ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 682/QĐ-CT | Vĩnh Phúc, ngày 11 tháng 3 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DUNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CÔNG NHÂN Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư 55/2013/TT-BTC ngày 6 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 17/TTr -LĐLĐ, ngày 25 tháng 02 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Giám đốc các Sở, Ngành: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lao động -TB&XH, Tài chính, Xây dựng, Thông tin -Truyền thông; Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT.CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CÔNG NHÂN Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành theo Quyết định số Số: 682/QĐ-CT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)
Trong những năm qua, cùng với sự hình thành phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đội ngũ công nhân lao động (CNLĐ) của tỉnh ngày càng tăng nhanh về số lượng và chất lượng; Đặc biệt, đang tăng nhanh trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ trong các khu công nghiệp tuy đã ổn định và ngày càng được cải thiện, nhưng chưa tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp và những đóng góp của chính bản thân CNLĐ.
Hiện nay, phần lớn CNLĐ trong các khu công nghiệp, đặc biệt là công nhân ở các khu nhà trọ đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, đời sống tinh thần còn nghèo nàn; việc quan tâm giải quyết nhu cầu chính đáng của CNLĐ đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm nhưng chưa kịp thời, đầy đủ và còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Vì vậy, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho CNLĐ trong các khu công nghiệp (KCN) không chỉ là thoả mãn nhu cầu chính đáng, hợp pháp của CNLĐ, mà còn là biện pháp thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, đồng thời là biện pháp tích cực để tổ chức Công đoàn tập hợp đông đảo CNLĐ các thành phần kinh tế vào tổ chức Công đoàn, góp phần hạn chế đình công tự phát, hướng các hoạt động đình công (nếu có) diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động, tạo ra sức mạnh tổng hợp để các doanh nghiệp ngày càng phát triển vì lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và lợi ích của người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
PHẦN THỨ NHẤT
CÁC CĂN CỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Căn cứ chủ trương của Đảng, Nhà nước để xây dựng đề án
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành TW Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”;
- Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/8/2008 của Ban Bí thư TW Đảng về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”;
- Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 05/5/2008 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết TW 6 khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ”;
- Thông tri số 30/TT-TU ngày 02/12/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp;
- Kế hoạch số 893/KH-UBND ngày 24/3/2009 của UBND tỉnh về việc triển khai Chỉ thị 22 -CT/TW ngày 05/8/2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
- Luật Công đoàn năm 2012;
- Quyết định 1780/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các Khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
- Thông tư số 55/2013/TT-BTC ngày 6 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các Khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;
- Căn cứ vào mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV.
II. Sự cần thiết phải xây dựng đề án
Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội rộng lớn, đang phát triển, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, quốc gia nào biết sử dụng nguồn lao động một cách hợp lý, biết phát huy nhân tố con người thì quốc gia đó đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Khi người lao động không được hưởng, hoặc có nhưng không đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, cụ thể là không được hưởng đúng các chế độ chính sách thì họ sẽ chán nản, hiệu quả lao động sản xuất không cao, từ đó sẽ phát sinh nhiều bất lợi cho cả đôi bên. Đồng thời khi lợi ích của họ không được đảm bảo thì không thể khai thác khả năng sáng tạo, cũng như sức cống hiến của họ trong công việc. Điều đó dẫn đến sự kìm hãm quá trình sản xuất và tất yếu doanh nghiệp, công ty sẽ dẫn đến thất thu và gây ảnh hưởng chung đến nền kinh tế của đất nước. Vì vậy, để ổn định và phát triển nền kinh tế của tỉnh nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thì cần phải có những chính sách cụ thể cả về vật chất và tinh thần để tạo động lực tận dụng khả năng tối đa cho nguồn nhân lực.
Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã hình thành một hệ thống các KCN, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, DDI vào đầu tư, thu hút hàng vạn lao động trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận vào làm việc tại các công ty, các doanh nghiệp. Chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần của công nhân đang là vấn đề rất được quan tâm bởi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống văn hoá, tinh thần càng trở nên cần thiết và nó có khả năng tái tạo sức lao động, tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi công nhân. Từ tình hình trên cần thiết phải xây dựng Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
PHẦN THỨ HAI
THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG VÀ ĐỜI SỐNG CỦA CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC HIỆN NAY
I. Lao động, việc làm trong các khu công nghiệp
1. Quy mô, cơ cấu nguồn lao động
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục với hệ thống 20 khu công nghiệp (KCN) phát triển đến năm 2020, quy mô gần 6.000 ha, được phân bố hợp lý trên địa bàn. Đến hết 31/12/2013 có 05 KCN đang hoạt động thu hút được 124 dự án đầu tư, gồm 32 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.399,24 tỷ đồng và 92 dự án FDI với tống vốn đầu tư đăng ký 2,06 tỷ USD, trong đó có 105 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (75 dự án FDI và 27 dự án DDI), giải quyết việc làm cho 36.674 lao động (lao động làm việc trong các doanh nghiệp DDI là 2.656 người, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI là 34.018 người); trong đó, lao động người Vĩnh Phúc là 30.991 người chiếm khoảng 82%. Lao động nữ làm việc trong các Khu công nghiệp là 26.947 người, lao động nữ là người Vĩnh Phúc là 23.129 người. Hầu hết lao động làm việc trong các KCN là lao động trẻ, chưa lập gia đình, số lao động có gia đình chiếm khoảng 25 - 30% so với tổng số lao động.
2. Trình độ học vấn, chuyên môn của CNLĐ trong các doanh nghiệp FDI
Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh trong 65 doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn với tổng số 24.992 CNLĐ (năm 2013), kết quả cho thấy:
- Văn hoá PTTH: 9.165 chiếm 36,67%.
- Đại học, Cao đẳng trở lên: 1.641 chiếm 6,56%.
- Trung cấp và tương đương: 1.944 chiếm 7,78%.
- Công nhân kỹ thuật: 5.745 chiếm 22,98%.
- Lao động phổ thông: 6.497 chiếm 25,99%
II. Tiền lương, nhà ở, tình hình quan hệ lao động của CNLĐ trong các khu công nghiệp (tính đến tháng 9/2013)
1. Về tiền lương của CNLĐ:
Do nhu cầu bức thiết hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận dụng linh hoạt các phương pháp quản lý, đặc biệt là biện pháp kinh tế. Một trong những biện pháp kinh tế là vấn đề tiền lương, tiền thưởng. Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của con người đều vì lợi ích kinh tế. Vì thế tiền lương là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với hiệu quả sản xuất. Do vậy việc gắn liền tiền lương với hiệu quả sản xuất kinh doanh và việc nâng cao mức sống ổn định và phát triển trên cơ sở kinh tế là những vấn đề không thể tách rời.
Tiền lương bình quân của CNLĐ trong các khu công nghiệp tỉnh đạt từ 2.500.000 - 5.000.000 triệu đồng/người/tháng.Trong đó tiền lương doanh nghiệp FDI từ 3.000.000 - 5.000.000 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp DDI từ 2.500.000 4.000.000 triệu đồng/người/tháng.
