UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2006/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
"VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN VÀ BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG TY TNHH NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN KINH DOANH DỊCH VỤ NHÀ HÀ NỘI"
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 63/2001/NĐ-CP ngày 14/9/2001 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thành Công ty TNHH một thành viên; Nghị định số 145/2005/NĐ-CP ngày 21/11/2005 của Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định số 63/2001/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 60/2006/QĐ-UB ngày 09/5/2006 của UBND Thành phố về việc chuyển Công ty Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê chuẩn và ban hành kèm theo Quyết định này bản Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội, gồm 9 Chương và 38 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở Ban, Ngành Thành phố có liên quan, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Chủ tịch và Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN KINH DOANH DỊCH VỤ NHÀ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo theo Quyết định số 61/2006/QĐ-UB ngày 09/5/2006 của UBND thành phố Hà Nội)
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999.
Căn cứ Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 14/9/2001 của Chính phủ về chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Nghị định số 145/2005/NĐ-CP ngày 21/11/2005 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2001/NĐ-CP.
Căn cứ Nghị định 153/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ về việc tổ chức, quản lý Tổng Công ty Nhà nước và chuyển đổi Tổng Công ty Nhà nước, Công ty Nhà nước độc lập theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
Căn cứ Nghị định 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty Nhà nước.
Căn cứ Quyết định số 60/2006/QĐ-UB ngày 09/5/2006 của UBND Thành phố Hà Nội về việc chuyển Công ty Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội.
Căn cứ điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.
Các quy định của Điều lệ này là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Giải thích từ ngữ
1. Trừ trường hợp các điều khoản của Điều lệ này quy định khác, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) “Luật Doanh nghiệp nhà nước” là Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003.
b) “Luật Doanh nghiệp” là Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999.
c) “Công ty” là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội.
d) “Chủ sở hữu” là Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội được Nhà nước uỷ quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Nhà nước đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội.
e) “Đại diện chủ sở hữu” là Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.
f) “Vốn điều lệ của Công ty” là số vốn do Nhà nước đầu tư vào Công ty và ghi tại điều lệ Công ty.
g) “Cổ phần, vốn góp của Công ty” là cổ phần hoặc vốn góp của Công ty tại các Công ty cổ phần, Công ty liên kết.
h) “Quyền chi phối của Công ty” là quyền của Công ty (với tư cách là Công ty nắm giữ cổ phần chi phối, vốn góp chi phối tại Công ty con, hoặc nắm giữ bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường của Công ty con) quyết định đối với điều lệ hoạt động, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý chủ chốt, việc tổ chức quản lý, thị trường, chiến lược kinh doanh, định hướng đầu tư và các quyết định quan trọng khác của Công ty con, Công ty bị chi phối theo điều lệ của Công ty con, Công ty bị chi phối đó hoặc theo thoả thuận giữa Công ty với Công ty con, Công ty bị chi phối đó.
i) “Công ty liên kết” là các Công ty có vốn góp dưới mức chi phối của Công ty mẹ, tổ chức dưới hình thức Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần, Công ty liên doanh với nước ngoài, Công ty ở nước ngoài.
j) “Các đơn vị trực thuộc của Công ty” là các đơn vị phụ thuộc Công ty, bao gồm các Xí nghiệp kinh doanh nhà, xí nghiệp xây lắp, xí nghiệp điện nước, khách sạn.
2. Các từ ngữ khác trong Điều lệ này đã được giải nghĩa trong Bộ Luật dân sự, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác thì có nghĩa tương tự như trong các văn bản pháp luật đó.
Điều 2: Tên và trụ sở của Công ty
1. Tên gọi đầy đủ: CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN NHÀ NƯỚC MỘT THÀNH VIÊN KINH DOANH DỊCH VỤ NHÀ HÀ NỘI
2. Tên giao dịch quốc tế: HANOI REAL ESTATE SERVICE COMPANY LIMITED
3. Tên viết tắt: RES Co.,LTD
Logo
|
4. Biểu tượng:
5. Trụ sở chính: Số 25 phố Văn Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
6. Điện thoại: 04.8433350; Fax: 04.8433351
7. Website: www.Rescohanoi.com; Email: Rescohanoi@fpt.vn
Điều 3: Hình thức pháp lý và tư cách pháp nhân của Công ty
1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.
2. Công ty có tư cách pháp nhân, con dấu và được mở tài khoản tiền Đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Công ty có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Công ty trong phạm vi tài sản của Công ty.
4. Công ty có quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt đối với tên gọi, biểu tượng của Công ty theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Mục tiêu và ngành nghề hoạt động
1. Mục tiêu hoạt động của Công ty là:
Bảo toàn và phát triển vốn; Kinh doanh đúng pháp luật; Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; Hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, chính trị xã hội được giao; Đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động.
2. Ngành, nghề kinh doanh của Công ty bao gồm:
- Lập, quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà, khu dân cư, khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các công trình văn hoá, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình giao thông đô thị, giao thông đường bộ, các công trình thuỷ lợi.
- Xây dựng, lắp đặt các công trình: dân dụng, khu đô thị, khu dân cư, văn hoá, thể dục thể thao, thương mại, công nghiệp, thuỷ lợi, hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh) giao thông đô thị.
- Kinh doanh cho thuê nhà ở, văn phòng, nhà hàng, khách sạn, siêu thị; Kinh doanh khu vui chơi, giải trí; Lữ hành nội địa, quốc tế và các dịch vụ phục vụ khách du lịch.
- Sản xuất, mua bán các loại vật liệu xây dựng, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ chuyên ngành xây dựng, thiết bị điện.
