ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 750/QĐ-UBND | Bình Phước, ngày 16 tháng 04 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP THANH NIÊN CÔNG NHÂN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH VÀ DOANH NGHIÊP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2013 - 2017
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới;
Thực hiện Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 29/11/2011 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bình Phước về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
Xét đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tại Công văn số 75-TTr/TĐTN-TC ngày 02/4/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2017.
Điều 2. Giao:
1. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ trì, phối hợp các các ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Đề án đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra.
2. Sở Tài chính, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Đề án, chủ động phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức thực hiện Đề án phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đơn vị.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành, kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP THANH NIÊN CÔNG NHÂN TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH VÀ DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2013 - 2017
(Kèm theo Quyết định số: 750/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 của UBND tỉnh)
Phần thứ I:
ĐẶT VẤN ĐỀ
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
Điều 4 Luật Thanh niên đã nêu rõ: “Thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, ý chí vươn lên phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có trách nhiệm góp phần tích cực vào việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên”.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, văn hóa đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ IX đã xác định “Thường xuyên quan tâm chăm lo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao; các chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ, trọng dụng hiền tài phải được cụ thể hóa; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược”.
Bình Phước là một tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm ở vùng Đông Nam bộ; là đơn vị đang bước vào phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, người lao động trong các doanh nghiệp, trong đó có thanh niên công nhân trong độ tuổi lao động chưa được quan tâm nhiều từ cộng đồng xã hội, từ cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và tổ chức đoàn, hội trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thanh niên của tỉnh với cường độ, áp lực trong lao động sản xuất, thường xuyên phải tăng ca, tăng giờ, thời gian lao động kéo dài từ 8 - 12 tiếng, thanh niên công nhân không còn thời gian để tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng, rất thiếu các thông tin thời sự về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương.
Hiện nay, tổng số thanh niên công nhân trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh là 11.239 lao động trong độ tuổi thanh niên nhưng gần như các tổ chức chưa thể tiếp cận và tập hợp các đối tượng thanh niên vào tổ chức đoàn, hội để chăm lo, rèn luyện giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng hùng hậu này. Với sự nỗ lực của Đoàn Thanh niên tỉnh đã tiếp cận các doanh nghiệp và thanh niên công nhân thành lập được 18 Chi đoàn (bao gồm cả trong và ngoài khu công nghiệp) và các câu lạc bộ, đội nhóm nhưng khá khiêm tốn, chưa đầy 1.000 đoàn viên, hội viên so với tổng số thanh niên công nhân đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp là 11.239 (chiếm khoảng 10% là quá thấp).
Vì vậy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tăng cường công tác đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2013 - 2017 có ý nghĩa quan trọng và cấp bách. Hiện nay, nếu không tập hợp thanh niên công nhân vào tổ chức để tuyên truyền giáo dục, rèn luyện sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và gánh nặng xã hội phải giải quyết về vấn đề chính trị, tư tưởng, tệ nạn xã hội trong thanh niên công nhân và các khu nhà trọ thanh niên công nhân đang sinh sống; việc nắm bắt tình hình và diễn biến tư tưởng của thanh niên công nhân cũng rất khó khăn và rất nhiều vấn đề khác tác động đến thanh niên công nhân.
II. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
1. Căn cứ chính trị, pháp lý:
Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị về việc “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”;
Nghị quyết số 02/NQ-TWĐTN ngày 14/1/1998 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức đoàn hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”;
Hướng dẫn số 03-HD/TWĐ ngày 25/5/1998 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc “Thành lập tổ chức đoàn hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” và Kết luận ngày 16/10/2001 của BCH Trung ương Đoàn về “Tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và xây dựng tổ chức đoàn hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”;
Luật Thanh niên ngày 29/11/2005;
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;
Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;
Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới;
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam;
Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 29/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
Thông báo số 1444-TB/TU ngày 14/01/2013 của Tỉnh ủy về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc họp giao ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh năm 2012;
Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020 (Phê duyệt kèm theo Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 09/5/2012 của UBND tỉnh);
Thông báo kết luận số 1861-TB/TU ngày 20/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại phiên họp lần thứ 13/2013 - khóa IX ngày 12/6/2013 đối với Đề án tăng cường công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2017.
