UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7184/QĐ-UBND-ĐTXD | Nghệ An, ngày 22 tháng 12 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG TRỌNG YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020 THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 30/7/2013 Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 26/NQ/TW của Bộ Chính trị;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 2524/SGD&ĐT ngày 10 tháng 12 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với nội dung cụ thể tại Đề án kèm theo quyết định này.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Lao động, Thương binh & Xã hội, Tài nguyên & Môi trường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG TRỌNG YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020 THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Kèm theo quyết định số 7184/QĐ-UBND-ĐTXD ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh)
Phần mở đầu
SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của xứ Nghệ, những năm qua, giáo dục Nghệ An phát triển mạnh cả về tỷ lệ huy động và chất lượng giáo dục. Nghệ An trở thành điểm sáng trong giáo dục cả nước, là địa phương có nhiều đổi mới trong công tác quản lý giáo dục, quan tâm chăm lo chất lượng học sinh giỏi và chất lượng giáo dục đại trà, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia… Nhiều vấn đề lớn của giáo dục cả nước đã được kiểm nghiệm, đúc kết từ thực tiễn phát triển của giáo dục và đào tạo Nghệ An. Nghệ An là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về học sinh giỏi và số học sinh thi đậu đại học đạt điểm cao.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, giáo dục và đào tạo Nghệ An vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi vẫn lớn; cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn, thư viện còn nghèo, hệ thống phòng thiết bị, phòng học bộ môn... chưa đảm bảo quy định; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm, chưa đạt so với mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra; quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Để khắc phục những hạn chế tồn tại trên đây, từng bước đưa Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc “Xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo” là một bước đi cần thiết, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của tỉnh, của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-TƯ ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, đồng thời tạo điều kiện để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Căn cứ pháp lý
- Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Nghị quyết số 13/NQ-TƯ ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/06/2012 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TƯ;
- Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
- Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015;
- Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chính sách hỗ trợ học sinh trường bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú;
- Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015;
- Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020;
- Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020”;
- Quyết định số 06/QĐ-UBND-VX ngày 16/1/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012-2020;
- Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, - Quyết định số 784/QĐ-LĐTBXH ngày 21/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phê duyệt đề án phát triển các trường nghề chất lượng cao đến năm 2020;
- Quyết định số 854/QĐ-LĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn, phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm.
- Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết số 26/NQ-TW của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
2. Căn cứ thực tiễn
Căn cứ vào thực trạng cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo hiện nay, những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, tồn tại, yếu kém; nhu cầu, yêu cầu của xã hội đối với phát triển giáo dục và đào tạo.
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGHỆ AN
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Hệ thống mạng lưới trường, lớp
Hệ thống mạng lưới trường, lớp từng bước được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển.
Năm học 2013-2014, bậc học mầm non có 518 trường (499 trường công lập, 5 trường dân lập, 14 trường tư thục), với 25.037 cháu nhà trẻ và 135.264 học sinh mẫu giáo (ngoài công lập có 1.638 cháu nhà trẻ, 2.808 học sinh mẫu giáo). So với năm học 2010-2011, số trường dân lập, tư thục tăng 7 trường (chủ yếu ở địa bàn thành phố Vinh). Tiểu học, có 541 trường, (540 trường công lập, 01 trường tư thục) với 237.571 học sinh. Trung học cơ sở có 410 trường (trong đó có 21 trường tiểu học và THCS), với 170.485 học sinh. So với năm học 2010-2011, giảm 14 trường.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) toàn tỉnh được tổ chức, sắp xếp lại theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay toàn tỉnh có 06 trường PTDTNT cấp THCS, trong đó có 5 trường đã tổ chức dạy học là PTDTNT THCS Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và Kỳ Sơn.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú được thành lập trên cơ sở các trường THCS ở địa bàn khó khăn. Hiện nay toàn tỉnh có 28 trường PTDT bán trú THCS.
Trung học phổ thông có 91 trường (70 trường công lập và 21 trường ngoài công lập), trong đó có 1 trường liên cấp TH, THCS và THPT, 02 trường phổ thông dân tộc nội trú, 01 trường THPT chuyên và 01 trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao. Toàn tỉnh có 99.261 học sinh, trong đó 87.592 học sinh công lập.
