UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2006/QĐ-UBND | Thị xã Cao Lãnh, ngày 18 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI, SIÊU THỊ TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, về công tác Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2010;
Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22 tháng 07 năm 2003 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án Quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ;
Xét đề nghị của Giám đốc các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Thương mại - Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển các Trung tâm thương mại và siêu thị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, với những nội dung kinh tế kỹ thuật chủ yếu như sau:
1. Quan điểm định hướng
Trong thời kỳ từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo cần phát triển các Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như một loại hình thương mại phổ biến và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống thương mại, nhất là thương mại ở các đô thị lớn của Tỉnh, đồng thời với việc quan tâm phát triển các loại hình thương mại khác như chợ, cửa hàng cửa hiệu…
- Bố trí các Trung tâm thương mại, siêu thị phù hợp và tương xứng với khả năng phát triển kinh tế của từng vùng, theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh đề ra, nhất là tập trung phát triển hệ thống thương mại vùng biên giới như: cửa khẩu Dinh Bà thuộc huyện Tân Hồng, cửa khẩu Thường Phước và khu Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự.
- Quy họach phát triển các Trung tâm thương mại, siêu thị phải có diện tích mặt bằng phù hợp với từng địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sức mua trong một thời gian dài, nhất là mặt bằng dành cho phương tiện đi lại của khách hàng, nhằm thu hút khách hàng nhiều hơn; xây dựng các Trung tâm thương mại, siêu thị tại các đô thị tập trung dân cư, sức mua lớn, có điều kiện để mở rộng giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng, trong cả nước và với các nước trên thế giới.
- Xây dựng quy hoạch các Trung tâm thương mại, siêu thị phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị, quy hoạch chi tiết với quy họach tổng thể xây dựng của Tỉnh... trong thời kỳ từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; quy họach các Trung tâm thương mại, siêu thị phải gắn kết với các quy họach khác, đặc biệt là quy họach xây dựng và chỉnh trang đô thị, quy họach xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cây xanh, cấp thóat nước nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững.
- Mỗi Trung tâm thương mại, siêu thị cần được xem như hạt nhân cơ bản để qui tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán trong vùng, khu vực và từ đó tạo cơ sở để phát triển các loại hình thương nghiệp khác. Trong đó, Trung tâm thương mại, siêu thị sẽ là hạt nhân để phát triển thành các khu thương mại tập trung.
- Kết hợp phát triển các Trung tâm thương mại, siêu thị với các loại hình thương mại khác như chợ, cửa hàng, cửa hiệu.
2. Mục tiêu Quy hoạch
- Quy họach Trung tâm thương mại, siêu thị nhằm mục tiêu thúc đẩy, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh, dịch vụ của Tỉnh, thúc đẩy vai trò hạt nhân trong việc giao lưu hàng hóa và đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn Tỉnh.
- Làm cơ sở cho ngành Thương mại lập kế hoạch đầu tư phát triển các Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Tỉnh gắn với quá trình triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong Tỉnh.
- Xây dựng các Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Tỉnh vừa đảm bảo phục vụ cho nhu cầu mua bán của dân cư, vừa đảm bảo tính liên kết theo hệ thống với các loại hình kinh doanh khác, tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa được mở rộng và gắn kết giữa Đồng Tháp với các tỉnh trong cả nước, với thị trường khu vực và thế giới.
- Đảm bảo các điều kiện để hoạt động của Trung tâm thương mại, siêu thị phù hợp với yêu cầu tổ chức không gian kinh tế, không gian đô thị, phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng; đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại.
3. Quy hoạch phát triển các Trung tâm thương mại, siêu thị đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
3.1. Quy hoạch phát triển Trung tâm thương mại:
Từ nay đến năm 2020, trên địa bàn Tỉnh sẽ xây dựng 03 trung tâm thương mại là Trung tâm thương mại thị xã Cao Lãnh, Trung tâm Thương mại Sa Đéc và Trung tâm Thương mại Hồng Ngự.
3.1.1. Trung tâm Thương mại thị xã Cao Lãnh:
- Quy mô: Trung tâm Thương mại thị xã Cao Lãnh được xây dựng trong giai đoạn 2006 - 2010 với tổng diện tích sàn từ 30.000m2 - 40.000m2, đạt tiêu chí trung tâm thương mại hạng II, độ cao theo quy hoạch không gian kiến trúc đô thị, vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được trang bị các phương tiện làm việc và phương tiện giao dịch có trình độ tiên tiến và hiện đại.
