TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 634/TTTTC | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH LUẬT SPORT AEROBICS
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;
Căn cứ Nghị định số 11/CP ngày 28/11/1992 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thể dục thể thao;
Xét yêu cầu phát triển và nâng cao trình độ môn Sport Aerobics ở nước ta hiện nay;
Căn cứ đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ thể dục thể thao Thành tích cao và ông Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Luật Sport Aerobics gồm 2 chương và 16 điều.
Điều 2. Luật Sport Aerobics được áp dụng trong các cuộc thi đấu quốc tế tại nước ta và các cuộc thi trong nước từ cơ sở đến toàn quốc.
Điều 3. Các cuộc thi đấu trong toàn quốc có thể đề ra điều lệ thích hợp với thực tế nhưng không trái với các điều ghi trong Luật này.
Điều 4. Các ông Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Vụ trưởng Vụ tổ chức – Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, ông Chánh văn phòng và các sở Thể dục thể thao chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K/T TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC TDTT |
Chương I.
PHẦN CHUNG
Điều 1. Luật thi đấu.
1.1. Mục đích chung: Luật thi đấu nhằm mục đích đảm bảo cho việc đánh giá một cách khách quan nhất các bài thi Sport Aerobics trong phạm vi trong nước và quốc tế.
1.2. Trọng tài:
1.2.1. Các trọng tài có liên quan chặt chẽ với môn sport Aerobics và hộ phải không ngừng học tập để nâng cao kiến thức lý luận cũng như hoạt động thực tiễn. Những yêu cầu cơ bản trước tiên cho hoạt động trọng tài là:
- Có kiến thức hiểu biết sâu sắc về Luật thi đấu của Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG).
- Có kiến thức hiểu biết sâu sắc về điều lệ kỹ thuật của Liên đoàn Thể dục thế giới.
- Có kiến thức hiểu biết sâu sắc về các động tác mới.
1.2.2. Những điều kiện cần thiết cho phép một trọng tài được chấm thi trong các cuộc thi đấy chính thức của Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG).
- Có bằng trọng tài do FIG cấp trong thời gian có giá trị.
- Đã thể hiện được kết quả tốt trong quá trình công tác trọng tài các cuộc thi quốc gia, các cuộc thi giữa các nước hoặc các giải Hữu nghị quốc tế.
- Có tư cách và phẩm chất đúng đắn, thể hiện sự khiêm tốn, công bằng trong các cuộc thi đấu.
1.2.3. Tất cả các thành viên của Ban trọng tài có trách nhiệm phải:
- Tham dự tất cả các Hội nghị, cuộc họp chuyên môn hoặc hội thảo thông báo thông tin cần thiết.
- Có mặt tại địa điểm thi đấu đúng thời gian quy định theo lịch thi đấu.
- Trang phục đúng quy định.
- Tham dự cuộc họp thông báo những vấn đề cần thiết cho các vận động viên dự thi đấu.
1.2.4. Trong suốt cuộc thi đấu yêu cầu mỗi một trọng tài phải:
- Không được rời vị trí đã quy định.
- Không được liên lạc, trao đổi với những người khác.
- Không được tham dự vào các cuộc thảo luận, tranh luận với các huấn luyện viên và các trọng tài.
- Phải mặc đồng phục quy định (nữ mặc váy màu xanh thẫm, áo khoác trắng, nam áo vest màu xanh thẫm, quần xám, áo sơ mi màu sáng và thắt cà vạt).
1.3. Trưởng ban trọng tài:
1.3.1. Trưởng ban trọng tài có trách nhiệm điều hành toàn bộ trọng tài: trưởng ban trọng tài điều hành công việc của các trọng tài theo Luật thi đấu và xác định tính xác của điểm cuối cùng cho vận động viên. Trưởng ban trọng tài cần theo dõi và ghi lại các mức độ sai lệch trong các điểm của các trọng tài, nếu điểm sai lệch này tái diễn thì có quyền tập hợp tất cả trọng tài lại và yêu cầu họ điều chỉnh điểm, trong trường hợp cần thiết có thể thay thế trọng tài phạm lỗi. Chủ tịch Hội đồng sport Aerobics trực thuộc Liên đoàn Thể dục thế giới đã chỉ rõ rằng: việc vi phạm những chỉ dẫn, yêu cầu của Trưởng ban trọng tài và việc vi phạm Luật thi đấu bắt buộc phải dẫn đến những hình phạt.
1.3.2. Những biểu hiện vi phạm luật bao gồm:
- Sự cố ý vi phạm luật.
- Cố ý tạo ra sự thuận lợi (hoặc sự bất lợi) cho một hoặc vài vận động viên.
- Không tuân thủ sự chỉ đạo của Hội đồng sport Aerobics hoặc Trưởng ban trọng tài.
- Nhiều lần cho điểm quá cao hoặc quá thấp.
- Không tuân thủ nội quy và yêu cầu của cuộc thi.
- Không tham gia các Hội nghị, hội họp của trọng tài.
- Mặc trang phục không đúng quy định.
1.3.3. Có thể xử lý theo các tình huống sau:
- Cảnh cáo.
- Đình chỉ công việc của trọng tài trong cuộc thi.
- Đình chỉ công việc trọng tài tại các cuộc thi quốc tế trong thời gian quy định.
1.4. Vận động viên và huấn luyện viên:
- Mục đích của Luật thi đấu là nhằm chỉ dẫn cho các vận động viên và huấn luyện viên những điều cần thiết để họ chuẩn bị tốt cho việc thi đấu.
- Nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc cho trọng tài để đóng góp cho sự phát triển của môn thể thao này.
Điều 2. Các cuộc thi đấu.
2.1. Hình thức: cuộc thi chính thức môn sport Aerobics do Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) tổ chức giải Vô địch sport Aerobics thế giới.
2.2. Chương trình thi đấu:
2.2.1. Chu kỳ: giải Vô địch sport Aerobics thế giới được tổ chức định kỳ hàng năm.
2.2.2. Lịch thi đấu: nói chung lịch thi đấu của một giải Vô địch Sport Aerobics thế giới được tiến hành như sau:
| Ngày thứ nhất | Ngày thứ hai | Ngày thứ ba |
Thi đấu vòng loại | Chung kết | ||
Buổi chiều | Cá nhân nữ | Đôi nam nữ | Cá nhân nam, cá nhân nữ |
Buổi tối | Cá nhân nam | Nhóm 3 vận động viên | Đôi nam nữ, nhóm 3 vận động viên |
2.3. Vòng đấu loại và vòng chung kết:
2.3.1. Số người tham gia trong vòng đấu loại.
Trong thi đấu loại, mỗi quốc gia được cử một vận động viên nữ, một vận động viên nam, một đôi nam nữ phối hợp và một nhóm ba người tham dự thi. Căn cứ vào yêu cầu của các Liên đoàn là thành viên của FIG, Chủ tịch của FIG có thể cho phép tăng lên hai (2) trong giải Vô địch thế giới đầu tiên. Ngài chủ tịch cũng sẽ cho phép đề ra những ngoại lệ về những điều kiện ăn ở cho các vận động viên của Liên đoàn Aerobics quốc tế và các Liên đoàn Aerobics khác.
