ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2005/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 18 tháng 10 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG AN NINH TRẬT TỰ Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUÂN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP , ngày 31/07/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới;
Căn cứ Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 11/01/2005 của Tỉnh ủy Bình Thuận về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm;
Thực hiện Kế hoạch số 867 KH/UBBT-SNV, ngày 19/03/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc: xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở năm 2004;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận tại tờ trình số 503/BC-CAT ngày 05/8/2005.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng An ninh trật tự xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Giám đốc Công an Tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quyết định này và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG AN NINH TRẬT TỰ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: ........../2005/QĐ-UBND ngày.........tháng ...........năm 2005 của UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương I:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ
Điều 1. Hội đồng an ninh trật tự ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn. Hội đồng an ninh trật tự có chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn; xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt xung kích để giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Nhiệm kỳ của Hội đồng an ninh trật tự theo nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Hội đồng an ninh trật tự xã, phường, thị trấn có các nhiệm vụ sau đây:
1. Nắm vững tình hình An ninh trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn; nghiên cứu, phân tích những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, những thiếu sót trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở cơ sở.
2. Nghiên cứu đề xuất với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, thực hiện có hiệu quả mục tiêu 3 giảm (giảm phạm pháp hình sự, giảm tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông) trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
3. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống tội phạm; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh, gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Xây dựng các mô hình quần chúng tự quản bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
4. Phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định về an ninh trật tự.
5. Thông báo tình hình, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực đấu tranh phòng ngừa mọi hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản, các quyền lợi hợp pháp của tổ chức và công dân.
6. Theo dõi, quản lý, giáo dục và giúp đở các loại đối tượng: tù tha về, cải tạo không giam giữ, án treo, cấm đi khỏi nơi cư trú và quản chế theo quy định của Bộ luật Hình sự; đối tượng cai nghiện tại cộng đồng; đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh hết hạn về địa phương và các đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ.
Điều 3. Hội đồng an ninh trật tự ở xã, phường, thị trấn, có quyền hạn sau:
1. Kiểm tra các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đóng tại địa phương trong việc thực hiện các quy ước về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, giám sát việc thực hiện pháp luật của cán bộ cơ sở có liên quan đến công tác bảo vệ an ninh trật tự.
2. Tham mưu báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đưa người vi phạm pháp luật về an ninh trật tự ra kiểm điểm, giáo dục trước nhân dân. Giám sát việc lập hồ sơ xét duyệt áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định 163/2003/NĐ-CP , hoặc đề nghị đưa các đối tượng vi phạm pháp luật hành chính vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh theo quy định của Nhà nước.
3. Lập biên bản và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với các gia đình để cảm hoá và động viên, thuyết phục người phạm tội đang lẫn tránh tự giác ra đầu thú.
4. Phân công lực lượng, tổ chức truy bắt những người có lệnh truy nã, những người phạm tội quả tang và dẫn giải những người này đến giao Công an xã, phường, thị trấn để xem xét xử lý theo thẩm quyền. Bảo vệ hiện trường các vụ việc xảy ra tại địa phương có liên quan đến hoạt động tội phạm; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện việc điều tra, xử lý các hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.
5. Được huy động các lực lượng dân quân, dân phòng xã, phường, thị trấn để tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ an ninh trật tự. Phối hợp với các lực lượng chức năng giải tán các tụ điểm gây mất trật tự công cộng tại địa bàn dân cư.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng an ninh trật tự.
1. Hội đồng an ninh trật tự gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên.
2. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được giao giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng và có trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động chung của hội đồng.
3. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận - Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng Công an cấp xã, Xã Đội trưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn là Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng.
4. Thường trực Hội đồng an ninh trật tự gồm có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, có trách nhiệm giúp Hội đồng trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, biện pháp bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và điều hành chỉ đạo công việc hàng ngày theo kế hoạch của Hội đồng.
- Trụ sở cơ quan thường trực của Hội đồng an ninh trật tự đặt tại Công an xã, phường, thị trấn.
5. Các Ủy viên của Hội đồng an ninh trật tự là đại diện các ngành, đoàn thể quần chúng, trường học, trưởng thôn, khu phố... ở xã, phường, thị trấn. Tùy tình hình, đặc điểm của địa phương, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định cụ thể số lượng ủy viên của Hội đồng an ninh trật tự nhưng tối đa không quá 5 ủy viên.
6. Các thành viên của Hội đồng an ninh trật tự chấp hành sự phân công, điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Thời gian các ủy viên thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng phân công được xem là thời gian thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đoàn thể.
Điều 5. Lề lối làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng an ninh trật tự
1. Hội đồng an ninh trật tự chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy xã, phường, thị trấn và sự quản lý, điều hành trực tiếp của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
2. Hội đồng an ninh trật tự làm việc theo chế độ tập thể, phân công cá nhân phụ trách từng lĩnh vực và giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của mình khi được Hội đồng giao và báo cáo kết quả cho Hội đồng. Hội đồng an ninh trật tự 03 tháng họp 01 lần; 6 tháng, 01 năm tổ chức sơ kết, tổng kết công tác.
3. Hội đồng an ninh trật tự giữ vai trò chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể quần chúng để triển khai nhiệm vụ an ninh trật tự ở xã, phường, thị trấn.
4. Thường trực Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự bảo đảm trực 24 giờ trong một ngày tại trụ sở thường trực của Hội đồng để kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra ở địa phương. Thường trực Hội đồng an ninh trật tự mỗi tháng họp 01 lần.
Chương III
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 6. Chế độ chính sách, khen thưởng.
1. Thành viên của Hội đồng an ninh trật tự được dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật và được tạm miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích.
2. Thành viên của Hội đồng an ninh trật tự và những người được Hội đồng an ninh trật tự điều động làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự có thành tích xuất sắc được xét khen thưởng. Trường hợp bị thương, bị chết trong khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự thì được xem xét hưởng chính sách thương binh, liệt sỹ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/TTLT-BLĐ-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của Bộ lao động - Thương binh và xã hội - Bộ quốc phòng - Bộ Công an.
Điều 7. Thành viên Hội đồng an ninh trật tự có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế nếu có vướng mắc, phát sinh, các ngành, các địa phương kịp thời báo cáo bằng văn bản về Công an tỉnh để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.