BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 657/2001/QĐ-BTS | Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN BỀN VỮNG GÓP PHẦN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 8 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999 - 2010;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 321/CP-NN ngày 23 tháng 4 năm 2001 của Chính phủ về Chiến lược Phát triển nuôi trồng thuỷ sản góp phần xóa đói giảm nghèo;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Nghề cá,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, gọi tắt là Chiến lược SAPA (4 chữ cái đầu của các từ tiếng Anh: Sustainable Aquaculture for Poverty Alleviation) với các nội dung tại phụ lục kèm theo.
Điều 2. Giao cho Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản thực hiện chiến lược này.
Điều 3. Các ông: Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Viện, Chánh Thanh tra và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN |
PHỤ LỤC
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NUÔNG TRỒNG THUỶ SẢN BỀN VỮNG GÓP PHẦN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO (CHIẾN LƯỢC SAPA)
(Kèm theo Quyết định số 657/2001/QĐ-BTS ngày 22 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo)
I. Mục tiêu của chiến lược
1. Mục tiêu tổng quát
Góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển nuôi trồng thuỷ sản và quản lý bền vững nguồn lợi thuỷ sản.
2. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược
Thông qua phát triển nuôi trồng thuỷ sản cải thiện thu nhập và mức sống của người nghèo và các cộng đồng dân cư có kinh tế bấp bênh dễ gặp rủi ro.
II. Các nội dung của chiến lược SAPA
1. Củng cố và nâng cao năng lực tổ chức, đặc biệt ở cấp địa phương và của cộng đồng để nắm được và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về cuộc sống của người nghèo, của các cộng đồng hiện có cuộc sống bếp bênh mà sinh kế của họ có thể cải thiện dựa vào nuôi trồng thủy sản;
2. Nâng cao mức độ tiếp cận của người nghèo với cơ sở vật chất, thông tin, tín dụng, dịch vụ khuyến ngư và thị trường;
3. Cải thiện trao đổi thông tin giữa các cơ quan và các cấp liên quan trọng và ngoài Ngành Thủy sản) thông qua: nâng cao nhận thức, chia sẽ kinh nghiệm, lập mạng lưới, điều phối hợp tác trong ngành/liên ngành và các nhà tài trợ; giới thiệu phương pháp tham gia cộng đồng trong lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá; thông báo các chính sách phát triển;
4. Phát triển và tiếp nhận công nghệ nuôi thuỷ hải sản an toàn về môi trường, ít rủi ro, đầu tư thấp. Xây dựng và phổ biến kinh nghiệm quản lý phù hợp.
III. đối tượng và phạm vi của chiến lược sapa
1. Dân nghèo nông thôn, những nơi có các cơ hội khác nhau và việc cải thiện thu nhập có thể dựa vào nuôi trồng thuỷ sản.
2. Các cộng đồng có cuộc sống bấp bênh, dễ bị rủi ro ở các vùng miền núi phía Bắc, miền Trung, vùng Bắc trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Các cơ quan địa phương, Trung ương và khu vực; các cán bộ khuyến ngư của các cơ quan Nhà nước và các cộng tác viên khuyến ngư; các tổ chức tài chính tín dụng, dịch vụ; các nhà dịch vụ cung cấp thiết bị, vật tư...
IV. một số phương pháp tiếp cận, giải pháp chủ yếu để thực hiện chiến lược
1. Phương pháp tiếp cận, giải pháp trong xây dựng năng lực
a. Nhà nước có sự hỗ trợ quốc tế đầu tư kinh phí mở các lớp đào tạo ngắn ngày để bồi dưỡng cán bộ địa phương về năng lực phân tích đánh giá thu nhập, nhu cầu của ngư dân nghèo, trên cơ sở đó có thể xây dựng và triển khai các dự án điểm.
b. Chính quyền địa phương các cấp đặc biệt nơi có tiềm năng sử dụng nuôi trồng thuỷ sản để xóa đói giảm nghèo, phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược lựa chọn nhân sự được đào tạo tham gia vào quá trình hình thành và triển khai các dự án điểm.
