ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6569/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2018 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 17/6/2010 và Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch;
Căn cứ Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 ngày 21/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050;
Căn cứ Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Chỉ thị 34/2017/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 01/6/2009 của liên bộ Bộ Tài chính - Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải;
Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012 của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng;
Căn cứ Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15/03/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 02/2014/TT-BCT ngày 16/01/2014 của Bộ Công Thương về việc quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các ngành công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả;
Căn cứ Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 20/11/2017 của UBND Thành phố về việc tăng cường tiết kiệm điện;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 5565/TTr-SCT ngày 30/10/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ VIỆC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Quyết định số 6569/QĐ-UBND ngày 03/12/2018 của UBND thành phố Hà Nội)
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ
1. Tăng cường việc triển khai, thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
2. Sử dụng năng lượng một cách hợp lý, hiệu quả nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí năng lượng cho hoạt động của các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết.
3. Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, áp dụng đa dạng các hình thức huy động nguồn vốn để tăng đầu tư ứng dụng đổi mới trang thiết bị công nghệ hiệu suất cao; xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
4. Phấn đấu đạt hệ số đàn hồi năng lượng/GRDP năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 0,95, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới.
Điều 2. Nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
1. Thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, phát triển “Thành phố thông minh”, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
2. Áp dụng việc sử dụng, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng theo lộ trình ứng dụng phương tiện, trang thiết bị hiệu suất cao, vật liệu tiết kiệm năng lượng của Chính phủ.
CÁC NỘI DUNG, BIỆN PHÁP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Điều 3. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất công nghiệp
1. Ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được Bộ Công Thương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiến trúc nhà xưởng để sử dụng tối đa hiệu quả hệ thống chiếu sáng, thông gió, kết hợp với ánh sáng và thông gió tự nhiên; thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất năng lượng, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện các nội dung sau:
a) Xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012 của Bộ Công Thương; lồng ghép chương trình quản lý năng lượng với các chương trình quản lý chất lượng, kế hoạch hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững.
b) Đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa, điều khiển thông minh từ thiết kế sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất, kỹ thuật sản xuất, thực hiện sản xuất đến dịch vụ và bảo trì; sử dụng, thay thế thiết bị có hiệu suất cao, từng bước loại bỏ thiết bị hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng; bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm.
c) Áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến; cải tiến, hợp lý hóa các quá trình: Đốt nhiên liệu trong lò hơi, lò luyện, lò nung, lò sấy; trao đổi nhiệt trong thiết bị gia nhiệt, làm lạnh; chuyển hóa năng lượng.
d) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tổn hao năng lượng trong hệ thống cung cấp điện và cung cấp nhiệt. Sử dụng nhiệt thừa, nhiệt thải trong sản xuất kinh doanh.
2. Cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định phù hợp với quy mô và ngành nghề sản xuất.
1. Đơn vị cung ứng nhiên liệu phải sử dụng kho chứa, phương tiện vận chuyển an toàn, phù hợp, giảm thất thoát, phòng ngừa gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng.
2. Đơn vị phân phối điện phải xây dựng chương trình, kế hoạch, định mức và lộ trình cụ thể nhằm giảm tổn thất điện năng trong hệ thống phân phối điện.
3. Khuyến khích cơ sở sản xuất điện từ chất thải lựa chọn công nghệ có hiệu suất năng lượng cao, tổ chức bảo dưỡng định kỳ theo thiết kế.
Điều 5. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng
Ngoài việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với công trình xây dựng theo quy định của pháp luật, khuyến khích các cơ sở hoạt động xây dựng thực hiện các nội dung sau:
1. Thực hiện quy hoạch và thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên để giảm tiêu thụ năng lượng sử dụng cho chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm.
3. Sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung; vật liệu cách nhiệt phù hợp tiêu chuẩn quốc gia (hoặc tiểu chuẩn của các nước phát triển) về hiệu suất năng lượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, thừa nhận áp dụng.
4. Sử dụng và lắp đặt các thiết bị, phương tiện có hiệu suất năng lượng cao phù hợp tiêu chuẩn quốc gia (hoặc tiêu chuẩn của các nước phát triển) về mức hiệu suất năng lượng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, thừa nhận áp dụng.
5. Sử dụng hệ thống quản lý, điều khiển tự động, công nghệ thông minh trong công trình, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời.
6. Lắp đặt thiết bị đo lường điện, nhiệt; khống chế nhiệt độ; kiểm soát hệ thống cung cấp điện, nhiệt trong tòa nhà phù hợp với điều kiện thời tiết và mục đích sử dụng có mức độ tự động cao tích hợp công nghệ thông minh.
7. Ứng dụng các công cụ mô phỏng tiên tiến về tiết kiệm năng lượng trong hoạt động thiết kế, cải tạo các công trình có diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên.
