TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số : 775-LN-QĐ | Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TẠM THỜI VỀ CHĂM SÓC, BẢO VỆ, HUẤN LUYỆN VÀ SỬ DỤNG VOI TRONG NGÀNH LÂM NGHIỆP
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 140-CP ngày 29-9-1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Tổng cục lâm nghiệp;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Công nghiệp rừng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành chế độ tạm thời về chăm sóc, bảo vệ, huấn luyện và sử dụng voi trong ngành lâm nghiệp.
Điều 2. – Các ông Cục trưởng Cục Công nghiệp rừng, Trưởng ban Thanh tra (Tổng cục), Giám đốc các lâm trường trực thuộc, Trưởng ty lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
CHẾ ĐỘ TẠM THỜI
VỀ CHĂM SÓC, BẢO VỆ, HUẤN LUYỆN VÀ SỬ DỤNG VOI TRONG NGÀNH LÂM NGHIỆP
Tổng cục quy định chế độ này làm cơ sở để tổ chức việc chăm sóc, bảo vệ, huấn luyện và sử dụng voi trong ngành lâm nghiệp, bảo đảm giữ voi được luôn luôn béo khỏe phục vụ tốt kế hoạch vận xuất gỗ.
Chương 1:
CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ VOI
Điều 1. – Hàng ngày voi phải được ăn no, đủ khẩu phần quy định như sau:
a) Ngày voi làm việc:
- Gạo: 10kg hoặc khoai sắn từ 15 đến 20 kg.
- Đường: 1kg, hoặc mía từ 10 đến 15 kg
- Các chất xanh như: cây ngô, cây chuối, các lá cây rừng, cỏ từ 100 đến 120kg
- Muối từ 200gam đến 300gam.
b) Ngày voi không làm việc:
- Gạo: từ 6kg đến 8kg hoặc khoai sắn từ 10 đến 15kg.
- Đường: 1kg, hoặc mía từ 8 đến 10 kg
- Cây ngô 20kg, còn các thứ lá xanh khác thì đi chăn trong rừng cho voi ăn đủ
- Muối từ 200gam
c) Khẩu phần bồi dưỡng cho voi phải nghỉ việc vì ốm đau, yếu, chửa đẻ
- Gạo: từ 10kg đến 12kg hoặc khoai sắn từ 20kg.
- Đường: 2kg, hoặc mía từ 15 đến 20 kg
- Cây ngô hoặc các chất xanh khác từ 100 đến 120kg và chăn trong rừng cho ăn các thứ lá cây, cỏ v .v…
- Muối từ 200 gam đến 300 gam
Điều 2. Để bảo đảm có đủ thức ăn cho voi các ty, các lâm trường có nuôi voi phải có kế hoạch trồng ngô, khoai, sắn, mía đủ cung cấp cho mỗi voi mỗi năm:
- Từ 7 đến 8 tấn cây ngô tươi
- Từ 6 đến 8 tấn củ khoai hoặc sắn
- Từ 6 đến 7 tấn mía.
Điều 3. Phải thường xuyên giữ vệ sinh về ăn uống cho voi, thức ăn nước uống của voi phải được kiểm tra và có biện pháp khử các loại công trùng và chất độc trước khi voi ăn uống:
- Sắn phải bóc vỏ, ngâm nước để tẩy chất nhựa độc.
- Gạo, sắn khoai phải nấu chín
- Tuyệt đối không cho voi ăn lá cây có nhựa độc.
Điều 4. Voi phải luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ.
Về mùa nóng, phải bố trí bến suối, ao, sông cho voi tắm, mỗi ngày phải cho voi tắm từ một đến hai lần và khi tắm phải có bàn chải cọ sạch cho voi.
Về mùa rét, hai ngày phải cọ cho voi một lần, cho voi uống nước ấm có pha muối.
