BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 776/QĐ | Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 776/QĐ NGÀY 21 THÁNG 6 NĂM 1993
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá 9, kỳ họp thứ nhất, tháng 10/1992 về việc thành lập Bộ Văn hoá - Thông tin.
Căn cứ vào Quyết định số 118/TTg ngày 26-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tin kinh tế chuyên ngành của các hãng tin nước ngoài.
Căn cứ vào Luật Báo chí được Chính phủ Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 02-01-1990 và Nghị định số 133/HĐBT, hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Báo chí.
QUYẾT ĐỊNH
1. Ban hành "Quy chế tạm thời về việc mua tin kinh tế của các hãng tin nước ngoài".
2. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Vũ Khắc Liên (Đã ký) |
QUY CHẾ
TẠM THỜI VỀ VIỆC MUA TIN KINH TẾ CỦA HÃNG TIN NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 776/QĐ-BC ngày 21-5-1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin).
Điều 1:
Bộ Văn hoá - Thông tin là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ uỷ nhiệm cấp giấy phép cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp kinh tế - tài chính - ngân hàng Việt Nam.... (gọi tắt là tổ chức mua tin) có nhu cầu mua tin kinh tế chuyên ngành được phép mua tin của hãng tin nước ngoài.
Điều 2:
Những tổ chức mua tin phải nộp hồ sơ xin phép. Trong đơn nói rõ mục đích, nội dung những tin cần mua, nơi đặt trụ sở, nơi lắp đặt thiết bị nhận tin, và hồ sơ nhân sự và cá nhân chịu trách nhiệm khai thác, quản lý tin.
Điều 3:
Những tổ chức mua tin trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế có văn phòng đại diện tại Việt Nam chỉ được sử dụng tin trong nội bộ tổ chức của mình; không được bán lại hoặc đăng tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 4:
Những tổ chức mua tin có lắp đặt các thiết bị chuyên dùng (Anten Parabol Computer...) phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và Tổng cục Bưu điện về việc thực hiện nội dung giấy phép do Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 5:
Những tổ chức mua tin không có nhu cầu lắp đặt thiết bị chuyên dùng mà chuyển qua mạng đường dây của Tổng cục Bưu điện thì sau khi có giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin phải xuất trình giấy phép và ký hợp đồng với các cơ quan tương ứng của Tổng cục Bưu điện để triển khai nối kênh cấp mã số.
Chỉ sau khi được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép chính thức, tổ chức mua tin mới được ký hợp đồng với hãng tin nước ngoài hoặc cơ quan dịch vụ mua bán tin của Tổng cục Bưu điện.
Điều 6:
Các hãng tin nước ngoài có nhu cầu bán tin trước hết phải được đại diện hợp pháp tại Việt Nam và phải đăng ký tại Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 7:
Các hãng tin nước ngoài bán tin kinh tế cho các tổ chức mua tin tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam và phải đóng thuế.
Điều 8:
Việc nhập các thiết bị chuyên dùng cho việc nhận tin nước ngoài vào Việt Nam, các hãng bán tin phải xin ý kiến Bộ Thương mại.
Điều 9:
Các hãng tin nước ngoài muốn quảng cáo các hoạt động của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam hoặc tổ chức triển lãm các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng tại Việt Nam, phải xin phép Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 10:
Các bên mua tin và bán tin kinh tế đều phải thực hiện quy chế này. Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm quy chế phải chịu một trong các hình thức phạt dưới đây:
a) Cảnh cáo
b) Phạt tiền
Ngoài hai hình thức trên, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phải chịu một trong các hình thức sau đây:
a) Thu hồi giấy phép.
b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
c) Nếu hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng phương hại tới lợi ích của Nhà nước Việt Nam, người hoặc tổ chức vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 11:
Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.