BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6583/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG ĐÔNG CỦA CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2008 - 2015
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương;
Căn cứ Quyết định số 125/2008/QĐ-TTg ngày 9 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Đông giai đoạn 2008-2015;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Công thương thực hiện Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Đông của Chính phủ giai đoạn 2008-2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG NHẰM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG ĐÔNG CỦA CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2008-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6583/QĐ-BCT ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Khu vực Trung Đông bao gồm các nước: Ả-rập Xê-út, Ba-ranh, Pa-let-tin, I-ran, I-rắc, I-xra-en, Gioóc-đa-ni, Cô-oét, Síp (phần Bắc), Li-băng, Ô-man, Ca-ta, Xi-ry, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Y-ê-men, với dân số khoảng 250 triệu người, đa số là người Hồi giáo. Khu vực Trung Đông có trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới. Kinh tế của các nước ở khu vực này chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu khí, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en, mặc dù không có tài nguyên về dầu khí nhưng đã phát triển nền kinh tế tương đối đa dạng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là lương thực, thực phẩm và máy móc thiết bị. Hiện tại, xuất khẩu của Trung Đông đạt xấp xỉ 700 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 400 tỷ USD mỗi năm.
Những năm gần đây, nền kinh tế của các nước Trung Đông có sự bùng nổ. Giá dầu lửa tăng cao đã đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho các nước Trung Đông để phục vụ nhu cầu nhập khẩu phát triển kinh tế đất nước và là nhân tố tích cực tác động tới tăng trưởng kinh tế của các nước này. Các nước Trung Đông đang tích cực cơ cấu lại nền kinh tế và gia tăng mở cửa kinh tế thể hiện ở các động thái như tăng cường các hoạt động ngoại thương, tự do hóa thương mại, tạo ra làn sóng đàm phán FTAs trong nội khối và với các nước trên thế giới để đẩy nhanh tiến trình khu vực hóa và toàn cầu hóa về thương mại. Đặc biệt, kể từ tháng 1/2008, 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh-GCC gồm: Ả-rập Xê-út, UAE, Cô-oét, Ô-man, Ca-ta, Ba-ranh bắt đầu thực hiện khu vực thị trường chung trong toàn khối, theo đó tự do di chuyển về người và hàng hóa trong nội bộ GCC. Ngoài ra, GCC đã xây dựng kế hoạch thực hiện đến năm 2010 nhằm biến khối này thành một liên minh tiền tệ với một đồng tiền sử dụng chung.
Trung Đông là thị trường tài chính, dồi dào với nguồn vốn dư thừa. Các nước Trung Đông đang tìm kiếm các cơ hội và địa điểm đầu tư ra bên ngoài. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng đối với các nước đang phát triển và có đông dân cư. Do có thế mạnh về ngành công nghiệp dầu khí, Trung Đông đã, đang và sẽ là khu vực ưu tiên trong chiến lược phát triển hợp tác dầu khí của nhiều nước, các công ty xuyên quốc gia và đa quốc gia trên thế giới.
Năm 2008 đã được Chính phủ xác định là năm trọng điểm trong quan hệ với Trung Đông, đặc biệt là trong lĩnh vực quan hệ kinh tế, thương mại. Ngày 9 tháng 9 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 125/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Đông giai đoạn 2008-2015.
II. THỰC TRẠNG QUAN HỆ KINH TẾ - THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - TRUNG ĐÔNG
1. Thuận lợi và khó khăn
Việt Nam có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước ở khu vực Trung Đông. Nhìn chung, quan hệ chính trị giữa Việt Nam với các nước của khu vực này đang phát triển tốt đẹp. Nhiều hiệp định và nghị định thư song phương đã được ký kết với các nước thuộc khu vực Trung Đông nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai bên như: Hiệp định thương mại, Hiệp định hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, Hiệp định vận tải hàng hải…
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông trong năm qua không ngừng được củng cố và tăng cường. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn ở các cấp khác nhau, nhiều văn kiện hợp tác song phương đã được ký kết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai bên. Là khu vực có nhiều tiềm năng như Trung Đông luôn tiềm ẩn những rủi ro, bất ổn về an ninh và chính trị. Các cuộc xung đột giữa Pa-let-tin và I-xra-en, bất ổn tại I-rắc, vấn đề người Cuốc ở phía bắc I-rắc, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở I-ran…
Do thiếu thông tin về thị trường và năng lực của các đối tác nên việc hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa Việt Nam và các nước ở Trung Đông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phản ảnh đúng tiềm năng và mong muốn của mỗi bên. Ngoài ra, do ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Liên Hợp quốc đối với I-ran và việc chưa mở lại Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại I-rắc cũng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động đầu tư và kinh doanh tại các thị trường này, đặc biệt là đối với việc triển khai các hoạt động dầu khí của Petrovietnam.
