ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 779/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 01 tháng 08 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 3246/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020;
Căn cứ Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 về việc hướng dẫn chế độ quản lý; sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 25/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và các Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 25/4/2011;
Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 207/TTr-SKHCN ngày 11 tháng 7 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2014 - 2020”.
Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các đề tài, dự án cụ thể hàng năm để thực hiện Đề án đúng với quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương; các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐỀ ÁN
ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 779/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
1. Tên đề án: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2014 - 2020.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn diện, hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh từng địa phương; Áp dụng công nghệ cao để giảm chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển mạnh chăn nuôi, thủy sản gắn với an toàn dịch bệnh, giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp trong nông thôn; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân. Tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, mức tăng trưởng bình quân đạt từ 3%/năm trở lên. Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (PFT) đạt 15- 20%.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2016
- Tập trung ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp với phục tráng giống thuần có giá trị cao: Mỗi năm đưa vào ứng dụng 1-2 giống mới cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ yếu, có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu vượt trội; Đưa vào ứng dụng 10 công nghệ mới để tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất hoa chất lượng cao; Xây dựng các mô hình sản xuất rau, quả an toàn tại 06 huyện, thành phố của tỉnh theo hướng VietGAP để từ đó nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Xây dựng 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào một số giống vật nuôi: bò sữa, lợn, gia cầm.
- Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Từng bước giảm và tiến đến ngừng xuất khẩu sản phẩm thô.
- Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý chất thải, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường nông thôn;
- Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2,5%/năm, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân ở nông thôn. Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (PFT) đạt 15%.
b) Đến năm 2020
- Mỗi năm đưa vào ứng dụng 3 - 4 giống mới cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ yếu, có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu vượt trội; Đưa vào ứng dụng 20 công nghệ mới để tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và có sức cạnh tranh cao; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm; Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (PFT) đạt 20%;
3. Nhiệm vụ của đề án
3.1. Nhiệm vụ sẽ triển khai
Trên cơ sở mục tiêu và nội dung của đề án, trong giai đoạn 2014 - 2020, cần tập trung triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ của các cơ quan, các viện nghiên cứu, các trường đại học... Cụ thể như sau:
a) Trong trồng trọt
- Ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lai tạo, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao. Ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu cao, tập trung vào các đối tượng cây trồng chủ lực phục vụ cho an ninh lương thực, xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; từng bước áp dụng trong sản xuất giống cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương...).
- Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), VietGAP, tập trung vào các loại cây lương thực, cây thực phẩm, cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực.
- Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, các loại hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính;
- Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xây dựng mô hình vùng lúa cao sản, chất lượng cao và xuất khẩu, vùng rau tập trung, vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp, ứng dụng các tiến bộ KH&CN triển khai hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu.
- Tập trung nghiên cứu ứng dụng, khảo nghiệm các giống lúa ở các vùng sinh thái theo xu hướng giống chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khảo nghiệm các giống rau màu để phục vụ cho vùng rau an toàn của tỉnh. Khảo nghiệm các giống cây trồng mới phục vụ chế biến và xuất khẩu.
- Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chế phẩm sinh học trên rau, lúa, phát triển mô hình vùng rau quả an toàn. Nghiên cứu các biện pháp phòng trừ một số bệnh mới phát sinh trên cây trồng.
- Ứng dụng khoa học và công nghệ để sản xuất một số loại cây trồng năng suất cao làm thức ăn cho chăn nuôi.
- Nhân giống và sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô tập trung;
b) Trong chăn nuôi
- Tiếp tục ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong lai tạo, sản xuất giống gia cầm, thủy cầm, gia súc có hiệu quả kinh tế cao, phục vụ chế biến và xuất khẩu.
- Khảo nghiệm các giống vật nuôi mới để nhanh chóng tiếp cận công nghệ lai tạo giống mới dần thay thế giống cũ, kém chất lượng. Thực nghiệm, lựa chọn các giống mới đưa vào cơ cấu vật nuôi của tỉnh.
