BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số : 774-BCNNg-TC | Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ VIỆC TỔ CHỨC KÈM CẶP NÂNG BẬC CHO CÔNG NHÂN”.
Căn cứ nhu cầu củng cố và mở rộng việc tổ chức kèm cặp nâng bậc cho công nhân;
Xét đề nghị của vụ Tổ chức giáo dục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành “Quy chế tạm thời về việc tổ chức kèm cặp nâng bậc cho công nhân”.
Điều 2. - Vụ Tổ chức giáo dục và vụ Lao động tiền lương có trách nhiệm hướng dẫn thi hành quy chế này.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ VIỆC TỔ CHỨC KÈM CẶP NÂNG BẬC CHO CÔNG NHÂN
Mấy năm nay, việc tổ chức kèm cặp nâng bậc cho công nhân ở các xí nghiệp, công trường thuộc Bộ đã phát triển khá mạnh, đã bước đầu đi vào nền nếp. Kết quả cụ thể đã đạt được là: trình độ lành nghề của công nhân dần dần được nâng cao; tinh thần làm việc, thái độ và kỷ luật lao động của công nhân có tiến bộ hơn; vấn đề an toàn lao động trong sản xuất được tôn trọng hơn; năng suất lao động được nâng cao hơn.
Tuy nhiên, cũng còn có nhược điểm là mỗi cơ sở thực hiện việc kèm cặp theo mỗi cách khác nhau, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa được tốt. Vì vậy, Bộ ban hành “Quy chế tạm thời về việc tổ chức kèm cặp nâng bậc” nhằm mục đích đưa công tác này thực sự đi vào nền nếp.
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA VIỆC TỔ CHỨC KÈM CẶP NÂNG BẬC
Tổ chức kèm cặp nâng bậc cho công nhân có mục đích là:
1. Làm cho đội ngũ công nhân lành nghề ngày càng đông đảo.
2. Khuyến khích mọi người công nhân tích cực trau dồi nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tăng thêm thu nhập.
Yêu cầu của việc tổ kèm cặp nâng bậc là:
1. Phải thực hiện theo đúng kế hoạch cụ thể hàng năm.
2. Phải căn cứ vào tiêu chuẩn cấp bậc công nhân, đảm bảo đạt được trình độ bậc trên một cách toàn diện cả về lý thuyết và tay nghề.
3. Phải tổ chức chặt chẽ từ đầu đến khi mãn khóa: tuyển lựa theo đúng tiêu chuẩn; kiểm tra thường xuyên và tổ chức thi cuối khóa.
II. NHỮNG NGƯỜI NÀO ĐƯỢC LỰA CHỌN KÈM CẶP NÂNG BẬC
Những công nhân kỹ thuật đã hiểu biết về lý thuyết và làm được thành thạo những việc theo tiêu chuẩn bậc nghề hiện tại. Chú ý tổ chức kèm cặp nâng bậc cho những công nhân ở cấp bậc thấp (bậc 1, 2, 3) và chủ yếu nhằm vào công nhân các nghề kỹ thuật phức tạp như chế tạo cơ khí, sử dụng và sửa chữa các loại máy…
Tiêu chuẩn lựa chọn để tổ chức kèm cặp nâng bậc có thể tùy tình hình cụ thể từng thời gian, từng cơ sở, căn cứ vào chỉ tiêu số lượng nâng bậc hàng năm (đã được Bộ duyệt). Nhưng để đoàn kết nội bộ công nhân; đạt được chất lượng cao và khuyến khích công nhân tích cực trau dồi nghề nghiệp, tiêu chuẩn chung tối thiểu quy định như sau:
1. Đã hưởng lương bậc cũ ít nhất từ một năm trở lên, có trình độ vững vàng so với bậc lương đang hưởng. Chú ý những anh em do yêu cầu sản xuất, đã được giao làm một số việc theo tiêu chuẩn thợ bậc trên.
2. Có thái độ lao động và sản xuất tốt. Chú ý những người có sáng kiến, thành tích trong sản xuất, những người là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua.
3. Tích cực tham gia học tập văn hóa, kỹ thuật. Chú ý những người đã tham gia đều đặn và có kết quả các lớp bổ túc văn hóa và kỹ thuật do đơn vị tổ chức.
