THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 662/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH 5 NĂM 2011 - 2015 CỦA TỔNG CÔNG TY CÀ PHÊ VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Xét tờ trình số 1270/TTr-BNN-ĐMDN ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 của Tổng công ty Cà phê Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011 - 2015 của Tổng công ty Cà phê Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Tập trung thực hiện nhiệm vụ sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê trên cơ sở tăng năng suất, chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm cà phê; tiếp tục giữ vững và phát triển vị thế Tổng công ty Cà phê Việt Nam, phấn đấu xây dựng Tổng công ty Cà phê Việt Nam thành một Tổng công ty mạnh, có uy tín trong nước và thế giới.
b) Phát triển sản xuất trên cơ sở phát triển hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng người lao động địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở khu vực Tây Nguyên; gắn phát triển kinh tế kết hợp với đảm bảo ổn định chính trị và an ninh quốc phòng.
2. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011 - 2015
- Doanh thu tăng trưởng bình quân 5%/năm với tổng doanh thu đạt 5.620 tỷ đồng vào năm 2015, trong đó: Công ty mẹ tăng 5,8%/năm với tổng doanh thu đạt 4.485 tỷ đồng vào năm 2015;
- Lợi nhuận trước thuế đến năm 2015 đạt 250 tỷ đồng, trong đó: Công ty mẹ đạt 150 tỷ đồng;
- Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu hàng năm đạt bình quân là 3,9%, trong đó: Công ty mẹ là 2,4%;
- Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu nhà nước bình quân hàng năm đạt 16,5%, trong đó: Công ty mẹ là 9,4%;
- Nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt khoảng 270 tỷ đồng, trong đó: Công ty mẹ bình quân hàng năm đạt khoảng 115 tỷ đồng;
- Đầu tư phát triển bình quân hàng năm khoảng 142 tỷ đồng, trong đó: Công ty mẹ bình quân hàng năm khoảng 57 tỷ đồng;
- Tạo công ăn việc làm ổn định hàng năm cho khoảng 30.000 người lao động, trong đó: Công ty mẹ hàng năm khoảng 6.200 người lao động.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH SẢN XUẤT CHÍNH
1. Về trồng trọt:
Đầu tư thâm canh, khai thác có hiệu quả diện tích cà phê hiện có, thực hiện tái canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích cà phê già cỗi; trọng tâm vào việc chỉ đạo chương trình trẻ hóa vườn cây, thay thế dần vườn cây cà phê có năng suất, sản lượng thấp bằng các giống cà phê có năng suất, sản lượng, chất lượng cao, cụ thể:
- Tái canh 2.000 ha cà phê, trong đó: Công ty mẹ: 1.000 ha;
- Thâm canh 3.927 ha lúa nước, trong đó: Công ty mẹ: 1.500 ha;
- Trồng mới ca cao 600 ha, trong đó: Công ty mẹ: 100 ha;
- Trồng mới cao su: 2.400 ha, trong đó: Công ty mẹ: 350 ha.
Đến năm 2015, tổng diện tích cây cà phê đạt 17.119 ha, trong đó: Công ty mẹ: 4.581 ha; sản lượng đạt 33.277 tấn cà phê nhân, trong đó: Công ty mẹ 8.828 tấn; sản lượng thóc đạt 24.289 tấn, trong đó: Công ty mẹ: 9.500 tấn.
2. Về công nghiệp chế biến:
- Phát huy tối đa công suất nhà máy chế biến cà phê nhân chất lượng cao hiện có như: Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu chất lượng cao của Công ty xuất nhập khẩu cà phê Đắk Hà, công suất 10.000 tấn/năm; nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu chất lượng cao của Công ty cà phê 331, công suất 10.000 tấn nhân/năm; nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu chất lượng cao của Trung tâm xuất khẩu Vinacafe, công suất 10.000 tấn nhân/năm; Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu chất lượng cao của Công ty xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt, công suất 60.000 tấn/năm; thực hiện đồng bộ tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu Việt Nam (TCVN 4193-2005).
- Mở rộng công suất nhà máy chế biến cà phê hòa tan Biên Hòa tại Long Thành - Đồng Nai, công suất 3.200 tấn/năm và đưa các nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao tại khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh công suất cà phê hòa tan 500 tấn/năm, cà phê bột 500 tấn/năm; nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại Đà Lạt công suất 2.000 tấn/năm.
3. Về xuất nhập khẩu
Khai thác có hiệu quả thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới để nâng cao thị phần tiêu thụ cà phê, duy trì mức 20% - 30% thị phần cả nước đối với cà phê xuất khẩu, và trên 50% đối với cà phê hòa tan ở thị phần trong nước; phấn đấu đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn Tổng công ty đạt 475 triệu USD; bao gồm: xuất khẩu 423 triệu USD, trong đó Công ty mẹ xuất khẩu: 57 triệu USD.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác quản lý đất đai:
- Quản lý, khai thác có hiệu quả cao quỹ đất đai được giao hoặc thuê theo quy hoạch, kế hoạch trong toàn Tổng công ty, nhằm thực hiện tốt chiến lược phát triển sản xuất của Tổng công ty trên cơ sở ổn định quy mô diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo tiến độ, yêu cầu kỹ thuật nhằm trẻ hóa vườn cây; nâng cao năng suất và sản lượng; chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho công tác chế biến.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc thực hiện Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông lâm trường quốc doanh.
2. Công tác quản lý tài chính:
- Chủ động xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết, cân đối chặt chẽ nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, chủ động cân đối linh hoạt nguồn vốn huy động hình thành từ cổ phần hóa, lợi nhuận và khấu hao của các công ty thành viên; vốn vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước; nguồn vốn tín dụng ưu đãi; nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ để đầu tư các công trình hạ tầng, trong đó có một số công trình hồ đập ở Tây Nguyên theo quy định.
- Đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đã được phê duyệt; khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty trên nguyên tắc chỉ tập trung đầu tư cho ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan trực tiếp đến ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết cắt giảm, hoãn các dự án không cần thiết, kém hiệu quả; có kế hoạch thoái vốn đối với các dự án đầu tư ngoài ngành; đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ để Tổng công ty phát triển bền vững, hoạt động có hiệu quả ngay sau khi Đề án được duyệt.
- Tập trung xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư theo Quy hoạch định hướng đầu tư của Tổng công ty nhằm hình thành chuỗi liên kết giữa các đơn vị trong Tổng công ty, nâng cao sức mạnh tổng hợp, tăng khả năng cạnh tranh; thực hiện quyết liệt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 của Chính phủ.
3. Công tác thị trường
Xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển thị trường mặt hàng của Tổng công ty cà phê Việt Nam đến 2015, chú trọng phát triển chế biến chất lượng cao cũng như phát triển thương hiệu Vinacafe; nâng cao chất lượng các bộ phận nghiên cứu, phân tích đánh giá và dự báo thị trường trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó chủ động xây dựng các chiến lược, kế hoạch trong từng giai đoạn; duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, nhập khẩu trong nước và quốc tế. Tiếp tục chú trọng công tác tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và tích cực tham gia các hội chợ quốc tế; nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ bán lẻ và thương mại điện tử.
4. Công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.
Nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; từng bước tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm; xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong Tổng công ty nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng bổ túc kiến thức cho người lao động; tăng cường và bổ sung đầy đủ lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng thành viên Tổng công ty Cà phê Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.