ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 605/QĐ-UBND | Hải Phòng, ngày 21 tháng 4 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI 2011-2020 CỦA CẢ NƯỚC.
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước đã được Đại hội Đại biểu đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các Sở, ban ,ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này và định kỳ hàng tháng, hàng quý gửi báo cáo tình hình thực hiện và những khó khăn vướng mắc về Uỷ ban nhân dân thành phố (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 20 háng tháng và tháng cuối quý để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI 2011-2020 CỦA CẢ NƯỚC.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 21/4/2011 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)
Trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước đã được Đại hội Đảng biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng chương trình hành động thực hiện Chiến lược với nội dung cụ thể như sau:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Nhằm quán triệt và triển khai, cụ thể hoá những nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước thành các nhiệm vụ và kế hoạch hành động cụ thể của thành phố; xây dựng các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện những nội dung chủ yếu có tính đột phá, tính cấp thiết và tính thực tiễn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do thành phố đề ra. Phát huy toàn diện, đồng bộ tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, tập trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá để cùng cả nước hoàn thành mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị- xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.
2. Yêu cầu:
- Trên cơ sở mục tiêu, các định hướng lớn và khâu đột phá đã được xác định trong Chiến lước kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước, xây dựng các nhiệm vụ và kế hoạch hành động cụ thể, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng Sở, ngành, địa phương, xác định rõ thời gian thực hiện và nguồn lực, phương tiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ và cơ chế kiểm tra, giám sát.
- Tập trung sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố, tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện Chiến lược.
B. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
I. Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của thành phố Hải Phòng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước.
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát.
Phát huy toàn diện, đồng bộ tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, tập trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá, để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại vào năm 2015; có kinh tế phát triển nhanh, bền vững; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, trọng điểm du lịch quốc gia, trung tâm thương mại- tài chính của khu vực Đông Nam Á; một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cùng với các cực tăng trưởng khác làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Bắc Bộ; đô thị phát triển xứng tầm là đô thị loại I- đô thị trung tâm cấp quốc gia; phát triển văn hoá thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng- an ninh được tăng cường và củng cố vững chắc; đảm bảo tiến độ, công bằng, an sinh xã hội; tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu để tỷ trọng GDP Hải Phòng trong GDP cả nước đạt khoảng 5,1-5,2% vào năm 2015 và 7,3% năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 13-13,5% giai đoạn 2011-2020 13,5%-14% giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2011-2020 của ngành dịch vụ khoảng 14,5-15%, công nghiệp- xây dựng 14% và nông nghiệp 7%.
GDP bình quân đầu người (tính theo giá hiện hành) đạt 3.000USD vào năm 2015 và 4.9000-5.000USD vào năm 2020. Phấn đấu có cơ cấu kinh tế hiện đại với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao cả trong công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, đến năm 2015 dịch vụ chiếm tỷ trọng 57% công nghiệp- xây dựng 37%, nông-lâm-thuỷ sản 6% và đến năm 2020 tương ứng là 63,3%, 33,2% và 3,5%.
- Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao trong tổng GDP đạt 45% vào năm 2015; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35% vào năm 2015 và đạt 40% vào năm 2020.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4tỷ USD vào năm 2015 và khoảng 6 tỷ USD vào năm 2020. Sản lượng hàng hoá thông qua các cảng trên địa bàn đạt trên 50 triệu tấn vào năm 2015; từ 80-100 triệu tấn năm 2020.
-Tổng hút ngân sách trên địa bàn đạt trên 60 nghìn tỷ đồng vào năm 2015 và trên 140 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt từ 200 đến 220 nghìn tỷ đồng và 380 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016-2020.
- Thu hút từ 7,4-7,6triệu lượt khách du lịch vào năm 2015 và khoảng trên 9 triệu lượt khách vào năm 2020.
- Năng suất lao động xã hội năm 2015 gấp 1,7 đến 1,8 lần năm 2010; năm 2020 gấp hơn 3 lần năm 2010.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%/năm. Tỷ lệ dân số đô thị đạt 75% vào năm 2015 và 80-85% vào năm 2020.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 75% vào năm 2015, trong đó đào tạo nghề đạt 60% và 85-90% vào năm 2020. Giải quyết việc làm cho 500.000 lao động giai đoạn 2011-2020, trong đó 2011-2015 là 255.000 lao động. Tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm khoảng 24% lao động xã hội vào năm 2015 và 14% vào năm 2020.
- Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ học sinh vào lớp 1, lớp 6 đúng độ tuổi đạt 100%
- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì mức 4%, phấn đấu nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đạt 85% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020;
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân mỗi năm trên 1%.
- Có 30% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
- Tuổi thọ bình quân đạt 78 tuổi vào năm 2015 và 79-80 tuổi vào năm 2020. Đến năm 2015 có 10 bác sỹ/1vạn dân, 60 giường bệnh/vạn dân và đến năm 2020 có 12 bác sỹ/1vạn dân và 70 giường bệnh/1vạn dân.
- Phấn dấu đạt 95% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý hợp vệ sinh vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nông thôn, 70% tại các làng nghề được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% chất thải rắn nguy hại y tế được thu gom và xử lý theo quy định vào năm 2015. 100% cơ sở sản xuất mới phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% các huyện có bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh.
100% số hộ gia đình ở thành thị và trên 95% số hộ gia đình ở nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.
2. Những nhiệm vụ chủ yếu
- Đổi mới cách thức tăng trưởng theo hướng huy động tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao năng suất, hiệu quả, tính bền vững của sự tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế thành phố.Trước hết là điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp và một số ngành thuộc lĩnh vực kinh tế dịch vụ; chú trọng phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ nhiều lợi thế, có khả năng xuất khẩu và tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách thành phố; khai thác toàn diện lợi thế về biển để phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển, nhất là các dịch vụ vận tải, cảng biển, kho bãi, hàng hải, thương mại, viễn thông, du lịch…
- Tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng xuất khẩu, kết nối có hiệu quả với thị trường thế giới. Mở rộng và phát triển không gian kinh tế, tăng cường hợp tác phát triển với các địa phương trong và ngoài nước, nhất là với khu vực Bắc Bộ và trên hai hành lang- một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam- Trung Quốc.
- Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển và quản lý đô thị, đảm bảo đạt các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương, xứng đáng là đô thị trung tâm cấp quốc gia; từng bước xây dựng theo hướng trở thành thành phố quốc tế.
- Đẩy mạnh toàn diện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phát triển mạnh hệ thống giao thông và từng bước hiện đại hoá hệ thống điện nông thôn, nhằm tạo sự liên kết, phối hợp giữa các xã, huyện và khu vực đô thị, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo tiền đề thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
- Phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển.
- Tiếp tục xây dựng và phát triển mạnh lĩnh vực văn hoá, trước hết tạo chuyển biến rõ về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hoá của dân tộc.
- Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội bằng cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm và hỗ trợ người mất việc làm.
- Tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực quốc phòng- an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với quốc phòng- an ninh, đối ngoại.
II. Những nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2011-2015.
1. Những nhiệm vụ mang tính đột phá.
1.1. Tái cấu trúc cơ cấu kinh tế thành phố làm cơ sở đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Đổi mới cách thức tăng trưởng theo hướng hài hoà giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, đảm bảo đến năm 2015 công nghiệp, dịch vụ chiếm 94% GDP.
- Tái cấu trúc tất cả các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trọng tâm là ưu tiên phát triển các ngành có thế mạnh và tạo ra giá trị gia tăng lớn, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
- Coi trọng hơn thị trường trong nước. Phát triển mạnh hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trên thị trường nội địa để có thể làm chủ thị trường này.
- Điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng phục vụ nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực các lĩnh vực kinh tế dịch vụ, công nghiệp nhiều lợi thế, hướng mạnh về xuất khẩu và kết cấu hạ tầng; chú trọng đầu tư phục vụ nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực xã hội, trong đó ưu tiên hàng đầu là các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, điều tra cơ bản, môi trường, văn hoá, y tế, quốc phòng an ninh,…Giảm dần đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các lĩnh vực, dự án có thể huy động từ các nguồn vốn khác.
- Xây dựng chiến lược xuất khẩu trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế, năng lực của các ngành sản xuất chủ lực, các hoạt động xúc tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu. Xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá xuất khẩu và thay thế nhập khẩu; đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại; đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu; đầu tư phát triển các hoạt động xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu tại chỗ.
1.2. Tập trung xây dựng, tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng cảng biển, giao thông.
- Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông vận tải đường bộ, đường sắt thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020 và quy hoạch điện lực các quận, huyện. Sớm trình duyệt quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông thành phố Hải Phòng đến năm 2020 và quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Hải Phòng đến năm 2020, quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn Hải Phòng đến năm 2020. Xây dựng quy hoạch chi tiết về giao thông đường bộ và quy hoạch chi tiết bến, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố.
- Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các chủ đầu tư thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các công trình đầu mối trên địa bàn thành phố như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cảng Nam Đồ Sơn, đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, tuyến đường nối Quốc lộ 5 với Quốc lộ 10 đoạn qua Kiến An, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo; đường cao tốc ven biển, quốc lộ 37, cảng hàng không Cát Bi và các tuyến đường sắt nối với cảng biển, cảng bốc dỡ nội địa. Thúc đẩy triển khai dự án tuyến đê quai lấn biển huyện Tiên Lãng và chuẩn bị các địa kiện cần thiết để phục vụ cho dự án xây dựng sân bay quốc tế tại Hải Phòng.
- Khẩn trương xây dựng và triển khai các dự án giao thông quan trọng như: cầu Bính 2 (hoặc đường ngầm) qua sông Cấm, cầu Niệm 2… Đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình hạ tầng giao thông: cầu Rào, đường vanh đai 3, tuyến đường trục 100m, đường Tân Vũ- Lạch Huyện và một số trục đường Bắc- Nam, dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. Đầu tư nâng cấp và phát triển mạng lưới giao thông đường thuỷ, xây dựng hệ thống các cảng sông và hệ thống giao thông, kho bãi; xây dựng, triển khai đề án nâng cao năng lực hệ thống giao thông nối liền đến cảng, khắc phục tình trạng quá tải; nâng cấp đường sắt Hà Nội- Hải Phòng.
