ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/2009/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 23 tháng 10 năm 2009 |
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”;
Căn cứ Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 24/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Thủ Dầu Một trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương;
Theo đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một tại Tờ trình số 29/TTr-ĐHTDM ngày 12/10/2009 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 616/TTr- SNV ngày 23/10/2009,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2009/QĐ-UBND ngày 23 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Điều 1. Vị trí
1. Tên trường:
- Tên tiếng Việt: Trường ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT;
- Tên tiếng Anh: Thu Dau Mot University;
- Tên viết tắt: TDMU.
2. Trường Đại học Thủ Dầu Một là trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập.
Trường Đại học Thủ Dầu Một có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ quản của Trường Đại học Thủ Dầu Một. Trường Đại học Thủ Dầu Một chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Trụ sở:
- Trụ sở hiện hữu: Số 6 đường Trần Văn Ơn, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương;
Điện thoại: (0650) 3822518
Fax: (0650) 3837150
Website: thudaumot.edu.vn
- Trụ sở tương lai: xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, thị xã Thủ Dầu Một.
Điều 2. Sứ Mệnh
Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo đại học, sau đại học để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương, của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như đổi mới và phát triển giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đạt được uy tín ngang bằng với đại học của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Điều 3. Mục tiêu
Trường Đại học Thủ Dầu Một là trường trọng điểm được xây dựng, phát triển, trở thành trung tâm đào tạo - nghiên cứu phát triển KHCN, trung tâm văn hóa - giáo dục hàng đầu của tỉnh và khu vực;
Thông qua phát triển các hoạt động đào tạo nhân lực gắn với yêu cầu của sự nghiệp phát triển KT-XH tỉnh, thông qua các hoạt động văn hóa xã hội và các hoạt động khác, nhà trường cần từng bước khẳng định vai trò như một nhân tố động lực có ảnh hưởng quan trọng đối với toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu để năm 2020, Trường Đại học Thủ Dầu Một đạt được trình độ phát triển chung của các trường đại học trong khu vực.
Cùng với hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu - phát triển khoa học công nghệ cũng là hoạt động chính của Trường Đại học Thủ Dầu Một. Phương hướng nội dung nghiên cứu trước hết liên quan đến những nhiệm vụ nhằm hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình đào tạo, kế đến là những nhiệm vụ nghiên cứu - phát triển gắn với những vấn đề thời sự lớn đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những phương hướng khoa học ưu tiên bao gồm:
- Các vấn đề về hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình giảng dạy.
- Các vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Các vấn đề phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao.
- Các vấn đề phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, những ngành mũi nhọn có hàm lượng tri thức và công nghệ cao.
- Các vấn đề về hành chánh quản lý đô thị và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hành chính.
Điều 4. Quyền hạn, trách nhiệm
Trường Đại học Thủ Dầu Một được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự. Cụ thể là:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục và quy hoạch mạng lưới các trường đại học của Nhà nước.
2. Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, học tập đối với các ngành nghề nhà trường được phép đào tạo trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tổ chức tuyển sinh; tổ chức quá trình đào tạo, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục; hợp tác, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài theo quy định của luật pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất và việc làm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
4. Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao; sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; đăng ký, tham gia tuyển chọn ký kết và thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ; góp phần xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
5. Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng và công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của trường.
6. Nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để bổ sung nguồn tài chính cho nhà trường; góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ; sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để đầu tư mở rộng hoạt động đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất của trường; tài trợ cho các hoạt động thực hiện chính sách ưu đãi đối với con, em gia đình thuộc diện chính sách, các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện.
7. Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên; thành lập và giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ, các đơn vị dịch vụ và các doanh nghiệp của trường theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai, trong việc bố trí và thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, khoa học, công nghệ và hoạt động tài chính.
9. Thực hiện chế độ báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp và các cơ quan cấp trên về các hoạt động của trường theo quy định hiện hành.
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ
1. Chức năng:
- Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học theo các hình thức chính qui và không chính qui, đáp ứng thiết thực nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực.
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân theo yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ và nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu công tác.
- Hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu - phát triển khoa học công nghệ.
