ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 68/QĐ-KCNC | TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 06 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH QUẢN LÝ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU CÔNG NGHỆ CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHỆ CAO
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23/06/1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ Luật lao động ngày 02/04/2002;
Căn cứ Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lao động;
Căn cứ Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/08/2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu công nghệ cao;
Căn cứ Quyết định số 146/2002/QĐ-TTg ngày 24/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban quản lý khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 2301/QĐ-UBND ngày 23/05/2007 về việc bổ nhiệm Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 1414/1997/QĐ-BLĐTB&XH ngày 17/11/1997 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý lao động cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Căn cứ Công văn số 372/LĐTBXH-NN ngày 12/02/2004 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về việc ủy quyền cho Ban quản lý Khu công nghệ cao;
Theo đề nghị của Trưởng Phòng Quản lý Đầu tư và Hợp tác Quốc tế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình quản lý Lao động đối với các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Trưởng các phòng nghiệp vụ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN |
QUY TRÌNH
VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU CÔNG NGHỆ CAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quy định chung:
Quy định này được áp dụng thống nhất đối với mọi loại hình doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, được phổ biến công khai để cung cấp và hướng dẫn cho các doanh nghiệp;
BQL hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách lao động, các quy định của các văn bản quy phạm và hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về an toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn thành lập hội đồng hòa giải cơ sở, phối hợp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về việc vi phạm pháp luật lao động; hướng dẫn báo cáo thống kê tai nạn lao động của doanh nghiệp;
BQL kiểm tra định kỳ và không định kỳ việc doanh nghiệp thực hiện các quy định về quản lý lao động theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng đăng ký:
- Đăng ký Nội quy lao động;
- Đăng ký Nội quy an toàn vệ sinh, an toàn lao động và kiểm định máy móc thiết bị
- Đăng ký Thang lương, Bảng lương để trả cho người lao động
- Đăng ký cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài
- Đăng ký khai trình sử dụng lao động
- Đăng ký cấp Sổ lao động cho người lao động
- Đăng ký Thỏa ước lao động tập thể và Thành lập Công đoàn cơ sở
- Đăng ký Kế hoạch đưa người lao động đi đào tạo nghề ở nước ngoài.
Chương 2.
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ
I. ĐĂNG KÝ NỘI QUY LAO ĐỘNG
1. Quy định chung:
Để thống nhất việc xây dựng nội quy lao động của Doanh nghiệp, căn cứ Chương VIII của Bộ Luật Lao động, Nghị định 41/CP ngày 06/07/1995 của Chính phủ; Nghị định 33/2003/NĐ-CP ngày 02/04/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 41/CP ngày 06/07/1995 và Thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/09/2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn, gợi ý những nội dung cần có trong Nội quy lao động của Doanh nghiệp theo biểu mẫu 01/NQLĐ (đính kèm).
2. Thủ tục đăng ký:
2.1. Hồ sơ đăng ký:
- Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động (Biểu mẫu 02/ĐKNQLĐ)
- Quyết định ban hành nội quy lao động của doanh nghiệp (Biểu mẫu 03/BHNQLĐ)
- Bản nội quy lao động (02 bản), Ban quản lý xác nhận đăng ký, đóng dấu và trả lại Doanh nghiệp 1 bản, Ban quản lý lưu giữ 1 bản.
- Các văn bản của doanh nghiệp có liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có)
2.2. Thời gian đăng ký:
Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu nội quy lao động do doanh nghiệp đăng ký phù hợp với các quy định pháp luật về lao động, Ban quản lý xem xét và ra thông báo chấp thuận. Trong trường hợp, nội quy lao động chưa phù hợp với các quy định pháp luật về lao động, Ban quản lý sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp làm căn cứ xây dựng lại nội quy lao động.
II. HƯỚNG DẪN NỘI QUY AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG:
1. Quy định chung:
Căn cứ Nghi định 06/CP ngày 20/1/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động; Nghị định 110/2003/NĐ-CP ngày 27/12/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/CP và Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Ban quản lý hướng dẫn Doanh nghiệp thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động như sau:
- Xây dựng nội quy – quy trình ATVSLĐ phù hợp với từng loại máy, thiết bị, vật tư – theo TCVN
- Tổ chức bộ máy quản trị: Cử người giám sát (Hội đồng bảo hộ lao động) việc thực hiện các quy định, nội quy – biện pháp ATVSLĐ trong Công ty.