- Tập trung cải tạo mở rộng, nâng cấp các nút giao thông Đình Vũ, cầu Niệm, nút ngã tư quán Bà Mau, nút giao thông ngã ba Thượng Lý; cải tạo các nút giao giữa đường sắt và các tuyến đường trong đô thị Hải Phòng trên đoạn từ cầu quay đến ngã 6, nghiên cứu xây dựng một số cửa ô vào thành phố để giảm ùn tắc giao thông đô thị. Phấn đấu đến năm 2015 đất giao thông đô thị đạt 10-15% đất xây dựng đô thị. Hiện đại hoá hệ thống giao thông công cộng, trước hết là xây dựng các bến xe liên tỉnh, các tuyến xe buýt, bãi đỗ xe tĩnh, bến tàu khách du lịch…
- Tiếp tục xây dựng hệ thống đường liên thôn, xã tạo thành mạng lưới giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đảm bảo 100% các xã có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã. Tập trung nâng cấp 50km tuyến đường tại các huyện: Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
- Đầu tư hiện đại hoá kết cấu hạ tầng ngành điện, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, ngầm hoá mạng lưới điện và thông tin liên lạc khu vưc nội thành. Hoàn thành viện xây dựng và thực hiện quy hoạch nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông và các công trình thuỷ lợi đa mục tiêu, gắn với quy hoạch các vùng trồng rừng ngập mặn trước đê nhằm phòng chống thiên tai. Từng bước hiện đại hoá hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch cho khu đô thị trung tâm và các vùng nông thôn; đầu tư hệ thống thoát nước và tăng cường quản lý vận hành để đảm bảo giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước khu vực nội thành. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải và các công trình bảo vệ môi trường. Khẩn trương triển khai và hoàn thành Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng.
1.3. Ưu tiên tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
- Sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực của thành phố giai đoạn 2011-2020 theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục- đào tạo thành phố đến năm 2020; xây dựng và triển khai Đề án phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, Đề án đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề.
- Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/4/2008 của Ban Thương vụ Thành uỷ, Nghị quyết số 04/2008/NQ-HĐND ngày 22/4/2008 của Hội đồng nhân dân thành phố về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố đến năm 2010, định hướng 2020, Đề án đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài giai đoạn 2008-2015, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có cơ chế, chính sách ưu tiên, tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, cán bộ khoa học và công nghệ đầu đàn có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt; đội ngũ doanh nhân và lao động có tay nghề cao cho các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội trọng tâm của thành phố. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là ở các vùng đô thị hoá; triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội.
- Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội thành phố và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và bậc học mầm non. Hoàn thành dự án và tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hải Phòng.
- Giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trung học cơ sở, củng cố kết quả phổ cập giáo dục bậc trung học và nghề. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội. Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiên quyết khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và đào tạo trên cả 3 phương diện: động viên nguồn đầu tư phát triển; tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường phối hợp giữa 4 bên (Nhà nước- nhà trường- doanh nghiệp và người học) nhằm triển khai đào tạo theo nhu cầu của xã hội.
- Tích cực triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của thành phố. Sớm duyệt quy hoạch phát triển thị trường khoa học công nghệ đến năm 2020 của thành phố. Xác định rõ lộ trình thực hiện để đẩy mạnh xây dựng kinh tế tri thức của thành phố đến năm 2020.
- Gắn chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, đời sống; phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Tạo sự chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Củng cố, sắp xếp lại và phát triển các cơ sở hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đầu tư đồng bộ cho những cơ sở trọng điểm, xây dựng một số phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt tiêu tiêu chuẩn quốc gia và khu vực để đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng. Coi trọng các hoạt động khoa học xã hội và nhân văn nhằm cung cấp những luận cứ khoa học cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Tăng cường đầu tư của Nhà nước, thực hiện tốt xã hội hoá các hoạt động khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, vững chắc thị trường khoa học và công nghệ.
1.4. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, gắn chặt và đồng bộ với tăng cường nâng cáo hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của thành phố.
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng lấy doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tạo nhưng điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh thương mại. Chú trọng các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư.
- Tổ chức lại các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Chuyển một số công việc và dịch vụ công cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận. Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở nhằm tạo luận cứ cho Chính phủ xác lập mô hình tổ chức phù hợp.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại với số lượng và cơ cấu hợp lý, trong đó 90% đạt tiêu chuẩn quy định; chuẩn hoá trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên và đúng chuyên ngành cần thiết đối với 100% công chức cấp xã; sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức đã được đào tạo. Xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng công khai, cạnh tranh và theo vị trí công tác, nhu cầu công việc.
- Hiện đại hoá trang thiết bị của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả hơn nữa cơ chế “một cửa liên thông, hiện đại hoặc có phần độc lập, chuyên trách” ở cả 3 cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của tất cả các cơ quan hành chính quản lý nhà nước theo hướng trở thành chính quyền điện tử.
- Đổi mới, tạo bước đột phá về cải cách tài chính công, nhất là cơ chế tài chính chủ động cho các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Đa dạng hoá các phương thức tham gia quản lý phát triển kinh tế- xã hội của các chủ thể kinh tế, tăng cường vai trò giám sát cộng đồng.
- Chủ động nghiên cứu đề xuất với Chính phủ và các Bộ tiếp tục cải tiến các thủ tục đăng ký kinh doanh, góp phần giảm chi phí cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, loại trừ các doanh nghiệp kinh doanh không theo quy định của pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.
- Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng lãng phí; thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp phòng ngừa đi đôi với kiên quyết đấu tranh, xử lý các vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Đề cao tính tiên phong gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập cá nhân cán bộ, công chức theo quy định; thực hiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
- Tiếp tục thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; có cơ cế để hoạt động của các cơ quan nhà nước đều có sự giám sát của nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sư là công bộc của nhân dân, có năng lực thực hành dân chủ và bảo đảm dân chủ; nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân và trình độ hiểu biết, điều kiện tham gia quản lý xã hội của nhân dân.
- Xây dựng chính quyền các cấp đảm bảo vững mạnh, trong sạch, thực sự là “của dân, do dân, vì dân”. Tập trung chỉ đạo triển khai tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn và Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; thực hiện có nền nếp, hiệu quả thực sự trong công tác dân vận của chính quyền.
2. Những nhiệm vụ trọng tâm
2.1. Phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, nhất là các dịch vụ có giá trị cao, có thế mạnh, dịch vụ kinh tế biển.
- Phát triển thành phố Hải Phòng thành Trung tâm dịch vụ cảng và vận tải biển lớn, hiện đại, có vị thế đáng kể trong khu vực và thế giới. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ liên quan trực tiếp trên luồng, cầu cảng và kho bãi; nâng cao năng lực thông luồng, tiếp nhận tàu cỡ lớn, hiện đại hoá phương tiện bốc xếp, quản lý, áp dụng công nghệ thông tin, tin học hoá các thủ tục liên quan đến tàu và hàng hoá; hợp lý hoá quản lý, nâng cao năng lực bốc xếp, giải phóng tàu nhanh, giảm thời gian và chi phí của khách hàng.
- Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hiện đại hoá đội tàu biển, nâng cao năng lực vận tải và sức cạnh tranh, giữ vững vai trò là trung tâm hàng đầu của cả nước và đạt vị trí cao trong khu vực. Xây dựng đội tàu biển Hải Phòng với cơ cấu hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và từng tuyến vận tải cụ thể, kết hợp chặt chẽ vận tải biển với các loại hình vận tải khác. Đẩy mạnh vận tải ven biển Bắc-Nam và vận chuyển khách du lịch.
- Xây dựng thêm các trung tâm phân phối nhằm phục vụ thị trường bán lẻ; Hình thành các đầu mối vận tải. Ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số trong các dịch vụ logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại tiến tới phát triển thương mại điện tử và logistics điện tử (e-logistics).
- Phát triển đa dạng các laọi hình dịch vụ hàng hải như: dịch vụ đại lý tàu biển và môi giới hàng hải; dịch vụ lai dắt tàu biển; dịch vụ đại lý vận tải hàng hoá tàu biển; dịch vụ cung ứng tàu biển; dịch vụ giao nhận và kiểm đếm hàng hoá; dịch vụ sửa chữa nhỏ tàu biển tại cảng; dịch vụ vệ sinh môi trường biển; dịch vụ xếp dỡ hàng hoá tại cảng biển; dịch vụ cứu hộ trên biển…
- Sớm phê duyệt và triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu thành phố Hải Phòng đến năm 2020, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
- Phát triển mạnh du lịch theo hướng vừa khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, vừa tôn tại, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Tập trung phát triển các khu du lịch: Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Đồ Sơn, Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh cao cấp đảo Cát Bà, Khu du lịch biển Bạch Long Vĩ. Phát triển các tuyến du lịch biển và ven biển mà chủ đạo là tuyến Đồ Sơn- Cát Bà- Hạ Long- Bái Tử Long; Nâng cao chất lượng các tuyến và các hình thức du lịch hiện có, mở thêm các tuyến và các hình thức du lịch mới.
- Thu hút các nhà đầu tư cung cấp dịch vụ khách sạn, nhà hàng có quy mô lớn, đồng thời thu hút có chọn lọc các công ty điều hành tour có quy mô, phạm vi hoạt động lớn vào thiết lập hiện diện thương mại trên địa bàn Hải Phòng. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu. Tập trung cao cho việc xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng. Đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch. Bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động du lịch nhằm mục đích từng bước nâng cao chất lượng phục vụ đat tiêu chuẩn quốc tế.
- Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng và kỹ thuật phụ trợ, mạng lưới thương mại, mở rộng thị trường; hình thành sàn giao dịch hàng hoá xuất nhập khẩu. Quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường trong nước cho sản phẩm và dịch vụ của Hải Phòng, nhất là ở các địa bàn có tiềm năng lớn.Tăng cường công tác giám sát, quản lý trong lưu thông, phân phối, kiểm tra chất lượng hàng hoá.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng, công ty tài chính lớn đầu tư mở chi nhánh hoạt động tại Hải Phòng; phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ thị trường chứng khoán. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế; quan tâm mở rộng hơn nữa các loại hình bảo hiểm. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, tư vấn, nghiên cứu và chuyển giao khoa học- công nghệ và một số loại hình dịch vụ trong giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân…
2.2. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Hải Phòng đến năm 2020. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt, triển khai Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyển sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố theo hướng sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, phù hợp với hệ thống quản lý môi trường tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế và Đề án xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
- Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực như: cơ khí vận tải, sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết vị, dệt may- da giầy, sản xuất hoá chất- nhựa, sản xuất máy móc thiết bị điện, chế biến thực phẩm, sản xuất điện. Nâng cao năng lực sản xuất vật liệu cấu kiện xây dựng và phát triển ngành xây lắp kết cấu hiện đại. Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, gắn với vùng nguyên liệu và thị trường nông thôn.