- Chuyển giao công nghệ xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng.
- Tư vấn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và công tác giải phóng mặt bằng.
- Đại lý mua bán, ký gửi hàng hoá; Môi giới thương mại, dịch vụ đấu giá hàng hoá.
- Sửa chữa, bảo dưỡng, duy tu hệ thống máy móc, thiết bị chuyên ngành xây dựng.
Ngoài ra trong quá trình hoạt động, Công ty được đăng ký bổ sung các ngành nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Điều 5: Vốn điều lệ của Công ty
Vốn điều lệ của Công ty tại thời điểm 31/12/2005 là: 60.000.000.000đồng.
(Bằng chữ: Sáu mươi tỷ đồng chẵn)
Điều 6: Chủ sở hữu Công ty
1. Chủ sở hữu: Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
3. Đại diện Chủ sở hữu: Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.
Điều 7: Đại diện theo pháp luật của Công ty
Người đại diện theo pháp luật của Công ty là Tổng Giám đốc Công ty.
Điều 8: Tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội trong Công ty
1. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong Công ty hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và theo Điều lệ của tổ chức mình phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Công ty có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập và tham gia hoạt động trong các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương II
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG TY
Điều 9: Quyền của Công ty
1. Quyền trong kinh doanh như sau:
a) Chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu kinh doanh và bảo đảm kinh doanh có hiệu quả;
b) Kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; mở rộng quy mô kinh doanh theo khả năng và nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
c) Tìm kiếm và lựa chọn thị trường, khách hàng trong nước, nước ngoài và ký kết hợp đồng.
d) Tự quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, dịch vụ, trừ những sản phẩm, dịch vụ công ích và những sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước định giá thì theo mức giá hoặc khung giá do Nhà nước quy định.
e) Quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; sử dụng vốn, tài sản của Công ty để liên doanh, liên kết, góp vốn vào doanh nghiệp khác; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác.
f) Sử dụng vốn của Công ty hoặc vốn huy động để đầu tư thành lập hoặc cùng với các nhà đầu tư khác thành lập Công ty cổ phần, Công ty liên kết, Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên.
g) Mở Chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty ở trong nước và nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
h) Có quyền khước từ việc thanh tra, kiểm tra không theo đúng quy định của pháp luật.
i) Tuyển chọn, chấm dứt hợp đồng lao động, bố trí, sử dụng lao động theo yêu cầu sản xuất kinh doanh. Có quyền khen thưởng, xử lý vi phạm kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất theo nội quy lao động của Công ty đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo quy định của pháp luật lao động. Có quyền lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh và có các quyền khác theo quy định của pháp luật lao động.
j) Xây dựng, áp dụng các định mức lao động, vật tư, đơn giá tiền lương và các chi phí khác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của Công ty và phù hợp với quy định của pháp luật.
k) Được bảo hộ đối với sở hữu công nghiệp, tên gọi, biểu tượng của Công ty theo quy định của pháp luật;
l) Quyền khác trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Quyền đối với vốn và tài sản như sau:
a) Thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với vốn và tài sản của Công ty để kinh doanh, thực hiện các lợi ích hợp pháp từ vốn và tài sản phù hợp với quy định của pháp luật.
b) Quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước giao, cho thuê theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên để hoạt động kinh doanh và thực hiện các hoạt động công ích khi được Nhà nước yêu cầu, đặt hàng.
c) Chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty, trừ những tài sản thuộc quyền quyết định của đại diện chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định khác.
d) Đầu tư ra ngoài Công ty dưới hình thức mua trái phiếu, cổ phiếu, liên doanh, góp vốn, chuyển nhượng vốn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
e) Thực hiện quyền chủ sở hữu đối với phần vốn góp vào các Công ty Cổ phần dựa trên cơ sở Điều lệ này, quy định, quy chế nội bộ của Công ty, Điều lệ của các Công ty Cổ phần và quy định của pháp luật;
f) Thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích khác đối với vốn và tài sản của Công ty theo quy định của pháp luật.
3. Quyền về tài chính như sau:
a) Huy động vốn để kinh doanh dưới các hình thức: Vay vốn của tổ chức ngân hàng, tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài Công ty; Vay vốn của người lao động trong Công ty và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu Công ty.
b) Chủ động sử dụng vốn và các quỹ cho hoạt động kinh doanh của Công ty theo quy định của pháp luật, tuân thủ quy chế quản lý tài chính của Công ty.
c) Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá hoặc các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của Công ty.
d) Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ; thưởng tăng năng suất lao động; thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Các khoản tiền thưởng này được hạch toán vào chi phí kinh doanh trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của Công ty do các sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý, công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm, vật tư, chi phí đem lại.
e) Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư, tái đầu tư theo quy định của pháp luật.
f) Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chuyển lỗ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, trích lập quỹ dự phòng tài chính; phần lợi nhuận thực hiện còn lại được phân chia sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn và quy chế quản lý tài chính của Công ty.
g) Giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn đầu tư của Công ty tại các Công ty cổ phần, Công ty liên kết; chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn đầu tư ra ngoài Công ty.
h) Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn đầu tư ở các Công ty Cổ phần, Công ty liên kết.
i) Có quyền từ chối và tố cáo mọi yêu cầu cung cấp các nguồn lực không được pháp luật quy định.
j) Các quyền khác về tài chính theo quy định của Điều lệ này, quy chế quản lý tài chính của Công ty và quy định của pháp luật.
4. Công ty được kế thừa các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Công ty Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội khi chuyển đổi thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội.
