ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2013/QĐ-UBND | Đồng Xoài, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN NUÔI TRỒNG VÀ KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG HỒ CHỨA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 /11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 29/11/2003 của Chính phủ quy định thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/2/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy lợi, thủy điện;
Căn cứ Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;
Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y;
Căn cứ Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản;
Căn cứ quyết định số 10/2006/QĐ-BTS ngày 3/7/2006 của Bộ Thủy sản ban hành quy chế đăng ký tàu cá và thuyền viên;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 263/TTr-SNN ngày 23 tháng 12 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về điều kiện nuôi trồng và khai thác thủy sản trong hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Công ty thủy điện: Thác Mơ, Cần Đơn, Sok Phu Miêng; các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng và khai thác thủy sản trên các hồ chứa; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh ban hành quy định về điều kiện nuôi trồng và khai thác thủy sản trên lòng hồ Thác Mơ./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
ĐIỀU KIỆN NUÔI TRỒNG VÀ KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG HỒ CHỨA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến nuôi trồng và khai thác thủy sản tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là nuôi trồng và khai thác thủy sản)
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nuôi trồng và khai thác thủy sản trong hồ chứa.
2. Các chủ đập thủy lợi, thủy điện và các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Hoạt động nuôi trồng thủy sản là mọi hoạt động sản xuất ra các sản phẩm thủy sản, ở đây chỉ đề cập đến hoạt động sản xuất thủy sản dùng để bán trên thị trường.
2. Giống thủy sản mới: Là giống thủy sản lần đầu tiên được nhập vào hoặc lần đầu tiên được tạo ra ở Việt Nam
3. Cơ sở nuôi thủy sản: là nơi diễn ra hoạt động nuôi thủy sản do cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ.
4. Khai thác thủy sản: là việc khai thác nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ và các vùng nước tự nhiên khác.
5. Tàu cá: là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.
6. Khảo nghiệm giống thủy sản: Là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi giống thủy sản trong điều kiện và thời gian nhất định nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của giống đó.
Chương 2.
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN NUÔI TRỒNG VÀ KHAI THÁC THỦY SẢN
Điều 4. Điều kiện nuôi trồng thủy sản
1. Phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ đập, được phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Địa điểm nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng đã được quy hoạch hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
4. Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
5. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa phải nộp phí, lệ phí theo quy định.
6. Tùy theo quy mô của từng dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường để được thẩm định, phê duyệt, chấp nhận theo quy định trước khi nộp hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.
7. Đối với nuôi lồng, bè ngoài các quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 điều này còn phải tuân thủ một số quy định sau:
a) Phải thực hiện đăng ký lồng, bè nuôi:
- Đối với lồng, bè có tổng dung tích dưới 50m3 phải đăng ký tại địa phương nơi chủ bè cá đăng ký thường trú.
- Đối với lồng, bè có tổng dung tích từ 50m3 trở lên phải đăng ký tại cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh.
b) Vị trí đặt lồng bè:
- Lồng, bè phải được đặt ở những khu vực không bị ô nhiễm, có chất lượng nước phù hợp với đối tượng thủy sản nuôi.
- Nơi đặt lồng, bè phải thoáng, có dòng chảy thẳng và liên tục; tránh nơi tập trung đông dân cư và tàu thuyền qua lại nhiều, nơi gần bến cảng, nơi có sóng và gió lớn, nơi có nhiều rong và các loại cây cỏ thủy sinh.
- Nơi đặt lồng bè phải có độ sâu ít nhất 3m.
c) Phải lắp đặt thùng rác và vận chuyển đến nơi tập trung, không tùy tiện xả rác, thức ăn ôi thiu xuống khu vực lồng, bè và môi trường xung quanh; bố trí đủ nhà vệ sinh phù hợp với số lượng lao động trên bè, nhà vệ sinh kín và tự hoại, được đặt ở cuối bè; lưu giữ hồ sơ mua giống, thức ăn, thuốc, hóa chất và phải có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi; có các quy định về an toàn lao động, các biện pháp phòng chống cháy nổ trong mỗi cơ sở nuôi.
Điều 5. Điều kiện khai thác thủy sản
Các tổ chức, cá nhân khi tiến hành khai thác thủy sản trên các hồ chứa phải tuân thủ các điều kiện sau:
1. Tuân thủ các quy định về kích thước mắt lưới, kích thước tối thiểu của các loài thủy sản được phép khai thác, các đối tượng khai thác thủy sản có thời hạn trong năm và các quy định khác trong Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ;
2. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng đặt đăng, đáy hoặc bằng phương pháp ngăn, chắn khác ở các sông, hồ, đầm, phá phải dành hành lang cho các loài thủy sản di chuyển.
3. Tuân thủ đầy đủ quy định về nộp các loại phí, lệ phí khai thác thủy sản theo quy định.
4. Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện khai thác thủy sản ngoài các quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này còn phải tuân thủ một số quy định sau:
a) Phải thực hiện đăng ký tàu cá
- Đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15m phải đăng ký thông tin với UBND xã nơi chủ phương tiện đặt trụ sở hoặc đăng ký thường trú.
- Đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15m trở lên phải đăng ký và đăng kiểm tàu cá tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Điều kiện đăng ký tàu cá: Tàu cá có nguồn gốc hợp pháp; có văn bản chấp thuận đóng mới cải hoán tàu cá của cơ quan quản lý thủy sản có thẩm quyền.
c) Tàu cá được đăng ký lại khi chuyển quyền sở hữu, thay đổi tính năng kỹ thuật hoặc chủ tàu cá thay đổi trụ sở, chuyển nơi đăng ký hộ khẩu sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
d) Chủ tàu cá phải khai báo để xoá đăng ký tàu cá trong những trường hợp: tàu cá bị mất tích, chìm đắm hoặc hủy bỏ.
đ) Phải có giấy phép khai thác thủy sản, trừ trường hợp cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá.
e) Phải đảm bảo trên tàu cá có đủ trang thiết bị an toàn theo quy định:
- Đối với tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm thì trang thiết bị an toàn thực hiện theo phụ lục I, Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ.
- Đối với tàu cá không thuộc diện phải đăng kiểm, khi hoạt động tối thiểu phải có trang thiết bị an toàn; đèn tín hiệu, phao cứu sinh, chống đắm, chống thủng, phòng cháy, chữa cháy.
Điều 6. Những hành vi cấm trong nuôi trồng và khai thác thủy sản
1. Các hoạt động khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hóa chất hoặc chất độc.
2. Sử dụng ngư cụ trái quy định về kích thước mắt lưới; khai thác trái quy định về kích thước tối thiểu của các loài thủy sản kinh tế sống trong các vùng nước tự nhiên được phép khai thác và các đối tượng bị cấm khai thác có thời hạn trong năm.
3. Khai thác thủy sản ở khu vực cấm, khu vực đang trong thời gian cấm khai thác.
4. Sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác ra dấu hiệu đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.
5. Vứt bỏ ngư cụ xuống hồ trừ trường hợp bất khả kháng.
6. Nuôi trồng và khai thác thủy sản trong phạm vi bảo vệ đập theo quy định.
7. Lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản trong lòng hồ đã được quy hoạch và công bố.
8. Vi phạm các quy định về an toàn giao thông, an toàn của các công trình theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
9. Vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với môi trường sống của các loài thủy sản.
10. Nuôi trồng giống thủy sản mới khi chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép và các danh mục cấm nuôi trồng.
11. Sử dụng thuốc, phụ gia, hóa chất thuộc danh mục cấm sử dụng để nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo quản thủy sản; đưa tạp chất vào nguyên liệu, sản phẩm thủy sản.
12. Thả thủy sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh vào vùng nước của hồ.
13. Nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch làm cản trở dòng chảy, cản trở hoạt động khai thác thủy sản, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các ngành nghề khác.
14. Tổ chức khảo nghiệm giống thủy sản, thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản trên hồ mà không được phép của cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền và không tuân thủ quy chế khảo nghiệm do nhà nước quy định.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Các sở, ban, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, các chủ công trình thủy lợi, thủy điện tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc thực hiện Quy định này.
b) Thực hiện xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy sản trên các hồ chứa.
c) Công bố bổ sung nội dung quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khu vực cấm khai thác và khu vực cấm có thời hạn cho phù hợp với hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản của tỉnh.
d) Thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy phép đăng ký tàu cá theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thẩm định trình UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt các dự án có liên quan đến lĩnh vực thủy sản.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hành nghề nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh.
b) Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án nuôi trồng thủy sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh và hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Điều 8. UBND các huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn
1. UBND các huyện, thị xã
a) Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký nuôi trồng và khai thác thủy sản trên lòng hồ theo Quyết định 30/2008/QĐ-UBND.
b) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
c) Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trên hồ chứa.
d) Tổ chức đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường và chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường sau khi được chấp nhận.
2. UBND các xã, phường, thị trấn
a) Tổ chức cho nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, phát hiện tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật và tuyên truyền pháp luật về thủy sản cho người dân.
b) Ngăn chặn, xử lý những vi phạm về nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật trên phạm vi địa bàn quản lý.
c) Theo dõi và quản lý thông tin về hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trên phạm vi địa bàn quản lý.
d) Vào sổ và cấp giấy xác nhận đăng ký tàu cá cho các tàu cá do địa phương quản lý.
Điều 9. Chủ các công trình thủy lợi và thủy điện
a) Có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc cho phép hoặc không cho phép đối với các tổ chức cá nhân đăng ký nuôi trồng thủy sản.
b) Xác định, cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập.
Chương 4.
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc nuôi trồng và khai thác thủy sản được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân nuôi trồng và khai thác thủy sản có hành vi vi phạm Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân kiến nghị bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.