2. Nhiệm vụ:
- Tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học các ngành, nghề mà tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm có nhu cầu cấp thiết như: Sư phạm, Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Xây dựng – Kiến trúc, Môi trường, Quản trị kinh doanh, Kế toán - Kiểm toán, Tài chính – Ngân hàng …
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng.
- Tổ chức các hình thức giáo dục không chính qui như: bồi dưỡng theo yêu cầu nâng cao trình độ, chuẩn hóa cán bộ cho đội ngũ cán bộ, công chức, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh.
- Thực hiện liên kết, hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong, ngoài nước và các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo - nghiên cứu của nhà trường.
- Quản lý giảng viên, cán bộ, viên chức; xây dựng đội ngũ giảng viên của trường đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tuổi và giới.
- Tuyển sinh và quản lý người học.
- Tổ chức cho giảng viên, cán bộ, viên chức và người học tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội.
- Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ TRƯỜNG
Điều 6. Hoạt động đào tạo
1. Trường đào tạo cấp đại học và các cấp thấp hơn đại học dưới các hình thức chính quy, ngoài chính quy, liên kết, hợp tác quốc tế theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Khi đủ điều kiện và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, Trường đào tạo sau đại học.
3. Ngôn ngữ chính thức giảng dạy ở trường là tiếng Việt. Trong những chương trình hợp tác với nước ngoài, chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài và một số ngành học khác có thể giảng dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Ngoài các ngành học hiện có, trường từng bước mở rộng các ngành đào tạo phù hợp với đặc điểm nhà trường và đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc mở thêm một ngành học mới được thực hiện theo quy trình mở ngành do Hiệu trưởng ban hành.
5. Chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy và học tập cho các ngành đào tạo của trường được xây dựng trên cơ sở chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các chương trình hợp tác quốc tế của nhà trường, xu hướng phát triển của Việt Nam và thế giới nhằm đạt được sự công nhận, liên thông được với các đại học tiên tiến trong và ngoài nước.
6. Trường thực hiện việc tuyển sinh, quản lý quá trình đào tạo, kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng, chứng chỉ theo các qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Học chế:
a) Với đào tạo đại học trường áp dụng học chế tín chỉ.
b) Với đào tạo cao đẳng và kỹ thuật viên sẽ chuyển dần sang đào tạo tín chỉ theo một lộ trình thích hợp.
8. Văn bằng:
a) Trường cấp bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống văn bằng, chứng chỉ do Nhà nước quy định.
b) Đối với các chương trình hợp tác giáo dục - đào tạo với nước ngoài, bằng cấp có thể thuộc trong hai loại tùy theo sự thỏa thuận trước:
- Bằng hay chứng chỉ đồng cấp bởi trường và trường liên kết.
- Bằng hay chứng chỉ do trường liên kết cấp.
Điều 7. Hoạt động khoa học và công nghệ
1. Trường thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, các dịch vụ tư vấn khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực ngành nghề đào tạo của trường theo các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.
2. Trường thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển theo quy định của luật pháp. Trường tổ chức quản lý hệ thống thông tin tư liệu, phát hành tập san, tạp chí và các ấn phẩm khoa học, giáo trình, tài liệu phục vụ cho các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ các quy định của pháp luật và các quy định khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 8. Hợp tác quốc tế
1. Trường thiết lập và phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế nhằm mục tiêu tiếp cận nhanh với các tiêu chuẩn chất lượng đào tạo quốc tế, đảm bảo sự phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên cũng như sự phát triển ngành nghề, các loại hình và bậc đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế.
2. Trường thực hiện các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế, được mời các giáo sư, các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cử cán bộ, giảng viên và người học tham quan, giảng dạy, học tập ở nước ngoài theo các quy định của Nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH
Điều 9. Cơ cấu tổ chức
1. Hội đồng trường;
2. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng;
3. Hội đồng khoa học và đào tạo;
4. Các phòng (ban) chuyên môn;
5. Các khoa và bộ môn trực thuộc trường;
6. Các bộ môn thuộc khoa;
7. Các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở phục vụ đào tạo;
8. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp;
9. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể.