Điều 10: Nghĩa vụ của Công ty
1. Nghĩa vụ của Công ty:
a) Kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký.
b) Xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty.
c) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh.
d) Đổi mới, hiện đại hoá công nghệ và phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
e) Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chủ sở hữu, chịu trách nhiệm về tính xác thực của các báo cáo.
f) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo đảm quyền tham gia quản lý Công ty của người lao động.
g) Chịu sự giám sát, kiểm tra của Chủ sở hữu; chấp hành các quyết định về thanh tra của cơ quan tài chính và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
h) Chịu trách nhiệm trước Chủ sở hữu về việc sử dụng vốn để tham gia các dự án đầu tư, thành lập các Công ty Cổ phần, Công ty liên kết, và các hình thức đầu tư khác ra ngoài Công ty; việc đầu tư ra ngoài Công ty phải tuân thủ các quyết định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu hoạt động của Công ty.
i) Thực hiện các nghĩa vụ khác trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của Công ty về vốn và tài sản:
a) Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn Công ty tự huy động; Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Công ty trong phạm vi tài sản của Công ty.
b) Đánh giá tài sản của Công ty theo quy định của Nhà nước.
c) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Nghĩa vụ về tài chính của Công ty:
a) Kinh doanh có lãi, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước đầu tư do đại diện Chủ sở hữu Nhà nước giao; Đăng ký, kê khai và nộp đủ thuế; Thực hiện nghĩa vụ đối với Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
b) Quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn kinh doanh (bao gồm cả phần vốn góp vào các Công ty Cổ phần), tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao, cho thuê.
c) Sử dụng vốn và các nguồn lực khác để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác khi Nhà nước yêu cầu.
d) Chấp hành đúng chế độ quản lý vốn, tài sản, các quỹ, chế độ hạch toán kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm đối với các hoạt động tài chính của Công ty.
e) Thực hiện chế độ báo cáo tài chính, công khai tài chính Công ty theo quy định của pháp luật.
f) Lập sổ kế toán, ghi chép sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ; định kỳ báo cáo chính xác, đầy đủ các thông tin và báo cáo tài chính của Công ty với Sở, ngành có liên quan và Chủ sở hữu, Đại diện Chủ sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật.
g) Các nghĩa vụ khác về quản lý tài chính theo quy định của pháp luật.
Chương III
CHỦ SỞ HỮU CÔNG TY
Điều 11: Quyền của Chủ sở hữu Công ty
1. Phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức hoạt động, quy chế tài chính Công ty theo đề nghị của đại diện Chủ sở hữu và Chủ tịch Công ty.
2. Quyết định điều chỉnh vốn điều lệ Công ty.
3. Quyết định các dự án đầu tư có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của Công ty theo đề nghị của đại diện Chủ sở hữu và Chủ tịch Công ty.
4. Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của Công ty theo đề nghị của đại diện Chủ sở hữu Công ty và Chủ tịch Công ty.
5. Quyết định hình thức và biện pháp tổ chức lại Công ty theo chủ trương, kế hoạch của Chính phủ và Thành phố hoặc xem xét việc tổ chức lại Công ty theo đề nghị của đại diện Chủ sở hữu và Chủ tịch Công ty.
6. Xem xét, thoả thuận bằng văn bản để đại diện Chủ sở hữu Công ty quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, quyết định mức tiền lương, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với các chức danh: Chủ tịch, Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty.
7. Uỷ quyền cho đại diện Chủ sở hữu tổ chức giám sát theo dõi và đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, hoạt động quản lý điều hành của Chủ tịch, Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty.
8. Uỷ quyền cho đại diện Chủ sở hữu phê duyệt quỹ tiền lương của Công ty theo quy định hiện hành.
9. Giao cho đại diện Chủ sở hữu chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của Công ty trình Chủ sở hữu phê duyệt.
10. Thực hiện các quyền khác theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 12: Hạn chế đối với quyền của Chủ sở hữu
1.Chủ sở hữu Công ty không được trực tiếp rút một phần hoặc toàn bộ số vốn đã góp vào Công ty.
2. Chủ sở hữu Công ty không được rút lợi nhuận của Công ty khi chưa thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả.
Điều 13: Nhiệm vụ, quyền, nghĩa vụ của Đại diện chủ sở hữu Công ty
1. Đề nghị Chủ sở hữu Công ty sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty theo đề nghị của Chủ tịch Công ty.
2. Thẩm định, đề nghị Chủ sở hữu Công ty quyết định điều chỉnh vốn điều lệ và chuyển nhượng một phần tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của Công ty cho tổ chức, cá nhân khác theo đề nghị của Chủ tịch Công ty.
3. Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng kinh tế khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của Công ty theo đề nghị của Chủ tịch Công ty.
4. Thẩm định và đề nghị Chủ sở hữu Công ty quyết định hình thức, biện pháp tổ chức lại Công ty theo chủ trương, kế hoạch của Chính phủ và theo đề nghị của Chủ tịch Công ty.
5. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, quyết định mức tiền lương đối với các chức danh: Chủ tịch, Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty sau khi được Chủ sở hữu chấp thuận bằng văn bản. Thoả thuận để Chủ tịch Công ty quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty theo đề nghị của Chủ tịch Công ty.
6. Tổ chức giám sát, theo dõi và đánh giá hoạt động kinh doanh của Công ty.
7. Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan phê duyệt quỹ tiền lương của Công ty theo quy định hiện hành; Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan kiểm tra báo cáo quyết toán hàng năm của Công ty trình Chủ sở hữu phê duyệt.