Giáo dục thường xuyên: toàn tỉnh có 21 trung tâm giáo dục thường xuyên, 480 trung tâm học tập cộng đồng.
Giáo dục chuyên nghiệp thuộc tỉnh có 1 trường Đại học, 3 trường Cao đẳng, 5 trường TCCN.
Toàn tỉnh có 3 trường Cao đẳng nghề thuộc tỉnh quản lý, 9 Trường Trung cấp Nghề, 25 Trung tâm dạy nghề và 24 cơ sở dạy nghề.
2. Hạ tầng cơ sở vật chất
Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học tiếp tục được các địa phương quan tâm, chất lượng phòng học được cải thiện đáng kể. Số phòng học kiên cố giai đoạn 2008-2012 tăng mạnh. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế khó khăn chung, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trong ba năm gần đây gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
2.1. Cấp học mầm non có 5.788 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố là 2.909 phòng (chiếm khoảng 50% tổng số phòng học của bậc học). Tỷ lệ phòng học kiên cố/nhóm (lớp) chỉ đạt 0,52%. Hiện nay, toàn tỉnh còn 923 phòng học tạm, mượn; nhiều phòng học cấp 4 được xây dựng từ lâu, nay đã hư hỏng, xuống cấp. Ngoài các trường đạt chuẩn quốc gia, hầu hết các phòng học còn lại ở cấp học mầm non không đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định.
2.2. Cấp học tiểu học có 10.133 phòng học, trong đó phòng học kiên cố là 6.015, chiếm khoảng 59% tổng số phòng học. Số phòng học cấp 4 là 3.242 phòng, trong đó trên 80% số phòng học cấp 4 đã hư hỏng, xuống cấp cần được xây mới để thay thế. Phòng thư viện, thiết bị, tin học, ngoại ngữ còn thiếu, chưa đạt chuẩn.
2.3. Cấp học trung học cơ sở có 5.441 phòng học, trong đó phòng học kiên cố là 4.265 phòng (chiếm khoảng 78%); số phòng học cấp 4 là 1.032 phòng. Các phòng học cấp 4 hiện nay hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng. Hệ thống thư viện, phòng học bộ môn hầu như chưa đạt chuẩn theo quy định mới.
Các trường PTDTNT THCS mới được thành lập, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chủ yếu đang mượn cơ sở vật chất để tổ chức dạy học. Trong số đó, Trường PTDTNT THCS Tương Dương cơ sở vật chất cơ bản đã hoàn thiện, bước đầu đáp ứng nhu cầu dạy học. Trường PTDTNT THCS Quỳ Châu hiện đang sử dụng cơ sở vật chất, khuôn viên của Trường Tiểu học Hạnh Thiết 2 bàn giao; Trường PTDTNT THCS Quỳ Hợp nhận bàn giao cơ sở vật chất khuôn viên của cơ sở 2 Trường Tiểu học thị trấn Quỳ Hợp. Các trường PTDTNT THCS Quỳ Hợp và Quỳ Châu hiện CSVC quá thiếu thốn, không đảm bảo phục vụ dạy học, không đủ chỗ ở cho học sinh nội trú, đặc biệt là khi được giao chỉ tiêu tuyển sinh của năm học tới. Dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn để xây dựng.
Trường PTDTNT THCS Quế Phong hiện đang học nhờ trong Trường THPT Quế Phong. Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn đang sử dụng cơ sở vật chất chung với Trường THCS Thị trấn Kỳ Sơn.
Hệ thống trường PTDT bán trú THCS mới được thành lập cơ sở vật chất phục vụ học sinh bán trú còn thiếu nhiều. Số phòng ở cho học sinh bán trú hầu như chưa có, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% so với nhu cầu. Nhà ăn, hệ thống các công trình phụ trợ phục vụ cho học sinh bán trú chủ yếu đang tạm bợ.
