ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2009/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 20 tháng 08 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA – HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT/BVHTT-UBTDTT của Bộ Văn hóa Thông tin và Ủy ban Thể dục thể thao về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Trung tâm văn hóa – Thể thao xã, phường, thị trấn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 185/TTr-SVHTTDL ngày 22 tháng 5 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch Hội khuyến học, các Sở, Ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA – HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo QĐ số 63/2009/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chương 1.
VỊ TRÍ CHỨC NĂNG
Điều 1. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (gọi tắt là Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã) là đơn vị sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục ở cơ sở trực thuộc UBND xã, do UBND huyện, thị, thành phố (gọi tắt là UBND huyện) ra quyết định thành lập, có con dấu và tài khoản riêng.
Điều 2. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã có chức năng:
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền, thể dục, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu được thông tin, hiểu biết chủ trương, chính sách, pháp luật; sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thể chất của nhân dân địa phương góp phần phục vụ tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục, phổ biến kiến thức, sáng kiến kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng.
- Trung tâm Văn hóa, Học tập cộng đồng có tổ chức và hoạt động theo Thông tư số: 22/2007/TTLT/BVHTT-UBTDTT ngày 24/7/2007 của Bộ Văn hóa Thông tin và Ủy ban Thể dục Thể thao cũ và Quyết định số: 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn.
Chương 2.
NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN
Điều 3. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã có các nhiệm vụ chính sau:
1. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình công tác, nội dung hoạt động thường kỳ (tháng, quý, năm) và từng đợt (lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn) phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của địa phương và của ngành Văn hóa – Thể thao - Du lịch, ngành Giáo dục – Đào tạo, trình UBND xã phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.
2. Tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền gồm: Panô, băng rôn, triển lãm, sinh hoạt chuyên đề, biểu diễn chương trình tuyên truyền lưu động …
3. Tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng thường xuyên và định kỳ gồm: Biểu diễn, liên hoan, hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, mở lớp năng khiếu, sinh hoạt truyền thống, đọc sách báo, vui chơi giải trí.
4. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng; phối hợp triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các dự án, chương trình tại địa phương.
Điều tra nhu cầu học tập, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập, sinh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng. Liên kết với các đơn vị và tổ chức kinh tế, xã hội thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên ngành nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần cho mọi người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
5. Tổ chức các loại hình hoạt động Thể dục Thể thao gồm: Thể dục nhịp điệu, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền và bóng đá …
6. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ quần chúng – thể thao trong và ngoài địa phương nhằm trao đổi học tập nâng cao trình độ tổ chức hoạt động chuyên môn.
7. Quản lý, sử dụng, bảo quản tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã có các quyền sau:
1. Được liên kết với các tổ chức kinh tế xã hội, cá nhân tham gia đầu tư vào một số loại hình hoạt động dịch vụ văn hóa, học tập, Thể dục Thể thao, vui chơi giải trí, nhằm làm phong phú đa dạng các loại hình hoạt động theo hình thức xã hội hóa; đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí hoạt động cho Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã ngày một phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động.
2. Được mời các cộng tác viên, giáo viên mở các lớp năng khiếu và sở thích, các chương trình bồi dưỡng giáo dục kiến thức văn hóa – khoa học kỹ thuật ngắn hạn ở trung tâm (chương trình phải được phòng Văn hóa Thông tin, phòng Giáo dục Đào tạo đồng ý) và được chi trả chế độ bồi dưỡng theo quy định của Nhà nước.
3. Được cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn do cơ quan chuyên ngành cấp trên tổ chức.
4. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên chuyên môn nghiệp vụ nhằm duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã.
Chương 3.
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÂN SỰ
Điều 5. Bộ máy của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã gồm:
- Ban chủ nhiệm: bao gồm các thành viên thường trực là cán bộ chuyên trách, không chuyên trách (từ 5-7 người) và các thành viên không thường trực kiêm nhiệm như: đại diện ban giám hiệu trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở tại địa bàn, trạm y tế, hội khuyến học, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban bảo vệ chăm sóc trẻ em, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ … cùng tham gia điều hành và tổ chức các hoạt động tại Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã.
- Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã có các tổ chuyên môn nghiệp vụ sau:
+ Tổ văn hóa quần chúng
+ Tổ thông tin cổ động
+ Tổ thể dục thể thao
+ Tổ giáo dục, học tập cộng đồng
Điều 6. Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm trung tâm phải có trình độ trung cấp trở lên (về chuyên ngành văn hóa, giáo dục …).
- Tổ trưởng và nhân viên của các bộ phận chuyên môn phải qua các lớp đào tạo (sơ cấp, trung cấp) do ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành giáo dục – đào tạo tổ chức.
- Việc tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh của Trung tâm do UBND xã quyết định sau khi thỏa thuận thống nhất với phòng Văn hóa Thông tin, phòng Giáo dục Đào tạo và phòng Nội vụ huyện, thị, thành phố.