Điều 10. Hội đồng trường
Hội đồng trường là cơ quan quản trị của Trường Đại học Thủ Dầu Một có nhiệm kỳ 5 năm. Hội đồng trường quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của Trường Đại học Thủ Dầu Một, được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ trường đại học.
a) Hội đồng trường có các nhiệm vụ sau đây:
- Quyết nghị về mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển của trường bao gồm dự án quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường đại học của Nhà nước;
- Quyết nghị về dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trường hoặc các bổ sung, sửa đổi quy chế trước khi Hiệu trưởng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Quyết nghị chủ trương chi tiêu, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị từ nguồn vốn nêu tại các khoản 2 và 3 Điều 53 của Điều lệ trường đại học.
- Giám sát thực hiện "Quy chế thực hiện dân chủ trong các hoạt động của nhà trường" do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các quyết nghị của Hội đồng trường, báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Các cuộc họp của Hội đồng trường được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự. Các quyết nghị của Hội đồng chỉ có giá trị khi có quá nửa số thành viên Hội đồng nhất trí.
c) Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một có trách nhiệm thực hiện các quyết nghị hoặc kết luận của Hội đồng trường về những nội dung được quy định tại mục a của khoản này. Khi Hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị hoặc kết luận của Hội đồng trường phải kịp thời báo cáo xin ý kiến cơ quan chủ quản.
d) Hội đồng trường có các thành viên là: Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy trường, đại diện các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có uy tín trong và ngoài trường, các tổ chức chính trị - xã hội trong trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường. Chủ tịch Hội đồng trường do các thành viên của Hội đồng trường bầu theo nguyên tắc đa số phiếu.
đ) Tổng số các thành viên Hội đồng trường là một số lẻ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định số lượng thành viên Hội đồng trường, những thủ tục cụ thể về bầu cử và miễn nhiệm các thành viên được bầu, về tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng trường.
e) Hội đồng trường họp mỗi năm ít nhất một lần. Chủ tọa của mỗi kỳ họp là Chủ tịch Hội đồng trường. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng trường vắng mặt, Hiệu trưởng chủ trì bầu chủ tọa lựa chọn trong số các thành viên của Hội đồng.
Điều 11. Hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một là người đại diện theo pháp luật của nhà trường; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường theo các quy định của pháp luật và của Điều lệ trường Đại học.
2. Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín trong giới khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý điều hành.
b) Có học vị Tiến sỹ.
c) Có sức khoẻ; tuổi khi bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ.
3. Nguyên tắc bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một.
a) Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm và không giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, sau khi đã thỏa thuận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong trường hợp cụ thể, tổ chức thăm dò tại trường trước khi bổ nhiệm.
Quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một được thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Điều 12. Quyền hạn và trách nhiệm của Hiệu trưởng
1. Về tổ chức và nhân sự:
a) Quyết định thành lập và giải thể các tổ chức của Trường Đại học Thủ Dầu Một được quy định tại điểm c, d, đ, e, g, h khoản 1, Điều 29 của Điều lệ trường Đại học.
b) Ban hành và bãi bỏ các nội quy, quy định trong nội bộ trường nhằm đảm bảo việc điều hành, kiểm tra và giám sát mọi hoạt động của trường theo đúng các quy định hiện hành.
c) Quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh trong các tổ chức được quy định tại điểm c khoản 1, Trưởng, Phó các đơn vị quy định tại các điểm d, đ, e, g, h khoản 1 Điều 29 của Điều lệ trường Đại học.
d) Xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện cho giảng viên, cán bộ, viên chức và người học tham gia các sinh hoạt đoàn thể và hoạt động xã hội.
đ) Tổ chức thi tuyển cán bộ, nhân viên, quyết định việc tiếp nhận, chuyển ngạch các chức danh từ giảng viên chính trở xuống; được cơ quan chủ quản nhà trường ủy quyền tổ chức thi nâng ngạch và bổ nhiệm vào ngạch từ giảng viên chính trở xuống theo quy định của nhà nước, phù hợp với cơ cấu cán bộ, nhân viên của trường và tiêu chuẩn chức danh của ngành. Ký quyết định tuyển dụng, thôi việc và thuyên chuyển công tác giảng viên, cán bộ, nhân viên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
e) Thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ trong các hoạt động của nhà trường do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
f) Bảo đảm quyền lợi người học theo quy định của Điều lệ trường đại học.
g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về các mặt hoạt động của trường theo quy định hiện hành.
h) Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật theo quy định của nhà nước.