- Thực hiện cơ cấu lại một số ngành công nghiệp: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, da giày- dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm… phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, nhiên liệu, có giá trị gia tăng cao hướng về xuất khẩu.
Ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu: Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các dự án sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ ngành đóng tàu như: thép hình, thép tấm, thiết bị điện, điện tử hàng hải, động cơ, chân vịt… nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Khẩn trương thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên phát triển dịch vụ sửa chữa tàu, thu hút đầu tư mới tại khu vực các khu, cụm công nghiệp dọc sông Văn Úc.
Nghành công nghiệp da giày- dệt may: phát triển sản xuất một cách hợp lý theo hướng giảm gia công, tăng cường sản xuất xuất nhập khẩu trực tiếp, tăng tỷ lệ sản phẩm cao cấp, giá trị gia tăng cao trên cơ sở phát triển nhanh các sản phẩm nội địa. Ưu tiên đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trên cơ sở phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo sợi, sản xuất giả da, vài bồi, sản xuất trang thiết bị phụ tùng thay thế; hiện đại hoá dây chuyền sản xuất và tạo năng lực thiết kế mẫu, nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm.
Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Đa dạng hoá các sản phẩm vật liệu xây dựng, hướng vào sản xuất sản phẩm chất lượng cao, giá trị lớn phục vụ cho nội địa và xuất khẩu như: vật liệu xây dựng nhẹ, siêu nhẹ; vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt, cách điện… Không cấp mới các dự án sản xuất xi măng chưa có trong quy hoạch ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.
Công nghiệp chế biến thực phẩm: Tăng nhanh kim ngạch sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, đa dạng hoá sản phẩm, chuyển mạnh từ xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến tinh, chất lượng, giá trị cao phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm đông lạnh, tôm chế biến cao cấp, mực đông lạnh và mực chế biến, các sản phẩm chế biến từ các nguồn sinh vật biển… Mặt hàng nông nghiệp chủ lực là sản phẩm từ lợn, rau, củ, quả các loại. Sớm đưa dự án Nhà máy sản xuất bia chai 50 triệu lít/năm của Công ty Cổ phần HABECO Hải Phòng vào hoạt động.
Công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị: Duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống như máy công cụ cỡ nhỏ, máy gia công áp lực, máy xếp dỡ, máy xây dựng, máy chế biến, đô gỗ, hộp số các loại; hướng mạnh vào sản xuất các thiết bị lẻ, phụ tùng chuyên dùng, các cấu kiện cơ khí phi tiêu chuẩn cho các công trình xây dựng; lắp ráp, sản xuất các động cơ tàu thuỷ đến công suất lớn. Tập trung phát triển sản xuất thiết bị các dây chuyền công nghệ lớn, bộ phận, cụm chi tiết, linh kiện máy; từng bước tiến tới sản xuất thiết bị máy móc đồng bộ, hoàn chỉnh, trước hết hướng vào phục vụ các ngành đóng tàu, các phương tiện vận tải, trang bị bốc xếp và dịch vụ cảng, thiết bị máy móc cho ngành may mặc, giày dép…
- Đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp: Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, khu đô thị công nghiệp và dịch vụ Bắc Sông Cấm, các khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Nam Tràng Cát, An Dương. Hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án sản xuất lớn: Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng II, Nhà máy xơ sợi tổng hợp, Nhà máy sản xuất phôi thép Úc; đẩy nhanh việc triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện III, dự án kho tồn trữ khí và các dự án di chuyển nhà máy đóng tàu…
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại, sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 03/02/2010 của Uỷ ban nhân dân thành phố về tiêu chí, danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không chấp thuận đầu tư trên đại bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2010-2015; bổ sung danh mục không khuyến khích đầu tư các dự án sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng, công nghệ thấp.
- Đẩy mạnh áp dụng cơ khí hoá, tự động hoá trong sản xuất công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại, sử dụng năng lượng tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh đầu tư và có cơ chế khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hoá hướng mạnh về xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
- Tiếp tục triển khai công tác khuyến công theo hướng xã hội hoá, tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển sản xuất, tạo việc làm mới cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn có điều kiện giao lưu, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu hàng hoá.
2.3. Phát triển nông nghiệp, thuỷ sản và đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch của ngành nông nghiệp, đặc biệt là các quy hoạch: phát triển kinh tế thuỷ sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống thuỷ lợi thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ưu tiên cân đối vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện chủ trương công nghiệp hoá , hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của Đảng và Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 tại 143 xã trên địa bàn thành phố, đảm bảo nông thôn Hải Phòng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá- xã hội, có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội phát triển, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chú trọng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị nông thôn trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống nông dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; sản xuất hàng hoá tập trung với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học- công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, tin học hoá nâng cao năng suất, sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động. Tập trung xây dựng các khu công nghiệp sinh thái và công nghệ cao; đổi mới công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông- lâm- thuỷ sản. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại, hộ gia đình, hợp tác xã; chú trọng xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô lớn làm đầu tàu dẫn dắt kinh tế hộ, trang trại; thực hiện tốt mô hình liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Phát triển các lĩnh vực kinh tế thuỷ sản có trọng tâm, ưu tiên các lĩnh vực nhiều lợi thế để Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm sản xuất giống, thức ăn, khoa học công nghệ, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc Bộ. Lấy phát triển nuôi biển làm trọng tâm; áp dụng mô hình nuôi biển tiên tiến, hải sản có giá trị kinh tế cao. Chuyển đổi hợp lý cơ cấu nghề nghiệp khai thác xa bờ, khai thác có hiệu quả các ngư trường trọng điểm, ưu tiên hình thành những tập đoàn khai thác lớn gắn với đảm bảo quốc phòng- an ninh trên biển. Đa dạng cơ cấu sản phẩm thuỷ sản chế biến, sản phẩm thuỷ sản chủ lực đặc trưng của Hải Phòng, có giá trị và sức cạnh tranh cao; chủ động nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Tăng cường đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả các khu hậu cần dịch vụ Thuỷ sản, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở Cát Bà, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng và Bạch Long Vỹ; các dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế thuỷ sản, nhất là chuyển giao ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Triển khai mô hình sản xuất giống cá biển, giống các loại hải sản ở quy mô nhỏ phù hợp với trình độ và đầu tư của nhân dân dựa theo kết quả nghiên cứu sản xuất giống của trại giống quốc gia Cát Bà.
Tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, trước hết ưu tiên các vùng khó khăn. Cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, nâng cao chất lượng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Phát triển hệ thống bưu chính- viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn. Xây dựng hệ thống chợ nông sản phù hợp với từng vùng; phát triển nhanh các trung tâm, trạm giống, cơ sở khuyến nông ở huyện, xã. Nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, bệnh viện tuyến huyện; hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường học; xây dựng các trung tâm, nhà văn hoá- thể thao tại thôn, xã. Có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề và chính sách đảm bảo vệc làm cho nông dân, nhất là ở các vùng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
2.4. Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại.
- Tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch đô thị, đảm bảo công tác quy hoạch đi trước một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Xây dựng thành phố sinh thái- thành phố kinh tế (Eco2 Citiies) đưa Hải Phòng trở thành mô hình trình diễn đầu tiên trên thế giới của Ngân hàng thế giới về Eco2. Bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết, quy hoạch các khu chức năng và các khu dân cư một cách đồng bộ, hợp lý; tập trung triển khai chi tiết quy hoạch các khu vực bảo tồn nhằm giữ gìn các đặc trưng riêng của đô thị Hải Phòng, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội thành phố; hiện đại hoá công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng xây dựng các quy hoạch chi tiết mang tính hiện đại tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới. Tiếp tục thực hiện việc thuê tư vấn nước ngoài để thẩm định một số dự án lớn và xây dựng những quy hoạch lớn, quan trọng, như Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, Khu đô thị Bắc sông Cấm, quy hoạch ven sông Lạch Tray từ Đồng Hoà đến núi Voi,… các quy hoạch vùng. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, công khai các quy hoạch đã được duyệt; đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát của cộng đồng về việc triển khai thực hiện quy hoạch. Quan tâm đầu tư công tác thiết kế đô thị.
- Phát triển các khu đô thị mới hiện đại, đông thời thực hiện chỉnh trang đô thị cũ theo hướng hiện đại kết hợp giữ gìn các công trình văn hoá, kiến trúc có giá trị, đẩy mạnh xây dựng đô thị nông thôn. Tích cực thực hiện việc di chuyển các cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp để dành đất xây dựng các công trình công cộng, công viên cây xanh, phát triển các trung tâm tài chính, thương mại. Đầu tư xây dựng một số công trình như: khu trung tâm hành chính- chính trị thành phố; trung tâm hội nghị quốc tế tại Đồ Sơn; dành quỹ đất và huy động vốn đầu tư cho các trường, cơ sở đào tạo lớn, quan trọng; trung tâm thương mại; trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng; trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học… Tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng, phát triển đô thị, hình thành các khu đô thị mới hiện đại ở Bắc sông Cấm, Nam Tràng Cát… Nghiên cứu thành lập thêm một số quận mới tại khu đô thị Bắc sông Cấm, An Dương, Tràng Cát và Cát Hải.
Đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở, từng bước quan tâm đầu tư nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, sinh viên và công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chú trọng đầu tư phát triển các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí; tôn tạo, xây dựng một số công trình di tích văn hoá- lịch sử, tượng đài (tháp Tường Long, quần thể di tích Nhà Mạc, nghiên cứu xây dựng quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh…). Xây dựng đô thị vệ tinh khu vực các huyện theo hướng đô thị sinh thái, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp lưới điện, giao thông, phát triển mạng viễn thông nông thôn, hệ thống cấp nước và thoát nước thành phố, trạm y tế, trường học, chợ, các khu xử lý rác thải… Tiếp tục thực hiện xã hội hoá trong cải tạo, xây dựng trường học, lưới điện, đường giao thông, trạm y tế, chợ nông thôn. Đầu tư nâng cấp, chỉnh trang, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thị trấn, thị tứ.