2. Về nhà ở của CNLĐ:
Hiện nay, nhà ở đang được người lao động quan tâm, nhất là CNLĐ ở địa bàn các KCN, còn khoảng 30% CNLĐ phải đi thuê nhà trọ ở những khu vực xung quanh các khu, cụm công nghiệp, mức thuê nhà bình quân từ 450.000đ - 500.000đ/phòng /tháng (không bao gồm tiền vệ sinh, điện, nước sinh hoạt) với diện tích bình quân từ 8 – 12m2, mỗi phòng từ 2 – 3 người. Nhà trọ cho CNLĐ thuê chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt, các khu nhà trọ đều tạm bợ, trật hẹp, nóng bức, thiếu ánh sáng, vệ sinh môi trường ô nhiễm, môi trường sống dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đại bộ phận CNLĐ ở nhà trọ không có phương tiện nghe nhìn, sách báo, dụng cụ thể thao, cơ sở vật chất để hưởng thụ văn hoá. Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, điện, nước… tăng cao.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 dự án nhà ở xã hội trong đó có 6 dự án nhà thu nhập thấp với tổng diện tích 22.900 ha, đáp ứng chỗ ở cho 20.500 người. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thị trường bất động sản khó khăn nên 8/10 dự án mới xong giai đoạn đầu tư hoặc đang thi công dở dang. 02 dự án nhà ở công nhân và người thu nhập thấp do Công ty cổ phần Vinaconex Xuân Mai và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bảo Quân triển khai có thành phẩm bán, giá bán 6.3 triệu đồng/m2 đã từng bước đáp ứng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp tại KCN Khai Quang.
Theo số liệu khảo sát của LĐLĐ thị xã Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên (nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung) cho thấy: có từ 30-35% CNLĐ làm việc tập trung trong các KCN là lao động nhập cư, phải thuê trọ. Để đáp ứng yêu cầu ăn ở rất lớn của bộ phận người lao động này trong khi hầu hết các doanh nghiệp không có điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân, do đó, trên địa bàn các phường, xã gần KCN đã hình thành các khu nhà trọ cho công nhân thuê, chủ yếu là các hộ tư nhân với quy mô và khả năng đầu tư khác nhau. Trung bình mỗi hộ có từ 5 đến 10 phòng, có từ 20-30 công nhân thuê trọ. Địa bàn tập trung chủ yếu là: Phường Khai Quang, Liên Bảo (thành phố Vĩnh Yên); thị trấn Hương Canh, xã Tam Hợp, xã Đạo Đức (Bình Xuyên); Phường Phúc Thắng, Hùng Vương, Trưng Trắc (Phúc Yên). Trên 03 địa bàn khảo sát, tổng số có 765 hộ gia đình có phòng trọ cho thuê, 380 hộ có 05 phòng trọ trở lên cho thuê với tổng số 4.517 phòng, 8.197 CNLĐ thuê trọ.
Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, các tệ nạn xã hội ở một số địa bàn, nhất là ở các khu nhà trọ có đông CNLĐ vẫn còn phức tạp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, cả về cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện tiếp cận với CNLĐ, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu ngoài giờ làm việc hoặc ngày nghỉ.
3. Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp hiện nay.
Tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh trong những năm vừa qua, có những bước phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động ở các doanh nghiệp phần nào còn có những diễn biến phức tạp. CNLĐ ở một số doanh nghiệp lo lắng về việc làm không ổn định. Một số doanh nghiệp đóng BHYT, BHXH, BHTN và làm sổ bảo hiểm cho CNLĐ chậm, muộn nên việc chi trả chế độ ốm đau, thai sản, chốt sổ bảo hiểm cho người lao động chưa kịp thời. Tình trạng người sử dụng lao động vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ còn diễn ra khá phổ biến, nhất là trong doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ: Năm 2011 có 17 cuộc đình công, năm 2012 có 14 cuộc đình công, năm 2013 có 09 cuộc đình công. Tổng cộng từ năm 2011 đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 cuộc đình công, riêng trong khu công nghiệp có 33 doanh nghiệp, ngoài khu công nghiệp có 07 doanh nghiệp. trong đó có 04 doanh nghiệp của Việt Nam, 36 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2013 có cuộc đình công đông công nhân nhất là 1915 người (Công ty HAESUNG VINA), cuộc đình công dài nhất trong 6 ngày (Công ty Quốc tế HANNAM).