2. Về hoạt động đào tạo:
a) Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo theo quy định tại Chương II, Điều lệ trường đại học;
b) Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
3. Về hoạt động khoa học và công nghệ:
a) Xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
b) Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các đề tài hợp tác quốc tế, các dự án phát triển cấp nhà nước.
c) Tham gia quản lý và tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các đề tài hợp tác quốc tế, các dự án phát triển cấp bộ, cấp tỉnh.
d) Xét duyệt, quản lý và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các đề tài hợp tác quốc tế, các dự án phát triển cấp trường.
đ) Xây dựng, tổ chức, quản lý các nguồn thông tin khoa học và công nghệ và các dịch vụ khoa học và công nghệ.
4. Về tài chính, tài sản và đầu tư:
a) Hiệu trưởng là chủ tài khoản của Trường Đại học Thủ Dầu Một, chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của Trường Đại học Thủ Dầu Một.
b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý tài chính, tài sản tại các Điều 52, 55 của Điều lệ trường Đại học và các quy định về lao động, tiền lương, tiền công, học bổng, học phí, trợ cấp xã hội, các chế độ chính sách tài chính đối với giảng viên, cán bộ, nhân viên và người học của trường.
c) Quyết định mức chi quản lý, chi nghiệp vụ trong phạm vi nguồn tài chính được sử dụng, tùy theo nội dung và hiệu quả công việc quy định tại Điều 55 của Điều lệ trường Đại học.
d) Tùy theo điều kiện cụ thể, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của nhà nước.
đ) Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện việc quyết định đầu tư và quản lý các dự án từ ngân sách nhà nước theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng do Chính phủ ban hành.
e) Căn cứ vào quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển nhà trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quyết nghị của Hội đồng trường, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm xem xét, quyết định đầu tư và phê duyệt tất cả các dự án, thủ tục xây dựng cơ bản, mua sắm, thanh lý tài sản từ các nguồn vốn.
5. Về quan hệ quốc tế:
a) Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quan hệ quốc tế được quy định tại Chương V của Điều lệ trường Đại học.
b) Quyết định cử cán bộ từ Phó Hiệu trưởng trở xuống đi công tác ở nước ngoài trên cơ sở những quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Quản lý các đoàn ra, đoàn vào trong phạm vi hoạt động của trường.
d) Định kỳ báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác quan hệ quốc tế của trường.
Điều 13. Phó Hiệu trưởng
1. Giúp việc cho Hiệu trưởng có các Phó Hiệu trưởng. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có sức khỏe, tuổi khi bổ nhiệm không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ. Riêng Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học phải có đủ các tiêu chuẩn như đối với Hiệu trưởng.
Theo đề nghị của Hiệu trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm và miễn nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một.
2. Phó Hiệu trưởng có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của trường; trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Hiệu trưởng và giải quyết các công việc do Hiệu trưởng giao;
b) Khi giải quyết công việc được Hiệu trưởng giao, Phó Hiệu trưởng thay mặt Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về kết quả công việc được giao.
3. Nhiệm kỳ của Phó Hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng.
4. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thể tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm đối với Phó Hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất.
5. Trường có không quá 04 Phó Hiệu trưởng để phụ trách các lĩnh vực: Đào tạo, Khoa học - Quốc tế, Chính trị và Sinh viên, Kế hoạch – Tài chính.
Điều 14. Hội đồng khoa học và đào tạo
1. Hội đồng khoa học và đào tạo là tổ chức tư vấn cho Hiệu trưởng về:
a) Mục tiêu, chương trình đào tạo; kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ của trường.
b) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên.
2. Hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học bao gồm: Hiệu trưởng, một số Phó Hiệu trưởng, các Trưởng khoa, các Viện trưởng; một số Giám đốc trung tâm, Trưởng phòng, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, giảng viên, cán bộ hoạt động khoa học - công nghệ của trường; một số nhà khoa học, giáo dục, quản lý giáo dục và đại diện một số tổ chức kinh tế - xã hội ở ngoài trường quan tâm và am hiểu về giáo dục đại học.