2.3.2. Số người tham dự thi chung kết.
Ở mỗi nội dung thi cho phép tối đa 8 vận động viên dự thi chung kết. Trong số 8 vận động viên này, nước đăng cai tổ chức giải Vô địch thế giới được quyền có một vị trí ở mỗi loại. Trong 8 vị trí này, những nhà Vô địch thế giới (ở giải lần trước) được quyền dự thi chung kết để bảo vệ danh hiệu của mình. Ngoài ra mỗi quốc gia khác chỉ được phép có một vị trí ở mỗi nội dung thi.
Nếu có những sự ngang bằng về thứ hạng trong thi đấu chọn vào trung kết thì vận động viên có số điểm thực hiện cao nhất sẽ được dự thi chung kết. Nếu vẫn có sự ngang nhau giữa các vận động viên thì phải tính đến điểm nghệ thuật, điểm độ khó và cuối cùng thì phải rút thăm để xác định thứ hạng.
2.4. Trình tự tiến hành thi đấu.
2.4.1. Bốc thăm.
- Việc bốc thăm quyết định thứ tự tiến hành thi đấu tại vòng loại. Thủ tục bốc thăm sẽ được tổ chức 6 tuần trước khi cuộc thi bắt đầu và luôn luôn do một người trung gian thực hiện.
- Trong thi chung kết, thứ tự thi đấu sẽ căn cứ vào thứ tự đấu loại ở vòng loại. Vận động viên nào có điểm thấp nhất thì thi đầu tiên.
2.4.2. Mất quyền thi đấu (bỏ cuộc).
Sau khi gọi tên được 30 giây, vận động viên nào không lên đài thi đấu thì coi như vận động viên đó mất quyền thi, nghĩa là vận động viên đó không được tiến hành thi đấu nữa.
2.5. Các phương tiện phục vụ thi đấu.
2.5.1. Phòng tập luyện.
- Nhà tập phải được chuẩn bị đầy đủ và thuận tiện để cho vận động viên tập luyện ít nhất một ngày trước khi cuộc thi bắt đầu.
- Các phương tiện phục vụ âm thanh, ánh sáng phải thích hợp, sàn (khu vực) tập luyện phải đảm bảo đủ diện tích.
- Thứ tự đến tập luyện trên sàn nhà tập phải tuân theo lịch sắp xếp của ban tổ chức.
2.5.2. Khu vực chờ đợi.
Một khu vực được thiết kế ngay cạnh sân khấu thi đấu để giành cho các vận động viên chờ đến lượt lên trình diễn bài thi. Chỉ cho phép 2 vận động viên chuẩn bị lên thi đấu cùng với huấn luyện viên của họ được chờ ở khu vực này. Những người khác không được phép có mặt ở đây.
2.6. Khu vực thi đấu.
2.6.1. Sân khấu thi đấu.
Sân khấu thi đấu (đài) cao từ 100cm đến 150cm và phải được liên kết một cách chắc chắn với nền nhà và khu vực bao quanh. Diện tích sân khấu không được nhỏ hơn kích thước 9m x9m và khu vực thực hiện bài thi có kích thước 7m x 7m. Diện tích này được đánh dấu bằng một giải băng dính màu đỏ có chiều rộng 5cm. Mỗi chiều dài 7m có nghĩa là khu vực được phép trình bày bài thi bao gồm cả kích thước của băng dính. Một giải băng dính phụ nữa được gián lên thảm với kích thước 6m x 6m, băng này có màu xanh được coi là hành lang của sàn thi. Như vậy là có 4 hành lang (xem hình vẽ)
2.6.2. Xắp xếp vị trí ngồi làm việc của Ban trọng tài.
- Các trọng tài đánh giá việc thực hiện và nghệ thuật của bài thi phải ngồi ngay trước sân khấu.
- Các trọng tài đánh giá các yếu tố quy định bắt buộc ngồi ở hai góc theo đường chéo của sân khấu.
- Trưởng ban trọng tài và các trọng tài đánh giá độ khó ngồi ở giữa ngay sau các trọng tài đánh giá sự thực hiện và nghệ thuật.
2.6.3. Những quy định hạn chế.
- Trong quá trình thi đấu, các vận động viên và các huấn luyện viên chỉ được phép vào khu vực chờ, khu vực trọng tài và làm việc và sân khấu thi khi trọng tài phát thanh gọi tên.
- Các quan chức của FIG hoặc các thành viên của Ban trọng tài phải ngồi đúng vị trí quy định.
- Các vận động viên vi phạm những quy định này thì Trưởng ban trọng tài có thể truất quyền thi đấu.
2.7. Nhạc đệm.
2.7.1. Thiết bị.
- Chất lượng của các thiết bị âm thanh phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn bao gồm cả phần điều chỉnh đến các phụ kiện cần thiết kèm theo.
- Phải có loa, micro riêng cho trọng tài phát thanh điều khiển vận động viên. Phải có dàn máy chạy băng thường hay dàn băng DAT với những nút điều khiển.
2.7.2. Băng ghi âm.
Được phép sử dụng nhạc đơn (một nhạc cụ) hoặc nhạc tổng hợp (phối hợp nhiều nhạc cụ). Cho phép dạo nhạc trước 3 giây. Nhạc phải được ghi ngay từ đầu ở mặt A trên những băng thường hoặc băng DAT. Không được phép sử dụng nhạc quay đi quay lại.
2.7.3. Chất lượng.
Các băng thu lại phải đảm bảo chất lượng âm thanh.
2.7.4. Bản quyền âm nhạc.
- Liên đoàn Thể dục thế giới và Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về việc các bản nhạc gốc có thể bị sao chép và truyền bá.
- Băng nhạc phải được gửi cho Ban thư ký của FIG hoặc Ban tổ chức cùng với bản đăng ký thi đấu.
2.8. Kết quả thi đấu.
2.8.1. Công bố kết quả.
Giá trị các điểm về nghệ thuật trình diễn, về thực hiện, về độ khó, thêm điểm, điểm bị trừ… và điểm cuối cùng của vận động viên được công bố ngay sau khi vận động viên hoàn thành bài thi hoặc sau khi người tiếp theo hoàn thành bài thi (điểm này tuỳ thuộc vào số lượng trọng tài và các thiết bị thông tin). Kết quả thi đấu được thông báo qua loa truyền thanh và trên bảng thông tin điện tử. Điểm của từng trọng tài cũng phải được công khai.
2.8.2. Khiếu nại.
Không được phép khiếu nại về điểm và kết quả thi.