III. NGUYÊN TẮC LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH KÈM CẶP NÂNG BẬC
Lập kế hoạch kèm cặp nâng bậc hàng năm phải dựa vào yêu cầu của sản xuất về cấp bậc bình quân của công nhân và chỉ tiêu khống chế của Bộ. Yêu cầu của sản xuất cần loại thợ nào, bậc nào và cần đến đâu thì lập kế hoạch tổ chức kèm cặp nâng bậc đến đấy. Kế hoạch kèm cặp nâng bậc phải nhằm giải quyết khâu yếu của dây chuyền sản xuất, không nên làm tràn lan, mất trọng tâm.
Kế hoạch này phải được Bộ duyệt trước khi thực hiện và sau đó chỉ được nâng bậc trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch đã được duyệt.
Đối với công nhân bậc cao (bậc 4 trở lên), khi lập kế hoạch nâng càng cần phải chú ý những nguyên tắc trên, tức là chỉ tổ chức kèm cặp nâng bậc khi yêu cầu của sản xuất cần sử dụng thường xuyên loại thợ bậc đó và phải có kế hoạch bồi dưỡng thật chu đáo.
IV. NỘI DUNG YÊU CẦU VÀ THỜI GIAN KÈM CẶP NÂNG BẬC
Nội dung học tập về lý thuyết và tay nghề
Đều phải căn cứ vào tiêu chuẩn, cấp bậc công nhân để xây dựng. Những nghề nào chưa có tiêu chuẩn thì xí nghiệp phải xây dựng tiêu chuẩn đã, nếu chưa có tiêu chuẩn cấp bậc thì chưa tổ chức kèm cặp nâng bậc.
Yêu cầu của nội dung học tập về lý thuyết,
Là phải đạt được cả về kỹ thuật cơ sở và kỹ thuật chuyên môn (đối với ngành cơ khí là các môn đọc bản vẽ, vật liệu học, dung sai đo lường và kỹ thuật chuyên môn từng nghề; đối với các ngành sản xuất khác là đọc bản vẽ, vật liệu học, kỹ thuật sản xuất đại cương và kỹ thuật sản xuất chuyên môn từng nghề). Trong phần kỹ thuật sản xuất chuyên môn phải gồm cả vấn đề an toàn lao động, vệ sinh chức nghiệp và tổ chức chỗ làm việc.
Chương trình học các môn trên ít nhất phải 100 – 200 giờ. Những anh em chưa tốt nghiệp sơ cấp kỹ thuật nhất thiết đều phải học theo chương trình trên. Những anh em đã tốt nghiệp sơ cấp kỹ thuật thì có thể tham gia lớp học để ôn hoặc có thể tự học ôn để dự thi; để giúp anh em ôn tập, xí nghiệp phải soạn các câu hỏi ôn phổ biến cho anh em và giới thiệu sách để anh em nghiên cứu, sau đó tổ chức một số buổi giải đáp trước khi thi.
Nội dung học tập lý thuyết cho thợ từ bậc 1 đến bậc 3 phải căn cứ theo tiêu chuẩn bậc 4, từ bậc 4 trở lên đến bậc 7 phải căn cứ theo tiêu chuẩn bậc 7. Vì vậy, khi tổ chức các lớp có thể tổ chức lớp chung cho thợ từ bậc 1 đến bậc 3, và bậc 4 đến bậc 7.
Yêu cầu nội dung học tập về tay nghề.
Là phải làm được thành thạo theo quy trình công nghệ hợp lý tất cả các công việc theo tiêu chuẩn thợ bậc trên với mọi yêu cầu về kỹ thuật, thời gian, về an toàn lao động.
Nội dung học tập về tay nghề của mỗi người là do tự người đó liên hệ trình độ hiện tại của mình với tiêu chuẩn cấp bậc để định ra, rồi thông qua tổ sản xuất phân xưởng và được giám đốc duyệt.
Thời gian kèm cặp nâng bậc,
Quy định là từ 9 tháng đến 12 tháng tùy theo từng nghề
V. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC KÈM CẶP NÂNG BẬC
1. Tuyển người để tổ chức kèm cặp nâng bậc.
Việc tuyển người để tổ chức kèm cặp nâng bậc phải đúng tiêu chuẩn đã định, phải dựa vào các tổ sản xuất nhưng đồng thời phân xưởng và xí nghiệp phải thẩm tra kỹ. Chú ý tranh thủ ý kiến của Công đoàn và Đoàn thanh niên lao động cơ sở trong khi xét duyệt.