3. Hội đồng khoa học và đào tạo được thành lập theo quyết định của Hiệu trưởng. Nhiệm kỳ của Hội đồng khoa học và đào tạo theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng. Chủ tịch Hội đồng do các ủy viên Hội đồng bầu theo nguyên tắc đa số phiếu. Trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo phía có phiếu của Hiệu trưởng. Hiệu trưởng ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo.
4. Hội đồng khoa học và đào tạo họp ít nhất 6 tháng một lần và do Chủ tịch Hội đồng triệu tập.
5. Các thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo của trường được quyền kiến nghị về kế hoạch và nội dung công việc của Hội đồng.
Điều 15. Các phòng chức năng
1. Các phòng có nhiệm vụ tham mưu và giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện các mảng công việc chủ yếu của trường: Văn phòng, Phòng Đào tạo, Phòng Khoa học và Quan hệ quốc tế, Phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Pháp chế và Thanh tra. Tùy điều kiện thực tế, Hiệu trưởng có thể sáp nhập, chia tách hoặc thành lập các phòng mới.
2. Đứng đầu các phòng là Trưởng phòng do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Giúp việc Trưởng phòng có các Phó Trưởng phòng do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng phòng. Tuổi khi bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ. Nhiệm kỳ của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng và có thể được bổ nhiệm lại. Trong trường hợp cần thiết, Hiệu trưởng có thể lấy phiếu tín nhiệm đối với Trưởng phòng.
Điều 16. Các khoa
1. Khoa là đơn vị quản lý hành chính cơ sở của trường, có các nhiệm vụ sau đây:
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và chủ trì tổ chức quá trình đào tạo một hoặc một số ngành; tổ chức quá trình đào tạo và các hoạt động giáo dục khác trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của nhà trường;
b) Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, chủ động khai thác các dự án hợp tác quốc tế; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;
c) Quản lý giảng viên, cán bộ, nhân viên và người học thuộc khoa theo phân cấp của Hiệu trưởng;
d) Quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học;
đ) Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học do Hiệu trưởng giao. Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy - học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học;
e) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên và người học, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ nhân viên thuộc khoa;
2. Trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng trường về kế hoạch phát triển của trường, Hiệu trưởng quyết định thành lập và giải thể các khoa. Trường có các Khoa: Sư phạm, Kinh tế, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin, Kiến trúc, Xây dựng, Môi trường, Mác – Lênin, Giáo dục thể chất. Tùy tình hình thực tế, Hiệu trưởng có thể sáp nhập, chia tách hoặc thành lập các Khoa mới;
3. Đứng đầu các khoa là Trưởng khoa do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Giúp việc Trưởng khoa có các Phó Trưởng khoa do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng khoa. Nhiệm kỳ của Trưởng khoa và Phó Trưởng khoa là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
4. Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa được chọn trong số các giảng viên có uy tín, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý. Trưởng khoa có học vị Tiến sỹ.
5. Tuổi khi bổ nhiệm Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa các trường công lập không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ.
6. Quy trình bổ nhiệm Trưởng khoa được quy định trong quy chế về tổ chức và hoạt động của trường.
7. Trong các khoa có Hội đồng khoa học và đào tạo của khoa. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng khoa học và đào tạo của khoa do Hiệu trưởng quy định và ra quyết định.
8. Trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng trường về kế hoạch phát triển của trường, Hiệu trưởng ra quyết định thành lập, giải thể và quy định nhiệm vụ cụ thể của bộ môn trực thuộc trường.
Điều 17. Các bộ môn
1. Bộ môn là đơn vị cơ sở về đào tạo, khoa học và công nghệ của trường đại học, chịu trách nhiệm về học thuật trong các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học và đào tạo và đề nghị của Trưởng khoa, Hiệu trưởng quyết định việc thành lập, giải thể và quy định nhiệm vụ cụ thể của bộ môn. Bộ môn hoạt động theo quy chế do Hiệu trưởng quy định.