2.4. Cấp học Trung học phổ thông: Nhìn chung, cơ sở vật chất cấp học Trung học phổ thông trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể. Toàn bậc học có 2.665 phòng học, trong đó phòng học kiên cố là 2.451 phòng (chiếm 92%). Tuy nhiên hệ thống phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, các công trình phụ trợ chưa đạt chuẩn vẫn còn nhiều. Trường THPT DTNT số 2 đang được xây dựng, hiện nhà trường đang còn phải mượn cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An để tổ chức dạy học, sinh hoạt.
2.5 Cơ sở vật chất các Trung tâm GDTX còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác bồi dưỡng thường xuyên.
2.6 Cơ sở vật chất các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề được quan tâm đầu tư nâng cấp và mở rộng. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của trường Đại học Y khoa Nghệ An và trường đại học Kinh tế Nghệ An đang tiến hành triển khai các thủ tục đầu tư.
2.7 Các trường Cao đẳng, trung cấp nghề được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.
Về quy hoạch đất đai, hầu hết các trường đã có khuôn viên rõ ràng. Hiện nay còn một số trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT có diện tích khuôn viên chưa đủ định mức tối thiểu quy định.
3. Kết quả huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất giai đoạn 2011-2013
3.1. Kết quả huy động nguồn lực
a) Các cơ sở Giáo dục: so với năm học 2010-2011, số phòng học kiên cố năm học 2013-2014 toàn ngành tăng 2.124 phòng (mầm non tăng 955 phòng, tiểu học tăng 565 phòng, THCS tăng 239 phòng, THPT tăng 265 phòng). Một số phòng học bộ môn, phòng thiết bị,… được xây dựng mới, đảm bảo quy định, tạo điều kiện nâng số lượng trường đạt chuẩn quốc gia từ 727 trường ở năm học 2010-2011 lên 815 trường tính đến tháng 6/2013.
Tổng kinh phí huy động được để xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục giai đoạn 2010-2013 là 2.130 tỷ đồng. Trong đó:
- Ngân sách tỉnh (bao gồm vốn XDCB tập trung, tiết kiệm chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT, vượt thu...): 422 tỷ đồng;
- Ngân sách huyện, xã: 664 tỷ đồng;
- Các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, nông thôn mới…: 198 tỷ đồng;
- Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học: 675 tỷ đồng;
- Kinh phí xã hội hóa giáo dục 171 tỷ đồng. Trong đó huy động từ các tổ chức, cá nhân là 42 tỷ đồng, từ đóng góp của phụ huynh học sinh là 129 tỷ đồng. Một số tổ chức cá nhân điển hình trong đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục có Công ty Dầu khí Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhà học trường TH Nghi Xuân 5,7 tỷ đồng, trường TH Quỳnh Thạch 5 tỷ đồng, Trường TH Quỳnh Yên 4,9 tỷ đồng; Tổng Công ty Xi măng Việt Nam hỗ trợ trường MN Mỹ Lý 2 xây dựng phòng học với giá trị 5,2 tỷ đồng; Ngân hàng ViettinBank hỗ trợ trường MN Thanh Khai 3 tỷ đồng; Ngân hàng Công Thương hỗ trợ trường MN Thanh Đồng 470 triệu đồng, Trường MN Thanh Lĩnh 2,2 tỷ đồng; Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu hỗ trợ trường THCS Thị trấn Diễn Châu 1 tỷ đồng; Công ty Cencio4 hỗ trợ trường Mầm non Châu Nga 512 triệu đồng; gia đình bà Phạm Thị Hiến hỗ trợ xây dựng trường MN Nghi Trường 2 tỷ đồng…
(Số liệu tổng hợp từ báo các của các cơ sở giáo dục, phụ lục 01 đính kèm)
b) Các cơ sở đào tạo: các trường đại học, cao đẳng; trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2010-2013, các trường đại học, cao đẳng thuộc tỉnh được đầu tư gần 150 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy học. Các trường nghề được đầu tư 205 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất. Ngoài nguồn kinh phí ngân sách cấp, các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là cao đẳng nghề còn thu hút được một số dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng như trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn quốc tiếp tục nhận được hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản (giai đoạn 2) là 2,3 triệu USD; Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức được thụ hưởng dự án đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng kinh phí là 350.000 EURO…
3.2. Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn: Việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện theo các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ và Quyết định số 109/2009/QĐ-UBND ngày 09/12/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình và đấu thầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn nhìn chung đảm bảo đúng quy định.