- Cung cấp phương tiện cá nhân: Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, và thực hiện các chế độ khác về ATVSLĐ đối với công nhân.
- Huấn luyện cho công nhân: Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn cho người lao động về các tiêu chuẩn, quy định và biện pháp ATVSLĐ
- Bảo vệ sức khỏe: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tổ chức sơ cấp cứu tai nạn, phòng chống dịch bệnh và tham gia các Bảo hiểm bắt buộc
- Lập thống kê: Chấp hành việc khai báo, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện ATVSLĐ và việc cải thiện điều kiện lao động với BQL Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đăng ký sử dụng máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động:
Nếu doanh nghiệp có sử dụng máy móc, thiết bị nằm trong danh mục máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ban hành kèm theo Thông tư số 22/TT-LĐTBXH ngày 08/11/1996 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) thì phải lập hồ sơ đăng ký kiểm định máy móc thiết bị nộp cho Ban quản lý để chuyển cho cơ quan thanh tra lao động có thẩm quyền.
3. Thời hạn báo cáo:
Doanh nghiệp phải tổng hợp và báo cáo định kỳ 06 tháng và 01 năm tình hình tai nạn lao động (Biểu số 18/BCTNLĐ), gửi về Ban quản lý, Sở Y tế và Liên đoàn lao động thành phố trước ngày 05/7 đối với báo cáo 06 tháng đầu năm và trước ngày 10/1 năm sau đối với báo cáo cả năm. Nếu không có tai nạn lao động thì doanh nghiệp ghi rõ là “không có tai nạn lao động”.
Doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo chung về công tác bảo hộ lao động với Ban quản lý, Sở Y tế và Liên đoàn lao động thành phố trước ngày 10/7 hàng năm với báo cáo 6 tháng và trước ngày 15/1 của năm sau đối với báo cáo năm (Biểu số 19/BCBHLĐ).
III. ĐĂNG KÝ THANG, BẢNG LƯƠNG TRẢ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Quy định chung:
Căn cứ các quy định hiện hành của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam, Doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương cho từng loại chức danh công việc phù hợp theo yêu cầu hoạt động của Doanh nghiệp (Biểu mẫu 04/BL)
2. Hồ sơ đăng ký:
Doanh nghiệp gửi hệ thống thang lương, bảng lương đã hoàn chỉnh đến Ban quản lý để đăng ký. Hồ sơ gồm 2 bộ, Ban quản lý giữ 1 bộ.
3. Thời gian đăng ký:
Trong thời hạn hai (02) ngày kể từ ngày nhận được đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao xem xét, nếu phù hợp với quy định pháp luật về mức lương tối thiểu trả cho người lao động thì Ban quản lý sẽ ra thông báo chấp thuận. Trong trường hợp, thang lương, bảng lương trả cho người lao động chưa phù hợp với các quy định pháp luật về mức lương tối thiểu, Ban quản lý sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp làm căn cứ xây dựng lại thang lương, bảng lương cho phù hợp.
IV. ĐĂNG KÝ CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
1. Quy định chung:
Người lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao có thời hạn từ 03 (ba) tháng trở lên phải đăng ký với Ban quản lý để được cấp giấy phép lao động, ngoại trừ những người có tên trong danh sách đăng ký Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Trường hợp người lao động nước ngoài sang làm việc tại doanh nghiệp có thời hạn dưới 03 (ba) tháng thì người sử dụng lao động phải lập danh sách và thông báo cho Ban quản lý (Biểu mẫu 13/TNLĐNN)
2. Hồ sơ đăng ký:
Bộ hồ sơ theo mẫu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống nhất ban hành, gồm có:
a. Giấy tờ của người sử dụng lao động:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (mẫu số 06-Thông tư 04/2004/TT-BLĐTBXH).
