ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 755/QĐ-UBND | Pleiku, ngày 09 tháng 11 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH GIA LAI”.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Thực hiện Công văn số 664/LĐTBXH-TCDN ngày 9/3/2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 58/TT-SLĐTBXH ngày 16 tháng 9 năm 2010 về việc xin phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Gia Lai”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Gia Lai” (có Đề án đính kèm quyết định này).
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của tỉnh Gia Lai”, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
ĐỀ ÁN
ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 755/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
A. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Chủ trương của Đảng, Nhà nước
Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Công văn số 664/LĐTBXH-TCDN ngày 09/3/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
Công văn số 2242/TCDN-KHTC ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Tổng cục Dạy nghề về việc hướng dẫn xây dựng dự toán kinh phí năm 2010 thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
II. Thực trạng và dự báo về phát triển kinh tế - xã hội và lao động việc làm của tỉnh.
1. Về phát triển kinh tế:
1.1 Thực trạng:
- Tốc độ tăng trưởng: Tăng trưởng kinh tế cao và duy trì trong nhiều năm đã đưa quy mô GDP (tính giá cố định 1994) của tỉnh lên gấp 2,44 lần, từ 2.105 tỉ đồng năm 2000 lên 4.574 tỉ đồng năm 2007; năm 2008 đạt 5.146 tỉ đồng. Dự ước năm 2010 sẽ đạt 6.736 tỉ đồng gấp 3,2 lần năm 2000.
Năm 2006 – 2010 kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng cao. Dự báo tăng trưởng kinh tế của tỉnh 2006 – 2010 tiếp tục duy trì ở mức khoảng 13,6%/năm.
- GDP bình quân đầu người: Nếu tính theo giá hiện hành, năm 2005 GDP/người của Gia Lai đạt 5,14 triệu đồng bằng 50,4% của cả nước, Năm 2006 GDP/người của Gia lai đạt gần 7,8 triệu đồng bằng 57,6% của cả nước, năm 2009 đạt 12,43 triệu đồng bằng 61,9% của cả nước và dự ước năm 2010 đạt gần 14,5 triệu đồng bằng 66% của cả nước.
1.2. Dự báo:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Bình quân năm thời kỳ 2011 – 2015 đạt 12,5%; thời kỳ 2016 – 2020 đạt 11%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu hướng giảm dần tỷ trọng ngành Nông - lâm nghiệp - thuỷ sản trong GDP và tăng dần tỷ trọng ngành Công nghiệp – xây dựng và các ngành Dịch vụ. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh như sau: Nông - lâm nghiệp - thuỷ sản: 35%, Công nghiệp – xây dựng: 34%, Dịch vụ: 31%. Đến năm 2020 Nông - lâm nghiệp - thuỷ sản: 28%, Công nghiệp – xây dựng: 36%, Dịch vụ: 36%.
- GDP bình quân đầu người: Tính theo giá hiện hành năm 2015 là 33,4 triệu đồng/người và năm 2020 là 72,25 triệu đồng/người, (tính theo giá cố định năm 1994 là 8,4 triệu đồng/người vào năm 2015 và 12,9 triệu đồng/người năm 2020).
Phấn đấu kinh ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 đạt 332 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD và năm 2020 đạt 628 triệu USD, trong đó xuất khẩu 577 triệu USD.
2. Về lao động – việc làm:
2.1 Thực trạng:
a. Dân số:
Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 01/4/2009, toàn tỉnh có 1.272.792 người. Trong đó: Dân tộc thiểu số: 567.665 người chiếm tỉ lệ 44,6%; thành thị: 367.409 người, chiếm 28,6%; nông thôn 905.383 người, chiếm 71,4%. Nữ: 632.851 người, chiếm 49,73%; Nam: 639.941 người, chiếm 50,27%. Dự ước năm 2010, dân số toàn tỉnh là 1.303.740 người.
b. Lao động:
- Năm 2009 số người trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế là 607.900 người. Trong đó:
+ Khu vực thành thị : 182.377 người
+ Khu vực nông thôn : 425.523 người
Lao động hoạt động trong các ngành kinh tế là 607.900 người. Trong đó:
+ Lao động trong nông, lâm nghiệp : 425.530 người, chiếm tỷ lệ 70%.