II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Tồn tại, hạn chế
- Theo số liệu thống kê năm học 2013-2014, hiện bậc học mầm non còn 641 phòng học tạm và 282 phòng học mượn. Các huyện có tỷ lệ phòng học tạm, mượn ở bậc học mầm non nhiều nhất hiện nay là Kỳ Sơn 38%, Hoàng Mai 32%, Quế Phong 27%, Anh Sơn 26%, Quỳ Châu 24%, Hưng Nguyên và Đô Lương 23%. Toàn tỉnh còn 140 lớp mầm non 5 tuổi phải học trong phòng học tạm, mượn, ảnh hưởng đến tiến độ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
- Số phòng thực hành, phòng học bộ môn đạt chuẩn vẫn rất thấp. Thậm chí nhiều trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng các phòng học bộ môn vẫn không đảm bảo quy định (những trường được công nhận trước năm 2008). Trên 50% cơ sở giáo dục chưa có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Nhiều phòng học cấp 4 được xây dựng từ lâu, nay đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.
- Cơ sở vật chất hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú còn quá thiếu thốn, không đáp ứng được nhu cầu dạy học hiện nay của các trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục vùng miền núi, dân tộc. Năm học 2014-2015 một số trường PTDTNT THCS có thể phải tạm dừng tuyển sinh vì không đủ cơ sở vật chất để tổ chức dạy học và tổ chức ăn ở cho học sinh nội trú.
- Do cơ chế phân công, phân cấp và quản lý đầu tư xây dựng, một số công trình mới được xây dựng nhưng vẫn không đáp ứng tiêu chuẩn quy định đối với dạy học (chủ yếu là hệ thống phòng học bộ môn cấp THCS và THPT, phòng học và công trình vệ sinh của cấp học mầm non).
- Cơ sở hạ tầng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Công tác huy động vốn xây dựng hệ thống hạ tầng ngành giáo dục còn hạn chế.
2. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
2.1. Nguyên nhân khách quan
Nghệ An là một tỉnh có địa bàn rộng lớn, có địa hình phức tạp, có hệ thống giáo dục với quy mô rộng lớn cần một khối lượng đầu tư rất lớn mới đáp ứng nhu cầu dạy học.
Sự khó khăn chung của kinh tế thế giới, khu vực, cả nước và của tỉnh trong giai đoạn vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nói chung và của ngành giáo dục và đào tạo nói riêng.
2.2. Nguyên nhân chủ quan
- Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu chưa thực sự được thể hiện rõ trong tham mưu đầu tư ở các cấp, các ngành và các địa phương. Đặc biệt là ở một số địa phương, mặc dù việc đầu tư được phân cấp về địa phương (các trường mầm non, tiểu học, THCS) nhưng hầu hết còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngân sách cấp trên.
- Trong việc tham mưu chủ trương đầu tư của các ngành liên quan có lúc còn chung chung chưa cụ thể theo tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Giáo dục & Đào tạo, nên còn tồn tại một số thiết kế chưa phù hợp (chủ yếu là hệ thống phòng học bộ môn cấp THCS và THPT, phòng học và công trình vệ sinh của cấp học mầm non) làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cũng như tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
- Sự phối hợp giữa các ngành chưa tốt.
Phần thứ hai
ĐỊNH HƯỚNG, KẾ HOẠCH VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TRỌNGYẾU
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020 THUỘC LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1. Định hướng xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ, toàn diện và phát huy được những thế mạnh về giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà; tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng miền núi, dân tộc với miền xuôi.
- Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ và hiện đại. Đến năm 2020, 100% số trường có đủ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện, phòng thực hành; 100% trường học có công trình vệ sinh, nước sạch đạt tiêu chuẩn và cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
- Hoàn thiện việc xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Đầu tư xây dựng trường THPT chuyên Phan Bội Châu theo hướng hiện đại.
- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất trường Đại học Y khoa Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, khu vực Bắc trung bộ và cả nước. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách xây dựng trường đại học Quốc tế.
- Tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nghề chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đầu tư mở rộng trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật miền tây, trung cấp nghề Dân tộc nội trú.
