ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/2013/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 15 tháng 3 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH “THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI VÀ MỘT SỐ LỄ NGHI, SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG KHÁC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo;
Căn cứ Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về Xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;
Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI VÀ MỘT SỐ LỄ NGHI, SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/2013/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2013 của UBND tỉnh )
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Những nguyên tắc trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác
Các tổ chức, cá nhân khi tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Không lợi dụng để nhằm trục lợi cá nhân.
3. Không để gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình.
4. Không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự công cộng.
6. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.
7. Không sử dụng thời gian làm việc, công quỹ, phương tiện của cơ quan đi đám cưới, lễ hội (trừ cơ quan làm nhiệm vụ).
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI
Điều 3. Trước khi tổ chức lễ cưới
1. Các nghi lễ có tính phong tục, tập quán như: Lễ dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không tổ chức ăn uống linh đình.
2. Thực hiện đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tổ chức đám cưới cho bản thân, cho con phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.
Ngoài ra, theo quy định của cơ quan Đảng đã ban hành thì: Đảng viên phải báo cáo Bí thư chi bộ về quy mô, hình thức tổ chức đám cưới, số lượng khách mời dự, đồng thời phải thực hiện đúng quy ước văn hóa trên địa bàn dân cư, chịu sự giám sát của chính quyền, Ban công tác Mặt trận; đảng viên giữ mối liên hệ nơi cư trú chịu sự giám sát của cấp ủy địa phương.
Bí thư Đảng ủy cấp xã, Trưởng ban Đảng, đoàn thể cấp huyện phải báo cáo Thường trực Huyện ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND cấp xã, trưởng các phòng, ban, đơn vị cấp huyện báo cáo Chủ tịch UBND huyện, thành phố; trưởng các cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc báo cáo Thường trực Tỉnh ủy; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh báo cáo Thường trực UBND tỉnh.
Điều 4. Tổ chức lễ cưới
1. Lễ cưới chỉ được tổ chức khi đã có đăng ký kết hôn; thời gian tổ chức cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc theo quy định của nhà nước.
2. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc.
3. Tổ chức tiệc trà hoặc tiệc mặn thực hiện trong một ngày. Khách mời dự tiệc cưới trong phạm vi họ hàng, láng giềng gần gũi và bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Nếu tổ chức tiệc mặn không mời quá 360 người, mỗi mâm cỗ chỉ sử dụng một chai rượu 650 ml hoặc mỗi người không quá 01 chai bia (lon bia); không mời thuốc lá.
4. Khi đi ăn hỏi, đưa đón dâu, dự tiệc cưới không dùng ô tô công; nếu hai gia đình có điều kiện không sử dụng quá 10 ô tô loại 04 chỗ, 02 ô tô trên 4 chỗ, 20 xe máy và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trật tự công cộng.
5. Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép (không quá 70 dBA) theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
6. Cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang không mời, không dự đám cưới trong giờ làm việc; không lợi dụng việc cưới để vụ lợi; không sử dụng tiền ngân sách của cơ quan, đơn vị để làm quà mừng cưới. Trường hợp cơ quan, đơn vị có nguồn kinh phí do thực hiện tiết kiệm chi theo cơ chế khoán ngân sách hoặc lao động gây quỹ của công đoàn thì được trích một phần kinh phí để làm quà mừng cưới cho đôi vợ chồng thuộc biên chế của cơ quan, đơn vị.
7. Nghi lễ tổ chức đám cưới được thực hiện theo phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc ở từng địa phương nhưng không được trái với quy định của pháp luật hiện hành.
8. Khuyến khích thực hiện việc cưới theo các hình thức sau:
a) Báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới;
b) Mặc trang phục truyền thống theo bản sắc văn hóa dân tộc trong lễ cưới;
c) Tổ chức tiệc trà thay cho tiệc mặn;
d) Tổ chức tại gia đình hoặc nhà văn hóa, hội trường cơ quan;
đ) Đặt hoa tại đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, làm từ thiện hoặc trồng cây lưu niệm ở địa điểm công cộng, di tích lịch sử trong ngày cưới.