+ Lao động công nghiệp và xây dựng: 53.373 người, chiếm tỷ lệ 8,8%.
+ Lao động dịch vụ: 128.121 người, chiếm tỷ lệ 21,2%.
Số lao động qua đào tạo: 170.121 người, chiếm tỷ lệ 28%.
Số lao động qua đào tạo nghề: 110.638 người, chiếm tỷ lệ 18%.
- Năm 2010, số người trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế là 616.205 người, trong đó:
+ Khu vực thành thị : 184.862 người
+ Khu vực nông thôn: 431.343 người
Lao động hoạt động trong các ngành kinh tế là 616.205 người. Trong đó:
+ Lao động trong nông, lâm nghiệp : 425.181 người, chiếm tỷ lệ 69%
+ Lao động công nghiệp và xây dựng: 61.620 người, chiếm tỷ lệ 10%
+ Lao động dịch vụ: 129.404 người, chiếm tỷ lệ 21%
Tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 30%
Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 20%.
2.2. Dự báo:
- Đến năm 2015 dân số là: 1.445.700 người, số người trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế là 710.500 người. Trong đó:
+ Lao động trong Nông, lâm nghiệp: 468.930 người, chiếm tỷ lệ 66%
+ Lao động trong Công nghiệp và xây dựng: 82.418 người, chiếm tỷ lệ 11,6%.
+ Lao động trong Dịch vụ: 159.152 người, chiếm tỷ lệ 22,4%.
- Đến năm 2020 dân số là 1.587.600 người, số người trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế là 800.500 người. Trong đó:
+ Lao động trong Nông, lâm nghiệp: 440.275 người, chiếm tỷ lệ 55%.
+ Lao động trong Công nghiệp và xây dựng: 152.095 người, chiếm tỷ lệ 19%.
+ Lao động trong Dịch vụ: 208.130 người, chiếm tỷ lệ 26%.
- Tốc độ tăng dân số bình quân thời kỳ 2011 – 2015 là: 2,09%, thời kỳ 2016 -2020 là 1,89%.
III. Thực trạng và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh giai đoạn 2006-2010.
1. Về dạy nghề cho lao động nông thôn.
1.1. Kết quả đạt được:
a. Về phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 11 cơ sở dạy nghề, trong đó 9 cơ sở dạy nghề công lập và 02 cơ sở ngoài công lập. Các cơ sở dạy nghề công lập: Trường Trung cấp nghề Gia Lai, trường Trung cấp nghề An Khê và trường Trung cấp nghề Ayunpa được nâng cấp từ 02 trung tâm dạy nghề lên trường Trung cấp nghề tháng 7/2008, trường Trung cấp nghề số 15 Bộ Quốc phòng, Trung tâm đào tạo nghề thuộc trường Trung cấp nghề số 5 Quân khu 5, Trung tâm giới thiệu việc làm có dạy nghề và trường Trung cấp Y tế có dạy nghề, Trung tâm dạy nghề Chư Sê và Trường trung cấp nghề số 21 thuộc Bộ Quốc phòng là 02 có sở mới được thành lập đầu năm 2010.
Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập: Trung tâm đào tạo lái xe thuộc Công ty Cổ phần xây dựng và vận tải Gia Lai, Trung tâm Dạy nghề lái xe thuộc công ty TNHH vận tải ô tô tỉnh Gia Lai.
b. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2006-2010:
Trong 5 năm qua, các địa phương và các Hội, Đoàn thể, các cấp như Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã bước đầu tham gia tích cực vào hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác tổ chức và quản lý hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn từng bước kiện toàn và phát triển. Kết quả đã đào tạo 25.710 người (dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng) trong đó lao động thuộc diện hộ nghèo 4.470 người. Góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 12% năm 2006 được nâng lên 18% năm 2009, dự kiến đạt 20% năm 2010, đặc biệt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn đã tăng lên đáng kể.
c. Kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề lao động nông thôn:
Trong giai đoạn 2006-2010 ngoài kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, Trung ương đã cấp 20.880 triệu đồng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo (Trong đó: 14.650 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 6.230 triệu đồng hỗ trợ đào tạo cho người học nghề).