2. Danh mục các công trình xây dựng
2.1. Xây dựng đủ phòng học theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, bao gồm đầu tư xây dựng xóa phòng học tạm, mượn; xây dựng mới thay thế phòng học cấp 4 đã xuống cấp, hư hỏng.
- Xây mới để xóa 2.008 phòng học tạm, mượn. Trong đó nhiều nhất ở cấp học mầm non là 923 phòng, tiểu học 876 phòng, trung học cơ sở 144 phòng, ít nhất ở trung học phổ thông là 65 phòng.
- Xây mới thay thế 5.124 phòng học cấp 4 xuống cấp. Trong đó cấp học mầm non là 1.551 phòng, tiểu học 2.593 phòng, trung học cơ sở 827 phòng, ít nhất ở trung học phổ phông là 153 phòng.
2.2. Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú:
- Xây mới, hoàn thiện hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm 6 trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện (bậc THCS) và trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh số 2.
- Xây dựng cơ sở vật chất (nhà ở, bếp ăn, công trình nước sạch, vệ sinh…) cho 42 trường phổ thông dân tộc bán trú.
2.3. Đầu tư xây dựng hoàn thiện Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm giáo dục khu vực Bắc Trung bộ.
2.4. Đầu tư xây dựng hệ thống các phòng học bộ môn, phòng thiết bị dạy học, thư viện đạt chuẩn:
Bậc mầm non cần xây mới 300 phòng học chức năng, gồm Phòng giáo dục thể chất; Phòng giáo dục nghệ thuật hoặc Phòng đa chức năng.
Bậc học Tiểu học đầu tư xây mới 838 phòng gồm các phòng: Phòng giáo dục rèn luyện thể chất; Phòng giáo dục nghệ thuật; Thư viện; Phòng thiết bị giáo dục; Phòng truyền thống; Phòng hoạt động Đội;
Bậc học Trung học cơ sở đầu tư xây mới 960 phòng, gồm các phòng học bộ môn, phòng thiết bị, thí nghiệm, thực hành, thư viện…
Bậc học Trung học phổ thông đầu tư xây mới 165 phòng thiết bị, thí nghiệm, thực hành, thư viện…
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho TTGDTX Thái Hòa và Hoàng Mai.
2.5 Xây dựng cơ sở vật chất trường Đại học Y Khoa Nghệ An
2.6 Xây dựng cơ sở vật chất trường Đại học Kinh tế Nghệ An
2.7 Xây dựng trường Đại học Quốc tế (từ nguồn vốn thu hút đầu tư)
2.8 Tiếp tục xây dựng cơ sở 2 Trường TCN KT-KT Bắc Nghệ An.
2.9 Xây dựng trường trung cấp nghề dân tộc nội trú Nghệ An.
2.10 Xây dựng nhà thực hành trường CĐDN Du lịch - Thương mại Nghệ An.
2.11 Xây dựng cơ sở 2 trường Trung cấp Nghề KT-KT miền tây Nghệ An.
2.12 Xây dựng nhà học lý thuyết, xưởng thực hành trường Trung cấp Nghề công nghệ và truyền thông Nghệ An.
3. Tổng hợp nhu cầu về nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.
3.1. Xây mới để xóa 2.008 phòng học tạm, mượn: 879 tỷ đồng (có phụ lục 02 đính kèm).
3.2 Xây mới thay thế 5.124 phòng học cấp 4 xuống cấp: 1749 tỷ đồng (có phụ lục 03 đính kèm).
3.3. Đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trường PTDT nội trú: 275 tỷ đồng (có phụ lục 04 đính kèm).
3.4 Xây dựng cơ sở vật chất 42 trường phổ thông dân tộc bán trú: 420 tỷ đồng (bình quân mỗi đơn vị 10 tỷ đồng).
3.5. Xây dựng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu: 299 tỷ đồng (theo đề án được phê duyệt tại Quyết định số 4548 ngày 26/10/2011của UBND tỉnh Nghệ An)
3.6 Đầu tư xây dựng hệ thống các phòng học bộ môn, phòng thiết bị dạy học, thư viện đạt chuẩn: 924 tỷ đồng (có phụ lục 05 đính kèm).