Điều 5. Phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, có lý lịch ghi tình hình sức khỏe, số ngày làm việc và năng suất của voi. Trước, trong, và sau khi làm việc phải kiểm tra sức khỏe. Nếu có hiện tượng voi đau ốm thì phải kịp thời cho nghỉ, bồi dưỡng, và chữa bệnh cho voi, và báo cáo ngay về cho Tổng cục.
Phải nắm vững đặc tính của voi, biết những thời gian voi có chuyển động trong cơ thể, thời gian động đực. Trong những thời gian này voi thường trở nên hung dữ và không chịu làm việc, nên phải kịp thời cho voi nghỉ và có biện pháp chăm sóc đặc biệt.
Khi trời đang rét chuyển đột ngột sang nóng, hoặc đang nóng chuyển sang rét, phải có kế hoạch phòng bệnh và căn cứ tình hình thực tế mà giảm nhẹ một phần chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho voi.
Hàng năm phải dự trù đủ thuốc phòng và thuốc chữa bệnh cho voi, ít nhất mỗi năm phải tiêm phòng hai lần. Thú ý hoặc y tá phải thường xuyên chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho voi.
Điều 6. Phải bảo đảm có chòi (chuồng, trại) cho voi, chòi voi phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng mát, xa nhà ở, xa hoa màu.
Cạnh chòi phải có bể nước cho voi uống, có rãnh thoát nước. Hố phân phải để xa chòi ít nhất là 30 mét.
- Mùa rét phải có phên che kín chỗ voi ở.
Mỗi ngày phải dọn vệ sinh chòi voi một lần, phải thường xuyên hun chòi để tiêu diệt các loại ruồi, mòng, muỗi v .v…
Điều 7. Phải có kế hoạch bảo vệ, chống voi rừng. Ban đêm phải cử người luân phiên trông nom voi. Khi có hiện tượng voi phá phách hoặc đứt xích đi mất phải cử người đi tìm ngay.
Chương 2:
Điều 8. Phải luyện cho voi có tính tốt ngay từ lúc đầu, nhất là lúc mới tập kéo gỗ. Không làm cho voi giận dữ, khi voi đã nổi xung thì phải hết sức bình tĩnh luyện cho voi dịu lại. Tuyệt đối không được đánh đập voi hoặc bắt voi làm việc quá sức.
Phải luyện cho voi kéo từ dễ đến khó, từ nhẹ đến nặng, thuần thục từng động tác, nhất là những động tác cơ bản. Phải luyện ngay từ lúc đầu cho voi mới tập kép chấp hành đúng chế độ quy định.
Anh em quản tượng cố gắng luyện cho voi có cảm tình tốt với mình.
Điều 9. Khi voi kéo gỗ phải có xích kéo khỏe, có chăn cuốn ách cổ, người điều khiển phải có búa quản voi. Sử dụng voi phải cho hợp lý, phải tùy theo loại voi, loại đường, loại gỗ mà định khối lượng kéo cho thích hợp.
Mức kéo gỗ từng chuyến của một con voi ở điều kiện loại đường, loại gỗ trung bình quy định như sau”
Voi khỏe: từ 2m3200 đến 3m3500
Voi trung bình từ 1m3800 đến 2m3800
Voi mới tập kéo, lúc đầu cho kéo nhẹ từ 0m3400, 0m3500 đến 1m3 rồi hàng năm tùy theo mức độ thuần thục mà tăng dần lên mức bình thường.
Điều 10. Cự ly kéo gỗ của voi quy định từ 1km đến 2km. Không được bắt voi kéo vựơt quá cự ly 2km. Nếu đường quá khó khăn thì có thể rút cự ly xuống dưới 1km. Khi gỗ vướng mắc không được bắt voi kéo bừa, làm hại sức khỏe của voi.
Điều 11. Chỉ nên để voi làm việc vào buổi sáng, buổi chiều cho voi nghỉ.
- Về mùa, mỗi ngày để voi làm việc 6 tiếng (từ 5 giờ đến 11 giờ)
- Về mùa đông mỗi ngày để voi làm việc từ 5 tiếng 1/2 đến 6 tiếng (bắt đầu làm từ 6 giờ hoặc 6giờ 30).