- Triển khai đồng bộ, thường xuyên các giải pháp quản lý đô thị, đảm bảo kiến trúc cảnh quan, vệ sinh môi trường, tạo điện mạo mới cho các đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố. Chú trọng công tác quản lý quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị; Củng cố, tăng cường vai trò của Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố và các tổ chức đoàn thể để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý quy hoạch. Xác định rõ nhiệm vụ, chức năng của các cấp chính quyền quận, phường. Kiên quyết thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét về công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch và công tác quản lý đất đai và thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
2.3. Huy động vốn đầu tư phát triển
- Huy động mạnh các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó nguồn nội lực là chủ yếu chiếm khoảng 80%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và viện trợ chiếm 20%. Cùng với coi trọng huy động nguồn nội lực, tăng cường các giải pháp đẩy mạnh huy động các nguồn ngoại lực để đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, nhất là trên các lĩnh vực: du lịch, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…
- Tiếp tục kiến nghị với Trung ương tăng cường đầu tư đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn Trung ương; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành thực hiện tốt Quyết định số 1567/QĐ-TTg ngày 31/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 05/8/2003 của Bộ Chính trị. Chủ động đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương phương án sửa đổi Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg theo hướng tăng cường ưu đãi hơn cho thành phố.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư của toàn thành phố, ban hành danh mục các dự án khuyến khích, kêu gọi đầu tư, không khuyến khích đầu tư, cấm đầu tư cho từng thời kỳ.
- Công khai các quy hoạch đã được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và nhà đầu tư nắm bắt định hướng của thành phố, từ đó xây dựng được kế hoạch đầu tư phù hợp.
- Xây dựng cơ chế, chính sách các bước đi thích hợp cụ thể, hiệu quả nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và hợp tác hai hành lang và một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư từ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng đa dạng hoá các phương thức xúc tiến. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, xúc tiến các hoạt động đầu tư. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế- xã hội, quy hoạch, định hướng đầu tư cho các nhà đầu tư.
Tăng quy mô và hiệu quả đầu tư, chú trọng phát huy nguồn vốn tư nhân cho phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, tiếp tục áp dụng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc tăng cường công tác quản lý đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch, kiểm soát chặt chẽ quy trình đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư. Tăng cường chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm của các cơ quan quả lý, chủ đầu tư, các cơ quan tư vấn. Kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, kiên quyết dừng những dự án đầu tư không hiệu quả, những dự án không còn phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố, những dự án chưa thực sự cấp bách. Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, hạn chế đi đến chấm dứt tình trạng các dự án treo, đầu tư để giữ đất, đầu cơ gây lãng phí nguồn lực; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, thực hiện không đúng tiến độ đã cam kết để giao cho các nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực.
Xây dựng các quy định nhằm xác lập quyền kinh doanh, quyền bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh và tạo cho các doanh nghiệp có cơ hội thuận lợi có thể tiếp cận các nguồn lực. Tăng cường công tác quản lý và phát triển đô thị, quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác phục vụ cho đầu tư phát triển.
2.6. Tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
- Xây dựng các cơ chế tăng nguồn thu ngân sách trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc không làm suy yếu các nguồn thu quan trọng, đồng thời bồi dưỡng, phát triển và mở rông các nguồn thu một cách vững chắc, lâu bền; tăng cường thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án; rà soát, kiểm kê tài sản thuộc sở hữu nhà nước, bán thanh lý các tài sản sử dụng kém hiệu quả. Tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, rà soát quỹ nhà công.
- Đảm bảo tăng thu khu vực kinh tế truyền thống nắm giữ tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Động viên và giải phóng mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển, tạo nguồn thu. Tăng thu từ chuyển quyền sử dụng đất để chi đầu tư phát triển.
- Tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại. Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả tài sản của nhà nước như quỹ đất, quỹ nhà công, cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp… để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhà nước, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện quản lý thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý thuế. Tăng cường thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác kiểm toán, thanh tra, thực hiện công khai, minh bạch về tài chính.
2.7. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội.
- Khẩn trương xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hoá, thể thao và du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Rà soát, quy hoạch phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm.
- Nâng cao chất lượng, đảm bảo thực chất, hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, tập quán lạc hậu. Triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển các giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa”.
- Tăng cường đầu tư nâng cấp và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở, hệ thống thông tin đại chúng và một số công trình văn hoá lớn của thành phố. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá nhất là các di tích lịch sử cách mạng. Tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng kháng chiến cấp thành phố”
- Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, các hoạt động sáng tác văn học- nghệ thuật chuyên nghiệp; phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học- nghệ thuật xứng tầm với vị thế của thành phố. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đồng thời đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thuộc lĩnh vực này. Nâng cấp Trường trung học Văn hoá nghệ thuật thành Trường cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Hải Phòng.
- Đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hoá, hội nhập quốc tế về thể thao từng bước phát triển kinh tế thể thao. Nâng cao thành tích thi đấu của thể thao chuyên nghiệp, phấn đấu giữ vững là một trong những trung tâm thể thao của cả nước. Xúc tiến thành lập Trường trung học phổ thông năng khiếu thể dục thể thao.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Nâng cao chất lượng hoạt động của sàn giao dịch lao động, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động, nhất là nông dân vùng đô thị hoá được học nghề và dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm việc làm. Quy hoạch, đầu tư và phát triển hệ thống đơn vị sự nghiệp về giới thiệu, tư vấn, dịch vụ về lao động, việc làm. Hoàn thành và khai thác có hiệu quả Sàn giao dịch việc làm của thành phố. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, đồng thuận và tuân thủ luật pháp của người sử dụng lao động và người lao động; xây dựng triêể khai Đề án thí điểm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động làm việc ở nước ngoài.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành hệ thống bảo hiểm, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt. Đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ bảo hiểm xã hội, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm tự nguyện, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; chuyển mạnh các loại hình trợ giúp, cứu trợ xã hội sang cấp dịch vụ bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng. Cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn cho người lao động; xây dựng quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Rà soát, xây dựng quy hoạch hệ thống dạy nghề, mở rộng quy mô, đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Xây dựng và triển khai đề án xây dựng Trường cao đẳng nghề lao động- xã hội. Thực hiện tốt đề án phát triển đổi mới công tác dạy nghề đến năm 2020; đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; đề án hỗ trợ thanh niên, bộ đội xuất ngũ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2008-2015. Xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Dạy nghề giai đoạn 2011-2015.
- Nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách và tiếp tục giải quyết tồn đọng, bất hợp lý trong chính sách người có công. Tập trung giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc điôxin, phấn đấu trong giai đoạn 2011-2015 cơ bản giải quyết xong các hồ sơ tồn đọng, đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”; huy động các nguồn lực nhằm thực hiện tốt hơn việc chăm sóc người có công với nước.
Đầu tư nâng cấp Trung tâm điều dưỡng người có công tại Đồ Sơn hiện đang có công suất phục vụ 72 người lên phục vụ 150 người với chất lượng cao hơn. Đầu tư xây dựng nghĩa trang liệt sĩ thành phố có quy mô 2.5000-3.000 mộ để đảm bảo quy tập được hài cốt liệt sĩ của các địa phương không có điều kiện xây dựng nghĩa trang riêng, dựng bia ghi danh các liệt sĩ của toàn thành phố.
- Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo; gắn chặt công tác giảm nghèo với đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết vệc làm cho lao động nông thôn; tiếp tục thực hiện tốt xoá nhà tranh, nhà tạm. Tạo điều kiện, khuyến khích người nghèo vươn lên làm giầu chính đáng và giúp đỡ người khác thoát nghèo. Chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
- Quy hoạch và đầu tư từ đa nguồn cho mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc và tư vấn cho các đối tượng xã hội. Phát triển đa dạng các hình thức tự nguyện, nhân đạo, phi chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận để chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng theo tinh thần xã hội hoá với sự hỗ trợ một phần của nhà nước, cộng đồng và đối tượng tự vươn lên. Đầu tư mở rộng quy mô Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần từ 250 người lên 400 người. Từng bước giải quyết vững chắc tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố.
- Chú trọng bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nhân rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập Trung tâm công tác xã hội trẻ em. Thường xuyên quan tâm thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giới trong quan hệ lao động, quan hệ gia đình; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực gia đình.
- Kiểm soát chặt chẽ, tiến tới đẩy lùi tình trạng gia tăng người nghiện ma tuý, tệ nạn mại dâm. Đảm bảo cơ bản những người nghiện ma tuý, người bán dâm được cai nghiện, chữa trị phục hồi, dạy nghề, tạo việc làm với các hình thức phù hợp. Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
2.8. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp y tế Hải Phòng đến năm 2020. Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc lĩnh vực y tế.
- Tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch để có biện pháp xử lý, bao vây, dập tắt kịp thời, không để dịch lan rộng. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thuốc men, hoá chất cho việc phòng, chống dịch.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh tại các tuyến điều trị. Giải quyết cơ bản tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến thành phố và một số bệnh viện tuyến quận, huyện; duy trì và mở rộng Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
- Đảm bảo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực hoạt động công tác dược phẩm, mỹ phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
- Đảm bảo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực hoạt động công tác dược phẩm, mỹ phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng và bình ổn giá thuốc.
- Thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật về dân số; duy trì ổn định mức sinh hợp lý, giảm sinh con thứ 3 trở lên, thực hiện quy mô gia đình ít con, bảo đảm thực hiện kế hoạch hoá gia đình bền vững, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số.
- Tiếp tục triển khai đồng bộ và nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình can thiệp giảm tác hại và chăm sóc điều trị người nhiễm HIV/AIDS, khống chế số người lây nhiễm HIV/AIDS mới, duy trì hiệu quả hoạt động của dự án Methadone.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các bệnh viên chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi… theo Quyết định số 930/QĐ- TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ; các trung tâm y tế dự phòng.