- Mở rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp, kinh tế trang trại, gia trại, gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất hàng hóa và xuất khẩu. Tập trung vào một số loại vật nuôi chủ lực, như: Bò, lợn, gia cầm;
- Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả phòng trị dịch ở gia súc, gia cầm. Xây dựng quy trình kỹ thuật, mô hình vùng an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh quan trọng ở Hà Nam, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Nghiên cứu sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm chất lượng và hiệu quả cao. Xây dựng quy trình nuôi dưỡng gia súc, gia cầm trên cơ sở nguồn thức ăn sẵn có của địa phương kết hợp với nguồn thức ăn bổ sung chất lượng cao.
c) Trong nuôi trồng thủy sản
- Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình chăn nuôi thủy sản, tập trung vào một số đối tượng chủ yếu, như: mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính dòng GIFP, dòng Thái; mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi lai xa (Đường Nghiệp, SODA); mô hình nuôi bán thâm canh cá trắm đen thương phẩm, mô hình nuôi cá Trối...
- Nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tự động kiểm soát và xử lý môi trường bằng các công nghệ tiên tiến (chemicalfog, biofloc, lọc sinh học) trong nuôi trồng một số loài thủy sản, như: Cá, tôm;
d) Trong chế biến, bảo quản
- Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản, chế biến nông sản quy mô công nghiệp, trang trại. Tập trung vào công nghệ chế biến những nông sản chính có sản lượng lớn, chủ đạo trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Có chú ý vùng nguyên liệu ở các tỉnh lân cận và hướng vào xuất khẩu. Thực hiện quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi.
- Ứng dụng các chế phẩm sinh học, các chất phụ gia thiên nhiên, các chất màu để bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản.
- Xây dựng và mở rộng mô hình bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản mang tính chất hàng hóa;
e) Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Triển khai các dự án, đề án quy hoạch tổng thể và quy hoạch chung khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh;
- Xây dựng mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp có lợi thế, như: vùng sản xuất rau an toàn, hoa công nghệ cao, vùng trồng cây ăn quả; vùng trồng cỏ, ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
- Hình thành khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao.
3.2. Các nhiệm vụ cụ thể
(Chi tiết các nhiệm vụ triển khai giai đoạn 2014 - 2020 được thể hiện tại các phụ lục kèm theo)
4. Giải pháp thực hiện
4.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của tỉnh, cổng thông tin điện tử của tỉnh về vai trò của việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các Sở, ban, ngành về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và của tỉnh. Xác định việc phát huy và phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
4.2. Tăng cường năng lực khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp
- Cùng với việc đào tạo mới, cần coi trọng việc bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp.
- Phối hợp với hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học và các cơ sở thực nghiệm để tranh thủ, tiếp nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào ngành nông nghiệp của tỉnh.
- Triển khai tốt công tác dạy nghề cho nông dân, tăng cường công tác khuyến nông gắn với việc chuyển giao các mô hình sản xuất tiên tiến, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân, bồi dưỡng kiến thức quản lý tổ chức sản xuất và thị trường cho nông hộ, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.
4.3. Đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ
- Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R - D) để tạo ra và hoàn thiện các công nghệ mới.
- Khuyến khích việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất nông nghiệp;
- Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ từ các cơ quan nghiên cứu trong nước vào ngành nông nghiệp của tỉnh.
4.4. Thực hiện có hiệu quả việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại
- Sử dụng các loại phân bón hóa học một cách hợp lý, phù hợp với từng loại cây trồng, từng loại chất đất ở mỗi địa phương.
- Sử dụng kết hợp các giải pháp phòng trừ dịch bệnh bằng hóa chất với việc phòng trừ bằng các sản phẩm vi sinh, thảo mộc.
- Triển khai mạnh mẽ chương trình IPM không những với cây lúa mà cả với những cây trồng khác.
- Khuyến khích việc sản xuất và sử dụng ngày càng rộng rãi các loại phân bón vi sinh và các chế phẩm vi sinh vật khác.
4.5. Về đào tạo, chuyển giao công nghệ
- Chú trọng đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tại các địa phương trong tỉnh.
- Thực hiện các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm mới.
- Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, trưng bày giới thiệu thiết bị máy móc, công nghệ mới nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nhà khoa học với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân có nhu cầu đổi mới, tiếp thu công nghệ mới.
- Phối hợp với các cơ quan, các Trường, Viện nghiên cứu để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới phục vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh.
5. Về thị trường, xúc tiến thương mại, thông tin
- Đổi mới, đồng bộ hóa công tác thông tin, dự báo thị trường. Chủ động theo dõi diễn biến thị trường nhằm định hướng phát triển thị trường các sản phẩm nông sản chủ lực, phù hợp với các quy định chung.
- Đưa công tác thông tin, dự báo thị trường thành một kênh quan trọng trong định hướng cho việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Nghiên cứu xây dựng “thương hiệu” cho các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng Website giới thiệu về những sản phẩm nông, lâm, thủy sản gắn với các vùng sản xuất an toàn.
- Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài.
- Xây dựng mạng lưới tiêu thụ nông sản phẩm rộng khắp, đa dạng loại hình và quy mô, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia.
- Hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện tiếp thị các sản phẩm, nắm bắt thị trường, trao đổi kinh nghiệm để định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị xuất khẩu, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
6. Về cơ chế, chính sách
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ;
- Hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp;
- Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh.
(Mức hỗ trợ được thực hiện theo quy định theo Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 về việc hướng dẫn chế độ quản lý; sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông).
- Hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò sữa thực hiện theo Quyết định số 409/QĐ-UBND ngày 26/4/2014 về việc Phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Hà Nam đến năm 2015.
- Hỗ trợ thực hiện xây dựng mô hình ứng dụng VietGAP: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16 tháng 10 năm 2013 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010.
- Hỗ trợ đầu tư kết cấu, hạ tầng nông thôn mới: thực hiện theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 25/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND .
- Hỗ trợ thực hiện các giải pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, quản lý, kinh phí được thực hiện từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh và Trung ương theo quy định
7. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Dự kiến kinh phí thực hiện: 90.000 triệu đồng, trong đó:
- Nguồn kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương: 14.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh: 22.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: 23.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn khác: 31.000 triệu đồng.
Cụ thể:
STT | Thời gian thực hiện | Nguồn kinh phí (triệu đồng) | Cộng | |||
Trung ương | Sự nghiệp KHCN tỉnh | Ngân sách Nhà nước | Nguồn khác | |||
1 | 2014 | 1.000 | 2.000 | 2.500 | 4.000 | 9.500 |
2 | 2015 | 1.500 | 3.000 | 3.000 | 4.000 | 11.500 |
3 | 2016 | 2.000 | 3.200 | 3.300 | 4.000 | 12.500 |
4 | 2017 | 2.500 | 3.300 | 3.500 | 4.000 | 13.300 |
5 | 2018 | 3.000 | 3.500 | 3.700 | 5.000 | 15.200 |
6 | 2019 | 3.000 | 4.000 | 4.000 | 5.000 | 16.000 |
7 | 2020 | 1.000 | 3.000 | 3.000 | 5.000 | 12.000 |
Tổng | 14.000 | 22.000 | 23.000 | 31.000 | 90.000 |
Nguồn vốn thực hiện Đề án được huy động từ các nguồn vốn:
a) Nguồn vốn ngân sách nhà nước (triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, quản lý):
- Nguồn vốn sự nghiệp tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án tạo ra, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp;
- Nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ xây dựng mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
b) Nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ (triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, quản lý):
Nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh và Trung ương đầu tư cho các các nhiệm vụ KH&CN thuộc đề án được triển khai hàng năm.
c) Các nguồn vốn khác theo quy định.
Nguồn vốn tự có của hộ nông dân, vốn từ cổ phần liên doanh, từ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
8. Tổ chức thực hiện
- Giao cho Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Đề án, phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc xây dựng và triển khai các đề tài, dự án thuộc phạm vi Đề án. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các đề tài, dự án; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện Đề án.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí hàng năm thực hiện Đề án; Hướng dẫn cơ chế tài chính và các thủ tục thanh quyết toán, tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ cho các dự án đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tài chính theo các quy định hiện hành.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo lĩnh vực phân công.
