THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 673/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TRỰC TIẾP THỰC HIỆN VÀ PHỐI HỢP THỰC HIỆN MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Kết luận số 61-KL/TW ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành cơ chế, chính sách để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 như sau:
1. Quan điểm:
- Tạo điều kiện để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 là nhằm phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Bảo đảm nguồn lực tài chính và những điều kiện cần thiết để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp và phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.
2. Mục tiêu:
- Ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện được vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, là thành viên tích cực của các chương trình về kinh tế - xã hội nông thôn, tham gia vào việc hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
- Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan tạo điều kiện và phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam tham gia quá trình xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
3. Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh và chuyển thành đơn vị sự nghiệp để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; làm đầu mối tham gia với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị của 19 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã có thuộc các tỉnh, thành Hội; đầu tư xây dựng mới các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc các tỉnh, thành Hội còn lại (mỗi năm đầu tư xây mới 4-5 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh).
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản …) theo tiêu chuẩn học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng hoặc dạy nghề tại chỗ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”) cho các đối tượng là hội viên, nông dân trực tiếp làm nông nghiệp.
- Tham gia dạy nghề, liên kết dạy nghề và phối hợp đào tạo liên thông giữa các trình độ nghề cho lao động nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
- Kinh phí thực hiện: Do ngân sách nhà nước cấp cho Hội Nông dân Việt Nam thực hiện.
b) Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam với các nội dung sau:
- Trên cơ sở tổ chức và hoạt động đã có, đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân thành tổ chức trực thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, có điều lệ hoạt động, có con dấu và tài khoản riêng.
- Năm 2011, ngân sách trung ương hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 300 tỷ đồng (Ba trăm tỷ đồng); từ năm 2012 - 2020, mỗi năm căn cứ vào tình hình cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ thêm để tăng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc thành lập quỹ; hằng năm hỗ trợ ngân sách địa phương cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân các cấp.
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân phù hợp với các quy định hiện hành; trực tiếp quản lý, bảo toàn nguồn vốn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động và hiệu quả hoạt động của Quỹ.
- Cơ quan phối hợp quản lý: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.
4. Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành để thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như sau:
a) Cơ chế tham gia:
- Tiếp tục thực hiện cơ chế hiện hành đối với Hội Nông dân Việt Nam theo Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định trách nhiệm của các bộ, các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả.
- Hằng năm, trong từng chương trình, đề án, dự án của Chính phủ và địa phương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thỏa thuận với Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp xác định những nhiệm vụ cụ thể để phân bổ và trích lập dự toán giao cho Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp thực hiện; báo cáo cơ quan chức năng bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Hội Nông dân.
- Các Bộ chủ trì các chương trình, đề án nêu tại điểm b khoản 4 Điều này có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam trích lập dự toán kinh phí chi tiết tương ứng với phần nhiệm vụ Hội Nông dân Việt Nam được giao thực hiện, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ghi vào danh mục đầu tư và phân bổ kinh phí hằng năm giao Hội Nông dân Việt Nam thực hiện; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng của Chính phủ xem xét, bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
b) Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành sau để thực hiện các nhiệm vụ liên quan như sau:
- Tham gia với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và nhân rộng một số mô hình giảm nghèo bền vững vùng đặc biệt khó khăn.
- Tham gia với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các hoạt động khuyến nông bằng nguồn ngân sách nhà nước; hướng dẫn và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.
- Tham gia với Bộ Công Thương thực hiện chính sách của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.
- Tham gia với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn; nâng cao năng lực thích ứng cho nông dân đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Tham gia với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và nông dân về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa, mô hình thôn, ấp, bản, làng văn hóa; xây dựng và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng; vận động và hướng dẫn nông dân tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao.
- Tham gia với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân.
5. Kinh phí thực hiện: từ nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm và từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đối với các chương trình, nhiệm vụ của Nhà nước giao cho các cấp Hội Nông dân Việt Nam chủ trì: Kinh phí được giao trực tiếp trong dự toán ngân sách hằng năm cho các cấp Hội Nông dân Việt Nam thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Đối với các chương trình, nhiệm vụ của Nhà nước giao cho các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ trì: các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thỏa thuận với Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp trích lập dự toán tương ứng với phần nhiệm vụ giao cho Hội Nông dân thực hiện.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo các cấp Hội nông dân ở các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai thực hiện Quyết định này; xây dựng các dự án cụ thể theo nhiệm vụ tại khoản 3 Điều 1 của Quyết định này trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định để tổ chức thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện và kiến nghị về những thay đổi, điều chỉnh cần thiết, phù hợp với từng thời kỳ.
2. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí hằng năm cho Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các hoạt động hướng dẫn và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản bằng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế và kinh phí thực hiện Đề án phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn. Hằng năm, phân bổ một phần từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương giao Hội Nông dân Việt Nam thực hiện.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện để Hội Nông dân Việt Nam tham gia thực hiện Đề án phát triển văn hóa nông thôn theo đề xuất của Hội Nông dân Việt Nam.
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hằng năm phân bổ chỉ tiêu dạy nghề cho Hội Nông dân Việt Nam thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc quy hoạch để xây dựng các Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh.
- Bộ Công Thương tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam xây dựng và thực hiện một số dự án về mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trong Đề án Phát triển thương mại nông thôn do Bộ chủ trì.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Hội Nông dân Việt Nam xây dựng dự toán chi sự nghiệp môi trường hằng năm để tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng phù hợp với khả năng của Hội.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: hướng dẫn Hội Nông dân Việt Nam tham gia các hoạt động truyền thông và các hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Giúp Hội Nông dân Việt Nam đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ của Hội. Hằng năm, bố trí một phần kinh phí sự nghiệp kinh tế do Bộ quản lý để Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân.
- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: hằng năm, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cân đối ngân sách và các nguồn tài trợ khác để phân bổ kinh phí giao cho Hội Nông dân Việt Nam chủ trì thực hiện hoặc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn; hướng dẫn việc hỗ trợ bổ sung ngân sách cho Quỹ hỗ trợ nông dân ở các cấp Hội Nông dân Việt Nam kể từ năm 2011; xây dựng cơ chế quản lý tài chính và giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ nội dung triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xác định những nội dung cụ thể và kinh phí kèm theo để giao cho Hội Nông dân cùng cấp thực hiện. Chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng cơ chế phối hợp để Hội Nông dân cùng cấp trực tiếp thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nông dân. Chỉ đạo việc cấp một phần kinh phí khuyến nông cho các cấp hội nông dân thực hiện; thành lập và hỗ trợ vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương; xây dựng các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.