2. Bố trí người hướng dẫn, kèm cặp.
Người kèm cặp phải có trình độ cao hơn người được kèm cặp ít nhất một bậc. Phải chọn người có khả năng hướng dẫn để việc kèm cặp đạt được kết quả tốt.
Nói chung, mỗi người thợ bậc trên chỉ được kèm cặp một người. Đối với những nghề kỹ thuật ít phức tạp và trường hợp thiếu thợ bậc trên thì mới bố trí một người kèm cặp hai hoặc ba người, nhưng nhiều nhất cũng là ba người. Trong các trường hợp bố trí kèm cặp từng người với nhau không thuận lợi thì bố trí tổ sản xuất chịu trách nhiệm tập thể kèm cặp cho một số tổ viên. Đối với những công nhân bậc cao, không có thợ bậc trên để bố trí kèm cặp, những công nhân vì điều kiện làm việc độc lập thì tổ chức việc đăng ký tự học.
3. Ký hợp đồng kèm cặp.
Phần chủ yếu của hợp đồng kèm cặp là nội dung học tập thực tế của người được kèm cặp mà họ phải luôn luôn nắm vững để phấn đấu đạt được. Đối với người kèm cặp cũng phải nắm được để hướng dẫn, giúp đỡ. Xí nghiệp thì phải nắm để theo dõi đánh giá kết quả. Vì vậy, nhất thiết phải có hợp đồng kèm cặp. Trường hợp tổ sản xuất phụ trách kèm cặp thì tổ trưởng đại diện ký hợp đồng với các người được kèm cặp.
Hợp đồng kèm cặp phải có phần ghi kết quả từng thời gian (ba tháng một lần), được dùng làm sổ theo dõi kết quả thường xuyên. Cuối khóa sẽ dùng làm căn cứ xét duyệt cho dự thi và tham khảo xét duyệt nâng bậc.
VI. THEO DÕI KẾT QUẢ KÈM CẶP
Trách nhiệm theo dõi kết quả kèm cặp nâng bậc là của phân xưởng; bộ phận giáo dục chịu trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc thực hiện, tập hợp tình hình chung, nghiên cứu đề xuất những biện pháp uốn nắn sai sót để đảm bảo chất lượng công tác kèm cặp.
Các chế độ về kiểm tra quy định như sau:
- Hàng tháng, cá nhân mỗi người được kèm cặp phải ghi lại những công việc theo tiêu chuẩn thợ bậc trên đã làm được (việc gì và chất lượng công việc đó) vào sổ theo dõi, người kèm cặp và tổ trưởng sản xuất phải ghi nhận xét;
- Ba tháng, phân xưởng phải tổ chức kiểm tra kết quả học tập về tay nghề một lần bằng cách giao cho mỗi người làm một số công việc theo tiêu chuẩn thợ bậc trên rồi chấm và đánh giá kết quả ghi vào sổ theo dõi. Chỉ trong cá biệt trường hợp hạn chế nào đó, việc tổ chức kiểm tra bằng công việc thực tế gặp quá nhiều khó khăn không thể làm được, mới thực hiện bằng cách kiểm điểm kết quả ở tổ sản xuất.
Mỗi học viên phải thực hiện đầy đủ các chế độ trên, người nào chưa có đủ nhận xét kết quả hàng tháng ghi trong sổ theo dõi, không dự đủ các kỳ kiểm tra sau ba tháng một, sẽ không được dự thi nâng bậc.
VII. TỔ CHỨC THI NÂNG BẬC
Sau thời gian tổ chức kèm cặp nâng bậc về lý thuyết đã học xong chương trình quy định, về tay nghề đã làm được đủ các việc ghi trong hợp đồng, thì xí nghiệp tổ chức thi nâng bậc cho anh em. Việc tổ chức do một hội đồng giám khảo phụ trách.
1. Hội đồng giám khảo xí nghiệp và các ban giám khảo ở các phân xưởng.
Hội đồng giám khảo xí nghiệp gồm có đồng chí Phó giám đốc kỹ thuật làm chủ tịch và các ủy viên là các đồng chí đại diện công đoàn, đoàn thanh niên lao động, phòng (hoặc ban) lao động tiền lương, tổ chức giáo dục, kỹ thuật, và các quản đốc phân xưởng có công nhân dự thi.
Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng là:
- Chỉ đạo thực hiện chủ trương và kế hoạch thi;
- Xét duyệt danh sách dự thi;
- Xét duyệt kết quả thi và lập biên bản báo cáo lên cấp trên;
- Giải quyết mọi công việc trong lúc thi;
- Ban giám khảo ở phân xưởng gồm: quản đốc phân xưởng làm chủ tịch và các ủy viên là đại diện của công đoàn, đòan thanh niên lao động phân xưởng và một số kỹ thuật viên.
Ban giám khảo có nhiệm vụ và quyền hạn là:
- Căn cứ vào kế hoạch thi để tổ chức việc thi ở phân xưởng (chọn đề thi thực hành đề nghị Hội đồng giám khảo duyệt, bố trí việc thi thực hành và lý thuyết, theo dõi thi, chấm thi…).
- Nhận xét và đề nghị danh sách những người đạt yêu cầu có thể được nâng bậc với Hội đồng giám khảo.
2. Nội dung và yêu cầu thi.
Nội dung thi là nội dung học tập về lý thuyết và thực hành quy định ở trên.
Trong mỗi kỳ thi, mỗi thí sinh đều phải dự thi cả về lý thuyết và thực hành. Một số trường hợp sau đây được miễn thi lý thuyết.
- Những công nhân đã tốt nghiệp các lớp trung cấp kỹ thuật tại chức (hiện vẫn làm và hưởng lương công nhân), hoặc đã học hết năm thứ hai của các lớp trung cấp hiện có;
- Những công nhân bậc 1, 2, 3 thi lên bậc 2, 3, 4 vừa tốt nghiệp sơ cấp kỹ thuật, do nhà máy tổ chức thi cùng trong năm tổ chức thi nâng bậc.
Tuy các công nhân bậc 1, 2, 3 đều học chung một chương trình lý thuyết, nhưng khi thi thì yêu cầu của mỗi bậc phải khác nhau, đối với công nhân bậc cao phải có yêu cầu cao hơn bằng cách ra thêm những câu hỏi phụ.
3. Chọn và xét duyệt đề thi.
Đề thi phải căn cứ vào tiêu chuẩn cấp bậc và nội dung học tập để soạn. Đề thi lý thuyết phải gồm những câu hỏi yêu cầu học viên phải vận dụng tổng hợp được đầy đủ, các kiến thức về kỹ thuật cơ sở và kỹ thuật chuyên môn đã quy định trong nội dung học tập. Đề thi thực hành nên chọn ngay các công việc sản xuất hàng ngày, nhưng cũng phải chú ý chọn các việc có tính chất tổng hợp được các yêu cầu về tay nghề cơ bản. Nếu không chọn được như vậy thì phải đặt thêm các điều kiện kỹ thuật cho công việc đó để đạt được yêu cầu về tay nghề cơ bản.
Tất cả các đề thi sau khi Hội đồng giám khảo đã chọn đều phải báo cáo cho Cục (hoặc công ty) duyệt trước khi thi.
4. Điều kiện được dự thi.
Những người đã được tổ chức kèm cặp nâng bậc hoặc đã đăng ký tự học, nếu có đủ các điều kiện sau đây đều được dự thi:
- Đã có đủ nhận xét của tổ chức về kết quả học tập tay nghề hàng tháng và đã dự đủ các kỳ kiểm tra sau ba tháng do phân xưởng tổ chức (kể cả những người đăng ký tự học);
- Đã học xong lý thuyết một cách đều đặn tức là không nghỉ quá 1/3 tổng số giờ (trừ số anh em đã tốt nghiệp sơ cấp, tự ôn đề thi);
- Trong thời gian được kèm cặp nâng bậc không mắc khuyết điểm lớn về lập trường, tư tưởng, đạo đức, không phạm kỷ luật lao động, không làm hư hỏng máy móc.
Tất cả những người chưa qua kèm cặp nâng bậc hoặc đăng ký tự học đều không được dự thi nâng bậc.