2.8.3. Kết quả trong thi trung kết.
Trong thi trung kết điểm phải được công bố ngay. Vận động viên có điểm cao nhất sẽ là người chiến thắng. Trong trường hợp có điểm chung kết bằng nhau thì vận động viên nào có điểm cao nhất trong thi đấu loại sẽ là người thắng cuộc. Nếu kết quả vẫn còn ngang nhau thì sử dụng một nguyên tắc thể thao như sau:
“Xếp vị trí ngang nhau cho những bài thi có kết quả như nhau”
Khi số điểm ngang nhau thì xếp vị trí thứ hạng như sau:
Vận động viên A và vận động viên B xếp thứ nhất . Vận động viên C xếp thứ 3
2.9. Giải thưởng.
2.9.1. Nghi lễ trao giải thưởng.
Nghi lễ trao giải thưởng được tổ chức cho tất cả các nội dung thi đấu sau khi cuộc thi chung kết kết thúc. Việc trao giải thưởng được tiến hành trước tất cả các vận động viên, trọng tài, quan chức và khán giả.
2.9.2. Giải thưởng.
Trao giải thưởng lưu niệm cho những người thắng cuộc và huy chương cho 3 vị trí đầu tiên. Trao bằng cho 8 vị trí đầu.
Chương II.
GIẢI VÔ ĐỊCH SPORT AEROBICS THẾ GIỚI
Điều 3. Các loại hình thi đấu (nội dung thi).
3.1. Số lượng các nội dung thi đấu:
Giải Vô địch thế giới về sport Aerobics tiến hành tổ chức 4 loại hình thi đấu bao gồm:
- Cá nhân nữ.
- Cá nhân nam.
- Đôi nam nữ phối hợp.
- Nhóm 3 vận động viên.
3.2. Số lượng vận động viên.
Số lượng vận động viên và giới tính mỗi nội dung thi là:
Cá nhân nữ: 1 vận động viên.
Cá nhân nam: 1 vận động viên.
Đôi nam nữ hỗn hợp: 1 vận động viên nữ, 1 vận động viên nam.
Nhóm 3 vận động viên: 3 vận động viên với giới tính tự chọn.
Điều 4. Tiêu chuẩn tham gia thi đấu.
4.1. Quyền hạn chung:
Giải Vô địch sport Aerobics thế giới mở rộng cho các vận động viên đáp ứng các điều kiện sau đây được tham dự thi đấu:
- Được các liên đoàn quốc gia là thành viên của FIG đăng ký tham dự thi.
- Được các quốc gia đáp ứng các điều kiện quy định của Uỷ ban Olympic quốc tế đăng ký.
- Đáp ứng các yêu cầu của FIG và điều lệ kỹ thuật thi đấu do FIG ban hành.
4.2. Lứa tuổi.
Những vận động viên tham dự thi đấu Giải Vô địch thế giới tối thiểu phải là 18 tuổi (tính đến năm tổ chức thi).
4.3. Quốc tịch.
Những vận động viên và trọng tài có sự thay đổi về quốc tịch phải tuân theo những điều chỉ dẫn về quốc tịch của Hiến chương Olympic, luật của FIG và điều lệ kỹ thuật của FIG.Vấn đề thay đổi quốc tịch sẽ do ban chấp hành của FIG giải quyết.
Điều 5. Vận động viên
5.1. Thay đổi tên.
Không được thay đổi vận động viên sau khi đã đăng ký chính thức, ngoại trừ trường hợp vì những nguyên nhân về mặt y học xảy ra trong 24 giờ trước khi tiến hành thi đấu. Quyết định vấn đề này là do quyền của ong Chủ tịch Uỷ ban Y tế của FIG.Trong trường hợp này những yêu cầu đề nghị thay đổi phải được viết trên giấy có kèn theo báo cáo nhận định về tình trạng sức khoẻ của vận động viên.
5.2. Trang phục.
Trong lễ khai mạc và bế mạc, tất cả các vận động viên đều phải mặc trang phục chính thức của quốc gia quy định.
Điều 6. Sân khấu thi đấu.
6.1. Kích thước của khu vực thi đấu.
Kích thước của khu vực thi đấu là 7m x7m.
6.2. Bề mặt sàn.
Sàn được lát bằng gỗ, bề mặt phải phủ đệm xốp để tạo nên sự đàn hồi cần thiết. Những quy định về mặt sàn được trình bày trong cuốn đo lường và tiêu chuẩn các dụng cụ của Liên đoàn Thể dục thế giới.
Điều 7. Những quy định về trang phục thi đấu.
7.1. Quy định chung.
Trang phục gọn gàng và phù hợp sẽ gây được những ấn tượng tốt cho vận động viên. Tóc dài phải buộc lại ở phía sau, dây giầy phải buộc cẩn thận; dây lưng, dây đeo quần không được sử dụng.
7.2. Quần áo thi đấu.
- Nữ vận động viên phải mặc áo một mảnh bó sát người. Áo thi đấu có thể để hở ở phía trước hoặc phía sau nhưng ở phần trên và ở phần dưới phải dính chặt với nhau. Không được phép hở phần bụng. Phần hở phía trên đìu không được vượt quá cao xương hông.
- Nam vận động viên phải mặc áo bó sát người liền với quần soóc ngắn vải mền và bó sát. Phải mặc quần lót bảo vệ trong trong cả quá trình thi đấu.
- Cả nam và nữ vận động viên phải đi giầy tập Aerobics.
7.3. Đồ trang sức.
Không được đeo đồng hồ, vòng cổ, vòng đeo tay, nhẫn, hoa tai… trong lúc thi đấu.
7.4. Băng.
Không được đeo bất cứ loại băng gì, ngoại trừ trường hợp bị trấn thương. Quyết định vấn đề này là do ông Chủ tịch Uỷ ban Y học của FIG. Những yêu cầu cần đề nghị phải được trình bày trên giấy tờ kèm theo báo cáo về tình hình trấn thương.
Điều 8. Cấu trúc bài thi
8.1. Thời gian.
Thời gian của bài thi là 1 phút 55 giây và được phép ± 10 giây.
8.2. Âm nhạc.
Bài tập được trình diễn phối hợp chặt chẽ với âm nhạc. Nhạc phải mang tính chất sôi nổi vui tươi và linh hoạt. Có thể là nhạc pop, rock, disco, nhạc nhảy… Nhạc cổ điển, nhạc với nhịp quá nhanh của dân da đỏ, nhạc Jazz là không phù hợp.
8.3. Nội dung cấu trúc.
8.3.1. Đảm bảo sự cân đối.
Nội dung của bài tập phải là một thể hoàn chính với tỷ lệ cân đối giữa các động tác khác nhau: các động tác trên mặt thảm, di chuyển và động tác trên không cũng như các dạng chuyển động khác. Nếu quá nhấn mạnh (xắp xếp quá nhiều) một dạng hoạt động nào đó sẽ gây nên sự mất cân đối và ảnh hưởng xấu đến điểm nghệ thuật.