- Bản sao hợp đồng lao động, hoặc quyết định cử làm việc tại Việt Nam, hoặc văn bản dự kiến sẽ giao kết Hợp đồng lao động, sẽ cử làm việc tại Việt Nam.
Lưu ý: Trong đơn, phần “dự kiến thời gian làm việc” ghi rõ thời hạn làm việc của người nước ngoài (tối đa 03 năm), thời điểm dự kiến bắt đầu và kết thúc làm việc (thời hạn bắt đầu làm việc phải từ sau ngày nộp hồ sơ trở đi)
b. Giấy tờ của người lao động nước ngoài.
- Đơn xin làm việc (mẫu số 03-Thông tư 04/2004/TT-BLĐTBXH)
- Bản sao chứng chỉ về trình độ chuyên môn, tay nghề bao gồm bằng tốt nghiệp đại học hoặc trình độ tương đương trở lên, hoặc giấy chứng nhận về trình độ tay nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của nước đó hoặc bản tự nhận xét về trình độ chuyên môn, tay nghề và trình độ quản lý do cơ quan có thẩm quyền cấp của nước đó xác nhận.
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người lao động cư trú cấp. Trường hợp người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên thì còn phải có lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp của Việt Nam nơi người nước ngoài đang cư trú cấp.
- Bản lý lịch tự thuật của người nước ngoài (mẫu số 04-Thông tư 04/2004/TT-BLĐTBXH/GPLĐ) và có dán ảnh.
- Ba ảnh màu (kích thước 3x4cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính), ảnh chụp không quá 01 năm.
- Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài. Trường hợp người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam thì giấy chứng nhận sức khỏe do một trong những bệnh viện sau đây cấp (theo mẫu quy định)
+ Bệnh viện Chợ rẫy
+ Bệnh viện Thống nhất
+ Phòng khám đa khoa quốc tế Oscat/AEA (65 Nguyễn Du, Quận I)
+ Phòng khám đa khoa quốc tế Columbia
+ Bệnh viện Việt Pháp
Lưu ý: Giấy chứng nhận sức khỏe phải có giá trị trong thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày được cấp. Các giấy tờ ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng.
3. Thời hạn báo cáo:
Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm trước ngày 05/07 và 01 năm trước ngày 10/01 năm sau về tình hình sử dụng lao động nước ngoài cho Ban quản lý Khu công nghệ cao (Biểu mẫu 14/SDLDNN).
V. ĐĂNG KÝ KHAI TRÌNH SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VÀ ĐĂNG KÝ CẤP SỔ LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Đăng ký khai trình sử dụng lao động:
Trong thời hạn một (01) tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải khai trình sử dụng lao động cho Ban quản lý (Biểu mẫu 06/CSLĐ). Trong quá trình hoạt động, khi doanh nghiệp có biến động tăng, giảm hoặc thay đổi nội dung Hợp đồng lao động (gia hạn HĐLĐ, thay đổi chức danh công việc, thay đổi mức lương…) thì báo cáo cho Ban quản lý khi có phát sinh theo biểu mẫu sau:
- Biến động tăng/giảm (Biểu mẫu 07/BĐLĐ)
- Thay đổi HĐLĐ (Biểu mẫu 08/TĐHĐ)
2. Đăng ký cấp sổ lao động cho người lao động.
a. Quy định chung:
Đối với những người lao động đã được doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động và đăng ký khai trình sử dụng lao động với Ban quản lý, đề nghị doanh nghiệp thống kê và làm thủ tục cấp sổ lao động cho những trường hợp lao động chưa có sổ lao động (Biểu mẫu 06/CSLĐ). Doanh nghiệp liên hệ với Ban quản lý để được cung cấp Sổ lao động và tờ khai đăng ký.
b. Hồ sơ đăng ký:
- 2 tờ khai đăng ký cấp sổ lao động
- 1 sổ lao động
- 1 bản sao hợp đồng lao động
- 2 hình màu cỡ 4x6
c. Thời gian đăng ký:
Trong vòng hai (2) ngày kể từ ngày nhận được đăng ký cấp sổ lao động của doanh nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao xem xét và chuyển cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để cấp sổ và đóng dấu.
d. Thời hạn báo cáo
Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm trước ngày 05/07 và 01 năm trước ngày 10/01 năm sau về tình hình sử dụng lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động mới (Biểu mẫu 12/THSDLĐ).