2. Kết quả đạt được
Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Đông đạt 1,19 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu 700 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2006 và nhập khẩu 490 triệu USD. Các thị trường trọng điểm có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh gồm UAE (233 triệu USD), Thổ Nhĩ Kỳ (202 triệu USD), I-xra-en (57 triệu USD) và Ả-rập Xê-út (51 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Đông gồm gạo, cà phê, sản phẩm dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, giày dép các loại, chất dẻo nguyên liệu, hải sản, sợi các loại, cao su, than đá, chè, gỗ và sản phẩm gỗ. Mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Đông chủ yếu gồm xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu, phân bón, hóa chất, sắt thép, chất dẻo… là những thế mạnh của thị trường khu vực này.
Cán cân xuất nhập khẩu đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam đã chuyển sang vị thế xuất siêu từ chỗ nhập siêu trong các năm trước đó. UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành hai thị trường xuất khẩu đứng đầu khu vực của Việt Nam.
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông năm 2008 có thể đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2007, chủ yếu vẫn tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ (413 USD), UAE (381 triệu USD), I-rắc (157 triệu USD), Ả-rập Xê-út (137 triệu USD), I-xra-en (77 triệu USD) và I-ran (68 triệu USD).
Trung Đông là khu vực có nhiều tiềm năng về dầu khí với trữ lượng lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, Petrovietnam đã ký kết hai hợp đồng thăm dò và khai thác tại khu vực này, bao gồm Dự án phát triển mỏ A-ma-ra tại I-rắc ký năm 2002 và Dự án thăm dò dầu khí Lô Da-nan tại I-ran ký đầu năm 2008. Petrovietnam đã ký các thỏa thuận về hợp tác dầu khí với ba nước Ô-man, Ca-ta và Ba-ranh. Petrovietnam cũng đã ký hợp đồng đầu tư xây dựng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với Công ty Dầu khí quốc gia Cô-oét tháng 4 năm 2008. Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác sản xuất trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và có thể tận dụng thị trường xuất khẩu của các nước này như dệt may, da giầy, thuốc lá, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí tiêu dùng, cơ khí nông nghiệp…
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với thị trường Trung Đông, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh vào các nước trong khu vực có nhu cầu cao như hàng nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp…
Tận dụng những ưu đãi mà nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông được hưởng từ Mỹ, EU… hoặc các nước trong khu vực để tạo cầu nối mở rộng trao đổi thương mại với các quốc gia khác. Phấn đấu nâng tổng giá trị trao đổi thương mại với Trung Đông lên 3,1 tỷ USD vào năm 2010 và đạt khoảng 9,6 tỷ USD vào năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2010 đạt 2,3 tỷ USD và năm 2015 đạt 7,5 tỷ USD với mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân 27%/năm.
Thúc đẩy việc triển khai các dự án dầu khí đã ký và mở rộng các hoạt động dầu khí tại Trung Đông bằng cách tận dụng các cơ hội thuận lợi để ký kết các hợp đồng thăm dò, khai thác các mỏ dầu khí, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu thô, khí LNG nhằm phục vụ chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam.