- Địa điểm xây dựng: Trung tâm Thương mại thị xã Cao Lãnh được xây dựng tại khu quy hoạch xây dựng Trung tâm Tài chính - Thương mại của Tỉnh, với tổng diện tích 1.260.000 m2; diện tích đất dành cho xây dựng Trung Tâm thương mại là 60.000m2.
3.1.2. Trung tâm Thương mại Sa Đéc:
- Quy mô: Trung tâm Thương mại Sa Đéc được xây dựng trong giai đoạn 2006 - 2010 với tổng diện tích sàn là 30.000m2, đạt tiêu chí trung tâm thương mại hạng II, độ cao theo quy hoạch không gian kiến trúc đô thị, được trang bị các phương tiện làm việc và phương tiện giao dịch có trình độ tiên tiến và hiện đại.
- Địa điểm xây dựng: Trung tâm Thương mại Sa Đéc được xây dựng tại khu quy hoạch xây dựng Trung tâm Tài chính - Thương mại của thị xã Sa Đéc, có tổng diện tích là 70.000m2; diện tích đất để xây dựng Trung tâm Thương mại là 30.000m2.
3.1.3. Trung tâm Thương mại Hồng Ngự:
- Quy mô: Trung tâm Thương mại Hồng Ngự được xây dựng hoàn chỉnh trong giai đoạn 2011- 2015 với tổng diện tích sàn từ 10.000m2 - 20.000m2, đạt tiêu chí trung tâm thương mại hạng III, được trang bị các phương tiện làm việc và phương tiện giao dịch có trình độ tiên tiến và hiện đại. Trong giai đoạn 2006 - 2010 sẽ xây dựng một số hạng mục trong Trung tâm Thương mại như siêu thị, ngân hàng, thông tin liên lạc, bãi đỗ xe...
- Địa điểm xây dựng: Trung tâm thương mại Hồng Ngự được xây dựng tại khu thương mại tập trung của Huyện, với tổng diện tích đất là 76.500m2, bao gồm nhiều loại hình kinh doanh thương mại như Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ, bến chợ, khu nhà ở kết hợp kinh doanh thương mại...
3.2. Quy hoạch phát triển siêu thị:
3.2.1. Tại thị xã Cao Lãnh:
Ngoài việc đầu tư, nâng cấp Siêu thị Đồng Tháp hiện có, từ nay đến năm 2010 cần phải xây dựng thêm 01 siêu thị mới. Siêu thị mới kinh doanh tổng hợp kết hợp bán buôn và bán lẻ, diện tích kinh doanh là 5.000m2, đạt tiêu chuẩn siêu thị hạng I, địa điểm xây dựng cụ thể do nhà đầu tư lựa chọn trên cơ sở thỏa thuận với Uỷ ban nhân dân thị xã Cao Lãnh (khu Nghi Xuân hoặc khu quy hoạch xây dựng Trung tâm Tài chính - Thương mại của Tỉnh).
3.2.2. Tại huyện Hồng Ngự:
Ngoài trung tâm Thương mại tại huyện Hồng Ngự, xây dựng mới 02 siêu thị: 01 tại thị trấn Thường Thới Tiền, 1 tại Khu bảo thuế (Khu Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước).
- Siêu thị Thường Phước: Là siêu thị kinh doanh tổng hợp các mặt hàng trong nước, hàng nhập khẩu từ Campuchia và hàng hoá của các nước qua cửa khẩu quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhân dân khu vực biên giới thuộc tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Preyveng của Campuchia và du khách đến từ mọi miền đất nước; dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2011-2015, với diện tích kinh doanh khoảng 2.000m2, đạt tiêu chuẩn siêu thị hạng II.
- Siêu thị Thường Thới Tiền: theo Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, sẽ hình thành thị trấn Thường Thới Tiền là thị trấn huyện lỵ mới. Ngoài ra, thị trấn Thường Thới Tiền cũng có định hướng phát triển thành trung tâm của Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Tháp. Trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ xây dựng siêu thị Thường Thới Tiền với diện tích kinh doanh khoảng 2.000m2, đạt tiêu chí siêu thị hạng II.
3.2.3. Tại huyện Châu Thành:
Trong giai đoạn 2011- 2015 sẽ đầu tư xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thị trấn Cái Tàu Hạ, với diện tích kinh doanh khoảng 2.500 m2, đạt tiêu chí siêu thị hạng II.
3.2.4. Tại huyện Lai Vung:
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư trên địa bàn huyện Lai Vung, dự kiến giai đoạn 2011- 2020 sẽ xây dựng 03 siêu thị tại Huyện, đạt tiêu chí siêu thị hạng II, cụ thể là:
- Siêu thị Lai Vung là siêu thị kinh doanh tổng hợp, được xây dựng trong giai đoạn 2011- 2015 tại Khu đô thị hành chính của Huyện, với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2.