2. Cơ sở thực tiễn:
2.1. Tình hình thanh niên công nhân:
Thanh niên Bình Phước trong độ tuổi từ 16 - 30, có 270.124/922.889.000 dân số của tỉnh, lực lượng thanh niên chiếm 29,52% tổng dân số và 51,07% lực lượng lao động trong toàn tỉnh). Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh của các khu, cụm công nghiệp tập trung và tốc độ đô thị hóa nhanh nên tỷ lệ thanh niên có sự thay đổi theo hướng tăng nhiều ở khu vực đô thị và giảm ở khu vực nông thôn. Riêng trên lĩnh vực công nghiệp, thời gian gần đây thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất tại tỉnh góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân lao động, trong đó có thanh niên.
Thanh niên tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phần đông là những thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 30; đa số thanh niên là những người từ các tỉnh khác đến Bình Phước làm việc, sinh sống.
Tính đến 31/12/2013, toàn tỉnh đã có 7/14 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, thu hút 117 dự án đăng ký đầu tư và đã có 64 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh có 3.809 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn 27.847 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bước đầu đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kích thích các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ phát triển. Số lao động thanh niên tham gia lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 37.724 lao động. Trong đó, có khoảng 11.239 lao động thanh niên đang làm việc trong các doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc quy hoạch 14 KCN và 01 Khu Kinh tế cửa khẩu, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng, cùng với các nhà đầu tư hạ tầng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại các KCN, Khu kinh tế (KKT) trong tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy trung bình 7 KCN đã đi vào hoạt động hiện nay chỉ đạt gần 35%, thu hút trên 13.000 lao động. Như vậy, nếu tỷ lệ doanh nghiệp đi vào hoạt động để lấp đầy diện tích tại 7 KCN nói trên, phải cần khoảng 40.000 lao động. Với các KCN, KKT còn lại, tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, dự báo trong thời gian tới các KCN, KKT tiếp tục phát triển, đi vào hoạt động, hằng năm thu hút từ 1.000 đến 3.000 lao động. Như vậy đến năm 2020, khi tất cả 14 KCN đi vào hoạt động, được lấp đầy và số KCN, KKT khác đi vào hoạt động, dự báo cần khoảng 60.000 lao động.
Từ những số liệu trên cho thấy số lao động đến Bình Phước, trong đó có thanh niên sẽ là rất lớn. Thực trạng này đòi hỏi có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đối với công tác chăm lo, hỗ trợ thanh niên công nhân.
Tuy nhiên, hiện nay thanh niên công nhân phần lớn là lao động phổ thông, (một số ít làm trong các khâu kỹ thuật, hành chính văn phòng) có nhận thức pháp luật và tác phong công nghiệp chưa cao. Nhìn chung, thời gian lao động hiện nay trong thanh niên công nhân từ 8 giờ - 12 giờ/ngày, việc làm thiếu ổn định, điều kiện sống còn gặp khó khăn. Họ mong muốn có việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định, được học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề và phát triển cá nhân; được tham gia tổ chức đoàn, hội; được hỗ trợ, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và chính đáng; được vui chơi giải trí lành mạnh, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và giao lưu, kết bạn.
2.2. Kết quả công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua:
a) Công tác xây dựng tổ chức:
Tính đến tháng 4/2013, đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên đã xây dựng được 18 Chi đoàn, Chi hội với tổng số 741 đoàn viên thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thành lập 6 câu lạc bộ thu hút sự tham gia của 112 thanh niên. Các hoạt động này đã tạo động lực cho các Chi đoàn, Chi hội hoạt động, thu hút được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương. Ngoài ra, còn có trên 10.000 thanh niên công nhân tham gia vào các Câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích ở địa phương và tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng do đoàn, hội các cấp, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tổ chức.
b) Hoạt động tuyên truyền giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân, các Huyện, Thị đoàn và đoàn trực thuộc đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân.
Nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thanh niên công nhân được tổ chức thường xuyên và định kỳ, mang lại hiệu quả thiết thực như: Các hoạt động tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong lao động công nghiệp; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát động phong trào thi đua lao động giỏi, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chiếu phim, vui chơi giải trí, các hoạt động xã hội trong thanh niên công nhân. Đồng thời, các cấp bộ đoàn tổ chức các đợt tuyên truyền vận động các chủ nhà trọ công nhân không tăng giá phòng trọ, thực hiện giá điện, nước đúng quy định. Đặc biệt, tổ chức đoàn, hội các cấp tập hợp, đoàn kết thanh niên công nhân tham gia các Câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích và các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân; thành lập và duy trì hoạt động của 03 Văn phòng Hỗ trợ thanh niên công nhân tại 3 KCN (Đồng Xoài, Chơn Thành và Minh Hưng) với các hoạt động phục vụ miễn phí cho công nhân (tư vấn pháp luật, sức khỏe, tư vấn việc làm, nhà trọ, đọc sách, báo, truy cập Internet miễn phí và tủ sách lưu động tại các khu nhà trọ). Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tiếp tục xin chủ trương thành lập thêm Văn phòng Hỗ trợ thanh niên công nhân tại KCN Bắc Đồng Phú.
Hằng năm, có trên 1.000 thanh niên công nhân được đào tạo Tin học căn bản miễn phí, trên 7.000 lượt công nhân được tư vấn pháp luật, sức khỏe, việc làm, đọc sách báo, truy cập Internet, xem ti vi, hát karaoke miễn phí.
Tại các KCN, cụm nhà trọ công nhân, Ngày hội văn hóa, Ngày hội thanh niên khỏe, các hội thi, hội diễn về văn nghệ, thể dục thể thao; chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình sân chơi cuối tháng; lễ cưới tập thể; thi tay nghề giỏi; tuyên dương công nhân lao động giỏi; các hoạt động tuyên truyền Năm An toàn giao thông, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng, chống dịch bệnh; thi giấy phép lái xe hạng A1; bán hàng với giá ưu đãi; gọi điện thoại miễn phí; khám bệnh phát thuốc miễn phí; gặp mặt công nhân xa quê; thăm và tặng quà cho công nhân, con em công nhân... thường xuyên diễn ra, thu hút trên 20.000 lượt thanh niên công nhân tham gia và phần nào đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của công nhân. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mang lại niềm vui đối với công nhân, kích thích tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với công nhân lao động.
c) Đánh giá chung
* Ưu điểm:
Công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt được những kết quả như trên là nhờ vào sự chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp, các mô hình đoàn kết, tập hợp thanh niên hiệu quả của các cấp bộ đoàn, của cán bộ đoàn, hội đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ việc tổ chức các hoạt động chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân, chủ các doanh nghiệp cũng như thanh niên công nhân đã hiểu hơn về tổ chức đoàn, sự cần thiết của tổ chức đoàn trong doanh nghiệp. Do vậy, đã có nhiều doanh nghiệp ủng hộ việc xây dựng tổ chức đoàn, hội tại doanh nghiệp; đã có nhiều thanh niên công nhân nộp đơn đăng ký tham gia tổ chức đoàn, hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 29/11/2011 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đoàn, hội các cấp đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
* Hạn chế và khó khăn:
Tổ chức đoàn, hội rất khó khăn trong việc tiếp xúc, vận động chủ doanh nghiệp để thành lập Chi đoàn, Chi hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng đến thời gian làm việc của công nhân và hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp vốn 100% nước ngoài. Các Chi đoàn, Chi hội trong các doanh nghiệp đã thành lập thì chưa được quan tâm đúng mức của các chủ doanh nghiệp; thanh niên công nhân cũng thường thay đổi chỗ ở, nơi làm việc, tăng ca; đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng hoạt động của các Chi đoàn, Chi hội thanh niên.
Chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở và thu hút nguồn lực xã hội chăm lo cho thanh niên công nhân khu vực ngoài quốc doanh; một số đơn vị còn lúng túng trong việc chỉ đạo việc xây dựng tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn xem nhẹ việc chăm lo quyền lợi, nhu cầu của thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khoán trắng cho tổ chức đoàn, hội.
