BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 680/1998/QĐ-BTS | Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN SỐ 680/1998/QĐ-BTS NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 1998 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ NGƯ TRƯỜNG VÀ LỰC LƯỢNG KHAI THÁC HẢI SẢN TẠI CÁC NGƯ TRƯỜNG
BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25/4/1989;
Căn cứ Quyết định số 81-TTg ngày 01/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức, cá nhân và phương tiện Việt Nam làm nghề cá ở vùng biển Việt Nam;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản:
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản "Quy định tạm thời về quản lý ngư trường và lực lượng khai thác hải sản tại các ngư trường".
Điều 2. Cục trưởng Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này đảm bảo thống nhất trong cả nước.
Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thuỷ sản và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Nguyễn Ngọc Hồng (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ NGƯ TRƯỜNG VÀ LỰC LƯỢNG KHAI THÁC HẢI SẢN TẠI CÁC NGƯ TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 680/1998/QĐ-TS ngày 16 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Thủy Sản)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam đều có quyền tiến hành hoạt động khai thác hải sản tại các ngư trường trong vùng biển của Việt Nam trên cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, các nội dung của bản quy định này và các quy định có liên quan khác của Nhà nước.
Điều 2:
Bộ Thuỷ Sản giao cho Cục bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản chủ trì phối hợp với Sở Thuỷ sản các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thống nhất quản lý ngư trường và các hoạt động khai thác hải sản trong phạm vi cả nước.
Chương 2
QUẢN LÝ NGƯ TRƯỜNG VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC HẢI SẢN TẠI CÁC NGƯ TRƯỜNG
Điều 3:
1. Tổ chức, cá nhân có phương tiện nghề cá hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực khai thác hải sản được tự do di chuyển đến các ngư trường trong cả nước, nhưng phải xin phép và được sự đồng ý của Chi cục BVNLTS địa phương nơi đăng ký phương tiện.
2. Khi có nhu cầu di chuyển phương tiện nghề cá đến các ngư trường ngoài Tỉnh để khai thác hải sản, chủ phương tiện phải làm đơn ghi rõ nơi xin phép đến và gửi Chi cục BVNLTS địa phương nơi đăng ký phương tiện.
Trong thời hạn tối đa 03 ngày, kể từ khi nhận được đơn, các Chi cục BVNLTS phải thông báo cho chủ phương tiện về quyết định việc cấp phép cho phương tiện di chuyển; đồng thời thông báo tên phương tiện được cấp phép cùng với số đăng ký, công suất, loại nghề khai thác cho Chi cục BVNLTS nơi phương tiện xin đến để phối hợp quản lý.
3. Khi có nhu cầu di chuyển phương tiện nghề cá đến các ngư trường trọng điểm để khai thác hải sản, chủ phương tiện phải đăng ký theo quy định tại Quy chế khai thác và quản lý nguồn lợi hải sản trên các ngư trường trọng điểm ban hành kèm theo Quyết định 682/QĐ ngày 11/9/1993 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ Sản.
4. Chỉ khi cấp Giấy phép di chuyển lực lượng khai thác đến các ngư trường trọng điểm, Chi cục BVNLTS địa phương nơi đăng ký phương tiện mới được thu một khoản lệ phí theo quy định tại Thông tư liên Bộ Tài chính - Thuỷ sản Số 89TT/LB ngày 27/11/1995.
Điều 4:
Phương tiện nghề cá có đủ các điều kiện sau đây được di chuyển đến các ngư trường trong cả nước để khai thác hải sản:
- Có đủ các Giấy tờ theo quy định hiện hành, gồm: Giấy đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, Giấy phép hoạt động nghề cá, sổ danh bạ thuyền viên. Người điều khiển phương tiện phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định.
- Có công suất máy chính từ 30 cv trở lên, riêng nghề lưới kéo cá phương tiện phải có công suất máy chính từ 90 cv trở lên.
- Trang bị công cụ khai thác và trang bị an toàn phù hợp với các quy định hiện hành.
Điều 5:
Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động khai thác hải sản tại các ngư trường phải:
1. Thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động nghề cá.
2. Nghiêm chỉnh thực hiện Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản và các Quy định khác có liên quan đến an toàn tàu cá.
3. Chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên biển như: Thanh tra BVNLTS, Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển...
4. Tham gia bảo vệ và giữ gìn trật tự an ninh trên biển.
Điều 6:
Khi di chuyển đến các ngư trường khác nhau để khai thác hải sản (trừ ngư trường trọng điểm), không bắt buộc chủ phương tiện phải thực hiện thủ tục thị thực tại nơi đến, nhưng khi vào bờ hoặc bến đậu phải đăng ký hành chính với Trạm kiểm soát Biên phòng hoặc chính quyền cấp phường, xã sở tại (nơi không có trạm kiểm soát Biên phòng) và phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của chính quyền địa phương về trật tự an ninh và an toàn xã hội.
Điều 7:
Việc thu thuế tài nguyên thực hiện theo các quy định hiện hành, Sở Thuỷ sản và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của các tỉnh nơi đăng ký phương tiện và của các tỉnh nơi phương tiện xin đến có trách nhiệm tổ chức thực hiện trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân sản xuất.
Chương 3
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT
Điều 8:
1. Cục Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý thống nhất việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên các ngư trường.
2. Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản của các tỉnh ven biển trực tiếp chỉ đạo Chi Cục BVNL Thuỷ sản tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát BVNLTS, giúp đỡ và tạo điều kiện để lực lượng khai thác từ địa phương khác đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Điều 9:
Thanh tra BVNLTS có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng có liên quan hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng quy định của Nhà nước; tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo đúng các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính.
Nghiêm cấm các hành vi bắt giữ, khám xét, xử lý vi phạm không đúng thẩm quyền và các hành vi trái pháp luật gây cản trở sản xuất. Đối với phương tiện nghề cá hành trình ngang qua vùng biển các tỉnh ven biển hoặc phải vào bờ vì lý do bất khả kháng, lực lượng kiểm tra, kiểm soát không được tuỳ tiện khám xét phương tiện hoặc bắt chủ phương tiện phải thực hiện các nghĩa vụ do địa phương tự quy định.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10:
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý ngư trường, quản lý hoạt động khai thác và BVNLTS được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này và các quy định khác có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 11:
1. Bản quy định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ban hành.
2. Mọi quy định trước đây trái với bản Quy định này đều bãi bỏ.
3. Việc sửa đổi, bổ sung bản quy định này sẽ do Bộ trưởng Bộ Thuỷ Sản quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.