8. Giao kế hoạch và các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cho Công ty trên cơ sở kế hoạch và chỉ tiêu được Chủ sở hữu giao cho đại diện Chủ sở hữu; Hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để Công ty thực hiện tốt kế hoạch và các chỉ tiêu được giao.
9. Thực hiện các quyền khác do đại diện Chủ sở hữu uỷ quyền.
Điều 14: Nghĩa vụ của đại diện Chủ sở hữu:
1. Tuân thủ Điều lệ Công ty.
2. Đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của Công ty. Không trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh doanh của Công ty, các công việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc và bộ máy quản lý của Công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại diện Chủ sở hữu được quy định tại điều 13 của Điều lệ này.
3. Tuân theo các quy định của pháp luật về hợp đồng trong việc mua, bán, vay, cho vay và cho thuê giữa Công ty và đại diện Chủ sở hữu.
4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Chương IV
TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TY
Điều 15: Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty
1. Công ty có bộ máy quản lý điều hành gồm:
a) Chủ tịch Công ty
b) Tổng Giám đốc Công ty
d) Các phó Tổng Giám đốc.
e) Kế toán trưởng.
f) Bộ máy giúp việc: Các Phòng, Ban chuyên môn nghiệp vụ. Trong Công ty có các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc (các Xí nghiệp, Khách sạn ...)
2. Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của Công ty có thể thay đổi để phù hợp với yêu cầu kinh doanh trong quá trình hoạt động. Công ty phải tiến hành sửa đổi bổ sung Điều lệ này khi thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành quy định tại khoản 1 Điều này.
MỤC I: CHỦ TỊCH CÔNG TY
Điều 16: Chủ tịch Công ty:
1. Tiêu chuẩn:
a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của Công ty.
b) Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên.
c) Có kinh nghiệm tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành, nghề kinh doanh chính của Công ty.
d) Có khả năng lãnh đạo, tổ chức điều hành, có hiểu biết sâu và nhạy cảm với kinh tế thị trường.
e) Có sức khoẻ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.
f) Bảo đảm đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức danh cán bộ quản lý Doanh nghiệp Nhà nước của Hà Nội theo Quyết định số 2624-QĐ/TU ngày 28/5/2004 của Thành uỷ Hà Nội, các quy định khác của Nhà nước và Thành phố.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Nhận và chịu trách nhiệm bảo toàn, phát triển số vốn được giao. Chịu trách nhiệm trước Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu Công ty về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty theo kế hoạch được giao.
b) Quyết định chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn; Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; Quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng mua bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị từ trên 30% đến dưới 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính của Công ty tại thời điểm gần nhất.
c) Ban hành và giám sát thực hiện các định mức, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, giá sản phẩm và dịch vụ trong Công ty theo đề nghị của Tổng Giám đốc Công ty trên cơ sở quy định của pháp luật.
d) Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ Công ty, biên chế bộ máy quản lý Công ty; Quyết định hình thức, phương thức trả lương của Công ty.
e) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, khen thưởng, kỷ luật; Quyết định mức tiền lương, và giải quyết các chế độ, quyền lợi khác đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Công ty sau khi được đại diện Chủ sở hữu Công ty chấp thuận.
f) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, khen thưởng, kỷ luật; Quyết định mức tiền lương, và giải quyết các chế độ, quyền lợi khác đối với các chức danh: Trưởng các Phòng, Ban; Giám đốc các Xí nghiệp, Khách sạn đơn vị trực thuộc Công ty theo đề nghị của Tổng Giám đốc Công ty.
g) Đề nghị đại diện Chủ sở hữu Công ty quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, khen thưởng, kỷ luật; Quyết định mức tiền lương, và giải quyết các chế độ, quyền lợi khác đối với các chức danh Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Công ty.
h) Thông qua quyết toán tài chính hàng năm, phương án sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý lỗ trong quá trình sản xuất kinh doanh do Tổng Giám đốc đề nghị, thực hiện việc công bố công khai theo quy định hiện hành.
i) Xây dựng đơn giá tiền lương Công ty hàng năm trình đại diện Chủ sở hữu phê duyệt.
j) Kiểm tra, giám sát Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Công ty trong việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ.
k) Đề nghị Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu Công ty quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền của Chủ tịch Công ty.
l) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ này.
3. Nghĩa vụ và trách nhiệm của Chủ tịch Công ty:
a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao vì lợi ích của Nhà nước và Công ty.
b) Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng vốn, tài sản của Công ty nhằm mục đích thu lợi riêng cho bản thân, gia đình và người khác. Không được cho, tặng tài sản của Công ty cho bất cứ đối tượng nào.
c) Phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty và nhà nước theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại cho Công ty.
d) Có trách nhiệm thực hiện các quyết định của Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu; Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Chủ sở hữu Công ty, đại diện Chủ sở hữu Công ty về kết quả quản lý, giám sát, hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty.
e) Thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
4. Quyền lợi và chế độ:
Chủ tịch Công ty được hưởng lương, thưởng theo tháng năm tương ứng với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty theo quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế trả lương của đơn vị.
5. Bổ nhiệm và miễn nhiệm Chủ tịch Công ty:
a) Chủ tịch Công ty do đại diện Chủ sở hữu Công ty quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ sở hữu Công ty.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch Công ty là 5 năm và có thể được xem xét bổ nhiệm lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao và không vi phạm những quy định của pháp luật.
b) Chủ tịch Công ty bị miễn nhiệm trong những trường hợp sau:
- Bị toà án kết án bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực Pháp luật.
- Quyết định vượt thẩm quyền được quy định trong Điều lệ này dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
- Để Công ty bị thua lỗ liên tiếp trong 2 năm.
- Bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, xin từ chức hoặc có quyết định điều chuyển, bố trí công tác khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của Chủ tịch Công ty được quy định tại khoản 3 điều 16 Điều lệ này.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
MỤC 2: TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY
Điều 17: Tổng Giám đốc Công ty
1. Tiêu chuẩn:
a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của Công ty.
b) Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên.
c) Đã qua các chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty hoặc cấp trưởng các đơn vị trực thuộc, hoặc trưởng phòng; Nếu là Giám đốc Xí nghiệp thì thời gian giữ chức vụ ít nhất 2 năm, trong thời gian điều hành sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp có hiệu quả.
d) Có khả năng lãnh đạo, tổ chức điều hành, có hiểu biết sâu và nhạy cảm với kinh tế thị trường.
e) Có sức khoẻ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.
f) Bảo đảm đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức danh cán bộ quản lý Doanh nghiệp Nhà nước của Hà Nội theo Quyết định số 2624-QĐ/TU ngày 28/5/2004 của Thành uỷ Hà Nội, các quy định khác của Nhà nước và Thành phố.
2. Nhiệm vụ quyền hạn của Tổng Giám đốc Công ty:
a) Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn và hàng năm của Công ty phương án huy động vốn, dự án đầu tư, phương án liên doanh, đề án tổ chức quản lý Công ty trình Chủ tịch Công ty quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Công ty báo cáo Chủ sở hữu Công ty, đại diện Chủ sở hữu Công ty quyết định.
b) Điều hành hoạt động hàng ngày của Công ty theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều lệ này.
c) Tổ chức thực hiện các quyết định của Chủ tịch Công ty về kế hoạch sản xuất kinh doanh và các dự án đầu tư của Công ty nhằm sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn của Công ty.
d) Quyết định giá mua, giá bán sản phẩm và dịch vụ, ký kết các hợp đồng dân sự và kinh tế có giá trị đến 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ kế toán của Công ty.
e) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, quyết định mức lương, giải quyết chế độ và các quyền lợi khác đối với người lao động, các chức danh quản lý của Công ty, trừ các chức danh được quy định tại khoản 5 điều 13 và điểm f khoản 2 điều 16 Điều lệ này.
f) Kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá theo quy định trong nội bộ Công ty.
g) Báo cáo Chủ tịch Công ty về kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của Công ty hàng tháng, quý, 6 tháng và cả năm.
h) Chịu sự kiểm tra, giám sát của Chủ tịch Công ty, đại diện Chủ sở hữu Công ty về việc thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ được giao trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật.
i) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo phân cấp của Chủ tịch Công ty trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật và quy định tại Điều lệ này.
3. Nghĩa vụ của Tổng Giám đốc Công ty:
a) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao một cách trung thực, mẫn cán vì lợi ích của Công ty.
b) Không được lạm dụng địa vị và quyền hạn sử dụng tài sản của Công ty để thu lợi riêng cho bản thân, cho người khác, không được đem tài sản của Công ty cho người khác, không được tiết lộ bí mật của Công ty; Thực hiện các quy định về bảo quản và cung cấp thông tin theo quy định của Nhà nước và Công ty.
c) Trường hợp vi phạm Điều lệ Công ty, quyết định vượt thẩm quyền, lạm dụng quyền hạn gây thiệt hại cho Công ty và Nhà nước thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định của pháp luật.
d) Trường hợp điều hành Công ty không đạt chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc để Công ty thua lỗ, mất vốn, không đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động để xây ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản về chế độ kế toán, kiểm toán và các chế độ khác theo quy định hiện hành thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
e) Trường hợp triển khai thực hiện dự án đầu tư không đúng kế hoạch, tiến độ chất lượng dẫn đến để Công ty thua lỗ thì tuỳ theo mức độ thiệt hại sẽ phải bồi thường hoặc bị cách chức theo quy định của pháp luật.
f) Khi Công ty không thanh toán được các khoản nợ phải trả, các nghĩa vụ tài sản thì phải báo cáo với Chủ tịch Công ty, chủ nợ biết và đề xuất các giải pháp để giải quyết khó khăn về tài chính của Công ty; Trong trường hợp này, không được tăng lương, thưởng cho người lao động, cán bộ quản lý Công ty. Nếu không thực hiện các biện pháp này mà gây thiệt hại cho chủ nợ, cho nhà nước thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm cá nhân đối với các thiệt hại đã gây ra.
g) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Công ty, đại diện Chủ sở hữu, Chủ sở hữu và pháp luật trong việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn, tài sản của Công ty theo thẩm quyền phân cấp; Chịu trách nhiệm về vật chất với những thiệt hại do mình gây ra; Chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo tài chính và các thông tin tài chính khác.
h) Các nghĩa vụ và trách nhiệm khác theo quy định của Pháp luật.
4. Quyền lợi và chế độ của Tổng Giám đốc Công ty:
Tổng Giám đốc được hưởng mức tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác tương ứng với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế trả lương của Công ty.
5. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, cách chức Tổng Giám đốc:
a) Bổ nhiệm: Tổng Giám đốc Công ty do đại diện Chủ sở hữu Công ty quyết định bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Công ty sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ sở hữu Công ty.
Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc Công ty là 05 (năm) năm có thể được xem xét bổ nhiệm lại.
b) Miễn nhiệm: Tổng Giám đốc Công ty bị miễn nhiệm, thay thế, kỷ luật trong các trong các trường hợp sau:
- Bị toà án kết án bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực Pháp luật.