Lực lượng cán bộ chuyên trách thực hiện công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân nhìn chung là chưa có kinh nghiệm. Đặc biệt, đội ngũ này rất mỏng tại các địa bàn huyện, xã có doanh nghiệp đóng trên địa bàn, có đông thanh niên công nhân ở trọ. Bên cạnh đó, đội ngũ BCH Chi đoàn, Ban điều hành Chi đội, Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ, đội nhóm trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp số đông chưa qua các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ mà chỉ có sự nhiệt tình năng nổ của bản thân; chưa có sự quan tâm đào tạo và đảm bảo quyền lợi cho lực lượng nòng cốt này.
Ngân sách đầu tư cho các chương trình, công trình phúc lợi xã hội phục vụ cho thanh niên công nhân, trong đó có thanh niên ngoài tỉnh đến Bình Phước làm việc còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng tốt những nhu cầu cơ bản của thanh niên, đặc biệt là nhu cầu về chỗ ở, học tập, chuyên môn, nghiệp vụ, nhu cầu về trường học cho thanh niên công nhân và vui chơi giải trí.
Kinh phí hoạt động các chi hội, Câu lạc bộ bộ hiện nay là tự túc, tự đóng góp là chính và thiếu các địa điểm để tổ chức sinh hoạt, các phong trào cách mạng của đoàn.
Phần II:
NHỮNG NỘI DUNG, GIẢI PHÁP CƠ BẢN CỦA ĐỀ ÁN
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN:
1. Mục tiêu:
Thông qua công tác xây dựng tổ chức và các hoạt động của thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao ý thức pháp luật, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh và học tập cho thanh niên công nhân.
Tăng cường công tác đoàn kết tập hợp thanh niên (ĐKTHTN) khu vực ngoài quốc doanh nhằm giáo dục, bồi dưỡng và phát huy sức mạnh của thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên lao động, rèn luyện, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và quê hương Bình Phước, góp phần tạo môi trường tốt thu hút đầu tư và lao động đến với Bình Phước.
Mở rộng các hoạt động và phát triển tổ chức đoàn, hội (gồm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam) trong thanh niên công nhân thông qua các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, địa bàn khu nhà trọ, phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra của Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 29/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Qua việc xây dựng tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giúp phát triển đoàn viên, hội viên để tạo nguồn thanh niên ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng, giúp cấp ủy Đảng các cấp tiến hành xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Yêu cầu:
Đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả của Đề án nhằm chăm lo lợi ích và nhu cầu chính đáng, gắn liền với trách nhiệm của thanh niên công nhân.
Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ở các địa phương, doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, đoàn thể, của tổ chức đoàn thanh niên, Hội LHTN Việt Nam và của các chủ doanh nghiệp.
Việc xây dựng tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tiến hành từng bước trên cơ sở khảo sát, chỉ đạo điểm và rút kinh nghiệm; nơi có điều kiện thì tiến tới thành lập tổ chức đoàn. Trước mắt, tập trung cho công tác xây dựng đoàn, hội ở các nhà trọ mà chủ nhân là cán bộ đoàn, hội, là đảng viên, hội viên Hội cựu chiến binh; doanh nghiệp trong nước; sau đó đến các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
3. Phạm vi của đề án:
Thời gian triển khai: Từ năm 2013 -2017. Hình thức:
- Cấp tỉnh: Thành lập các Chi đoàn, Chi hội, Câu lạc bộ trong các khu công nghiệp của tỉnh trực thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp, Hội LHTN khối Doanh nghiệp tỉnh quản lý. Tổ chức và duy trì các hoạt động tại các tổ chức đoàn, hội, câu lạc bộ được thành lập trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp.
- Cấp huyện: Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hành chính của huyện, thị nào thì do huyện, thị đó tập hợp, xây dựng tổ chức đoàn, hội và tổ chức hoạt động; song, tùy theo số lượng thanh niên ở mỗi doanh nghiệp mà Huyện đoàn, Thị đoàn hoặc đoàn xã, phường, thị trấn tiến hành công tác xây dựng tổ chức (được cụ thể tại Mục II. 2.2.Giải pháp thực hiện).
- Đối tượng: Nam, nữ thanh niên công nhân đang sinh sống và làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Phước có độ tuổi từ 16-30.