8.3.2. Các đường di chuyển cơ bản.
Trên bề mặt của sàn thi đấu phải tận dụng cả 7 bước di chuyển của kỹ thuật Aerobics. Những bước di chuyển này tạo nên những đường di chuyển chủ yếu của bài tập. Sự kết hợp giữa các đường di chuyển với các đường cải biên khác, với các yếu tố kỹ thuật khác tạo nên chất lương nghệ thuật của bài.
Điều 9. Các nhóm động tác và giá trị
9.1. Kết cấu các nhóm.
Tất cả các động tác được chia làm 6 nhóm chính. Đó là sức mạnh động; sức mạnh tĩnh; nhảy, nhảy kết hợp với nhạc và quay; các động tác đá; thăng bằng mền dẻo. Độ khó được xắp xếp theo mức độ tăng dần từ A đến D và hiện tại nhóm D là nhóm khó nhất.
Các động tác và giá trị xem phần “phụ lục”.
9.2. Các động tác mới và các động tác không có trong phần danh mục.
Có thể có nhiều động tác mới xuất hiện không có trong danh mục quy định. Trường hợp này các trọng tài theo dõi độ khó phải xác định bằng mắt. Độ khó của các động tác này cũng được xác định theo giá trị các mức độ A đến D.Những động tác mới có giá trị độ khó cao như D phải được hội đồng Aerobics xác định. Hội đồng phải có văn bản đệ trình có kèm theo băng video gửi lên Ban thư ký của FIG 4 tuần trước khi bắt đầu thi đấu.
Điều 10. Những quy định bắt buộc
Trong một bài thi phải gồm hai chuỗi liên kết động tác quy định (mỗi liên kết động tác 8 nhịp 2 x 8) cộng với 6 động tác ở 6 nhóm khác nhau.
10.1. Liên kết 8 nhịp.
10.1.1. Liên kết 8 nhịp là tập hợp các chuyển động vũ đạo, kết hợp với các động tác Aerobics ở tư thế đứng với nhịp độ 2 lần 8 nhịp của âm nhạc (2 x 8).
10.1.2. Sơ đồ cấu trúc của liên kết 8 nhịp thứ nhất có thể được lặp lại giống nhau nhưng phải ngược phía (nghĩa là tất cả các chuyển động phải thực hiện theo phía đối diện).
10.1.3. Trong trường hợp chuyển động đầu tiên được bắt đầu không có động tác nhảy cao đột ngột (Jumping jack) thì ở chuyển động thứ 2 phải có chuyển động nhảy này.
10.1.4. Hai lần liên kết 8 nhịp này có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào trên sàn thi nhưng hướng di chuyển không nên lặp lại giống nhau.
10.2. Các nhóm động tác.
Bài thi phải bao gồm một động tác trong mỗi nhóm động tác sau đây:
1. Sức mạnh động lực.
2. Sức mạnh tĩnh lực.
3. Nhảy, nhảy bước với và quay.
4. Các động tác đá.
5. Thăng bằng.
6. Mền dẻo.
Mức độ khó của từng động tác do vận động viên chọn. Được phép thêm vào đến 10 động tác khác nhưng không được tính thay cho các động tác quy định.
10.3. Chuỗi liên kết bắt buộc (Sequence)
10.3.1. Chuỗi liên kết động tác bắt buộc là sự liên kết hàng loạt chuyển động theo 16 nhịp (2 lần 8 nhịp). Liên kết này phải mở đầu bằng bước đá chân về trước (chân thẳng đá lên cao chạm mặt, đầu ngẩng cao hướng về phía trước). Nếu không có động tác đá chân chạm mặt thì coi như không có liên hợp này.
10.3.2. Phần còn lại phải bao gồm một cấu trúc có 4 trong 7 bước cơ bản của Sport Aerobics, 4 bước đó là:
- Nâng cao đùi.
- Đá chân
- Nhảy bật lên cao.
- Lao người về phía trước.
10.3.3. Ba loại chuyển động chủ yếu (đi, chạy chậm, nhảy) chỉ là những chuyển động chuyển tiếp. Ngoài ra liên hợp bắt buộc không được đưa vào bất kỳ dạng vận động nào khác.
10.3.4. Liên hợp bắt buộc cũng phải được trình bày giống nhau trong thi đôi nam nữ phối hợp cũng như nhóm 3 người.
10.3.5. Những chuyển động cơ bản trên được trình bày theo hướng chuyển động thẳng về trước hoặc theo đường biên, riêng động tác nhảy bật lên bắt buộc phải thực hiện trong mặt phẳng trước sau.
- Việc biến hoá các động tác cơ bản là được phép, trường hợp này có thể coi đây là động tác chuyển tiếp, ví dụ: từ động tác nhảy cao về trước có thể trực tiếp chuyển đến động tác nâng cao đùi.
- Trong quá trình thực hiện liên hợp bắt buộc, mặt của vận động viên có thể quay về bất kỳ hướng nào; được phép vừa di chuyển vừa quay nhưng tất cả các động tác quay không được vượt quá 360º. Trọng tài đánh giá việc thực hiện cần theo dõi quá trình phối hợp thực hiện bài thi.
10.3.6. Sau đây là một số ví dụ về sự lựa chọn các động tác trong một bài thi:
a. Các động tác:
- Độ khó A: đứng thẳng, đổ thẳng người thành nằm sấp chống tay.
- Độ khó B: chống ke.
- Độ khó b: nhảy xoạc trên không.
- Độ khó B: nhảy cắt kéo đá chân.
- Độ khó A: thăng bằng nghiêng trên một chân.
- Độ khó B: cúi gập thân xoạc dọc quay 360º (illusion) trên 1 chân.
b. Hai liên hiệp (2 x 8 nhịp).
- (1) Bước đá chân chạm mặt (2) Hai chân chụm
(3) Bật nhảy lao về phía trước (4) Nâng cao đùi
(5) Bật nhảy lao về phía trước (6) Hai chân chụm
(7) Đá chân cao (8) Hai chân chụm
- (1) Bật nhảy (dựng lên đột ngột) (2) Nâng cao đùi
(3) Nhảy lao về phía trước (4) Hai chân chụm
(5) Chạy chậm (6) Chạy chậm
(7) Nhảy lên cao (8) Hai chân chụm lại
Trong ví dụ trên có động tác lao về phía trước và nâng cao đùi nhưng chỉ cần 4 động tác cũng đủ đáp ứng được yêu cầu bắt buộc.
10.3.7. Hành lang.
Hành lang là khu vực được quy định bởi hai băng vạch đỏ và xanh. Vận động viên phải bước vào trong mỗi hành lang tối thiểu một lần trong bài thi.
Điều 11. Ban Trọng tài.