- Siêu thị Tân Thành là siêu thị kinh doanh tổng hợp, phục vụ cho Khu công nghiệp Sông Hậu và vùng lân cận, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2011- 2015 với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2.
- Siêu thị Phong Hòa là siêu thị kinh doanh tổng hợp, được xây dựng trong giai đoạn 2016- 2020 tại Khu đô thị Phong Hòa với diện tích kinh doanh khoảng 2.000m2.
3.2.5. Tại huyện Lấp Vò:
Dự kiến trong giai đoạn 2011- 2015 sẽ xây dựng Siêu thị Lấp Vò, đây là siêu thị kinh doanh tổng hợp, địa điểm xây dựng tại ấp Bình Thành 1, thị trấn Lấp Vò (Khu vực chợ Lấp Vò mở rộng), với diện tích kinh doanh là 2.500m2.
3.2.6. Tại huyện Thanh Bình:
Trong giai đoạn 2006- 2015 sẽ xây dựng 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp, tại ngã ba Thanh Bình - Tam Nông (phía Phòng Giao thông- Xây dựng), với diện tích kinh doanh khoảng 5.300m2.
3.2.7. Tại huyện Tháp Mười:
Từ nay đến năm 2010 sẽ xây dựng tại thị trấn Mỹ An 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp, với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2. Giai đoạn 2011– 2015 xây dựng tiếp 01 siêu thị kinh doanh tổng hợp tại Khu thương mại Trường Xuân với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2.
3.2.8. Tại huyện Tân Hồng:
Dự kiến trong giai đoạn 2011- 2020 sẽ xây dựng 03 siêu thị như sau:
- Siêu thị Tân Hồng là siêu thị kinh doanh tổng hợp được xây dựng trong giai đoạn 2011- 2015 tại ấp 1 - thị trấn Sa Rài, với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2.
- Siêu thị Giồng Găng là siêu thị kinh doanh tổng hợp được xây dựng trong giai đoạn 2016- 2020 tại Giồng Găng - Tân Phước, với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2.
- Siêu thị Dinh Bà là siêu thị kinh doanh tổng hợp, được xây dựng trong giai đoạn 2011-2015 tại Khu Cửa khẩu Quốc gia Dinh Bà, với diện tích kinh doanh khoảng 2.000m2.
3.2.9. Tại huyện Cao Lãnh:
Dự kiến đến năm 2020 xây dựng 02 siêu thị trên địa bàn Huyện như sau:
- Siêu thị Mỹ Thọ được xây dựng tại thị trấn Mỹ Thọ. Đây là siêu thị kinh doanh tổng hợp, được xây dựng trong giai đoạn 2011- 2015, với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2.
- Siêu thị Mỹ Hiệp được xây dựng tại thị trấn Mỹ Hiệp. Đây là siêu thị kinh doanh tổng hợp, được xây dựng trong giai đoạn 2016- 2020 với diện tích kinh doanh khoảng 2.000m2.
3.2.10. Tại huyện Tam Nông:
Trong thời kỳ 2011- 2020, trên địa bàn huyện Tam Nông sẽ xây dựng 02 siêu thị như sau:
- Siêu thị Tam Nông là siêu thị kinh doanh tổng hợp được xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2015 tại thị trấn Tràm Chim, với diện tích kinh doanh khoảng 2.500m2.
- Siêu thị An Long là siêu thị kinh doanh tổng hợp được xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020, tại thị trấn An Long với diện tích kinh doanh khoảng 2.000m2.
3.3. Quy hoạch các Siêu thị chuyên doanh:
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển loại hình siêu thị chuyên doanh, nhưng phải đảm bảo tiêu chí siêu thị chuyên doanh theo quy định của Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
3.4. Xây dựng mô hình tổ chức quản lý Trung tâm thương mại, siêu thị:
Thực hiện theo Quy chế Siêu thị, Trung tâm thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trung tâm thương mại có thể là một doanh nghiệp độc lập hoặc là đơn vị trực thuộc của một doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại.