- Phạm vi thực hiện: Thành lập các Chi đoàn, Chi hội, Câu lạc bộ thanh niên trong các KCN trực thuộc tỉnh quản lý; ngoài KCN đóng chân trên địa phương nào thì do địa phương đó tập hợp, xây dựng tổ chức và quản lý, tổ chức hoạt động.
II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP:
1. Chỉ tiêu cơ bản:
1.1. Phấn đấu duy trì và xây dựng mới ít nhất 30 tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, phấn đấu mỗi năm thành lập từ 5 đến 6 Chi đoàn, Chi hội trong khu công nghiệp; ngoài khu công nghiệp phấn đấu mỗi huyện, thị phát triển ít nhất 01 tổ chức đoàn, hội/1 năm.
1.2. Xây dựng ít nhất 20 đội nhóm hoặc câu lạc bộ theo sở thích.
1.3. Tập hợp ít nhất từ 30% - 40% số đoàn viên thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp hoạt động ổn định vào tổ chức đoàn, hội.
1.4. Xây dựng ít nhất 30% thanh niên là lực lượng nòng cốt tại các Chi đoàn đã được thành lập trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
1.5. Thu hút 50% đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động do đoàn, hội tổ chức.
1.6. Tư vấn pháp luật cho trên 15.000 lượt thanh niên công nhân.
1.7. Khám và cấp thuốc miễn phí cho 15.000 lượt thanh niên công nhân.
1.8. Phối hợp đào tạo nghề cho trên 5.000 lao động.
1.9. Phối hợp giới thiệu việc làm cho trên 5.000 lao động.
1.10. Tổ chức ít nhất 30 chương trình văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao phục vụ cho thanh niên công nhân tại các doanh nghiệp.
2. Nội dung, giải pháp:
2.1 Nội dung:
a) Củng cố tổ chức bộ máy và đa dạng hóa các phương thức nhằm tập hợp, phát triển tổ chức trong thanh niên khu vực ngoài quốc doanh, khu nhà trọ:
Củng cố tổ chức bộ máy làm công tác tập hợp thanh niên từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn và khu, ấp... nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu tập hợp, phát triển tổ chức của Đề án.
Việc tập hợp đoàn kết thanh niên nói chung và thanh niên công nhân phải được đưa thành chỉ tiêu cụ thể trong chương trình công tác định kỳ hằng năm của Ban chỉ đạo Chiến lược phát triển thanh niên các cấp.
Đa dạng hóa các phương thức tập hợp thanh niên; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên tham gia sinh hoạt; qua đó, thu hút thanh niên tham gia hoạt động và phát triển tổ chức trong khu nhà trọ.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cộng tác viên, xây dựng lực lượng nòng cốt nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng tổ chức.
b) Chăm lo lợi ích và nhu cầu chính đáng của thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh:
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở, thu hút nguồn lực xã hội chăm lo đời sống thanh niên và phát triển tổ chức. Vận động các chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ có công nhân ở trọ; huy động thanh niên tình nguyện; tài trợ của các mạnh thường quân... tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh niên công nhân. Hằng năm, tổ chức tuần lễ Thanh niên công nhân Bình Phước vào tháng 5.
Chính quyền các cấp đầu tư ngân sách thực hiện các chương trình, đề án, công trình phúc lợi xã hội chăm lo thanh niên công nhân; xây dựng các chương trình, đề án và phối hợp triển khai thực hiện trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, tập trung đáp ứng nhu cầu học nghề, học tập, chăm sóc sức khỏe của thanh niên công nhân; tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản; nâng cao khả năng tiếp cận cộng đồng của thanh niên khu vực ngoài quốc doanh.
c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Nâng cao nhận thức pháp luật trong đối tượng thanh niên khu vực ngoài quốc doanh. Xây dựng chương trình thực hiện cụ thể, trong đó tập trung một số nội dung có liên quan, thiết thực đối với thanh niên công nhân như: Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông đường bộ, pháp luật về phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội, quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội.
