BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/2006/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số: 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ Thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Điều lệ gồm VI chương 18 Điều kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây về Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Điều lệ Tổ chức và hoạt động của đơn vị trực thuộc Viện trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định Số: 72/2006/QĐ-BNN ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương I
TÊN GỌI, VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Điều 1. Tên và vị trí
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (sau đây gọi chung là Viện) được thành lập tại Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ, là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập, được xếp hạng đặc biệt theo Quyết định số 581/QĐ-BNV ngày 29/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Viện trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Viện có tên giao dịch Quốc tế tiếng Anh là: Vietnamese Academy of Agricultural Sciences, viết tắt là: VAAS.
Trụ sở chính của Viện đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Chức năng
Viện là tổ chức: nghiên cứu khoa học, bao gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo sau đại học phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và yêu cầu quản lý nhà nước của Ngành.
Điều 3. Nhiệm vụ
1. Xây dựng và trình Bộ trưởng chiến lược, chương trình, kế hoạch nghiên cứu dài hạn, năm năm, hàng năm; các dự án phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực công nghê sinh học nông nghiệp, cây trồng, đất, phân bón, bảo vệ thực vật; quỹ gen thực vật và vi sinh vật; bảo quản nông sản; hệ thống canh tác; môi trường nông nghiệp và nông thôn.
2. Thẩm định, phê duyệt đề cương nghiên cứu, dự toán, quyết toán và nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử, thử nghiệm công nghệ của các đơn vị trực thuộc Viện theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Thực hiện nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực:
a) Thu thập, lưu giữ, đánh giá và khai thác tài nguyên di truyền thực vật và vi sinh vật nông nghiệp;
b) Đa dạng sinh học nông nghiệp;
c) Công nghệ sinh học, sinh lý, sinh hoá, di truyền nông nghiệp;
d) Chọn tạo giống cây trồng và kỹ thuật canh tác;
đ) Quy luật phát sinh, phát triển sâu bệnh, cỏ dại và biện pháp phòng trừ; thuốc bảo vệ thực vật và đấu tranh sinh học;
e) Quy luật phát sinh, phân loại, sử dụng, cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu của đất; bảo vệ, chống thoái hoá và sa mạc hoá đất nông lâm nghiệp; phân bón và dinh dưỡng cây trồng
g) Công nghệ bảo quản nông sản;
h) Hệ thống nông nghiệp;
i) Nông lâm kết hợp;
k) Môi trường nông nghiệp, nông thôn;
l) Chất lượng vật tư và sản phẩm nông nghiệp.
4. Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất.
5. Lưu giữ, nhân giống tác giả và giống siêu nguyên chủng cây trồng và vi sinh vật (cả giống nấm ăn và nấm dược liệu).
6. Khảo nghiệm giống cây trồng, cây thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón mới.
7. Đào tạo sau đại học và tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
8. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hợp tác chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn theo quy định của Nhà nước.
9. Hợp đồng liên doanh, liên kết về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực được giao với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
10. Sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của ph¸p luật.
11. Quản lý nguồn nhân lực, kinh phí, tài sản và các nguồn lực khác đợc giao và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, cơ cấu tổ chức bao gồm:
1. Lãnh đạo Viện có Giám đốc Viện và các Phó Giám đốc.
a) Giám đốc Viện chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước pháp luật về toàn bộ tổ chức và hoạt động của Viện.
b) Phó Giám đốc Viện là người giúp Giám đốc phụ trách, chỉ đạo về một hoặc một số lĩnh vực công tác của Viện theo phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công, được quyền quyết định những vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn do Giám đốc uỷ quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước các quyết định đó.
c) Trường hợp Giám đốc Viện vắng mặt, một Phó Giám đốc Viện được Giám đốc uỷ quyền giải quyết công việc thuộc quyền hạn của Giám đốc và báo cáo Giám đốc khi Giám đốc có mặt.
2. Các Ban tham muu giúp việc Giám đốc Viện:
a) Ban Tổ chức, Hành chính và Xây dựng cơ bản;
b) Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế;
c) Ban Tài chính;
d) Ban Đào tạo sau đại học;
e) Ban Thông tin.
Các Ban có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban.
3. Các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện:
a) Viện Di truyền nông nghiệp,
b) Viện Thổ nhưỡng nông hoá,
c) Viện Bảo vệ thực vật,
d) Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm,
e) Viện Nghiên cứu Ngô,
f) Viện Nghiên cứu Rau quả,
g) Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc,
h) Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ,
i) Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ,
k) Trung tâm Tài nguyên thực vật.