5. Nguyên tắc xét duyệt nâng bậc.
Việc xét duyệt kết quả đề nghị nâng bậc do hội nghị toàn thể của Hội đồng giám khảo xí nghiệp phụ trách và phải dựa vào các nguyên tắc sau đây:
- Lấy kết quả thi làm căn cứ chủ yếu, đồng thời dựa vào những nhận xét về kết quả hàng tháng để xét thêm. Ngoài ra trong một số trường hợp cần thiết cũng có thể căn cứ nhận xét về tinh thần, thái độ lao động, đạo đức tư cách để chiếu cố;
- Đặc biệt coi trọng trình độ tay nghề. Nếu kết quả thi tay nghề chưa đạt yêu cầu dù lý thuyết đạt loại giỏi cũng chưa nâng bậc. Yêu cầu về lý thuyết nói chung cũng không chiếu cố, nhưng riêng đối với công nhân làm việc lâu năm lớn tuổi (trên 40 tuổi) có thể được châm chước chút ít;
- Xét duyệt nâng bậc cho công nhân bậc cao (bậc 4 trở lên) phải hết sức cẩn thận, kỹ càng hơn đối với công nhân bậc thấp;
- Hộ đồng xét duyệt phải làm việc tập thể, xét duyệt từng người và có ghi biên bản đầy đủ để báo cáo Bộ và Cục.
VIII. THỦ TỤC QUYẾT ĐỊNH NÂNG BẬC
Sau khi tổ chức thi, các cơ sở phải báo cáo kết quả cụ thể lên Cục, và chỉ sau khi có quyết định duyệt y của Cục, các cơ sở mới quyết định nâng bậc cho công nhân. Các Cục khi quyết định duyệt cho cơ sở nâng bậc công nhân phải gửi một bản cho vụ Tổ chức giáo dục và vụ Lao động tiền lương.
Báo cáo gửi lên Cục gồm các văn bản sau:
- Báo cáo tóm kết việc tổ chức thi và kết quả thi;
- Danh sách đề nghị nâng bậc;
- Biên bản của Hội đồng giám khảo khi họp xét duyệt nâng bậc (có ghi nhận xét về từng người);
- Ba bài thi lý thuyết thuộc ba loại khá, trung bình, kém của mỗi nghề;
- Ba phiếu ghi kết quả thi thực hành có ghi nhận xét của Ban chấm thi đối với mỗi nghề.
Việc hưởng lương theo bậc mới tính từ khi có quyết định nâng bậc.
IX. CHẾ ĐỘ THÙ LAO CHO NGƯỜI KÈM CẶP
Chế độ thù lao cho người kèm cặp thực hiện theo đúng các chế độ hiện hành của Nhà nước (hiện nay là Thông tư số 28-LĐTT ngày 11-11-1958 và công văn số 1830-LĐNC ngày 17-10-1961 của Bộ Lao động).
Việc trả thù lao cho người kèm cặp thực hiện ba tháng một lần, sau khi phân xưởng đã tổ chức kiểm tra kết quả về tay nghề của học viên. Mức trả thù lao căn cứ vào kết quả của việc kèm cặp hướng dẫn, thể hiện ở kết quả thi của người được kèm cặp.
X. VẤN ĐỀ TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO
Việc tổ chức kèm cặp nâng bậc là một công tác nghiệp vụ nhưng lại mang tính chất quần chúng, có quan hệ trực tiếp đến quyền lợi vật chất và tinh thần của công nhân, trong khi tiến hành, trong quần chúng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, phải chú trọng công tác lãnh đạo tư tưởng, công tác tuyên truyền giáo dục; phải dựa vào quần chúng để tiến hành cho tốt để tránh suy bì tị nạnh trong công nhân, ảnh hưởng không tốt đến đoàn kết nội bộ, đến tinh thần sản xuất, tinh thần học tập của công nhân.
Để làm được tốt, phải tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng và kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong xí nghiệp
XI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Từ nay, bất kỳ trường hợp nào, nếu không qua tổ chức kèm cặp nâng bậc, không thi về lý thuyết và tay nghề đều không được nâng bậc cho công nhân. Cần phải chấm dứt tình trạng chỉ nhận xét chung chung không có căn cứ và phiến diện về trình độ công nhân để điều chỉnh bậc lương.
Tất cả các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Vụ Tổ chức giáo dục, vụ Lao động tiền lương chịu trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện quy chế này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.