11.1. Thành phần Ban trọng tài:
- Trưởng ban trọng tài 1
- Trọng tài đánh giá thực hiện 4
- Trọng tài đánh giá nghệ thuật 4
- Trọng tài đánh giá những quy định bắt buộc 2
- Trọng tài đánh giá độ khó 2
Tổng cộng: 13
11.2. Chức năng, nhiệm vụ, các tiêu chuẩn đánh giá và điểm.
11.2.1. Trọng tài đánh giá thực hiện bài thi.
11.2.1.1. Chức năng: đánh giá phần thực hiện bài dựa trên những căn cứ sau đây:
- Sự phối hợp.
- Sức mạnh tốc độ.
- Chất lượng kỹ thuật.
- Tính đồng bộ.
Tiêu chuẩn đánh giá.
11.2.1.2. a. Sự phối hợp: căn cứ chủ yếu đẻ đánh giá khả năng phối hợp là những liên hợp động tác quy định bắt buộc. Sơ đồ di chuyển và cấu trúc toàn bài cũng được xem xét đánh giá trong phần phối hợp. Mức độ khó của sự phối hợp được đánh giá dựa trên các yếu tố sau:
- Sự hoạt động tích cực và liên kết của phần cơ thể. Phối hợp hoạt động của nhiều bộ phận cơ thể cùng một lúc làm tăng độ khó. Các bộ phận cơ thể có liên quan nhiều hơn cả là: đầu, hai bàn chân, chi dưới (cẳng chân và đùi), chi trên (cánh tay và cẳng tay).
- Sự di chuyển từ điểm này đến điểm khác.
- Sự thay đổi hướng chuyển động (thể hiện ở sự quay mặt sang một hướng khác).
- Sự đa dạng trong các chuyển động khác nhau.
- Sự tương phản: Tay và chân chuyển đông theo hướng khác nhau, không đối xứng.
- Sự biến đổi về nhịp điệu, nhịp độ thực hiện của các bộ phận cơ thể (tay, chân, các phần khác). Thực hiện động tác trên mặt phẳng khác nhau, sự giao nhau của các đường di chuyển.
b. Sức mạnh tốc độ:
+ Cường độ thực hiện: mức độ thể hiện của sức mạnh tốc độ trong chuyển động được xác định, căn cứ vào các yếu tố:
- Tốc độ co cơ.
- Tính chất đối kháng của cơ.
- Biên độ động tác.
- Trọng lực.
- Số lượng các cơ tham gia hoạt động.
+ Sức bền chuyên môn: năng lực duy trì cường độ vận động từ đầu đến cuối bài (không nghỉ giữa quãng).
c. Chất lượng kỹ thuật (kỹ xảo).
- Tư thế đứng: khả năng duy trì được tư thế đứng của thân người khi trình diễn các động tác, các bước nhảy và các bước chuyển tiếp.
- Chính xác: khả năng điều khiển được của hướng chuyển động.
- Điều khiển được cường độ hoạt động của cơ tăng giảm, tránh được các giao động thừa.
- Tính ổn định: thể hiện sự vững chắc khi thự hiện động tác, các dộng tác tiếp đất và các bước di chuyển.
d. Tính đồng bộ (áp dụng trong thi đấu đôi và 3 người).
- Thời gian: các động tác phải đồng bộ về mặt thời gian.
- Khoảng cách: khả năng xác định đúng vị trí, cự ly, khoảng cách trong đội hình.
- Biên độ: biên độ động tác của các vận động viên phải giống nhau trong khi thi đấu.
e. Chấm điểm.
+ Điểm tối đa của mỗi một trọng tài trong khi đánh giá phần thực hiện bài thi là 10,0 điểm.
- Trừ 0,1 điểm đối với những lỗi nhẹ.
- Trừ 0,2 điểm đối với những lỗi trung bình.
- Trừ 0,3 điểm đối với những lỗi nặng.
- Trừ 0,5 điểm đối với những lỗi quá nặng.
+ Lỗi nhẹ được xác định như là sự sai lệch nhỏ, việc thực hiện gần như hoàn hảo.
+ Lỗi trung bình là những sai lệch tương đối lớn, dễ nhận biết so với sự hoàn chỉnh khi thực hiện bài thi.
+ Lỗi nặng là những lỗi sai lệch cơ bản, quan trọng.
+ Lỗi quá năng là những sai lầm diễn ra liên tục về tư thế đứng.
11.2.2. Đánh giá về nghệ thuật.
11.2.2.1. Nhiệm vụ:
Đánh giá chất lượng nghệ thuật dựa trên những tiêu chuẩn sau đây:
- Nghệ thuật múa.
- Trình diễn
- Âm nhạc
- Chuyển tiếp
- Khả năng phối hợp với đồng đội
Đánh giá về nghệ thuật cũng có phần cho thêm điểm nghệ thuật.
11.2.2.2. Tiêu chuẩn đánh giá:
a. Nghệ thuật múa
- Sàn thi đấu: sử dụng toàn bộ bề mặt sàn (sơ đồ di chuyển trên mặt sàn).
- Mức độ: có sự phối hợp hài hoà các hoạt động ở trên không, trên bề mặt của sàn và trên sàn.
- Di chuyển: di chuyển theo tất cả các hướng (về trước, ra sau, theo bên cạnh, theo đường chéo, theo hình vòng tròn).
- Mặt phẳng: chuyển động được thực hiện ở tất cả các mặt phẳng (dọc, ngang và phải, trái).
- Tính cấn đối: có sự kết hợp hài hoà giữa các động tác thể hiện các tố chất thể lực, mền dẻo và các loại sức mạnh (tĩnh, động, bột phát). Không nên để quá nhiều một loại yếu tố nào đó làm ảnh hưởng đến sự cân đối hài hoà và tính thẩm mỹ của toàn bài.
- Tính đa dạng: phong cách trình diễn đa dạng, phong phú.
- Mở đầu và kết thúc: độc đáo và gây ấn tượng.
-Tính phối hợp: cần có sự biến hóa các loại hình động tác và sơ đồ (đường di chuyển) bài tập (không nên lặp lại), nên sử dụng các động tác đồng bộ và không đối xứng.
b. Trình diễn
- Tự tin: vẻ mặt và phong thái tự tin khi trình diễn.
- Sự giao lưu: khả năng tiếp cận với khán giả.
- Thu hút được khán giả.
c. Âm nhạc
- Nhịp điệu: sử dụng nhiều nhịp điệu khác nhau tốt hơn là chỉ sử dụng nền nhạc đơn điệu.
- Phối hợp hài hoà động tác với âm nhạc
- Diễn cảm: các động tác được thể hiện phù hợp với tính chất của âm nhạc.
-Nhịp: chuyển động theo đúng nhịp của âm nhạc.
d. Chuyển tiếp
- Khả năng chuyển tiếp các chuyển động từ không đến mặt thảm và chuyển đổi trên thảm.
- Liên kết: khả năng kết hợp các chuyển động lại với nhau hợp lý.
- Đặc trưng thể thao: năng lực sử dụng các chuyển động cơ bản của Sport Aerobics khi bật nhảy lên và tiếp đất khi rơi xuống.