2.9. Tăng cường bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- Xây dựng và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường thành phố, quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường thành phố Hải Phòng đến năm 2025. Tích cực triển khai quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Sớm xây dựng quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng giai đoạn 2010-2020.
- Chủ động các giải pháp đối phó với tình trạng nước biển dâng trong quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng và tổ chức tốt việc thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan tâm dự báo, xem xét các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các giải pháp ứng phó cũng như các vấn đề bảo vệ môi trường khi xây dựng, điều chỉnh và bổ sung các chiến lược chương trình, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.
- Chú trọng công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất đai, bảo đảm đúng quy hoạch, kế hoạch, tiết kiệm và cân bằng sinh thái. Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản; củng cố, nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Xây dựng và thực hiện chiến lược bảo tồn các nguồn tài nguyên tái tạo; triển khai quy hoạch tổng thể các khu bảo tồn biển thành phố Hải Phòng đến năm 2020; chú trọng bảo tồn các khu vực rừng nguyên sinh, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.
- Tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ môi trường. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và tính chủ động của toàn xã hội về bảo vệ môi trường; thực hiện kinh tế hoá ngành tài nguyên- môi trường và việc sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên- môi trường. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường; kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ cao gây ô nhiễm hoặc sự cố môi trường.
- Giải quyết hài hoà giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội bức xúc và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn. Mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
- Lập Quỹ bảo vệ môi trường hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn; tiết kiệm năng lượng; tiếp tục di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị; quy hoạch hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường để công khai hoá thông tin về môi trường; phòng ngừa khắc phục sự cố môi trường; phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.
Kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất quan trắc môi trường các doanh nghiệp sau đánh giá tác động môi trường. Kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa và ứng cứu sự cố môi trường tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch cảng, các làng nghề; quản lý chất thải rắn, lỏng, chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, y tế đảm bảo theo quy định hiện hành. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản nông sản và sản xuất nông nghiệp.
2.10. Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, mở rộng không gian kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
- Triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh thành phố; chủ động phối hợp thực hiện các chương trình quảng bá quốc gia, các hoạt động tuyên truyền văn hoá, đối ngoại lớn của Trung ương. Gắn kết chặt chẽ hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác lâu dài, có chiều sâu với các đối tác quan trọng; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức và nhân dân các nước trên thế giới. Tích cực tham gia hệ thống hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới, mạng lưới các thành phố lớn Châu Á thế kỷ 21 và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
- Tiếp tục chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng không gian kinh tế của thành phố; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hoá, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ, y tế, thể thao, dảm bảo đúng định hướng, thực sự coi trọng hiệu quả; tham gia các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu về biến đổi khí hậu. Xây dựng, củng cố, mở rộng quan hệ với các đối tác chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Mỹ, EU, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức; mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác thuộc khu vực Trung Đông, phát triển quan hệ thương mại với khu vực châu Phi, châu Mỹ La tình. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến vận động viên trợ phi chính phủ, chương trình hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và trên “hai hành lang, một vành đai” với Trung Quốc.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đối ngoại; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, hội nhập quốc tế, đồng thời bảo vệ bí mật nhà nước, giữ vững an ninh quốc gia, phòng, chống âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, tư tưởng.
- Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài; kết hợp chặt chẽ giữa xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch tại các quốc gia, vùng lãnh thể có tiềm năng. Tăng cường công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.
- Tiếp tục chủ động đề xuất, phối hợp, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung đã xác định trong Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị và trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng thị trường. Chủ động quy hoạch, xây dựng các dự án lớn, quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, có thứ tự ưu tiên để tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn hỗ trợ chính thức của nước ngoài đầu tư.
- Tích cực và chủ động phối hợp, hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, các địa phương trong và ngoài nước thuộc chương trình hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam- Trung Quốc; xây dựng cảng Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng cho các tỉnh phía Bắc Việt nam và Vân Nam, Quảng Tây- Trung Quốc.
- Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng kiến thức về đối ngoại, ngoại ngữ, pháp luật và kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức và đội ngũ doanh nhân của thành phố. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2.11. Thực hiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo nâng cao tính hấp dẫn, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế phát triển. Tiếp tục củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Củng cố, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể; tiếp tục đặt trọng tâm là củng cố các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp, nông thôn, gắn với phát triển làng nghề, thực hiện chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích hình thành thêm doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao, hoạt động có hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng các tập đoàn lớn có tiềm lực về vốn, thị trường và công nghệ, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.
- Tăng cường vai trò của Nhà nước trong quản lý quá trình vận hành của thị trường theo đúng quy định của pháp luật, ban hành và bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương theo thẩm quyền, tạo môi trường thuận lợi cho các thị trường phát triển.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế của chính quyền các cấp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực ngăn ngừa và xử lý kịp thời những biến động xấu đối với sự phát triển chung của kinh tế thành phố. Chú trọng công tác dự báo, nâng cao chất lượng việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, theo hướng hiện đại, đồng bộ hoá, tinh giản bộ máy, giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà, tạo sự chuyển biến thực chất, hiệu quả, vững chắc.
2.12. Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng Hải Phòng trở thành “pháo đài bất khả xâm phạm” về quốc phòng an ninh, là khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ quyền biển đảo và an ninh quốc gia, bảo vệ Đảng, nhà nước và nhân dân. Đồng thời khai thác sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của thành phố, kết hợp chặt chẽ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội - quốc phòng – an ninh- đối ngoại đảm bảo phát triển cân đối, hài hoà, vững chắc.
- Tổ chức bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng- an ninh cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng- an ninh và sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch quốc phòng địa phương phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 1448/QĐ- TTg ngày 16/9/2009 và Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ “về phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020”. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống công trình chiến đấu phù hợp với các dự án phát triển kinh tế lớn của thành phố như: đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đường ô tô ven biển, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cầu Đình Vũ- Cát Hải, khu đô thị- công nghiệp- dịch vụ Bắc sông Cấm, sân bay Cát Bi, khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải, Cảng Nam Đồ Sơn và dự án sân bay quốc tế tại huyện Tiên Lãng…. Chú trọng xây dựng hệ thống phòng thủ dân sự ở các cấp.
- Thường xuyên xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng vũ trong thành phố để thực sự đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. Tập trung xây dựng lực lượng bộ đội thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Bảo đảm giữ vững trận địa chính trị tư tưởng trong lực lượng vũ trang thành phố.
- Tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành kinh tế mang tính lưỡng dụng, vừa bảo đảm cho phát triển kinh tế- xã hội phục vụ đời sống dân sinh thời bình, tạo tiềm lực hậu cần nhân dân địa phương, hậu cần tại chỗ của khu vực phòng thủ thành phố.
- Triển khai thực hiện Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 40-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới, thực hiện đề án “đảm bảo an ninh trật tự cho hội nhập kinh tế quốc tế ở Hải Phòng”
- Chủ động nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, khủng bố. Chủ động xây dựng tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án đảm bảo an ninh trật tự; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh văn hoá- tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh xã hội. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
- Tiếp tục đẩy mạnht hực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình quốc gia phòng chống ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em, đẩy mạnh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, tạo mặt bằng ổn định vững chắc về an ninh trật tự.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Thế trận an ninh nhân dân ở Hải Phòng” gắn với Thế trận quốc phòng toàn dân, Thế trận biên phòng toàn dân vững chắc; thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược biển; xây dựng Hải Phòng thành khu vực phòng thủ vững chắc.
- Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm; kiên quyết trấn áp tội phạm ma tuý,… ; tậpt rung giải quyết các tệ nạn xã hội, làm giảm tai nạn giao thông, tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia bảo vệ an ninh đất nước.
- Tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
III. Những nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020.
Giai đoạn 2016-2020, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn 2011-2015, đồng thời thực hiện bổ sung các nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, coi trọng vai trò chiến lược của nông nghiệp.
- Tích cực triển khai quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ của thành phố Hải Phòng đến năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2020.
- Hiện đại hoá hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hàng hải đạt trình độ của đai thông tin duyên hải quốc tế loại 1, là trung tâm chỉ huy cứu hộ, lai dắt tàu biển, trung tâm xử lý quốc gia về thông tin của hệ thống rada hàng hải…
- Xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực. Cơ cấu lại lực lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, phấn đấu đến năm 2020 có doanh nghiệp logistics đạt tầm cỡ khu vực. Xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia tại Lạch Huyện và các trung tâm logistics gần các cảng, hệ thống giao thông, các khu kinh tế, khu công nghiệp…
- Hình thành các trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế ở các khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi trên cơ sở phát triển đa dạng các tuyến du lịch và các loại hình du lịch- thể thao- giải trí cả ở trên bờ, trên biển và trên các hải đảo. Tập trung đầu tư Khu du lịch sinh thái ven sông Đa Độ- Kiến Thuỵ, Khu du lịch sông Giá- Thuỷ Nguyên, Khu du lịch phía Nam (Tiên Lãng, Vĩnh Bảo), Khu vực du lịch nội thành và lân cận…
- Hình thành các trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu quốc gia và quốc tế tại Hải Phòng, các trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp của thành phố. Xây dựng Trung tâm thương mại, Hội chợ- triển lãm quốc tế Việt Nam- Trung Quốc làm đầu mối chính trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước qua hai hành lang, một vành đai kinh tế. Xây dựng thêm từ 1-2 trung tâm phân phối bán buôn theo mô hình Cash&Carry. Phát triển, nâng cấp hệ thống kho đầu mối thông dụng và kho xăng dầu.
- Phát triển Hải Phòng thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Xây dựng Trung tâm tài chính lớn và hiện đại quy mô khu vực và quốc tế và hệ thống ngân hàng hoạt động đa năng, hiệu quả, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, có năng lực cạnh tranh, hội nhập với hệ thống ngân hàng thế giới. Hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Nâng cao chất lượng và đổi mới các hoạt động hệ thống ngân hàng trong nước, khuyến khích phát triển các hình thức ngân hàng cổ phần, tín dụng ngoài quốc doanh để phát triển dịch vụ tiền tệ.