Điều 6. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng
Ngoài việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, khuyến khích các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng thực hiện các nội dung sau:
1. Hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, đèn chiếu sáng LED, thiết bị chiếu sáng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời; áp dụng hệ thống điều khiển thông minh tích hợp công nghệ tiết kiệm năng lượng để vận hành hệ thống chiếu sáng.
2. Khi sửa chữa, thay thế, lắp đặt mới thiết bị chiếu sáng công cộng khuyến khích sử dụng đèn LED có gắn thiết bị tự động tiết giảm công suất chiếu sáng; đối với các sản phẩm, thiết bị có quy định dán nhãn năng lượng khuyến khích sử dụng nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên.
Điều 7. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải
1. Các tổ chức, cá nhân khi xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải phải đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án; ưu tiên phát triển vận tải công cộng, phát triển phương tiện vận tải khối lượng lớn, hiệu suất sử dụng năng lượng cao (đường sắt, đường thủy, phương tiện vận tải khác); quan tâm khả năng kết nối các phương thức vận tải nhằm tiết kiệm nhiên liệu.
2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải thực hiện các biện pháp sau đây:
a) Tối ưu hóa tuyến vận tải, phương tiện vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
b) Xây dựng và áp dụng quy định về bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ phương tiện, thiết bị vận tải; xây dựng, thực hiện, cập nhật và hoàn thiện định mức tiêu thụ nhiên liệu tại doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật.
c) Sử dụng phương tiện giao thông vận tải sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu để lưu hành đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức tiêu thụ nhiên liệu do cơ quan có thẩm quyền ban hành; loại bỏ phương tiện không bảo đảm mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành.
d) Ứng dụng các giải pháp công nghệ, quản lý, tổ chức vận tải nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tư vấn, thiết kế, đầu tư phát triển giao thông vận tải công cộng; sản xuất, sử dụng phương tiện giao thông, công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; khai thác và mở rộng ứng dụng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên, điện, nhiên liệu hỗn hợp, nhiên liệu sinh học thay thế xăng dầu, xăng sinh học E5, hệ thống giao thông thông minh (hệ thống theo dõi, giám sát bãi đỗ xe; hệ thống theo dõi, giám sát hành trình; tích hợp bản đồ định vị thông minh). Khi tham gia thiết kế, lập dự án đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải lựa chọn hướng tuyến có cự ly ngắn, lợi dụng dòng chảy, hạn chế độ dốc; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu nhằm giảm khối lượng vận chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Điều 8. Sử dụng năng lượng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp
Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp lựa chọn, áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau đây:
1. Áp dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh trong sản xuất cây trồng, vật nuôi.
2. Sử dụng thiết bị, công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất, gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp.
3. Loại bỏ theo lộ trình phương tiện, thiết bị, máy móc nông nghiệp hiệu suất năng lượng thấp theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Thu gom, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác sử dụng cho chế biến, bảo quản nông sản, chất đốt trong sinh hoạt.
5. Thực hiện sản xuất, sử dụng năng lượng tại chỗ bằng ánh sáng mặt trời, khí sinh học, phụ phẩm nông nghiệp và các nguồn năng lượng tái tạo khác.
Điều 9. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thủy lợi
1. Tổ chức quy hoạch hệ thống thủy lợi hợp lý, tối ưu hóa hệ thống hồ chứa, kênh mương, tận dụng dòng chảy tự nhiên.
2. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; áp dụng các biện pháp khoa học tưới tiết kiệm nước, thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, làm phẳng mặt ruộng; có kế hoạch tiêu nước đệm hợp lý để phòng chống úng.
2. Vận hành, khai thác hợp lý công suất tổ máy bơm trong các trạm bơm cấp, thoát nước của hệ thống thủy lợi; lập kế hoạch thay thế dần các loại máy bơm và động cơ điện công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp để thay thế bằng các loại máy bơm và động cơ điện mới hiệu suất cao.
Điều 10. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các làng nghề
Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, hộ gia đình trong các làng nghề lựa chọn, áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau đây:
1. Phát triển và ứng dụng các thiết bị, máy móc sử dụng nhiên liệu sinh học, năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, biogas, biomass).
2. Lựa chọn các loại vật liệu mới, kỹ thuật mới, các thiết bị, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giảm phát thải.
3. Triển khai các công nghệ xử lý và tái sử dụng chất thải sinh hoạt và chất thải sản xuất, chế biến.
4. Phát triển và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn để tiết kiệm chi phí đầu vào.
Điều 11. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong dự án đầu tư
1. Các chủ đầu tư dự án mới, dự án cải tạo cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng, giao thông có trách nhiệm áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các giai đoạn của dự án; khuyến khích sử dụng trang thiết bị, công nghệ, vật liệu tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động theo quy định.