2.2 Giải pháp thực hiện:
a) Xây dựng tổ chức, bộ máy thực hiện công tác tập hợp, phát triển tổ chức:
* Xây dựng bộ máy chuyên trách các cấp
- Đối với cấp tỉnh: Thành lập Tổ công tác chuyên đề cấp tỉnh về thực hiện Đề án (tháng 9/2013)
Ban chỉ đạo thực hiện đề án gồm: Bí thư Tỉnh đoàn - Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Phó Trưởng ban chỉ đạo và các thành viên: Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh đoàn, lãnh đạo Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Tỉnh đoàn; mời đại diện Ban Thường vụ Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh, lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân - Thành viên. Thành lập Tổ giúp việc gồm đại diện: Ban Tổ chức Tỉnh đoàn, Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Tỉnh đoàn, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tỉnh, Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh. Ban chỉ đạo, tổ công tác làm việc theo hình thức kiêm nhiệm.
Sau khi Đề án được phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy:
+ Thuận chủ trương cho Tỉnh đoàn hợp đồng 3 cán bộ đoàn tham gia thực hiện Đề án theo định mức khoán kinh phí hoạt động.
+ Bổ sung biên chế cho Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh khi có biên chế do Ban Tổ chức Trung ương giao cho Tỉnh ủy, để đoàn khối tổ chức hoạt động cho thanh niên công nhân tại các khu, cụm công nghiệp và xây dựng, thành lập tổ chức đoàn, hội ở các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trực thuộc tỉnh quản lý.
- Đối với đoàn cấp huyện, thị và cấp xã, phường, thị trấn:
+ Đối với các Huyện, Thị đoàn: Các đơn vị chủ động và căn cứ Đề án tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng kinh phí hoạt động cho các Huyện, Thị đoàn trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cấp kinh phí thêm phục vụ cho hoạt động tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp, ngoài kinh phí được khoán theo định mức hằng năm).
+ Đối với cấp xã, phường, thị trấn: Phân công trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ phụ trách; đồng thời, đưa nội dung tập hợp thanh niên nói chung và thanh niên trong các doanh nghiệp vào chương trình công tác hằng năm của Ban chỉ đạo Chiến lược phát triển thanh niên và được bổ sung thêm kinh phí phục vụ hoạt động đặc thù theo nội dung, chương trình đề án; đối với các xã có các khu công nghiệp đang hoạt động mà có nhiều thanh niên công nhân hơn so với thanh niên địa phương thì các đơn vị tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng kinh phí cho công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng phối hợp với huyện, thị xã, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân, Đoàn khối Doanh nghiệp để triển khai công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên thật sự hiệu quả.
* Xây dựng lực lượng nòng cốt
Phát triển lực lượng nòng cốt của các tổ chức, tập trung vào số thanh niên đã là đoàn viên, hội viên, thanh niên tiên tiến, tích cực để tổ chức hoạt động và xây dựng tổ chức.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quản lý lực lượng nòng cốt là Bí thư các đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở. Đoàn cấp huyện quản lý lực lượng nòng cốt là Bí thư, Phó Bí thư, ủy viên Ban chấp hành các đoàn cơ sở, Chi đoàn cơ sở, Chi đoàn, Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ do đơn vị thành lập. Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân quản lý Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ do đơn vị thành lập tại các Văn phòng Hỗ trợ thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp. Đoàn các cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho lực lượng nòng cốt này.
Hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ theo sở thích do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân quản lý, câu lạc bộ kỹ năng cấp huyện quản lý; đồng thời, có kế hoạch để các câu lạc bộ tham gia cùng tổ chức đoàn, hội cấp xã tổ chức các hoạt động, thành lập tổ chức và giúp đỡ lực lượng nòng cốt.
* Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đoàn, hội trực tiếp làm công tác vận động tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Định kỳ hàng năm tổ chức lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác đoàn và phong trào thanh niên cho đội ngũ BCH các cơ sở đoàn đã được thành lập theo phân cấp đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh quy định.
Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện cấp I Trung ương Hội LHTN và thông qua Hội đồng huấn luyện cấp tỉnh huấn luyện viên sử dụng lực lượng này tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ cơ sở.
Định kỳ tổ chức liên hoan gặp gỡ và tuyên dương các mô hình, nêu gương cán bộ điển hình trong công tác ĐKTHTN trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
* Hình thức tập hợp và tổ chức, quản lý các Chi đoàn, Chi hội.