- Quyết định vượt thẩm quyền được quy định trong Điều lệ này dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
- Để Công ty bị thua lỗ liên tiếp trong 2 năm.
- Bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, xin từ chức hoặc có quyết định điều chuyển, bố trí công tác khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Không trung thực khi thực thi các quyền hạn, lạm dụng quyền hạn để thu lợi cho bản thân và cho người khác, tiết lộ bí mật gây thiệt hại cho Công ty.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
MỤC 3: QUAN HỆ GIỮA CHỦ TỊCH VÀ TỔNG GIÁM ĐỐC TRONG QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH CÔNG TY
1. Khi tổ chức thực hiện các quyết định của Chủ tịch công ty, nếu phát hiện vấn đề không có lợi cho công ty thì Tổng Giám đốc báo cáo với Chủ tịch công ty để xem xét điều chỉnh lại quyết định. Chủ tịch Công ty có trách nhiệm xem xét đề nghị của Tổng Giám đốc. Trường hợp Chủ tịch công ty không điều chỉnh lại quyết định thì Tổng Giám đốc vẫn phải thực hiện nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và kiến nghị lên đại diện Chủ sở hữu, Chủ sở hữu Công ty.
2. Kết thúc tháng, quý và năm Tổng Giám đốc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động kinh doanh và phương hướng thực hiện trong kỳ tới của Công ty cho Chủ tịch công ty.
MỤC 4: TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT - CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG GIÁM ĐỐC
Điều 18: Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc
Trong nhiệm kỳ đầu chuyển đổi mô hình tổ chức thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, để đảm bảo tính ổn định trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng mô hình tổ chức quản lý mới, Chủ sở hữu Công ty cho phép Công ty được áp dụng mô hình quản lý Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
Trong trường hợp này, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ được quy định tại điều 16 và điều 17 của bản Điều lệ này.
MỤC 5: PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC, KẾ TOÁN TRƯỞNG VÀ BỘ MÁY GIÚP VIỆC
Điều 19: Phó Tổng Giám đốc, Kế toán Trưởng
1. Phó Tổng Giám đốc Công ty do Chủ tịch Công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc Công ty sau khi có ý kiến chấp thuận của đại diện Chủ sở hữu Công ty. Kế toán Trưởng Công ty do đại diện Chủ sở hữu Công ty quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Công ty sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ sở hữu Công ty. Thời hạn bổ nhiệm đối với các chức danh trên là năm (05) năm và có thể được bổ nhiệm lại.
2. Phó Tổng Giám đốc giúp Tổng Giám đốc Công ty điều hành Công ty theo chức năng nhiệm vụ được phân công và uỷ quyền của Tổng Giám đốc Công ty; Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc uỷ quyền. Việc uỷ quyền có liên quan đến việc ký kết hợp đồng kinh tế hoặc liên quan tới việc sử dụng con dấu của Công ty đều phải được thực hiện bằng văn bản.
3. Kế toán Trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán của Công ty Giúp Tổng Giám đốc Công ty quản lý, giám sát tài chính tại Công ty theo pháp luật về tài chính, kế toán; Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc uỷ quyền.
Điều 20: Bộ máy giúp việc
1. Các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ như sau:
1. Phòng Hành chính quản trị
2. Phòng Tổ chức lao động và tiền lương
3. Phòng Tài chính kế toán
4. Phòng Quản lý dự án và kinh doanh
5. Phòng Quản lý xây lắp
6. Phòng Kế hoạch tổng hợp
7. Phòng Cho thuê nhà
8. BQL Dự án số 1
9. BQL Dự án số 2
10. BQL Dự án số 3
11. BQL Dự án Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh
12. BQL Dự án văn phòng cho thuê 521 Kim Mã
13. BQL Dự án nhà ở Trung Văn.
14. BQL Dự án Lô 15 Định Công
Nhiệm vụ cụ thể của các phòng, ban được quy định tại quy chế quản lý nội bộ của Công ty.
2. Các đơn vị trực thuộc:
1. Xí nghiệp Kinh doanh nhà số 1
2. Xí nghiệp Kinh doanh nhà số 3
3. Xí nghiệp Xây lắp số 2
4. Xí nghiệp Xây lắp số 4
5. Xí nghiệp Xây lắp số 5
6. Xí nghiệp Xây lắp số 6
7. Xí nghiệp Xây lắp số 8
8. Xí nghiệp Xây lắp số 10
9. Xí nghiệp Xây lắp số 12
10. Xí nghiệp Điện - nước
11. Khách sạn Green Park
Các đơn vị trực thuộc Công ty là các đơn vị hạch toán phụ thuộc, hoạt động theo quy chế quản lý nội bộ của Công ty.
MỤC 6: CÔNG TY CỔ PHẦN, CÔNG TY LIÊN KẾT
Điều 21: Công ty cổ phần, Công ty liên kết
1. Các Công ty cổ phần có vốn góp của Công ty:
1.1: Công ty cổ phần nhà Hà Nội.
1.2: Công ty Cổ phần Kiểm định chất lượng VLXD Hà Nội.
1.3: Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Hồng Hà.
2. Công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bên góp vốn tại Công ty cổ phần theo quy định của pháp luật và điều lệ của Công ty cổ phần.
MỤC 7: NGƯỜI ĐẠI DIỆN VỐN GÓP CỦA CÔNG TY Ở DOANH NGHIỆP KHÁC
Điều 22: Tiêu chuẩn và điều kiện của người đại diện phần vốn góp của Công ty:
a) Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; là người của Công ty;
b) Có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ;
c) Hiểu biết pháp luật, có ý thức chấp hành pháp luật;
d) Có trình độ chuyên môn về tài chính doanh nghiệp hoặc lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Công ty; có năng lực kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp.
e) Không là vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối.
f) Không có quan hệ góp vốn thành lập doanh nghiệp, cho vay vốn, ký kết hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Công ty mà người đó được giao trực tiếp quản lý phần vốn góp, trừ trường hợp có cổ phần tại doanh nghiệp được cổ phần hóa.