2. Đối với dự án đầu tư từ nguồn ngân sách Thành phố phải sử dụng các sản phẩm, trang thiết bị có quy định dán nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm, trang thiết bị có quy định dán nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên trong các dự án đầu tư ngoài ngân sách Thành phố.
Điều 12. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ quan, đơn vị tại trụ sở làm việc
1. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị ban hành quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện tại trụ sở làm việc:
a) Tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị khi hết giờ làm việc.
b) Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm.
c) Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật sự cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25 độ C trở lên hoặc đặt chế độ nhiệt độ chênh lệch trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ từ 3-5 độ C. Định kỳ tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng đường thông gió và đường dẫn nhiệt để tránh tổn thất điện năng. Dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng. Sử dụng điều hòa, thiết bị làm mát có dán nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên.
d) Thực hiện mua sắm thiết bị chiếu sáng có hiệu suất cao (bóng đèn huỳnh quang T8, T5, đèn LED) để thay thế cho thiết bị chiếu sáng có hiệu suất thấp; sử dụng các thiết bị có dán nhãn năng lượng từ 3 sao trở lên, thay mới; sử dụng xăng sinh học E5 cho phương tiện sử dụng xăng.
2. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 12 của Quy định này và thực hiện tiết kiệm điện, xây dựng phương án, quy định sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại trụ sở làm việc theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT của liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo UBND các quận, huyện, thị xã trước ngày 1 tháng 4 hàng năm. Sử dụng, thay mới các thiết bị có dán nhãn năng lượng theo quy định; sử dụng xăng sinh học E5 cho phương tiện sử dụng xăng.
Điều 13. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động dịch vụ
Chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, cơ sở vui chơi giải trí, thể dục thể thao và các cơ sở hoạt động dịch vụ khác có trách nhiệm:
1. Thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng, chiếu sáng, quản lý phương tiện, thiết bị.
2. Kiểm soát, duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng để giảm tổn thất năng lượng trong hoạt động dịch vụ.
3. Hạn chế sử dụng thiết bị có công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng vào giờ cao điểm trong chiếu sáng, trang trí, quảng cáo; sẵn sàng cắt giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của Công ty Điện lực tại địa phương trong trường hợp thiếu điện.
4. Khuyến khích sử dụng các biện pháp tiết kiệm điện tại Khoản 1, Điều 12 Quy định này.
Điều 14. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình
Khuyến khích hộ gia đình thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau đây:
1. Thiết kế, xây dựng nhà ở có khả năng tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên; Sử dụng vật liệu cách nhiệt, thiết bị gia dụng là sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị có dán nhãn năng lượng; tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo (bình năng lượng mặt trời); ứng dụng công nghệ nhà thông minh (smarthome).
2. Hạn chế sử dụng thiết bị điện công suất lớn, tiêu thụ nhiều điện năng vào giờ cao điểm (từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày).
3. Tham gia phong trào Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm năng lượng của Thành phố; Xây dựng nếp sống, thói quen tiết kiệm năng lượng trong sử dụng thiết bị chiếu sáng và gia dụng.
4. Thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện tại Khoản 1, Điều 12 Quy định này.
Điều 15. Đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
Các cơ sở trong danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng năm, ngoài việc thực hiện các nội dung quy định nêu trên còn phải thực hiện các nội dung sau:
1. Xây dựng, đăng ký và thực hiện kế hoạch hằng năm và 05 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; báo cáo các Sở quản lý chuyên ngành: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012 của Bộ Công Thương.
2. Xây dựng chế độ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chỉ định người quản lý năng lượng theo quy định; 03 năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc; Thực hiện xây dựng mô hình quản lý năng lượng, khuyến khích áp dụng theo ISO 50001; Thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở theo điều 33 của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20/4/2012 của Bộ Công Thương.
3. Hàng năm phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện để tiết kiệm ít nhất bằng 1% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm so với năm trước đó.
Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Trách nhiệm của Sở Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.
b) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành Thành phố tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, điều phối các hoạt động triển khai, thực hiện Chương trình, Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố; phổ biến các mô hình cơ sở sử dụng “Năng lượng xanh”; tiếp nhận sự hỗ trợ, tài trợ, đào tạo của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các biện pháp và ứng dụng các công nghệ, trang thiết bị có hiệu suất cao để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
c) Là cơ quan chủ trì tổng hợp, báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình thẩm định dự án, thẩm tra thiết kế cơ sở các dự án đầu tư theo quy định.
d) Lập Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, báo cáo UBND Thành phố, gửi Bộ Công Thương trước ngày 01 tháng 02 hằng năm.
e) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc áp dụng chế tài xử phạt theo quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
g) Đôn đốc, hướng dẫn, đánh giá các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch hằng năm, 05 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chủ trì, phối hợp các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp các sở quản lý chuyên ngành thông tin, hướng dẫn và tổ chức thẩm định các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố đảm bảo tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của pháp luật và Thành phố.
3. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:
a) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD tại các Dự án, công trình đầu tư, xây dựng trên địa bàn Thành phố.
b) Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương tham mưu, hướng dẫn việc quản lý, thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với các hoạt động xây dựng; hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện quy định tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng theo quy định và phân cấp.
c) Đôn đốc, hướng dẫn, đánh giá các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch hằng năm, 05 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp Sở Công Thương tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương tham mưu UBND Thành phố về việc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố.
b) Tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông hợp lý, giảm cự ly vận tải; quy định giờ hoạt động của một số loại phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông nhằm tiết kiệm năng lượng; phát triển và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến vận tải công cộng; tùy theo điều kiện từng khu vực đô thị, thúc đẩy phát triển giao thông phi cơ giới (tuyến phố đi bộ; tuyến đường dành riêng cho xe đạp...); bố trí camera giám sát, điều tiết giao thông tại các điểm nút trọng điểm.
c) Thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác tổ chức, điều hành hệ thống giao thông vận tải, quản lý phương tiện vận tải theo phân cấp; báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả thực hiện theo quy định tại Thông tư 64/2011/TT-BGTVT ngày 26/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải.
d) Đôn đốc, hướng dẫn, đánh giá các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch hằng năm, 05 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp Sở Công Thương tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền.
5. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố và hướng dẫn triển khai các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, phát triển làng nghề theo quy định tại tại Thông tư số 19/2013/TT-BNNPTNT ngày 15/03/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quy định này.
b) Đôn đốc, hướng dẫn, đánh giá các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch hằng năm, 05 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp Sở Công Thương tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền.
6. Trách nhiệm của Sở Tài chính:
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong việc tổ chức thực hiện Quy định này và Chương trình, Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thành phố.
7. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ động phối hợp Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các đơn vị, tổ chức liên quan thực hiện thông tin, tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hướng dẫn các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc, hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
b) Chỉ đạo các cơ quan báo chí Hà Nội: báo Hà Nội mới, báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội,... chủ động phối hợp Sở Công Thương xây dựng các chuyên đề giới thiệu các biện pháp, mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyên mục thông tin trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
8. Trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã:
a) Xây dựng và triển khai Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm, bố trí kinh phí ngân sách địa phương để thực hiện nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong cộng đồng; quản lý sử dụng tiết kiệm điện trong cơ sở hoạt động dịch vụ, cơ sở lưu trú hai sao trở xuống; trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn.
b) Tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn theo thẩm quyền.
9. Trách nhiệm của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội:
a) Xây dựng Kế hoạch, chương trình, định mức, giải pháp thực hiện quản lý nhu cầu điện năng phù hợp với các khả năng cung cấp (giờ cao điểm, thấp điểm); xây dựng và triển khai Đề án phát triển lưới điện thông minh và lộ trình, tổ chức thực hiện các biện pháp (quản lý, kiểm tra, nghiên cứu ứng dụng giải pháp...) nhằm giảm tổn thất điện trong khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh điện.
b) Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện trong cộng đồng và các cơ quan, đơn vị, trụ sở làm việc.
c) Chỉ đạo các Công ty Điện lực quận, huyện, thị xã thống kê, theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện tại các cơ quan, đơn vị, trụ sở làm việc sử dụng ngân sách nhà nước cho UBND các quận, huyện, thị xã trước ngày 1 tháng 3 hàng năm; hướng dẫn các đơn vị thực hiện tiết kiệm điện, xây dựng phương án, quy định sử dụng điện tiết kiệm; báo cáo phương án sử dụng điện tiết kiệm theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 01/6/2009 của Liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
10. Trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị khác thuộc Thành phố:
a) Các Sở quản lý chuyên ngành và các phòng chức năng cấp huyện thẩm tra, rà soát và đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình thẩm định dự án, thẩm tra thiết kế cơ sở đối với các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
b) Hàng năm, ban hành và thực hiện Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của ngành, đơn vị.
c) Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước ban hành Quy định và tổ chức thực hiện nghiêm việc sử dụng tiết kiệm điện, lắp đặt, thay thế, sửa chữa trang thiết bị điện, sử dụng xăng đáp ứng yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quy định này.
11. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm tăng cường thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quy định này và nghiêm túc chấp hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điều 17. Xử lý vi phạm trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Các Sở: Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
1. Tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố thực hiện tốt quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định này sẽ được xem xét, biểu dương, khen thưởng theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định này, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy định này được phổ biến đến các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng và các đơn vị liên quan trên địa bàn Thành phố. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh, các đơn vị gửi ý kiến về Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.