ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/2004/QĐ-UB | Tam Kỳ, ngày 28 tháng 9 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TỔ CHỨC LỄ ĐÓN NHẬN CÁC DANH HIỆU THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY LỄ LỚN, NGÀY TRUYỀN THỐNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số: 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số: 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Hướng dẫn số: 122/TDKT ngày 05/3/2002 của Viện Thi đua - khen thưởng Nhà nước về tổ chức lễ trao tặng và đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số: 124/2003/QĐ-UB ngày 04/12/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số: 1661/TT-TC/HCSN ngày 13/9/2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong việc tổ chức lễ đón nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng và kỷ niệm những ngày lễ lớn, ngày truyền thống.
Điều 2. Sở Tài chính và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát và tham mưu UBND tỉnh xem xét xử lý các trường hợp vi phạm các quy định ban hành kèm theo quyết định này.
Chủ tịch UBND các huyện - thị xã, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định trái với các quy định ban hành kèm theo quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện - thị xã, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể và các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC TỔ CHỨC LỄ ĐÓN NHẬN CÁC DANH HIỆU THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY LỄ LỚN, NGÀY TRUYỀN THỐNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 75/2004/QĐ-UB ngày 28/9/2004 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Việc tổ chức lễ đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, lễ kỷ niệm những ngày lễ lớn, ngày truyền thống đã được các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức trang trọng đã góp phần quan trọng vào việc tôn vinh, biểu dương thành tích, kích thích phong trào thi đua yêu nước và giáo dục truyền thống.
Để chủ động bố trí nguồn kinh phí, thực hành tiết kiệm, tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách địa phương chi cho việc tổ chức lễ đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập các ngành, địa phương, đơn vị với các nội dung chính như sau:
I. Nguyên tắc chung:
1. Các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện - thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ quy định của nhà nước về tổ chức nghi thức lễ trao tặng, đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, lễ kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập ngành chủ động bố trí sử dụng kinh phí trong dự toán ngân sách đã được giao trong kế hoạch hằng năm của địa phương, đơn vị theo đúng Luật ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện trên tinh thần thiết thực, trang trọng, ý nghĩa và tiết kiệm.
2. Tổ chức trao tặng, đón nhận các danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương và các phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước cho các tập thể và cá nhân do UBND tỉnh tổ chức trao tặng, đón nhận chung tại Lễ tổng kết tuyên dương, khen thưởng của tỉnh được tổ chức hàng năm. Trường hợp chưa tổ chức trao tặng được tại Lễ tổng kết tuyên dương, khen thưởng của tỉnh thì kết hợp vào dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống hoặc hội nghị tổng kết năm, hội nghị tuyên dương khen thưởng của ngành, huyện - thị xã và được tổ chức mỗi năm một lần.
Các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện - thị xã tổ chức đón nhận hoặc được uỷ quyền trao tặng theo phương án được UBND tỉnh chấp thuận.
3. Tổ chức kỷ niệm các ngày truyền thống, ngày thành lập ngành phải đúng quy định của Chính phủ đối với những ngành được tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập.
Kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập ngành, địa phương trong tỉnh chỉ được sử dụng kinh phí ngân sách để tổ chức 05 năm một lần (năm thứ 5, năm thứ 10 ...). Đối với các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện - thị xã phải có kế hoạch tổ chức, chủ động cân đối được nguồn kinh phí và được sự đồng ý bằng văn bản của Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.
II. Một số quy định cụ thể:
1. Về chế độ, định mức chi:
Chế độ, định mức chi phục vụ công tác tổ chức đón nhận danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước, kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập các đơn vị, địa phương áp dụng chế độ chi cho hội nghị theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Không được dùng công quỹ để tổ chức liên hoan, chiêu đãi, tặng quà. Trường hợp đặc biệt do UBND tỉnh quyết định.
