ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 62/2006/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 21 tháng 7 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC THU, QUẢN LÝ HỌC PHÍ Ở CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Thông tư số 54/1998/TTLT-BGD&ĐT-BTC ngày 31/8/1998 của Liên Bộ Giáo dục & Đào tạo - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lâp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư Liên tịch số 38/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTC ngày 22/8/2001 của Liên Bộ Giáo dục & Đào tạo - Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung Thông tư số 54/1998/TTLT-BGD&ĐT-BTC ngày 31/8/1998;
Căn cứ Nghị quyết số 44/2006/NQ-HĐND ngày 10/7/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về chế độ thu học phí trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Xét đề nghị của Liên Sở: Tài chính - Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 169/LS-TC-GDĐT ngày 15/5/2006 về việc điều chỉnh mức thu học phí hệ công lập các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và cao đẳng trong tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức thu, quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2.
1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các văn bản sau:
- Quyết định số 56/1998/QĐ/UBBT ngày 28/8/1998 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thu học phí ở các trường mẫu giáo, phổ thông, trung học chuyên nghiệp công lập trong Tỉnh;
- Quyết định số 176 QĐ/UBBT ngày 25/01/1997 của UBND tỉnh Bình Thuận về quy định tạm thời mức thu học phí hệ A ngành học Mầm non;
- Công văn số 1999/UBBT-PPLT ngày 07/9/2001 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh tỷ lệ phân phối sử dụng nguồn thu học phí hệ công lập (phần 20%).
2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
MỨC THU, QUẢN LÝ HỌC PHÍ Ở CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/2006/QĐ-UBND ngày 21/7/2006 của UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc chung
Học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là khoản đóng góp của gia đình hoặc bản thân học sinh, sinh viên để cùng Nhà nước đảm bảo các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Điều 2. Đối tượng thu học phí
Học sinh, sinh viên đang theo học ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Chương II
MỨC THU VÀ QUẢN LÝ NGUỒN THU
Điều 3. Mức thu học phí
1. Bậc học mầm non:
a) Khu vực thành phố, thị xã, thị trấn:
- Nhà trẻ: 40.000 đồng/học sinh/tháng
- Mẫu giáo: 40.000 đồng/học sinh/tháng
- Mẫu giáo bán trú: 80.000 đồng/học sinh/tháng
b) Khu vực còn lại:
- Nhà trẻ: 20.000 đồng/học sinh/tháng
- Mẫu giáo: 15.000 đồng/học sinh/tháng
- Mẫu giáo bán trú: 20.000 đồng/học sinh/tháng
2. Trung học cơ sở:
a) Khu vực thành phố, thị xã, thị trấn: 20.000 đồng/học sinh/tháng
b) Khu vực còn lại: 10.000 đồng/học sinh/tháng
3. Trung học phổ thông:
a) Khu vực thành phố, thị xã, thị trấn: 35.000 đồng/học sinh/tháng
b) Khu vực còn lại: 25.000 đồng/học sinh/tháng
4. Trung học chuyên nghiệp:100.000 đồng/học sinh/tháng
5. Cao đẳng: 150.000 đồng/sinh viên/tháng
Đối với các trường thuộc địa bàn các xã Tiến Thành, Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và phường Phú Tài (thành phố Phan Thiết), xã Tân Hải, Tân Tiến, Tân Phước và Tân Bình (thị xã La Gi) được áp dụng mức thu theo quy định của khu vực còn lại nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 3 của Quy định này.
Điều 4. Tổ chức thu, quản lý và sử dụng quỹ học phí
1. Học phí được thu theo từng học sinh và chia làm 2 lần vào đầu học kỳ I và đầu học kỳ II của mỗi năm học;
2. Các cơ sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổ chức thu, nộp học phí theo đúng quy định hiện hành;
3. Chứng từ thu: sử dụng biên lai thu học phí do cơ quan thuế thống nhất phát hành;
4. Quản lý và sử dụng nguồn thu học phí: giao trách nhiệm cho Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế quy định tỷ lệ sử dụng học phí (trên cơ sở quy định tại các Thông tư hướng dẫn của Liên Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tài chính) phù hợp với tình hình thực tế từng năm học trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Chương III
CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM
Điều 5. Đối tượng miễn giảm
1. Miễn 100% học phí:
a) Học sinh đang học bậc tiểu học;
b) Học sinh, sinh viên là con của liệt sĩ;
c) Học sinh, sinh viên là con của thương binh, bệnh binh và con của những người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 61% trở lên (quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ);
d) Học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại huyện Phú Quý và các thôn, xã thuộc khu vực 3 đã được Ủy ban Dân tộc công nhận tại Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 25/5/1997 và Quyết định số 26/1998/QĐ-UB ngày 18/3/1998;
e) Học sinh, sinh viên bị tàn tật (suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên) được Trung tâm y tế, Bệnh viện huyện, thị xã, thành phố hoặc Hội đồng giám định y khoa tỉnh xác nhận;
f) Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ;
g) Học sinh là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các Trường phổ thông dân tộc nội trú;
h) Sinh viên ngành sư phạm khi vào học có cam kết sau khi tốt nghiệp phục vụ trong ngành sư phạm theo điều động của tỉnh;
i) Học sinh, sinh viên là con gia đình thuộc diện nghèo (có giấy chứng nhận hộ nghèo).
2. Xét giảm 50% học phí:
a) Học sinh, sinh viên là con của thương binh, bệnh binh và con của những người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 21% đến 60% (quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ);
b) Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (trừ số người đang theo học tại các Trường phổ thông dân tộc nội trú);
c) Học sinh, sinh viên là con của cán bộ công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hưởng trợ cấp thường xuyên.
Điều 6. Thủ tục xét miễn giảm
1. Gia đình học sinh, sinh viên làm đơn có xác nhận của chính quyền địa phương, nhà trường tổ chức họp hội đồng xét duyệt cho các đối tượng học sinh, sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng đóng góp hoặc không đóng góp được toàn bộ. Hội đồng xét duyệt bao gồm: Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, Hội cha mẹ học sinh và đại diện đoàn thể nhà trường;
2. Cuối học kỳ, các trường tổng hợp danh sách học sinh được miễn giảm gởi lên Phòng Giáo dục (đối với các trường trực thuộc phòng Giáo dục). Sau khi có kết quả phê duyệt, Phòng Giáo dục tổng hợp gởi về Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thị xã, thành phố để theo dõi;
3. Đối với các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tổng hợp danh sách học sinh, sinh viên được miễn giảm gởi về Sở chủ quản kiểm tra phê duyệt đồng thời gởi một bản đến UBND huyện, thị xã, thành phố (nơi trường đóng) để theo dõi;
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Mức thu học phí tại quy định này được áp dụng kể từ năm học 2006-2007.
Điều 8. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh, cần báo cáo kịp thời về UBND Tỉnh (thông qua Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế) để xem xét giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.