ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 717/QĐ-UBND-HC | Đồng Tháp, ngày 04 tháng 08 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH GÒ THÁP TỈNH ĐỒNG THÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 20/QĐ.UB.TL ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp;
Xét đề nghị của Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp tại Tờ trình số 142/TTr-BQLKDTGT ngày 30 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ KHU DI TÍCH GÒ THÁP TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 717/QĐ-UBND-HC ngày 04/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Điều 1. Vị trí, chức năng
Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp; thực hiện chức năng quản lý, khai thác, bảo tồn, bảo tàng và tôn tạo Khu di tích Gò Tháp thành trung tâm văn hóa du lịch của tỉnh Đồng Tháp; thực hiện dịch vụ công và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân Tỉnh và theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, số lượng người làm việc và công tác của Ủy ban nhân dân Tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật;
Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp (gọi tắt là Ban Quản lý) có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở đặt tại ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Ủy ban nhân dân Tỉnh về quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình dự án, chính sách hợp tác đầu tư, bảo tồn, bảo tàng, phát triển Khu di tích Gò Tháp thành trung tâm văn hóa du lịch của tỉnh Đồng Tháp theo mục tiêu văn hóa, văn minh, an ninh, kinh tế.
2. Tổ chức quản lý, triển khai, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển các chương trình dự án, các tiêu chuẩn định mức kỹ thuật; tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử, du lịch, cảnh quan môi trường thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Lập phương án, kế hoạch sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước, hợp tác đầu tư; Tổ chức thăm dò, thám sát, khai quật các di tích lịch sử và khảo cổ
học (gồm khai quật khẩn cấp và khai quật theo kế hoạch trong khu di tích); Làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản về bảo tồn, bảo tàng, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử, khảo cổ và du lịch, giám sát thi công xây dựng công trình thuộc Ban Quản lý và theo dõi thanh quyết toán các khối lượng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định của pháp luật.
4. Xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với quy hoạch, tiềm năng và đúng theo quy định của pháp luật. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh và các ngành chức năng về công tác quản lý các dự án và các công trình của các nhà đầu tư trong Khu di tích.
5. Đề xuất biện pháp quản lý, phát triển và khai thác hợp lý, có hiệu quả các tài nguyên rừng, hệ sinh thái, nguồn lợi động, thực vật trong khu vực của Ban Quản lý.
6. Xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ, du lịch nội địa và quốc tế như: lưu trú; ăn uống giải khát; vui chơi giải trí; vận chuyển, lữ hành; văn hóa, nghệ thuật; thông tin tuyên truyền, quảng cáo; thương mại theo quy định của pháp luật.
7. Chỉ đạo công tác tài chính và điều hành thu, chi tài chính của các cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo và dân gian trong Khu di tích Gò Tháp theo Luật Di sản văn hóa, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và các quy định khác có liên quan. Thu và quản lý các nguồn thu từ các dịch vụ phục vụ, hạch toán theo quy định hiện hành.
8. Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an toàn về tài nguyên, môi trường, tài sản của Ban Quản lý và của những người đến Khu di tích Gò Tháp; đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, những hành vi xâm phạm đến di tích lịch sử; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội thuộc khu vực quản lý của Ban Quản lý.
9. Được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật; được phép xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm vào khu vực cấm như rừng, khu vực di tích thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý.
10. Phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra và chủ động trong công tác
phòng, chống cháy nổ trong khu vực quản lý của Ban Quản lý.
11. Phối hợp với các ngành chức năng; chính quyền địa phương sở tại; Ban Hội hương và Chùa Tháp Linh tổ chức tốt các ngày lễ hội hàng năm, đảm bảo an toàn, đúng thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật; quyết định ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý tài chính của các cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo và dân gian trong Khu di tích Gò Tháp theo quy định của pháp luật.
12. Tiếp nhận bàn giao, quản lý và khai thác các công trình của các Sở, ban, ngành Tỉnh giao lại theo đúng quy định.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân Tỉnh phân công.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 4. Lãnh đạo Ban Quản lý
Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc. Giám đốc là người đứng đầu Ban Quản lý, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban Quản lý;
Phó Giám đốc Ban Quản lý là người giúp việc Giám đốc Ban Quản lý, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ban Quản lý và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc Ban Quản lý vắng mặt, một Phó Giám đốc Ban Quản lý được Giám đốc Ban Quản lý ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Ban Quản lý;
Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Ban Quản lý do Chủ tịch Ủy ban nhân Tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chức danh, quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách khác đối với Giám đốc và Phó Giám đốc Ban Quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Cơ cấu tổ chức
1. Các phòng thuộc Ban Quản lý:
- Văn phòng Ban Quản lý;
- Phòng Kế hoạch - Tài vụ;
- Phòng Nghiệp vụ.
2. Vị trí việc làm và số lượng người làm việc:
Số lượng người làm việc được Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định trên cơ sở đề án vị trí việc làm của Ban Quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Giám đốc Ban Quản lý có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng thuộc Ban Quản lý và căn cứ vào tiêu chuẩn quy định và phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân Tỉnh để thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, bố trí viên chức và người hợp đồng lao động thuộc Ban Quản lý.
Chương IV
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 6. Với Ủy ban nhân dân Tỉnh
Ban Quản lý là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân Tỉnh. Định kỳ tháng, 06 tháng, năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả hoạt động, công tác, tình hình thực hiện nhiệm vụ; kiến nghị, đề xuất với Ủy ban
nhân dân Tỉnh xem xét chỉ đạo, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 7. Với các Sở, ban, ngành Tỉnh
Đối với các Sở, ban, ngành Tỉnh là mối quan hệ phối hợp, bình đẳng trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan;
Ban Quản lý chủ động phối hợp với các ngành có liên quan để hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và của Tỉnh về những vấn đề có liên quan đến công tác của đơn vị; phối hợp kiến nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh xử lý những việc vượt quá quyền hạn của đơn vị; cùng kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với hệ thống pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương. Khi có vấn đề chưa thống nhất thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh.
Điều 8. Với Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười
Phối hợp cùng thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao trong việc quản lý, xây dựng, khai thác, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo khu di tích và tài nguyên, môi trường thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý.
Điều 9. Với Ủy ban nhân dân xã Tân Kiều, Mỹ Hòa và các xã lân cận
1. Phối hợp tuần tra canh gác bảo vệ Khu di tích và bảo vệ khách du lịch đến tham quan. Kết hợp xử lý các hành vi vi phạm, xâm hại Khu di tích, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân địa phương cùng tham gia tích cực vào việc bảo vệ Khu di tích.
2. Phối hợp thành lập tổ phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo vệ tài nguyên, môi trường và động, thực vật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.