BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 698-QĐ/QHQT | Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 1997 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH QUỐC GIA
QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 07/TTg ngày 03/01/1997 về việc thành lập Ban điều hành Quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu của Việt Nam và phân công đầu mối tham gia các hoạt động của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF);
Căn cứ Công văn số 2095/KGVX ngày 04/05/1996 của Văn phòng Chính phủ về việc chỉ đạo Bộ KHCN&MT ban hành quy chế làm việc của ban điều hành quốc gia GEF - Việt Nam.
Xét đề nghị của các ông Cục trưởng Cục môi trường và Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban điều hành Quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu của Việt Nam (viết tắt là GEF - Việt Nam).
Điều 2: Các ông Chủ tịch, các thành viên GEF - Việt Nam, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Cục trưởng Cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức và cán bộ khoa học Bộ KHCN&MT chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
| Phạm Gia Khiêm (Đã ký) |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN ĐIỀU HÀNH QUỐC GIA QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU CỦA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 698-QĐ/QHQT ngày 16 tháng 6 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường)
Điều 1. Chức năng:
- Ban điều hành quốc gia Quỹ môi trường toàn cầu của Việt Nam (viết tắt là GEF - Việt Nam) giúp Bộ trưởng Bộ KHCN&MT điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường liên quan đến GEF toàn cầu (global environmental facility-GEF).
Điều 2. GEF Việt Nam có những nhiệm vụ sau:
- Hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quần chúng - xã hội xây dựng các dự án về bảo vệ môi trường liên quan đến GEF toàn cầu trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của Việt Nam và các quy định của GEF toàn cầu.
- Tổng hợp, xem xét các dự án, các kiến nghị liên quan đến GEF toàn cầu của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quần chúng xã hội để giúp Bộ trưởng Bộ KHCN&MT trình Chính phủ và GEF toàn cầu.
- Giám sát việc tổ chức thực hiện các dự án của GEF toàn cầu và các hoạt động liên quan khác.
Điều 3. Quyền hạn của GEF - Việt Nam:
- GEF - Việt Nam là đại diện của Việt Nam trong việc điều phối các hoạt động, xử lý các mối quan hệ với GEF toàn cầu.
- Giúp Bộ trưởng Bộ KHCN&MT xem xét và trình duyệt các dự án lên Chính phủ và GEF toàn cầu, điều phối việc quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đã dược thực hiện trong khuôn khổ của GEF toàn cầu.
Điều 4. Tổ chức của GEF - Việt Nam
- GEF - Việt Nam là đại diện của Việt Nam trong GEF toàn cầu. Cơ quan thường trực của GEF - Việt Nam là Văn phòng GEF - Việt Nam làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ điều hành các hoạt động của GEF - Việt Nam theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại các điều 1, 2 và 3 của Quy chế này
- Chủ tịch GEF - Việt Nam là Thứ trưởng Bộ KHCN&MT, do Bộ trưởng Bộ KHCN&MT bổ nhiệm, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng điều hành các hoạt động GEF - Việt Nam theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại Quy chế này.
- GEF - Việt Nam có hai Phó chủ tịch do Bộ trưởng Bộ KHCN&MT bổ nhiệm có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch phân công, một Phó chủ tịch thường trực là đại diện của Cục Môi trường.
- Các thành viên của Ban điều hành GEF - Việt Nam là đại diện của các Bộ KHCN & MT, Bộ KH & ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Các thành viên của Ban điều hành Quốc gia của GEF - Việt Nam do cơ quan chủ quản đề cử và Bộ trưởng Bộ KHCN&MT ra Quyết định công nhận. Các thành viên Ban điều hành của GEF - Việt Nam có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của GEF- Việt Nam và báo cáo các công tác trong lĩnh vực được giao để Văn phòng GEF - Việt Nam tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ và Ban thư ký GEF toàn cầu.
- Văn phòng GEF - Việt Nam có ban thư ký thường trực do Chủ tịch cử, Văn phòng GEF - Việt Nam dặt tại Cục Môi trường có nhiệm vụ giúp Chủ tịch điều hành các hoạt động của GEF - Việt Nam trong việc tổng hợp, xử lý các thông tin thẩm định dự án và chuẩn bị nội dung chương trình các cuộc họp của GEF - Việt Nam.
Điều 5. Phương thức hoạt động:
- GEF - Việt Nam họp định kỳ 6 tháng một lần. Trong trường hợp đột xuất, Chủ tịch triệu tập các cuộc họp bất thường.
- Chủ tịch chủ trì các cuộc họp GEF - Việt Nam, trường hợp Chủ tịch vắng mặt sẻ uỷ nhiệm cho một Phó chủ tịch thay thế.
- Kế hoạch hoạt động của GEF - Việt Nam do Văn phòng GEF - Việt Nam theo chuẩn bị hướng dẫn của GEF toàn cầu và sẽ được thông qua tại các cuộc họp định kỳ của GEF - Việt Nam.
- Các dự án xin cấp vốn từ GEF toàn cầu phải được trình lên GEF - Việt Nam. Văn phòng GEF - Việt Nam sẽ xem xét lựa chọn những dự án khả thi trình lên Chủ tịch GEF - Việt Nam để gửi lên Ban thư ký GEF xem xét và báo cáo với Chính phủ.
- Sau khi các dự án trình lên được Chính phủ, GEF toàn cầu chấp thuận, Chủ tịch GEF - Việt Nam thông báo kế hoạch được duyệt cho các thành viên Ban điều hành và chủ dự án. Các chủ dự án báo cáo kế hoạch triển khai và tiến độ thực hiện định kỳ 3 tháng một lần về Văn phòng GEF Việt Nam. GEF - Việt Nam trình kế hoạch và báo cáo tiến độ thực hiện dự án đến cơ quan tài trợ dự án để cấp vốn thực thi dự án.
Điều 6. Kinh phí hoạt động của GEF - Việt Nam:
- Nguồn kinh phí hoạt động của GEF - Việt Nam gồm:
Nguồn kinh phí sự nghiệp theo kế hoạch hàng năm của Bộ KHCN&MT. Kinh phí hoạt động của GEF - Việt Nam do Văn phòng GEF - Việt Nam xây dựng dự toán trình Ban điều hành, Chủ tịch GEF - Việt Nam quyết định và đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ KHCN&MT để trình Chính phủ.
Nguồn từ GEF toàn cầu được quản lý theo quy định của GEF toàn cầu và các quy định hiện hành về quản ký tài chính của Nhà nước.
Điều 7. Điều khoản thi hành:
- Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.