ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 647/QĐ-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 01 tháng 04 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CÔNG TÁC NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật người cao tuổi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23/11/2009;
Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNV ngày 08/09/2009 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn việc thành lập Ban công tác người cao tuổi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 10/7/2012 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban công tác người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan Thường trực Ban công tác người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tại công văn số 339/LĐTBXH-BTXH ngày 04 tháng 3 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế làm việc của Ban công tác người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu .
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Ban công tác người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CÔNG TÁC NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 01 tháng 04 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
Quy chế này quy định phạm vi, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của Ban công tác người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây gọi chung là Ban công tác người cao tuổi), quy định quan hệ công tác giữa Trưởng ban công tác người cao tuổi với các Sở, ban, ngành của tỉnh cũng như kế hoạch công tác, chế độ hội họp, thông tin, báo cáo của Ban công tác người cao tuổi tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc
Ban công tác người cao tuổi hoạt động và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất trong các lĩnh vực công tác của Ban, phân công trách nhiệm rõ ràng, đề cao và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ
1. Chức năng:
Ban công tác người cao tuổi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tổ chức phối hợp liên ngành, không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản và con dấu riêng; có chức năng giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, phối hợp các hoạt động phục vụ công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi tỉnh, do Sở Lao động - Thương binh và xã hội là cơ quan thường trực.
2. Nhiệm vụ:
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
- Giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
- Giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với người cao tuổi.
- Tổng hợp và định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC THÀNH VIÊN
Điều 4. Trưởng ban - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
- Phụ trách chung và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả hoạt động của Ban công tác người cao tuổi tỉnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động của Ban công tác người cao tuổi được quy định tại mục 2 Điều 3 của Quy chế này.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Phó Trưởng ban và các thành viên, Quyết định thành lập Ban giúp việc Ban công tác người cao tuổi và ban hành quy chế làm việc của Ban giúp việc.
- Triệu tập và chủ trì các hội nghị định kỳ hoặc bất thường của Ban.
- Được sử dụng con dấu của UBND tỉnh khi ký những văn bản của Ban công tác người cao tuổi.
Điều 5. Các Phó Trưởng ban và thành viên
1. Phó Trưởng ban Thường trực - Giám đốc Sở Lao động - TB & XH.
- Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, giúp Trưởng ban trong việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Ban, thay mặt Trưởng ban giải quyết các công việc do Trưởng ban ủy quyền.
- Có trách nhiệm giúp Trưởng ban xây dựng chương trình, kế hoạch chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện các mục tiêu, hoạt động của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong việc triển khai, thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan kiến nghị, đề xuất các chính sách về trợ giúp và phát huy vai trò người cao tuổi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng như trong việc tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với người cao tuổi.
- Giải quyết các công việc thường xuyên của Ban, phối hợp và điều hành hoạt động của các thành viên trong Ban.
- Chỉ đạo Ban giúp việc Ban công tác người cao tuổi tỉnh định kỳ tổng hợp, báo cáo 6 tháng, một năm để báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.
- Những văn bản do Phó Trưởng ban thường trực ký được sử dụng con dấu của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, cơ quan thường trực Ban công tác người cao tuổi tỉnh.
2. Phó Trưởng ban - Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh.
- Phụ trách công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phối hợp tuyên truyền, tập huấn Luật Người cao tuổi Việt Nam, tham mưu triển khai kịp thời việc thực hiện Luật Người cao tuổi và các chỉ thị của Ban Bí thư TW Đảng về người cao tuổi.
- Giúp Trưởng ban tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; Thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
- Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo với Trưởng ban và cơ quan thường trực về tình hình thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
3. Các thành viên.
Các thành viên Ban công tác người cao tuổi tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Mỗi thành viên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của mình có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, phối hợp tổ chức, triển khai công tác về người cao tuổi trên địa bàn mình phụ trách và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động công tác người cao tuổi trước Trưởng ban cụ thể như sau:
- Văn Phòng UBND tỉnh: Giúp Trưởng ban điều hòa, phối hợp hoạt động của các thành viên trong Ban; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp tổ chức thực hiện chương trình; tham mưu triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương gửi đến UBND tỉnh; kịp thời đề xuất ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Phối hợp với các Phó trưởng ban giúp Trưởng ban xây dựng nội dung các cuộc họp của Ban.
- Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan kiện toàn và tạo điều kiện cho Ban công tác người cao tuổi các cấp hoạt động có hiệu quả. Hướng dẫn địa phương thành lập Quỹ chăm sóc người cao tuổi theo quy định của pháp luật. Thực hiện các hoạt động khác theo sự phân công của Trưởng ban.
- Sở Tài chính: Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi theo mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi; phối hợp kiểm tra việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành; hướng dẫn việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ chăm sóc người cao tuổi theo chế độ quy định.
- Sở Kế hoạch - Đầu tư: nghiên cứu, hướng dẫn các Sở ban, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch gắn với qui hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh; phối hợp với thành viên Sở Tài chính cân đối nguồn kinh phí cho các chương trình, dự án liên quan đến hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
- Sở Y tế: chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành dọc việc triển khai thực hiện Điều 12 và Điều 13 Luật người cao tuổi; có trách nhiệm quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi theo các nội dung của Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi. Triển khai các hình thức giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về tập luyện, tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho người cao tuổi. Tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho cán bộ y tế trong việc khám chữa bệnh cho người cao tuổi.
- Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: chủ trì, phối hợp với Báo Bà Rịa - Vũng Tàu; Đài Phát thanh - Truyền hình và các cơ quan có liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người cao tuổi tham gia tập luyện, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí ở địa phương. Có kế hoạch hỗ trợ người cao tuổi về chuyên môn, nghiệp vụ để thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch. Hàng năm phối hợp với Ban Đại điện Hội người cao tuổi tỉnh tổ chức Liên hoan tiếng hát người cao tuổi và Hội thao người cao tuổi. Xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể các hoạt động gắn liền với việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo, tạo điều kiện để người cao tuổi được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức nghề nghiệp thuộc lĩnh vực của ngành bằng các hoạt động cụ thể để người cao tuổi được tham gia đóng góp ý kiến, công sức, kinh nghiệm của mình; hướng dẫn người cao tuổi tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Vận động người cao tuổi có điều kiện tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, các tổ chức nghề nghiệp như hội sinh vật cảnh, hội làm vườn... nơi có đông người cao tuổi tham gia.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí như Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử... xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về người cao tuổi theo kế hoạch hàng năm của Ban Công tác người cao tuổi đề ra; Tổ chức in ấn và phối hợp phát hành các tài liệu, tờ rơi tuyên truyền các chủ trương, chính sách và những kết quả đạt được trong công tác về người cao tuổi đến tận cơ sở.
- Ban Dân tộc tỉnh: có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi ở khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số.
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh: Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung hoạt động chủ yếu để chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức Hội ở địa phương huy động sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi gắn với xây dựng “gia đình văn hóa”, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới, quan tâm đến người cao tuổi neo đơn, tàn tật, người cao tuổi ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện chỉ tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người cao tuổi. Cùng các cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy vai trò của mình trong đời sống hàng ngày, tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi.
Điều 6. Kinh phí hoạt động.
- Kinh phí hoạt động hàng năm của Ban công tác người cao tuổi tỉnh do ngân sách nhà nước cấp.
- Giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban Công tác người cao tuổi tỉnh và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 7. Chương trình công tác.
- Chương trình công tác của Ban công tác người cao tuổi do Hội nghị toàn thể Ban thảo luận và quyết định. Trên cơ sở đó cơ quan thường trực Ban xây dựng chương trình, kế hoạch quý và năm. Các vấn đề đưa ra thảo luận tại Hội nghị Ban phải được thể hiện bằng văn bản và gửi các thành viên trước khi họp để nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến.
- Chương trình công tác năm của Ban công tác người cao tuổi do Phó Trưởng ban Thường trực chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng dự thảo và gửi cho các thành viên. Các thành viên có trách nhiệm đóng góp ý kiến vào dự thảo và gửi lại cơ quan thường trực Ban để hoàn chỉnh.
- Hàng năm tiến hành tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá theo từng chuyên đề thuộc các ban, ngành, đoàn thể phụ trách và việc thực hiện ở các địa phương, lồng ghép chương trình kiểm tra thực hiện pháp luật với chương trình hành động của Ban về người cao tuổi. Thời gian, địa điểm kiểm tra do Trưởng ban quyết định và thông báo cho các thành viên triển khai thực hiện.
Điều 8. Chế độ hội nghị.
- Khi cần thiết, Trưởng ban chỉ đạo triệu tập và chủ tọa các phiên họp bất thường để xử lý các công việc cấp bách, cần thiết liên quan đến nhiệm vụ của Ban. Trưởng ban công tác có thể ủy nhiệm cho Phó trưởng ban Thường trực chủ tọa phiên họp. Các phiên họp phải được thông báo bằng văn bản cho các thành viên về nội dung, thời gian và địa điểm tổ chức.
- Các thành viên có trách nhiệm bố trí thời gian tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban. Trường hợp các thành viên vắng mặt phải báo cáo với Trưởng ban (hoặc cơ quan thường trực) hoặc ủy quyền bằng văn bản cho cán bộ cấp phòng dự họp thay.
- Các cuộc họp, buổi làm việc của Ban công tác được ghi biên bản và được lưu tại cơ quan thường trực của Ban công tác người cao tuổi tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Những nội dung liên quan được trích sao biên bản gửi các thành viên và thông báo đến cơ quan thuộc thẩm quyền chỉ đạo của Ban công tác.
Điều 9. Chế độ thông tin báo cáo.
- Định kỳ hàng quý, các thành viên của Ban công tác người cao tuổi có trách nhiệm báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện và những vấn đề liên quan đến chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong đơn vị mình quản lý về cơ quan thường trực (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban công tác người cao tuổi tỉnh theo quy định.
- Thông báo và trao đổi với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương về chương trình, kế hoạch và kết quả hoạt động của Ban. Thường xuyên phối hợp với các ngành, các cấp trong việc triển khai chương trình công tác, giám sát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện những nội dung liên quan đến hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
- Định kỳ 6 tháng/lần báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam kết quả công tác và kiến nghị (nếu có) về những vấn đề liên quan cần được giải quyết.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Thủ trưởng các cơ quan có thành viên trong Ban công tác người cao tuổi tỉnh và chuyên viên trong Tổ giúp việc, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, công việc để các thành viên hoạt động hiệu quả.
Trưởng Ban công tác người cao tuổi tỉnh có trách nhiệm triển khai, theo dõi và kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu xét cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc có vướng mắc, Thường trực Ban công tác người cao tuổi tỉnh sẽ có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.