- Mỗi tháng chỉ để voi làm việc từ 18 đến 20 ngày.
- Nên bố trí cho voi làm việc vào những ngày mát.
Chương 3:
Điều 12. Cục Công nghiệp rừng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ này ở tất cả các ty, lâm trường hiện có voi và phải trực tiếp theo dõi, chỉ đạo một vài cơ sở để rút kinh nghiệm phát hiện các vấn đề cần đề nghị bổ sung chế độ.
Điều 13. Các ty, các lâm trường có trách nhiệm tổ chức việc thực hiện chế độ này ở các cơ sở có voi và phải theo dõi sát việc thực hiện chế độ này ở từng cơ sở. Mỗi quý các ty, các lâm trường phải kiểm tra các cơ sở có voi ít nhất ba lần có ghi ý kiến nhận xét vào sổ theo dõi.
Điều 14. Đội trưởng, tổ trưởng các đội, tổ vận xuất có sử dụng voi phải thường xuyên bàn bạc với anh em công nhân quản voi thực hiện tốt chế độ này.
Anh em công nhân quản voi phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, tích cực thực hiện chế độ. Khi gặp khó khăn phải kịp thời phản ánh với tổ, lâm trường để giải quyết nhằm luôn luôn bảo đảm cho voi béo khỏe, kéo gỗ năng suất cao phục vụ tốt cho kế hoạch Nhà nước.
Điều 15. Tổ, đội vận xuất và công nhân quản voi hàng ngày trước khi sử dụng voi kéo gỗ phải hội ý để bố trí khối lượng kéo, chặng đường cho đúng chế độ và hợp với điều kiện sức khỏe của voi. Hàng tuần, hàng tháng tổ, đội vận xuất và công nhân quản voi phải cùng nhau kiểm điểm việc sử dụng voi: khối lượng gỗ đã kéo, cự ly đường, các điều khiển voi, cách sắp xếp gỗ tại bãi v .v… để rút kinh nghiệm thực hiện tốt chế độ.
Điều 16. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm các tổ, đội vận xuất có voi phải báo cáo cho các ty, các lâm trường về việc thực hiện chế độ.
Các ty, các lâm trường phải theo dõi sát việc thực hiện chế độ các cơ sở và hàng năm phải có đề nghị khen thưởng đối với những tổ, đội, những công nhân quản voi có thành tích trong việc thực hiện chế độ.
Ngoài việc khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước, các công nhân quản voi có thành tích nuôi voi béo khỏe và sử dụng voi đúng chế độ, hàng năm Giám đốc lâm trường có trách nhiệm xét đề nghị lên Tổng cục đặc biệt khen thưởng hoặc lâm trường xét tăng cấp, cấp tiền thưởng.
Điều 17. Mỗi khi có xẩy ra những hiện tượng voi bị thương, voi bị chết, voi đi mất, các tổ, đội vận xuất phải lập biên bản quy trách nhiệm rõ ràng báo cáo ngay lên ty hoặc lâm trường sở quan và Tổng cục. Nhận được biên bản Ban thanh tra Tổng cục cùng với ty, lâm trường phải cử người đến điều tra tại chỗ để có kết luận rõ ràng.
Đối với những tổ trưởng, đội trưởng, quản voi không chấp hành đúng chế độ để xẩy ra những hiện tượng nói trên thì ngoài việc thi hành kỷ luật hành chính thích đáng còn có thể bị truy tố trước tòa án.
Điều 18. Các ông Cục trưởng Cục Công nghiệp rừng, Trưởng ban thanh tra (Tổng cục) Giám đốc các lâm trường trực thuộc, Trưởng ty lâm nghiệp chịu trách nhiệm thi hành chế độ này.
Ban hành kèm theo Quyết định số 775-LN-QĐ ngày 18 tháng 11năm 1963.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.