2. Mục tiêu với các đối tác chính
2.1. UAE
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2010 đạt 650 triệu USD và năm 2015 đạt 2,4 tỷ USD với mức tăng trưởng bình quân 30%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là: Dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, giầy dép, hạt tiêu, hải sản, sản phẩm gỗ, chè,…
Tăng cường thúc đẩy hợp tác trong hoạt động dầu khí và dịch vụ dầu khí; thu hút nguồn vốn đầu tư của các đối tác UAE vào các dự án sản xuất công nghiệp, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án xây dựng nhà máy lọc dầu…; đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang thị trường UAE.
2.2. Ả-rập Xê-út
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ả-rập Xê-út năm 2010 đạt 220 triệu USD và năm 2015 đạt 660 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 25%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là: Dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, hải sản, sản phẩm gỗ, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo, giầy dép, chè,…
Tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; xúc tiến nguồn nhập khẩu dầu thô từ thị trường này; thu hút nguồn vốn đầu tư của các đối tác Ả-rập Xê-út vào các dự án sản xuất công nghiệp, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án xây dựng nhà máy lọc dầu,…; đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang thị trường Ả-rập Xê-út.
2.3. Thổ Nhĩ Kỳ
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 đạt 700 triệu USD và năm 2015 đạt 2,6 tỷ USD với mức tăng trưởng bình quân 30%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là: Dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, chất dẻo nguyên liệu, cao su tự nhiên, giày dép, sản phẩm gỗ, hạt tiêu,..
Tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng tàu; xúc tiến hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
2.4. I-xra-en
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang I-xra-en năm 2010 đạt 110 triệu USD và năm 2015 đạt 275 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là: Hải sản, cà phê, hạt điều, gạo, dệt may, cà phê,…
Tăng cường thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, các ngành công nghiệp mũi nhọn.
2.5. I-ran
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang I-ran năm 2010 đạt 100 triệu USD và năm 2015 đạt 245 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là: Gạo, sữa, sản phẩm chất dẻo, cao su tự nhiên, hạt tiêu, chè,…
Về hợp tác dầu khí, ngày 12 tháng 3 năm 2008, Petrovietnam đã ký hợp đồng thăm dò và phát triển dầu khí Lô Da-nan với Công ty Dầu khí Quốc gia I-ran. Hiện nay, Petrovietnam đang tiến hành các thủ tục thành lập công ty thành viên thực hiện dự án tại I-ran và các thủ tục tài chính cần thiết để thực hiện chương trình công tác theo như quy định của hợp đồng đã ký. Phấn đấu mục tiêu tìm kiếm những biện pháp phù hợp để sớm triển khai những thoả thuận dầu khí đã ký.
2.6. I-rắc
Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang I-rắc năm 2010 đạt 200 triệu USD và năm 2015 đạt 500 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là: Gạo, sữa, chè, dệt may,…
Trong lĩnh vực hợp tác dầu khí, năm 2002 Petrovietnam đã ký Hợp đồng phát triển mỏ dầu A-ma-ra với Bộ Dầu I-rắc. Tuy nhiên, do xảy ra cuộc chiến tranh I-rắc vào tháng 3 năm 2003 nên Petrovietnam đã buộc phải tạm dừng triển khai hợp đồng. Hiện nay, Petrovietnam và Bộ Dầu I-rắc đang đàm phán để tái khởi động lại dự án phát triển mỏ A-ma-ra theo những điều kiện kinh tế, kỹ thuật và môi trường pháp lý mới của I-rắc. Phấn đấu mục tiêu tìm kiếm những biện pháp phù hợp để sớm triển khai những thoả thuận dầu khí đã ký.
2.7. Cô-oét
Phấn đấu mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cô-oét năm 2010 đạt 54 triệu USD và năm 2015 đạt 200 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 30%/năm. Các mặt hàng chủ yếu là: Sữa, hải sản, chè, dệt may…
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; thúc đẩy xuất khẩu lao động; thu hút nguồn vốn đầu tư của Cô-oét vào các dự án xây dựng nhà máy lọc dầu, các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp tại Việt Nam; xúc tiến nguồn nhập khẩu dầu thô và xăng dầu từ thị trường này nhằm phục vụ nhu cầu trong nước; triển khai nhanh chóng thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
- Tăng cường quan hệ giữa Bộ Công thương với các cơ quan hữu quan của các nước Trung Đông
+ Tổ chức các kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp
+ Tổ chức các đoàn đi thăm và làm việc tại các nước
- Thiết lập các khuôn khổ pháp lý
+ Đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác
+ Xem xét khả năng đàm phán và ký kết các hiệp định FTA
- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thương vụ
+ Mở lại Thương vụ tại I-rắc khi có điều kiện, mở mới Thương vụ tại Ả-rập Xê-út và I-xra-en, bổ sung thêm nhân sự cho Thương vụ tại Dubai.
+ Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Thương vụ.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại
+ Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia
+ Hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại
+ Tăng cường công tác thông tin thị trường
- Đẩy mạnh việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí
+ Mở rộng hoạt động hợp tác dầu khí với các nước UAE, Ả-rập Xê-út, I-ran, I-rắc và Cô-oét
- Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp
+ Xúc tiến thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước UAE, Ả-rập Xê-út và Cô-oét vào các dự án công nghiệp thuộc Bộ Công thương phụ trách.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Việc tổ chức triển khai và thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công thương được phân công như sau:
1. Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức các đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ đi thăm và làm việc tại một số nước trọng điểm tại Trung Đông để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác với các Bộ đối tác của các nước trong khu vực.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế kiện toàn và đổi mới cách thức hoạt động của các Ủy ban Hỗn hợp do Lãnh đạo Bộ Bộ Công thương làm Đồng Chủ tịch.
- Phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ Năng lượng hỗ trợ về mọi mặt cho các hoạt động đầu tư của Petrovietnam tại Trung Đông, trước mắt là quá trình tái đàm phán Hợp đồng A-ma-ra tại I-rắc và triển khai Dự án Da-nan tại I-ran.
- Hoàn thiện Đề án đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan đôn đốc, thúc đẩy việc đàm phán và ký kết các Hiệp định, thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan, ngân hàng, hàng hải, hàng không … với các nước Trung Đông; xem xét, nghiên cứu khả năng ký Hiệp định thương mại tự do để có thể khởi động đàm phán với một số nước trọng điểm trong khu vực Trung Đông khi điều kiện cho phép.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ tăng cường phổ biến rộng rãi thông tin, tuyên truyền về thị trường Trung Đông cho các doanh nghiệp đặc biệt là chính sách, tình hình thị trường và tập quán kinh doanh… trên các phương tiện truyền thông như trang tin điện tử, báo chí, xuất bản ấn phẩm giới thiệu thị trường …
- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ sớm hoàn tất Đề án trình Chính phủ cho phép triển khai mở Cơ quan Thương vụ tại Israel và Ả-rập Xê-út trong năm 2009.
- Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các Thương vụ thuộc địa bàn trong khu vực tích cực tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường và tham gia vào các hội chợ triển lãm tại các nước trong khu vực.
- Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Đông, Đại sứ quán và Thương vụ một số nước Trung Đông tại Hà Nội… tổ chức các hội thảo, diễn dàn doanh nghiệp để giới thiệu thị trường Việt Nam tại một số nước Trung Đông hoặc tổ chức các hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông tại Việt Nam.
2. Vụ Hợp tác quốc tế
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Vụ, Cục, đơn vị hữu quan khác của Bộ nghiên cứu việc ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác với các Bộ đối tác của các nước Trung Đông.
- Chủ trì và phối hợp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á và Vụ Năng lượng hỗ trợ về mọi mặt cho Petrovietnam trong việc triển khai và mở rộng các hoạt động dầu khí tại Trung Đông.
- Phối hợp với Vụ Công nghiệp Nặng, Vụ Năng lượng nghiên cứu khả năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp với các nước Trung Đông và xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp từ các nước Trung Đông.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á nghiên cứu khả năng kêu gọi đầu tư, liên doanh liên kết trong các lĩnh vực dệt may, da giầy, cơ khí, tiêu dùng… từ các đối tác ở Trung Đông.