Các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện trên đây được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Thành lập Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện được sử dụng con dấu, mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Điều 5. Tổ chức bộ máy của các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện
1. Lãnh đạo và Kế toán trưởng:
a) Lãnh đạo: Viện có Viện trưởng và các Phó Viện trưởng; Trung tâm có Giám đốc và các Phó Giám đốc Trung tâm;
Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước Giám đốc Viện, trước pháp luật về nhiệm vụ được giao. Phó Viện trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm trước Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm, trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.
b) Kế toán trưởng.
2. Các Phòng quản lý có: Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Tài chính kế toán.
Căn cứ điều kiện thực tế của từng đơn vị, Giám đốc Viện có thể quyết định bố trí 01 Phòng quản lý tổng hợp.
3. Các tổ chức trực thuộc các đơn vị nghiên cứu trực thuộc các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện là: Bộ môn, Trung tâm, Trạm nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu, Doanh nghiệp.
Điều 6. Bổ nhiệm, miễn nhiệm và luân chuyển cán bộ
1. Nguyên tắc bổ nhiệm, miễn nhiệm và luân chuyển cán bộ.
a) Việc bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được thực hiện: theo yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị, tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí lãnh đạo, thực hiện theo thẩm quyền và trình tự thủ tục quy định về bổ nhiệm cán bộ, viên chức lãnh đạo, theo thời hạn, khi hết một nhiệm kỳ 04 năm phải được xem xét để bổ nhiệm lại và không bổ nhiệm quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp cho một chức danh lãnh đạo;
b) Viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được cấp có thẩm quyền xem xét cho miễn nhiệm và bố trí công tác khác không chờ hết thời hạn bổ nhiệm trong các trường hợp: do nhu cầu công tác, do sức khoẻ không bảo đảm, do không hoàn thành nhiệm vụ, do vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức bị hình thức cách chức.
c) Cán bộ viên chức của Viện chấp hành sự điều động và luân chuyển cán bộ theo các quy định hiện hành.
2. Thẩm quyền bổ nhiệm
a) Giám đốc, Phó Giám đốc Viện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm.
b) Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm, Trưởng ban trực thuộc Viện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Viện.
c) Phó Viện trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm, Phó Trưởng ban, Kế toán trưởng các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện, do Giám đốc Viện bổ nhiệm theo quy trình hiện hành. Mỗi đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện có 02 cấp Phó; trường hợp đặc biệt phải có ý kiến thống nhất của tập thể lãnh đạo Viện, trên 03 người phải được Bộ trưởng cho phép.
d) Cấp trưởng trực thuộc các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện:
Giám đốc Viện bổ nhiệm Giám đốc các Trung tâm có con dấu, tài khoản, riêng theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị;
Các chức danh còn lại do Thủ trưởng đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện bổ nhiệm theo quy trình hiện hành (Cấp trưởng các chức danh còn lại, trước khi bổ nhiệm phải có sự thẩm định bằng văn bản của Giám đốc Viện).
Điều 7. Hội đồng khoa học và Hội đồng chuyên môn
1. Hội đồng Khoa học Viện (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Giám đốc Viện quyết định thành lập, là cơ quan tư vấn cho Giám đốc về khoa học công nghệ và các lĩnh vực liên quan..
2. Hội đồng chuyên môn do Giám đốc Viện thành lập khi có yêu cầu giải quyết một nhiệm vụ cụ thể.
3. Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học Viện và Hội đồng chuyên môn do Giám đốc Viện ban hành.
Điều 8. Nhân lực và quản lý nguồn nhân lực của Viện
1. Biên chế của Viện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo đề nghị của Giám đốc Viện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, định mức và quy trình hiện hành.
2. Nhân lực của Viện bao gồm:
a) Lao động thường xuyên: Viên chức hợp đồng không thời hạn và có thời hạn; hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ;
b) Lao động không thường xuyên;
c) Cộng tác viên, chuyên gia trong nước và ngoài nước.
3. Việc ký kết các hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động phải đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với khối lượng công việc và khả năng tài chính.
4. Viện có trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Viện thực hiện chế độ quản lý lao động và trả tiền lương, tiền công, các khoản thu nhập khác, chế độ bảo hiểm đối với viên chức và lao động hợp đồng từ nguồn kinh phí của đơn vị theo đúng qui định của Nhà nước.