- Khả năng phối hợp đồng bộ (dành cho thi đấu đôi- 3 người).
- Đội hình: trình diễn những đội hình biến đổi phong phú, đa dạng.
- Vị trí: phối hợp thay đổi vị trí của các vận động viên trong cùng một đội hình.
- Tính tập thể đồng đội: có tinh thần đồng đội và phối hợp trong toàn đội. Có sự phối hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa 2-3 vận động viên, biên soạn bài theo một chủ đề hay một câu chuyện. Tận dụng ưu thế của nhiều người hơn là chỉ tập chung vào một người.
e. Điểm thưởng thêm và nghệ thuật: được dành cho một vận động viên hay một bài trình diễn có cấu trúc độc đáo thể hiện trong trình diễn, âm nhạc, vũ đạo, chuyển đổi và sự phối hợp tốt từ đầu đến cuối bài hay từng phần của bài thi.
Một điểm thưởng nghệ thuật cũng được dành cho một vận động viên nào đó thực hiện một động tác mới sáng tác lần đầu tiên, hoặc lập lại một động tác đã mang tên người đầu tiên trình diễn nó.
g. Cách chấm điểm:
+ Chất lượng nghệ thuật: điểm cao nhất đánh giá về chất lượng nghệ thuật là 10,0 điểm.
- Trừ 0,1 cho mỗi lỗi riêng lẻ.
- Trừ 0,5 cho các lỗi liên tiếp trong toàn bài.
+ Điểm thưởng nghệ thuật: điểm thưởng tối đa khi đánh giá chất lượng nghệ thuật là 2,0 điểm.
- 1,0 điểm cho những liên hợp duy nhất có và độc đáo trong bài.
- 0,5 điểm cho những động tác chính được thực hiện với chất lượng cao.
- 0,1 điểm cho những độc tác nhỏ độc đáo.
- 0,5 điểm cho những phần bài hoặc liên hợp động tác được thực hiện tốt.
11.2.3. Đánh giá những quy định bắt buộc.
11.2.3.1. Tính chất: đánh giá về những quy định bắt buộc bao gồm các điểm sau:
- Các động tác bắt buộc.
- Các chuỗi liên kết bắt buộc.
- 8 nhịp bắt buộc.
- Đường biên.
- Hành lang.
11.2.3.2. Các tiêu chuẩn đánh giá:
h. Các động tác bắt buộc. Trọng tài quy định phải kiểm tra xem 6 động tác bắt buộc (mỗi nhóm có một động tác) có được thực hiện hay không. Sẽ trừ điểm với mỗi động tác thiếu.
i. Các chuỗi liên kết bắt buộc. Trọng tài phải kiểm tra việc thực hiện chuỗi liên kết bắt buộc có bao gồm bốn (4) trong bảy (7) bước cơ bản quy định của Sport Aerobics hay không và không được cho một động tác bị cấm nào vào trong chuỗi liên kết này. Sẽ trừ điểm trong trường hợp thiếu bước “step touch”, thiếu những bước cơ bản hoặc có những động tác bị cấm.
k. 8 nhịp bắt buộc. Trọng tài phải kiểm tra việc thực hiện 8 nhịp có được tiến hành theo đúng quy định thời gian (2 x 8) hay không, và phải kiểm tra xem động tác thứ hai của 8 nhịp đầu có được thực hiện bằng một chân trong trường hợp động tác thứ nhất không được thực hiện bằng chân đó. Trọng tài sẽ trừ điểm những lỗi về thời gian, những chuyển động lặp lại giống nhau cũng như đưa vào các động tác bị cấm trên sàn.
l. Đường biên. Trọng tài bắt lỗi vi phạm đường biên (đường ranh giới quy định) ngồi chéo ở hai trong bốn góc của sàn diễn. Mỗi trọng tài chịu trách nhiệm kiểm tra hai đường. Đường phân ranh giới bao quanh sàn màu đỏ. Một bộ phận nào đó của thân thể chạm mặt sàn ngoài đường biên sẽ bị trừ điểm. Tuy nhiên nếu vượt đường biên ở trên không thì không bị trừ.
m. Khu vực hành lang. Trọng tài phải kiểm tra xem vận động viên có bước vào khu vực hành lang ít nhất một lần trong mỗi hành lang hay không trong khi thực hiện bài thi.
n. Cách chấm điểm. Không quy định điểm bị trừ tối đa. Việc trừ điểm những quy định bắt buộc tiến hành như sau:
+ Đối với 8 nhịp bắt buộc:
- Không thực hiện hoặc thực hiện sai hướng động tác mở đầu: - 0,1 điểm/mỗi lần.
- Lặp lại sơ đồ thứ nhất không đúng: - 0,1 điểm/mỗi lân vi phạm.
- Đưa những động tác bị cấm vào bài thi (trên mặt sàn): - 0,1 điểm/mỗi động tác.
- Số lượng động tác trong nhịp sai: - 0,1 điểm.
- Thiếu chuỗi liên kết (8 nhịp): - 0,5 điểm.
+ Động tác:
- Thiếu động tác quy định: - 0,5 điểm cho mỗi động tác.
+ Chuỗi liên kết quy định bắt buộc:
- Không đúng về số lượng: - 0,1 điểm.
- Thiếu những bước cơ bản: - 0,1 điểm mỗi bước.
- Động tác bị cấm: - 0,1 điểm cho mỗi động tác.
- Bước mở đầu (step touch) sai: - 0,1 điểm.
- Thiếu chuỗi liên kết quy định: - 0,5 điểm.
+ Vượt quá đường biên
- Vượt quá đường biên quy định: - 0,1 điểm mỗi lần.
+ Hành lang:
- Không bước vào hành lang: - 0,1 điểm mỗi hành lang.
+ Thời gian:
- Lỗi về thời gian: - 0,1 điểm/mỗi lần.
11.2.4. Đánh giá về độ khó.
11.2.4.1. Tính chất:
Trọng tài đánh giá về độ khó phải ghi lại toàn bộ bài tập (tất cả các động tác) và cho điểm giá trị của động tác được thực hiện.
11.2.4.2. Tiêu chuẩn đánh giá:
- Giá trị độ khó của động tác căn cứ theo nhóm động tác quy định, hoặc khi động tác không ghi trong danh mục thì tự đánh giá (tương đương các nhóm từ A đến D thôi). Khi đánh giá băng mắt phải hỏi ý kiến trưởng ban trọng tài và việc quyết định phải được trưởng ban trọng tài chấp nhận.
- Việc đánh giá các động tác mới có độ khó cao hơn D chỉ có thể được tiến hành do Hội đồng Sport Aerobics phải có đơn trình bày, có băng video kèm theo gửi đến Ban thư ký của Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) 4 tuân trước khi thi đấu.
11.2.4.3. Cách chấm điểm:
- Không có điểm độ khó tối đa.