3.7 Đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất cho TTGDTX Thái Hòa và Hoàng Mai: 30 tỷ đồng.
3.8 Xây dựng cơ sở vật chất trường Đại học Y Khoa Nghệ An: 500 tỷ đồng
3.9 Xây dựng cơ sở vật chất trường Đại học Kinh tế Nghệ An: 360 tỷ đồng
3.10 Xây dựng trường Đại học Quốc tế (kêu gọi, thu hút đầu tư), khoảng 1000 tỷ đồng.
3.11 Tiếp tục xây dựng cơ sở 2 Trường Trung cấp nghề KT-KT Bắc Nghệ An, 136 tỷ đồng.
3.12 Tiếp tục xây dựng trường trung cấp nghề dân tộc nội trú Nghệ An, 107 tỷ đồng.
3.13 Xây dựng nhà thực hành trường CDDN Du lịch – Thương mại Nghệ An, 105 tỷ đồng.
3.14 Xây dựng cơ sở 2 trường Trung cấp Nghề KT-KT miền tây Nghệ An, 36 tỷ đồng.
3.15 Xây dựng nhà học lý thuyết, xưởng thực hành trường Trung cấp Nghề Công nghệ và truyền thông Nghệ An, 38 tỷ đồng
Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập là 5.859 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho giáo dục là 4.577 tỷ đồng, cho các trường đại học là 860 tỷ đồng, đào tạo nghề là 422 tỷ đồng.
4. Dự kiến nguồn vốn
Căn cứ vào số liệu thống kê nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 2010-2013, dự kiến nguồn vốn thu hút được để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành giáo dục những năm tới cơ bản ổn định. Ngoài ra một số chương trình, dự án mới sẽ được khởi động như Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, Dự án phát triển giáo dục THCS vùng khó khăn nhất, Dự án phát triển giáo dục trung học pha II…, cụ thể:
Nguồn kinh phí bình quân mỗi năm ở giai đoạn 2010-2013 của từng loại nguồn (tính theo số liệu tổng hợp từ các cơ sở giáo dục) là:
- Vốn ngân sách tỉnh (bao gồm vốn XDCB tập trung, tiết kiệm chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT, vượt thu...): 106 tỷ đồng/năm;
- Vốn ngân sách huyện, xã: 166 tỷ đồng/năm;
- Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, nông thôn mới…: 50 tỷ đồng/năm;
- Vốn huy động xã hội hóa giáo dục (bao gồm cả huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và từ phụ huynh học sinh): 43 tỷ đồng/năm.
Vốn đầu tư giai đoạn 2015-2020 của từng nguồn dự kiến bằng bình quân năm của giai đoạn 2010-2013 nhân 6 năm. Ngoài ra một số chương trình dự án mới giành riêng cho ngành giáo dục dự kiến sẽ được khởi động như chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, đổi mới chương trình giáo dục…, cụ thể:
- Vốn Ngân sách tỉnh (bao gồm vốn XDCB tập trung, tiết kiệm chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT, vượt thu...): 632 tỷ đồng
- Vốn Ngân sách huyện, xã: 996 tỷ đồng
- Kinh phí CTMT quốc gia, Chương trình 135, nông thôn mới …299 tỷ đồng.
- Vốn huy động xã hội hóa giáo dục (bao gồm cả huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và từ phụ huynh học sinh): 261 tỷ đồng.
- Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học hỗ trợ khoảng 80% nhu cầu xây dựng xóa phòng học tạm, mượn, xuống cấp: 2.101 tỷ đồng.
- Dự án phát triển giáo dục THCS vùng khó khăn nhất: 120 tỷ đồng.
- Dự án phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2: 36 tỷ đồng.
- Các chương trình, dự án khác đầu tư cho cơ sở giáo dục: 130 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hai trường đại học: 860 tỷ đồng.
- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề, vốn ngân sách tỉnh, trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng hạ tầng các trường đào tạo nghề: 422 tỷ đồng.
Phần III.
