ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 773/QĐ-UBND | Bình Phước, ngày 23 tháng 4 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006;
Căn cứ Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Quyết định số 47/2011/QĐ–UBND ngày 16/8/2011 phê duyệt Đề án Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 33/TTr-STP ngày 19/3/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
TRỢ GIÚP PHÁP LÝ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 773/QĐ-UBND ngày 23/4/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nhằm giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản của Trung ương và địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015; tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận trực tiếp với các dịch vụ xã hội, nâng cao năng lực nhận thức và chất lượng cuộc sống.
- Trợ giúp pháp lý (TGPL) để phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến từng người dân, giúp họ có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật; đồng thời, sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
- TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện TGPL; khuyến khích, tạo điều kiện để UBMTTQVN và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư, Luật sư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đóng góp hỗ trợ hoạt động TGPL trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Đối tượng thụ hưởng: Được quy định tại Điều 10, Luật Trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:
- Người nghèo.
- Người có công với cách mạng.
- Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.
- Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phạm vi thụ hưởng của nhóm đối tượng này là các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.
2. Phương thức thực hiện: Việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các đối tượng trên được thực hiện thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đối tượng, đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động, hòa giải, phổ biến pháp luật, in tờ rơi pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ cho các câu lạc bộ pháp luật, cộng tác viên TGPL, khảo sát nhu cầu TGPL…
3. Nội dung cụ thể:
- Tư vấn pháp luật: Thực hiện tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm TGPL và các Chi nhánh mỗi năm tối thiểu là 50 vụ việc.
- TGPL lưu động: Mỗi năm dự kiến thực hiện ít nhất 01 lần TGPL lưu động tại các xã đặc biệt khó khăn (còn 12 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 23/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu chương trỉnh năm 2010).
- Thực hiện tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng: Cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là Cộng tác viên tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
- Chủ trì thực hiện Chương trình TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách; chỉ đạo Trung tâm TGPL tham mưu xây dựng Kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động cụ thể cho từng năm và cả giai đoạn.
- Thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình với cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).
2. Sở Tài chính: Hàng năm, trên cơ sở dự toán đơn vị lập Sở Tài chính trình cấp thẩm quyền giao dự toán. Việc triển khai thực hiện dự toán, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; đồng thời, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổng hợp số liệu, các kiến nghị, đề xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo báo cáo UBND tỉnh.
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong hoạt động TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách.
4. Ban Dân tộc: Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5. UBND các huyện, thị xã: Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách, theo quy định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.