4. Về vốn đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị
Tổng số vốn đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị của Tỉnh thời kỳ 2006- 2020 là 633,5 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2006 - 2010 là 456,5 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 147 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 30 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn: nguồn vốn xây dựng quy họach Trung tâm thương mại, siêu thị của tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2006-2020 chủ yếu thực hiện theo hướng kêu gọi thu hút đầu tư từ ngoài Tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp tự bỏ vốn để đầu tư, hợp tác hùn vốn đầu tư bằng nhiều hình thức; Ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ một phần như hệ thống giao thông, điện, nước và cho vay để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng tùy theo từng dự án cụ thể. Nguồn Ngân sách địa phương hỗ trợ chủ yếu lấy từ nguồn khai thác quỹ đất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; ngoài ra, tranh thủ vốn hỗ trợ từ Trung ương; dự kiến cơ cấu nguồn vốn như sau:
- Vốn của doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân và vốn vay là: 506,8 tỷ đồng (chiếm 80%)
- Ngân sách Tỉnh, huyện, thị xã hỗ trợ cho vay bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng: 63,35 tỷ đồng (chiếm 10%).
- Ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: 63,35 tỷ đồng (chiếm 10%).
5. Lộ trình thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trên địa bàn Tỉnh sẽ xây dựng 03 Trung tâm thương mại là Trung tâm Thương mại thị xã Cao Lãnh, Trung tâm Thương mại Sa Đéc, Trung tâm Thương mại Hồng Ngự và 18 siêu thị tại các huyện, thị xã trong Tỉnh. Trong điều kiện nguồn vốn còn khó khăn, cần ưu tiên đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại thị xã Cao Lãnh và Trung tâm Thương mại Sa Đéc. Đối với các siêu thị, nếu có nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp sẽ cho phép phát triển, không phụ thuộc vào phân kỳ đầu tư.
6. Các giải pháp phát triển Trung tâm thương mại, siêu thị Tỉnh
6.1. Các giải pháp và chính sách huy động vốn đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị:
Về cơ bản, các nguồn vốn đầu tư xây dựng các Trung tâm thương mại, siêu thị là vốn của các nhà đầu tư (vốn của các doanh nghiệp, vốn vay tín dụng, vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân…), Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng:
- Đối với nguồn vốn ngân sách: tùy theo từng dự án cụ thể, Nhà nước sẽ xem xét theo đề nghị để hỗ trợ kinh phí theo hình thức cấp hoặc cho vay.
- Đối với nguồn vốn đầu tư xã hội: khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển loại hình này bằng các hình thức: Nhà đầu tư có thể ứng tiền để Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, sau đó Nhà nước xác định giá đất theo mục đích sử dụng mới, giao lại cho nhà đầu tư hoặc dưới hình thức nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng mục đích sử dụng đất trực tiếp với người có quyền sử dụng đất hợp pháp để đầu tư dự án.
6.2. Giải pháp tăng cường công tác tổ chức và quản lý Trung tâm thương mại, siêu thị:
- Hướng dẫn, kiểm tra thương nhân kinh doanh Trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện tiêu chuẩn và phân hạng Trung tâm thương mại, siêu thị.
- Hướng dẫn thương nhân kinh doanh Trung tâm thương mại, siêu thị xây dựng nội quy Trung tâm thương mại, siêu thị.
- Quản lý các hoạt động kinh doanh của Trung tâm thương mại, siêu thị theo đúng quy định của Pháp luật.
- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, các tiêu chuẩn nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh Trung tâm thương mại, siêu thị.
- Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản trị kinh doanh Trung tâm thương mại, siêu thị.
- Kiểm tra hoạt động kinh doanh của các Trung tâm thương mại, siêu thị và xử lý vi phạm theo quy định của Pháp luật.
- Tăng cường liên doanh, liên kết với các Trung tâm thương mại trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cả nước và quốc tế; tạo mối liên kết chuỗi với các Trung tâm thương mại, siêu thị, rút kinh nghiệm trong việc điều hành quy hoạch, xây dựng, khai thác, quản lý các Trung tâm thương mại một cách hiệu quả trong điều kiện mở cửa và hội nhập với nền kinh tế thế giới.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và vận động đầu tư, xây dựng thương hiệu cho các siêu thị chuyên ngành và tổng hợp, làm cơ sở để hướng dẫn tập quán tiêu dùng trong dân cư theo hướng văn minh hiện đại.
- Tham gia hiệp hội kinh doanh siêu thị để đảm bảo lợi ích của thương nhân kinh doanh siêu thị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Giao Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch và Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch, đảm bảo sự thống nhất giữa Quy hoạch phát triển các Trung tâm thương mại và siêu thị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; Quy họach phát triển ngành, lĩnh vực của các ngành Tỉnh; chiến lược và định hướng phát triển ngành Thương mại - Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Định kỳ hàng năm (chậm nhất ngày 20/10) Sở Thương mại - Du lịch phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và các huyện, thị xã tổ chức sơ kết báo cáo kết quả, kể cả các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung (nếu có) trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.