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về công tác quy hoạch
Các địa phương sớm hoàn thiện mạng lưới trường, lớp theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả đầu tư. Các cơ sở giáo dục cần xây dựng và phê duyệt quy hoạch mặt bằng tổng thể khuôn viên nhà trường, đảm bảo các công trình được đầu tư xây dựng đúng quy hoạch, tránh việc đầu tư manh mún, chắp vá, không đồng bộ, không đạt chuẩn.
2. Giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020
- Tích cực vận động, thu hút các nguồn kinh phí đầu tư từ các chương trình, dự án; tranh thủ tối đa các nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác. Tham mưu tiếp tục triển khai Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước.
- Trong việc phân bổ các nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho giáo dục, thể hiện đúng quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
- Tích cực huy động xã hội hóa giáo dục: huy động vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng giáo dục theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Công khai, minh bạch trong huy động đầu tư xã hội hóa giáo dục từ phụ huynh, học sinh và các tổ chức, cá nhân, tạo niềm tin trong xã hội.
- Sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn thay cho kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hàng năm, trong đó ưu tiên cho những công trình trọng điểm, thiết yếu, cấp bách.
3. Giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác tham mưu chủ trương đầu tư, đảm bảo việc đầu tư đúng định hướng, đúng địa chỉ.
- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng.
- Xây dựng và ban hành các quy định về phân công, phân cấp quản lý các công trình giáo dục phù hợp với đặc thù ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
4. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và của ngành giáo dục nói riêng.
Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Lộ trình thực hiện
a) Từ năm 2014-2015 (giai đoạn 1)
Ưu tiên xóa phòng học tạm, mượn, đặc biệt là ở lớp mẫu giáo 5 tuổi để thực hiện đúng lộ trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi theo kế hoạch. Xây dựng cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo điều kiện phục vụ dạy, học và nhu cầu sinh hoạt cho học sinh nội trú. Đồng thời quan tâm xây dựng các phòng thiết bị, phòng học bộ môn đạt chuẩn; xây dựng cải tạo các công trình phụ trợ, khuôn viên nhà trường để góp phần tăng số trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
b) Từ năm 2016-2020 (giai đoạn 2):
Thực hiện các mục tiêu còn lại, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
3. Trách nhiệm của các cơ quan
3.1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An, căn cứ nội dung Đề án được phê duyệt, tổ chức hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án này.
- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, các cơ quan khác có liên quan, UBND cấp huyện hàng năm xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách, phương án vốn cụ thể. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu chủ trương đầu tư; phối hợp với Sở Xây dựng trong quản lý thiết kế, quản lý chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo các công trình được xây dựng đúng chuẩn, phục vụ có hiệu quả cho công tác dạy học. Phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư.
- Định kỳ hàng năm có sơ kết đánh giá báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
3.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính rà soát, cân đối, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển các công trình, dự án để đầu tư cho hạ tầng lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư.
- Chủ trì, cùng các ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
3.3. Sở Tài chính:
- Cân đối nguồn vốn ngân sách hàng năm để bố trí hợp lí, kịp thời cho các địa phương, các ngành để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng công trình sau khi đưa vào sử dụng.
- Phối hợp với Sở kế hoạch & Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu chiến lược thu hút, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả.
3.4. Sở Xây dựng:
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng đảm bảo các công trình được đầu tư xây dựng đúng theo chuẩn quy định.
3.5. Sở Tài nguyên và môi trường
Hoàn thiện các thủ tục giao đất cho các cơ sở giáo dục theo đúng quy định. Phối hợp với các địa phương tham mưu bố trí quỹ đất, đảm bảo đủ định mức tối thiểu cho các cơ sở giáo dục.
3.6. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của đề án trên địa bàn theo quy định về phân công, phân cấp quản lý. Rà soát, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Chủ động phân bổ nguồn vốn và tổ chức lồng ghép các nguồn vốn cho các công trình xây dựng thuộc địa phương quản lý.
- Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước.
3.7. Các Sở, ban, ngành có liên quan
Các Sở ban ngành có liên quan căn cứ vào Đề án này, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án có hiệu quả.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nếu có vướng mắc, hoặc cần điều chỉnh bổ sung, đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan gửi đề xuất về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét xử lý./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.