Ngoài nguồn kinh phi do Trung ương cấp, các huyện, thị xã và thành phố đã xuất ngân sách địa phương 1.136 triệu đồng hỗ trợ cho người học nghề.
d. Phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề:
Đội ngũ giáo viên dạy nghề đã phát triển mạnh về số lượng, năm 2010, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh có 446 giáo viên, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2006 (chỉ có 165 giáo viên). Chất lượng đội ngũ giáo viên từng bước nâng cao, đã có 11 thạc sĩ, 201 đại học, cao đẳng. Ngoài ra các cơ sở dạy nghề đã hợp đồng giáo viên thỉnh giảng 105 người ở tất cả các lĩnh vực nghề để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo.
1.2. Tồn tại và nguyên nhân
a. Tồn tại:
Hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu người học. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề đã được đầu tư đổi mới nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo.
Nguồn lao động trong độ tuổi lao động chiếm gần 48% nhưng chủ yếu là lao động nông nghiệp chưa được đào tạo nghề, trong khi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thiếu lao động được đào tạo nghề.
Xã hội hóa dạy nghề chưa phát triển mạnh.
Kinh phí đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
b. Nguyên nhân:
Một số Cấp ủy đảng và UBND cấp huyện và cấp xã chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo đối với công tác dạy nghề; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của xã hội về dạy nghề và học nghề;
Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, các ngành kinh tế phát triển chưa đồng đều, các cơ sở sản xuất và dịch vụ phát triển chưa mạnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn;
Trình độ dân trí thấp, điều kiện để phát triển ngành nghề ở nông thôn còn hạn chế, thiếu vốn để làm ăn hoặc có vốn nhưng sử dụng không hiệu quả; một bộ phận người dân còn nặng tự tưởng ỷ lại trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.
1.3. Dự báo lao động qua đào tạo nghề (ĐVT: người)
Chỉ tiêu | Năm 2010 | Dự báo | |
Đến năm 2015 | Đến năm 2020 | ||
1. Dân số trung bình | 1.303.800 | 1.445.700 | 1.587.600 |
2. Số người trong độ tuổi lao động | 698.200 | 776.300 | 885.200 |
Tỷ lệ so với dân số | 53,6% | 53,7% | 55,7% |
3. Lao động làm việc trong các ngành kinh tế | 619.300 | 710.500 | 800.500 |
Tỷ lệ so với số người trong độ tuổi lao động | 88,7% | 91,5% | 93,9% |
4. Cơ cấu lao động, trong đó: |
|
|
|
- Nông lâm nghiệp | 69% | 66% | 55% |
- Công nghiệp, xây dựng | 10% | 11,6% | 19% |
- Dịch vụ | 21% | 22,4% | 26% |
5. Tỷ lệ lao động qua đào tạo | 30% | 43% | 55% |
6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề | 20% | 33% | 45% |
- Nông lâm nghiệp | 35% | 32% | 30% |
- Công nghiệp, xây dựng | 27% | 28% | 29% |
- Dịch vụ | 38% | 40% | 41% |
7. Cơ cấu trình độ đào tạo nghề |
|
|
|
Cao đẳng nghề, trung cấp nghề | 10% | 14% | 18% |
Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng | 90% | 86% | 82% |
2. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã (Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ)
B. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
I. Quan điểm:
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn;
Học nghề là quyền lợi và nghiã vụ của lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống;
Đào tạo nghề phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và thị trường lao động theo quan hệ cung cầu nhằm giải quyết tốt nhu cầu việc làm, tự tạo việc làm của người lao động;
Chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2020.
Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình;
Nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, phát triển nghề công tác xã hội đang là vấn đề được xã hội quan tâm là cơ sở cho việc đào tạo chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác xã hội thúc đẩy phát triểm mạng lưới công tác xã hội trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ Tướng Chính phủ. Phát triển nghề Công tác xã hội đối với nông thôn nhằm hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư giải quyết những vấn đề nảy sinh trong xã hội, giúp đối tượng vương lên hòa nhập cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tạo sự chuyển biến sâu sắc về mặt chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức, đủ trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở xã phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
II. Mục tiêu:
1. Mục tiêu tổng quát:
Đa dạng các loại hình dạy nghề với những nghề phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Gắn dạy nghề với giải quyết việc làm cho người lao động trong các khu công nghiệp tập trung; các cụm công nghiệp, các làng nghề và dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động theo hướng công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.
