ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/2007/QĐ-UBND | Vinh, ngày 12 tháng 6 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 65/2006/NĐ-CP ngày 23/6/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Quyết định số 86/1999/QĐ.UB ngày 27 tháng 8 năm 1999 về việc ban hành quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/2007/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này nhằm cụ thể hoá các văn bản pháp luật của Nhà nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Mọi hoạt động của các tổ chức cá nhân liên quan đến môi trường đều phải tuân theo các văn bản pháp luật của Nhà nước và bảo vệ môi trường và nội dung của quy định này.
2. Mọi tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường và chấp hành các chế độ kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
1. Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phải gắn liền với bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
2. Hoạt động bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên, lấy phòng ngừa là chính kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra.
3. Thực hiện nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải chịu trách nhiệm khắc phục, bồi thường.
4. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích phát triển công nghiệp sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.
5. Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế để xây dựng, nâng cao ý thức tự giác, kỷ cương trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Chưa được triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường.
3. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, bản kê khai các hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường (theo Luật Bảo vệ môi trường năm 1993) bản cam kết bảo vệ môi trường (theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005) đã đăng ký.
4. Phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động của mình.
5. Khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra.
6. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình.
7. Xây dựng kế hoạch quan trắc và giám sát môi trường định kỳ theo cam kết và báo cáo kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở định kỳ hàng năm đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo phân cấp.
8. Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường.
9. Nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường.
10. Đối với các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh:
Các dự án đầu tư thuộc danh mục quy định tại Phụ lục I kèm theo của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thẩm định và phê duyệt;
Các dự án đầu tư được quy định tại Điều 24 Luật Bảo vệ môi trường phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án xác nhận đăng ký.
Điều 6. Bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung
1. Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Tuân thủ quy hoạch phát triển tổng thể và quy hoạch phân khu chức năng đã được phê duyệt; trước khi triển khai xây dựng phải lập và trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường;
b) Thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; bố trí các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung phải gắn với yếu tố bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo vệ môi trường chung của toàn khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung do mình quản lý;
c) Có đầy đủ các thiết bị, dụng cụ thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và đáp ứng các yêu cầu tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;
d) Có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường và được vận hành thường xuyên;
e) Đáp ứng các yêu cầu về cảnh quan môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng về người lao động;
g) Có hệ thống quan trắc môi trường;
h) Có bộ phận chuyên môn đủ năng lực đó thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
2. Việc triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung chỉ được thực hiện sau khi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và được Sở Tài nguyên về Môi trường xác nhận.
3. Ban quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có nhiệm vụ sau đây:
a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, dự án đầu tư bên trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;
b) Quản lý hệ thống thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung và hệ thống xử lý khí thải;
c) Tổ chức quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường, tổng hợp, xây dựng báo cáo môi trường định kỳ 06 tháng (hoặc đột xuất) báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường.
4. Đối với các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung thực hiện việc tham vấn cộng đồng bằng cách gửi văn bản xin ý kiến về các vấn đề môi trường đến Ban quản lý khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, không phải lấy ý kiến từ Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng tại khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có sự tham gia của các cơ sở đã đầu tư vào khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung.
Đối với các khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thì thực hiện văn bản thoả thuận, góp ý kiến về các vấn đề môi trường đối với các cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong phạm vi mình quản lý (thay cho biên bản lấy ý kiến cộng đồng đối với các cơ sở hoạt động bên ngoài)
Điều 7. Bảo vệ môi trường đối với làng nghề
1. Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề phải gắn với bảo vệ môi trường. Làng nghề phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tổ chức thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, vận chuyển rác thải đến nơi quy định của địa phương.