- Thành lập các Chi hội, Câu lạc bộ (sở thích, nghề nghiệp, tiết kiệm vay vốn...) trực thuộc Hội LHTN Việt Nam huyện, thị, khối Doanh nghiệp và nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên tham gia sinh hoạt; nơi có điều kiện thành lập các Chi đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu nhà trọ trực thuộc đoàn xã, phường, thị trấn; đoàn cơ sở trong các khu công nghiệp, Văn phòng Hỗ trợ thanh niên công nhân, khu nhà trọ trực thuộc Huyện đoàn, Thị đoàn.
- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp bộ đoàn, hội trong công tác vận động thanh niên các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng “Doanh nghiệp tư nhân đóng trên huyện, thị nào thì do huyện, thị đó tiến hành công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân”, cụ thể:
+ Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh: Đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân trong các KCN, KKT hiện nay do Ban Quản lý KKT tỉnh quản lý.
+ Các Huyện, Thị đoàn thực hiện công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngoài khu công nghiệp, do vậy, doanh nghiệp đóng trên huyện, thị nào do Huyện, Thị đoàn đó tiến hành công tác đoàn, kết tập hợp thanh niên công nhân.
+ Đoàn, hội cấp xã: Đoàn kết, tập hợp thanh niên ở các khu nhà trọ, các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn dân cư (có số lượng đoàn viên ít dưới 20 đoàn viên thanh niên).
b. Đẩy mạnh công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở, thu hút nguồn lực xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng kinh phí cho tổ chức đoàn các cấp trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các cấp bộ đoàn trong tỉnh phối hợp với các ngành, xã hội quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
UBND các cấp có kế hoạch sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa có sẵn tại địa bàn, văn phòng khu, ấp, sân trường... hỗ trợ cho các hoạt động của thanh niên công nhân trong khu, cụm công nghiệp và ngoài khu, cụm công nghiệp.
Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân, các Huyện, Thị đoàn cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở, thu hút nguồn lực xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên công nhân trong và ngoài khu công nghiệp.
Đoàn Thanh niên, Hội LHTN Việt Nam có kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội của tỉnh chỉ đạo theo hệ thống nhằm vận động các đảng viên, cựu chiến binh, hội viên và nhân dân là chủ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thành lập, tạo điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức có hiệu quả các hoạt động đoàn kết tập hợp thanh niên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh.
Mở rộng, nâng cao chất lượng mô hình Câu lạc bộ theo sở thích, Câu lạc bộ văn nghệ, Câu lạc bộ thể thao, Câu lạc bộ hát với nhau... Định kỳ tổ chức gặp mặt, biểu dương chủ doanh nghiệp, các chủ nhà trọ có nhiều đóng góp cho công tác đoàn kết tập hợp thanh niên và chăm lo cho thanh niên công nhân, Tăng cường tổ chức giao lưu, kết nghĩa, hoạt động tình nguyện tại chỗ giữa thanh niên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh; giao lưu giữa thanh niên các nhà trọ với thanh niên địa phương...
Vận động các chủ doanh nghiệp có nhà trọ, chủ nhà trọ; huy động các nguồn lực như: Hoạt động tình nguyện của sinh viên, tài trợ của các mạnh thường quân... tổ chức các hoạt động nhằm chăm lo đời sống thanh niên nhà trọ... Xây dựng các điểm sinh hoạt thanh niên với quy mô, hình thức phù hợp tại các khu đông thanh niên tạm trú như: Khu lưu trú thanh niên công nhân, Hội quán Thanh niên, Câu lạc bộ hát với nhau...
Phát triển các nguồn quỹ xã hội chăm lo cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: “Quỹ hỗ trợ thanh niên xa quê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, các nguồn quỹ hỗ trợ của Công đoàn dành cho công đoàn viên...
3. Tiến độ thực hiện: Chia làm 2 giai đoạn:
* Giai đoạn 1: Từ 2013 - 2015
- Tháng 3/2013: Khảo sát, xây dựng Đề án.
- Tháng 4/2013 - 6/2013: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trình Tỉnh ủy cho ý kiến về việc thực hiện Đề án.
“Tháng 4/2014: Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án.