2. Bộ môn có các nhiệm vụ sau đây:
a) Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy, học tập một số môn học trong chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của trường, của khoa;
b) Xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo liên quan đến chuyên ngành đào tạo và môn học được khoa và trường giao;
c) Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, tổ chức các hoạt động học thuật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo;
d) Tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và cung ứng các dịch vụ khoa học và công nghệ theo kế hoạch của trường và khoa giao; chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất và đời sống xã hội, bổ sung nguồn tài chính cho trường;
đ) Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học của bộ môn; tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuộc chuyên ngành;
e) Chủ trì việc đào tạo chuyên ngành cho một hoặc một số chuyên ngành; chủ trì việc đào tạo các chuyên ngành sau đại học;
f) Quản lý cơ sở vật chất, thiết bị của bộ môn.
3. Đứng đầu bộ môn là Trưởng bộ môn. Trưởng bộ môn do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Trưởng khoa sau khi tham khảo ý kiến của các giảng viên trong bộ môn. Trưởng bộ môn là nhà khoa học có uy tín của chuyên ngành đào tạo tương ứng. Nhiệm kỳ của Trưởng bộ môn là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Tiêu chuẩn cụ thể và giới hạn về độ tuổi của Trưởng bộ môn do Hiệu trưởng quy định nhưng không vượt quá tuổi lao động quy định tại Luật Lao động đối với các trường công lập.
Điều 18. Các tổ chức hoạt động trong trường
1. Các tổ chức khoa học và công nghệ trong Trường Đại học Thủ Dầu Một gồm có các tổ chức nghiên cứu và phát triển và các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.
2. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển được tổ chức dưới các hình thức: viện, trung tâm và các cơ sở nghiên cứu và phát triển khác. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và có các nhiệm vụ sau:
a) Triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, đưa tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng;
b) Tham gia đào tạo, gắn đào tạo với hoạt động khoa học và công nghệ.
3. Các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, triển khai các hoạt động có liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ vào thực tiễn.
4. Các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp được tổ chức phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường, phục vụ cho mục tiêu phát triển của trường, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
5. Trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng trường về kế hoạch phát triển của trường, Hiệu trưởng quyết định việc thành lập và giải thể các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp.
6. Trường có các đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Trung tâm Khoa học Xã hội, Trung tâm Dịch vụ sinh viên nước ngoài, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm chuyển giao công nghệ. Tùy tình hình thực tế, Hiệu trưởng có thể sáp nhập, chia tách hoặc thành lập các Trung tâm mới.
Điều 19. Các cơ sở phục vụ đào tạo, khoa học và công nghệ
1. Trường Đại học Thủ Dầu Một có Trung tâm thông tin tư liệu (Thư viện) phục vụ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Trung tâm thông tin tư liệu có trách nhiệm quản lý, bổ sung và cung cấp thông tin, tư liệu khoa học và công nghệ trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực hoạt động của trường, thu thập và bảo quản các sách, tạp chí, băng, đĩa, các tài liệu lưu trữ, các luận án đã bảo vệ tại trường, các ấn phẩm của trường; hướng dẫn và quản lý công tác quyền sở hữu trí tuệ của trường, phát hành các ấn phẩm về hoạt động và nghiên cứu khoa học của trường. Trung tâm thông tin tư liệu hoạt động theo quy chế do Hiệu trưởng ban hành.
2. Trường Đại học Thủ Dầu Một có tổ chức in ấn. Nhiệm vụ, chức năng của tổ chức in ấn do Hiệu trưởng quy định phù hợp với pháp luật hiện hành.
3. Trường Đại học Thủ Dầu Một còn có các đơn vị phục vụ công tác đào tạo, khoa học và công nghệ như: Phòng thí nghiệm, Trạm nghiên cứu, Trạm quan trắc, Trạm thực nghiệm, Xưởng sản xuất, Trường thực hành, Bảo tàng, Phòng truyền thống, Tổ chức dịch vụ, Câu lạc bộ, Nhà văn hóa - thể dục thể thao, Trạm y tế, Hệ thống ký túc xá, Nhà ăn. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở này do Hiệu trưởng quy định.
4. Trên cơ sở quyết nghị của Hội đồng trường về kế hoạch phát triển của trường, Hiệu trưởng quyết định việc thành lập và giải thể các cơ sở phục vụ đào tạo, khoa học và công nghệ.