Đến năm 2010: Tỷ lệ lao động qua đào tạo 30%, trong đó đào tạo nghề: 20%.
Đến năm 2015: Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 43%; trong đó, đào tạo nghề: 33%.
Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 55%; trong đó, đào tạo nghề: 45%.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Năm 2010:
Tiếp tục đào tạo cho khoảng 7.000 lao động nông thôn. Trong đó:
- Dạy nghề nông nghiệp: 5.000 người gồm các ngành nghề đào tạo và địa bàn đào tạo như sau:
+ 1.800 người học nghề trồng, chăm sóc và cạo mũ cao su tại các huyện Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa …được giao diện tích trồng mới cao su năm 2009 và cao su tiểu điền
+ 1.000 người học nghề trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê tại các huyện Chư Sê, Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa …
+ 1.500 người học nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật tại các huyện Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Thị xã An Khê, Mang Yang, Phú Thiện, Krông pa, Đức Cơ, Thị xã Ayun Pa…
+ 700 người học nghề Chăn nuôi thú ý tại các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện, Krông pa, Thị xã Ayun Pa…
- Dạy nghề phi nông nghiệp: 2.000 người, gồm các ngành nghề đào tạo và địa bàn đào tạo như sau:
+ 500 người học nghề Điện nông thôn tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Păh, Chư Prông, Đăk Đoa …
+ 300 người học nghề xây dựng tại các huyện Ia grai, Tp. Pleiku;
+ 1.000 người học nghề sữa chữa máy nông nghiệp, xe gắn máy tại các huyện TP Pleiku, Chư Sê, Đức Cơ, Chư Păh, Ia grai…
+ 80 người học nghề may công nghiệp và dân dụng tại các huyện KBang và Chư Sê
+ 120 người học nghề quản lý nhà hàng khách sạn, an ninh khách sạn, lễ tân, nghiệp vụ lưu trú tại Tp. Pleiku.
2.2. Giai đoạn 2011-2015:
Đào tạo nghề cho 57.000 lao động nông thôn, trong đó:
- 30.000 người học nghề nông nghiệp, cụ thể như sau:
+ 22.594 người học nghề trồng, chăm sóc và cạo mũ cao su tại các huyện Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa, TP Pleiku, Mang Yang, Đăk Đoa, Đức Cơ, Phú Thiện, Thị xã Ayun pa, Krông Pa, Ia Pa, Kbang…được giao diện tích trồng mới cao su trên đất lâm nghiệp hàng năm và cao su tiểu điền.
+ 3.000 người học nghề trồng lúa nước tại huyện Krông pa, Chư Prông.
+ 400 người học nghề nuôi cá nước ngọt tại các lòng hồ thuỷ lợi Ia MLá và Ia Mơ tại các huyện Krông pa, Chư Prông.
+ 1.500 người học nghề Trồng trọt và bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
+ 1.006 người học nghề trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê tại các huyện Chư Sê, Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa …
+ 1.500 người học nghề Chăn nuôi thú ý tại các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Phú Thiện, Krông pa, Thị xã Ayun Pa…
- 27.000 người học nghề phi nông nghiệp với các nghề đào tạo và cấp trình độ đào tạo như sau:
+ 5.000 người học nghề trình độ trung cấp, gồm 14 nghề được đào tạo tại các Trường Trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh.
+ 8.400 học nghề trình độ sơ cấp, gồm 15 nghề được đào tạo tại các Trường Trung cấp nghề và Trung tâm Dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Trong đó có đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề công tác xã hội cho 500 học viên.
+ 13.600 học nghề thường xuyên dưới 3 tháng gồm 9 nghề, đào tạo tại các buôn, làng, xã trên địa bàn tỉnh.
- Tỷ lệ có việc làm và tự tạo việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%;
(Số lượng đào tạo và ngành nghề đào tạo xem phụ lục 7)
2.3. Giai đoạn 2016 – 2020:
Đào tạo nghề cho 65.000 lao động nông thôn, trong đó 29.000 người học nghề nông nghiệp, 36.000 người học nghề phi nông nghiệp (Ngành nghề đào tạo, số lượng đào tạo cụ thể cho từng nghề, địa bàn đào tạo sẽ được phân bổ sau khi có số liệu điều tra khảo sát giai đoạn 2016-2020). Tỷ lệ có việc làm và tự tạo việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.
C. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN
I. Dạy nghề nông nghiệp
1. Lĩnh vực dạy nghề:
- Kỹ thuật trồng trọt; kỹ thuật lâm sinh, kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm; kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; dịch vụ thú y; quản lý trang trại; quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; hợp tác xã, tổ hợp tác; Dịch vụ nông nghiệp và các lĩnh vực khác ...
2. Trình độ dạy nghề: Trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng.
3. Đối tượng:
- Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học.
Các đối tượng ưu tiên được xét tuyển vào học nghề gồm:
- Lao động là gia đình thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;
- Lao động là hộ nghèo;
- Lao động là người dân tộc thiểu số;
- Lao động là người tàn tật;
- Lao động là người bị thu hồi đất canh tác;
- Lao động là hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo;
- Lao động nông thôn khác.
4. Phương thức dạy nghề: Dạy nghề thường xuyên, phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học và kinh nghiệm của người học nghề.
II. Dạy nghề phi nông nghiệp
1. Lĩnh vực dạy nghề:
Kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật xây dựng, công nghệ; sản xuất và chế biến nông lâm sản; y tế; dịch vụ xã hội; khách sạn, du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn và dịch vụ cá nhân; tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực khác.
2. Trình độ dạy nghề: Trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng, trung cấp nghề, cao đẳng nghề.
3. Đối tượng:
Như đối tượng học nghề nông nghiệp ở điểm 3 phần I mục C.
4. Phương thức dạy nghề: Dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng.
III. Cơ sở dạy nghề:
Phạm vi hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn của Đề án này là các Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề và các Trường Trung cấp chuyên nghiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp, Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư, Trung tâm Khuyến công, các Công ty… có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn và đăng ký hoạt động dạy nghề tại cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề theo quy định hiện hành.
IV. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã (Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ)
D. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.
1. Tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề;
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, quy hoạch hoặc chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của cấp ủy Đảng cấp trên và cấp ủy Đảng cùng cấp;
3. Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các thành viên, hội viên, đoàn viên của mình tham gia học nghề.
II. Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh Gia Lai thực hiện theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, cụ thể như sau:
1. Chính sách đối với người học
- Chính sách hỗ trợ đối với người học nghề : Trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng:
Lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;
Lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);
Lao động nông thôn khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);
- Chính sách hỗ trợ đối với người học nghề: Trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề
Lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú.
- Chính sách vay vốn:
Lao động nông thôn học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề;
Lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách của Đề án này. Những người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án này. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của Đề án này nhưng tối đa không quá 03 lần.
2. Chính sách đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề:
- Giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề thường xuyên phải xuống buôn, làng thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để dạy nghề với thời gian từ 15 ngày trở lên trong tháng được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung như đối với giáo viên thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục thường xuyên phải xuống buôn, làng;
- Người dạy nghề (cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề lao động nông thôn) được trả tiền công giảng dạy với mức 30.000 đồng/giờ.
3. Chính sách đối với cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn:
Ngân sách địa phương và Ngân sách Trung ương đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề các Trường, Trung tâm dạy nghề như sau:
- Đầu tư thiết bị dạy nghề cho trung tâm dạy nghề Chư Sê được thành lập đầu năm 2010;
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề cho 02 Trung tâm dạy nghề Đức Cơ, Krông Pa năm 2010;
Khi có đủ điều kiện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho 11 trung tâm dạy nghề tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề, công lập và tư thục, Trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; trang trại, nông trường, lâm trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn được tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn bằng nguồn kinh phí quy định trong Đề án này và được cung cấp chương trình, giáo trình, học liệu và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.
Các chính sách quy định trong Đề án này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả và biến động kinh tế - xã hội hàng năm và từng thời kỳ theo quy định.
III. Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề
- Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn (cơ sở dạy nghề công lập, tư thục, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, các công ty, vùng chuyên canh, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở dạy nghề tiểu thủ công mỹ nghệ) theo nghề và cấp trình độ đào tạo đến năm 2020.