2. Người đại điện tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng Giám đốc của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Công ty mà người đó được giao đại diện phần vốn góp phải có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định pháp luật, điều lệ của doanh nghiệp đó.
Điều 23: Quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn góp của Công ty:
a) Đại diện cho Công ty thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cổ đông, thành viên góp vốn tại Công ty cổ phần. Sử dụng quyền cổ phần chi phối hoặc vốn góp chi phối để định hướng Công ty cổ phần thực hiện chiến lược, mục tiêu của Công ty.
b) Trực tiếp tham gia ứng cử vào bộ máy quản lý, điều hành của Công ty cổ phần theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp đó;
c) Theo dõi và giám sát hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần.
d) Thực hiện chế độ báo cáo Chủ tịch Công ty về hiệu quả sử dụng phần vốn góp của Công ty tại Công ty cổ phần;
đ) Xin ý kiến Chủ tịch Công ty trước khi tham gia ý kiến và biểu quyết về những vấn đề quan trọng tại Đại hội cổ đông, tại cuộc họp Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên của Công ty cổ phần mà Công ty có vốn góp: phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; tăng, giảm vốn điều lệ; chia lợi tức; bán tài sản có giá trị lớn;
e) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Công ty về quản lý phần vốn góp, hiệu quả sử dụng vốn góp của Công ty ở Công ty cổ phần được giao đại diện phần vốn góp Trường hợp không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, lợi dụng quyền đại diện phần vốn góp, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho Công ty thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, quy chế tài chính, điều lệ của Công ty.
f) Người đại diện phần vốn góp của Công ty hưởng quyền lợi về chế độ lương thưởng hoặc thù lao, phụ cấp trách nhiệm theo quy định hiện hành.
MỤC 8: NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA QUẢN LÝ CÔNG TY
Điều 24: Hình thức tham gia quản lý Công ty của người lao động
Người lao động tham gia quản lý Công ty thông qua các hình thức và tổ chức sau đây:
1. Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức Công ty;
2. Tổ chức công đoàn Công ty
3. Ban Thanh tra nhân dân;
4. Thực hiện quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Điều 25: Nội dung tham gia quản lý Công ty của người lao động
Người lao động có quyền tham gia thảo luận, góp ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề sau đây:
1. Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch, biện pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại sản xuất Công ty;
2. Phương án cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu Công ty;
3. Các nội quy, quy chế của Công ty liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động;
4. Các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo, đào tạo lại của Công ty
5. Bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc Công ty, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
6. Thông qua đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu công nhân viên chức và tổ chức công đoàn, người lao động có quyền thảo luận và biểu quyết quyết định các vấn đề sau đây:
a) Nội dung hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung thoả ước lao động tập thể để đại diện tập thể người lao động ký kết với Tổng Giám đốc.
b) Quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của Công ty có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động phù hợp với quy định của pháp luật.
c) Đánh giá kết quả hoạt động và chương trình hoạt động của Ban Thanh ra nhân dân.
d) Bầu Ban Thanh tra nhân dân.
Điều 26: Nghĩa vụ của người lao động trong Công ty
1. Người lao động phải có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng lao động đã thoả thuận ký với Tổng Giám đốc Công ty hoặc người được Tổng Giám đốc Công ty uỷ quyền và thoả ước lao động tập thể, các quy định khác có liên quan đến lao động được đại hội Công nhân viên chức Công ty thông qua hàng năm theo quy định của pháp luật lao động.
2. Người lao động có trách nhiệm học tập, nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề để hoàn thành công việc được giao.
3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Chương V
TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY
Điều 27: Điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty
Vốn điều lệ của Công ty được điều chỉnh theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty hoặc do Chủ sở hữu Công ty quyết định điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Công ty.
Điều 28: Quản lý tài chính của Công ty
1. Việc quản lý tài chính của Công ty thực hiện theo Quy chế quản lý tài chính của Công ty do Chủ sở hữu phê duyệt.
2. Nội dung Quy chế quản lý tài chính đối với Công ty được xây dựng dựa trên các nguyên tắc quản lý tài chính công ty nhà nước theo quy định hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan. Quy chế quản lý tài chính tối thiểu phải gồm những nội dung sau:
a) Cơ chế quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Công ty;
b) Cơ chế quản lý doanh thu, chi phí, giá thành của Công ty, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền của Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty trong việc quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, dịch vụ của Công ty; Quyết định việc mua trái phiếu, tín phiếu; quyết định mức chi phí giao dịch, môi giới, quảng cáo, tiếp khách, hội họp, mức trích khấu hao tài sản cố định không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
c) Cơ chế quản lý kết quả hoạt động kinh doanh, phân phối lợi nhuận, các quỹ và mục đích sử dụng các quỹ của Công ty.
d) Mối quan hệ về tài chính giữa Công ty với các Công ty cổ phần và Công ty liên kết.
Điều 29: Kế hoạch tài chính, kế toán, kiểm toán
1. Năm tài chính của Công ty bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
2. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt, Tổng Giám đốc Công ty trình Chủ tịch Công ty phê duyệt kế hoạch tài chính hàng năm của Công ty. Chủ tịch Công ty có trách nhiệm báo cáo đại diện Chủ sở hữu kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính hàng năm của Công ty làm căn cứ để giám sát và đánh giá kết quả quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty.