- Mỗi động tác và yếu tố đều có một giá trị tuỳ theo mức độ khó (xem bảng nhóm động tác và giá trị). Tổng điểm độ khó sẽ được tính bằng cách cộng các giá trị của 16 động tác có mức khó cao nhất. Trong trường hợp thiếu một yếu tố bắt buộc, người ta sẽ chỉ cộng giá trị của mười năm (15) động tác có giá trị cao nhất.
11.3. Trưởng ban trọng tài.
11.3.1. Chức năng nhiệm vụ:
- Trưởng ban trọng tài phải ghi lại toàn bộ bài thi. Giá trị về mặt độ khó của bài thi do Trưởng ban trọng tài tính toán chỉ là căn cứ để xem xét khi có sự bất đồng giữa các trọng tài đánh giá về độ khó.
- Trong trường hợp có động tác không ở trong bảng danh mục động tác quy định mà cần phải được đánh giá độ khó bằng mắt và phải hỏi ý kiến Trưởng ban trọng tài. Việc quyết định phải được Trưởng ban chấp nhận. Việc đánh giá này chỉ có thể được thực hiện trong phạm vi độ khó từ A-D.
- Trưởng ban trọng tài cần thông báo cho Hội đồng Sport Aerobics về những động tác khó mới được đánh giá bằng mắt. Hội đồng sẽ kiểm tra lại và sau đó sẽ điền tên các động tác mới này vào danh mục các nhóm động tác với độ khó tương ứng ở trong luật chấm điểm.
- Trưởng ban trọng tài có thể tham khảo ý kiến các trọng tài độ khó, có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc trừ điểm bài thi: do có động tác bị cấm, nâng đồng đội lên hơn một lần, tạm ngừng hoặc ngừng hẳn bài thi, lỗi về thời gian, lỗi về trang phục và các hình phạt kỷ luật.
11.3.2. Tiêu chuẩn đánh giá.
11.3.2.1. Động tác cấm:
Các động tác cấm được ghi trong danh mục động tác bị cấm của Luật cho điểm.
11.3.2.2. Các động tác nâng đồng đội lên:
- Khi trình bày bài thi trên mặt sàn được phép nâng hoặc đỡ bạn cùng điểm nhưng không được tung lên không. Khái niệm thực hiện bài thi trên mặt đất được xác định trong trường hợp phải có một bộ phận cơ thể ngoài hai bàn chân của người đỡ đang tiếp xúc với mặt sàn. Trường hợp có hai người nâng thì cả hai phải tiếp xúc với mặt sàn.
- Gọi là “tung” khi một người được bạn cùng diễn tung lên, hoặc khi một bạn cùng diễn được dùng như “bàn nhúm” để bật lên thực hiện động tác trên không. Một người đang ở giai đoạn trên không khi người ấy không còn tiếp xúc với mặt sàn hoặc bạn cùng diễn.
- Cấm các động tác nâng và đỡ hoàn toàn ở tư thế đứng, ngoại trừ động tác kết thúc bài thi. Khi chuẩn bị kết thúc bài thi người được nâng lên không được tiếp xúc trở lại với mặt sàn cho đến khi bài thi kết thúc. Động tác nâng cuối cùng có thể là một động tác ghi trong danh mục các động tác bị cấm, tuy nhiên động tác đó không được thực hiện trên không. Người được nâng phải được tiếp xúc với bạn cùng diễn trong suốt thời gian thực hiện động tác.
- Trong trường hợp một người nâng hay đỡ hai người thì chiều cao của tháp chồng không được vượt quá chiều cao của hai người ở tư thế đứng.
11.3.2.3. Tạm ngừng/ ngừng hẳn bài thi:
- Bài thi được coi là tạm ngừng khi vận động viên ngừng thực hiện động tác trong khoảng thời gian từ hai (2) đến hai mươi (20) giây và tiếp sau đó lại tiếp tục.
- Bài thi được coi như là kết thúc (ngừng hẳn) khi vận động viên ngừng diễn và bỏ không thực hiện tiếp trong vòng hai mươi (20) giây.
11.3.2.4. Lỗi về thời gian:
- Có vi phạm về thời gian khi bài diễn quá ngắn (140 – 145 giây) hoặc quá dài (205 – 210 giây). Bài thi ngắn dưới 140 giây và kéo dài quá 210 giây thì bị loại.
- Bắt đầu tính thời gian khi nghe thấy âm thanh phát ra đầu tiên (ngoại trừ tiếng “bip” làm dấu hiệu).
11.3.2.5. Trang phục không đúng quy cách:
- Một vận động viên xuất hiện trên sàn diễn với trang phục hoàn toàn khác với quy định về trang phục đã nói ở Điều 7 sẽ bị loại.
- Vận động viên mặc trang phục thiếu quy cách sẽ bị trừ điểm.
- Những xử phạt kỷ luật: tuyên bố cảnh cáo hay loại căn cứ vào luật chấm điểm (mục hình phạt kỷ luật).
11.3.2.6. Cách trừ điểm:
+ Vi phạm thời gian: - 0,1 điểm/5 giây.
+ Phạm lỗi về thời gian: loại.
+ Động tác cấm: - 0,1 điểm/mỗi động tác.
+ Nâng bạn cùng diễn trên một lần: -0,1 điểm/mỗi lần.
+ Tạm ngừng bài thi: - 0,1 điểm/mỗi lần
+ Ngừng hẳn bài thi: loại
+ Có mặt ở khu vực cấm: cảnh cáo
+ Hành vi không được phép: cảnh cáo
+ Trang phục thiếu quy cách: - 0,1 điểm/mỗi vi phạm.
+ Trang phục sai quy định hoàn toàn: loại.
+ Vi phạm Điều lệ kỹ thuật hoặc luật chấm điểm của FIG: loại.
Điều 12. Cách chấm điểm
12.1. Điểm thực hiện: Điểm cao nhất và điểm thấp nhất của các trọng tài đánh giá việc thực hiện bài thi bị loại bỏ. Những điểm còn lại được cộng vào và đó là điểm cuối cùng đánh giá việc thực hiện bài thi.
12.2. Điểm chất lượng nghệ thuật.
Điểm cao nhất và điểm thấp nhất của các trọng tài đánh giá chất lượng nghệ thuật bị loại bỏ, nhưng điểm còn lại được cộng vào và đó là điểm cuối cùng đánh giá chất lượng nghệ thuật.
12.3. Điểm thưởng về điểm nghệ thuật.
Điểm cao nhất và điểm thấp nhất của các trọng tài đánh giá nghệ thuật bị loại bỏ, những điểm còn lại được cộng vào và đó là điểm thưởng về nghệ thuật.
12.4. Điểm về độ khó.
Điểm về độ khó bao gồm tổng điểm của 6 động tác trong 6 nhóm quy định bắt buộc và mười (10) động tác khác có giá trị cao nhất.