Chương IV
CÁN BỘ, VIÊN CHỨC, NGƯỜI HỌC
Điều 20. Cán bộ, viên chức
Mỗi thành viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một làm việc tại một vị trí công tác xác định trong Trường Đại học Thủ Dầu Một, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ định mức lao động quy định cho vị trí công tác gọi là cán bộ cơ hữu.
Người ngoài có thể mời đảm nhiệm một vị trí công tác của trường theo hợp đồng dài hạn trên một năm hoặc ngắn hạn dưới một năm.
Người được mời giảng dạy một số giờ hoặc một số học phần được gọi là giáo viên thỉnh giảng.
Cán bộ cơ hữu không được ký hợp đồng toàn thời gian với một cơ quan khác; các hợp đồng một phần thời gian ký với cơ quan bên ngoài phải được Hiệu trưởng phê duyệt.
Quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ, viên chức:
1. Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều lệ trường Đại học, Quy chế tổ chức và hoạt động và các quy định khác của trường do Hiệu trưởng ban hành;
2. Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và các công tác khác được trường, khoa, bộ môn giao;
3. Tham gia góp ý kiến vào việc giải quyết những vấn đề quan trọng của nhà trường, những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở;
4. Tham gia công tác quản lý nhà trường, tham gia công tác Đảng, đoàn thể khi được tín nhiệm;
5. Được hưởng lương, phụ cấp và các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và quy định của nhà trường, được xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và các phần thưởng cao quý khác, được tạo các điều kiện cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn của giảng viên
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của giảng viên được qui định tại Điều 72, Điều 73 của Luật Giáo dục và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
a) Nhiệm vụ:
- Hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học được quy định theo giờ chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với các chức danh và ngạch tương ứng;
- Giảng dạy theo nội dung, chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Thủ Dầu Một quy định. Viết giáo trình, bài giảng, tài liệu phục vụ giảng dạy - học tập theo sự phân công của các cấp quản lý;
- Không ngừng tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cải tiến phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo;
- Tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ và các hoạt động khoa học và công nghệ khác;
- Chịu sự giám sát của các cấp quản lý về chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học;
- Hướng dẫn, giúp đỡ người học trong học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống.
b) Quyền hạn:
- Được đảm bảo về mặt tổ chức và vật chất kỹ thuật cho các hoạt động nghề nghiệp; được sử dụng các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ và dịch vụ công cộng của nhà trường;
- Được quyền lựa chọn giáo trình, tài liệu tham khảo, phương pháp và phương tiện giảng dạy nhằm phát huy năng lực cá nhân, đảm bảo nội dung, chương trình, chất lượng và hiệu quả của hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ;
- Được ký hợp đồng giảng dạy, khoa học và công nghệ với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất và các tổ chức kinh tế khác theo quy định của Bộ Luật Lao động, Quy chế thỉnh giảng và kiêm nhiệm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các quy định có liên quan của nhà nước sau khi đã được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền theo quy định của Hiệu trưởng;
- Được đăng ký xét công nhận, được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo quy định của nhà nước; được Nhà nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú;
- Được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Được tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước theo quy định để công bố các công trình nghiên cứu khoa học, giáo dục.
Điều 22. Nhiệm vụ của người học
Người đang theo học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một có các nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ trường Đại học, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của nhà trường, cụ thể là:
1. Học tập, rèn luyện theo chương trình kế hoạch đào tạo của trường;
2. Tuân thủ pháp luật của Nhà nước, các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Quy chế học tập của trường;
3. Tham gia lao động và hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và năng lực;
4. Đóng học phí theo quy định;
5. Giữ gìn và bảo vệ tài sản của trường;
6. Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của trường.
Điều 23. Quyền của người học
1. Được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về việc học tập;
2. Học vượt lớp, học rút ngắn thời gian, học liên thông cấp học, ngành học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Quy chế học tập của nhà trường;
3. Được sử dụng các trang thiết bị thí nghiệm, thực hành thực tập, các phương tiện phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao của trường theo quy định của nhà trường;
4. Được tham gia nghiên cứu khoa học và rèn luyện theo chương trình kế hoạch của trường;
5. Được tham gia hoạt động đoàn thể, tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật;
6. Được hưởng chính sách chế độ của trường về miễn giảm học phí, về học bổng, vay vốn, về khen thưởng;
7. Trực tiếp tham gia tổ chức đoàn thể, kiến nghị với nhà trường về các giải pháp nhằm góp phần xây dựng trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học;
8. Được hưởng các chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước;
9. Được tiếp tục học các trình độ cao hơn, được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.
