ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 655/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 05 tháng 04 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM VÀ DẠY NGHỀ TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015;
Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015;
Xét đề nghị của Sở Lao động và Thương binh Xã hội tại Tờ trình số 10/TTr-LĐTBXH ngày 18/02/2013 và Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 70/TTr-KHĐT-VX ngày 29/3/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Việc làm và Dạy nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2015 với các nội dung như sau:
I. Mục tiêu của chương trình
a) Mục tiêu chung
Hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nền kinh tế quốc tế của tỉnh Lâm Đồng.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đầu tư Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt đáp ứng theo chuẩn khu vực ASEAN, Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc theo chuẩn quốc gia theo Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/7/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc Phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị dạy nghề đối với các trung tâm dạy nghề công lập tại huyện Bảo Lâm, Đơn Dương, Di Linh và Đam Rông; tạo bước đột phá về chất lượng dạy nghề;
- Trên 80% người học nghề hàng năm có việc làm phù hợp sau khi học nghề;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 40% vào năm 2015;
- Nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm lên trên 20% so với tổng số người được giải quyết việc làm của tỉnh vào năm 2015;
- 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là thân nhân của gia đình chính sách, người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng theo Quyết định số 38/2011/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng (không bao gồm lao động thuộc huyện nghèo Đam Rông theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020) được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm tăng thêm ít nhất 10% lao động thuộc các đối tượng trên đi làm việc ở nước ngoài;
- Mỗi năm hỗ trợ việc làm cho khoảng 1.500 lao động thông qua các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm;
- Mỗi năm tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 600 lượt cán bộ làm công tác lao động, việc làm và dạy nghề.
2. Đối tượng và phạm vi thực hiện:
a) Đối tượng thực hiện: các sở, ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn, kinh phí để thực hiện các dự án của Chương trình.
b) Phạm vi thực hiện: trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
3. Thời gian thực hiện: từ năm 2013 đến năm 2015.
4. Kinh phí thực hiện:
Tổng kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015 khoảng 300 tỷ đồng; dự kiến huy động từ:
- Ngân sách trung ương khoảng 269 tỷ đồng; trong đó Quỹ quốc gia về việc làm (vốn vay cấp mới): 12 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động khác khoảng 31 tỷ đồng.
3. Các dự án của Chương trình và kinh phí thực hiện
a) Dự án 1: Đổi mới và phát triển dạy nghề
- Mục tiêu của dự án: Đầu tư Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt đạt chuẩn ASEAN các nghề: Công nghệ sinh học, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật chế biến món ăn, đạt chuẩn quốc gia các nghề: Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Điện công nghiệp; Trường Trung cấp nghề Bảo Lộc đạt chuẩn quốc gia trong các nghề: Công nghệ chế biến chè, Chăn nuôi gia súc - gia cầm, Cơ điện nông thôn theo Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/7/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
- Nội dung và nhiệm vụ chủ yếu:
+ Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đạt chuẩn ASEAN và khu vực trong các nghề được đầu tư;
+ Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn, đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng tại trường Cao đẳng nghề Đà Lạt và trường Trung cấp nghề Bảo Lộc.
+ Xây dựng hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu dạy nghề của tỉnh Lâm Đồng.
- Kinh phí dự kiến thực hiện dự án khoảng 92 tỷ đồng; trong đó:
+ Ngân sách trung ương khoảng 86 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương và các nguồn khác khoảng 06 tỷ đồng.
b) Dự án 2: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Mục tiêu của dự án:
+ Mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.000 - 10.000 lao động nông thôn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề tại chỗ, cung ứng cho các khu công nghiệp, các ngành sản xuất phi nông nghiệp và cho xuất khẩu lao động;
+ Mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 500 - 700 lượt cán bộ, công chức xã.
- Nội dung và nhiệm vụ chủ yếu:
+ Các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn: Điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các trung tâm dạy nghề công lập; đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề Đơn Dương trở thành trung tâm dạy nghề kiểu mẫu; xây dựng một số chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; hỗ trợ 8.000 - 10.000 lao động nông thôn học nghề mỗi năm;
+ Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên; lồng ghép tình hình, thực tế địa phương vào các giáo trình, bài giảng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã.
- Kinh phí dự kiến thực hiện dự án khoảng 165 tỷ đồng; trong đó:
+ Ngân sách trung ương khoảng 150 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương và các nguồn khác khoảng 15 tỷ đồng.
c) Dự án 3: Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
- Mục tiêu của dự án: Mỗi năm cho vay ưu đãi với lãi suất thấp từ Quỹ quốc gia về việc làm để hỗ trợ tạo việc làm cho 1.500 lao động.
- Nội dung và nhiệm vụ chủ yếu:
+ Cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm;
+ Cho vay với lãi suất ưu tiên đối với các nhóm lao động yếu thế (lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số);
+ Cho vay đối với các dự án khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của thanh niên;
+ Cho vay để thực hiện các chương trình, dự án giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ nông thôn, lao động thất nghiệp.
- Kinh phí dự kiến thực hiện dự án khoảng 18 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.
d) Dự án 4: Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Mục tiêu của dự án:
+ Mỗi năm có từ 500-600 lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
+ Đến năm 2015 có ít nhất 60% lao động được đào tạo nghề, ngoại ngữ và 100% lao động được bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
- Nội dung và nhiệm vụ chủ yếu:
+ Hỗ trợ 100% người lao động học ngoại ngữ, hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động để đi làm việc ở nước ngoài;
+ Mỗi năm tổ chức đào tạo nghề, thực tập nghề phù hợp tại cơ sở sản xuất cho 300 - 400 lao động đáp ứng yêu cầu của nước tiếp cận lao động.
- Kinh phí dự kiến thực hiện dự án khoảng 05 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.
đ) Dự án 5: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
- Mục tiêu của dự án:
+ Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại hóa và chuẩn hóa hoạt động giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm trở thành hoạt động hàng ngày tại trung tâm giới thiệu việc làm vào năm 2014;
+ Đến năm 2015 có khoảng 5.000 - 6.000 lao động tìm việc làm qua Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh.
- Nội dung và nhiệm vụ chủ yếu:
+ Đầu tư nâng cao năng lực cho Trung tâm giới thiệu việc làm để thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm;
+ Hỗ trợ tổ chức giao dịch việc làm;
+ Đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; phân tích và dự báo thị trường lao động.
- Kinh phí thực hiện dự án khoảng 18 tỷ đồng; trong đó:
+ Ngân sách trung ương khoảng 12 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác khoảng 06 tỷ đồng.
e) Dự án 6: Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình.
- Mục tiêu: Bảo đảm triển khai có hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình.
- Nội dung và nhiệm vụ chủ yếu:
+ Mỗi năm tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động, việc làm và dạy nghề cho khoảng 600 lượt cán bộ;
+ Tuyên truyền, thông tin đến 100% xã, phường, thị trấn các chính sách thị trường lao động, dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động;
+ Giám sát, đánh giá hoạt động của dự án.
- Kinh phí thực hiện dự án khoảng 02 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Điều 2: Tổ chức thực hiện
a) Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan tổ chức triển khai thực hiện chương trình có trách nhiệm chủ trì:
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, và các đơn vị có liên quan thẩm định, phê duyệt các dự án của Chương trình theo quy định. Tổ chức, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án của chương trình sau khi phê duyệt;
- Phối hợp với Ngân hàng chính sách thực hiện dự án 03 theo đúng quy định;
- Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện chương trình. Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả và tránh thất thoát.
b) UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai các chương trình trên địa bàn, huy động thêm các nguồn lực để thực hiện các dự án của Chương trình. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.