- Tập trung mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư trường Cao đẳng nghề Gia Lai để sớm đưa trường vào hoạt động. Sau khi trường Trung cấp nghề Gia Lai được nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề Gia Lai thì chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất và một phần thiết bị dạy học được trang bị từ chương trình MTQG nâng cao năng lực dạy nghề trong những năm qua của trường Trung cấp nghề Gia Lai để thành lập cơ sở dạy nghề cho thanh niên dân tộc Gia Lai.
- Năm 2010, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của các Trung tâm dạy nghề Chư Sê và xây dựng mới 02 Trung tâm dạy nghề Đức Cơ, Krông Pa.
- Năm 2011 xây dựng mới 05 Trung tâm dạy nghề tại các huyện Kbang, Kong Chro, Mang Yang, Chư Prông , Ia Pa.
- Năm 2012 xây dựng mới 06 Trung tâm dạy nghề tại các huyện Đăk Pơ, Đăk Đoa, Chư Păh, Iagrai, Chư Pưh, Phú Thiện.
- Các Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở những huyện chưa có Trung tâm dạy nghề, nếu được UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ dạy nghề (Theo công văn số 4808/ BGDĐT –GDTX ngày 13/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ) tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn.
- Quy hoạch đất sạch, có chính sách hổ trợ đầu tư để đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; thu hút các cơ sở dạy nghề tư thục tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
IV. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý
- Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Có chính sách ưu đãi về tuyển dụng để thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao làm giáo viên dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nghề đào tạo. Đặc biệt chú ý tuyển những người đã đạt chuẩn trình độ, những người có trình độ tay nghề cao đã qua sản xuất và người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ dạy nghề để trở thành giáo viên dạy nghề;
- Huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông – lâm – ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn;
- Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm và tạo việc làm cho lao động nông thôn;
- Bố trí bổ sung thêm 1 biên chế thuộc Phòng Dạy nghề - Sở Lao động Thương binh và Xã hội để đáp ứng nhu cầu công việc trước mắt và lâu dài.
V. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu.
- Các cơ sở dạy nghề đổi mới mạnh mẽ và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn theo yêu cầu của thị trường lao động, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới;
- Huy động các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho lao động nông thôn;
VI. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án.
Ngành Lao động - TB&XH phối hợp chặt chẽ giữa UBND các cấp, các Hội, đoàn thể tăng cường quản lý nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn. Kiểm tra đánh giá chất lượng, hiệu quả đạo tạo của các cơ sở dạy nghề được giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn. Định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá mặt ưu điểm, tồn tại, chấn chỉnh thiếu sót trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
E. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN
I. Dạy nghề cho lao động nông thôn
1. Hoạt động 1: Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn.
- Số lao động tham gia: 200.000 người.
- Kinh phí dự kiến: 3.600 triệu đồng.
(Xem chi tiết về phân bổ kinh phí từng giai đoạn ở phụ lục 1,2,3)
2. Hoạt động 2: Điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn.
- Số hộ được điều tra : 242.023 hộ
- Số cơ sở kinh doanh được điều tra: 2.383 cơ sở
- Số cơ sở dạy nghề được điều tra: 11 cơ sở
- Kinh phí dự kiến: 2.150 triệu đồng.
(Xem chi tiết về phân bổ kinh phí từng giai đoạn ở phụ lục 1,2,3)
3. Hoạt động 3: Thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn.
- Số lao động tham gia: 50 người
- Kinh phí dự kiến: 400 triệu đồng.
(Xem chi tiết về phân bổ kinh phí từng giai đoạn ở phụ lục 1,2,3)
4. Hoạt động 4: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập.
- Số cơ sở dạy nghề được đầu tư: 13 đơn vị.
- Kinh phí dự kiến: 135.000 triệu đồng.
(Xem chi tiết phụ lục 1 và 6)
5. Hoạt động 5: Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và xây dựng danh mục thiết bị dạy nghề.
- Số giáo trình, chương trình được xây dựng: 20 bộ.
- Kinh phí dự kiến: 50 triệu đồng.
6. Hoạt động 6: Phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề
- Cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng: 460 lượt người.
- Kinh phí dự kiến: 690 triệu đồng.
