ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/2009/QĐ-UBND | Biên Hòa, ngày 16 tháng 09 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH - DANH THẮNG XẾP HẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 90/TTr-SVHTTDL ngày 03/3/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phân cấp quản lý di tích - danh thắng xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo quy định. Hàng năm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI |
ĐỀ ÁN
PHÂN CẤP QUẢN LÝ DI TÍCH - DANH THẮNG XẾP HẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 64/2009/QĐ-UBND ngày16/9/2009 của UBND tỉnh)
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002.
- Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa.
- Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao.
- Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020.
- Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh ban hành kèm theo Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.
II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Thực trạng công tác quản lý, sử dụng di tích - danh thắng
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.500 di tích kiểm kê phổ thông, trong đó có 24 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 14 di tích xếp hạng cấp tỉnh; hơn 400 ngôi nhà ở truyền thống, gần 40 ngôi mộ cổ đã được kiểm kê, khai quật và gần 100 địa điểm danh thắng, cảnh quan thiên nhiên có giá trị. Đặc biệt, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã lập hồ sơ trình Ủy ban UNESCO xem xét, công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Việc quản lý, khai thác di tích - danh thắng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các địa phương.
Di tích - danh thắng được xếp hạng tập trung chủ yếu ở thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Định Quán và Vĩnh Cửu. Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng và khai thác di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều di tích đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo và khai thác có hiệu quả, tuy chưa tạo được nguồn thu tương xứng với giá trị của di tích nhưng đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Các di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được quản lý và sử dụng đúng mục đích, nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn và khôi phục. Bên cạnh những thành tựu đạt được còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế:
- Việc quản lý và khai thác di tích - danh thắng chưa thực hiện đúng các quy định của Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nên dẫn đến việc một số di tích bị xuống cấp mà không được bảo quản, tu bổ kịp thời do phải chờ vào ngân sách Nhà nước.
- Công tác thanh kiểm tra, giải quyết các vụ việc vi phạm di tích chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương nên hiện tượng xâm hại và hoạt động trái quy định ở một số di tích - danh thắng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
2. Tình hình quản lý di tích - danh thắng (kèm phụ lục)
Việc phân cấp quản lý di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như hiện nay cơ bản đã phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa và Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ; Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Tuy nhiên, còn tồn tại một số khó khăn, bất cập như:
- Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác di tích - danh thắng do không có cán bộ chuyên môn, chưa nắm được các quy định của Luật Di sản văn hóa và Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ, không có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý di tích - danh thắng tùy tiện quy hoạch, cải tạo, xây dựng các công trình không thông qua cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa ở địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm phá vỡ cảnh quan và các yếu tố gốc của di tích. Một số cơ quan, đơn vị lấy mục đích kinh doanh là chính, chưa quan tâm đến đầu tư cho việc bảo tồn, tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về di tích - danh thắng. Khi di tích - danh thắng bị xâm hại, xuống cấp, hư hỏng lại đùn đẩy trách nhiệm và yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa phải đầu tư từ ngân sách của tỉnh để trùng tu, tôn tạo.
- Một số cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng di tích nhưng chưa thường xuyên chăm sóc làm cho di tích bị xuống cấp như di tích Nhà Xanh, di tích Nhà hội Bình Trước.
- Một số di tích - danh thắng được đầu tư kinh phí lớn để xây dựng, trùng tu tôn tạo nhưng bộ máy quản lý chưa phù hợp, thiếu cán bộ chuyên môn nên không tổ chức được các hoạt động tuyên truyền, thu hút khách tham quan.
- Một số địa phương chưa thường xuyên chăm sóc, bảo vệ di tích - danh thắng làm cơ sở vật chất xuống cấp, còn để xảy ra hiện tượng mất an ninh, trật tự, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh… ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của di tích - danh thắng.
3. Sự cần thiết phân cấp quản lý
- Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trước mắt và lâu dài.
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, thu hút mọi nguồn lực tham gia bảo vệ, gìn giữ và khai thác có hiệu quả các di tích - danh thắng.
- Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý và phối hợp quản lý di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ngành, địa phương trong việc nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích - danh thắng.
- Hạn chế những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý di tích - danh thắng, đề ra những giải pháp phù hợp, những hoạt động tại các di tích - danh thắng theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của Nhà nước.
III. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
1. Quan điểm xây dựng Đề án
Đổi mới cơ chế quản lý, tăng nguồn lực đầu tư, thực hiện xã hội hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước về công tác bảo tồn, khai thác, phát huy có hiệu quả di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Tăng cường quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng theo hướng mở rộng, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc bảo vệ và phát triển di tích - danh thắng trên địa bàn.