- Ưu tiên phát triển các ngành có các sản phẩm có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như: sản xuất các loại thiết bị siêu trường, siêu trọng, thiết bị điện tử dân dụng, thiết bị điện, phụ tùng ô tô xe máy, động cơ diezen, thiết bị cơ điện tử, thiết bị chuyên dụng điện tử- tin học, máy tính. Phát triển công nghiệp dầu khí. Nghiên chế tạo, sản xuất các trang thiết bị cho bảo quản, chế biến thuỷ sản và các phụ tùng thay thế của ngành nông nghiệp. Đảm bảo đến 2020, một số phân ngành, sản phẩm công nghiệp của Hải Phòng có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới.
- Tiếp tục thu hút các dự án nước ngoài nhóm công nghệ rất mới, rất hiện đại, tạo thành cụm công nghiệp điện tử để trở thành một trung tâm hàng đầu của công nghiệp Việt Nam.
- Ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu: Tập trung đầu tư để chuyển đổi phương thức hoạt động bằng cách ứng dụng công nghệ số hoá trong sản xuất; thiết lập được các quá trình sản xuất tối ưu, các hệ thống sản xuất có tính tự động hoá. Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm đóng và sửa chữa tàu thuyền lớn nhất Việt Nam và khu vực, có thể đóng mới tàu vận tải đến 20-25 vạn DWT và các loại tầu chuyên dùng khác như tầu chở dầu, tầu container, tầu công trình, tầu thăm do và khai thác dầu khí, tầu du lịch, tầu cá công suất lớn, tầu quân sự… đạt tiêu chuẩn quốc tế. Triển khai xây dựng một số nhà máy đóng tầu quy mô lớn cùng công nghiệp phụ trợ tại Khu công nghiệp Đình Vũ- Cát Hải. Phát triển đồng bộ các cơ sở công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tầu, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá.
- Ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị: Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ và trang thiết bị sản xuất, mở rộng chủng loại sản phẩm theo hướng sản phẩm công nghệ cao. Khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài vào tất cả các lĩnh vực của sản xuất cơ khí chế tạo máy với công nghệ sản xuất hệ CIM. Thu hút đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản phẩm mới, sản xuất công nghệ tạo cơ sở hình thành nền công nghệ nguồn cho thành phố.
- Ngành công nghiệp luyện kim: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện năng lực xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường và hướng mạnh ra xuất khẩu. Khuyến khích các dự án đầu tư đồng bộ từ sản xuất phôi đến cán kéo, định hình thép hoặc các dự án sản xuất kim loại màu, thép đặc chủng, hợp kim cao cấp.
- Ngành công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng: Phát triển sản xuất kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát, gạch không nung, vật liệu xây dựng từ kim loại, các loại vật liệu mới, vật liệu xây dựng từ nhựa, gỗ từng bước nâng cấp chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Ngành dệt may- da giầy: Thu hút mới các nhà máy sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, có thương hiệu; thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và chính sách hậu mãi sản phẩm. Đầu tư dây chuyền sản xuất theo hướng công nghệ cao, sử dụng chủ yếu là công nhân kỹ thuật, giảm thiểu lao động thủ công đơn giản, hiện đại hoá công đoạn thiết kế mẫu mã.
- Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới đồng bồ dây chuyền công nghệ, trang thiết bị, đa dạng hoá sản phẩm, nâng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, tăng tỷ lệ thuỷ sản qua chế biến công nghiệp đạt 80%. Đặt cơ sở chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu và sản phẩm đầu tư ra là sản phẩm chế biến sâu, có thị trường ổn định. Hoàn thiện hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; nâng công suất nhà máy chế biến thịt lên 15.000 tấn/năm. Khuyến khích các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với công nghệ chế biến cao cấp.
- Nghiên cứu xây dựng nhà máy lọc hoá dầu tại Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải.
- Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống, dự kiến giai đoạn 2016-2020 phát triển thêm 15-17 làng nghề. Hiện đại hoá sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, vật liệu mới đối với các cơ sở, làng nghề sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, thực hiện quy hoạch xử lý nước thải tập trung.
- Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến và thị trường đô thị; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Chuyển dịch cơ cấu trồng trọt từ sản xuất lương thực là chính sang rau đậu, quả thực phẩm, hoa và cây cảnh. Hiện đại từ khâu sản xuất giống đến kỹ thuật canh tác và bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Xây dựng thương hiệu hàng nông sản nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm đặc sản. Đầu tư nâng cấp phòng kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý chất lượng nông sản và vật tư nông nghiệp.
- Hình thành các vườn cây ăn quả tập trung kết hợp với du lịch sinh thái; phát triển các mô hình canh tác hỗn hợp; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung với sản lượng hàng hoá cao. Phát triển các vùng nuôi công nghiệp gắn với các khu du lịch nhằm tạo sinh cảnh mới cho du lịch của thành phố.
- Xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bạch Long Vĩ, Cát Bà trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng. Ứng dụng các công nghệ mới của thế giới trong ngành thuỷ sản: công nghệ tiên tiến trong khai thác thuỷ sản xa bờ, công nghệ sinh học trong nuôi thuỷ sản, công nghệ chế biến tạo ra các mặt hàng có giá cao; công nghệ bảo quản làm giảm bớt thất thoát sau thu hoạch. Phối hợp các Viện nghiên cứu thuỷ sản triển khai các dự án, chương tình nghiên cứu và ứng dụng khoa học. Nâng cấp Viện nghiên cứu thủy sản Hải Phòng; đưa Hải Phòng trở thành trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ thuỷ sản của miền Bắc. Phát triển đội tàu đánh cá xa bờ có trang thiết bị hiện đại, khai thác an toàn và hiệu quả trong vùng đánh có chung Việt Nam- Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ và vùng biển khơi.
- Phát triển lâm nghiệp theo hướng khai thác tổng hợp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trong mối quan hệ liên ngành để bảo vệ sản xuất, đời sống, an ninh quốc phóng, đảm bảo phát triển bền vững. Bảo tồn, nâng cấp các diện tích rừng hiện có, trồng mới rừng phòng hộ, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động kiểm tra quản lý bảo vệ rừng.
2. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội. Từng bước xây dựng Hải Phòng theo hướng trở thành thành phố quốc tế.
- Thay đổi chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng lấy vùng ven biển làm trục phát triển, lấy hành lang vận tải ven biển là hướng chính, giảm vận tải trên bộ. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng động bộ, mang đặc trung của thành phố cảng biển, đạt tiêu chuẩn của một thành phố hiện đại. Kết nối các đô thị ven biển và các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển thành một chuỗi kinh tế “hướng biển” liên hoàn.
- Hình thành và phát triển các dải hành lang đô thị ven biển gắn với trục công nghiệp đường quốc lộ số 5, đường quốc lộ số 10 và cảng Hải Phòng tạo thành một chùm đô thị- công nghiệp có sức thu hút và lan toả lớn, đóng vai trò là động lực đối với sự phát triển của vùng Bắc Bộ.
- Mở rộng mạng lưới giao thông bao gồm cả đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đường hàng không với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam- Trung Quốc. Cải tạo, nâng cấp quốc lội 5, quốc lộ 10. Xây dựng, cải tạo các tuyến đường vành đai, các đường hướng tâm, các tuyến đường đô thị đảm bảo kết nối giữa các khu ở với khu trung tâm, khu cụm công nghiệp. Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, tuyến đường sắt vùng Duyên hải Bắc Bộ. Nâng cấp sân bay quân sự Kiến An để phục vụ cho cả nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế; nghiên cứu xây dựng sân bay taxi ở Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ phụ vụ du lịch và cứu hộ.
- Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của tất cả các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các cụm công nghiệp địa phương. Kết nối các khu cụm công nghiệp theo các chuỗi sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tới chân hàng rào các khu cụm công nghiệp.
Phát triển Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải thành một khu kinh tế tổng hợp có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng, một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của Vùng Bắc Bộ và cả nước, đồng thời là cửu mở ra biển chủ yếu của hai hành lang, một vành đai kinh tế. Khuyến khích phát triển các ngành, lĩnh vực trong Khu kinh tế gồm: đóng tàu, nhiệt điện, cơ khí, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp; hoá dầu; công nghiệp cảng và các ngành công nghiệp, dịch vụ cảng; sản xuất các thiết bị tin học, thiết bị tự động hoá; sản xuất vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; lắp ráp, chế tạo thiết bị nặng; sản xuất các sản phẩm nhựa cao cấp, các chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, du lịch…
- Tạo điều kiện để cùng các chủ đầu tư đẩy nhanh và triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các cảng, bến, cầu cảng, cải tạo các luồng vào cảng theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đầu tư trang bị hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động hàng hải trong khu vực cảng biển Hải Phòng, đầu tư trang bị tàu nạo vét chuyên dụng phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng luồng nhằm đảm bảo độ sâu khai thác luồng luôn ổn định theo thiết kế.
- Xây dựng thêm một số nhà máy nước lớn ở Dương Kinh, Thuỷ Nguyên, An Dương, Hải An.
- Phát triển đô thị trung tâm, hệ thống đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn tạo ra một bức tranh mới của thành phố Hải Phòng. Mở rộng không gian nội thành và hình thành các khu đô thị mới. Từ hạt nhân nội thành vươn ra khoảng 15-20km để phát triển các khu đô thị theo các hướng chính (Đồ Sơn, đường 5, Kiến An, Thuỷ Nguyên) gắn với hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị Bắc Sông Cấm đối diện với cảng chính Hải Phòng; Phát triển các thị tứ và các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở bố trí lại cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, thu hút nhiều lao động nông nghiệp vào phát triển công nghiệp, tiểu thu công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dịch vụ. Xây dựng các khu tái định cư cao tầng cho các dự án đầu tư mới với quan điểm tái định cư gắn với mở rộng, chỉnh trang và phát triển đô thị.
- Xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại, đồng bộ và rộng khắp, cung cấp các dịch vụ đa dạng, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; Chú trọng phát triển mạng viễn thông nông thôn.
3. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.
- Đề nghị Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại cho thành phố để tăng đầu tư cho các công trình hạ tầng.
- Đối với nguồn vốn ODA: Chủ động xây dựng các dự án khả thi và tạo nguồn vốn đối ứng để thu hút nguồn vốn ODA. Đề xuất tham gia và phối hợp với Ban tổ chức các Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ nhằm tăng cường mối quan hệ và tạo điều kiện cho các nhà tài trợ hiểu rõ hơn về nhu cầu của thành phố.
- Thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn đầu tư FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế quốc lớn. Ưu tiên cho các nhà đầu tư lớn, công ty xuyên quốc gia tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực tạo cú hích tăng trưởng cho thành phố, như: Phát triển các khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà; đội tàu đánh bắt xa bờ và chế biến thủy sản cao cấp; đội tàu vận tải viễn dương và phát triển các dịch vụ hàng hải; công nghiệp đóng tàu và cơ khí nặng; bệnh viện quốc tế, chất lượng cao, khám chữa bệnh cho thuỷ thủ, khách du lịch và bệnh nhân có khả năng chi trả cao; trường đại học quốc tế có tầm cỡ khu vực; thương mại, tài chính, ngân hàng.
- Mở rộng các kênh huy động vốn tín dụng dài hạn, uỷ thác đầu tư, thuê mua tài chính. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đầu tư dài hạn, trung hạn và các chính sách bảo lãnh của Nhà nước. Khuyến khích áp dụng hình thức đầu tư theo các hình thức: BOT, BTO, BT, PPP. Thí điểm việc phát hành trái phiếu đô thị.
4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá xã hội.
- Tạo các điều kiện thuận lợi để xây dựng Trường Đại học Hải Phòng trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia phục vụ Chiến lược Phát triển kinh tế biển của nước nói chung và thành phố nói riêng. Phát triển các Trường cao đẳng nghề: Công nghiệp, Bách nghệ, Duyên Hải, Vinashin có các nghề đào tạo đạt trình độ quốc tế và phấn đấu nâng cấp ít nhất một trường thành Trường Đại học chuyên ngành kỹ thuật. Đầu tư đồng bộ (cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên) cho các trường: Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật… Khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để đến năm 2020, thành lập ít nhất một trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung làm tăng tính khả thi và tăng tính khuyến khích đối với các cơ sở đao tạo vay vốn tín dụng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất vay.
- Đổi mới nội dung, phương pháp tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông, định hướng cho học sinh nhận thức đúng đắn, đầy đủ khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho mình…, góp phần trong việc phân luồng học sinh ngay khi còn học ở các bậc phổ thông. Quan tâm công tác hướng nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề để người học sớm có việc làm.
- Duy trì và phát triển các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của thành phố; đặc biệt quan tâm đến xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng và quy hoạch cán bộ. Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài đến năm 2020. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ thông qua cơ chế thi tuyển công khai. Thí điểm thực hiện trả lương, phân phối thu nhập theo năng lực và kết quả công tác; có chính sách phụ cấp và đãi ngộ đặc biệt (nhà ở, đào tạo…) cho nhân lực có trình độ cao.
- Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực, trình độ tham gia hoạt động, hỗ trợ người lao động vay vốn để thực hiện các thủ tục xuất khẩu lao động.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở y tế chuyên khoa có chất lượng cao. Đẩy mạnh xã hội hoá y tế, phấn đấu có ít nhất một bệnh viện quốc tế kỹ thuật cao trên địa bàn thành phố. Hoàn thiện hệ thống y tế từ thành phố tới cơ sở, đặc biệt là Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 tạo thành mạng lưới chăm sóc sức khoẻ đồng bộ đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thành phố và các tỉnh duyên hải Bắc Bộ.
- Xây dựng Khu liên hợp thể thao tiêu chuẩn hiện đại, đóng vai trò là một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước. Tiếp tục phát triển thể dục, thể thao quần chúng, thể dục, thể thao giải trí; hoàn thiện hệ thống thi đấu thể dục, thể thao quần chúng các câu lạc bộ cơ sở của thể dục, thê thao quần chúng, thể thao giải trí.
Đổi mới cơ chế tổ chức và nội dung tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích hoạt động tài trợ và kinh doanh dịch vụ thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất cho thể dục, thể thao quần chúng ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư và phát triển thể dục, thể thao học đường ở các trường học.
- Xây dựng nền văn hoá cuả thành phố thống nhất trong tính đa dạng của văn hoá vùng đồng bằng sông Hồng và văn hoá Việt Nam, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá- nghệ thuật truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Tạo lập môi trường văn hoá lành mạnh và gắn kết hữu cơ giữa gia đình, cộng đồng dân cư và xã hội. Tạo cơ hội cho mọi người có thể tham gia sáng tạo và hưởng thụ các hoạt động văn hoá, xã hội nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển văn hoá- xã hội. Gắn văn hoá với đời sống xã hội, hướng mọi hoạt động của văn hoá vào việc xây dựng con người mới.
Nâng cao chất lượng nghệ thuật, phấn đấu tạo được nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao; đầu tư để có nhiều kịch bản, vở diễn có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Thường xuyên quan tâm thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giới trong quan hệ lao động, quan hệ gia đình; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực gia đình.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020, các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương triển khai xây dựng Chương trình hành động, các kế hoạch công tác cụ thể cho ngành, lĩnh vực, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm, các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện báo cáo kết qủa thực hiện về Uỷ ban nhân dân thành phố.
2. Định kỳ hàng năm, Uỷ ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động, đồng thời bổ sung, điều chỉnh các nội dung của Chương trình cho phù hợp với tình hình mới.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở, ngành và địa phương kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố./.
DANH MỤC
DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2011-2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Kèm theo Chương trình hoạt động của Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước)
STT | Tên dự án | Tổng mức đầu tư (Tỷ đồng) | Nguồn vốn |
1 | Khu đô thị ngã 5- Sân bay Cát Bi | 1.881 | Ngân sách +vốn doanh nghiệp +tín dụng |
2 | Nâng cấp đô thị Hải Phòng | 632 | ODA Ngân hàng thế giới +Ngân sách |
3 | Khu đô thị Hồ Sen- Cầu Rào II | 950 | Ngân sách + tín dụng +huy động |
4 | Khu đô thị mới Bắc sông Cấm | 2.000 | Ngân sách + huy động |
5 | Cầu Rào 2 | 350 | Ngân sách |
6 | Cầu Bính 2 |
| Ngân sách +ODA + huy động |
7 | Dự án xây dựng Cầu Khuể | 1.400 | Ngân sách + tín dụng |
8 | Đường Hồ Sen- Cầu Rào II | 192 | Ngân sách + tín dụng + huy động |
9 | Đường 356 đoạn 2A từ Ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đĩnh Vũ | 319 | Ngân sách |
10 | Đường trục mặt cắt 100m Lạch Tray- Hồ Đông | 2.000 | Ngân sách + vốn doanh nghiệp + tín dụng |
11 | Đường Đông Khê 2 | 1.000 | Ngân sách + huy động |
12 | Đường vành đai 3 |
| Ngân sách + huy động |
13 | Đường phòng thủ phía Đông Nam thành phố | 100 | Ngân sách+ huy động |
14 | Đường liên tỉnh từ Thuỷ Nguyên đi Kinh Môn (Hải Phòng) | 95 | Ngân sách |
15 | Đường trục quận Kiến An | 500 | Ngân sách |
16 | Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng | 232,5 triệu USD | ODA + ngân sách thành phố |
17 | Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ Bắc sông Cấm | 100,4triệu USD | Vốn nước ngoài |
18 | Hạ tầng khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải |
| Ngân sách + huy động |
19 | Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp |
| Ngân sách + huy động |
20 | Thoát nước mưa, nước thải, quản lý chất thải rắn giai đoạn I | 4.526 | Ngân sách + ODA Nhật Bản |
21 | Thoát nước mưa, nước thải, quản lý chất thải rắn giai đoạn II |
| Ngân sách + ODA |
22 | Dự án tuyến đê quai lấn biển huyện Tiên Lãng | 10.000 | Ngân sách + huy động |
23 | Nâng cấp hệ thống đê biển | 1.100 | Ngân sách |
24 | Xây dựng hạ tầng nông thôn | 10.253 | Ngân sách + huy động |
25 | Xây dựng Trường Đại học Hải Phòng theo hướng đa ngành | 700 | Ngân sách |
26 | Trường trung học phổ thông chuyên Trần Phú | 240 | Ngân sách |
27 | Xây dựng Bệnh viện Việt Tiệp thành Bệnh viện Đa khoa khu vực | 1.280 | Ngân sách, xã hội hoá |
28 | Xây dựng Khu liên hợp thể thao đường 14 quy mô khu vực vùng duyên hải. | 1.000 | Ngân sách + huy động |
29 | Bệnh viện nhi, Bệnh viện phụ sản thành Trung tâm nhi, sản khoa Vùng |
| Ngân sách + xã hội hoá |
30 | Quảng trường và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh |
| Ngân sách + xã hội hoá |
31 | Khu du lịch sinh thái ven sông Đa Độ- Kiến Thuỵ |
| Xã hội hoá |
32 | Khu du lịch sông Giá- Thủy Nguyên |
| Xã hội hoá |
33 | Các dự án hạ tầng du lịch | 100 | Ngân sách + huy động |
34 | Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội quận Đồ Sơn, huyện Cát Hải, huyện đảo Bạch Long Vỹ | 100 | Ngân sách + huy động |
35 | Đầu tư xây dựng hạ tầng quận mới Hải An, Dương Kinh |
| Ngân sách + huy động |
36 | Cảng và khu neo đậu tàu thuyền Bạch Long Vỹ | 560 | Ngân sách |
37 | Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Cát Bà | 250 | Ngân sách |
38 | Khu nghiên cứu, chuyển giao và ươm tạo công nghệ | 312,5 | Ngân sách |
39 | Xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia tại Lạch Huyện |
| Vốn nước ngoài + xã hội hoá + ngân sách |
40 | Xây dựng Trung tâm thương mại, Hội chợ- triển lãm quốc tế Việt Nam- Trung Quốc (*) |
| Vốn nước ngoài + Xã hội hoá + ngân sách |
41 | Xây dựng Trường Đại học quốc tế |
| xã hội hoá |
42 | Xây dựng Bệnh viện quốc tế |
| xã hội hoá |
43 | Nhà văn hoá thiếu nhi thành phố | 82 | Ngân sách + xã hội hoá |
44 | Khu di tích Trạng Trình giai đoạn III |
| Ngân sách + xã hội hoá |
45 | Kho lưu trữ chuyên dụng thành phố | 80 | Ngân sách |
46 | Xây dựng nhà máy lọc hoá dầu tại Khu công nghiệp Đình Vũ- Cát Hải |
| Ngân sách + huy động |
47 | Xây dựng Trung tâm phân phối bán buôn theo mô hình Cash&Carry |
| Vốn nước ngoài + huy động |
48 | Xây dựng kho đầu mối xăng dầu |
| Huy động |
II | TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN |
|
|
1 | Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng | 15.400 | Ngân sách + huy động |
2 | Đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng | 24.566 | Ngân sách + tín dụng + ODA |
3 | Đường Tân Vũ-Lạch Huyện | 8.187 | Huy động |
4 | Đường sắt cao tốc Hà Nội- Hải Phòng |
| ODA + ngân sách + xã hội hoá |
5 | Nâng cấp đường sắt Hà Nội- Hải Phòng |
| Ngân sách + xã hội hoá |
6 | Đường bộ ven biển |
| Ngân sách + huy động |
7 | Cảng quân sự Nam Đồ Sơn | 15.600 | Ngân sách + tín dụng + huy động |
8 | Cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Quốc tế Cát Bi | 300 | Ngân sách |
9 | Quốc lộ 37 |
| Ngân sách + huy động + ODA |
10 | Cầu Cát Hải- Cát Bà |
| Ngân sách + huy động |
11 | Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Đồ Sơn |
| Ngân sách + xã hội hoá |
12 | Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh cao cấp đảo Cát Bà |
| Ngân sách + xã hội hoá |
13 | Khu du lịch biển Bạch Long Vĩ |
| Ngân sách + xã hội hoá |
14 | Nâng cấp sân bay quận sự Kiến An |
| Ngân sách |
15 | Trường Đại học Hàng Hải trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia |
| Ngân sách + xã hội hoá |
16 | Nhà máy nhiệt điện III |
| Ngân sách + ODA |
17 | Cải tạo quốc lộ 5 |
| Ngân sách + ODA + huy động |
18 | Cải tạo quốc lộ 10 |
| Ngân sách + ODA + huy động |
19 | Đường nối quốc lộ 5 với quốc lộ 10 |
| Ngân sách + ODA + huy động |
(*); Quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 34/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009
