UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 630/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 26 tháng 4 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA TỈNH NĂM 2014
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 55/TTr-STC ngày 24/3/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh năm 2014.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA TỈNH NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 26/4/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Tăng cường hơn nữa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực nhà nước, xã hội góp phần dành nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cho an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, công dân về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).
- Làm căn cứ để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị xây dựng Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý.
2. Yêu cầu:
- Thường xuyên tổ chức học tập quán triệt đầy đủ, kịp thời và thực hiện nghiêm Luật THTK, CLP; các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về THTK, CLP (Kết luận số 21- KL/TW, ngày 25/5/2012 của BCH TW Đảng khoá XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, BCH Trung ương Đảng khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh THTK,CLP; Nghị quyết số 82/NQ-CP , ngày 06/12/2012 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của BCH Trung ương Đảng; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 30/CT-TTg , ngày 26/11/2012 về việc tăng cường THTK, CLP; Chỉ thị số 16/CT-TTg , ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường THTK, CLP trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại doanh nghiệp;…).
- Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về THTK, CLP trong phạm vi quản lý được phân công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP , ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
- Thực hiện công khai về THTK, CLP theo quy định tại Điều 5, Luật THTK, CLP. Bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát THTK, CLP của công dân, cơ quan, tổ chức; tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động thanh tra nhân dân; tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; xử lý hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người trong cơ quan, tổ chức mình có hành vi gây lãng phí.
- Cụ thể hoá các nhiệm vụ, biện pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực thuộc phạm vi các cấp, các ngành và các đơn vị. Thực hiện ngay và có hiệu quả một số giải pháp, nhiệm vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
- Thủ trưởng các đơn vị, các cơ quan căn cứ vào đặc điểm của đơn vị mình xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Định kỳ sáu tháng và một năm tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá tình hình, kết quả và rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình THTK, CLP (báo cáo sáu tháng đầu năm gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo cả năm gửi trước ngày 20 tháng 11).
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ:
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quản lý sử dụng ngân sách phải:
- Thực hiện tiết kiệm ngay từ khâu phân bổ dự toán ngân sách, đảm bảo cơ cấu chi ngân sách hợp lý. Lập, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước phải căn cứ khả năng ngân sách địa phương, đúng Luật NSNN, đúng tiêu chuẩn, định mức và các chính sách chế độ tài chính hiện hành, đảm bảo tính công khai, công bằng và minh bạch. Không bố trí dự toán các khoản chi chưa thực sự cần thiết và không hiệu quả, từng bước giảm dần mức hỗ trợ từ ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức, đơn vị không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
- Không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao cho các mục đích: Tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước… trừ các nhiệm vụ thật sự cần thiết và cấp bách.
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm trong đi công tác nước ngoài. Hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài. Tăng cường quản lý chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo bố trí, sử dụng đúng mục đích, đúng chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên trong dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các khoản chi bổ sung đảm bảo đúng mục đích, đúng định mức chi tiêu và chế độ tài chính hiện hành. Quản lý chặt chẽ các khoản thu và nội dung chi từ nguồn thu, không được để ngoài sổ kế toán, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo đúng quy định hiện hành.
- Thực hiện triệt để tiết kiệm trong sử dụng kinh phí, nhất là các khoản chi như: Tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tập huấn, lễ kỷ niệm, lễ đón các danh hiệu thi đua, tiếp khách …; thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiết kiệm triệt để chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm và các chi phí khác.
- Thẩm định đúng qui trình, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đối với các đề tài, các nhiệm vụ chi từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp môi trường trước khi quyết định phân bổ kinh phí. Các đề tài khoa học được cấp kinh phí phải có tính ứng dụng trong thực tế cao và hiệu quả, việc chi tiêu phải đúng định mức kinh tế kỹ thuật và các chính sách chế độ tài chính hiện hành. Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thì thực hiện khoán kinh phí hỗ trợ.
- Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải đúng mục đích, không trùng lắp với các nguồn kinh phí khác và bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
- Rà soát kỹ các chương trình kiểm tra, thanh tra, các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới đảm bảo gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, nghiêm cấm việc tổ chức đón tiếp gây tốn kém chi phí đối với cấp dưới và các đối tượng liên quan.
- Sở Tài chính tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thông tin báo cáo công khai dự toán, công khai quyết toán ngân sách hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính. Tăng cường thanh tra tài chính nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước.
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã (cấp huyện) xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm trong dự toán ngân sách hàng năm, đồng thời tổ chức tốt công tác công khai dự toán và quyết toán ngân sách.
- Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng quy chế giám sát của công dân, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Nhà nước.
2. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước:
Trong quản lý đầu tư xây dựng, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện phải:
- Việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước phải đúng thẩm quyền, trình tự, nội dung, đối tượng và thời gian theo quy định của pháp luật; đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước phải bảo đảm tính chính xác, trung thực; phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các dự án thuộc vốn ngân sách nhà nước. Lập, thẩm định phê duyệt các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, quy hoạch xây dựng và khả năng ngân sách hàng năm.