2. Phương pháp tiếp cận, giải pháp trong việc sử dụng tài nguyên, đầu tư hạ tầng, tín dụng, dịch vụ khuyến ngư và các chế độ ưu tiến khác.
a. Chiến lược SAPA dựa vào các chính sách, cơ chế hiện hành của Chính phủ, của các tổ chức tài trợ để đề xuất các phương án cụ thể nhằm giúp người nghèo được tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài nguyên đất, nước; hạ tầng cơ sở thuỷ sản, các dịch vụ tín dụng, khuyến ngư và các chế độ ưu tiên khác.
b. Trước mắt, Chiến lược SAPA được xem là một bộ phận của Chương trình phát triển nuôi trồng Thuỷ sản thời kỳ 1999 - 2010, của Chiến lược mục tiêu Quốc gia “Xóa đói giảm nghèo” và tuân theo các cơ chế, chủ trương, chính sách hiện hành của các chương trình và chiến lược này cũng như cơ chế chính sách được nêu trong các nghị định, quyết định của Chính phủ trong lĩnh vực Thuỷ sản.
3. Phương pháp tiếp cận, giải pháp trong lĩnh vực thông tin
a. Chiến lược có mạng lưới trong phạm vi các đơn vị, tổ chức, cá nhân, trong nước cũng như trong khu vực, đang triển khai hoặc có liên quan tới các hoạt động xóa đói giảm nghèo thuộc lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản để trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý và trong việc điều phối tài trợ kinh phí.
b. Chiến lược SAPA có trách nhiệm giới thiệu rộng rãi những kinh nghiệm, mô hình nuôi trồng thuỷ sản an toàn, đầu tư thấp nhằm giúp dân nghèo những cơ hội cải thiện cuộc sống nhờ ứng dụng các công nghệ đó vào hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.
4. Phương pháp tiếp cận, giải pháp trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
a. Chiến lược SAPA sẽ đóng góp vào việc phát triển các công nghệ nuôi trồng thuỷ sản an toàn về môi trường, ít rủi ro, đầu tư thấp cũng như hình thành kinh nghiệm quản lý phù hợp cho người nghèo, đóng góp trong việc phòng chống dịch bệnh nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất con giống vật nuôi phục vụ người nghèo theo điều kiện từng địa bàn, khu vực.
b. Đối với nguồn lợi tự nhiên ở các mặt nước ngọt, mặn, lợ, Chiến lược SAPA sẽ trợ giúp để xây dựng và triển khai phương pháp đồng quản lý nhằm ổn định thu nhập cho người nghèo có cuộc sống phụ thuộc vào nguồn lợi này.
V. Tổ chức thực hiện
1. Nguyên tắc chỉ đạo
a. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở các xã nghèo trước hết phải dựa trên cơ sở phát huy nội lực của từng hộ gia đình và sự giúp đỡ của cộng đồng, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước để khai thác nguồn lực tại chỗ về các tiềm năng đất đai, mặt nước, lao động và các điều kiện tự nhiên trong từng xã và trong mỗi khu vực, góp phần tích cực trong việc tạo ra bước chuyển biến mới về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
b. Nhà nước tạo môi trường pháp lý và các chính sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản, ưu tiên đầu tư vốn ngân sách và các nguồn vốn khác, kể cả nguồn vốn viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế đầu tư cho các xã nghèo.
c. Chiến lược được thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Các địa phương phải đóng vai trò chủ yếu trong việc triển khai các dự án trong khuôn khổ Chiến lược, phát huy nội lực và sử dụng có hiệu quả kinh phí từ mọi nguồn để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo.
2. Nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Chiến lược
Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản được thành lập tại Quyết định số 155/2001/QĐ-BTS ngày 20 tháng 02 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chỉ đạo triển khai chiến lược này với các nhiệm vụ sau đây:
a. Hướng dẫn địa phương khảo sát, đánh giá nhu cầu của người nghèo, xây dựng dự án.
b. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, các đối tác trong, ngoài nước để giúp đỡ, hướng dẫn địa phương trong việc thực hiện Chiến lược. Nghiên cứu đề xuất để sửa đổi, bổ sung các chính sách, cơ chế nhằm triển khai có kết quả các mục tiêu của Chiến lược.
c. Tiến hành sơ kết, tổng kết hàng năm để đúc rút kinh nghiệm, điển hình, tìm các giải pháp và xây dựng kế hoạch cho năm sau.
d. Cụ thể hóa Chiến lược thành các dự án cụ thể tại các địa bàn gắn với chương trình phát triển thuỷ sản của tỉnh, thành phố, tham mưu cho chính quyền các cấp huy động nhân lực và sự phối hợp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong và ngoài Ngành đảm bảo các dự án được thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong Ngành Thuỷ sản tiếp nhận lao động, giải quyết việc làm cho dân nghèo.
đ. Có trách nhiệm báo cáo với Bộ trưởng để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có giải pháp về vốn và phối hợp theo kế hoạch hàng năm trình Bộ trưởng quyết định để quản lý và đầu tư theo các hoạt động của Chiến lược.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.