- Tháng 4/2014: Triển khai thực hiện Đề án. Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cho việc triển khai đề án, khảo sát và tiến hành xây dựng tổ chức ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo các chỉ tiêu cơ bản đã đề ra.
- Năm 2014, tập trung triển khai thực hiện Đề án theo các lộ trình, chỉ tiêu đề ra của Đề án.
- Tháng 12/2015: Sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2.
* Giai đoạn 2: Từ 2016 - 2017
- Tháng 01/2016 - 12/2017: Tiếp tục nắm bắt, tiếp cận các đơn vị để xây dựng và thành lập tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016-2017. Thành lập các Chi đoàn, Chi hội, Câu lạc bộ. Duy trì việc xây dựng lực lượng nòng cốt và tập huấn thường xuyên cho cán bộ đoàn, hội trong các doanh nghiệp và tại các khu công nghiệp.
- Tháng 12/2017: Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
4. Kinh phí thực hiện Đề án:
a) Sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước các cấp để thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lập dự trù kinh phí chi tiết thực hiện đề án theo từng nội dung, giai đoạn, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong đó, có sự phân cấp về kinh phí thực hiện đề án.
b) Ngoài kinh phí được cấp, cơ quan, đơn vị có thể vận động thêm tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho thanh niên công nhân.
c) Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành có liên quan hỗ trợ kinh phí định mức cho một số nội dung chính trong công tác xây dựng tổ chức và cán bộ tham gia thực hiện Đề án, cụ thể:
- Đối với cấp tỉnh: Sau khi Đề án được phê duyệt Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thuận chủ trương hỗ trợ kinh phí để Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hợp đồng 3 cán bộ đoàn tham gia thực hiện Đề án (Kinh phí trả cho cán bộ tham gia thực hiện Đề án được trả bằng định mức kinh phí khoán cho công chức hàng năm của Đảng và Nhà nước). Để các Chi đoàn, Chi hội, CLB, đội nhóm sở thích thanh niên có thể duy trì được hoạt động, được hỗ trợ 1 phần kinh phí phù hợp để ra mắt và duy trì hoạt động. Đồng thời, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ cho việc thành lập mỗi Chi đoàn, Chi hội, câu lạc bộ trong các khu công nghiệp là 2.000.000 đồng/1 đơn vị được thành lập; mỗi tháng hỗ trợ 300.000 đồng/1 đơn vị/ trong năm đầu mới thành lập để chi đoàn, Chi hội duy trì hoạt động.
- Đối với cấp huyện: Các Chi đoàn, Chi hội, câu lạc bộ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh được thành lập ngoài khu công nghiệp thì do ngân sách huyện, thị ở địa phương hỗ trợ. Mức hỗ trợ áp dụng việc thành lập mới các Chi đoàn, Chi hội, câu lạc bộ trong các khu, cụm công nghiệp (Hỗ trợ cho việc ra mắt là 2.000.000 đồng/01 đơn vị được thành lập và duy trì hoạt động 300.000 đồng/01 đơn vị/1 tháng trong 1 năm; thời gian hỗ trợ đề xuất 01 năm).
- Đối với cấp xã: phân cấp thực hiện theo quy định nội dung nêu trên và kinh phí hỗ trợ như cấp huyện, nếu xây dựng và phát triển được tổ chức đoàn, hội (Đề nghị sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chiến lược phát triển thanh niên).
Phần thứ III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai, thực hiện Đề án đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và tổng kết khi kết thúc Đề án.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và các ban, ngành có liên quan bố trí kinh phí để đảm bảo các mục tiêu, tiến độ thực hiện Đề án.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã nơi triển khai Đề án, có trách nhiệm phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn (cơ quan Thường trực Đề án) hướng dẫn, hỗ trợ bố trí kinh phí để tổ chức đoàn cấp huyện triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả; chỉ đạo Ban Thường vụ đoàn cung cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án.
4. Các sở, ban, ngành tỉnh: Ban Quản lý Khu kinh tế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Phước và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng của ngành cùng phối hợp, hỗ trợ Tỉnh đoàn trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Đề án.
5. Ban Thường vụ các Huyện, Thị đoàn và Đoàn khối Doanh nghiệp có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo UBND huyện, thị xã, Đảng ủy khối Doanh nghiệp chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện Đề án./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.