- Tập trung, ưu tiên bố trí vốn XDCB cho các công trình, dự án cần thiết, cấp bách và có hiệu quả đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không bố trí vốn XDCB dàn trải, các công trình chưa thực sự cần thiết, cấp bách, không phê duyệt các công trình dự án không có đủ nguồn kinh phí thực hiện, hạn chế tối đa nợ XDCB. Việc cấp phát vốn phải đúng tiến độ, khối lượng hoàn thành, các dự án đã được phê duyệt và bố trí vốn mà khởi công chậm tiến độ thì điều chuyển cho dự án khác.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý đấu thầu xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm về chất lượng và tiến độ thi công theo quy định của pháp luật. Các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư công khai dự án để tăng cường sự giám sát của cộng đồng dân cư và các đoàn thể đối với dự án trên địa bàn tỉnh.
3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện thiết bị làm việc; trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc:
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện trong phạm vi quản lý của mình, tiến hành:
- Rà soát lại nhu cầu sử dụng tài sản, trang thiết bị của các cơ quan đơn vị quản lý để chủ động xây dựng kế hoạch và dự trù nguồn kinh phí hàng năm để đơn vị mua sắm tài sản. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản, phương tiện thiết bị làm việc hiện có. Kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô công, nhất là trong việc mua sắm, thay thế, sửa chữa, điều chuyển xe ô tô phục vụ công tác phải đúng định mức và đối tượng sử dụng, việc mua sắm, sửa chữa tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc phải đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, đúng quy định pháp luật về đấu thầu, thẩm định giá và pháp luật có liên quan. Hạn chế tối đa việc mua sắm ô tô, điều hoà và các phương tiện, tài sản, trang thiết bị không thực sự cần thiết. Không sử dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc công vào việc riêng.
- Xây dựng kế hoạch điều chuyển tài sản giữa các cơ quan, đơn vị từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc trong trường hợp sử dụng tài sản, phương tiện làm việc không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết.
- Kiểm tra, rà soát lại diện tích đất đai, trụ sở làm việc đang quản lý để bố trí sử dụng hợp lý, đúng chế độ, tiêu chuẩn quy định. Việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc thuê trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí NSNN phải trên cơ sở định mức tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương và địa phương đã ban hành về quản lý, mua sắm, sử dụng, điều chuyển và thanh lý tài sản, trang thiết bị…; tổ chức kiểm kê tài sản cuối năm; báo cáo tài sản kê khai, báo cáo tài sản theo định kỳ; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ tài sản; thanh lý tài sản hư hỏng, không cần dùng… nộp vào NSNN theo đúng quy định.
4. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên, khoáng sản:
* Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các ngành, các cấp quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản theo quy định của pháp luật cụ thể như sau:
Đối với lĩnh vực quản lý đất đai:
- Phối hợp với các địa phương tổ chức công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; Việc thoả thuận địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng…, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đảm bảo các quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đúng các quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý đối với quỹ đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và quỹ đất chưa giao sử dụng (quỹ đất công):
+ Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra; lên kế hoạch thanh kiểm tra thường xuyên và định kỳ tình hình sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh;
+ Kiên quyết xử lý những trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất hoặc được giao đất nhưng sử dụng sai mục đích, cho thuê lại hoặc liên doanh, liên kết trái quy định của pháp luật; đề ra kế hoạch và biện pháp cụ thể, cam kết sử dụng đất đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra sai phạm; đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các ngành, địa phương và báo cáo kết quả cho Chủ tịch UBND tỉnh.
- Phối hợp chặt với Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nghiêm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trong giao đất, cho thuê đất theo quy định Luật Đất đai và các nghị định, quyết định của Chính phủ ban hành.
Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản: Khoáng sản theo quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng tài nguyên phải đúng mục đích, nhất là tài nguyên cát sông, đảm bảo nhu cầu của các công trình, dự án xây dựng trong tỉnh trước khi cung ứng ra bên ngoài tỉnh.
* Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường: Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm. Kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học trong nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.
5. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động tại các cơ quan, tổ chức:
- Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành phố, thị xã tập trung rà soát các quy định về đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức để ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với quy định của pháp luật.
+ Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động. Khi xét duyệt biên chế, quyết định sử dụng nguồn lực lao động, thời gian lao động phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế bảo đảm yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí. Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động phải trên cơ sở ứng dụng công nghệ, hiện đại hoá và yêu cầu cải cách hành chính. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức phải trên cơ sở rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, định mức biên chế hiện có để tránh chồng chéo, bỏ trống, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.