3. Nguyên tắc quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng
- Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thống nhất quản lý Nhà nước đối với các di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện việc quản lý Nhà nước về các di tích - danh thắng.
- Các đơn vị có trách nhiệm quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng theo sự phân nhiệm của UBND tỉnh.
- Các sở, ngành, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh.
- Nội dung quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng theo Luật Di sản văn hóa, các văn bản hiện hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Đồng Nai.
4. Đối tượng phân cấp quản lý
Căn cứ Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tới năm 2020 bao gồm:
- Đối với di sản thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng, trong trường hợp chưa có đủ cán bộ chuyên môn thì có thể thành lập Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Ban Quản lý Di tích - Danh thắng.
- Đối với các di tích còn lại căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà thành lập các Ban Quản lý sau:
+ Những di tích có giá trị, yêu cầu chuyên môn cao có thể thành lập Ban Quản lý trực thuộc Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh, thành phố.
+ Những khu di tích có quy mô rộng, phức tạp có thể thành lập Ban Quản lý liên ngành trực thuộc UBND huyện, thành phố, thị xã.
+ Di tích tôn giáo được giao cho nhà chùa, nhà thờ tổ chức quản lý theo quy định của pháp luật.
+ Các di tích khác do UBND xã, phường ra quyết định thành lập Ban Quản lý.
5. Nội dung phân cấp
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và thực tế công tác quản lý di tích hiện nay ở địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai phân cấp quản lý các di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:
a) Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh quản lý
- Di tích nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp Biên Hòa (ngày 02/12/1956).
- Di tích Nhà Xanh.
- Di tích Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 Nghĩa binh chống Pháp.
- Di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức.
- Di tích Mộ Đoàn Văn Cự và 16 Nghĩa binh Thiên địa hội.
- Di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn.
- Di tích danh thắng Bửu Long.
- Di tích Thành Biên Hòa.
* Đối với di tích danh thắng Bửu Long: Giao Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh quản lý Nhà nước đối với di tích nhưng việc đầu tư dự án Khu Du lịch Bửu Long và trực tiếp quản lý vẫn giao cho Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm thực hiện theo chỉ đạo tại Văn bản số 7729/UBND-CNN ngày 26/9/2007 của UBND tỉnh.
b) Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu quản lý
- Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
- Di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông.
- Di tích Địa đạo Suối Linh.
c) UBND huyện Vĩnh Cửu quản lý
- Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa.
d) UBND thành phố Biên Hòa quản lý
- Di tích Đài Chiến sĩ.
- Di tích Quảng trường Sông Phố.
- Di tích Nhà hội Bình Trước.
- Di tích Nhà cổ Trần Ngọc Du.
e) UBND thị xã Long Khánh quản lý
- Di tích Tòa Hành chánh Long Khánh.
g) UBND huyện Nhơn Trạch quản lý
- Di tích Địa đạo Nhơn Trạch.
- Di tích Địa điểm ngã ba Giồng Sắn.
h) UBND huyện Long Thành quản lý
- Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (xã Bình Sơn, huyện Long Thành).
i) UBND huyện Trảng Bom quản lý
- Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom).
k) UBND huyện Định Quán quản lý
- Di tích Địa điểm Chiến thắng La Ngà.
- Di tích Danh thắng Đá chồng Định Quán.
l) UBND huyện Xuân Lộc quản lý
- Di tích Lịch sử - Danh thắng núi Chứa Chan.
m) Các di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo do Ban Quý tế, Ban Trị sự của các cơ sở quản lý
- Di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
- Di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương.
- Di tích Đình Tân Lân.
- Di tích Chùa Long Thiền.
- Di tích Chùa Bửu Phong.
- Di tích Chùa Đại Giác.
- Di tích Chùa Ông.
- Di tích Chùa Bửu Hưng.
- Di tích Miếu Tổ sư.
- Di tích Đền thờ Đoàn Văn Cự.
- Di tích Đình An Hòa.
- Di tích Đình Phú Mỹ.
- Di tích Đình Bình Quan.
- Di tích Đình Xuân Lộc - Chùa Xuân Hòa.
- Di tích Đình Phước Lộc.
- Di tích Đình Hưng Lộc.
Các di tích này do UBND các xã, phường, ra quyết định thành lập Ban Quản lý.
Đối với các di tích - danh thắng được xếp hạng sau khi Đề án phân cấp được phê duyệt thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ căn cứ vào quy mô của di tích đề nghị UBND tỉnh xem xét phân cấp quản lý.
IV. LỘ TRÌNH, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN VIỆC PHÂN CẤP
1. Năm 2009 - 2010: Phân cấp cho các đơn vị sau:
- Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh.
- Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu.
- UBND huyện Vĩnh Cửu.
- UBND thành phố Biên Hòa.
- UBND thị xã Long Khánh.
- UBND huyện Nhơn Trạch.
- UBND huyện Long Thành.
- UBND huyện Trảng Bom.
- UBND huyện Định Quán.
- UBND huyện Xuân Lộc.
2. Năm 2011: Phân cấp cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo do Ban Quý tế, Ban Trị sự của các cơ sở quản lý.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; đề xuất cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác quản lý các di tích lịch sử cách mạng.
- Phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh xây dựng phương án thành lập Ban Quản lý di tích cấp huyện, thành phố, thị xã (đối với địa phương có nhiều di tích hoặc di tích có quy mô đặc biệt quan trọng); tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động bảo tồn di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu phân cấp quản lý di tích - danh thắng theo thẩm quyền. Tổ chức các lớp tập huấn về Luật Di sản văn hóa và công tác bảo tồn - bảo tàng cho cán bộ văn hóa - thông tin cơ sở; đồng thời chịu trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách ở địa phương để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và tuyên truyền di tích - danh thắng có hiệu quả.
- Xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng.
- Báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký nguồn vốn trong chương trình mục tiêu Quốc gia để trùng tu, tôn tạo di tích - danh thắng; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng theo Luật Di sản văn hóa, các văn bản hiện hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Đồng Nai.
- Là cơ quan đầu mối có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở và thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, trùng tu tôn tạo và phát huy các giá trị di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm đảm bảo kinh phí cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng; tăng cường đầu tư có trọng điểm cho các di tích lịch sử cách mạng quan trọng và các di tích có giá trị đặc biệt ở địa phương.
- Thẩm định các dự án bảo tồn, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị di tích - danh thắng theo thẩm quyền.
3. Sở Tài chính
- Đảm bảo kinh phí thường xuyên cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng.
- Kiểm tra việc cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định về phí, lệ phí về việc thu nộp phí quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các cấp giữ gìn an ninh trật tự trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích - danh thắng.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các cấp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia; các hành vi xâm phạm di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức giáo dục về bảo vệ và phát huy giá trị di tích - danh thắng; đưa việc học tập, tham quan, nghiên cứu di tích - danh thắng vào chương trình giáo dục ngoại khóa hàng năm của các cấp học, trường học.
- Tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên, học sinh đi tham quan, thâm nhập thực tế tại các di tích - danh thắng.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai, quản lý các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phục vụ việc phát hiện, quản lý, bảo tồn di tích - danh thắng.
7. Sở Xây dựng
- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch về xây dựng bảo đảm cho việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích - danh thắng. Xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các tiêu chuẩn, định mức trong bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích - danh thắng.
- Thẩm định các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích - danh thắng, các dự án về xây dựng, cải tạo các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích - danh thắng mà có khả năng ảnh hưởng xấu tới di tích - danh thắng, hoặc các công trình cải tạo, xây dựng trong quá trình thi công phát hiện có di tích, hiện vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích - danh thắng; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành các quy định đối với việc xác định địa giới và cắm mốc địa giới các khu vực bảo vệ di tích - danh thắng, hướng dẫn việc lập và xác nhận vào bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích - danh thắng.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa trong việc đầu tư khoa học, công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường bền vững tại những nơi có di tích - danh thắng.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong việc bảo vệ và phát huy các khu vực rừng đặc dụng được xếp hạng hoặc sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, hệ thống thủy lợi phù hợp với yêu cầu duy trì, bảo vệ các di tích - danh thắng theo quy định của pháp luật.
10. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài PT - TH Đồng Nai
Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của các di tích - danh thắng, trách nhiệm của công dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ, trùng tu tôn tạo và phát huy các giá trị của các di tích - danh thắng.
11. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, cơ quan, đơn vị và Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo được giao quản lý di tích - danh thắng
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích - danh thắng trong phạm vi địa phương. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện khai thác di tích - danh thắng gắn với phát triển du lịch.
- Tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ và xử lý các vi phạm di tích - danh thắng theo thẩm quyền và quy định của Nhà nước; báo cáo, đề xuất và đề nghị cơ quan có thẩm quyền trong việc xếp hạng di tích - danh thắng.
- Xây dựng kế hoạch và lập dự án trùng tu tôn tạo di tích - danh thắng theo Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành của Nhà nước bằng nguồn vốn: Chương trình mục tiêu Quốc gia, ngân sách của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và nguồn vốn xã hội hóa gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp và tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.