Không tổ chức diễu hành hoặc đón rước các hình thức khen thưởng từ cấp này, địa điểm này đến cấp khác, địa điểm khác. Việc tặng hoa trong các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm, đại hội,... chỉ được áp dụng cho các cơ quan: Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh.
2. Kinh phí tổ chức lễ:
Các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện - thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phân bổ trong dự toán ngân sách đầu năm của cơ quan, đơn vị, của từng cấp ngân sách theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước để có nguồn kinh phí tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập ngành, đón nhận các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước theo quy định.
Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, tu bổ các công trình liên quan đến các hoạt động chào mừng, lễ kỷ niệm, việc nghiên cứu, hội thảo, sưu tầm tư liệu và biên soạn lịch sử ngành, địa phương, các ngành, địa phương phải bố trí từ kế hoạch vốn đầu tư và dự toán ngân sách hằng năm theo phân cấp để thực hiện, không dự toán tập trung vào các dịp lễ làm bị động, khó khăn trong cân đối dự toán kinh phí.
Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho việc tổ chức lễ đón nhận và phong tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
a. Đối với hình thức khen thưởng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động:
- Các xã, phường, thị trấn, các đơn vị trực thuộc các huyện - thị xã, đơn vị trực thuộc các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh:
+ Miền núi 15 triệu đồng/đơn vị
+ Đồng bằng 10 triệu đồng/đơn vị
- Các huyện - thị xã, các Sở, Ban, Ngành, cơ quan thuộc tỉnh:
+ Miền núi 30 triệu đồng/ đơn vị
+ Đồng bằng 20 triệu đồng/ đơn vị
b. Đối với hình thức khen thưởng là Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập: mức hỗ trợ cho các đơn vị theo từng vùng bằng 50% mức quy định tại điểm a nêu trên.
c. Đối với danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng:
- Trường hợp trao tặng: Chi tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống với mức 500.000đ/mẹ.
- Trường hợp truy tặng: Chi thắp hương cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất với mức 200.000đ/mẹ.
3. Phương thức hỗ trợ:
Căn cứ kết quả thi đua, các danh hiệu được Đảng và Nhà nước công nhận thuộc các nội dung ngân sách tỉnh hỗ trợ để tổ chức lễ nêu trên, các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện - thị xã có trách nhiệm lập dự toán và tổng hợp bằng văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí gửi về Sở Tài chính để thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.
- Đối với các huyện - thị xã, xã, phường, thị trấn: ngân sách tỉnh cấp phát theo hình thức bổ sung có mục tiêu qua ngân sách các huyện - thị xã;
- Đối với các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND tỉnh quyết định bổ sung dự toán chi qua Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Mức ngân sách tỉnh hỗ trợ nêu trên chỉ áp dụng đối với các huyện - thị xã, các xã, phường, thị trấn và các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc tỉnh.
Riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp theo quy định để tổ chức thực hiện.
4. Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ:
- Đối với kinh phí tổ chức lễ trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước (kể cả trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) do UBND tỉnh tổ chức trao tặng tập trung được chi từ nguồn quỹ thi đua, khen thưởng hàng năm của tỉnh,
- Đối với kinh phí tổ chức lễ đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước (được quy định tại điểm 2 nêu trên) ngân sách tỉnh sẽ bố trí theo từng trường hợp cụ thể,
Riêng trường hợp chi thắp hương tại lễ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được chi từ nguồn đảm bảo xã hội bố trí trong dự toán hàng năm qua Sở LĐTB & XH tỉnh.
5. Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán:
Các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí cho việc tổ chức lễ đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập các ngành, địa phương, đơn vị đúng mục đích, tiết kiệm.
Cơ quan Tài chính và Kho bạc nhà nước các cấp thực hiện việc kiểm soát thanh toán và quyết toán theo đúng theo quy định này và các chế độ hiện hành của Nhà nước.
III. Tổ chức thực hiện:
Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh và các địa phương có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo để UBND tỉnh xem xét giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.