ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 623/QĐ-UBND | Hải Phòng, ngày 05 tháng 04 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 18/6/2012;
Căn cứ Quyết định số 877/2004/QĐ/CTN ngày 11/11/2004 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá;
Căn cứ Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá;
Căn cứ Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 24/SYT-TTr ngày 25/3/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” tại thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, tổ chức đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN “CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐẾN NĂM 2020” TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 623/QĐ-UBND ngày 05/4/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 18/6/2012;
Căn cứ Quyết định số 877/2004/QĐ/CTN ngày 11/11/2004 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá;
Căn cứ Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá;
Căn cứ Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”;
Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” như sau:
I. QUAN ĐIỂM:
1. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá phải được sự quan tâm của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị và phải được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, có tính chất liên ngành.
2. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo và phải được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng.
4. Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại thuốc lá.
5. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.
Il. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Giảm nhu cầu sử dụng, tăng cường kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường thành phố nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
2.1. Giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong một số nhóm đối tượng sau:
- Thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi): Giảm xuống 18% vào năm 2020;
- Nam giới: Giảm xuống 39% vào năm 2020;
- Nữ giới: Giảm xuống dưới 1,4% vào năm 2020.
2.2. Tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường “Không khói thuốc lá”.
III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Nhiệm vụ:
- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Nâng cao nhận thức của mọi người dân về tác hại của thuốc lá; trên cơ sở đó nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình và huy động cả cộng đồng trong việc tham gia triển khai thực hiện xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, “Không khói thuốc lá” nhằm giảm dần số người hút thuốc lá và giảm thiểu tình trạng phơi nhiễm khói thuốc lá, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe người dân.
- Kiểm soát chặt chẽ việc thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; từng bước giảm nhu cầu sử dụng và giảm nguồn cung cấp thuốc lá.
2. Các nhóm giải pháp chủ yếu:
2.1. Nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác cụ thể hàng năm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; nhất là kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị, trường học và ở cơ sở. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và bổ khuyết các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học, địa bàn dân cư xây dựng kế hoạch hành động với các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng cơ quan, đơn vị, cộng đồng văn hóa và xây dựng môi trường lành mạnh, “Không khói thuốc lá”; thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, học tập và nơi công cộng.
- Chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc lá.
- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, v.v... trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động và xây dựng các mô hình “Không khói thuốc lá”.
2.2. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, vận động:
- Tiếp tục quán triệt, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; chú trọng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 12/01/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 28/11/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Đẩy mạnh và đổi mới các biện pháp, nội dung công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá và phơi nhiễm khói thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân. Thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình tuyên truyền chăm sóc sức khỏe và với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; chú trọng hình thức thông tin, tuyên truyền, vận động trực tiếp trong cộng đồng; nhất là tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội, gia đình không sử dụng thuốc lá trong các cuộc hội họp, gặp mặt, cuộc vui gia đình, bạn bè, tang lễ và vận động đối tượng đang sử dụng thuốc lá thay đổi hành vi, từ bỏ sử dụng thuốc lá. Tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sản xuất, từng bước hạn chế trồng cây thuốc lá, thuốc lào.
- Tổ chức triển khai thí điểm các mô hình “Không khói thuốc lá”; trên cơ sở đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
2.3. Nhóm giải pháp về tổ chức và nhân lực:
- Thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương.
- Phân công bộ phận chức năng và bố trí cán bộ trong các Sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi và làm đầu mối phối hợp liên ngành chống tác hại của thuốc lá. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và địa bàn dân cư; thường xuyên tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin pháp luật, kiến thức về tác hại của thuốc lá và bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ, cộng tác viên tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng thanh kiểm tra chuyên ngành của các ngành chức năng và các địa phương về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành theo chuyên đề, địa bàn về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tăng cường hỗ trợ cho lực lượng quản lý thị trường, chống buôn lậu thuốc lá tại các cửa khẩu và trên biển.
2.4. Nhóm giải pháp về thực hiện chính sách, pháp luật:
- Triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các văn bản pháp luật của Nhà nước ban hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố. Phổ biến, cung cấp rộng rãi các văn bản, tài liệu hướng dẫn về thực hiện môi trường “Không khói thuốc”.
- Trên cơ sở quy hoạch kinh doanh thuốc lá của cả nước được Chính phủ phê duyệt; xây dựng quy hoạch kinh doanh thuốc lá của thành phố, bao gồm quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc lá, quy hoạch sản xuất thuốc lá, quy hoạch mạng lưới kinh doanh thuốc lá.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh thuốc lá, tiêu chuẩn chất lượng thuốc lá, nhập khẩu thuốc lá và các hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm pháp luật theo quy định.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các cửa khẩu và trên biển; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu thuốc lá.
- Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá, thuốc lào và công nhân sản xuất thuốc lá theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Đưa việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí dựng nếp sống văn hóa. Thường xuyên động viên, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2.5. Nhóm giải pháp về tài chính:
- Hàng năm bố trí ngân sách thành phố phù hợp cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đảm bảo cho các ngành chức năng triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện pháp luật.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; huy động sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước ngoài.
- Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các phương pháp cai nghiện thuốc lá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.