12.5. Tổng điểm: Cộng tất cả các điểm thực hiện chất lượng nghệ thuật, điểm thưởng về điểm nghệ thuật và điểm đánh giá về độ khó thành điểm tổng quát – hay là tổng điểm.
12.6. Điểm cuối cùng.
Những trừ điểm của trọng tài đánh giá những quy định bắt buộc và những trừ điểm của trưởng ban trọng tài được tính trừ vào tổng điểm. Kết quả thu nhận được là điểm cuối cùng.
Điều 13. Bảng chấm điểm
A. Điểm cộng.
* Điểm thực hiện: Cá nhân Đôi/3VĐV
+ Điểm cộng tối đa của 2 trọng tài: 20 20
* Điểm chất lượng nghệ thuật:
+ Điểm cộng tối đa của 2 trọng tài: 20 20
* Điểm thưởng nghệ thuật:
+ Điểm cộng tối đa của 2 trọng tài: 4 4
* Điểm về độ khó:
Ví dụ điểm đánh giá độ khó: 3,1 2,2
Như vậy tổng điểm là: 47,1 46,2
B. Trừ điểm.
- Điểm bị trừ của trọng tài phần quy định bắt buộc (xem phần trọng tài đánh giá quy định - chấm điểm).
- Điểm bị trừ của Trưởng ban trọng tài (xem phần Trưởng ban trọng tài chấm điểm).
C. Hệ thống chấm điểm.
- Phần thực hiện được chấm theo cách đánh giá tiêu cực, nghĩa là bắt đầu từ 10,0 và trừ dần đi do phạm lỗi trong quá trình thực hiện bài thi.
- Chất lượng nghệ thuật được chấm theo cách đánh giá tiêu cực, nghĩa là bắt đầu từ 10,0 và trừ dần đi do vi phạm các lỗi liên quan đến chất lượng nghệ thuật.
- Điểm thưởng nghệ thuật được chấm theo cách đánh giá tích cực, nghĩa là cộng các điểm bắt đầu từ 0.
- Điểm về độ khó được chấm theo cách đánh giá tích cực, nghĩa là cộng các điểm bắt đầu từ 0.
- Các điểm bị trừ tính trừ vào điểm tổng quát (tổng điểm).
D. Ví dụ mẫu về chấm điểm.
| T.T1 | T.T2 | T.T3 | T.T4 | Điểm có hiệu lực |
- Thực hiện | 8,1 | 8,2 | 8,7 | 8,5 | 8,2 + 8,5 = 16,70 |
- Chất lượng nghệ thuật | |||||
| 8,5 | 8,0 | 8,3 | 8,3 | 8,3 + 8,3 = 16,60 |
- Điểm thưởng về nghệ thuật | |||||
| 1 | 1 | 1,5 | 0,5 | 1 + 1 = 2,00 |
- Giá trị độ khó | 3xA | 5xB | 4xC | 4xD | = 4,10 |
Tổng điểm: | = 39,40 | ||||
- Thời gian: OK |
|
| |||
- Đường biên (vạch); | 2 x -0,10 | = -0,20 | |||
- Hành lang: | 1 x -0,10 | = -0,10 | |||
- Động tác bị cấm: | 1 x -0,10 | = -0,10 | |||
Điểm cuối cùng: | = 39,00 |
Điều 14. Các động tác bị cấm.
Môn sport Aerobics dựa trên bảy (7) loại hình vận động có nguồn gốc từ điệu nhảy Aerobics. Để bảo vệ tính độc đáo của môn thể thao này, những động tác sau đây hoặc các dạng biến đổi tương tự thuộc về các môn thể thao khác đều bị cấm sử dụng trong Giải Vô địch thế giới về sport Aerobics.
A. Các động tác của thể dục dụng cụ
- Uốn đầu (dẻo trước)
- Dẻo sau
- Chuối tay (>30º)
- Lộn nghiêng (có hoặc không có chống tay)
- Đà lộn sau chống tay
- Gập duỗi (tỳ đầu tay hay gáy)
- Lộn trước chống tay
- Lộn sau chống tay
- Nhảy bay lộn xuôi
- Santô (các kiểu)
- Quay vòng 2 chân cắt kéo (>1 vòng)
B. Các động tác thể dục nghệ thuật và khiêu vũ.
- Nhảy uốn cong lưng (nhẫn)
- Nhảy bước với dài ưỡn cong lưng
- Đứng ngả sau trên 1 chân, 1 chân dơ cao (xoạc ở tư thế ngả sau)
- Nhảy lên không uốn cong người thành hình vòng tròn
- Thăng bằng trên 1 chân, 1 chân chạm đầu
- Quỳ gối quay theo trục dọc (piruet)
- Quay tròn trên lưng, trên vai (> 1 vòng)
C. Các động tác nhào lộn:
- Các động tác nâng đỡ và tung trên không.
D. Các động tác võ thuật:
- Đá ngang.
- Đá lao về trước.
E. Các động tác khác:
- Nâng bổng bạn cùng diễn ở tư thế đứng (không kể động tác kết thúc).
- Các dạng xoắn (spiral) trên không.
Điều 15. Hình phạt kỷ luật
A. Cảnh cáo:
Vi phạm các trường hợp sau đây sẽ bị cảnh cáo:
- Có mặt tại khu vực cấm.
- Có thái độ không đúng đắn trên sàn thi đấu.
- Có thái độ không tôn trọng trọng tài và Ban tổ chức.
- Có hành vi phản thể thao.
B. Loại (truất quyền thi đấu).
Một vận động viên sẽ bị loại nếu như:
- Trang phục hoàn toàn khác với quy định của luật chấm điểm.
- Không mặc trang phục trình diễn của quốc gia mình trong các buổi lễ khai mạc và bế mạc.
- Vi phạm nặng Điều lệ, quy tắc kỹ thuật của FIG và luật cho điểm.
- Thời gian đệm nhạc của bài thi ngắn hơn 1 phút 40 giây và dài quá 2 phút 10 giây.
- Ngừng hẳn bài thi.
Điều 16. Những trường hợp bất thường.
Những trường hợp sau đây là bất thường:
- Băng cát xét hỏng.
- Âm nhạc bị hỏng do thiết bị âm thanh.
- Những sự cố do thiếu sót về thiết bị nói chung như: ánh sáng, sàn thi và địa điểm.
- Vận động viên phải lập tức ngừng bài thi nếu xảy ra những trường hợp bất thường sau đây. Một khi bài thi đã kết thúc rồi mới khiếu nại thì sẽ không được chấp nhận.
- Theo quyết định của Trưởng ban trọng tài thì vận động viên có thể bắt đầu lại bài thi của mình sau khi vấn đề đã được giải quyết, một điểm dã cho trước sẽ bị huỷ bỏ.
- Mọi tình huống ở phần trên đều có thể xảy ra và Trưởng ban trọng tài phải xem xét đánh giá. Những quy định của Trưởng ban trọng tài là quyết định cuối cùng.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.