Nhà nước khuyến khích phát triển khu, cụm công nghiệp làng nghề có chung hệ thống kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm của các làng nghề trên địa bàn mình quản lý và có kế hoạch giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề bằng các biện pháp sau đây:
a) Cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung;
b) Quy hoạch khu, cụm công nghiệp làng nghề để di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư;
3. Cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp làng nghề phải thực hiện các yêu cầu sau đây về bảo vệ môi trường:
a) Nước thải phải được thu gom và chuyển về hệ thống xử lý nước thải tập trung; trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải có biện pháp xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường chung;
b) Chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn và chuyển về khu tập kết chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải; trường hợp chất thải rắn có yếu tố nguy hại thì phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;
c) Đóng góp kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường và nộp đầy đủ phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Bảo vệ môi trường đối với bệnh viện, trung tâm y tế
1. Bệnh viện, trung tâm y tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp và vận hành thường xuyên hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế, đạt tiêu chuẩn môi trường;
b) Thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ loại bỏ các mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh phẩm, rác thải y tế, chất thải rắn thông thường tại nguồn; vận chuyển chất thải rắn thông thường đến nơi quy định của địa phương, có biện pháp xử lý, tiêu huỷ bệnh phẩm, rác thải y tế, thuốc hết hạn sử dụng bảo đảm vệ sinh, tiêu chuẩn môi trường;
c) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;
2. Quy hoạch xây dựng các các bệnh viện, cơ sở y tế mới phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận và tuân thủ nghiêm chỉnh khoản 1, 2, 3 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005.
Điều 9. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng
1. Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ tiêu chuẩn và yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2. Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường sau đây:
a) Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán bụi, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá tiêu chuẩn cho phép;
b) Việc vận chuyển vật liệu xây dựng phải được thực hiện bằng các phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
c) Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
Điều 10. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải
1. Quy hoạch giao thông phải tuân thủ tiêu chuẩn và yêu cầu về bảo vệ môi trường; trước khi xây dựng đường giao thông, chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
2. Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận.
3. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường trong khi tham gia giao thông.
4. Việc vận chuyển hàng hoá, vật liệu có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường;
b) Có giấy phép vận chuyển của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Khi vận chuyển phải theo đúng tuyến đường và thời gian quy định trong giấy phép.
d) Các phương tiện giao thông không được thải khói vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Điều 11. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá
1. Máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hoá chất, hàng hoá nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.
2. Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, hoá chất, hàng hoá sau đây:
a) Máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường;
b) Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hoá chất, hàng hoá thuộc danh mục cấm nhập khẩu;
c) Máy móc, thiết bị, phương tiện bị nhiễm chất phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch;
d) Thực phẩm, thuốc y tế, thuốc bảo vệ động vật, thực vật đã hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn và chất lượng.
3. Hàng hoá, thiết bị, phương tiện có khả năng gây ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, quá cảnh qua địa bàn tỉnh Nghệ An phải được phép và chịu sự kiểm tra chặt chẽ về môi trường của Sở Tài nguyên và môi trường, Chi cục Hải quan.
Điều 12. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
1. Phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Đã được cắt bỏ, tháo dỡ, phân loại, làm sạch, không lẫn những vật liệu, vật phẩm, hàng hoá cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
b) Không chứa chất thải, các tạp chất nguy hại, trừ tạp chất không nguy hại bị rời ra trong quá trình bốc xếp, vận chuyển;
c) Thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.
2. Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tái chế phải có đủ các điều kiện sau đây mới được phép nhập khẩu phế liệu:
a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường;
b) Có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm với phế liệu nhập khẩu;
c) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đạt tiêu chuẩn môi trường.
3. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Chậm nhất là 05 (năm) ngày trước khi tiến hành bốc dỡ phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường về chủng loại, số lượng, trọng lượng phế liệu, cửa khẩu nhập, tuyến vận chuyển, kho, bãi tập kết phế liệu và nơi đưa phế liệu vào sản xuất;
c) Xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu; không được cho, bán tạp chất đó.
Điều 13. Bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản
1. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, phục hồi môi trường sau đây:
a) Thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường;
b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn thông thường; trường hợp chất thải có yếu tố nguy hại thì quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;
c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại ra môi trường xung quanh;
d) Làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản sau khi kết thúc khai thác; phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
2. Khoáng sản phải được lưu giữ, vận chuyển bằng các thiết bị chuyên dụng, được che chắn tránh phát tán ra môi trường
3. Việc sử dụng máy móc, thiết bị, hoá chất độc hại trong thăm dò, khảo sát, khai thác, chế biến khoáng sản phải có chứng chỉ kỹ thuật và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
4. Việc khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, khoáng sản khác có chứa nguyên tố phóng xạ, chất độc hại phải tuân thủ các quy định về an toàn hoá chất, an toàn hạt nhân, bức xạ và các quy định khác về bảo vệ môi trường.
Điều 14. Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch
1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu du lịch, điểm du lịch phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau đây:
a) Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện;
b) Lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh, thiết bị thu gom chất thải;
c) Bố trí lực lượng làm vệ sinh môi trường.