DỰ BÁO VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN
(Ban hành kèm theo Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 của cả nước)
Chỉ tiêu | 2011-2015 | 2016-2020 |
Tổng vốn đầu tư | 200.000-220.000 | 380.000 |
1. Phân theo nguồn vốn |
|
|
- Ngân sách nhà nước | 60.000-66.000 | 114.000 |
- Vốn vay | 20.000-22.000 | 38.000 |
- Vốn doanh nghiệp, dân tự đầu tư | 80.000-88.000 | 152.000 |
- Vốn nước ngoài | 40.000-44.000 | 76.000 |
2. Phân theo ngành |
|
|
- Công nghiệp- xây dựng | 64.000-70.400 | 121.600 |
- Nông, lâm, ngư nghiệp | 6.000-6.600 | 11.400 |
- Dịch vụ | 130.000-143.000 | 247.000 |
PHỤ LỤC
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020
(Kèm theo Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 21/4/2011 của UBND TP)
TT | Nhiệm vụ và nội dung | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian bắt đầu/hoàn thành | Nguồn lực thực hiện |
1 | Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông vận tải đường bộ, đường sắt thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng quy hoạch chi tiết về giao thông đường bộ và quy hoạch chi tiết bến, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố | Sở giao thông vận tải | Các Sở, ban, ngành | 2011-2012 | Ngân sách sự nghiệp kinh tế |
2 | Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thành phố Hải Phòng đến năm 2020 | Sở Tài nguyên và Môi Trường | Các Sở, ban, ngành | 2011 | Ngân sách sự nghiệp kinh tế |
3 | Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020 và quy hoạch điện lực các quận, huyện | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011 | Ngân sách sự nghiệp kinh tế |
4 | Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông thành phố Hải Phòng đến năm 2020 và quy hoưyệnngs dụng và phát triển công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020 | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ban, ngành | 2011 | Ngân sách sự nghiệp kinh tế |
5 | Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thành phố Hải Phòng đến năm 2020, quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn Hải Phòng đến năm 2020. | Sở Giao thông vận tại | Các Sở, ban, ngành | 2011-2020 | Ngân sách sự nghiệp kinh tế |
6 | Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng lấy vùng ven biển làm trục phát triển, lấy hành lang vận tải ven biển là hướng chính. | Sở Xây dựng | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách Trung ương ODA và các nguồn khác |
7 | Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển | Sở Giao thông Vận tại | Các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách Trung ương ODA và các nguồn khác |
8 | Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông | Sở Giao thông Vận tại | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận và các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách Trung ương ODA và các nguồn khác |
9 | Điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực của thành phố giai đoạn 2011-2020. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011 | Ngân sách sự nghiệp kinh tế |
10 | Xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục- đào tạo thành phố đến năm 2020 | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các sở, ban, ngành | 2011 | Ngân sách sự nghiệp kinh tế |
11 | Xây dựng và triển khai Đề án phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề. Đề án đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đề án dạy nghề cho người nghèo | Sở Lao động Thương binh và Xã hội | Các Sở, ban, ngành, các cơ sở đào tạo | 2011-2020 | Ngân sách Trung ương, địa phương, xã hội hoá |
12 | Phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập công nghiệp hoá, hiện đai hoá thành phố đến năm 2010, định hướng 2020 | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ban, ngành, các cơ sở đào tạo | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
13 | Quy hoạch và đầu tư mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ban, ngành, các cơ sở đào tạo | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
14 | Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo | Sở Giáo dục và Đào tạo | Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các cơ sở đạo tạo | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
15 | Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của thành phố, quy hoạch phát triển thị trường khoa học công nghệ đến năm 2020 của thành phố | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ban, ngành | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
16 | Đề án xây dựng nền kinh tế tri thức | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ban, ngành | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
17 | Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của thành phố | Sở Nội vụ | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
18 | Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hải Phòng | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành | 2011-2012 | Ngân sách |
19 | Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố theo hướng sử dụng công nghệ thân môi trường, phù hợp với hệ thống quản lý môi trường tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế và Đề án xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành | 2011 | Ngân sách |
20 | Đề án phát triển công nghiệp dầu khí tại Hải Phòng | Sở Công thương | Các sở, ban, ngành | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước nước, xã hội hoá |
21 | Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại thành phố Hải Phòng đến năm 2020 | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2014-2015 | Ngân sách |
22 | Chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, thu hút đầu tư vào công nghiệp, đổi mới công nghệ sản xuất. | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, vốn tự có của doanh nghiệp, xã hội hoá |
23 | Quy hoạch xây dựng khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải | Ban Quản lý khu kinh tế | Các Sở, ban, ngành | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, huy động |
24 | Hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp | Ban Quản lý khu kinh tế | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
25 | Quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu thành phố Hải Phòng đến năm 2020, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ thành phố Hải Phòng đến năm 2020 | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành | 2011 | Ngân sách |
26 | Đề án xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
27 | Đề án phát triển Hải Phòng thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế | Sở Tài chính | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
28 | Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, một trọng điểm du lịch quốc gia | Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
29 | Xây dựng chiến lược xuất khẩu trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế, năng lực của các ngành sản xuất chủ lực, các hoạt động xúc tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
30 | Đề án hình thành các trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu quốc gia và quốc tế tại Hải Phòng | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
31 | Đề án hình thành các trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp của thành phố | Sở Công thương | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
32 | Phát triển nông nghiệp thuỷ sản và đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
33 | Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
34 | Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đến năm 2020 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
35 | Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống thuỷ lợi thành phố Hải Phòng đến năm 2020 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
36 | Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
37 | Xây dựng và triển khai các quy hoạch chi tiết và Đề án thuộc ngành nông nghiệp | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
38 | Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 143 xã | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
39 | Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại. Từng bước xây dựng, phát triển Hải Phòng theo hướng trở thành thành phố quốc tế | Sở Xây dựng | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn doanh nghiệp, xã hội hoá |
40 | Đề án tăng thu ngân sách | Sở Tài chính | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách |
41 | - Huy động vốn đầu tư phát triển; - Xây dựng các biện pháp điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư; các cơ chế chính sách, chương trình, giải pháp khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn thành phố; - Lập danh mục các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015; xác định rõ thứ tự ưu tiên và các nguồn vốn để thực hiện. - Phát triển và đổi mới doanh nghiệp; | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, vốn ngoài ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài |
42 | Quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hoá, thể thao và du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 | Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2012 | Ngân sách sự nghiệp |
43 | Quy hoạch phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm | Sở Lao động- Thương binh và Xã hội | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2012 | Ngân sách sự nghiệp |
44 | Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội | Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
45 | Đề án đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà và Vịnh Lan Hạ là di sản thiên nhiên thế giới. | Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch | Uỷ ban nhân dân huyện Cát Hải | 2011-2015 | Ngân sách, xã hội hoá |
46 | Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân | Sở Y tế | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách xã hội hoá |
47 | Tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách xã hội hoá |
48 | Đề án xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố đến 2015 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2015 | Ngân sách xã hội hoá |
49 | Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, mở rộng không gian kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại | Sở Ngoại vụ | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách xã hội hoá |
50 | Đề án phát triển công tác đối ngoại thành phố Hải Phòng đến năm 2020 | Sở Ngoại vụ | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 |
|
51 | Đề án phát triển kinh tế- xã hội thành phố Hải Phòng trong tổng thể hợp tác phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam- Trug Quốc đến năm 2020 | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, vốn nước ngoài, xã hội hoá |
52 | Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội | Công an thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng | Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị có liên quan | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
53 | Đề án phòng chống trộm cắp, cướp giật | Công an thành phố | Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân quận, huyện | 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
54 | Đề án phối hợp với lực lượng công an các tỉnh lân cận trong việc ngăn ngừa tội phạm, bao gồm cả tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế | Công an thành phố |
| 2011-2020 | Ngân sách, xã hội hoá |
55 | Hoàn thiện khung khổ thể chế về điều hành và quản lý phát triển thành phố | Sở Tư pháp | Các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân quận, huyện | 2011-2012 | Ngân sách |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.