VI. ĐĂNG KÝ THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ VÀ THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
1. Quy định chung:
Đối với những doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời sẽ thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động (Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền bởi Giám đốc doanh nghiệp). Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập và chưa có tổ chức công đoàn thì cử đại diện của tập thể người lao động để thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.
2. Hồ sơ đăng ký:
- Đơn đăng ký Thỏa ước lao động tập thể (Biểu mẫu 10/TƯLĐ (4 bản)
- Biên bản lấy ý kiến tập thể lao động về nội dung Thỏa ước lao động tập thể (Biểu mẫu 11/BBTƯLĐ (4 bản)
- Bản Thỏa ước lao động tập thể đã ký kết (4)
3. Thời gian đăng ký:
Thỏa ước lao động tập thể đã ký kết được làm thành 04 bản; trong đó 01 bản do người sử dụng lao động gửi đăng ký tại Ban quản lý chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký.
VII. ĐĂNG KÝ KẾ HOẠCH ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI ĐÀO TẠO NGHỀ Ở NƯỚC NGOÀI
1. Quy định chung:
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của một số doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao về việc tuyển dụng lao động đưa đi tu nghiệp tại công ty mẹ hoặc các chi nhánh ở nước ngoài nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng khi nhà máy tại Khu CNC đi vào hoạt động, Ban quản lý đề nghị các doanh nghiệp sớm xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo cụ thể để đăng ký.
2. Nội dung đăng ký:
a) Đối với những trường hợp người lao động đã ký hợp đồng lao động và có tên trong danh sách đăng ký lao động với Ban quản lý, thì doanh nghiệp được quyền đưa lao động đi đào tạo có thời hạn ở nước ngoài trên cơ sở thỏa thuận với người lao động để sau đó về làm việc tại doanh nghiệp.
b) Đối với những trường hợp người lao động chưa ký hợp đồng lao động mà doanh nghiệp muốn đưa đi đào tạo trước, khi đó doanh nghiệp cần phải đăng ký nội dung chương trình đào tạo nghề tại nước ngoài với Ban quản lý. Đồng thời giữa doanh nghiệp và người lao động phải ký với nhau hợp đồng đào tạo (trong đó nêu rõ thời gian đào tạo; địa chỉ nơi đào tạo; phương tiện đi lại; nơi ăn ở, các khoản trợ cấp và phụ cấp (nếu có) cùng với những cam kết sau khi đào tạo xong trở về làm việc cho doanh nghiệp)
Lưu ý: Trong cả hai trường hợp, Doanh nghiệp phải thông báo danh sách những người được đưa đi đào tạo nghề với Ban quản lý trước khi người lao động được phép ra nước ngoài.
VIII. KIỂM TRA:
Ban quản lý tổ chức thực hiện kiểm tra doanh nghiệp về các hoạt động trong sản xuất nhằm phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, môi trường lao động.
1. Các hình thức kiểm tra:
- Kiểm tra định kỳ về ATVSLĐ (kiểm tra “tổng quát”)
- Kiểm tra không định kỳ về ATVSLĐ (kiểm tra “chuyên đề”)
- Xử lý nghiệp vụ đối với các phát sinh đặc biệt, gồm:
a. Tai nạn lao động xảy ra tại doanh nghiệp
b. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về ATVSLĐ
c. Xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ
2. Nguyên tắc kiểm tra, xử lý nghiệp vụ:
- Đúng luật: kết luận kiểm tra, xử lý nghiệp vụ phải phù hợp với khung pháp luật hiện hành về ATVSLĐ
- Chính xác: phải thu thập số liệu kiểm tra, điều tra một cách chính xác, khách quan, đúng trình tự nghiệp vụ
- Nhanh gọn: phải tập trung vào các nội dung chủ yếu, các nội dung thường phát sinh tại Khu, tại doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra, xử lý.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.