7. Hoạt động 7: hỗ trợ lao động nông thôn học nghề
- Số lao động nông thôn được dạy nghề: 129.000 người.
- Kinh phí dự kiến: 342.700 triệu đồng.
(Xem chi tiết phụ lục 4,5)
8. Hoạt động 8: Giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án
- Kinh phí dự kiến là 1.700 triệu đồng.
(Xem chi tiết về phân bổ kinh phí từng giai đoạn ở phụ lục 1,2,3)
II. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ)
F. KINH PHÍ VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN
1. Tổng số kinh phí thực hiện Đề án
Tổng số: 486.290 triệu đồng; trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 473.290 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 13.000 triệu đồng.
2. Kinh phí của Đề án theo tiến độ thực hiện
* Kinh phí thực hiện năm 2010:
Tổng kinh phí : 21.450 triệu
-Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 19.450 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 2.000 triệu đồng.
* Giai đoạn 2011- 2015:
Tổng kinh phí: 282.058 triệu đồng; trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 271.058 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương:11.000 triệu đồng.
* Giai đoạn 2016- 2020
Tổng số: 182.782 triệu đồng; trong đó:
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 182.782 triệu đồng.
3. Kinh phí của Đề án theo tính chất nguồn vốn
- Vốn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề: 135.000 triệu đồng;
(Xem chi tiết tại phụ lục 7)
- Vốn sự nghiệp: 351.290 triệu đồng.
4. Cơ chế tài chính của Đề án
Hàng năm, UBND các huyện, thị xã và thành phố cân đối và bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cho các hoạt động của Đề án này.
Ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho Trường Cao đẳng nghề Gia Lai, Trường trung cấp nghề Thanh Niên Dân tộc Gia Lai; 2 Trung tâm Dạy nghề thành lập năm 2010 và 11 Trung tâm Dạy nghề thành lập trong năm 2011 và năm 2012.
Ngân sách Trung ương hỗ trợ lao động nông thôn học nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 – 2020 và hàng năm ngân sách tỉnh cũng được bố trí để thực hiện theo Đề án này.
Huy động thêm nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Đề án, hỗ trợ của doanh nghiệp cho dạy nghề.
H. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo Tỉnh:
- Trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án, tham mưu cho UBND tỉnh về: Chủ trương, chính sách đào tạo nghề lao động nông thôn; bảo đảm các điều kiện về ngân sách, biên chế giáo viên dạy nghề, biên chế cán bộ làm công tác dạy nghề ở tỉnh và ở các huyện, thị xã, thành phố; cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các cơ sở dạy nghề công lập thuộc địa phương quản lý; quyết định dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí dạy nghề theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
- Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thực hiện các quy định của pháp luật về dạy nghề và kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế đối với các cơ sở dạy nghề.
- Tổ chức thực hiện chủ trương xã hội hoá sự nghiệp dạy nghề.
2. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành của tỉnh:
2.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Là cơ quan thường trực thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí hàng năm và từng giai đoạn của Đề án gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan điều phối và hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án;
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm, 5 năm; tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND Tỉnh đưa vào dự toán ngân sách nhà nước;
- Dự kiến phân bổ kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn cho các cơ sở dạy nghề gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh;
- Chủ trì tổ chức các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn;
- Chủ trì phối hợp với Sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện Đề án.
2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức xây dựng danh mục nghề, kế hoạch dạy nghề các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên;
- Phối hợp với Công ty Viễn thông để cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đến xã;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện liên quan thực hiện thí điểm triển khai hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn;
- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
2.3. Sở Nội vụ
- Xây dựng kế hoạch đào tạo cho cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh
- Tổ chức thực hiện đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã. Tổng hợp nhu cầu kinh phí về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã gủi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
- Hướng dẫn và bố trí 01 biên chế hành chính theo dõi về công tác dạy nghề cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện.
- Hướng dẫn và bố trí cho các Trung tâm dạy nghề đảm bảo mỗi nghề đào tạo có một giáo viên cơ hữu; bảo đảm mỗi trung tâm dạy nghề có 25 biên chế sự nghiệp dạy nghề.
2.4. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề và chủ động lựa chọn các loại hình học nghề sau phổ thông;
- Phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia học nghề để lập thân, lập nghiệp.