2. Khách du lịch có trách nhiệm thực hiện các quy định sau đây:
a) Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu du lịch, điểm du lịch;
b) Đổ chất thải vào thiết bị thu gom chất thải đúng nơi quy định;
c) Giữ gìn vệ sinh nơi tham quan du lịch;
d) Không được xâm hại cảnh quan, khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, các loài sinh vật tại khu du lịch, điểm du lịch.
3. Sở Du lịch chủ trì phối hợp với các sở ban ngành về Uỷ ban nhân dân cấp huyện có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch theo quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 15. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Không được kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép.
3. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
4. Khu chăn nuôi tập trung phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường sau đây:
a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;
b) Có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường;
c) Chất thải rắn chăn nuôi phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải, tránh phát tán ra môi trường;
d) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;
e) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
5. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định.
Điều 16. Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc thú y, hoá chất trong nuôi trồng thủy sản phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Không được sử dụng thuốc thú y, hoá chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản.
3. Thuốc thú y, hoá chất dùng trong nuôi trồng thuỷ sản đã hết hạn sử dụng; bao bì đựng thuốc thú y, hoá chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
4. Khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường sau đây:
a) Chất thải phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường;
b) Phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động nuôi trồng thuỷ sản;
c) Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản; không được sử dụng hoá chất độc hại hoặc tích tụ độc hại.
5. Không được xây dựng khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vựng cửa sông ven biển; phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.
Điều 17. Bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng
1. Nơi chôn cất, mai táng phải bảo đảm các yêu cầu về môi trường sau đây:
a) Có vị trí, khoảng cách đáp ứng điều kiện về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư;
b) Không gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.
3. Việc mai táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
4. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về vệ sinh phòng dịch.
Điều 18. Quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư
1. Quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư phải là một nội dung của quy hoạch đô thị, khu dân cư.
2. Nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư bao gồm các quy hoạch về đất đai cho xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường và các hệ thống công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường sau đây:
a) Hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung; hệ thống tiêu thoát nước mưa; hệ thống cơ sở thu gom, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn;
b) Hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất;
c) Hệ thống công viên, khu vui chơi, giải trí, công trình vệ sinh công cộng;
d) Hệ thống cây xanh, vùng nước;
đ) Khu vực mai táng.
3. Cấm xây dựng mới cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm, sự cố môi trường trong đô thị, khu dân cư.
Điều 19. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với đô thị, khu dân cư tập trung
1. Đô thị phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch đô thị, khu dân cư tập trung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Có thiết bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng, chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải đã được phân loại tại nguồn từ các hộ gia đình trong khu dân cư;
c) Bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường.
2. Khu dân cư tập trung phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường của khu dân cư;
b) Có nơi tập trung rác thải sinh hoạt bảo đảm vệ sinh môi trường.
3. Chủ đầu tư xây dựng mới khu dân cư tập trung, chung cư phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này thì mới được bàn giao đưa vào sử dụng.
Điều 20. Bảo vệ môi trường nơi công cộng
1. Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ, bỏ rác vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
2. Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau đây:
a) Niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng;
b) Bố trí đủ công trình vệ sinh công cộng; phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng nhu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường;
c) Có đủ lực lượng thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý.
Điều 21. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình
1. Hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải;
b) Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh;
c) Nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
d) Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư;
đ) Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người;
e) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, bản cam kết bảo vệ môi trường.
2. Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí gia đình văn hoá.
Điều 22. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường
1. Nhà nước khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
b) Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải;
c) Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố, nơi công cộng;
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường;
đ) Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
2. Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm, tuân theo quy định của pháp luật.
3. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quy định về hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động có hiệu quả.
Điều 23. Quản lý chất thải
1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng để hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất thải phải tiêu huỷ, thải bỏ; chất thải phải được xác định nguồn thải, khối lượng, tính chất để có phương pháp và quy trình xử lý thích hợp với từng loại chất thải.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát sinh chất thải nguy hại hoặc tham gia quản lý, vận chuyển, sử dụng chất thải nguy hại phải có trách nhiệm lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại trình Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận.
Chi tiết về quản lý chất thải được quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại và Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trương về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại.
Điều 24. Sự cố môi trường
1. Tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu xảy ra sự cố môi trường cần báo ngay cho Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan gần nhất để thực hiện việc ngăn chặn, xử lý kịp thời và phục hồi môi trường.
2. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố;
b) Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đã có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để ứng phó sự cố kịp thời;
c) Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở, địa phương thì người đứng đầu các cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm cùng phối hợp ứng phó;
d) Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ sở, địa phương thì phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.