Cụ thể:
- Doanh nghiệp Hàn Quốc: 22 cuộc chiếm 63,63%
- Doanh nghiệp Đài Loan: 08 cuộc chiếm 22,22%
- Doanh nghiệp Nhật Bản: 03 cuộc chiếm 08,33%
- Doanh nghiệp Malaysia: 01 cuộc chiếm 02,77%
- Doanh nghiệp Trung Quốc: 01 cuộc chiếm 02,77%
- Doanh nghiệp Italia: 01 cuộc chiếm 02,77%
Nguyên nhân chính của các cuộc đình công trên là:
- Những bất cập của cơ chế, chính sách, công tác quản lý Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian mà người lao động phải bỏ ra, chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động không giải quyết kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động, thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động chưa kịp thời, không đảm bảo theo quy định của pháp luật.
- Ngay từ đầu khi phê duyệt quy hoạch các KCN chưa gắn với quy hoạch công trình, cơ sở hạ tầng, cơ sở phúc lợi về văn hoá- xã hội giành cho CNLĐ.
- Hệ thống chính sách pháp luật có liên quan đến đảm bảo đời sống văn hoá, tinh thần của CNLĐ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và chưa có chế tài đủ mạnh.
- Một bộ phận lớn CNLĐ do những khó khăn về đời sống vật chất lấn át nên thờ ơ với chính trị, tâm lý thực dụng, làm thuê, xem nhẹ đời sống văn hoá, tinh thần.
- Nhận thức và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị với giai cấp công nhân ở một số nơi chưa đầy đủ. Nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn của 1 số cơ sở chưa theo kịp với những đòi hỏi của phong trào công nhân, việc thành lập và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp dân doanh, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
III. Thực trạng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động trong các khu công nghiệp
1. Đời sống vật chất
Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, do chạy theo lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng bằng mọi cách gia tăng lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp trả công cho người lao động còn thấp, chưa tương xứng với sức lao động mà người lao động bỏ ra, lương bình quân của người lao động đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng. Đời sống vật chất của CNLĐ ở các doanh nghiệp ngày càng khó khăn, thiếu thốn, nghèo nàn. Các chế độ cho người lao động như vấn đề tiền lương, tiền ăn ca, phụ cấp chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, trượt giá... tuy đã được người sử dụng lao động quan tâm, nhưng còn hạn chế, chưa đáp ứng đời sống tối thiểu cho người lao động. Một bộ phận không nhỏ người lao động đang bị bần cùng hoá về phương diện vật chất. Đây là một mầm mống của nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Để đời sống vật chất của CNLĐ được nâng cao các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách tiền lương và tiền công lao động, thực hiện tốt nguyên tắc phân phối theo lao động, có chính sách khuyến khích công nhân giỏi nghề, làm cho tiền công thực sự là đòn bẩy kích thích lao động sáng tạo. Chăm lo giải quyết vấn đề nhà ở, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt về điện, nước, nước, phương tiện đi lại, chữa bệnh.
Với mức thu nhập hiện nay rất thấp, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, tiền lương hàng tháng chỉ dành chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như: lương thực, thực phẩm chiếm gần hết tổng thu nhập, còn số ít lại dành cho chi trả tiền thuê nhà ở, đi lại, may mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân, nên đời sống người lao động vô cùng khó khăn. Vì vậy, đa phần người lao động thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần, như vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu ...
2. Đời sống văn hóa tinh thần
2.1. Trong khu công nghiệp
Đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ trong các khu công nghiệp hiện nay còn nghèo nàn. Công nhân lao động ít có điều kiện để được tham gia sinh hoạt và hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, tiếp nhận thông tin.
Việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trong những năm gần đây đã được các công đoàn cơ sở và chủ sử dụng lao động chú trọng, như cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho CNLĐ. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho CNLĐ đã được một số doanh nghiệp chú trọng, quan tâm đầu tư, điển hình như: Công ty TNHH cơ khí chính xác Việt Nam I, Công ty sản xuất phanh Nissin Việt Nam, Công ty Jawavina, công ty TNHH Vina Korea...
Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các giải thể thao, văn nghệ cho CNLĐ thường niên. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo CĐCS phối hợp với chủ doanh nghiệp xây dựng một số mô hình điểm về đời sống văn hóa cho CNLĐ trong các KCN. Hằng năm tổ chức các hoạt động như: tổ chức giải bóng đá nữ của Công ty TNHH VinaKorea, Công ty Jawavina; tổ chức giải bóng đá nam, ngày hội gia đình của Công ty sản xuất phanh Nissin Việt Nam; tổ chức đại hội thể dục, thể thao, hội diễn văn nghệ của tập đoàn Primes; tổ chức Ngày hội tri ân gia đình công nhân của công ty Côxây Mutipac... Liên đoàn Lao động tỉnh đã trang bị cung cấp báo lao động cho 100% các CĐCS của doanh nghiệp trong các KCN đã trang bị 210 tủ sách pháp luật cho 210 doanh nghiệp để CNLĐ, người sử dụng lao động, CĐCS có điều kiện tra cứu những nội dung, những chính sách mới đối với CNLĐ.
Sau khi Liên đoàn lao động tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tổ chức xây dựng các mô hình điểm, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tuyên truyền phổ biến pháp luật ...nhận thức của chủ sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đối với việc nâng cao đời sống văn hóa cho CNLĐ được nâng lên rõ rệt. Hiện nay có 43 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ. Nội dung hình thức tổ chức hoạt động được đa dạng, phong phú. Một số đơn vị doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ kinh phí cho CĐCS để tổ chức các hoạt động như: Công ty TNHH cơ khí chính xác Việt Nam 1, Công ty TNHH Vina Korea, Công ty cổ phần ống thép Việt Đức, Tập đoàn Primes, Công ty sản xuất phanh Nissin Việt Nam....
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, những áp lực về đời sống vật chất trên khiến nhiều CNLĐ tập trung thời gian làm thêm giờ, tăng ca, tăng thu nhập, cường độ lao động căng thẳng, ít có thời gian quan tâm đến hoạt động văn hóa tinh thần, tham gia các hoạt động giải trí. Việc triển khai các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp đa số phải thuê địa điểm ngoài, các hoạt động tổ chức ngoài giờ làm việc và vào những ngày nghỉ.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa chưa hình thành trong các KCN, như chưa có trạm xá, nhà trẻ, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao,vui chơi sau giờ làm việc cho CNLĐ. Một số doanh nghiệp có bố trí phòng đọc sách báo tại phòng công đoàn, sân chơi, phòng tập thể thao quy mô nhỏ, nhưng chủ yếu để phục vụ cho người sử dụng lao động và bộ phận quản lý hành chính. Các công trình văn hóa công cộng phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí còn mang tính dịch vụ, khó đáp ứng cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Qua khảo sát CNLĐ trong các khu công nghiệp cho thấy, đa số CNLĐ mong muốn có địa điểm vui chơi, sinh hoạt sau giờ làm việc, được các cấp công đoàn tổ chức thường xuyên các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, được cung cấp thông tin, được tuyên truyền pháp luật kết quả điều tra cụ thể:
TT | Nội dung | Mong muốn | Không lựa chọn |
1 | Địa điểm vui chơi, giải trí sau giờ làm việc | 74,2 | 25,8 |
2 | Có một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp | 64,4 | 35,6 |
3 | Được chăm sóc sức khoẻ | 63,3 | 36,7 |
4 | Được cungcấp thông tin | 65,8 | 34,2 |
5 | Được hỗ trợ pháp luật | 75,2 | 27,8 |
6 | Được vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, học hỏi lẫn nhau | 87,3 | 12,7 |
2.2. Trong các khu nhà trọ của công nhân
Hiện nay, có gần 18.000 CNLĐ đang ở thuê các nhà trọ, chiếm khoảng 30% tổng số CNLĐ trong các KCN. Trong đó 70% số CNLĐ sống trong những khu nhà trọ dân lập, thiếu cả những trang thiết bị sinh hoạt đơn giản nhất. Phần lớn công nhân tại các khu nhà trọ đang sống trong môi trường ba không: không ti vi, không sách báo, không intenrnet... Bên cạnh đó, áp lực của công việc và làm thêm giờ, nhiều công nhân cả tháng trời không biết đến tivi, sách, báo.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi có các nhà trọ cho công nhân thuê đã quan tâm, chỉ đạo các hoạt động trong khu nhà trọ công nhân như: Chỉ đạo các chủ nhà trọ quản lý đảm bảo an ninh trật tự, thành lập các tổ tự quản trong nhà trọ, tổ chức thăm hỏi, động viên công nhân trong các dịp lễ, dịp tết. Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn đã xây dựng những mô hình điểm trong các khu nhà trọ: Nhà trọ văn hóa công nhân, khu nhà trọ thanh niên công nhân văn hóa. Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) triển khai dự án "Thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động nhập cư tại khu công nghiệp Khai Quang thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2011 - 2014" . Dự án đã đặt 01 kiốt thông tin tại khu nhà trọ thôn Vĩnh Thịnh Đông phường Khai Quang để giúp CNLĐ trong các khu nhà trọ được cung cấp, tiếp nhận thông tin hằng ngày, thành lập và duy trì 6 nhóm công nhân nòng cốt trong khu nhà trọ, tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần để tiếp nhận thông tin, đối thoại với công nhân lao động trong khu nhà trọ, tuyên truyền các chế độ chính sách, tư vấn, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của CNLĐ, tổ chức các buổi tư vấn lưu động trong khu nhà trọ... Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức chiếu phim miễn phí cho CNLĐ trong khu nhà trọ, mỗi năm từ 10 đến 15 buổi. Thông qua các hoạt động đã tập hợp, đông viên CNLĐ tham gia các phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"... Tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ được tiếp cận thông tin, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật lao động. Tuy nhiên các hoạt động còn nhỏ so với nhu cầu của CNLĐ, các thiết chế văn hóa trong khu nhà trọ hầu như không có, CNLĐ phải sử dụng hoạt động nhờ các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, số CNLĐ tham gia các hoạt động còn ít, thời gian tổ chức các hoạt động chủ yếu tổ chức các buổi tối và các ngày nghỉ.
PHẦN THỨ BA
MỤC TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CÔNG NHÂN TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
- Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiêp, tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao thúc đẩy hoạt động thường xuyên, chất lượng, hiệu quả.
- Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa, lối sống tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng và hiệu quả.
- Động viên và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội và CNLĐ, nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của CNLĐ tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp và sự đóng góp của đội ngũ CNLĐ.
2. Mục tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2015
- 70% công nhân và người sử dụng lao động (NSDLĐ) ở các KCN được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa;
- 100% KCN hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân;
- 60% doanh nghiệp tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống cho CNLĐ tại doanh nghiệp;
- 50% công nhân các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao;
- 50% “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ Định hướng đến năm 2020: Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao các mục tiêu đạt được trong giai đoạn 2014-2015.
- 100% công nhân và NSDLĐ ở các KCN được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa;
- Trên 70% công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao;
- 80% “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của công nhân và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nếp sống lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp trong công nhân
- Tổ chức các đợt khảo sát đời sống văn hóa của CNLĐ ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu lưu trú (phiếu hỏi, điều tra mẫu, phỏng vấn). Các cuộc làm việc hoặc lấy ý kiến trao đổi, góp ý của lãnh đạo địa phương, giám đốc các doanh nghiệp về nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa của CNLĐ.
- Tuyên truyền và hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền cho CNLĐ và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, tại các khu nhà trọ về tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật về văn hóa, nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp cho CNLĐ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ, gắn với tuyên truyền Đề án 31 của UBND tỉnh.
