ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2009/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 18 tháng 11 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ CÁC LOẠI XE TƯƠNG TỰ ĐỂ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 (năm) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ SỬ DỤNG XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ CÁC LOẠI XE TƯƠNG TỰ ĐỂ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64 /2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Xe thô sơ là xe không di chuyển bằng sức động cơ như: xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
2. Xe gắn máy là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe máy điện).
3. Xe mô tô hai bánh là xe cơ giới có hai bánh, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên và tổng trọng lượng toàn xe không vượt quá 400 kilôgam.
4. Xe mô tô ba bánh là xe cơ giới có ba bánh, di chuyển bằng động cơ, có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên có sức chở từ 350 ki-lô-gam đến 500 ki-lô-gam.
5. Các loại xe tương tự (không phải là xe tự chế) là xe có cấu tạo, tính năng và công dụng gần giống như các loại xe trên.
6. Người điều khiển phương tiện là người điều khiển xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tham gia giao thông đường bộ.
7. Hành khách là người được chở trên các phương tiện vận tải quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 điều này, có trả tiền.
8. Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhiên liệu, hàng tiêu dùng, các động vật, thực vật, chất thải và các động sản khác được vận chuyển bằng các phương tiện trên.
Chương II
QUY ĐỊNH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH , HÀNG HÓA BẰNG XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ CÁC XE TƯƠNG TỰ
Điều 4. Người điều khiển phương tiện
1. Phải đảm bảo quy định tại Điều 30, Điều 31, Điều 33, Điều 58 và Điều 63 Luật Giao thông đường bộ.
2. Trang bị mũ bảo hiểm cho hành khách đi xe đối với các loại xe bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
3. Có biển hiệu hoặc trang phục (do Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc của tổ chức hoặc của doanh nghiệp) quy định để phân biệt với các đối tượng tham gia giao thông khác.
Điều 5. Phương tiện vận chuyển
1. Xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các xe tương tự phải bảo đảm quy định tại Khoản 2, Điều 53 Luật Giao thông đường bộ.
2. Xe thô sơ bảo đảm đúng kích thước, quy cách, kiểu mẫu, vật liệu kết cấu theo như thiết kế; bộ phận thắng (hãm) còn hiệu lực; càng điều khiển phải đủ độ bền, điều khiển chính xác; có lắp đặt các phản quang phía trước và phía sau xe để các phương tiện khác biết vào ban đêm. Chủ phương tiện thường xuyên kiểm tra, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của xe như thiết kế ban đầu khi tham gia giao thông đường bộ và tuân theo Khoản 1, Điều 56 Luật Giao thông đường bộ.
Điều 6. Hoạt động vận chuyển
1. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố có hướng dẫn quy định cụ thể phạm vi, tuyến đường hoạt động, thời gian hoạt động đối với từng loại phương tiện, các hoạt động của các điểm dừng, đón trả khách hàng và nơi đổ xe để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; Riêng loại xe lôi, xe ba gác máy không cho phép hoạt động trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Khi hoạt động sang địa phương khác phải tuân theo quy định của địa phương đó.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp (thông qua báo cáo của Ủy ban nhân dân các quận, huyện) các phát sinh, đề xuất, kiến nghị, vướng mắc trong quá trình thực hiện và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết kịp thời.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện
Căn cứ quyết định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn.
Điều 9. Xử lý vi phạm
Các cơ quan chức năng (Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông) xử lý các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.