2.6. Các giải pháp khác:
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ nước ngoài trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án “Xây dựng Hải Phòng - Thành phố không khói thuốc lá” do Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (CFTFK) tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu và Trợ giúp phát triển cộng đồng (CDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tranh thủ nguồn lực của Dự án để tổ chức điều tra, khảo sát tỷ lệ hút thuốc lá trong các nhóm đối tượng, đánh giá thực trạng sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của những người liên quan đến lĩnh vực trồng và sản xuất thuốc lá. Xây dựng phương án di dời cơ sở sản xuất thuốc lá ra xa khu vực dân cư theo quy hoạch của Nhà nước và thành phố để giảm thiểu tác động môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các giai đoạn thực hiện Kế hoạch hành động:
1.1. Giai đoạn 1 (2012 - 2015): Tập trung vào việc phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực thi quy định về môi trường “Không khói thuốc lá”; đẩy mạnh thực hiện Dự án “Xây dựng Hải Phòng - Thành phố không khói thuốc lá”; tổ chức điều tra, khảo sát tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong các nhóm đối tượng; củng cố tổ chức, mạng lưới và nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
1.2. Giai đoạn 2 (2016 - 2020): Tiếp tục tăng cường thực thi quy định môi trường “Không khói thuốc lá”; đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá cuối kỳ về tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá.
2. Phân công trách nhiệm:
2.1. Sở Y tế:
- Là cơ quan thường trực về phòng, chống tác hại của thuốc lá, có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố và Ban chỉ đạo thành phố về Phòng, chống tác hại của thuốc lá xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch liên ngành phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Chủ trì tổ chức thực hiện, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các cấp, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường “Không khói thuốc lá”.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá và vận động, hướng dẫn người dân đang sử dụng thuốc lá từ bỏ sử dụng thuốc lá; xây dựng hệ thống mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực cho lực lượng thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Chủ trì triển khai Dự án “Xây dựng Hải Phòng - Thành phố không khói thuốc lá”. Quản lý nhà nước đối với các cơ sở cai nghiện thuốc lá và triển khai, hướng dẫn các phương pháp cai nghiện thuốc lá.
- Định kỳ tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế theo quy định.
2.2. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:
- Chỉ đạo đưa tiêu chí môi trường “Không khói thuốc lá” vào chương trình xây dựng nếp sống văn hóa; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa không mời và không sử dụng các sản phẩm thuốc lá; đưa nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá trên các loại hình văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh và hoạt động thể thao, lễ hội; xây dựng các địa điểm du lịch “Không khói thuốc lá”.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra chuyên ngành; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá và việc không nhận tài trợ, không đưa thông tin về tài trợ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá.
2.3. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và việc không đưa thông tin quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc lá trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá và phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá.
2.4. Sở Công thương:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện xây dựng quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; triển khai thí điểm việc cấp phép các điểm bán lẻ thuốc lá theo chỉ đạo của Bộ Công thương.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và xây dựng các đề án thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá, công nhân sản xuất thuốc lá.
- Chủ trì, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường phòng, chống có hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá không in cảnh báo sức khỏe theo quy định.
2.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước giảm diện tích trồng thuốc lá, thuốc lào. Nghiên cứu và xây dựng các đề án thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá, thuốc lào theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tăng cường quản lý vùng trồng cây thuốc lá, thuốc lào và sản xuất nguyên liệu thuốc lá đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn.
2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình giảng dạy của cấp học, bậc học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên trong ngành Giáo dục về các quy định pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá và phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá; thông qua học sinh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh thực hiện không hút thuốc lá. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng mô hình “Trường học không khói thuốc lá”.
2.7. Sở Tài chính: Đảm bảo phân bổ nguồn ngân sách Trung ương và bố trí ngân sách địa phương phù hợp cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; hướng dẫn, giám sát việc sử dụng ngân sách theo đúng quy định hiện hành.
2.8. Sở Nội vụ: Đưa việc thực hiện quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện mô hình “Không khói thuốc lá” vào tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa và tiêu chuẩn bình xét thi đua của năm. Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2.9. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính bảo đảm ngân sách cho Kế hoạch hành động của thành phố thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020. Giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch hành động của thành phố và các ngành, địa phương.
2.10. Công an thành phố: Tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các đơn vị trực thuộc. Phối hợp với Sở Công thương và các ngành chức năng đẩy mạnh công tác phòng, chống kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp; tham gia xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
2.11. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng: Tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các đơn vị trực thuộc. Phối hợp với các ngành chức năng tham gia công tác chống buôn lậu thuốc lá.
2.12. Cục Thuế Hải Phòng: Triển khai thực hiện các quy định pháp luật về lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá.
2.13. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể:
- Có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá và phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về sử dụng thuốc lá cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên, hội viên. Chỉ đạo xây dựng các mô hình tổ chức, cơ quan, đơn vị “Không khói thuốc lá” và các mô hình sinh hoạt “Không khói thuốc lá” tại cộng đồng.
2.14. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
- Có trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 tại địa phương.
- Chủ động huy động nguồn lực, bố trí bổ sung ngân sách địa phương hàng năm cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá theo quy định về cơ quan đầu mối là Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.