- Xây dựng các chuyên mục về đời sống văn hóa công nhân trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc và bản tin công đoàn tỉnh; hệ thống pa nô, áp phích tại các khu công nghiệp; bảng tin, loa truyền thanh nội bộ của doanh nghiệp. Trang bị các tài liệu cho CĐCS tại doanh nghiệp như: Báo Lao động, Báo Vĩnh Phúc, các loại tờ rơi, tờ gấp và đời sống văn hóa....
2. Xây dựng các mô hình và định hướng từng bước phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân
- Đầu tư xây dựng từ 10 đến 15 mô hình điểm trong các doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân tại các doanh nghiệp như: Trang bị các ấn phẩm văn hóa, ti vi, loa đài, băng đĩa về Đất và Người Vĩnh Phúc, tổ chức các hoạt động, các sự kiện về văn hóa, văn nghệ, TDTT trong doanh nghiệp...
- Xây dựng các nhà văn hóa công nhân, các khu vui chơi giải trí cho CNLĐ tại các khu công nghiệp, trước mắt trong năm 2014 hoàn thành nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp Khai Quang để đưa vào sử dụng phục vụ CNLĐ. Đến năm 2020 phấn đấu xây dựng từ 3- 5 nhà văn hóa công nhân trong các KCN.
- Vận động các doanh nghiệp xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao phục vụ CNLĐ tại đơn vị.
- Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đầu tư, mở rộng các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố nơi có đông CNLĐ cư trú để công nhân được sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại nơi cư trú.
- Duy trì, đầu tư phát triển mô hình "nhà trọ văn hóa công nhân", câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt của công nhân trong khu nhà trọ. Trang bị cơ sở vật chất để phục vụ thông tin cho CNLĐ trong các khu nhà trọ như: Ti vi, lắp đặt Internet, tủ sách pháp luật...
3. Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho công nhân lao động
- Xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; phong trào "Công nhân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; định kỳ hằng năm tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao, hội thao CNLĐ; xây dựng và phát triển các phong trào "nghe công nhân hát, hát cho công nhân nghe", các đội văn nghệ biểu diễn lưu động phục vụ CNLĐ tại các doanh nghiệp.
- Tổ chức các phong trào tại cơ sở, tại các doanh nghiệp: các giải thể thao, văn nghệ quần chúng, hội thi, hội diễn...
- Xây dựng chương trình truyền hình, truyền thanh Văn hóa công nhân. Thực hiện các phóng sự chuyên sâu về một số hoạt động như: Việc đọc sách báo của công nhân lao động trong KCN, các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể dục, thể thao của CNLĐ.
- Xây dựng cụm văn hóa cơ sở, mỗi cụm có thể từ 6 đến 8 đơn vị trên địa bàn có vị trí gần nhau để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho CNLĐ.
- Phát triển các loại hình "Câu lạc bộ công nhân", " nhà trọ văn hóa công nhân" hoạt động theo sở thích, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng công nhân. Phát triển mô hình Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân cùng với việc tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ CNLĐ vào ngoài giờ làm việc tại các khu nhà trọ.
- Phát triển, duy trì sinh hoạt nhóm công nhân nòng cốt trong khu nhà trọ, tổ chức sinh hoạt nhóm để tiếp nhận thông tin, tuyên truyền các chế độ chính sách với người lao động, tư vấn, giải đáp những thắc mắc, đề xuất của CNLĐ.
4. Xây dựng quy chế khen thưởng doanh nghiệp "Đạt chuẩn văn hóa" của tỉnh và tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia
- Triển khai các doanh nghiệp tích cực đăng ký và thực hiện doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa và tác phong công nghiệp trong công nhân.
- Tổ chức bình xét công nhận doanh nghiệp văn hóa, tôn vinh khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
5. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp trong công nhân
- Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách pháp luật để trang bị kiến thức cho CNLĐ, để CNLĐ có lập trường, tư tưởng vững vàng; có ý chí vượt khó, vươn lên, lập thân, lập nghiệp. Nếp sống lành mạnh, tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; không mắc các tệ nạn xã hội. Chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú.
- Triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về đào tạo nghề, giải quyết việc làm đến với công nhân, tạo điều kiện để khuyến khích CNLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Có tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật, năng suất, chất lượng, hiệu quả.
6. Thực hiện có hiệu quả hướng dẫn giải thưởng toàn quốc về "Văn hóa doanh nghiệp"
- Thực hiện tốt chương trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan, tổ chức, nhằm tôn vinh, cổ vũ các cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc thực hiện đời sống văn hóa công nhân gồm: Doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc về xây dựng đời sống văn hóa; Doanh nhân đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu, xuất sắc.
- Xây dựng và triển khai chương trình tôn vinh doanh nghiệp nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa, các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ chính sách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp và nguồn lực xã hội hóa.
* Giai đoạn 2014- 2015, dự kiến kinh phí hàng năm:
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 500.000.000 đồng;
- Các doanh nghiệp bố trí: 4.500.000.000 đồng;
- Từ các nguồn lồng ghép khác: 1.200.000.000 đồng.
* Giai đoạn 2016- 2020, dự kiến kinh phí hàng năm:
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 600.000.000 đồng
- Các doanh nghiệp bố trí: 7.500.000.000 đồng
- Từ các nguồn lồng ghép khác: 3.000.000.000 đồng
Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện đề án cấp tỉnh gửi Sở Tài chính xem xét, bố trí vào dự toán, trình UBND tỉnh phê duyệt.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Liên đoàn Lao động tỉnh
- Là cơ quan thường trực chủ trì thực hiện Đề án, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai Đề án về xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và kế hoạch chi tiết từng năm.
- Hàng năm, tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
- Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan chỉ đạo các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong công nhân; Xét và công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa"; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp công nhân.
- Tổ chức sơ, tổng kết phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các khu công nghiệp
2. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai các văn bản hướng dẫn chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân.
- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho công nhân; nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động và người sử dụng lao động trong các khu công nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật lao động.
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa doanh nghiệp.
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính.
- Hằng năm chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh thẩm định kinh phí, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
- Hướng dẫn việc xây dựng dự toán kinh phí và quản lý sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo quy định.
5. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
- Phối hợp với Liên đoàn Lao động, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động về đời sống văn hóa công nhân tại các khu công nghiệp; phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh khảo sát đánh giá tình hình đời sống, văn hóa của người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, thực hiện điều tra, thu thập sự phản biện của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về kết quả tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa.
6. Sở Xây dựng.
Chủ trì, quy hoạch, giới thiệu địa điểm xây dựng các khu nhà ở dành cho công nhân và người có thu nhập thấp, nhà văn hóa công nhân cho các KCN.
7. Sở Thông tin và Truyền thông.
Phối hợp với Liên đoàn Lao động, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Sở, ban, ngành có liên quan chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục trên cổng thông tin điện tử của tỉnh về xây dựng đời sống văn hóa công nhân trong các KCN.
8. Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc
Phối hợp với Liên đoàn Lao động, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa tin, phóng sự phản ánh hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân trong các KCN, nêu gương các doanh nghiệp, doanh nhân, CNLĐ điển hình tiên tiến.
9. Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh.
Đề nghị UB MTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch triển khai tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho NLĐ trong các KCN theo mục tiêu của Đề án.
10. UBND cấp huyện và các Sở, ban, ngành có liên quan
Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện nội dung Đề án.
11. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
- Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân tại doanh nghiệp.
- Đăng ký tổ chức triển khai xây dựng "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa".
- Chủ trì, phối hợp với CĐCS trong doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho CNLĐ, các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa công nhân tại doanh nghiệp như: ngày hội gia đình công nhân, tổ chức các hội thi, hội diễn cho công nhân...
- Xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí hoạt động phục vụ đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho CNLĐ tại doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.