+ Việc tuyển dụng công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và trong phạm vi biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Đào tạo nguồn lực, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm căn cứ vào kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, yêu cầu của vị trí công việc, trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện để phát huy trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức. Việc nâng ngạch, chuyển ngạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức phải theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Không để mất cân đối, không phù hợp với nhu cầu sử dụng, không đúng với ngành nghề chuyên môn, không phát huy hết năng lực sở trường, lãng phí thời gian và nguồn lực lao động.
- Bố trí, sử dụng lao động, thời gian lao động phải trên cơ sở tổ chức công việc hợp lý, khoa học, hiệu quả và gắn với cải cách hành chính.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch sử dụng thời gian lao động, xử lý công việc phù hợp; xây dựng quy định về kỷ luật lao động phù hợp với quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy hết khả năng lao động, sáng tạo.
- Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các nội quy, quy chế, các quy định về thời gian làm việc, về sử dụng thời gian lao động, kỷ luật lao động, khuyến khích tăng năng suất lao động bằng quy chế thưởng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật theo quy định của pháp luật.
6. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp (DN):
Để tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải:
- Trên cơ sở hiệu quả sử dụng, đa dạng hoá nguồn vốn, có cơ cấu vốn hợp lý, tiết kiệm; đúng mục đích, chế độ theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp. Người đại diện theo uỷ quyền phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi, giám sát tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến hiệu quả của vốn góp, kịp thời phát hiện các sai phạm phát sinh, tình trạng sử dụng vốn kém hiệu quả, nguy cơ mất vốn, báo cáo kịp thời chủ sở hữu. Nghiêm cấm các hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp, bao gồm: Quản lý, sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả, gây thất thoát; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích; trích lập và quản lý, sử dụng các quỹ không đúng mục đích, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; xây dựng các biện pháp để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
- Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phải trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng tài sản. Việc quản lý, sử dụng đất phải bảo đảm đúng mục đích ghi trong quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của Nhà nước xây dựng ban hành các cơ chế, quy chế, các định mức, tiêu chuẩn, chế độ quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực được Nhà nước giao, thực hiện kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính, phát hiện xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản, lao động, tài nguyên thiên nhiên.
- Thực hiện triệt để công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành, tăng lợi nhuận doanh nghiệp, các khoản ngân sách nhà nước cấp phải sử dụng đúng mục đích kinh doanh, tiết kiệm và hiệu quả.
- Hàng năm, tổ chức công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ, đánh giá tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý sử dụng các nguồn lực nhà nước giao cho DNNN, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại DNNN trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn.
7. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nhân dân:
- Bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng; không gây mất trật tự, an ninh xã hội; không gây ô nhiễm môi trường; giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, lành mạnh; tránh lãng phí làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng.
- Các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di sản văn hoá, quy hoạch chuyên ngành và quy định về bảo vệ cảnh quan môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Việc sử dụng vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác trong đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh phải trên cơ sở tiết kiệm và hiệu quả. Khuyến khích tổ chức và cá nhân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng để dành vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các hình thức đầu tư khác mà pháp luật không cấm.
- UBND cấp huyện, các đoàn thể, quần chúng thường xuyên tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng, dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hoá mới, phê phán các biểu hiện xa hoa, lãng phí, nhất là trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Căn cứ Chương trình này, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo xây dựng Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách của cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tình trạng lãng phí xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của mỗi đơn vị, địa phương bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt Chương trình của UBND tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần xác định một số nhiệm vụ cụ thể thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý để tập trung chỉ đạo; quy định cụ thể thời hạn thực hiện và hoàn thành; phân công người chịu trách nhiệm từng công việc; định kỳ, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện, gửi báo cáo qua Sở Tài chính (theo mẫu và thời gian quy định), đồng thời thông báo công khai kết quả xử lý các trường hợp vi phạm.
2. Các cơ quan thông tin báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các phương tiện thông tin truyền thông với các hình thức thích hợp và có hiệu quả; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời phê phán các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức học tập, quán triệt các chủ trương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chương trình hành động của UBND tỉnh về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến từng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thuộc phạm vi quản lý nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách và có những hành động, việc làm cụ thể tạo chuyển biến thực sự trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định của tỉnh về phân cấp quản lý ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các chính sách chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chi tiêu tài chính, cơ chế tài chính đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc quản lý và sử dụng ngân sách, vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
4. Các cơ quan, đơn vị dự toán ngân sách quán triệt tinh thần tăng cường tiết kiệm chống lãng phí, rà soát và tiếp tục hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị mình, đảm bảo sử dụng kinh phí triệt để tiết kiệm và hiệu quả.
5. Các ngành, các cấp tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính về quản lý thuế, kiểm soát chi, trong phân bổ cấp phát ngân sách.
6. Giao Sở Tài chính theo dõi, triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của UBND tỉnh năm 2014, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình này báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính theo quy định.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.