Nếu vi phạm những quy định về trách nhiệm trong học tập và sinh hoạt, người học phải chịu các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo ở các cấp, đình chỉ học tập có thời hạn, đến buộc thôi học.
Chương V
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH
Điều 24. Tài sản và nguồn tài chính
1. Tài sản của Trường Đại học Thủ Dầu Một bao gồm: đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, các trang thiết bị và những tài sản khác được Nhà nước giao cho trường quản lý và sử dụng hoặc do trường đầu tư mua sắm, xây dựng hoặc được biếu, tặng để đảm bảo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và các hoạt động khác.
2. Ngân sách nhà nước cấp, bao gồm:
a) Kinh phí hoạt động thường xuyên;
b) Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, ngành, chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ đột xuất khác được cấp có thẩm quyền giao; kinh phí thanh toán cho nhà trường theo chế độ đặt hàng để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước;
c) Vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học theo dự án và kế hoạch hàng năm; vốn đối ứng do các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Nguồn thu sự nghiệp, bao gồm :
a) Thu học phí, lệ phí từ người học theo quy định của nhà nước;
b) Thu từ các hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử;
c) Thu từ hoạt động sản xuất, dịch vụ;
d) Các nguồn thu sự nghiệp khác: lãi tiền gửi ngân hàng, tiền thanh lý, khấu hao tài sản mua sắm.
4. Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật, gồm :
a) Tài trợ, viện trợ, ủng hộ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
b) Vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, vốn góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư, mở rộng và phát triển nhà trường;
c) Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 25. Nội dung chi
1. Chi thường xuyên cho hoạt động đào tạo, khoa học - công nghệ và chi phục vụ các hoạt động đào tạo và khoa học - công nghệ của trường;
2. Chi hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;
3. Chi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, Ngành, địa phương; chương trình mục tiêu quốc gia; chi thực hiện đơn đặt hàng; chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có vốn nước ngoài; chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được các cấp có thẩm quyền giao;
4. Chi đầu tư phát triển, gồm: chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản cố định, trang thiết bị; chi thực hiện các dự án đầu tư khác theo quy định của nhà nước;
5. Chi trả vốn vay, vốn góp;
6. Các khoản chi khác.
Điều 26. Quản lý tài chính
Trường Đại học Thủ Dầu Một được áp dụng chế độ tài chính quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập .
Chương VI
THANH TRA, KIỂM TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 27. Thanh tra, kiểm tra
1. Trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ và không định kỳ các hoạt động của trường theo các quy định hiện hành.
2. Trường cũng chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 28. Trách nhiệm về tư cách pháp nhân
Trường Đại học Thủ Dầu Một không cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa hoặc sử dụng cơ sở của trường để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, không đúng với tôn chỉ, mục đích hoạt động của nhà trường.
Điều 29. Khen thưởng
Tập thể, cá nhân (lãnh đạo, giảng viên, cán bộ, viên chức) của trường có thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và người học có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Xử lý vi phạm
Trong trường hợp có đủ căn cứ về việc nhà trường không chấp hành đúng pháp luật, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên phục vụ việc giảng dạy học tập; không bảo đảm điều kiện vệ sinh và an toàn thì tùy mức độ vi phạm, Trường sẽ bị các biện pháp chế tài sau đây tùy theo mức độ vi phạm:
1. Nhắc nhở bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
2. Quyết định tạm ngừng tuyển sinh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trường.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31. Quy chế này gồm 7 Chương với 33 Điều được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt và áp dụng cho Trường Đại học Thủ Dầu Một kể từ ngày ký quyết định ban hành. Quy chế có thể được Hội đồng trường của Trường Đại học Thủ Dầu Một kiến nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương để xem xét và sửa đổi lại cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Điều 32. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.
Điều 33. Sở Nội vụ phối hợp các ngành có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện theo đúng Điều lệ trường Đại học và Quy chế này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.