- Sở Công thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, quảng bá sản phẩm, theo dõi diễn biến thị trường nhằm định hướng phát triển thị trường các sản phẩm nông sản chủ lực, phù hợp với các quy định chung. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ nông sản phẩm. Nâng cao vai trò của hệ thống thương mại dịch vụ.
- Hàng năm, các Sở, ngành, địa phương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, các cơ quan truyền thông của tỉnh, ngành có liên quan thường xuyên thông tin, tuyên truyền về ứng dụng và kết quả ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan triển khai thực hiện các đề tài, dự án thuộc đề án trên địa bàn quản lý.
PHỤ LỤC 1:
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI DO SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CHỦ TRÌ, QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Số TT | Nhiệm vụ triển khai | Thời gian thực hiện dự kiến |
I | Lĩnh vực trồng trọt |
|
1 | Xây dựng mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu | 2015 |
2 | Xây dựng mô hình sản xuất Ngô + Đậu tương trên cánh đồng mẫu | 2015 |
3 | Nghiên cứu, ứng dụng mô hình sơ chế nông sản hàng hóa là các sản phẩm hạt, quả, củ, rau sau thu hoạch không sử dụng hóa chất độc hại | 2015 |
4 | Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất một số loại hoa công nghệ cao trong nhà lưới (hoa lan, hoa cúc, hoa ly) | 2019 |
5 | Xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ ven đô thị | 2018 |
II | Lĩnh vực chăn nuôi |
|
1 | Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ chống nóng cho đàn bò sữa, đàn lợn nuôi trên nền đệm lót sinh học | 2014 |
2 | Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm sử dụng đệm lót sinh học | 2015 |
3 | Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ép rơm, rạ làm thức ăn chăn nuôi | 2019 |
4 | Xây dựng mô hình lai tạo ra giống gà lai giữa 2 giống gà: Gà móng Tiên Phong - Duy Tiên Hà Nam và gà Đông Tảo - Hưng Yên. | 2017 |
III | Lĩnh vực môi trường |
|
1 | Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải ở trang trại chăn nuôi để sản xuất phân bón và làm giảm ô nhiễm môi trường tỉnh Hà Nam | 2016 |
PHỤ LỤC 2:
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI DO SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHỦ TRÌ, QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
| Nhiệm vụ triển khai | Thời gian thực hiện dự kiến |
I | Lĩnh vực trồng trọt |
|
1 | Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm. | 2014 |
2 | Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu hàng hóa | 2015 |
3 | Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến SRI trong trồng lúa | 2015 |
II | Lĩnh vực bảo vệ thực vật |
|
1 | Nghiên cứu quy luật phát sinh gây hại của rầy nâu hại lúa và biện pháp quản lý tổng hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế, sử dụng hợp lý thuốc hóa học, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam. | 2015 |
2 | Nghiên cứu mô hình Quản lý tổng hợp bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn - lem lép hạt... do biến đổi khí hậu, các loại bệnh hại lúa có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. | 2016 |
III | Lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản |
|
1 | Áp dụng VietGAP trong chăn nuôi gà Móng trên nền đệm lót sinh học | 2016 |
2 | Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng lợn giống trên địa bàn tỉnh. | 2017 |
3 | Xây dựng mô hình lai tạo ra giống dê lai giữa 2 giống dê: Dê Bo cao sản (của Mỹ) với dê cái của địa phương. | 2017 |
4 | Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi thỏ Newzealand | 2018 |
5 | Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá nước chảy để nuôi cá lồng trên sông Hồng. | 2018 |
6 | Xây dựng mô hình ứng dụng nuôi cá rô phi lai xa Đường Thành. | 2017 |
IV | Lĩnh vực thủy lợi |
|
1 | Ứng dụng công nghệ tưới phun trong sản xuất nông nghiệp | 2019 |
2 | Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng kết cấu đường giao thông nội đồng | 2016 |
V | Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao |
|
1 | Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp có lợi thế, như: vùng sản xuất rau an toàn, hoa công nghệ cao, vùng trồng cây ăn quả; vùng trồng cỏ, ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc | 2020 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.