THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 646/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CỔ PHẦN HÓA CÔNG TY MẸ - TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015";
Xét đề nghị của Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam với những nội dung chính sau đây:
1. Tên, địa chỉ trụ sở chính:
- Tên tiếng Việt: Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
- Loại hình hoạt động: Công ty cổ phần.
- Tên giao dịch quốc tế: VIETNAM NATIONAL TEXTILE AND GARMENT GROUP.
- Tên viết tắt: VINATEX.
- Trụ sở chính: 25 Bà Triệu và 41 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Điện thoại: 04.38257700, Fax: 04.38262269.
2. Tập đoàn Dệt May Việt Nam sau cổ phần hóa (sau đây gọi tắt là Tập đoàn) có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Tập đoàn, phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tập đoàn kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
3. Hình thức cổ phần hóa: Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
4. Vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu:
a) Vốn điều lệ: 5.000.000.000.000 đồng (năm nghìn tỷ đồng).
b) Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu:
Tổng số cổ phần: 500.000.000 cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó:
- Cổ phần nhà nước: 255.000.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ;
- Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011: 2.313.100 cổ phần, chiếm 0,46% vốn điều lệ;
- Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011: 687.750 cổ phần, chiếm 0,14% vốn điều lệ;
- Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược: 120.000.000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ;
- Cổ phần bán đấu giá công khai: 121.999.150 cổ phần, chiếm 24,40% vốn điều lệ.
5. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để bán cổ phần.
6. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tập đoàn là Bộ Công Thương.
7. Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược:
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược bảo đảm đúng theo quy định hiện hành.
Việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
8. Tập đoàn thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất.
9. Phương án sắp xếp lao động;
- Tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp: 4.766 người;
- Tổng số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần: 4.741 người;
Bộ Công Thương thực hiện chế độ đối với người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo đúng chế độ nhà nước quy định.
10. Chi phí cổ phần hóa: Giao Bộ Công Thương phê duyệt quyết toán chi phí cổ phần hóa; Tập đoàn Dệt May Việt Nam quyết định và chịu trách nhiệm về các chi phí thực tế, cần thiết để thực hiện quá trình cổ phần hóa Tập đoàn Dệt May Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương:
- Quyết định các nội dung quy định tại Khoản 5, Khoản 7 Điều 1 Quyết định này.
- Chỉ đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục xử lý những tồn tại về tài chính liên quan đến giá trị doanh nghiệp, công bố thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa, thực hiện chuyển Tập đoàn Dệt May Việt Nam thành công ty cổ phần theo đúng quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam sau khi bán cổ phần lần đầu, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bổ sung vào giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Xây dựng phương án tách các đơn vị sự nghiệp hạch toán độc lập với các đơn vị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, xác định cổ tức chia trên phần vốn nhà nước (toàn bộ giá trị các đơn vị sự nghiệp thuộc phần vốn nhà nước) tại các đơn vị này gắn với kết quả hoạt động của đơn vị.
- Cử người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tập đoàn. Thực hiện chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sau 01 năm khi Tập đoàn Dệt May Việt Nam chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
2. Tập đoàn:
a) Tiếp tục kế thừa các cơ chế chính sách sau:
- Về Chương trình cây bông: Tiếp tục được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định số 29/QĐ-TTg ngày 8 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" và Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020".
- Tiếp tục hưởng các cơ chế tài chính đối với các viện nghiên cứu, trường đào tạo trong ngành dệt may theo Thông tư số 32/2010/TT-BTC ngày 09 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện theo Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020".
- Về tiền chuyển mục đích sử dụng đất: Được tiếp tục sử dụng nguồn tiền từ chuyển mục đích sử dụng đất theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1855/TTg-KTN ngày 5 tháng 11 năm 2012 và văn bản số 6932/VPCP-KTN ngày 20 tháng 8 năm 2013.
- Tiếp tục được vay vốn từ nguồn ADB để tái cấu trúc lại Tập đoàn.
b) Căn cứ vào tình hình thị trường khi có điều kiện thuận lợi, bán tiếp phần vốn nhà nước để giảm xuống mức dưới 51% vốn điều lệ.
c) Thực hiện nộp số tiền thu từ bán phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam khi cổ phần hóa theo đúng quy định hiện hành.
3. Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam:
Chịu trách nhiệm quản lý Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho đến khi bàn giao toàn bộ tài sản, tiền vốn, lao động, đất đai cho Tập đoàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.