2.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư :
Bố trí kinh phí để thực hiện Đề án từ năm 2010 và giai đoạn 2011 đến 2020 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2.6. Sở Tài chính:
Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các chính sách, hoạt động trong Đề án; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
2.7. Sở Công Thương:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức xây dựng danh mục nghề, kế hoạch dạy nghề các nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên.
- Chủ trì, phối hợp với một Công ty viễn thông để cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn đến cấp xã.
2.8. Sở Thông tin và Truyền thông:
Hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương, văn phòng thường trú, các cơ quan xuất bản tài liệu không kinh doanh đẩy mạnh công tác tuyên truyên về dạy nghề cho lao động nông thôn.
2.9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiếu phim lưu động, cổ động trực quan, tăng cường công tác tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn.
3. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020 ở cấp huyện do 1 đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách văn xã làm Tổ trưởng, thường trực là Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, thành viên là lãnh đạo các phòng: Nông nghiệp và Phát triển kinh tế nông thôn, Nội vụ, Tài chính và Kế hoạch, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo UBND các xã, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động huyện…
- Quy hoạch, bố trí đất sạch để xây dựng các Trung tâm dạy nghề, ít nhất một Trung tâm có diện tịch từ 2 ha đến 3ha.
- Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020 tới các cán bộ chủ chốt cấp xã.
- Tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
- Xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của địa phương trên cơ sở Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; tổ chức và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện;
- Lựa chọn người có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, am hiểu về công tác dạy nghề làm cán bộ chuyên trách quản lý công tác dạy nghề ở Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội;
- Thực hiện các hoạt động tuyên truyền; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và của thị trường lao động trên địa bàn; trên cơ sở đó, xác định danh mục nghề đào tạo và kế hoạch dạy nghề của địa phương; thực hiện các hoạt động khác của Đề án do UBND cấp tỉnh giao.
- Tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân thực hiện chủ trương xã hội hóa dạy nghề;
- Tổ chức kiểm tra hoạt động dạy nghề và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra giám sát và báo cáo định kỳ quý, 06 tháng, năm về dạy nghề và thực hiện Đề án về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về dạy nghề trên địa bàn và xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
4. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn:
- Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện kế hoạch dạy nghề của huyện, thị xã, thành phố phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn tổ chức các lớp dạy nghề trên địa bàn.
- Phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý, kiểm tra hoạt động dạy, học nghề theo hình thức kèm cặp nghề trong các hộ gia đình, làng nghề tại địa phương.
- Thống kê các đối tượng được hưởng chính sách người có công, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách xã hội khác trên địa bàn quản lý đang trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề để xét tuyển vào các khoá học nghề theo quy định.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách dạy nghề cho các đối tượng được hưởng chính sách ở địa phương, bảo đảm chính sách được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng.
5. Trách nghiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án:
- Hội Nông dân Tỉnh Gia Lai chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn miễn phí về dạy nghề, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; tham gia dạy nghề và giám sát tình hình thực hiện Đề án ở các địa phương;
- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về học nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn trong Đề án này;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai; Hội Cựu chiến binh Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội khác và các hội nghề nghiệp khác tham gia vào các hoạt động phù hợp của Đề án.
6. Trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề:
- Tổ chức tuyển sinh, dạy nghề đúng đối tượng, đúng nội dung chương trình dạy nghề, học liệu đã đăng ký và theo hợp đồng ký kết với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Sử dụng kinh phí đúng quy định, đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát; tập hợp và lưu giữ các chứng từ thu chi, thanh quyết toán theo chế độ kế toán hiện hành, chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lý của chứng từ đó;
- Tổ chức xây dựng, biên soạn và phê duyệt chương trình, giáo trình dạy nghề để làm tài liệu giảng dạy các nghề của cơ sở mình; đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật về dạy nghề;
- Lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 06 tháng, hàng năm về dạy nghề của đơn vị và gửi báo cáo định kỳ 06 tháng trước ngày 31 tháng 5 và báo cáo năm trước ngày 15 tháng 12 hàng năm về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo lên cấp trên;
- Tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá hoàn thành khóa học cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật cho người học nghề đạt yêu cầu./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.