Mục 2. TỔ CHỨC VIỆC TANG
Điều 5. Trước khi tổ chức việc tang
1. Gia đình có người qua đời cử người báo cáo chính quyền xã, phường, thị trấn làm thủ tục khai tử. Tùy từng đối tượng, chính quyền địa phương và gia đình thống nhất thành lập Ban lễ tang để tổ chức lễ tang theo đúng quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang có thân nhân là bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, mẹ kế, bố dượng, bố mẹ nuôi, vợ hoặc chồng, con khi qua đời phải báo tin cho thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý.
2. Trường hợp người chết không có gia đình, người thân thì chính quyền cơ sở cùng các đoàn thể hoặc cơ quan, đơn vị và bà con hàng xóm nơi có người chết có trách nhiệm tổ chức đám tang chu đáo. Chi phí được lấy từ tài sản của người chết (nếu có) hoặc từ ngân sách địa phương.
3. Việc khâm liệm, quàn ướp thi hài thực hiện theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng. Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan như: Đặt tên hèm, hú hồn, yểm bùa, tống thần… trong đám tang.
4. Thời gian từ khi người chết đến khi đưa tang không quá 48 giờ. Nếu người chết do bị bệnh dịch không để quá 24 giờ.
5. Ban lễ tang thống nhất với gia đình chương trình điều hành việc tang, thông báo thời gian tổ chức lễ viếng, lễ an táng.
6. Tang phục, cờ tang theo phong tục của từng địa phương và từng dân tộc, tôn giáo.
7. Gia đình tang chủ không làm cơm mời khách đến thăm viếng và đưa tang.
Điều 6. Tổ chức lễ viếng
1. Ban lễ tang cử người điều hành việc phúng viếng theo nếp sống văn hóa, chuẩn bị một số vòng hoa luân chuyển cho các đoàn đến viếng. Các đoàn vào viếng chuẩn bị băng vải đen (kích thước 1,2 m x 0,2 m), với dòng chữ trắng “Kính viếng” dưới có dòng chữ nhỏ ghi tên cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương để gắn vào vòng hoa; viếng xong các băng vải đen được tháo ra treo vào vị trí trang trọng. Khi thực hiện lễ viếng, cả đoàn cử đại diện thắp nhang và cùng mặc niệm.
2. Đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý: Bản thân cán bộ, vợ hoặc chồng, tứ thân phụ mẫu khi mất: Có 01 vòng hoa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; 01 vòng hoa của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cấp huyện; 01 vòng hoa của cơ quan chủ quản nơi trực tiếp công tác; 01 vòng hoa của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn và 01 vòng hoa của thôn, khu phố nơi cư trú.
Đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý: Bản thân cán bộ, vợ hoặc chồng, tứ thân phụ mẫu khi mất: Có 01 vòng hoa của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ cấp huyện; 01 vòng hoa của cơ quan chủ quản nơi trực tiếp công tác; 01 vòng hoa của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn và 01 vòng hoa của thôn, khu phố nơi cư trú.
Các vòng hoa trên giữ nguyên băng chữ và đặt vào nơi trang trọng; Các đơn vị khác đến viếng sử dụng vòng hoa luân chuyển.
3. Nhạc tang có âm lượng vừa phải (chỉ sử dụng loa thùng không dùng loa nén), không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm. Việc chuyển cữu (lúc 24 giờ) được cử nhạc tang nhưng không làm ảnh hưởng đến các gia đình lân cận. Khuyến khích sử dụng băng đĩa nhạc thay cho đội nhạc tang. Không thực hiện ca kèn, chèo đò, giáo ngựa, khóc mướn.
Điều 7. Đưa tang và an táng
1. Ban lễ tang mời đại diện các cơ quan, đoàn thể, các hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố có mặt để đưa tang.
2. Khi đưa tang phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trật tự an toàn công cộng; Không rắc vàng mã, tiền âm phủ, tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài trên đường; Không đốt vàng mã tại nơi an táng.