Chương III
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 9. Trách nhiệm của Viện và các đơn vị trực thuộc.
1. Viện thống nhất quản lý đối với các đơn vị trực thuộc về các lĩnh vực sau:
Tổ chức bộ máy và nhân sự;
Kế hoạch nghiên cứu khoa học;
Tài chính;
Xây dựng cơ bản.
2. Viện là đầu mối quản lý các đơn vị trực thuộc về những lĩnh vực sau:
Hợp tác quốc tế;
Chuyển giao công nghệ;
Hợp tác với địa phương;
Đào tạo nguồn nhân lực.
3. Các đơn vị được tự chủ trong các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Quy chế làm việc.
Giám đốcViện Khoa học nông nghiệp Việt Nam ban hành quy chế làm việc để cụ thể hoá các mối quan hệ trong Viện, các tổ chức Đảng, Đoàn thể.
Chương IV
KẾ HOẠCH, TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN
Điều 11. Công tác kế hoạch, chế độ báo cáo
1. Viện phải xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính đối với các khoản kinh phí được Nhà nước đầu tư, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được duyệt, Viện sẽ giao cho các tổ chức, đơn vị thực hiện.
2. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng kế hoạch.
3. Thực hiện đúng chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định (về thời gian báo cáo kế hoạch năm sau gửi vào tháng 6 năm trước).
Điều 12. Tài chính của Viện
1. Nguồn tài chính:
a) Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp:
- Kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ của Nhà nước do các cơ quan Nhà nước giao, đặt hàng hoặc thông qua tuyển chọn, đấu thầu và được cấp theo phương thức khoán, hợp đồng;
- Kinh phí hoạt động thường xuyên;
- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản; vốn đối ứng dự án, kinh phí sửa chữa lớn và mua sắm tài sản;
b) Kinh phí từ hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với các bộ, ngành, đại phương, doanh nghiệp;
c)Nguồn thu từ dịch vụ khoa học công nghệ, phát hành ấn phẩm, phí và lệ phí;
d) Vốn vay, quỹ phát triển khoa học công nghệ và các loại quỹ khác;
e) Vốn viện trợ phát triển chính thức và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài cho chương trình, dự án hợp tác quốc tế;
f) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
2. Nội dung chi:
a) Chi thực hiện nhiệm vụ được giao;
b) Chi hoạt động thường xuyên;
c) Chi hoạt động dịch vụ;
d) Chi thuê tư vấn và chuyên gia;
e) Các khoản chi khác theo qui định.
Điều 13. Tài sản của Viện
Tài sản của Viện gồm: đất đai, nhà cửa, thiết bị, bản quyền khoa học công nghệ, dữ liêu, tiêu ban, phần mềm tin học, được hình thành từ bất kì nguồn kinh phí nào dều được quản lý va sử dụng theo quy định của pháp luật .
Điều 14. Chế độ quản lý tài chính tài sản
Chế độ quản lý tài chính, kế toán, tài sản của Viện được thực hiện theo Luật ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các quy định khác của Nhà nước.
Giám đốc Viện, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản của đơn vị; thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, trích lập các quỹ theo qui định hiện hành.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 15. Khen thưởng
1. Cán bộ, viên chức, người lao động, các tổ chức trong Viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều thành tích trong công tác được Viện khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng về vật chất và tinh thần theo quy định hiện hành.
2. Giám đốc Viện được tặng danh hiệu: "Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở", "Lao động tiên tiến", "Chiến sỹ tiên tiến", "Tập thể lao động tiên tiến", "Đơn vị tiên tiến" và "Giấy khen" cho tập thể và cá nhân thuộc Viện phù hợp với các quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Điều 16. Kỷ luật
1. Cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng vi phạm điều lệ, nội qui, qui chế làm việc và những qui định khác của Viện, của đơn vị sẽ bị kỷ luật hành chính, đền bù về vật chất theo qui định.
2. Cán bộ, viên chức, người lao động vi phạm các quy định của pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức và các quy định khác của Nhà nước.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Giám đốc Viện căn cứ Điều lệ này xây dựng quy chế làm việc cụ thể của Viện và quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc không trái với Điều lệ này.
Điều 18. Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ này do Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan đề nghị Bộ trưởng xem xét quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.