- Ban chủ nhiệm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể tháng, quý, năm của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã, xây dựng quy chế làm việc của Ban chủ nhiệm nhằm đảm bảo cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã.
Chương 4.
CƠ SỞ VẬT CHẤT – KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA – HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG XÃ
Điều 7. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã là thiết chế văn hóa – giáo dục thường xuyên ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Do đó, khi xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp cần đảm bảo hoạt động cho các loại hình văn hóa thể thao và học tập cộng đồng cấp xã. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã phải được quy hoạch thích hợp trong một quần thể dân cư, có mặt bằng đảm bảo tối thiểu là 1.000m2 trở lên.
a) Phòng sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề học tập cộng đồng, chiếu video, hát karaoke … (có sức chứa từ 150 người trở lên).
b) Phòng triển lãm (có thể sử dụng tiền sảnh, tường bên trong hội trường …)
c) Phòng đọc sách, báo (thư viện xã)
d) Một số phòng mở các lớp năng khiếu sở thích, lớp học tập cộng đồng.
e) Phòng trưng bày truyền thống.
f) Sân khấu ngoài trời có mái che.
g) Khu vui chơi, giải trí, sân bãi thể dục, thể thao từ 2-3m2/người
h) Khuôn viên cảnh quan, cây xanh, vườn hoa, cây cảnh và các dụng cụ hỗ trợ.
i) Các công trình phụ trợ (khu vệ sinh, bãi để xe …)
Điều 8. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã được trang bị các phương tiện chuyên dùng thiết yếu như: Máy vi tính, nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng, bộ video, bộ karaoke, panô triển lãm, bàn ghế, hội trường làm việc học tập, tủ giá sách, báo, trang thiết bị thể thao (các dụng cụ chuyên dùng theo từng môn thể thao).
Điều 9.
1. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng do nhà nước hỗ trợ và sự đóng góp của cá nhân, nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn.
2. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã là đơn vị sự nghiệp có thu, có nhiệm vụ thực hiện các khoản thu, chi theo quy định của Nhà nước về quản lý tài chính – ngân sách (bao gồm cả các khoản chi lương, trợ cấp, phụ cấp và các khoản chi thanh toán cho cá nhân theo lương, …) và được ngân sách cấp xã hỗ trợ kinh phí hoạt động nếu được xác định là loại đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí. Trong trường hợp ngân sách cấp xã không đủ để hỗ trợ thì ngân sách cấp huyện thực hiện bổ sung cho ngân sách cấp xã để đảm bảo có nguồn hỗ trợ.
3. Cán bộ trực tiếp quản lý, thực hành nhiệm vụ chuyên môn của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ và các quyết định có liên quan của UBND cấp tỉnh.
4. Đội ngũ cộng tác viên, cán bộ các ngành đoàn thể kiêm nhiệm của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ bồi dưỡng, thù lao, tạo điều kiện ổn định tổ chức và hoạt động.
5. Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã chủ động tạo nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, học tập, hội phí sinh hoạt CLB sở thích … theo đúng quy định pháp luật để phát triển hoạt động, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên.
Chương 5.
MỐI QUAN HỆ CỦA TRUNG TÂM VĂN HÓA – HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG XÃ
Điều 10. Đối với cấp xã, phường, thị trấn:
- Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý kiểm tra trực tiếp về việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động của Đảng ủy, UBND xã.
- Đối với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội khác trong xã, phường, thị trấn Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã có mối quan hệ phối hợp, vận động, hỗ trợ liên kết thực hiện nghĩa vụ theo chức năng nhiệm vụ và kế hoạch tổ chức các hoạt động tại Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã.
Điều 11. Đối với cấp huyện, thị, thành phố:
Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã chịu sự quản lý nhà nước của Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Giáo dục – Đào tạo, huyện, thị, thành phố về các mặt hoạt động văn hóa thông tin, giáo dục đào tạo và kế hoạch, chỉ tiêu hàng năm. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, thị, thành phố.
Điều 12. Đối với cấp tỉnh:
- Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã là đơn vị hoạt động sự nghiệp thuộc hệ thống chuyên ngành Văn hóa Thông tin và giáo dục cộng đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và chỉ đạo theo chức năng của Nhà nước quy định.
- Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã nằm trong hệ thống thiết chế hoạt động của Nhà văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, được Trung tâm văn hóa, Trung tâm Thể dục Thể thao, Trung tâm Giáo dục Thường Xuyên, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Thư viện, Bảo tàng, Đoàn ca múa nhạc tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ quản lý và chuyên môn.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.
1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm lập kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hướng dẫn, triển khai quy chế này.
2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các ban ngành chức năng phối hợp các tổ chức đoàn thể có liên quan ở huyện, các xã, phường, thị trấn xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chức năng, kế hoạch hoạt động hằng năm của Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã.
3. Chủ tịch UBND xã, chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa Học tập cộng đồng xã, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo có quan hệ về quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống hoạt động Trung tâm văn hóa – Nhà văn hóa các huyện, thị, thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch, biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện quy chế này.
Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề chưa phù hợp cần phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.