3. An táng đúng nơi quy định của địa phương. Đặt, xây mộ theo đúng quy định của địa phương và Ban quản lý nghĩa trang. Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ hung táng và mai táng một lần tối đa không quá 5m². Diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát táng (cải táng) tối đa không quá 3m².
Điều 8. Khuyến khích các hoạt động sau trong tổ chức việc tang
1. Hạn chế sử dụng ô tô công đi viếng đám tang, khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng chung xe ô tô để đi viếng.
2. Khuyến khích hình thức hỏa táng, điện táng hoặc mai táng một lần.
3. Các tuần tiết theo phong tục (tuần đầu, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng) chỉ thực hiện trong ngày và tổ chức trong nội bộ gia đình, không mời khách.
Điều 9. Một số quy định thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức; chiến sỹ lực lượng vũ trang và hội viên Hội Cựu chiến binh
1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần ngoài thực hiện theo Quy định này còn thực hiện theo quy định tại Chương V Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về Tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
2. Việc lễ tang của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang tổ chức theo quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
3. Hội viên Hội Cựu chiến binh qua đời tổ chức lễ viếng theo hướng dẫn của tổ chức Hội.
Mục 3. TỔ CHỨC LỄ HỘI
Điều 10. Chuẩn bị lễ hội
1. Trước khi mở hội, địa phương có lễ hội phải có văn bản xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc ban hành Quy chế Tổ chức lễ hội, cụ thể như sau:
a) Những lễ hội khi tổ chức phải được phép của UBND tỉnh:
- Lễ hội được tổ chức lần đầu;
- Lễ hội lần đầu được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn;
- Lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống;
- Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam do người nước ngoài, hoặc người Việt Nam tổ chức;
- Lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức vượt ra ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự hoặc ở trong khuôn viên cơ sở thờ tự nhưng chưa đăng ký tổ chức hàng năm;
- Lễ hội kéo dài quá 03 ngày.
b) Những lễ hội khi tổ chức không phải xin phép nhưng phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước thời gian tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày về thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình và thành phần Ban Tổ chức lễ hội.
- Lễ hội dân gian được tổ chức thường xuyên, liên tục, định kỳ.
- Lễ hội lịch sử cách mạng tiêu biểu có ý nghĩa giáo dục truyền thống.
c) Việc báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định như sau:
- Lễ hội làng phải báo cáo UBND cấp xã;
- Lễ hội cấp xã phải báo cáo Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện;
- Lễ hội cấp huyện phải báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Thành lập Ban Tổ chức lễ hội gồm đại diện chính quyền làm Trưởng ban, đại diện Mặt trận Tổ quốc, đại diện cơ quan quản lý về văn hóa và các cơ quan, đoàn thể có liên quan làm thành viên. Nếu lễ hội có liên quan đến di tích lịch sử, nơi hành lễ tôn giáo thì mời đại diện Ban Quản lý di tích và người trụ trì hành đạo ở đó tham gia.
3. Ban Tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức và điều hành lễ hội.
Điều 11. Tổ chức lễ hội
1. Lễ hội phải được tổ chức chu đáo, an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức. Nội dung tổ chức lễ hội được chia làm hai phần:
a) Phần “Lễ” được tổ chức trang nghiêm, ngắn gọn bảo đảm tính giáo dục truyền thống;
b) Phần “Hội” cần tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian tạo không khí sinh hoạt văn hóa, thể thao vui tươi, lành mạnh. Nghiêm cấm tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, mê tín dị đoan. Không đốt vàng mã trong khu vực lễ hội. Khuyến khích người tham dự lễ hội mặc trang phục theo từng dân tộc, gọn gàng, lịch sự, tạo không khí trang trọng, vui tươi của lễ hội.
2. Trong khu vực lễ hội cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội.
3. Lễ hội gắn với di tích lịch sử, văn hóa, Ban Tổ chức phải có quy định bảo vệ di tích, giữ gìn cảnh quan, môi trường phù hợp.