3. Vụ Xuất nhập khẩu
- Phối hợp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á phổ biến cơ chế, chính sách xuất khẩu cho các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực và những mặt hàng mới mà ta có thế mạnh như: nhóm hàng nông sản (gạo, hạt tiêu, chè, cà phê, hạt điều), nhóm hàng thực phẩm (hải sản, gà, trái cây, rau quả), thủ công mỹ nghệ, nhóm hàng công nghiệp (dệt may, giày dép, đồ điện tử, linh kiện, máy vi tính).
4. Cục Xúc tiến thương mại
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, các Thương vụ tại một số nước Trung Đông tăng cường công tác xúc tiến thương mại đối với thị trường Trung Đông, tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại tại khu vực nhằm nâng cao hình ảnh về đất nước, con người, nền kinh tế, môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam để quảng bá với cộng đồng doanh nghiệp Trung Đông, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thu thập và phổ biến thông tin thị trường cho các doanh nghiệp của ta… thông qua xuất bản các ấn phẩm, catologue, sách báo, đĩa CD giới thiệu thị trường và đưa tin trên các website của Cục và Bộ.
5. Vụ Năng lượng
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Nghị định về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật khác để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đầu tư về dầu khí với các nước Trung Đông.
- Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí triển khai có hiệu quả các dự án tìm kiếm, thăm dò và khai thác đã ký tại I-ran, I-rắc và dự án xây dựng khu Liên hợp lọc, hóa dầu Nghi Sơn.
- Tìm kiếm các cơ hội đầu tư để chỉ đạo Ngành dầu khí Việt Nam triển khai các dự án dầu khí ở Trung Đông, kể cả các dự án nhập khẩu dầu thô và khí LNG nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
6. Vụ Tổ chức cán bộ
- Sớm hoàn tất Đề án trình Chính phủ mở cơ quan Thương vụ tại I-xra-en và Ả-rập Xê-út.
- Phối hợp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á nghiên cứu khả năng mở một số cơ quan Thương vụ tại các địa bàn trong khu vực khi điều kiện cho phép.
7. Các Thương vụ tại một số nước Trung Đông
- Tích cực đổi mới, phát huy vai trò hoạt động để làm cầu nối về hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa các doanh nghiệp của ta với thị trường sở tại.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á nghiên cứu, thu thập thông tin về cơ chế chính sách kinh tế, tập quán buôn bán, nhu cầu mặt hàng mà thị trường trường sở tại có nhu cầu, các đối tác nhập khẩu và các quy định về pháp luật thương mại của các nước Trung Đông như: TBT, SPS, chính sách thuế, chính sách cạnh tranh, chống bán phá giá, quy tắc xuất xứ, chính sách nhập khẩu và các chính sách khác có liên quan đến việc nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường sở tại,… để thông tin cho các doanh nghiệp.
- Cung cấp các thông tin về hội chợ, triển lãm thương mại hoặc chuyên ngành quốc tế tại thị trường sở tại cũng như tư vấn cho doanh nghiệp cách thức thâm nhập vào các kênh phân phối hoặc cách thức để đưa hàng hóa nhập khẩu vào thị trường khu vực một cách hiệu quả nhất.
8. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
- Tích cực đàm phán để tái khởi động lại Dự án phát triển mỏ A-ma-ra tại I-rắc và triển khai Dự án Da-nan tại I-ran cũng như các thỏa thuận hợp tác khác tại Trung Đông.
- Mở rộng các hoạt động dầu khí thông qua việc tăng cường các hoạt động tiếp xúc, thăm dò với các đối tác tại khu vực Trung Đông như UAE, Ả-rập Xê-út,… để tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới.
- Tích cực triển khai các thoả thuận đã ký kết với phía I-rắc, I-ran, Ô-man, Ba-ranh, Cô-oét.
- Chủ trì và phối hợp với Vụ Năng lượng, Vụ Hợp tác Quốc tế để xây dựng các phương án kêu gọi đầu tư từ các đối tác Trung Đông vào lĩnh vực công nghiệp dầu khí và năng lượng.
Các Vụ, Cục, Thương vụ tại khu vực Trung Đông và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình hành động này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc nảy sinh các vấn đề mới, các đơn vị cần phản ảnh về Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á làm đầu mối để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ có hướng xử lý kịp thời.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.