tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Quy chế này và thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng.
10.3. Nhiệm vụ của các thành viên:
- Chấp hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ, chấp hành sự phân công, phân nhiệm của Tổ trưởng.
- Kiểm tra, kịp thời phát hiện, lập biên bản, tham gia triển khai thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
10.4. Thành viên Tổ được cử đi tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật do thành phố và Ủy ban nhân dân huyện tổ chức.
Điều 11. Chế độ làm việc, hội họp, báo cáo
11.1. Chế độ làm việc:
a) Thời gian làm việc của Tổ thực hiện theo quy định chung của Nhà nước và quy định của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn.
b) Thành viên của Tổ phải được phân công nhiệm vụ cụ thể; khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc trang phục, đội mũ và đeo thẻ cán bộ, công chức theo quy định.
c) Từng thành viên phải có thái độ, phong cách làm việc lịch sự, tận tụy, khiêm tốn, trung thực, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Tổ, của đồng nghiệp, của tổ chức và nhân dân đến liên hệ công tác.
11.2. Chế độ hội họp:
Tổ trưởng Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn hàng tuần tổ chức họp Tổ để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác trong tuần qua, đề ra kế hoạch công tác cho tuần tiếp theo, đồng thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước có liên quan, các biện pháp thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và Đội Quản lý trật tự đô thị huyện.
Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn có thể tổ chức họp đột xuất để triển khai các công việc cần thiết cấp bách theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện.
11.3. Chế độ báo cáo:
Hàng tuần, tháng, quý, 06 tháng và cuối năm, Tổ báo cáo công tác và thống kê tình hình tổ chức thực hiện các quyết định hành chính cho Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và Đội Quản lý trật tự đô thị huyện.
Điều 12. Mối quan hệ công tác
12.1. Đối với Đội Quản lý trật tự đô thị huyện:
Tổ Quản lý trật tự đô thị giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện mối quan hệ phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị huyện trong việc cưỡng chế thi hành quyết định buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Ủy ban nhân dân huyện trên địa bàn xã, thị trấn.
Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn được Đội Quản lý trật tự đô thị huyện tập huấn và hướng dẫn về nghiệp vụ để thực hiện công tác.
12.2. Đối với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn:
Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn. Tổ trưởng trực tiếp nhận sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và phải thường xuyên báo cáo với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn về kết quả thực hiện những mặt công tác đã được phân công.
12.3. Đối với Công an xã, thị trấn:
Phối hợp với Công an xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ lập lại trật tự đô thị gắn với an toàn giao thông trên địa bàn xã, thị trấn theo quy định và theo chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn.
12.4. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, ngành khác của xã, thị trấn:
Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp và hỗ trợ công tác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định.
Khi các tổ chức có yêu cầu, kiến nghị những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của Tổ, Tổ trưởng có trách nhiệm trình bày, giải quyết hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn giải quyết.
12.5. Đối với công chức phụ trách địa chính - nhà đất của xã, thị trấn:
Công chức chuyên môn có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu quy định về xây dựng, quy hoạch, lộ giới, chỉ giới các loại hành lang an toàn trên địa bàn nhằm tạo điều kiện giúp Tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chương 6:
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 13 . Kinh phí hoạt động (chế độ trang bị phương tiện, trang phục, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khen thưởng…) của Đội Quản lý trật tự đô thị huyện và Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Sở Tài chính.
Chương 7:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14 . Đội Quản lý trật tự đô thị huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Tổ Quản lý trật tự đô thị xã, thị trấn, các cơ quan thuộc huyện, cán bộ, công chức có liên quan của xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện giao Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn báo cáo sơ kết việc thực hiện Quy chế, rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa được, đề xuất những vấn đề mới phát sinh theo yêu cầu nhiệm vụ; giao cho Phòng Nội vụ theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bổ sung hoặc sửa đổi Quy chế cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.