4. Tổ chức lễ hội phải đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn phòng chống cháy nổ. Thắp hương theo quy định của Ban Tổ chức.
5. Nguồn thu từ công đức, từ thiện, tài trợ và nguồn thu khác từ việc tổ chức lễ hội phải được quản lý, sử dụng công khai theo đúng quy định của pháp luật.
6. Kinh phí tổ chức lễ hội được lấy từ ngân sách địa phương (theo phân cấp, quy mô lễ hội và từ nguồn xã hội hóa).
7. Khuyến khích các hoạt động sau trong tổ chức lễ hội:
a) Tổ chức giới thiệu ý nghĩa lịch sử của lễ hội, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước;
b) Tưởng nhớ công đức của ông cha, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước;
c) Tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao có nội dung bổ ích, lành mạnh và phù hợp với lễ hội.
Mục 4. MỘT SỐ LỄ NGHI VÀ SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG KHÁC
Điều 12. Các hoạt động kỷ niệm, đón nhận danh hiệu
1. Khuyến khích tổ chức lễ kỷ niệm, lễ đón nhận Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen và các danh hiệu cao quý vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý và thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09/8/2004 của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các ngành chỉ tổ chức vào dịp năm chẵn (là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 0), năm tròn (là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là 5)... Những năm khác chỉ tổ chức kỷ niệm trong nội bộ cơ quan, không tổ chức tiếp khách và tặng hoa. Khi được mời dự lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua, chỉ cấp trên trực tiếp và cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ mới tặng hoa, các cơ quan, đơn vị khác không tặng hoa và tiền cho đơn vị tổ chức.
Điều 13. Tổ chức các sinh hoạt cộng đồng khác
1. Việc tổ chức sinh nhật, lễ mừng thọ, tân gia cần tổ chức gọn nhẹ, chỉ mời người thân trong gia đình và một số bạn bè thân thiết. Các đoàn thể, các tổ chức xã hội có thể cử đại diện đến chúc mừng nhưng không ăn uống.
2. Các tổ chức: Hội đồng niên, hội đồng ngũ, hội đồng hương, hội đồng môn, hội hưu trí… nếu tổ chức gặp mặt không nên lãng phí, đảm bảo vui vẻ, có ý nghĩa thiết thực.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm của các Sở, ngành và UBND các cấp
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh thường xuyên kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh các vi phạm trong quá trình thực hiện Quy định này.
2. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh theo Quy định này.
3. Các cơ quan Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền biểu dương những đơn vị, địa phương, cá nhân thực hiện tốt và phê phán những đơn vị, địa phương, cá nhân không thực hiện đúng Quy định này.
4. UBND các huyện, thành phố; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phổ biến Quy định này tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân địa phương thực hiện nghiêm túc.
5. Các thôn, bản, tổ dân phố; cơ quan, đơn vị cần có quy ước, quy chế cụ thể để thực hiện Quy định này.
6. Những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, UBND các huyện, thành phố căn cứ đặc điểm cụ thể để có những quy định phù hợp nhưng không được trái với Quy định này.
Điều 15. Giám sát trong quá trình thực hiện
1. Trong thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội và các lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chịu sự giám sát của Bí thư chi bộ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
2. Các đối tượng khác là nhân dân và gia đình chịu sự giám sát của trưởng thôn, bản, tổ dân phố (gọi tắt là trưởng thôn) và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Điều 16. Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có thành tích thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác được biểu dương, khen thưởng theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân, gia đình và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm hoặc để vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở và xem xét, xử lý theo quy định về đánh giá xếp loại đảng viên, hạ bậc xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và thi đua khen thưởng.
3. Ở các địa bàn dân cư, nếu gia đình nào vi phạm (tùy theo tính chất, mức độ) sẽ không được xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; nếu địa phương nào có từ 03 gia đình vi phạm trở lên sẽ không được xét công nhận danh hiệu làng, bản, tổ dân phố văn hóa.
4. Khuyến khích công dân phát hiện và báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị các hành vi vi phạm Quy định trên.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.