Chương III
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 25. Thẩm quyền và trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh:
Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo phân cấp tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức đăng ký cấp giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình và các đối tượng được quy định tại điều 24 Luật Bảo vệ môi trường;
c) Chỉ đạo thực hiện công khai thủ tục hành chính về môi trường tại cấp huyện và cấp xã; củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trên địa bàn quản lý;
d) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường; tuyên truyền, phổ biến để nhân dân biết và áp dụng công nghệ mới ít gây ô nhiễm.
e) Chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục sự cố môi trường; giám định các công trình quản lý chất thải của tổ chức, cá nhân trước khi đưa vào sử dụng;
f) Phối hợp với các huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện, phối hợp quản lý bảo vệ môi trường lưu vực sông, vùng bờ...;
g) Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
h) Quy hoạch xây dựng khu tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, bố trí thiết bị đáp ứng yêu cầu thu gom chất thải và phù hợp với việc phân loại tại nguồn phục vụ cho việc xử lý tập trung;
i) Quy hoạch xây dựng khu mai táng, cát táng trên địa bàn huyện đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường như quy định tại Điều 17 Quy định này.
k) Quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với quy hoạch đô thị, khu dân cư.
l) Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xây dựng, vận hành các công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải thuộc phạm vi quản lý của mình.
3. Uỷ ban nhân dânxã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã)
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Công khai niêm yết các thủ tục hành chính về môi trường do UBND tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành;
c) Chủ trì, cùng với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã có văn bản góp ý kiến về các vấn đề môi trường của Dự án đầu tư sự triển khai trên địa bàn (bên ngoài Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung); đối với các dự án phức tạp, nhạy cảm về môi trường cần phối hợp với chủ dự án tổ chức tham vấn cộng đồng về triển khai các dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động theo quy định, thời hạn trả kết quả góp ý kiến tham vấn cộng đồng (bằng văn bản) không vượt quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu tham vấn cộng động của chủ dự án.
d) Niêm yết công khai tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường (không nằm trong Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung) đã được phê duyệt tại trụ sở UBND cấp xã;
e) Bố trí cán bộ phụ trách môi trường, có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng cán bộ môi trường cấp xã.
f) Quy hoạch xây dựng khu mai táng, cát táng trên địa bàn cấp xã đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường như quy định tại Điều 17 Quy định này.
Điều 26. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì soạn thảo, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp luật về quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các văn bản đó;
b) Tham mưu cho UBND tỉnh về chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh;
c) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan giải quyết hoặc đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề môi trường liên ngành, liên huyện;
e) Chỉ đạo xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường và quản lý thống nhất số liệu quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; thực hiện công bố thông tin môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh theo định kỳ và chuyên đề;
f) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ về môi trường, lấy ý kiến của các ngành, các địa phương liên quan xem xét thẩm định cấp hoặc trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận môi trường, cơ sở thân thiện môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường, các loại giấy phép hoạt động trong lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền;
g) Cấp, điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải trên địa bàn tỉnh;
h) Thực hiện hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được giao;
i) Thanh tra, kiểm tra và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;
k) Thẩm định tờ khai phí bảo vệ môi trường và thông báo số phí phải nộp, thời hạn nộp tiền vào ngân sách nhà nước;
l) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn chi sự nghiệp môi trường tại các ngành, các cấp;
m) Phát hiện và hàng năm lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, báo cáo và tham mưu hướng giải quyết trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dâncấp huyện, các chủ đầu tư dự án đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện và các dự án phát triển khác thuộc thẩm quyền;
b) Xem xét trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt đầu tư các dự án xây dựng các hệ thống, cơ sở hạ tầng xử lý môi trường, các dự án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh như kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, tái chế chất thải, vệ sinh môi trường;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, Uỷ ban nhân dân cấp huyện liên quan tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chương trình phát triển bền vững (AGENDA 21) tỉnh Nghệ An.
d) Lồng ghép, cân đối nguồn vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý môi trường tại các đô thị, đồng thời đảm bảo nguồn vốn xây dựng hoàn chỉnh hệ thống bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh cho các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
3. Sở Tài chính
a) Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh đảm bảo ngân sách phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường theo khả năng cân đối ngân sách của địa phương;
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi sự nghiệp môi trường tại các ngành, các cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị và theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong bảo vệ môi trường, quản lý và điều phối các quỹ bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý những vấn đề môi trường bức xúc, nâng cao nhận thức cộng đồng...