3. Trong thời gian 30 ngày sau khi kết thúc quý, 60 ngày sau khi kết thúc năm, Tổng Giám đốc trình Chủ tịch Công ty báo cáo tài chính trong kỳ báo cáo của Công ty và toàn bộ các đơn vị trực thuộc. Chủ tịch Công ty có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo tài chính và gửi đến các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
4. Công ty thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật. Mục tiêu kiểm toán nội bộ nhằm phục vụ cho công tác điều hành của Tổng Giám đốc và công tác giám sát, kiểm tra của Chủ tịch Công ty.
5. Công ty thực hiện công khai tài chính theo quy chế dân chủ ở cơ sở và quy định của Nhà nước.
Chương VI
TỔ CHỨC LẠI, CHUYỂN ĐỔI, GIẢI THỂ, PHÁ SẢN
Điều 30: Tổ chức lại Công ty
1. Tổ chức lại Công ty được tiến hành theo các hình thức sau đây:
a) Sáp nhập vào Công ty nhà nước khác.
b) Hợp nhất các Công ty nhà nước.
c) Chia Công ty nhà nước.
d) Tách Công ty nhà nước.
e) Chuyển Công ty nhà nước thành Công ty TNHH nhà nước có hai thành viên trở lên.
g) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc tổ chức lại Công ty thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật và do Chủ sở hữu Công ty quyết định.
Điều 31: Chuyển đổi sở hữu Công ty
1. Công ty chuyển đổi sở hữu theo các hình thức sau:
a) Cổ phần hóa toàn bộ hoặc một bộ phận của Công ty;
b) Bán toàn bộ hoặc một bộ phận của Công ty;
c) Giao khoán Công ty.
2. Khi có quyết định của Chủ sở hữu, Công ty thực hiện chuyển đổi theo trình tự, thủ tục của pháp luật về chuyển đổi sở hữu.
Điều 32: Giải thể Công ty
1. Công ty bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều năm nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản;
b) Công ty không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết;
c) Việc tiếp tục duy trì Công ty là không cần thiết.
d) Các trường hợp khác do Chủ sở hữu quyết định.
2. Công ty thực hiện việc giải thể theo trình tự, thủ tục giải thể do pháp luật quy định.
Điều 33: Phá sản Công ty
Khi chủ nợ có yêu cầu thanh toán nợ đến hạn mà Công ty lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn, thì đại điện pháp luật của Công ty phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty.
Công ty tiến hành các thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản.
Chương VII
SỔ SÁCH VÀ HỒ SƠ CÔNG TY
Điều 34: Quyền tiếp cận sổ sách và hồ sơ Công ty
1. Định kỳ hàng năm, Chủ tịch Công ty có trách nhiệm gửi cho Chủ sở hữu những tài liệu được yêu cầu.
2. Trong trường hợp đột xuất, Chủ sở hữu có quyền yêu cầu bằng văn bản Chủ tịch Công ty cung cấp bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến việc tổ chức thực hiện quyền của chủ sở hữu quy định tại Điều lệ này.
3. Chủ tịch Công ty có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị và báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Chủ sở hữu. Chủ tịch Công ty có quyền yêu cầu Tổng Giám đốc Công ty, các Phó Tổng giám đốc, cán bộ quản lý của Công ty cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Công ty.
4. Tổng Giám đốc là người chịu trách nhiệm tổ chức việc lưu giữ và bảo mật hồ sơ, tài liệu của Công ty.
5. Người lao động trong Công ty có quyền tìm hiểu thông tin về Công ty thông qua Đại hội công nhân viên chức và Ban Thanh tra nhân dân.
Điều 35: Công khai thông tin
1. Tổng Giám đốc là người thực hiện các quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty về công khai thông tin và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định này. Bộ phận lưu giữ hồ sơ, tài liệu của Công ty chỉ được cung cấp thông tin ra bên ngoài theo quyết định của Tổng Giám đốc hoặc người được Tổng Giám đốc uỷ quyền.
2. Biểu mẫu, nội dung và nơi gửi thông tin thực hiện theo các quy định của pháp luật và theo quy định về công tác văn thư lưu trữ của Công ty.
3. Trường hợp có yêu cầu thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Tổng Giám đốc là người chịu trách nhiệm tổ chức cung cấp thông tin theo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
Chương VIII
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP NỘI BỘ VÀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ CÔNG TY
Điều 36: Giải quyết tranh chấp nội bộ
1. Việc giải quyết tranh chấp nội bộ Công ty hoặc tranh chấp liên quan đến quan hệ giữa đại diện Chủ sở hữu và Công ty, giữa Chủ tịch Công ty và Tổng Giám đốc Công ty, bộ máy giúp việc được căn cứ theo Điều lệ này và các văn bản quy định của pháp luật.
2. Trường hợp giải quyết tranh chấp theo Điều lệ này không được các bên chấp thuận, thì bất kỳ bên nào cũng có thể đưa ra các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 37: Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
1. Mọi sửa đổi, bổ sung Điều lệ này do Chủ sở hữu quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Công ty, đại diện Chủ sở hữu Công ty.
2. Chủ tịch Công ty có quyền kiến nghị Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu về phương án sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
Chương IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 38: Hiệu lực thi hành
1. Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày được phê duyệt.
2. Tất cả các đơn vị và cá nhân thuộc Công ty có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Điều lệ này.
Trong quá trình hoạt động, nếu có vấn đề gì thay đổi hay phát sinh Công ty sẽ trình Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.