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, trong quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, thuốc thú y, chất thải các cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp, quản lý giống cây trồng, giống vật nuôi biến đổi gen và sản phẩm của chúng...;
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có liên quan thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trong công tác quản lý đê điều, thuỷ lợi, bảo vệ tài nguyên rừng và các khu bảo tồn;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi - giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh;
d) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan xây dựng và chỉ đạo thực hiện bảo vệ môi trường trong xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai, dịch bệnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh;
e) Chỉ đạo các Chi cục: Kiểm lâm, Lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật về Phát triển rừng và đa dạng sinh học.
5. Sở Công nghiệp
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường, thống kê nguồn thải trong sản xuất công nghiệp, xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm quản lý;
b) Đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp và chiến lược phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh;
c) Chủ trì, hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn.
d) Hướng dẫn, kiểm tra an toàn hoá chất đối với cơ sở sản xuất, sử dụng hoá chất.
6. Sở Thuỷ sản
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực hoạt động nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản;
b) Đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản trên địa bàn toàn tỉnh.
7. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tại đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung;
b) Đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ tập trung...; không cấp phép xây dựng đối với các cơ sở chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường.
8. Sở Giao thông - Vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nạo vét lòng sông, cảng biển;
b) Bảo đảm bảo vệ môi trường đối với hoạt động giao thông vận tải, các phương tiện tham gia giao thông, có kế hoạch xử lý các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
c) Phòng, ứng cứu sự cố tràn dầu của các phương tiện giao thông thuỷ.
9. Sở Y tế
a) Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý chất thải y tế; công tác bảo vệ môi trường đối với các bệnh viện và các cơ sở y tế khác trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng biện pháp xử lý nước thải, chất thải nguy hại tại các bệnh viện;
b) Quản lý bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sức khoẻ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và hoạt động mai táng.
10. Sở Du lịch
a) Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch theo quy định của pháp luật;
b) Bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm phát triển du lịch không xâm hại đến di sản, khu bảo tồn thiên nhiên, các loài sinh vật tại khu du lịch, điểm du lịch.
11. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình giáo dục môi trường cho các cấp học
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hướng dẫn thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho học sinh, tổ chức phát động và triển khai các chiến dịch học sinh với công tác bảo vệ môi trường, sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng chất thải...
12. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp liên quan xây dựng, hướng dẫn đầu tư thực hiện các nghiên cứu khoa học về môi trường; phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường;
b) Bảo đảm quyền lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy sáng kiến và áp dụng các giải pháp công nghệ trong bảo vệ môi trường;
c) Quản lý nhà nước sở hữu công nghệ và môi trường trên địa bàn, đảm bảo các quyền chuyển nhượng, ký kết hợp đồng dịch vụ thực hiện việc giảm thiểu và xử lý chất thải.
13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh
a) Kịp thời huy động lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố môi trường;
b) Đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm về môi trường;
c) Phối hợp với các ngành, các cấp liên quan kiểm tra, xử lý công tác bảo vệ môi trường.
14. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Nghệ An
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường xây dựng các chuyên mục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh;
b) Phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, phát hiện và nêu điển hình các nhân tố tích cực, các mô hình tốt trong bảo vệ môi trường.
15. Cục Hải quan
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phế liệu nhập khẩu; hàng hoá nhập khẩu, quá cảnh.
16. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể:
Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thú trong phạm vi, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện pháp luật và bảo vệ môi trường.
17.Các sở, ban, ngành khác:
Các sở, ban, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện các quy định và bảo vệ môi trường thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 27. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sự bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Cán bộ công chức, viên chức nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ môi trường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường.
Điều 28. Khen thưởng về bảo vệ môi trường
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì được khen thưởng, hưởng cơ chế khuyến khích ưu đãi theo quy định của pháp luật và theo quy định khác của tỉnh;
2. Hàng năm, căn cứ vào thành tích bảo vệ môi trường của các tổ chức, cơ sở và căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xét khen tặng các giải thưởng môi trường cấp tỉnh và đề nghị xét tặng giải thưởng môi trường cấp quốc gia.
Điều 29. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh; niêm yết công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ, giấy phép trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
2. Trong quá trình thực hiện quy định này, nếu phát sinh vướng mắc, các ngành; UBND các cấp huyện, xã; đơn vị và cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.